Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Con Người Đối Diện Với Sự Đánh Đổi.

CON NGƯỜI ĐÁNH DIỆN VỚI SỰ ĐÁNH ĐỔI 
Con người phải đối diện với sự đánh đổi là nguyên lý số một của Kinh tế học Mankiw. Để có bữa ăn sáng, người ta phải trả tiền. Trả tiền trong trường hợp này chính là hình thức đánh đổi cụ thể – đổi tiền để lấy bữa ăn sáng. Để có tiền, người ta lại phải đánh đổi những thứ khác. Cứ thế, đánh đổi diễn ra hàng ngày để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mỗi người. Kinh tế học của Karl Marx chỉ nghiên cứu sự ‘trao đổi’ hàng hóa – tế bào của xã hội tư bản, để từ đó ông tìm ra ‘qui luật giá trị thặng dư’. Kinh tế học của Mankiw mở rộng phạm vi nghiên cứu, từ ‘trao đổi’ thành ‘đánh đổi’. Đánh đổi không chỉ diễn ra ở hàng hóa, dịch vụ mà đánh đổi còn diễn ra trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Một sinh viên tăng thêm giờ học cho môn học này thì sẽ phải bớt giờ của môn học khác hoặc phải bớt đi giấc ngủ trưa. Một cán bộ được cử đi học có thể sẽ phải chịu mất thu nhập ‘phong bì’ hoặc mất dịp cơ cấu. Muốn thăng quan tiến chức cũng phải chấp nhận sự đánh đổi. Trên bình diện quốc gia, đánh đổi diễn ra cũng khá phổ biến. Một ví dụ kinh điển là sự đánh đổi giữa “súng và bơ”. Khi xã hội chi tiêu cho quốc phòng càng nhiều (súng) thì xã hội sẽ phải bớt đi phần tiêu dùng phục vụ cho đời sống nhân dân (bơ). Đánh đổi không chỉ đúng trong kinh tế học mà đánh đổi còn đúng trong phạm vi rộng hơn, phạm vi triết học. Đánh đổi là bắt buộc với mọi người, mọi tổ chức, mọi quốc gia. Con người phải đối diện với sự đánh đổi chứ không thể né tránh sự đánh đổi.
Khi sự cố Formosa diễn ra ở Hà Tĩnh, đại diện Formosa đã có phát biểu gây sốc nhưng lại rất đúng với nguyên lý đánh đổi của Mankiw. Ngày 25/4/2016, trả lời phóng viên báo tuổi trẻ về chất thải ra biển, ông Chu Xuân Phàm-Trưởng văn phòng Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Hà Nội đã nói: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được …”. Chiều 26/4/2016, Formosa và ông Chu Xuân Phàm đã phải tổ chức họp báo và công khai xin lỗi về phát biểu của ông Phàm. Ông Phàm bị buộc thôi việc vì phát biểu thiếu khôn ngoan nhưng ý kiến của ông là đáng để chúng ta phải suy ngẫm dài lâu. Rõ ràng, cho đến hiện nay thì môi trường biển một số vùng của miền Trung sau sự cố Formosa là không thể khôi phục trở lại như xưa. Cá tôm phải ít đi. Thủ tướng không giải quyết được mà cũng không có một vị thánh thần nào giải quyết được.
Các biện pháp chống dịch Covid-19 vừa rồi cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, gây thất nghiệp rất nhiều nhưng không còn cách nào khác. Đó là sự đánh đổi mang tính nguyên lý, cần phải được nhận thức để chấp nhận, chịu đựng và tìm cách giảm thiểu khó khăn nhưng không thể tránh được hậu quả của sự đánh đổi.
Trong đời sống riêng tư của mỗi người cũng diễn ra sự đánh đổi. Để có cơ thể đẹp, người mẫu phải tập luyện công phu với chế độ ăn kiêng. Để đạt được ngôi vô địch, vận động viên cũng phải từ bỏ những thú vui bù khú, khép mình vào kỷ luật để luyện tập thường xuyên và lâu dài. Làm giàu cũng vậy. Làm giàu cũng phải đánh đổi. Trên con đường đạt đến sự giàu có, người ta có thể sẽ phải mất đi một số thứ khác mà trước đó, có thể người ta không ngờ tới nhưng nó vẫn cứ diễn ra. ‘Giàu đổi bạn, sang đổi vợ’ là qui luật diễn ra với Donald Trump và những người tương tự như ông chứ không phải là nguyện vọng đánh đổi của ông ngay từ lúc trẻ. Trong tác phẩm Mặt Dày Tâm Đen, được coi là tư duy làm giàu của thế kỷ 21, Chin-Ning Chu đã đưa ra một kết luận rất gần với nguyên lý đánh đổi của Mankiw: “Phần lớn mọi người nghĩ rằng mình muốn được giàu có, nhưng trong thực tế hầu hết chúng ta đều đang ở vị trí mà mình mong muốn về phương diện tài chính. Việc làm giàu không phải là chuyện bạn sẵn lòng làm gì để có tiền, mà là chuyện bạn sẵn lòng đánh đổi điều gì để được giàu có. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng cần ghi nhớ”.
Thời gian gần đây tôi mới có cơ hội nghiên cứu kinh tế học của Mankiw nhưng nguyên lý ‘Con Người Đối Diện Với Sự Đánh Đổi’ thì tôi đã nhận thức và áp dụng từ lâu. “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý” là hai vế của sự đánh đổi. Nếu không dừng doanh nghiệp thì tôi sẽ không đòi được giám đốc thẩm như vừa rồi. Đòi bắt bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và truy kích bọn Mafia trong ngành tư pháp cũng đặt tôi vào tình huống có thể hiểm nguy. Cái giá của công lý là rất lớn. Vấn đề khó khăn nhất không phải là làm cách nào để đòi được công lý mà vấn đề khó nhất là tôi có sẵn lòng đánh đổi mọi thứ để đòi công lý hay không. Tôi đã trả lời câu hỏi này bằng hành động “Dừng Doanh Nghiệp – Đòi Công Lý”.
Mỗi cuộc đời là một con đường. Con đường mở ra không phải để cho ta an giấc mà để cho ta bước đi lên trên đó. Còn sống là còn bước đi, còn tranh đấu và còn đánh đổi. Suy cho cùng thì không đánh đổi cũng là một dạng của đánh đổi. Đánh đổi là nguyên lý của cuộc sống. Vấn đề là đổi cái gì, lấy cái gì; khi nào đổi, khi nào không; vì sao phải đánh đổi như thế là những câu hỏi cần phải được đặt ra để nghiên cứu, từ đó mới có sự lựa chọn tối ưu.
(Trích từ “Kinh Tế Học Ứng Dụng”- còn tiếp)
Kỳ 5: Chi Phí Cho Một Cuộc Đánh Đổi.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar