Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Cuộc đấu tranh của Việt Nam chống bao vây, cấm vận, cô lập

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA VIỆT NAM CHỐNG BAO VÂY, CẤM VẬN, CÔ LẬP
TỪ CUỐI THẬP NIÊN 1970 ĐẾN GIỮA THẬP NIÊN 1990
A. NHỮNG CHI TIẾT ĐÁNG LƯU Ý:
1. “Chính sách của một nước được hoạch định thường xuất phát từ những đánh giá của nước đó về tình hình thế giới và khu vực. Điều đó cũng đúng với Việt Nam sau 1975. Đáng chú ý là chúng ta đã có những đánh giá tình hình không sát với thực tế để từ đó hoạch định chính sách đối ngoại cho thời kỳ đất nước thống nhất. Nói cách khác, tình trạng bị bao vây, cấm vận, cô lập một phần là kết quả của chính sách đối ngoại sau năm 1975 – một chính sách được xây dựng trên cơ sở của những đánh giá tình hình bên ngoài không hoàn toàn chính xác” (Trang 9).
2. “Tình hình khách quan dường như không thuận lợi cho nước Việt Nam thống nhất. Nhưng điều đáng nói ở đây là các chính sách của Việt Nam dường như đã làm trầm trọng thêm những khó khăn đó. Việt Nam đã không phát hiện thấy sự bế tắc về đường lối xây dựng dựng chủ nghĩa xã hội của hệ thống xã hội chủ nghĩa, những phát triển mới trong tình hình thế giới như Mỹ tuy thua ở Việt Nam nhưng vẫn là thế lực lãnh đạo của phe tư bản, Nhật và Tây Âu đã trở thành hai thế lực kinh tế quan trọng, một số nước Đông Nam Á đã có bước phát triển quan trọng về kinh tế và lãnh đạo mới ở Trung Quốc sau khi “bè lũ bốn tên” bị lật đổ, bắt đầu tiến hành cải cách. Do đó, ta đã không có một chính sách đối ngoại hậu chiến phù hợp với tình hình mới trên thế giới và khu vực có lợi cho nước ta sau ngày chiến thắng” (Trang 25).
3. “Việt Nam đánh giá cao sự viện trợ của Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng không nắm được hết ý đồ của Liên Xô … Quá trình quyết định xích lại gần với Liên Xô có lẽ đã bị tác động bởi những diễn biến dồn dập và khi các lựa chọn khác không còn nữa… Về thực chất, nội bộ ta dường như đạt được sự nhất trí ký kết bản Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô năm 1978 chỉ sau đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mỹ bị thất bại. Nayan Chanda cho biết chuyến bay sang Moscow chở đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đã bị hoãn tới ba lần. Lý do là Hà Nội phải đợi kết quả đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ: ‘Hà Nội đã hoãn việc ký hiệp định với Liên Xô cho tới lúc nhận ra rằng cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã bị mất’. Như vậy, có thể nói quyết định tham gia Hiệp ước với Liên Xô đã được đưa ra vào những phút cuối cùng, sau khi khả năng bình thường hóa qua hệ với Mỹ bị đổ vỡ, quan hệ với Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng. Steven Morris thậm chí còn cho rằng: ‘Hà Nội đã bị hoảng loạn khi quan hệ hai nước đồng minh Trung Quốc và Campuchia đột ngột xấu đi cùng một lúc. Do đó, liên minh với Liên Xô là phản ứng tức thời, tức là khi ta đã bị dồn vào chân tường, cho nên đó có thể chưa phải là lựa chọn tối ưu… Trong khi đó, lợi ích an ninh và kinh tế của việc tham gia khối SEV và ký hiệp ước với Liên Xô không như ta mong đợi. Liên Xô không can thiệp trực tiếp vào cuộc đụng đầu quân sự Việt – Trung năm 1979. Trong nội bộ ta do đó xuất hiện ý kiến cho rằng Liên Xô không quan tâm đến bảo vệ quyền lợi an ninh của Việt Nam. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thừa nhận rằng trong cán bộ và nhân dân ta có người thắc mắc tại sao Liên Xô không thực hiện Điều 6 của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. (trang 40-43).
4. “Có thể nói rằng chính sách bao vây, cấm vận và cô lập của Trung Quốc chống Việt Nam là toàn diện nhất và gây thiệt hại nhất cho ta. Trung Quốc là nước duy nhất đã tiến hành các hoạt động vũ trang toàn diện và kéo dài chống ta, và là nước tham gia vào các hoạt động bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam trên phạm vi thế giới và khu vực”. (trang 60-61).
5. “Khả năng xây dựng một dạng liên minh mới với Trung Quốc dựa trên ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã không được Trung Quốc hưởng ứng… Như vậy, nếu đánh giá đúng tình hình, ta không cần phải đề xuất ‘giải pháp đỏ’ trong khi cố gắng bình thường hóa qua hệ với Trung Quốc. Không những không nhận lời, Trung Quốc còn thông báo cho Mỹ, làm phức tập thêm quan hệ đối ngoại của ta” (Trang 104-105).
6. “Như vậy, đến năm 1994, Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng bao vây, cấm vận, cô lập về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Hơn nữa, đến năm 1995, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn và các nước trong khu vực, đã căn bản được bình thường hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, Việt Nam đã có quan hệ bình thường với tất cả các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có nhiều nước đã từng có chính sách thù địch với Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam không có một nước nào bị coi hoặc coi Việt Nam là kẻ thù: theo đó khả năng xảy ra xung đột quân sự đã giảm tới mức không đáng kể. Thêm vào đó, cơ hội hợp tác các mặt, nhất là hợp tác kinh tế với tất cả các nước đã mở ra” (Trang 152).
B. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA
1. Việc thành công này (ý nói thành công trong việc chống bao vây, cấm vận, cô lập), do đó, chưa hoàn toàn là sản phẩm của sự trù tính dài hạn có kế hoạch, mà là sự bị động và phản ứng trước tình hình không như ý muốn trước kết quả chính sách không như mong đợi. Nói cách khác, tuy chính sách vẫn thành công nhưng đó có phần là 𝘀𝗮̉𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̉𝗺 𝗰𝘂̉𝗮 𝗾𝘂𝗮́ 𝘁𝗿𝗶̀𝗻𝗵 𝘀𝘂̛̉𝗮 𝘀𝗮𝗶. Cho nên, dù thành công trong giai đoạn sau, nói một cách hình tượng, con đường đi đến đích là con đường vòng, và về mặt kinh tế, cái giá phải trả cho thành công là khá cao” (Trang 154).
2. Có phần thiên về yếu tố ý thức hệ trong nhận đình tình hình và xây dựng chính sách, nhất là trong bối cảnh ta vừa giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975… Ta không nghiên cứu kỹ tình hình thế giới và hệ thống xã hội chủ nghĩa, nên đã có một chính sách ngoại giao hậu chiến chưa phù hợp hoàn toàn với tình hình trong nước và thế giới sau 1975, và do đó đã dùng các chính sách và biện pháp cũ được xây dựng trên một cơ sở ý thức hệ, là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là tiên quyết trong việc xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại – trong so sánh với tầm quan trọng của quyền lợi dân tọc và với chủ nghĩa dân tộc đúng đắn (trang 155-156)
3. Có những bước triển khai chính sách chưa hoàn toàn thích hợp và đồng bộ: Đây một phần là vì lý do nhận thức – liên quan đến sự nổi trội của yếu tố ý thức hệ… Và liên quan đến yếu tố ý thức hệ đã nói ở trên, tuy ta không có chủ trương và hành động cụ thể xuất khẩu cách mạng sang các nước ASEAN nhưng việc ta tuyên truyền mạnh mẽ về bản chất xã hội chủ nghĩa của ta, phê phán ASEAN theo đuôi chủ nghĩa tư bản, và đặt điều kiện các nước ASEAN phải thực sự trung lập, hòa bình và độc lập đã ngăn cản xu thế các nước ASEAN có quan hệ tốt hơn với Việt Nam cũng như có thái độ thông cảm hơn với hành động cảu ta ở Campuchia. (Trang 157).
4. Có những đánh giá và chính sách không hoàn toàn thích hợp với các nước lớn: Trong giai đoạn sau năm 1975, ta đã đánh giá thấp sức mạnh và uy tín của Mỹ, tác hại từ sự bao vây, cấm vận của Mỹ. Đây là một nhận định không sát tình hình thực tế. Việc ta kiên quyết chống lại hành động lấn chiếm của Trung Quốc và Khmer Đò là cơ bản đúng, nhưng việc ta xác định Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của cách mạng Việt Nam lại không đem lại kết quả như mong muốn và gây thêm khó khăn cho quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Trường hợp quan hệ với Liên Xô cũng đáng chú ý. Việc Việt Nam vào khối SEV và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác không giúp bảo vệ an ninh và thỏa mãn nhu cầu phát triển của ta. Thời kỳ hoàng kim khi Việt Nam có thể vận dụng thành công mâu thuẫn Xô-Trung-Mỹ để tiến hành kháng chiến chống Mỹ đã không lặp lại trong những hoàn cảnh mới. (Trang 160-161).
5. Kịp thời đổi mới tư duy đối ngoại và trên cơ sở đó đã có đường lối đối ngoại đúng đắn đưa nước ta ra khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, cô lập. Tuy ta đã phải trả giá đắt, nhưng vẫn cần phải công nhận đây là một thành công lớn về đối ngoại, vì nó vẫn có trường hợp có nước cho đến nay không đổi mới tư duy và chính sách đối ngoại, và do đó vẫn bị bao vây, cấm vận, cô lập và từ đó đề cao việc học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Theo học giả Stein Tonnesson, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Mianma là hai trường hợp điển hình: một nước khắc phục vị trí yếu kém của mình trên trường quốc tế bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân, còn một nước thì rút thủ đô lên vùng sâu, vùng xa. Bài học của Việt Nam cho thấy tình trạng yếu kém về ngoại giao và kinh tế có thể được khắc phục bằng cách mở rộng hệ thống quan hệ quốc tế của mình thông qua mạng lưới các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, và dân gian với thế giới đang trở nên toàn cầu hóa. Chính sách “làm bạn với tất cả các nước” đã thể hiện đúng tinh thần này”. (Trang 161).
C. TỪ HAI CÂU HỎI CỦA BỘ CHÍNH TRỊ(*)
“Ngày 07/11/1992, Bộ Chính trị họp bàn về vấn đề gia nhập ASEAN. Về căn bản, kiến nghị của Bộ Ngoại giao đã được chấp nhận. Biên bản cuộc họp ngày 07/11/1992 viết: ‘Bộ Chính trị về cơ bản tán thành đánh giá và kiến nghị của Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai mạnh mẽ chính sách khu vực của ta, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước ASEAN, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để trở thành thành viên chính thức của ASEAN khi tình hình chín muồi’. Nhưng còn hai vấn đề mà Bộ Chính trị cần Bộ Ngoại giao làm rõ trước khi Bộ Chính trị có quyết định cuối cùng. Hai vấn đề đó là: (1): Có khả năng thiết lập một cơ chế khác như một khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á hay không? (2): Trong tất cả văn kiện của ASEAN có chỗ nào chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, chống Việt Nam không để tránh phức tạp về sau”.
Bộ Ngoại giao đã có hai tờ trình bổ sung, Tờ trình bổ sung ngày 16/01/1993 của Bộ Ngoại giao nêu rõ “không có điểm nào kể cả các điều khoản về tôn chỉ mục đích, nguyên tắc hoạt động của ASEAN nói rõ hoặc ám chỉ, hoặc mang tính chất chống cộng sản, chống chủ nghĩa xã hội, chống Việt Nam hoặc chống bất cứ quốc gia nào khác”. Tờ trình bổ sung lần thứ hai, ngày 16/02/1993, nêu: “cũng có ý kiến nêu lên khả năng ta đứng ra lập một tổ chức mới trong khu vực và lôi kéo ASEAN vào. Trong hoàn cảnh hiện nay điều đó là không hiện thực, ngược lại có thể gây ra sự đối đầu mới không có lợi cho ta”.
Ngày 19/02/1993, Bộ Chính trị quyết định ‘Việt Nam sẵn sàng gia nhập ASEAN vào thời điểm thích hợp’, đồng thời chỉ thị chọn lọc một số ủy ban, chương trình của ASEAN để tham gia theo hướng tham gia lây dài ASEAN.
Từ hai câu hỏi nhằm làm rõ hai vấn đề của Bộ Chính trị trước khi quyết định gia nhập ASEAN, người ta có thể có những nhận xét, đánh giá khác nhau. Riêng tôi rút ra được một số nhận xét và bài học kinh nghiệm:
– Một là, các cụ nhà ta cũng có máu làm anh cả của Đông Nam Á này lắm, nhưng mà lực bất tòng tâm. Đặt vấn đề “ta đứng ra lập một tổ chức mới trong khu vực và lôi kéo ASEAN vào”, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đầu những năm 1990, là hết sức hoang tưởng.
– Câu hỏi thứ hai đương nhiên là cần thiết đối với nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Câu hỏi thứ hai cho thấy, an ninh của chế độ luôn đặt lên hàng đầu, luôn là mối bận tâm của Bộ Chính trị mỗi khi triển khai chính sách đối nội cũng như đối ngoại.
Từ hai câu hỏi của Bộ Chính trị trong việc gia nhập ASEAN, chúng ta có thể suy ra các vấn đề khác./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar