BỊ LỪA NGAY TỪ CHIẾC MÁY ĐẦU TIÊN, C1070P
Trước khi mua máy của hãng Konica Minolta, tôi đã dò hỏi máy in của hãng Fuji Xerox. Nhưng lúc đó, cái tên Fuji Xerox còn xa lạ đối với tôi. Tôi chưa có thông tin. Hơn nữa, tôi dự định mua chiếc máy in kỹ thuật số đầu tiên này, khoảng chừng một tỉ, nên cũng chưa đáng để bỏ công đi tới đi lui. Máy in kỹ thuật số công nghiệp là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với tôi. Tôi cần phải có thời gian tìm hiểu, vận hành và hướng dẫn cho nhân viên sử dụng. Nếu tôi mà kéo dài thời gian tìm hiểu, thì nhân viên của tôi sẽ thiếu việc làm. Tôi cũng còn nhiều việc phải lo, chứ không chỉ vụ mua chiếc máy in này. Vì thế, tôi quyết định mua chiếc máy đầu tiên một cách nhanh chóng và dễ dãi. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho tôi rơi vào bẫy lừa của Sao Nam. Nhưng bây giờ nghĩ lại, dù lúc đó, có cẩn trọng hơn thì tôi cũng không thể tìm hiểu được gì thêm, ngoài những thông tin mà Sao Nam cung cấp. KMV và các đại lý của họ, có một chiến thuật che giấu thông tin rất tinh vi. Đối với loại máy in công nghệ mới này, không một người Việt Nam nào, có thể thoát khỏi những chiếc bẫy do họ đã giăng sẵn. Sau khi dừng doanh nghiệp, phải mất thời gian dài tìm hiểu, thì tôi mới nhận diện được các thủ đoạn của KMV và các đại lý của họ. Những gì đã diễn ra, đối với tôi, nó cứ như một bộ phim dài, nhiều tập. Tôi muốn chia sẻ những bài học kinh nghiệm này cho các bạn.
Đầu tháng 8 năm 2014, tôi hẹn gặp bà Lưu Ngọc Thúy Vân, nhân viên tiếp thị của Công ty Sao Nam, tại nhà in của tôi, số 217/2 đường Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nói với bà Lưu Ngọc Thúy Vân rằng, tôi cần mua một chiếc máy in kỹ thuật số mới, của Konica Minolta, được sản xuất tại Nhật Bản, giá chừng một tỉ đồng trở lại. Vì không có thời gian tìm hiểu và khảo sát giá, nên tôi đưa ra hai điều kiện mua bán. Một là, máy phải mới 100%, chất lượng cao, được nhập khẩu từ Nhật Bản. Hai là, giá bán cho tôi, không được cao hơn giá bán cho các khách hàng khác. Nếu sau khi đã mua mà tôi phát hiện ra, giá bán cho tôi, lại cao hơn giá bán cho người khác thì tôi sẽ trả lại máy, đòi lại tiền. Tôi nói như thế không phải để hù dọa bà Lưu Ngọc Thúy Vân mà vì tôi rất hiểu tôi. Tôi trả lại máy và đòi lại tiền đã và đang là một sự thật. Lúc đó, bà Lưu Ngọc Thúy Vân giải thích với tôi rằng: “Khi nào anh đặt cọc thì bên em mới báo cho Konica Minolta nhập khẩu, máy mới 100%. Còn giá thì anh khỏi lo. Đợt này khuyến mại, nên anh được hưởng giá ưu đãi, rẻ hơn các đối tác khác”. Nói rồi, bà Lưu Ngọc Thúy Vân giới thiệu cho tôi một số dòng máy in của hãng Konica Minolta, theo mức giá xấp xỉ một tỉ đồng, lúc đó.
Nghe bà Lưu Ngọc Thúy Vân nói như vậy, tôi cảm thấy yên tâm. Tôi chọn mua chiếc máy C1060 với giá 960.000.000đ và chốt ngay hợp đồng. Bây giờ có thể, tôi không còn nhớ chính xác, vì vụ thỏa thuận mua bán chiếc máy in C1060 này, bất thành, và tôi không còn lưu giữ lại tài liệu. Sau khi đã chốt giá máy C1060, bà Lưu Ngọc Thúy Vân ra về và hứa, vài hôm nữa sẽ đem hợp đồng qua cho tôi ký. Chừng vài ngày sau, bà Lưu Ngọc Thúy Vân hẹn gặp lại tôi. Lúc đó, tôi nghĩ rằng lần gặp này là để bà Lưu Ngọc Thúy Vân đưa hợp đồng cho tôi ký. Nhưng không phải như vậy. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân đến gặp tôi là để đổi hợp đồng, thay chiếc máy in C1060, bằng chiếc máy in C1070P. Tình tiết đột ngột đổi hợp đồng như thế này là có lý do, nhưng lúc đó, tôi không biết. Tôi tin vào lời giải thích của bà Lưu Ngọc Thúy Vân nên đồng ý đổi hợp đồng.
Hôm đó, bà Lưu Ngọc Thúy Vân đi cùng với một nhân viên của Công ty cho thuê tài chính Chailease, Đài Loan, hình như tên là Lan Anh. Tôi không nhớ chắc cái tên đó. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân không mang theo hợp đồng để tôi ký mà nói rằng: “Konica đang khuyến mại dòng máy in C1070P với nhiều tính năng vượt trội hơn các dòng máy trước đó. Đây là dòng máy mới nhất, chất lượng cao, màu sắc đều, ổn định. Em muốn tư vấn để anh Kim chọn dòng máy này, nhưng giá máy này cao hơn giá máy C1060 mà anh đã chọn hôm trước”. Tôi hỏi bà Lưu Ngọc Thúy Vân: “Cao hơn là bao nhiêu em?”. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân trả lời: “Giá nét là 1.200.000.000đ, cộng thêm thuế VAT 10% là 120.000.000đ nữa. Tổng cộng là 1.320.000.000đ. Nếu anh thiếu tiền thì bên Công ty Cho Thuê Tài Chính, chỗ Lan Anh đây, sẽ cho anh vay”. Tôi nói rằng: “Một tỉ ba trăm triệu đồng thì anh đủ tiền, mua được. Nhưng sau này, mua thêm những máy khác, nhiều tiền hơn, thì anh sẽ vay. Nhưng mà em đừng bán mắc cho anh là được”. Bà Lưu Ngọc Thúy Vân nói: “Anh yên tâm, bên em làm ăn với anh lâu dài. Không bán mắc cho anh đâu. Bán mắc là em chết liền”. Giọng bà Vân rất ngọt ngào. Tôi nghe dòng máy mới, chất lượng cao, được khuyến mại, giá rẻ thì vui như mở cờ trong bụng. Tôi đồng ý mua máy C1070P, thay cho chiếc máy C1060, mà hai bên đã thỏa thuận trước đó. Tôi không thể ngờ rằng, tôi bị lừa ngay từ thương vụ mua chiếc máy đầu tiên, máy C1070P này, với những thủ đoạn tinh vi, nối tiếp nhau. Nó là kịch bản của KMV và Sao Nam đã dàn dựng sẵn để lừa tôi.
Tôi đồng ý mua máy C1070P theo sự giới thiệu của bà Lưu Ngọc Thúy Vân. Sao Nam là bên soạn thảo hợp đồng. Ngày 15/8/2014, Saigonbook và Sao Nam ký hợp đồng số 018/HĐKT-14, mua bán máy in C1070P, với giá 1.320.000.000đ. Ngay sau khi ký hợp đồng, tôi chuyển cho Sao Nam 15% tiền đặt cọc, số tiền là 198.000.000 đồng. Ngay sau đó, tôi cho di dời sách, gấp rút sửa chữa tầng lửng tại Trung Tâm Sách Sài Gòn, số 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, để kịp có chỗ đặt chiếc máy in C1070P này. Chỉ riêng tiền sửa chữa, trang trí tầng lửng này, đã ngốn hết của tôi 300.000.000 đồng.
Để chuẩn bị cho nhân viên làm quen với máy in kỹ thuật số, tôi mua một chiếc máy in cũ, hiệu Fuji Xerox, với giá là năm mươi triệu đồng, đặt tại nhà in để cho nhân viên của tôi thực tập. Tôi muốn cho nhân viên của tôi thạo việc trước khi sử dụng máy in mới. Tôi cũng không tuyển nhân viên mới, vì muốn giữ việc làm cho nhân viên cũ, đã gắn bó với tôi nhiều năm. Hơn nữa, thời điểm này, lĩnh vực in kỹ thuật số công nghiệp mới du nhập vào Việt Nam, nên cũng rất khó tìm nhân viên kỹ thuật thạo việc. Nhiều đêm, tôi phải thức rất khuya để mày mò, thao tác trên chiếc máy in kỹ thuật số của hãng Fuji Xerox. Tôi không đủ thời gian để tìm hiểu sâu. Tôi chỉ tìm hiểu đến mức như là người thợ, biết sử dụng máy in, chứ không thể đi sâu vào nguyên lý hoạt động và cấu tạo bên trong của máy. Tôi hướng dẫn lại cho em Nguyễn Công Bình, nhân viên của tôi, sử dụng. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để vận hành chiếc máy in mới, C1070P.
Khi Sao Nam báo tin, chiếc máy in C1070P đã nhập khẩu vào Việt Nam và hẹn ngày bàn giao máy, thì tôi phân công em Nguyễn Công Bình đến làm việc tại Trung Tâm Sách Sài Gòn để tiếp nhận và vận hành in kỹ thuật số. Sao Nam bàn giao máy C1070P vào lúc hơn 12 giờ trưa ngày 28/8/2014. Lúc đó, tôi không có mặt. Em Nguyễn Công Bình, đã thay tôi, nhận chiếc máy C1070P này. Nghe tin máy in C1070P đã được giao, theo thỏa thuận tại ĐIỀU III của hợp đồng 018/HĐKT-14, tôi chuyển ngay 726 triệu đồng tiền đợt 2 cho Sao Nam. Đến chiều, tôi đến Trung Tâm Sách Sài Gòn, thì đã thấy chiếc máy in C1070P đặt ở tầng lửng, nhưng không còn nguyên đai nguyên kiện. Tôi không nghĩ rằng, đây là chiếc máy cũ nên cũng không để ý đến chi tiết này. Tôi chỉ chỗ cho thợ của Sao Nam lắp đặt máy và hỏi về bộ ổn áp của chiếc máy in này. Lúc đó, thợ của Sao Nam nói với tôi rằng: “Lắp như thế này cũng được nhưng có ổn áp thì tốt hơn”. Tôi thấy lạ. Các máy tính bàn của tôi, khi đó, đều phải lắp qua bộ UPS, mà sao chiếc máy đắt tiền như thế này, lại không có bộ ổn áp. Hỏi kỹ thì tôi mới nhận ra là thợ bên Sao Nam hiểu rất lơ mơ về kỹ thuật điện. Tôi phải chi thêm 55.000.000đ để mua ngay một bộ ổn áp.
Tôi hỏi thợ của Sao Nam về Catalogue kèm theo chiếc máy in này, nhưng họ bảo rằng, chiếc máy in này không có Catalogue. Tôi không hiểu tại sao chiếc máy in mới nhập khẩu, nguyên đai nguyên kiện mà không có Catalogue. Tôi yêu cầu Sao Nam cung cấp Catalogue của máy C1070P để tôi cho dịch ra tiếng Việt, làm tài liệu hướng dẫn sử dụng nhưng tôi không nhận được hồi âm. Chúng tôi cho nhân viên học cách vận hành theo sự hướng dẫn của Sao Nam, chứ không có tài liệu kỹ thuật tham khảo. Sau này tôi mới biết, không có Catalogue kèm theo máy là vì, chiếc C1070P này, được thu hồi từ anh Hoàng Văn Dũng – Công ty TNHH Ca An, không còn nguyên đai nguyên kiện nên đã mất Catalogue.
Phải mấy ngày sau gặp được ông Đỗ Giang Khánh – Trưởng phòng tiếp thị của KMV, tôi mới đòi được quyển Catalogue của chiếc máy in C1070P này. Ông Đỗ Giang Khánh nói với tôi rằng, ‘máy có Catalogue nhưng chắc Sao Nam để đâu đó, để em nhắc Sao Nam mang Catalogue giao cho anh’. Khi nhận được Catalogue của máy C1070P, tôi cho nhân viên dịch ra tiếng Việt, in và đóng thành sách, để làm tài liệu hướng dẫn sử dụng. Tôi cũng gửi tặng KMV và Sao Nam một số quyển sách này, để họ trao cho khách hàng người Việt, mỗi khi họ bán máy in C1070P. Tôi nhận thấy KMV không dịch tài liệu kỹ thuật ra tiếng Việt, để giao cho khách hàng Việt Nam, là thiếu sót của họ. Tôi giúp họ với nhã ý mong muốn được hợp tác làm ăn lâu dài với một tập đoàn lớn, đến từ Nhật Bản.
Sao Nam cử thợ hướng dẫn cho thợ của chúng tôi vận hành máy in. Hai bên rất thân thiện. Ông Trần Minh Nhật, phó Giám đốc Sao Nam, đến chỗ tôi hướng dẫn cách tính giá. Tôi mời đi ăn tối để trao đổi, học hỏi cách kinh doanh trên lĩnh vực in kỹ thuật số. Đối với một người mới vào nghề in kỹ thuật số như tôi, thì góp ý của ông Trần Minh Nhật thật là quí giá. Chính sự tin cậy và giao lưu như thế này, tôi đã bộc lộ tình hình kinh doanh sách ngày càng ế ẩm. Tôi đang chuyển hướng kinh doanh, mua máy móc để in bao bì. Tôi cũng tiết lộ số tiền dự kiến đầu tư là 52 tỉ đồng. Họ khai thác nguyện vọng đầu tư của tôi để bán thêm máy in C1100, bằng cách dẫn dụ làm Printing Shop. Thủ đoạn và hành vi lừa dối đối với chiếc máy in C1070P này, cũng giống như đối với chiếc máy in C1100 đang tranh chấp ở tòa, nhưng vì Sao Nam đã thu hồi nên không bị kiện. Tôi sẽ trình bày các hành vi và thủ đoạn này chung cho cả hai máy.
Bình luận