Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Dẫn nhập

DẪN NHẬP 

Con người là động vật ưa quần tụ và không sống cô độc. Người nọi trở thành lệ thuộc người kia và với sự bành trướng của xã hội, nhất là từ thời cách mạng kỹ nghệ, sự hỗ tương hệ thuộc ấy lại càng rộng lớn. Ai ai cũng hiểu rằng, nhiều hoạt động của con người có ảnh hưởng tới kẻ khác. Điều hòa hay hệ thống hóa những mối tương quan giữa mọi người, đó là nhiệm vụ của cái mà ngày nay chúng ta gọi là chính phủ. Có khi chúng ta gọi là diễn tiến của việc trị dân, tức là sự diễn tiến những công việc nhằm kiểm soát hoạt động của con người và thêm vào đó, quyền bắt con người phải tuân theo. Đứng về phương diện lịch sử, diễn tiến của việc trị dân có nhiều hình thức, và trải qua nhiều thế kỷ, các học giả đã cố gắng xếp loại các hình thức ấy, tức là xếp loại các chính thể.

XẾP LOẠI CHÍNH THỂ

Học giả Aristote đã đưa ra một sự xếp loại vững chắc nhất, căn cứ vào phạm vi tham gia của nhân dân trong công việc chính trị, tức là có hai loại chính thể: “Chính thể có sự tham gia rộng lớn” và “chính thể có sự tham gia nhỏ hẹp”. Tuy sự xếp loại này vẫn còn hữu dụng đến ngày nay khi ta nhiền tới những chính thể độc tài và dân chủ hiện đại, nhưng có nhiều trường hợp, xếp loại trên là không thích hợp. Đó là những quốc gia mới thoát khỏi chế độ thực dân. Cuốn sách này không trù tính nghiên cứu mọi hình thức chính thể, nhưng độc giả cũng nên nhớ rằng, sự xếp loại truyền thống nói trên đã quá giản dị đối với hoàn cầu ngày nay. Những chính thể được nghiên cứu trong sách này, Anh, Pháp, Đức và Nga Sô có thể xếp loại theo tiêu chuẩn truyền thống. Ba quốc gia trên là nước dân chủ, mặc dù có sự khá biệt rõ rệt giữa các nước ấy. Nga Sô trái lại, là nước độc tài mạnh nhất, và cũng là một sự thử thách mà các nước dân chủ chưa từng gặp phải. Có thể nói đây là sự thử thách mới mẻ, vì phần lớn kinh nghiệm chính trị mà loài người đã thủ đắc được là do dưới những chính thể chuyên đoán, và những định chế dân chủ đại nghị mới đóng một vai trò có ý nghĩa trong một thời gian gần đây. Sự thử thách của chế độ độc tài trờ thành một vấn đề sinh tử vì vấn đề được nêu ra là thế giới có thể tồn tại mãi khi một nửa nhân loại sống đời nô lệ, còn nửa khác sống tự do. Sự tranh chấp không những chỉ hạn chế đối với các chính thể độc tài hay dân chủ hiện hữu. Nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nghiêng ngả không biết về phe nào, nhất là các quốc gia mới độc lập tại Châu Á và châu Phi. Có lẽ, ở các nước này, số phận của chính thể dân chủ hay độc tài sẽ được giải quyết.

ĐẶC TÍNH CỦA DÂN CHỦ 

Danh từ “dân chủ” đã được dùng sai lầm bởi kẻ thù hay những người bạn trung thành của chế độ, cho nên có khi khó định nghĩa. Tuy nhiên, trên phương diện lịch sử, sắc thái chính trị của ý niệm dân chủ đã xuất phát từ hồi xưa. Dân chủ là sự trị quốc do nhân dân đảm nhiệm. Mặc dầu định nghĩa đó bao hàm nhiều ý nghĩa, muốn trắc nghiệm xem một chế độ có phải là dân chủ hay không, chỉ cần biết chính quyền có thể thay thế một cách êm thấm, khi họ không còn đại diện cho nguyện vọng của đại đa số nữa hay không. Nghiên cứu vấn đề dân chủ, học giả cần chú ý tới: 1) Vài ý niệm và vài mặc nhận căn bản bao hàm trong tín niệm dân chủ; 2) vài nguyên tắc trong sự áp dụng ý niệm dân chủ và 3) vài đường lối định chế hóa dân chủ, nghĩa là những đường lối tổ chức chính thể dân chủ. Trong các nước dân chủ, có một sự chấp nhận tổng quát về những ý niệm và nguyên tắc căn bản, nhưng về cách tổ chức nền dân chủ, trái lại ta nhận thấy có những sự khác biệt sâu xa trong các quốc gia.
Vài ý niệm và vài mặc nhận căn bản:
Nằm trong trung tâm của lý thuyết dân chủ là ý niệm con người là trọng yếu, chính phủ chỉ hiện hữu bởi sự ý hiệp của mọi người và do đó chính phủ là công bộc của cộng đồng. Mọi người đều sinh ra đều bình đẳng. Ngay từ khi lọt lòng, ai nấy cũng đượ chưởng mộ vài quyền bất di và bất dịch như quyền sinh sống, quyền tự do mà không một quyền lực nào ở trên trái đất này được xâm phạm. Toàn thể các lý thuyết gia về dân chủ, đều coi một chế độ chính trị phủ nhận các quyền đó là chế độ phản dân chủ. Như vậy một chính phủ chí có thể hiện hữu với sự chấp thuận của nhân dân.
Có sự liên hệ mật thiết với ý niệm dân chủ trên là ý niệm con người có đủ khả năng để quản trị chính công việc của mình và nhân dân có thể tự quản trị công việc của họ một cách đẹp đẽ hơn ai hết. Ý niệm trên còn có nghĩa là con người sẽ vận dụng thông minh, liêm chính và sự hợp lý để phục vụ, nhưng không có ý nghĩa là dưới chính thể dân chủ, sẽ không có những sự lầm lẫn vụng về. Ngoài ra, ý niệm trên còn bao hàm một sự mặc nhận rằng, nhân dân sẽ biết phân biệt chính sách nào hay, chính sách nào dở và lầm lỡ còn hơn một thứ quyền hành vô kiểm soát, mặc dù quyền hành ấy có thể hữu hiệu tới mức nào.
Tuy nhiên, thuyết dân chủ cũng còn mặc nhận rằng, sự thiết lập một chính thể là cần thiết để ngăn ngừa sự tự do và bình đẳng thái quá. Dân chủ cố gắng tạo nên hoàn cảnh trong đó mỗi người có thể phát triển đầy đủ và tự do mọi khả năng, theo những đường lối do người ấy quyết định lấy. Nhưng khi hành động như vậy, con người không được phép chà đạp quyền tự do của kẻ khác. Nói khác, chính phủ dân chủ dân chủ phải mang lại tối đa lợi ích cho nhân dân. Nói t1om lại, sự đặt trọng tâm vào cá nhân được điều hòa bởi sự cần thiết lập một chính quyền, một chính quyền mà chính con người lại kiểm soát.
Những nguyên tắc trong việc áp dụng ý niệm dân chủ:
Một số nguyên tắc này chỉ là những điều thường thức, nhưng thiết tưởng cũng nên trình bày vắn tắt ở đây:
– Trước hết là nguyên tắc do đó quyền bầu cử phải được dành cho đại đa số nhân dân. Nói khác, không được có điều kiện về chính trị, kinh tế, tôn giáo và chủng tộc để ấn định quyền bầu cử. Hơn nữa, cuộc bầu cử phải được tự do, ngay thật và được tổ chức trong những định tương đối kỳ ngắn hạn. Nói tóm lại, nhân dân phải co cơ hội phê bình trong những định kỳ các hành vi của người cầm quyền, với sự tin tưởng rằng ý chí của họ sẽ được tôn trọng.
– Nguyên tắc thứ hai là những dị biệt về quan điểm trong sự ấn định chính sách sẽ được giải quyết theo đa số. Trên thực tế, điểm này có nghĩa là những sự thay đổi do ý muốn của đa số phải có thể thực hiện được qua những phương tiện hợp hiến. Phái thiểu số, phải chấp thuận ý kiến của đa số, nhưng khi làm vậy, họ không gat bỏ quyền tranh đấu để có thể ngày kia trở thành đa số. Đa số phải ý thức rằng, họ chỉ là đa số hiện thời và như vậy phải tôn trọng quyền lợi của thiểu số. Với diễn tiến đó, chúng ta sẽ thấy vai trò hữu ích của những sự dàn xếp hay dung hòa. Bằng không nguyên tắc đa số sẽ không thể áp dụng một cách lâu bền.
– Thứ ba là, liên hệ mật thiết với nguyên tắc đa số, là nguyên tắc chấp nhận sự đối lập. Các đảng hay đoàn thể được tự do tổ chức, hội phọp, phát biểu ý kiến bằng lời nói hay câu viết để thuyết phục nhân dân ủng hộ chính sách và chương trình của họ. Nếu cần phải có một cuộc thi đua thực sự trong sự lãnh đạo chính trị, tất nhiên phải chấp nhận một cách rộng rãi những bất đồng chính kiến.
– Thứ tư là trong một xã hội dân chủ, nguyên tắc “pháp luật trên hết” phải được mọi người tôn trọng. Điểm này có nghĩa là đối với pháp luật, ai cũng như ai, không có một hạng người nào được biệt đãi cũng như không có sự chuyên đoán, vì luật lệ được rõ ràng và đều được mọi người biết trước. Xã hội nào cũng phải đối phó với vấn đề luật và quyền lợi trong đó phải xác định thế nào là công lý. Trong các xã hội dân chủ, nguyên tắc “pháp luật trên hết” khiến mọi người tôn trọng những tiêu chuẩn đã được minh định và đồng thời bảo vệ những quyền lợi cá nhân.
Sau cùng, một nguyên tắc thường không được nói đến là sự “hòa thuận chung về thủ tục chính trị”. Nguyên tắc này tóm tắt các nguyên tắc trên. Thỏa thuận chung có nghĩa là đồng ý về những điểm căn bản hay là những thể lệ trong các cuộc đấu tranh về chính trị. Theo nghĩa ấy, dân chủ là một phương pháp để đi tới những quyết định chính trị. Theo nghĩa ấy, dân chủ là một phương pháp để đi tới những quyết định chính trị. Dấu hiệu bảo đảm tính cách dân chủ thực sự của một xã hội là ở nơi mọi người đều chấp nhận một số thể lệ trong sự diễn tiến chính trị. Dân chủ không phải là những việc nào đó sẽ phải thực hiện, chính ra dân chủ có nghĩa là về phương diện chính trị, những việc ấy sẽ phải thực hiện theo một đường lối nào đó. Không có sự thỏa thuận căn bản này, một xã hội tự coi mình là dân chủ, sẽ không thể hyvo5ng tồn tại mãi với tính cách dân chủ được.
Định chế hóa dân chủ:
Các nước dân chủ trong khi vẫn tôn trọng những nguyên tắc căn bản về dân chủ, đã thiết lập những định chế chính trị khác biệt. Những định chế đó được diễn tả trong Hiến pháp. Hiến pháp thường là một văn kiện, nhưng cũng có khi không phải là một văn kiện. Hiến pháp thành văn nào cũng được bổ túc bằng những bằng những tập quán chính trị. Tuy không được ghi chép trong mọt văn kiện, các tập quán này đứng một vai trò quan trọng trong diễn tiến chính trị. Như vậy, bản chất của Hiến pháp trong các nước dân chủ là một điểm chính để so sánh. Lẽ dĩ nhiên, các hiến pháp dân chủ có nhiều điểm chung. Với những đường lối khác biệt, các Hiến pháp dân chủ đều 1) ghi rõ quyền hành của các cơ quan công quyền, 2) Ấn định quyền lợi của người dân; 3) Thiết lập những thủ tục để sử dụng công quyền. Khi nghiên cứu các chính thể dân chủ, ta nhận thấy có nhiều sự khác biệt giữa các Hiến pháp dân chủ trong việc đặc các mục tiêu trên. Có hiến pháp nói rõ những vấn đề ra ngoài quyền hành của các cơ quan công quyền. Có hiến pháp kê ghi một cách chính xác hơn những quyền lợi của người dân và quyền hành của chính phủ. Và có hiến pháp lại ấn định nhiều chi tiết hơn về thủ tục để hạn chế quyền hành của các cơ quan công quyền.
Nói chung, tổ chức chính trị khác nhau rõ rệt giữa các quốc gia dân chủ. Thủ tục và tập quán trong việc bầu cử, hay nói khác, sự tham gia của nhân dân vào chính trị cũng khác biệt trong các nước. Mối tương quan giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng thay đổi tùy theo chính thể, nhất là ở giữa một liên bang mà quyền hành được phân chia giữa trung ương và các tiểu bang, và một quốc gia duy nhất trong đó chính quyền trung ương tập trung mọi quyền hành. Hơn nữa, dù có hoạch định rõ rệt sự phân quyền hay không, việc phân chia nhiệm vụ giữa các cơ quan công quyền cũng phát sinh ra nhiều sự khác nhau quan trọng. Những nghị viên chế không hoàn toàn giống nhau, mặc dù có nhiều điểm tương tự. Chính thể Hoa Kỳ được coi là kiểu mẫu của Tổng thống chế có những điểm có thể chứng tỏ cơ chế dân chủ thay đổi tùy từng nơi. Điều này lại càng rõ rệt hơn khi ta nghiên cứu những định chế cá biệt như Hành pháp, Lập Pháp, và Tư pháp.
Sau cùng, có nhiều điểm tương đồng hay dị biệt giữa cac chế độ dân chủ trong sự tác động của các động lực chính trị. Trong tậm vần đề là thể thức tranh đấu để giành quyền hành. Sự tranh đấu ấy được biểu lộ dưới hình thức những chính đảng, tuy nhiên, trong vài nước dân chủ, những đoàn thể có quyền lợi chung và được tổ chức một cách chính thức cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh ấy. Một điểm quan trọng đặc biệt trong sự tác động của các động lực chính trị ở các chế độ dân chủ là bản chất của sự lãnh đạo mà chế độ ấy phát sinh ra. Sự lãnh đạo ấy thường liên hệ mật thiết với các chính đảng. Các chính đảng là những định chế có những chương trình chính trị khác nhau mà cử tri có thể nhận xét và lựa chọn, do đó sự tham gia của nhân dân có ảnh hưởng vào sự lãnh đạo của mọi chế độ dân chủ, vì nhân dân trộng cậy vào sự lãnh đạo để những nguyện vọng của họ được thực hiện qua những chương trình chính trị có ý nghĩa.

ĐẶC TÍNH CỦA CHÍNH THỂ ĐỘC TÀI 

Như đã kể trên, phần lớn loài người đã sống dưới những chính thể chuyên đoán. Các chính thể này thay đổi qua thời gian hay không gian. Chúng ta chỉ nghiên cứu, trong cuốn sách này, một hình thức độc tài, là hình thức độc tài của Nga sô; tuy nhiên còn nhiều thể thức khác mà chúng ta sẽ kể ra khi đối chiếu với loại độc tài tân tiến mà Nga Sô là một ví dụ rõ rệt.
Những loại độc tài xưa cũ:
Có lẽ hình thức chuyên đoán cổ nhất là sự lãnh đạo của bộ lạc trưởng. Những nhà lãnh đạo này vẫn tồn tại trong những xã hội tôn trọng triệt để truyền thống và tương đối ít tiếp xúc với các xã hội khác. Những ob65 lạc đó hiện nay hãy còn có tại những miền thâm sơn cùng cốc ở châu Phi. Tại đó, những người có quyền thế còn điều khiển nhân dân với danh nghĩa là Vua hay Hoàng Đế. Có khi những người đó còn thêm có tính cách thiêng liêng và trên thực tế được coi như là một vị thần sống và thí dụ gần đây nhất là vị lãnh đạo tại Tây Tạng.
Quân chủ là hình thức chuyên đoán mà chúng ta đều biết. Kể từ 2.000 năm về trước, lịch sử châu Âu đẩy đủ những thí dụ quân chủ. Tuy nhiên, phần nhiều các nền quân chủ Châu Âu đã sụp đổ hay biến thể sâu rộng. Những chế độ quân chủ cận đại tại Châu Âu đã trở thành quân chủ lập hiến, và thực quyền chính trị được giao phó cho những người do nhân dân bầu ra. Tuy nhiên, trong vài nước Trung Đông, quyền hành của nhà vua vẫn còn vô biên.
Chính thể độc tài chính thức cổ nhất là chính thể của nước La Mã xưa kia. Nhưng chính thể này rất khác biệt hình thức độc tài hiện thời ở La Mã, nhân dân đưa một người ra cầm quyền, dành cho người ấy những quyền hành dộc đoán để giải quyết một cơn khủng hoảng. Người đó được nhân dân bầu ra chứ không tự mình chỉ định. Người đó phục vụ trong kỳ hạn không quá 6 tháng, và trở lại đời sống công dân. Người độc tài có danh tiếng nhất là Cincinnatus, thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, một nông gia lại trở lại cày ruộng sau khi được nhân dân bầu lên giữ chính quyền. Trong các nước dân chủ cậnđại, cũng có những trường hợp mà cơ quan hành pháp được sử dụng những quyền hành đặc biệt để đương đầu với tình trạng khủng hoảng, do đó có danh từ “Độc tài lập hiến”.
Những chính thể độc tài cận đại:
Tuy có nhiều loại độc tài, kể cả độc tài quân nhân trong các nước nam Mỹ châu, những thí dụ độc tài rõ rệt nhất là chính thể quốc xã phát xít và Nga sô. Mặc dầu có sự khác biệt rõ rệt, phát xít và Nga sô có nhiều điểm tương đồng.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar