Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Phép Màu Của Thương Mại Tự Do.

Ba câu chuyện sau đây, cho chúng ta hiểu về phép màu của thương mại tự do:
1. Câu chuyện thứ nhất:
Quê tôi, xã Đại Lãnh là vùng quê bị chiến tranh tàn phá. Vài năm đầu sau ngày thống nhất, dân có bị thiếu nhưng không đến nỗi quá khó. Đến khi vào hợp tác xã, “mỗi huyện là một pháo đài” ngăn sông cấm chợ thì xảy ra nạn đói và rách. Cho đến đầu những năm chín mươi, tình hình có phần dễ thở hơn nhưng cũng còn rất khó. Trong một lần về thăm quê, tôi ngồi tâm tình với anh Trương Văn Niên, lúc đó là bí thư xã. Anh cho biết là anh đã tham vấn một số bà con xa quê, học hành thành đạt để họ có thể tư vấn giải pháp gì để giúp quê hương nhưng không ai trả lời được câu hỏi bức bách của anh: Làm cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì để quê hương thay da đổi thịt? Tôi cũng trăn trở với những câu hỏi ngây thơ như anh. Phải mất một thời gian dài chiêm nghiệm, tôi mới nhận ra rằng, thế hệ chúng tôi cũng đặt ra những câu hỏi giống cha ông thuở trước:
“Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời”.(*).
“Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời” và mãi mãi sẽ không biết cách trả lời. Những câu hỏi như thế thì ra chợ mà hỏi. Nghĩa là, trồng cây gì, nuôi con gì là câu hỏi của người nông dân chứ không phải là câu hỏi của ông Tổng Bí thư hay Thủ tướng. Người trả lời là thị trường chứ không phải là một ông chuyên gia nào đó. Đi chợ lớn thì hỏi chợ lớn, về chợ làng thì hỏi chợ làng. Không theo sát câu trả lời từ chợ thì sẽ không biết phải làm gì và sẽ có ngày sụp tiệm.
Sau thời gian mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thị trường, quê hương tôi đã thay da đổi thịt. Giờ đây, mặc dù dân số tăng, ruộng bị thu hẹp nhưng không còn cảnh thiếu đói như năm xưa. Không còn ngăn sông cấm chợ, siết hộ khẩu nên các bạn trẻ tha hồ ra Bắc vào Nam để mưu sinh, lập nghiệp, gửi tiền về giúp cha mẹ ở quê nhà. Có bạn qua Lào làm ăn, thưởng thức được điệu múa Lăm Vông cùng các cô gái Lào xinh đẹp. Một số bạn trẻ đi làm ăn ở nước này, nước kia, tự tin trong vị thế là công dân lao động toàn cầu. Thương mại tự do đã trả lời câu hỏi lớn cho cả một vùng quê.
2. Cầu chuyện thứ hai:
Tôi về Đà Nẵng để bơi biển vào ngày 25/7/2020. Khách sạn Furama kín phòng. Bữa ăn sáng phải đợi vì nhà hàng không còn bàn trống. Tối hôm đó, nhà hàng Hải Sản ở góc đường Võ Nguyên Giáp – Đỗ Bá cũng không còn bàn trống. Mới vừa qua dịch Covid-19, chưa có khách quốc tế, chỉ có khách nội địa, mà du lịch Đà Nẵng đã đông đúc như thế thì sau này, chắc chắn sẽ là những mùa bội thu. Vì có dịch nên người ta phải thống kê số du khách rời Đà Nẵng trong đợt du lịch này để phòng chống. Số lượng đông khủng khiếp. Chỉ riêng Hà Nội đã có gần 100 ngàn người từ Đà Nẵng trở về.
Tôi bị kẹt lại ở Đà Nẵng, làm du khách bất đắc dĩ duy nhất của Furama đến 45 ngày. Biển vắng lặng. Một mình bơi xa, không chút sợ hãi vì tôi tự nhủ mình là con cá trở về với biển cả. Biển Đà Nẵng mùa này đẹp quá. Những ngày tiếp theo, tôi thuê xe Hon Đa đi dạo. Đà Nẵng bây giờ cũng đẹp quá, sang trọng quá. Giá nhà đất ở Đà Nẵng cũng rất cao, đặc biệt là khu vực gần biển.
Điều gì đã làm nên diện mạo Đà Nẵng hôm nay? Có một số người cho rằng nhờ ông Nguyễn Bá Thanh phá rào cơ chế cũ, lấy đất đổi hạ tầng. Theo tôi, chủ yếu là nhờ thương mại tự do đã phát huy ưu thế biển, đẩy Đà Nẵng đi nhanh. Nhờ biển đẹp, đất có giá, có khách trả tiền thì ông Nguyễn Bá Thanh mới đổi đất được giá cao để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vùng sát biển Quảng Nam, mà điển hình là Hội An, cũng đi nhanh như thế. Du khách rời Đà Nẵng trong đợt dịch vừa rồi đã khẳng định ưu thế biển của Đà Nẵng. Chỉ có thương mại tự do mới làm cho miền Trung khai thác được những lợi thế trời cho để làm giàu.
3. Câu chuyện thứ ba:
Tư duy của ông Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã ngủ yên trong học thuyết kinh tế ngạo mạn của Mao cho đến khi ông đi thăm miền Nam nước Pháp. Ông Viết: “Khí hậu ở đó rất khô và không hề có mưa trong mùa hè. Dưới những điều kiện như vậy, theo cách tư duy quá khứ của chúng ta, nhằm để trồng trọt chúng ta phải ‘thay trời làm mưa’ bằng cách tạo ra các dự án thủy lợi khổng lồ. Người Pháp đã không làm như vậy. Thay vào đó, họ trồng nho và những cây trồng khác phù hợp với khí hậu khô. Kết quả là sự hình thành tự nhiên của ngành rượu vang Pháp bán ra toàn thế giới. Các nông dân ở đó rất giàu”. Từ chuyến đi này, Triệu Tử Dương đã nhận ra mô hình Đại Trại, một mô hình sản xuất nông nghiệp tự lực thời Mao, là rất không hiệu quả. Từ đó, ông ủng hộ nền kinh tế thị trường với những bước đi nóng: Mở cửa một cách đau đớn ra thế giới. Thương mại tự do đã đưa Trung Quốc từ một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một cường quốc kinh tế. Suốt 30 năm sau năm 1949, sự tận lực đến mức tàn bạo của Mao Trạch Đông cũng không giải quyết được vấn nạn đói nghèo của Trung Quốc. Chỉ vài chục năm vận hành theo cơ chế thị trường và mở cửa ra với thế giới, Trung Quốc đã tự tin cạnh tranh với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Sức mạnh của thương mại tự do là không thể chối cãi.
Không ai có thể tài giỏi hơn bàn tay vô hình của thị trường tự do. Ở đâu có thị trường tự do, ở đó có sự phát triển vượt bực. Nếu không mở cửa với thế giới, nông dân Pháp không thể phát huy hết lợi thế trồng nho của vùng duyên hải của Địa Trung Hải khô cằn. Nếu không mở cửa ra thị trường thế giới, thì dân Việt Nam sẽ không có tiền để đến Đà Nẵng tắm biển đông đúc như mùa hè vừa rồi. Có nhiều người, bằng cảm tính, cũng nhận ra được phép màu của thương mại tự do. Nhưng nếu đọc Kinh Tế Học của Mankiw thì vấn đề sẽ được giải thích một cách đơn giản vì đó như là hệ quả toán học của các nguyên lý kinh tế đã mở đầu cho bộ sách của ông.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar