Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Chế định pháp nhân nhìn từ cấu trúc bên trong của nó

CHẾ ĐỊNH PHÁP NHÂN NHÌN TỪ CẤU TRÚC BÊN TRONG CỦA NÓ 

PGS.TS. NGÔ HUY CƯƠNG
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211903)

Tóm tắt: Các quy định của pháp luật về pháp nhân rất quan trọng, chiếm dung lượng lớn trong bất kỳ một hệ thống pháp luật nào. Chúng trải rộng và dài trong cả lĩnh vực luật công, luật tư và không thể chỉ được chứa đựng trong một hoặc một vài văn bản quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, các quy định của pháp luật về pháp nhân còn sơ sài, mất tính đồng bộ, hệ thống và còn nhiều hạn chế gây ảnh hưởng tới môi trường pháp lý cho sự phát triển của đất nước.Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa nghiên cứu thỏa đáng và không chú ý tới cấu trúc bên trong của pháp luật nói chung, của chế định pháp nhân nói riêng.Trong bài viết này, tác giả phân tích khái quát về cấu trúc bên trong của chế định pháp nhân, từ đó nhìn lại các quy định của pháp luật về pháp nhân của Việt Nam và có ý tưởng nghiêng hẳn về lập pháp.
Từ khóa: Pháp nhân; cấu trúc bên trong của pháp nhân; hệ thống pháp luật; luật công; luật tư.
Abstract: The provisions on legal entities are very important, and occupy a large space in any legal system. They are both vertically and horizontally widespread in both public law and private one and cannot be encapsulated in just one or a few legal documents. In Vietnam, provisions on legal entities seem sketchy, lack uniformity and systematicity, and have several shortcomings that affect the legal environment for the country’s development. The main reason is that there is not adequate research and sufficient attention to the internal structure of the law in general and provisions on legal entities in particular. In this article, the author provides a general analysis of the internal structure of the legal entity regime, accordingly gives reviews of the provisions on legal entities in Vietnam and gives an idea implying the legislation aspect.
Keyworks: Legal entity; internal structure of the legal entity; law system; public law; private law.
Legal-Entity---NHCuong.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
1. Nhìn lại khái niệm pháp nhân
Nói tới pháp nhân, người ta nghĩ ngay tới một loại chủ thể chủ yếu của pháp luật mà càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường, thương nhân là một tầng lớp không thể thiếu. Họ là những người chuyên tiến hành các hành vi thương mại và lấy chúng làm nghề nghiệp. Cứ như vậy, họ thúc đẩy giao lưu dân sự và các mối quan hệ kinh tế phát triển. Ngoài các thương nhân thể nhân (là các cá nhân kinh doanh) còn có các thương nhân pháp nhân (chính là các công ty) với nhiều hình thức pháp lý khác nhau (như: công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp vốn cổ phần, công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp vốn đơn giản trách nhiệm hữu hạn…). Việc kiếm sống thông qua công ty trong xã hội hiện đại ngày càng phát triển. Vì vậy, chỉ riêng trong lĩnh vực luật tư ở hầu hết các hệ thống pháp luật hiện nay trên thế giới, chế định pháp nhân đóng vai trò rất quan trọng và chiếm dung lượng lớn các quy định pháp luật. Sự phát triển của xã hội công nghiệp như vậy đã kéo theo sự phát triển thêm một số định chế điều tiết và hỗ trợ khác (như những cơ quan trong bộ máy công quyền, những hội, hiệp hội, các loại quỹ…) cùng với các cơ quan công quyền vốn có mà bản thân chúng cũng là các pháp nhân với nhiều hình thức khác nhau. Ngay ở những nước theo Pháp luật Hồi giáo trước kia bị cho là rất khắt khe trong việc tiếp nhận khái niệm pháp nhân, nhưng nay đã có những phản bác rằng: “Nếu Pháp luật Hồi giáo không thừa nhận khái niệm pháp nhân trong trạng thái toàn vẹn của nó, thì không thể có nội dung phong phú trong Pháp luật Hồi giáo về căn cứ và các lý do pháp lý cho các công ty và các định chế như những thực thể riêng biệt”[1].
Pháp nhân được xem là một mô hình tinh thần mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân (tự nhiên nhân). Nhưng pháp nhân có những điểm rất khác với thể nhân, nên không thể có quy chế pháp lý hoàn toàn giống với quy chế pháp lý của thể nhân. Tuy nhiên, chúng đều là chủ thể của pháp luật, vì thế việc nói tới lý luận nền tảng chung về chủ thể của pháp luật là không thể thiếu khi nghiên cứu về pháp nhân.
“Người” trong lĩnh vực pháp lý bao gồm cả thể nhân và pháp nhân mà chúng đều mang bản chất là các quan hệ xã hội.
Có phân tích cho rằng: trong pháp luật Việt Nam cổ, theo tư tưởng Khổng giáo, “gia đình, chứ không phải là cá nhân, là chủ thể của các quan hệ xã hội”; và gia đình xuất hiện trong cuộc sống dân sự (với vai trò chủ yếu của gia trưởng) giao tiếp tạo ra nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng khối tài sản của gia đình[2]. Thế nhưng, hệ thống pháp luật theo truyền thống pháp luật Viễn Đông này lại được xây dựng bởi sự hòa trộn giữa luân lý với pháp luật, làm xóa nhòa ranh giới giữa chúng, đồng thời lấy cá nhân làm trung tâm với quan niệm chính trị được thu gọn vào bốn vấn đề, là “tu, tề, trị, bình” dựa trên tu thân làm gốc[3] để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo chiều dọc (vua-tôi; cha-con; chồng-vợ; thầy-trò…), và buộc những kẻ vi phạm các quy tắc có tính luân lý điều chỉnh những mối quan hệ đó phải gánh chịu những chế tài rất hà khắc. Trong đời sống thường nhật, Bộ luật Gia Long và tục lệ của Việt Nam xưa quy định người con hay người cháu trong gia đình dù ở bất kỳ tuổi nào, nếu sống chung với gia trưởng thì phải thuộc quyền của gia trưởng và không có tài sản riêng[4]. Như vậy, khi được phép, người trong gia đình có thể lập nghiệp riêng. Từ đó, có thể nói: thứ nhất, bản thân thể nhân trong pháp luật cổ của Việt Nam cũng có tư cách chủ thể pháp luật; và thứ hai, chủ thể đó dù là gia đình hay thể nhân, thậm chí nhà Vua cũng mang bản chất là quan hệ xã hội. Kinh doanh trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam bị hạn chế bởi bế quan, tỏa cảng và bởi quan niệm thấp về tầng lớp thương nhân, nên các hình thức công ty không phát triển. Tuy nhiên, gia đình như trên đã nói là sự liên kết bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống đã được xem như một loại chủ thể của pháp luật. Như vậy, bản chất quan hệ xã hội của chủ thể pháp luật không phải là quá xa lạ.
Nói tới chủ thể của pháp luật, ở phương Tây, người ta dùng thuật ngữ “người” mà tiếng Anh gọi là “person” được phiên ra từ chữ “persona” trong tiếng La-tinh mà chữ này có nguồn gốc từ chữ “prosopon” của tiếng Hy Lạp với nghĩa đen là “cái mặt nạ”[5]. Ở Hy Lạp thời cổ đại, diễn viên thường sử dụng cái mặt nạ để thể hiện những vai diễn cũng như để làm tăng cường độ và sự rung động của giọng nói. Dần dà, thuật ngữ “persona” (xây dựng bởi sự kết hợp giữa hai từ “per – sonare”, có nghĩa tiếng vọng từ cái mặt nạ) được sử dụng trong đời sống pháp lý để chỉ thể nhân và pháp nhân trong các quan hệ pháp lý[6]. Ban đầu, từ “persona” nói lên vai trò và phẩm chất của con người được thể hiện rõ nét trong luận thuyết của Cicero, và sau này “Corpus” sử dụng thuật ngữ “persona” cho cả nghĩa “vai trò” và nghĩa “cá nhân”[7]. Quan niệm này được phân tích rằng: Thực tế, con người vẫn có những địa vị khác nhau trong xã hội liên quan tới pháp luật, chẳng hạn như là một công dân, người cư trú, người đã kết hôn, người chưa kết hôn, người đã ly hôn hoặc người thừa kế… Vì vậy, nhân cách pháp lý giống như cái mặt nạ hoặc cái mũ mà chúng ta sử dụng để thực hiện các vai trò khác nhau trong thế giới pháp lý, ví như chủ nợ, con nợ, nguyên đơn hoặc bị đơn, người cho thuê tài sản hoặc người thuê tài sản, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu[8]
Về mặt pháp lý, người ta hiểu thuật ngữ “person” (người) đồng nghĩa với “personality” (nhân tính hay nhân cách), tức là đối với một sinh vật hay một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó chỉ được gọi là “người” theo nghĩa pháp lý khi được ban cho một nhân cách pháp lý (legal personality). John William Salmond cho rằng, bất kỳ sinh vật nào hoặc bất kỳ cái gì đó không phải là sinh vật mà có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ được xem là “người” theo nghĩa pháp lý[9]. Giáo sư John H. Farrar nhận xét rằng, Salmond có sự phân biệt giữa thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person) và quan niệm các pháp nhân là những thực thể có thực hoặc tưởng tượng mà pháp luật gắn cho chúng nhân cách bởi cách thức hư cấu khi mà không có ai trong thực tế[10]. Tuy nhiên, cũng có quan niệm tách biệt “người” và “nhân tính pháp lý” trong những trường hợp từ xa xưa đối xử với nô lệ, những người sống ngoài vòng pháp luật…
Ở Việt Nam, thuật ngữ “pháp nhân” và thuật ngữ “tư cách pháp nhân” được hiểu như nhau về mặt pháp lý. Thậm chí, trong xây dựng pháp luật, thay vì sử dụng thuật ngữ người hay chủ thể của pháp luật là cá nhân, thì người ta dùng thuật ngữ “nhân thân” (ví dụ: Bộ Dân luật  năm 1972 của Việt Nam Cộng hòa có Quyển thứ nhất mang tên “Nói về nhân thân” trong khi Bộ luật này kế thừa Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 không chỉ về mô hình và những ý tưởng lớn, nhưng ở Bộ Dân luật năm 1931, Quyển thứ nhứt mang tên “Nói về người”, tức là “người” hay “nhân thân” có cùng một nghĩa, có nội dung pháp lý như nhau).
Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam có các quy định thể hiện quan niệm về thể nhân và pháp nhân không rành mạch. Một mặt, Bộ luật này nói tới nhân cách pháp lý của cá nhân và pháp nhân thông qua đoạn văn: “Bộ luật này quy định… quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân…” (Điều 1). Mặt khác, Bộ luật này xác định cá nhân và pháp nhân là các chủ thể của pháp luật thông qua đoạn văn của chính Điều 1 như sau: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân…”. Nhưng cả hai loại quy định như trên đều chỉ xét tới mối quan hệ bên ngoài của thể nhân và pháp nhân, bởi chúng chỉ liên quan tới “các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm” (Điều 1). Các quy định này có lẽ không dựa trên nền tảng lý thuyết nào về chủ thể của pháp luật. Nói về nhân cách pháp lý, Bryant Smith giải thích: “Là một pháp nhân phải là một chủ thể của các quyền và nghĩa vụ. Trao cho các quyền pháp lý và ấn định các nghĩa vụ pháp lý, vì thế, là cấp nhân cách pháp lý”[11].
Chủ thể của pháp luật trước hết là con người tự nhiên – chủ thể của các quyền. Thế giới còn lại dưới con mắt pháp lý của con người tự nhiên (thực thể có ý thức) là đối tượng của các quyền, trừ khi bởi nhân cách hóa, một vài sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó được ban tặng cho khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ. Pháp nhân bởi sự nhân cách hóa đó mà có một đời sống pháp lý rất gần gũi với thể nhân. Tuy nhiên, thể nhân và pháp nhân được phân biệt với nhau bởi một tính từ. Trong tiếng Việt, tính từ đó là “pháp” được gắn trước danh từ “nhân” để nói về một con người pháp định, khác với con người tự nhiên (tự nhiên nhân) hay con người bằng thể chất (thể nhân). Hai nhà khoa học pháp lý Nga, Evgenij Smirnov và Oleg Jastrebov, nêu rõ những tính từ khác nhau gắn vào danh từ “người” theo ngôn ngữ pháp lý của một số nước (được dịch ra tiếng Anh) để nói lên sự khác biệt giữa khái niệm thể nhân và khái niệm pháp nhân, ví dụ: tính từ “moral” trong thuật ngữ “moral persons” (theo pháp luật Pháp); “collective” (theo pháp luật Bồ Đào Nha và Mexico); “artificial” (theo hệ thống pháp luật Anglo-Saxon); ngoài ra còn những tính từ được sử dụng như “supernatural”, “fiction”, “abstract”, “ideal”, “universal”, “organic”, “compound”[12]
Pháp nhân bắt đầu được phát triển từ khi Canon Law (một nhánh của Roman Law) buộc phải giải quyết vấn đề tài sản của giáo hội do các giáo sĩ và các nhóm nắm giữ. Giáo hoàng Innocent IV (đầu thế kỷ XIII) là người đóng góp rất lớn cho việc phát triển khái niệm pháp nhân như một con người giả tưởng (persona ficta) hoặc con người nhân tạo (artificial person) được tạo ra và kiểm soát bởi quyền lực của giáo hoàng, tương tự như­ cách tiếp cận của đế chế La Mã – theo nghiên cứu Henn & Alexander. Các ông còn cho rằng: hệ quả logic của học thuyết giả tưởng là tạo ra sự tách bạch về pháp lý giữa con người nhân tạo đối với những con người tự nhiên tạo ra nó và không gắn cho corporation (pháp nhân theo cách gọi của Common Law) một ý chí (mens rea) hoặc bất kỳ thuộc tính nào của con người, do đó, dẫn đến hậu quả là làm cho pháp nhân không có khả năng phạm phải một hành vi vi phạm (tort) và tội phạm, đồng thời giới hạn các tố quyền chống lại tài sản của các tự nhiên nhân và tài sản của pháp nhân[13].
Ở Common Law, pháp nhân được gọi là “corporation” và được chia thành “corporation sole” (được tạo nên bởi một người, ví dụ như người giữ chức sắc trong một cơ quan thuộc giáo hội mà có luật gia Việt Nam gọi là “pháp nhân đơn nhất”) và “corporation aggregate” (được tạo nên bởi một vài người mà có luật gia Việt Nam gọi là “pháp nhân tập thể”). “Corporation sole” thường là các cơ quan chính quyền được tạo lập như một pháp nhân đơn nhất, lâu dài mà được nắm giữ bởi các cá nhân kế tiếp nhau (ở Anh quốc quan niệm nhà Vua như “Corporation sole”, dù nhà Vua cụ thể nào đó chết nhưng “Corporation sole” thì vẫn tồn tại cho sự lên ngôi khác).
Ở Việt Nam hiện nay, có giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật khẳng định: “Chủ thể pháp luật là những cá nhân, tổ chức có khả năng trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật, có những quyền và nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở của quy phạm pháp luật” và “Pháp nhân là một tổ chức, theo pháp luật Việt Nam có các điều kiện cơ bản sau đây:…[14]. Không chỉ là quan niệm quá hẹp về pháp nhân, giáo trình này đã không đưa ra được những lý luận nền tảng về pháp nhân, trong khi lại lấy một quy định của các Bộ luật Dân sự xa chuẩn mực ở nước ta để thay cho lý luận, tức là giáo trình về lý luận pháp luật nhưng lại thiếu lý luận pháp luật nền tảng. Cũng không khác hơn, một số giáo trình khác cũng có quan niệm hẹp như vậy về pháp nhân, tức là chỉ coi pháp nhân là một tổ chức (liên kết của nhiều thành viên)[15]. Khái niệm “tổ chức” theo quan niệm trên được giảng giải như sau trong mối quan hệ với khái niệm “pháp nhân”: “Cũng giống như Nhà nước, pháp nhân được tạo nên bởi một nhóm người, được trao những quyền và nghĩa vụ, được giả định hoạt động như một thực thể cá nhân”[16], tức là chỉ quan niệm: hễ là pháp nhân thì phải có nhiều thành viên.
Nguyên nhân chính là các giáo trình này xa rời kiến thức pháp lý nền tảng, không đối chiếu với ngay cả những quy định rõ ràng của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Cả ba Bộ luật này đều không đưa ra một định nghĩa về pháp nhân, nhưng đều có điều luật xác định các điều kiện mà một tổ chức được xem là có tư cách pháp nhân. Bộ luật Dân sự năm 1995 (tại Điều 94), Bộ luật Dân sự năm 2005 (tại Điều 84) và Bộ luật Dân sự năm 2015 (tại Điều 74) đều có một dẫn giải như nhau, rằng: “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:”, và liệt kê các điều kiện tiếp theo. Đó không phải là định nghĩa chung về pháp nhân, vì pháp nhân bao gồm ba loại là pháp nhân nhiều thành viên, pháp nhân một thành viên và pháp nhân không thành viên. Ngay tại Điều 77 (điểm g và điểm h khoản 2) của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định xác nhận sự tồn tại của loại pháp nhân không thành viên ở Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thấy quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra thừa điều kiện để trở thành một pháp nhân, gây rắc rối cho thực tiễn. Điều luật này đưa ra bốn điều kiện mà gọi tên vắn tắt (nhưng không thể đầy đủ) bao gồm: (1) Điều kiện về thành lập theo pháp luật; (2) Điều kiện về tổ chức; (3) Điều kiện về tài sản và trách nhiệm tài sản; và (4) Điều kiện về tư cách độc lập. Trong khi đó, một nghiên cứu về pháp nhân theo pháp luật Pháp cho rằng: Nhiều nhà luật học Pháp thường quan niệm một cộng đồng người (một đoàn thể người hay một tổ chức) có thể được xem là pháp nhân khi hội đủ hai đặc tính: Thứ nhất, có lợi ích riêng của nó mà không đồng nhất với các lợi ích của các thành viên của nó; và thứ hai, có một cấu trúc có khả năng biểu lộ ý chí tập thể trong các quan hệ pháp lý[17]Nói tóm lại, pháp nhân phải có một mục đích hoạt động vì lợi ích riêng biệt và có thể biểu lộ được ý chí chung của tập thể thành viên khi tham gia các giao dịch hoặc các quan hệ pháp lý khác. Từ đó, người ta mới có các quy chế pháp lý riêng cho từng hình thức pháp lý của pháp nhân. Các quy chế riêng này chúng ta đã từng thiết lập (điển hình là tại Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Tư tưởng pháp lý phương Tây có thể được chia thành hai trường phái về chủ thể của pháp luật là “Trường phái Duy pháp” (Legalist School) và “Trường phái Duy thực” (Realist School). Trường phái Duy pháp có quan điểm rộng và linh hoạt hơn trong việc coi những thực thể nào là có nhân cách pháp lý. Trong khi đó, Trường phái Duy thực có quan điểm hạn chế hơn, nên giới hạn chỉ những thực thể nào có một số đặc tính định trước mới được coi là có nhân cách pháp lý[18]. Về mặt học thuật, chúng ta tạm xếp các quy định về pháp nhân của Bộ luật Dân sự năm 2015 vào Trường phái Duy thực, mặc dù có thể khi xây dựng Bộ luật, không ai nghĩ tới mô hình hay trường phái học thuật này.
2. Nhìn lại một số nội dung pháp lý của chế định pháp nhân
Khi nghiên cứu về pháp nhân, nhất là để cho việc xây dựng pháp luật, không thể không phân tích những điểm giống và khác nhau giữa hai loại chủ thể quan trọng nhất của pháp luật như đã biết là thể nhân và pháp nhân; từ đó, mới có thể xây dựng được quy chế pháp lý chung cho pháp nhân.
Pháp nhân khác với thể nhân ở hai điểm: (1) Pháp nhân không có cơ thể sinh lý như thể nhân; và (2) Pháp nhân ra đời và tồn tại cho một mục đích nhất định nào đó, còn thể nhân khi bắt đầu sự tồn tại của mình không có ý thức gì về mục đích tồn tại. Tuy nhiên, đối với thể nhân, khi đã ý thức được mục đích sống, giống với pháp nhân, có tất cả các quyền tự do cho phép theo đuổi mục đích sống của mình[19]. Thể nhân và pháp nhân có những điểm chung là cả hai loại thực thể này đều có sản nghiệp và đều cần được cá biệt hóa.
2.1. Điểm khác biệt về pháp nhân không có cơ thể sinh lý
Công thức pháp lý tổng quát nhất, quyết định cho sự phát triển của kỹ thuật pháp lý chủ yếu là: Nếu có một nguồn gốc hay căn cứ pháp lý, thì sẽ làm phát sinh ra một hệ quả pháp lý (tức là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp lý hay một quyền lợi nào đó).
Nguồn gốc hay căn cứ pháp lý, nói tóm lại, gồm có ba loại, đó là: (1) Hành vi pháp lý (bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh ra hệ quả pháp lý bởi ý chí của đương sự); (2) Sự kiện pháp lý (làm phát sinh ra hệ quả pháp lý ngoài ý chí của đương sự có thể do đương sự gây ra hoặc không do đương sự gây ra); và (3) Hiệu lực của luật (làm phát sinh ra hệ quả pháp lý bởi ý chí của nhà làm luật, kể cả hệ quả đó do một đạo luật quy định trực tiếp).
Thể nhân có được nhân cách pháp lý do sự kiện pháp lý (cụ thể là được sinh ra, mà bản thân người được sinh ra không thể lựa chọn). Do đó, pháp luật không thể áp đặt mục đích ra đời của thể nhân.
Trong khi đó, pháp nhân là một “con người tinh thần” (không có cơ thể sinh lý), nên không thể được sinh ra như thể nhân. Do đó, pháp luật phải quy định về nguồn gốc hay căn cứ pháp lý mà theo đó pháp nhân được hưởng nhân cách pháp lý, tức là có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ pháp lý. Vậy chỉ còn lại hai trong ba nguồn gốc hay căn cứ pháp lý nói trên được xét tới, đó là: hành vi pháp lý và hiệu lực của luật.
Xét bản chất pháp lý của pháp nhân tức là xét xem pháp nhân được sinh ra bởi căn cứ pháp lý nào. Nếu nó được sinh ra bởi hành vi pháp lý thì xem như nó có bản chất pháp lý là hành vi pháp lý. Còn nếu nó được sinh ra bởi hiệu lực của luật thì xem như nó có bản chất pháp lý là một chế định pháp luật. Lý do đơn giản nhất của việc xác định như vậy có thể tìm thấy ở câu hỏi rằng, các quy tắc pháp lý nào sẽ được áp dụng giải quyết các tranh chấp liên quan tới các mối quan hệ nội bộ của nó, tức là các quan hệ tạo lập nên bản thân nó? Các quy tắc pháp luật về hành vi pháp lý sẽ được mang ra áp dụng để giải quyết các tranh chấp đó (và tất nhiên là văn bản biểu lộ ý chí thành lập nó, ví dụ điều lệ, là nguồn được ưu tiên áp dụng đầu tiên) nếu như xác định bản chất của nó là hành vi pháp lý. Còn các quy tắc pháp lý của một chế định pháp luật trong một đạo luật cụ thể nào đó sẽ chủ yếu được áp dụng và chi phối các quy tắc bổ sung khác để giải quyết các tranh chấp đó nếu như xác định bản chất của nó là một chế định pháp lý, tức căn cứ pháp lý phát sinh là hiệu lực của luật. Ví dụ: Bộ luật Hàng không dân dụng Pháp năm 1959 có một chương riêng quy định về công ty quốc gia Air France, kể cả quy định về quản trị, kế toán…; hoặc trước kia Việt Nam có đạo luật riêng về doanh nghiệp nhà nước mà những người có thẩm quyền cứ vào đó để lập nên những doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, có những đạo luật về corporation (tạm dịch là công ty đối vốn) xác định bản chất pháp lý của công ty rõ ràng. Chẳng hạn, Đạo luật số 11232 quy định sửa đổi Bộ luật về Corporation của Philippnies quy định tại Điều 2 như sau: “Một công ty đối vốn là một thực thể nhân tạo được tạo lập bởi hiệu lực của luật (operation of law), có quyền kế tục, các quyền, các thuộc tính, và tài sản rõ ràng được phép bởi pháp luật hoặc được bổ sung trong quá trình hoạt động của nó”[20]. “Tạo lập bởi hiệu lực của luật” được giải thích là việc thể hiện ý chí thành lập corporation chỉ bởi ý chí của những người thành lập là không đủ, mà còn phải được phép bởi pháp luật[21]. Tuy nhiên, các hình thức công ty khác ở Philippines đều được xem có bản chất là hành vi pháp lý, ví dụ như công ty hợp danh.
Ở Việt Nam, pháp luật không xác định rõ bản chất pháp lý của pháp nhân nói chung và từng loại pháp nhân nói riêng. Thế nhưng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thành lập pháp nhân mà qua đó có thể hiểu bản chất pháp lý của các pháp nhân công ty (thương nhân pháp nhân hay pháp nhân thương mại) là hành vi pháp lý. Cụ thể là điểm đ khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh. Như vậy, đòi hỏi đăng ký việc thành lập pháp nhân thương mại chỉ là sự đòi hỏi cho “sự biết đến của pháp luật” đối với thành lập pháp nhân thương mại. Và “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” chỉ là bằng chứng đầu tiên về việc người đăng ký trở thành thương nhân hay trở thành pháp nhân thương mại, và còn phụ thuộc vào chứng minh ngược lại. Tuy nhiên, đạo luật này chưa xác định được rõ ràng bản chất pháp lý của pháp nhân là doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp có 100% vốn của Nhà nước. Tất nhiên, các pháp nhân công pháp, nhất là các cơ quan công quyền, có bản chất pháp lý là pháp luật. Bản chất này thể hiện rõ nhất trong các căn cứ để ra văn bản mà thường được ghi ở đầu các văn bản hành chính và thể hiện ở đòi hỏi về Nhà nước pháp quyền.
Pháp nhân không có cơ thể sinh lý nên việc chấm dứt pháp nhân hoàn toàn không giống với thể nhân. Pháp nhân chấm dứt bởi chỉ hai loại căn cứ là hành vi pháp lý (bởi tự nguyện) hoặc hiệu lực của luật (bởi luật). Trong khi đó thể nhân bị chấm dứt hầu hết bởi sự kiện pháp lý, tức là sự kiện chết do tự nhiên hoặc do bệnh tật hoặc do đột tử hoặc do tại nạn hoặc do bị giết chết bất hợp pháp, hoặc bởi hiệu lực của luật trong một số ít trường hợp như bị thi hành hình phạt tử hình. Thể nhân cũng có thể tự chấm dứt sinh mạng của mình bằng tự tử hoặc thực hiện quyền an tử.
Tuy nhiên, dù pháp nhân có thể chấm dứt bởi sự tự nguyện, nhưng thời điểm mà pháp nhân được xem là chấm dứt khi pháp nhân không còn sản nghiệp. Thực tế, do không quan tâm đến những nguyên lý này, trong vụ Công ty xây dựng Campenon Sài Gòn TNHH kiện đòi tiền Công ty Liên doanh Hồng Bàng (mà công ty này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận bằng văn bản việc giải thể tự nguyện của nó và đã thanh lý xong toàn bộ tài sản), Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng vẫn ra phán quyết buộc Công ty Liên doanh Hồng Bàng phải trả tiền cho Công ty xây dựng Campenon Sài Gòn TNHH, gây khó khăn cho việc thi hành án[22]. Nhẽ ra, Tòa án phải tuyên vô hiệu hành vi pháp lý giải thể Công ty Liên doanh Hồng Bàng do vi phạm điều cấm, tức là vẫn chưa thanh toán xong các khoản nợ, để những thành viên của Công ty Liên doanh Hồng Bàng buộc phải trả lại tài sản cho công ty này, rồi mới tính đến các phán quyết khác.
Vì không có cơ thể sinh lý nên pháp nhân có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách và chuyển đổi hình thức pháp lý, trong khi đó thể nhân thì không thể, mà chỉ có thể chuyển giới. Việc cải tổ công ty cũng phải xét từ nguồn gốc pháp lý hay căn cứ pháp lý của chúng để điều chỉnh thích hợp. Ngay việc chuyển giới ở thể nhân cũng phải xem đó là một quy trình y tế hay một quy trình pháp lý để thiết lập các quy chế thích hợp. Nếu nó là một quy trình pháp lý thì phải xem rằng bản chất là một hành vi pháp lý đơn phương hay là hiệu lực của luật.
Vấn đề quan trọng bậc nhất khi mà pháp nhân không có cơ thể sinh lý giống với thể nhân để có được ý thức là ý chí của pháp nhân được biểu lộ như thế nào. Vì vậy, không quy chế pháp lý nào về pháp nhân mà không nói tới đại diện của pháp nhân và bộ máy để xác định ý chí của pháp nhân, nhất là đối với pháp nhân nhiều thành viên; hầu hết quy định về các hình thức công ty dành cho bộ máy của pháp nhân và thiết lập đại diện của pháp nhân. Tùy từng hình thức công ty mà có các quy định về đại diện khác nhau. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần thì bình thường là có một đại diện theo pháp luật. Nhưng đối với công ty hợp danh thì không thể quy định chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đánh đồng pháp nhân tư pháp và pháp nhân công pháp, nên quy định dường như chỉ một người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, như chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính. Tuy Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trường hợp nhiều đại diện theo pháp luật của pháp nhân tư pháp nhưng lại không thiết lập nguyên tắc tương ứng thích hợp.
Khi một pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật, thì pháp luật cần quy định hai nguyên tắc sau: Thứ nhất, không được lợi dụng việc có nhiều đại diện theo pháp luật để chống lại người thứ ba ngay tình; và thứ hai, mỗi người đại diện được xem như có quyền đại diện cho tất cả mọi vấn đề của pháp nhân. Cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều không chú ý tới hai nguyên tắc này. Việc quy định quyền đại diện của từng người đại diện theo pháp luật trong điều lệ của pháp nhân chỉ có giá trị giải quyết các vấn đề tranh chấp trong nội bộ của pháp nhân vì phải tuân thủ nguyên tắc lớn hơn – đó là nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng.
Vì không có cơ thể sinh lý nên pháp nhân không thể có các quyền về hôn nhân và gia đình, cũng như các quyền về bầu cử, ứng cử. Người ta cũng không thể xác định các vấn đề pháp lý khác của pháp nhân dựa trên yếu tố nơi sinh hay huyết thống.
2.2. Điểm khác biệt về pháp nhân ra đời và tồn tại cho một mục đích xác định
Bởi thấm thía về tự do, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc tự do thành lập pháp nhân tại khoản 2 Điều 74. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, pháp nhân được thành lập phải nhằm mục đích nhất định. Bởi thế, pháp luật luôn đòi hỏi sự ra đời của nó phải được pháp luật cho phép hoặc được pháp luật biết đến. Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định về một chủng loại mục đích của pháp nhân. Vì vậy, phân loại pháp nhân có ý nghĩa quan trọng bởi vì qua phân loại đó chúng ta có thể thấy ngay mục đích của pháp nhân. Điều này rõ ràng và rành mạch nhất đối với các pháp nhân là những cơ quan công quyền.
Pháp luật Trung Quốc ngay từ khi bước vào thời kỳ cải cách, mở cửa, đã có định nghĩa về pháp nhân khá rành mạch: “là tổ chức mà có năng lực dân sự, có thẩm quyền thực hiện các hành vi dân sự, và phù hợp với pháp luật được hưởng một cách độc lập các quyền dân sự và gánh vác các nghĩa vụ dân sự” (Điều 36, Các nguyên tắc chung của Luật Dân sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thường gọi vắn tắt là “Các nguyên tắc dân pháp”). Bộ luật Dân sự năm 2020 kế thừa định nghĩa pháp nhân này tại Điều 57. Phần lớn các quy định của pháp luật Trung Quốc lúc đó còn được kế thừa đến ngày nay. Theo đó, các pháp nhân được chia thành bốn loại, bao gồm: các pháp nhân thương mại (enterprise legal persons); các pháp nhân là cơ quan nhà nước (government agency legal persons); các pháp nhân là các tổ chức từ thiện (institution legal persons); và pháp nhân là các tổ chức xã hội (association legal persons), mà trong đó các pháp nhân thương mại nổi bật và chiếm vị trí quan trọng nhất[23].
Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015 “xé vụn” hơn ý tưởng trên để phân loại pháp nhân, xác định những mục đích lớn của pháp nhân. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có những quy định để xác định mục đích của pháp nhân trong khi tiến hành đăng ký thành lập các pháp nhân thương mại.
Việc phân loại pháp nhân như vậy để ngoài việc thiết lập quy chế chung của pháp nhân, pháp luật còn phải thiết lập từng quy chế cụ thể cho từng loại pháp nhân. Các quy chế pháp nhân có nhiều tầng nấc khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, đối với pháp nhân tư pháp, quy chế pháp nhân được thiết lập theo tầng nấc như sau: Trên hết là Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy chế chung của pháp nhân tư pháp bao gồm các nguyên tắc và các quy tắc chung nhất của pháp nhân về nhân cách pháp lý mà pháp nhân được hưởng; dưới đó là Luật Doanh nghiệp năm 2020 thiết lập các quy tắc chung của pháp nhân thương mại, rồi quy chế riêng cho từng loại pháp nhân như công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngoài ra, bên cạnh Luật Doanh nghiệp năm 2020, có nhiều đạo luật chuyên ngành khác có các quy định về pháp nhân trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hàng hải, hàng không…
Các pháp nhân công pháp là các cơ quan công quyền có quy chế hết sức chặt chẽ và minh bạch mà trước tiên dựa vào Hiến pháp, nơi tập trung lớn nhất các nguyên tắc và quy tắc tạo thành phần cao nhất trong sinh hoạt chính trị, pháp lý của một cộng đồng chính trị. Từ Hiến pháp, bộ máy nhà nước được thiết lập bằng các đạo luật mang tính hiến pháp như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Trong các đạo luật này các quy chế về các loại pháp nhân công quyền ở lớp thấp hơn được chỉ ra, như các bộ, ngành…
2.3. Sản nghiệp của pháp nhân và cá biệt hóa pháp nhân
Sản nghiệp của pháp nhân và cá biệt hóa pháp nhân thường được nghiên cứu chung liên quan tới các quyền dân sự của pháp nhân mà có những điểm tương đồng với thể nhân. Nhưng trước hết, vấn đề hình thành sản nghiệp luôn được chú ý đến đầu tiên trong việc thành lập pháp nhân, nhất là đối với việc thành lập pháp nhân thương mại.
Những loại pháp nhân có bản chất là hành vi pháp lý, thì góp vốn hay hùn vốn là điều khoản quan trọng nhất và được xem xét tới đầu tiên trong hành vi pháp lý đó. Việc góp vốn hay huy động vốn có liên quan tới từng loại hình thức pháp lý của pháp nhân. Do đó, các quy chế pháp lý riêng của từng loại pháp nhân luôn cần chú ý. Ngoài ra, việc định đoạt phần vốn góp hay cổ phần cũng là vấn đề mà luật về pháp nhân không thể không chú ý tới. Tuy nhiên, chúng đều mang bản chất là trái quyền.
Khi lâm vào tình trạng phá sản, quản tài viên có chức năng quản lý sản nghiệp phá sản, xác định tài sản nợ, thu hồi tài sản có của con nợ bị phá sản và có thể dẫn tới thanh toán tư pháp. Vấn đề này cũng có phức tạp trong xác định sản nghiệp phá sản và theo đuổi khoản nợ của pháp nhân là công ty hợp danh. Vì vậy, ngay trong pháp luật phá sản cũng cần có những quy định đặc thù về loại hình pháp nhân nào đó.
Pháp nhân cũng giống như thể nhân có tên riêng, có quốc tịch, có trụ sở, có trách nhiệm. Hiện nay, ở nước ta, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên còn quá nhiều quy định không phù hợp với sự khác biệt của pháp nhân so với thể nhân. Ngay khái niệm về pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không chuẩn, khiến cho khó có thể thi hành các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Kiến nghị
Vì thiếu nghiên cứu về cấu trúc bên trong của pháp luật nói chung và chế định pháp nhân nói riêng, nền tảng luật học của nước ta còn yếu. Do đó, từ giảng dạy, áp dụng pháp luật cho tới xây dựng pháp luật còn đang vướng phải những khó khăn nhất định, làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính đồng bộ và tính thống nhất, có nhiều hạn chế và khó đi vào cuộc sống theo đúng như mong muốn.
Bởi các lẽ đó, trước hết cần nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng cấu trúc bên trong của pháp luật để xác định được mô hình mà tại đó có xét đến sự theo đuổi học thuyết pháp lý nào đấy trước khi xây dựng luật.

Vì bị ảnh hưởng chủ yếu, quá lớn và có tính quyết định bởi các văn bản quy phạm pháp luật, nên làm luật ở nước ta là quan trọng nhất để thúc đẩy luật học, tư pháp và thực hiện pháp luật phát triển./.

 


[1] Mahmood M. Sanusi, The Concept of artificial legal entity and limited liability in Slamic Law, Islamic Economics and Finance Pedia, https://www.iefpedia.com/english/?p=4129, 18 Nov 2009.
[2] Nguyễn Ngọc Điện (2010), Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 14.
[3] Xem Vũ Văn Mẫu (1960), Dân luật khái luận, In lần thứ hai, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 38-42.
[4] Trần Văn Liêm (1972), Dân – luậtQuyển I, Dân luật nhập môn, Sài Gòn, tr. 153.
[5] Bartosz Brożek (2017), “Chapter 1 – The Troublesome ‘Person’”, pp.3-13, Legal Personhood: Animals, Artificial Intelligence and the Unborn, edited by Visa A.J. Kurki, Tomasz Pietrzykowski, Springer International Publishing AG, p. 4.
[6] Evgenij Smirnov & Oleg Jastrebov (2013), Value of the Fiction Theory for Understanding the “Legal Person”, pp. 907- 912, World Applied Sciences JournalVol. 27 (7), ISSN 1818-4952, p. 908.
[7] Visa A.J. Kurki (2019), A Theory of Legal Personhood, Oxford University Press, p. 32.
[8] Macarena Montes Franceschini (2022), Traditional conceptions of the Legal Person and Nonhuman Animals, Animals, https://doi.org/10.3390/ani12192590, p.3.
[9] John Salmond (1893), Jurisprudence, Second Edition, Sweet & Maxwell, London, p.329.
[10] John H. Farrar (2007), Salmond and Corporate Theory, Victoria University of Wellington Law Review, p.925.
[11] Bryant Smith (1928), “Legal Personality”, pp. 283-299, Yale Law Journal, Vol. XXXVII, January, No.3, p. 283.
[12] Evgenij Smirnov & Oleg Jastrebov (2013), Value of the Fiction Theory for Understanding the “Legal Person”, pp. 907-912), World Applied Sciences JournalVol. 27 (7), ISSN 1818-4952, pp. 908-909.
[13] Harry G. Henn & John R. Alexander (1983), Law of Corporations and other business enterprises, Third Edition, St. Paul, Minn., West Publishing Co., pp. 145-149.
[14] Hoàng Thị Kim Quế (2015), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.412, 416.
[15] Ví dụ: (1) Giáo trình Luật thương mại Việt Nam (Phạm Duy Nghĩa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998), tr. 42; (2) Giáo trình Luật dân sự Việt Nam – Tập I (Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp, 2022), tr. 87; (3) Giáo trình Những quy định chung về Luật dân sự (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, 2022), tr. 146; (4) Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2009), tr. 449.
[16] Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, tr. 449.
[17] Evgenij Smirnov & Oleg Jastrebov (2013), Value of the Fiction Theory for Understanding the “Legal Person”, pp. 907-912), World Applied Sciences JournalVol. 27 (7), ISSN 1818-4952, p. 909.
[18] Asanka Edirisinghe & Sandie Suchet-Pearson (2024), Nature as a sentient being: Can rivers be legal persons?, Review of European, Comparative & International Environmental Law, Published by Wiley Periodicals LLC., p. 1.
[19] Nguyễn Ngọc Điện (2010), Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.9.
[20] “A corporation is an artificial being created by operation of law, having the right of succession and the powers, attributes, and properties expressly authorized by law or incidental to its existence”.
[21]Nicolas Felix L. Ty (2021), Overview of Philippines Corporation Law, Asian Comparative Law, Vol. 1, p.124.
[22] Bản án số 11/DSST ngày 27/11/2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
[23] Zhao Zhongfu (1989), Enterprise Legal Persons: Their important status in Chinese, Law and Contemporary problems, Vol. 52, No. 3, Summer, p. 2.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 09 (488), tháng 5/2024.)

 

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar