Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Khoảng trên dừng bút

KHOẢNG TRÊN DỪNG BÚT 

Tập nghiên cứu nhỏ này là tập thứ tư của “Nhóm Nghiên Cứu và Dự Hoạch”, nhằm trình bày phần vụ và quyền hành của Dự thẩm, một “ông Tòa” mà ai nghe danh cũng sợ. Người Pháp có câu rằng: “Dự thẩm là người mạnh nhất của nền Cộng Hòa”. Câu nói tuy phần nào có vẻ bởn cợt, nhưng không phải là không đúng. Thụ lý một vụ phạm pháp, Dự thẩm có quyền đem truy tố tất cả các can phạm, kể cả những người không có tên trong lệnh khởi tố của Biện lý; Dự thẩm có quyền hạ trát tống giam bất cứ can phạm nào bị truy tố; có quyền ra lệnh tróc nã những can phạm tại đào, có quyền biến đổi dưới vài điều kiện, một nhân chứng thành bị can và sau đó hạ trát tống giam ngay tức khắc …
Quả là không biết thì thôi, biết ra càng thêm kinh sợ. Vì thế, trước thời trang canh tân các định chế quốc gia, và để bảo vệ tự do cá nhân theo một phương thức mới, một vài luật gia đã nêu lên ý kiến là cần sửa đổi lại thủ tục hình sự, trao quyền truy tố, bắt giam, thẩm cứu cho một cơ quan hội phán gồm một thẩm phán và nhiều phụ thẩm nhân dân quyết định. Nhưng ý kiến trên khó lòng mà thực hiện. Trước hết, cần phải có một ngân quỹ thật dồi dào; sau nữa, công việc sẽ bị đình trệ thêm gấp bội trong khi, hiện thời, số lượng công việc bị đình trệ đã rất nhiều tại cac phòng Biện lý và Dự thẩm. Ta thử tưởng tượng, nếu mỗi khi muốn truy tố, bắt giam một can phạm, phải đem nội vụ ra bàn cãi, tranh luận với sự tham dự của bị can và luật sư, y như một phiên tòa xét xử, thì phải bao nhiêu ngày mới giải quyết được một vụ, trong khi biện lý cuộc Sai gòn mỗi ngày thụ lý hàng trăm vụ. Với sự hiện diện của phụ thẩm nhân dân nắm đa số, chính trị, tôn giáo lại sẽ dễ dàng xen lấn công việc tư pháp, kẻ binh bị cáo, người binh nguyên cáo, công lý khó lòng tồn tại được với những sự can thiệp liên miên ấy. Vả chăng, mỗi nước có một hoàn cảnh riêng, có những tập quán, phong tục riêng; cái gì hay ở nước ngoài, vị tất sẽ hay như vậy khi đem ứng dụng vào Việt Nam. Ta đã thấy sự mục nát của bao nhiêu định chế, cơ cấu, mà sự thành lập, trên nguyên tắc, rất hay, nhưng thực tế, đã chỉ làm rối loạn chính sự, phá hoại trật tự và thể thống quốc gia do những phần tử bất lực hay vô tư cách. Những trường hợp xâm phạm tự do cá nhân, những vụ lạm quyền, áp bức, nguyên do không phải vì luật pháp bất công, mà chính là vì luật pháp đã bị bỏ quên, bị khinh thường, do những người được lãnh quyền bính, có trọng trách cai trị hay xét xử.Tựu chung, vấn đề nhân sự vẫn là vấn đề chính yếu. Quyền hành càng quan trọng thì kẻ được trao quyền hành lại càng cần có đức tính tốt để quyền hành được sử dụng thích ứng, nghiêm minh, trong sự tôn trọng luật pháp. Hơn nữa, có khi còn phải dấn thân đương đầu với thời cuộc, đứng đầu gió mà chu toàn nhiệm vụ, thay vì đón thời cơ, chỉ làm những việc phô trương hay lo chu toàn danh phận.
Nếu đem thống kê của Viện chưởng lý các Tòa Thượng thẩm ra coi lại, có thể chắc rằng chỉ riêng ở Sai Gòn, số việc phạm pháp trong một tháng cũng đã bằng số cả năm trên toàn quốc cách đây mười lăm năm hay hai chục năm về trước. Thêm vào đấy, báo chí, điện ảnh thường khai thác những đề tại có tính cách đề cao, hay ít ra cũng là gây thiện cảm với “giới giang hồ” hay “luật giang hồ” của họ: Sự trạng này lại càng làm cho luật pháp quốc gia bị khinh nhờn thêm nữa. Cho nên, ngày nay, hơn bao giờ hết, đối với những hành vi phạm pháp, cần phải có một sự trừng trị nhanh chóng và hiệu nghiệm. Trên bình diện pháp lý, Dự thẩm, với một biện lý cương quyết, có đủ quyền hành để làm công việc ấy. Nhưng tự do cá nhân không phải là không được bảo đảm trước uy quyền của dự thẩm. Nội dung cuốn sách này sẽ cho ta thấy rằng quyền hành của Dự thẩm không phải là tuyệt đối. Có những thể thức luật định mà dự thẩm bó buộc phải tuân theo để quyền bào chữa và, do đó, danh dự, tự do của bị can được bảo đảm. Có sự kiểm soát của phòng luận tội, của Biện lý cuộc, của Viện chưởng lý để những thể thức ấy được tôn trọng; có những nguyên nhân vô hiệu, do án lệ đặt ra ah do luật định trước, làm tiêu hủy công trình của Dự thẩm, nếu chính Dự thẩm vi phạm luật pháp trong khi thi hành nhiệm vụ thẩm vấn. Bấy nhiêu sự đề phòng của luật pháp, tỏ rằng điển chế hình sự của ta không đến nỗi quá lỗi thời hay “phản dân tộc, phản cách mạng” như một số chính trị gia bất thần thường ưa tuyên bố. Trong tình trạng hỗn loạn ngày nay, nhiều chức vụ chỉ còn có tính cách một món đồ trang trí hay một nguồn sinh lợi, ai cũng muốn làm, ai làm cũng được cả. Đó là cái họa vô đạo của thời đại: Banh hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã ! bao vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã ! là thế. Nhưng đạo bất diệt, Công lý cũng bất diệt như đạo vì công lý ở ngay trong đạo. Muôn đời, công lý vẫn là l1y tưởng chung, khát vọng chung của loài người. Tiếc rằng công lý chỉ phát huy được là nhờ ở tâm thành của những người phụng sự, “đốc tín” và “hiếu học” như lời nói của Nho gia. Thiếu tâm thành ấy, công lý chỉ còn là một sân khấu với một vở kịch nghèo nàn, mà cái nghèo nàn đáng sợ nhất là cái nghèo nàn cả tâm lẫn trí./.

Saigon, ngày 19 tháng 8 năm 1970
LÊ TÀI TRIỂN 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar