Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Định nghĩa và lịch sử thương luật

ĐỊNH NGHĨA VÀ LỊCH SỬ THƯƠNG LUẬT 

I. ĐẶC TÍNH CỦA THƯƠNG LUẬT

Thương Luật là một thành phần của Dân Luật, tuy nhiên Thương Luật không tuân theo những qui tắc cứng rắn của Dân Luật vì cốt ý làm cho việc lưu thông tài sản được mau chóng và dễ dàng. Chẳng hạn như Thương Luật không bó buộc phải dẫn chứng bằng các phương chước nhất định (Điều 1341 DLP sửa đổi bộ luật ngày 1.4.1928 không cho phép dùng nhân chứng đối với nghĩa vụ trên 500 f, nhưng điều 109 Thương Luật cho phép dùng nhân chứng), mà lại cho các thương gia dẫn chứng bằng mọi cách, trong đó có thể dẫn chứng bằng nhân chứng (Điều 347 LTM 1972: “Trừ phi luật định khác, những khế ước thương mại có thể dẫn chứng bằng mọi cách“). Hơn nữa, Thương Luật dành rất nhiều dễ dãi trong sự hiện kim hóa các đề vật thế chấp mà không cần phải có bản án của Tòa xác nhận trái quyền của chủ nợ như trong lĩnh vực Dân Luật. Chủ nợ chỉ cần tống đạt cho con nợ thư truyền lịnh trả tiền và nếu trong vòng 8 ngày, con nợ không trả thì chủ nợ có thể đem phát mãi đồ vật thế chấp để lấy nợ. Nhưng sự phát mãi phải theo thể thức công khai do một công lại được Chánh án chỉ định (406 LTM).

II. ĐỊNH NGHĨA

Nhưng lấy tiêu chuẩn nào để định nghĩa Thương Luật. Theo quan niệm thứ nhất thì Thương Luật là những luật lệ chỉ áp dụng cho các người làm thương mãi hay thương gia. Định nghĩa này là một định nghĩa có tính cách chủ quan, vì chú trọng đến chính cá nhân hoạt động. Trái lại, quan niệm thứ nhì định nghĩa Thương Luật là luật lệ chế ngự chế ngự sự buôn bán, sự lưu hành tài hóa (le commerce). Định nghĩa này có tích cách khách quan, vì chỉ chú trọng đến chính các hoạt động thương mãi mà thôi. Bộ Thương Luật Pháp ấn định tại đạo luật ngày 10-9-1807 bao hàm cả hai ý niệm trên trong các điều khoản sau đây: Điều 1 Bộ Thương Luật của Pháp định rằng, là thương gia người nào làm những hành vi thương mãi và làm các hành vi nầy với tách chất là nghề nghiệp. Như vậy điều 1 này áp dụng định nghĩa chủ quan nói trên. Trái lại, điều 632 ở phần cuối cùng của Bộ Thương Luật (Bộ Thương Luật của Pháp có 648 điều), lại áp dụng quan niệm khách quan bằng cách định nghĩa hành vi nào là hành vi thương mãi: Đó là các hành vi sau đây:
1. Tất cả các sự mua hàng hóa để bán lại, dầu để bán lại nguyên chất, hay sau khi chế biến ra, hay chỉ đem cho thuê lại.
2. Tất cả các hoạt động của các xí nghiệp biến chế, các xí nghiệp trung gian, xí nghiệp chuyên chở bằng đường thủy cũng như đường bộ.
3. Các hoạt động của xí nghiệp cung cấp, xí nghiệp chi nhánh, các phòng giao dịch, các nơi bán đấu giá, các rạp hát.
4. Những hoạt động về ngân hàng.
5. Những sự giao dịch giữa những người mua bán và chủ ngân hàng.
6. Và sau cùng, những tờ thương phiếu (Luật ngày 7-6-1894) đối với mọi người nào dùng nó.
Điề 7 Bộ luật thương mại Trung phần lại coi là hành vi thương mại:
1. Những việc mua thực phẩm, hàng hóa để bán lại (hoặc cứ để nguyên mà bán hoặc có biến chế) hay chỉ để cho thuê lại;
2. Những xí nghiệp máy móc, chuyên chở, những nhà làm việc lấy hoa hồng;
3. Những việc hối đoái, ngân hàng, việc trung gian giữa người mua và người bán;
4. Những việc khai thác mỏ để bán lại nguyên liệu;
5. Đối với tất cả mọi người, những tờ thương phiếu.
Xuyên qua điều 1, điều 632 LTM Pháp và Điều 7 LTM Trung phần, ta có thể phối hợp hai ý niệm trên để nói rằng: Thương Luật là một số quy tắc dành cho các người mua đi bán lại các tài sản với tính cách chuyên nghiệp, hoặc dành cho chính các tác vụ lưu thông tài sản (Tài sản chuyền tay được từ người này sang tay người khác) với mục đích kiếm lời. LTM VN ban hành 1972 đã bao gồm hai ý niệm trên đây vào một điều duy nhất để định nghĩa vừa danh từ thương luật vừa danh từ thương gia, Điều 1 LTM 1972: “Luật Thương mại chi phối những hành vi thương mại và nghề nghiệp thương gia. Thương gia là những người làm những hành vi thương mại cho chính mình và lấy những hành vi ấy làm nghề nghiệp thường xuyên của mình”.

III. ÍCH LỢI CỦA THƯƠNG LUẬT 

Hai lý do chủ yếu bảo trợ lẫn cho nhau để thành lập thương luật là:
1. Làm sao cho tác vụ thương mại được thi hành mau lẹ để có lợi cho các người giao dịch;
2. Tuy rằng tác vụ thương mại cần mau lẹ nhưng cũng phải mang lại bảo đảm chắc chắn cho các người giao dịch.
1. Tính cách mau lẹ của những tác vụ thương mại: Những tác vụ dân sự, trên nguyên tắc là những tác vụ chậm chạp vì phải có thì giờ suy nghĩ các lợi cái hại trước khi ký một khế ước mua bán với một đối ước. Thí dụ: Muốn mua một cái nhà để ở cũng cần phải đến xem vị trí và tình trạng cái nhà, xem coi người bán có phải là chủ nhà thật sự không? Có khi phải xem giấy phép xây cất, họa đồ v.v…, xong rồi lại phải xem xét về giá cả. Cuối cùng phải ký khế ước mua bán trước chưởng khế hay trước một viên chức hành chính có nhiệm vụ thực thi chữ ký của người bán. Trong thương trường không thể chấp nhận những thủ tục chậm chạp và phiền phức như vậy, vì giá cả có thể thay đổi hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng giờ. Người thương gia muốn có lời có thể cam kết miệng với người bán, hoặc đặt ngay tiền cọc cho người này để mua hàng hoặc đặt cho người trung gian của người bán. Y không có thời giờ để làm những khế ước dài dòng như đã qui định trong dân luật và cũng không cần thiết phải buộc người bán đưa ra một bảo đảm đối vật như đưa ra một tài sản để thế chấp. Nhưng để bảo đảm các số tiền y đã trao, luật thương mại cho y các phương tiện sau đây:
a. Sự tự do dẫn chứng: Đối với tác vụ về dân sự, chính khế ước là bằng cớ của sự cam kết. Khế ước còn phải là một chứng thư trọng thức đối với bất động sản, quan trọng, hoặc một tư chứng thư có thị thực. Khế ước vay nợ còn bó buộc phải do chính ta người vay viết câu “có đọc và ưng thuận” trước khi ký (Điều 326 DLP). Trái lại trong thương trường vì sự hồi đáp của người mua phải mau lẹ, nên thương luật không bó buộc phải cần thết lập khế ước. Do đó, nếu có tranh tụng thì không cần phải dẫn chứng bằng khế ước hay bút chứng. Thương luật chấp nhận bất cứ cách dẫn chứng nào, kể cả nhân chứng. Theo điều 109 Bộ Thương luật Pháp và các điều 18, 19 LTM 1972, các bằng chứng có thể là: Khế ước, các giấy tờ của người trung gian có chữ ký của đàng bán và kẻ mua, hóa đơn có chữ ký chấp nhận của người mua, thư từ trao đổi giữa những người mua bán; sổ sách của họ và sau cùng là nhân chứng. Tuy nhiên cũng có bất lợi là bằng chứng, bằng nhân chứng ít chắc chắn hơn bút chứng vì nhân chứng có thể bị mua chuộc. Mặt khác, những sự suy đoán căn cứ các sự kiện có thể làm cho thẩm phán lầm lẫn.
b. Sự mau lẹ trong xét xử: Tại Pháp vì Tòa án Thương mại riêng biệt hẳn với Tòa Dân sự nên mọi việc tranh tụng về thương mại đều do Tòa thương mại xét xử , với một thủ tục ít nệ thức và mau lẹ hơn thủ tục của Tòa dân sự (645 LTM Pháp). Thành phần Tòa Thương mại bao gồm một Chánh án và ít nhất là hai phụ thẩm, tất cả đều được bầu cử trong số các thương gia danh tiếng trong mỗi hạt. Tuy Tòa Thương mại là một tòa riêng biệt, nhưng những bản án của Tòa này đều được đưa lên Tòa thượng Thẩm thường tụng của Pháp xử lại nếu có chống án. Sự ích lợi này không có ở Việt Nam, vì tòa dân sự cũng xử luôn các việc thương mại.
c. Sự mau lẹ trong việc hiện kim hóa đồ vật thế chấp về thương mại để lấy tiền: Về dân sự, như đã nói trên, muốn bán đồ vật thế chấp để lấy tiền thì phải có bản án của Tòa xác nhận trái quyền của chủ nợ. Trong thương trường, việc hiện kim hóa đồ vật thế chấp không cần phải có sự can thiệp của Tòa án, nhưng phải bán theo lối phát mãi công khai. Thí dụ: Các đồ vật cầm thế tại các tiệm cầm đồ bình dân để quá hạn không chuộc thì bị đem bán đầu giá từng định kỳ bởi ủy ban, trong đó có đại diện của các vị Quận trường tại Đô Thành. Mọi điều khoản cho phép trái chủ thế chấp trở thành sở hữu chủ vật thế chấp mà không đem phát mãi công khai đều vô hiệu (407 LTM 1972).
2. Những bảo đảm chặt chẽ cho tác vụ thương mại: Tuy tác vụ thương mại được thi hành mau lẹ, nhưng thương luật cũng đã trù liệu những phương thức cho các trái chủ có thể đòi nợ, nếu không thế thì không còn an ninh trong giao dịch nữa.
a. Trái chủ thương mại được quyền lấy nợ bằng thủ tục khánh tận hay thanh toán tài phán: Khánh tận là tình trạng một thương gia thôi trả nợ, nghĩa là không còn tài sản gì để trả nợ. Khánh tận là một thủ tục thanh toán cộng đồng tài sản của người thiếu nợ để phân chia công bằng cho các trái chủ hợp thành một khối có người đại diện. Thanh toán tài phán cũng là thủ tục khánh tận nhưng hoàn hảo hơn, chỉ khác khánh tận ở chỗ người thương gia mắc nợ không mất quyền quản trị tài sản của mình, nhưng trong torng mọi công việc quản trị ấy, phải được hỗ trợ bởi một thanh toán viên được chỉ định bởi tòa án. Mặt khác, khánh tận mang tính chất một sự trừng phạt đối với người thương gia bội ước. Do đó, cho đến khi y được khôi phục công quyền, y bị dư luận khinh rẻ (Thanh toán tài phán và khánh tận sẽ được học ở năm thứ tư ban cử nhân).  Trong hai thủ tục trên, mỗi trái chủ của con nợ thương gia đều có quyền đòi lại phần của mình theo tỷ lệ của số nợ của mình trên sản nghiệp con nợ. Tuy số tiền la16yla5i được không trọn vẹn đối với số nợ đã cho vay, nhưng dù sao trái chủ cũng được quyền tham dự trong việc phân chia gia sản của con nợ. Trong lúc đó, theo dân luật, ai đòi nợ trước và có chứng thư chấp hành của Tòa án trước nhất, thì có quyền phát mại tài sản của con nợ để lấy nợ trước các trái chủ khác. Như vậy, về dân sự có sự chạy đua giữa các chủ nợ để sai áp tài sản con nợ. Do đó có tục giao “Sự lấy nợ là giá của sự chạy đua” (le paiement est prix de la course).
b. Trái chủ thương mại có quyền áp dụng thủ tục liên đớiđể đòi nợ:
Nếu có nhiều con nợ cùng cam kết trong một khế ước, dù rằng trong khế ước không có đặt vấn đề liên đới giữa các con nợ. Trong trường hợp này, trái chủ có quyền xin truy tố con nợ nào mà y xem là có nhiều tư lực nhất để đòi toàn thể số nợ mà không cần phải đòi nợ nơi từng con nợ và theo số nợ của mỗi người thiếu. Giải pháp này bảo đảm cho số tài hóa mà trái chủ đã bán và sự liên đới trách nhiệm giữa các con nợ được thương luật suy đoán, nghĩa là các con nợ không cần ghi rõ điều này trong khế ước thượng mại. Trái lại, trong lĩnh vực dân luật, sự liên đới giữa các con nợ bao giờ cũng phải được ghi rõ trong khế ước mới có hiệu lực. Người ta không khi nào suy luận rằng, nếu cùng một trái vụ, có nhiều người đồng phụ trái, tất cả đều liên đới (đ 1202 DLP). Ngoài tính cách mau lẹ của các tác vụ thương mại và các phương pháp bảo đảm an ninh trong sự giao dịch, thương luật còn có những lợi ích sau đây:
3. Thương luật giúp cho sự vay mượn được dễ dàng: Không phải thương gia nào cũng luôn có sẵn tiền để hoạt động. Thường thường người ta mua hàng hóa không trả ngay mà hẹn trả trong một thời hạn 3 hoặc 6 tháng hoặc 9 tháng. Khoảng thời gian chịu nợ này dùng để bán hàng hầu lấy tiền trả nợ. Nếu người thương gia bán hàng mà không bán chịu, người mua hàng sẽ tìm một ngân hàng nào đó để xin ứng trước cho y một số tiền cần thiết. Ngân hàng sau khi xem xét sự ngay thật của tác vụ thương mại, và danh tiếng của người mua, có thể cho vay dễ dàng. Như vậy, sự cho vay rất cần thiết trên thương trường. Trở lại trường hợp mua bán trên, nếu người thương gia chủ nợ cho chịu nợ, thì y ký một hối phiếu (une traite) ra lịnh cho người mua chịu (con nợ của y) trả số nợ trong một thời hạn nào đó. Tờ hối phiếu này, sau khi được con nợ ký tên đồng ý nhận chịu số nợ, sẽ được giao trả lại cho chủ nợ và người chủ nợ không cần phải chờ đến kỳ hạn mới đòi tiền, mà có thể bối thự chuyền tay cho nhiều người khác hoặc bối thự cho một ngân hàng đã chiết khấu hối phiếu. Như vậy, chủ nợ đã vay tiền ngân hàng bằng cách lấy tờ hối phiếu làm bảo đảm. Thương luật cũng dự liệu các điều khoản gắt gao trừng trị các thương gia nào không trả số nợ về hối phiếu (loi cambiaire: luật trao đổi). Các loại thương phiếu (effets de commerce) trong đó có hối phiếu (traite) sẽ được học năm thứ tư ban cử nhân, nhưng ở đây xin nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các giấy tờ này. Nó thể hiện cho hàng hóa hay tài sản của các người thương gia và ai nắm lấy nó là có quyền đối với hàng hóa, tài sản mà nó tượng trưng, thí dụ hàng hóa nhập cảng đã được tồn trữ trong Nha Quan Thuế. Ai nắm lấy tờ tổng khố (le warrant), nghĩa là chứng chỉ của Nha Quan Thuế nhìn nhận có gửi hàng trong kho thì trở nên sở hữu chủ của số hàng đó … Vì vậy, có thể cầm thế tờ tổng hóa khố cho một đệ tam nhân hay một ngân hàng để vay nợ. Tóm lại, tác dụng thương mại đòi hỏi phải thực hiện mau lẹ nhưng cũng phải có bảo đảm. Nó cũng cần những tín dụng ngắn hạn và cần thực hiện mau lẹ sự chuyền tay các quyền lợi trên số hàng hóa. Do đó Thương Luật phải ra đời để qui định các qui tắc giao dịch mau lẹ trên đây, quy tắc trái với sự tỉ mỉ dự liệu trong dân luật.
4. Tuy nhiên, sự mau lẹ trên có thật sự cần thiết để thành lập bộ thương luật riêng biệt với bộ dân luật không?
Thực ra, đối với vấn đề thống nhất dân luật và thương luật, chúng ta có thể lấy thí dụ bộ dân luật thống nhất của nước Ý (Italie) năm 1942. Trong bộ luật thống nhất này, không có những điều khoản đặc biệt nào dành cho sự mua bán giữa các thương gia, cũng không có điều khoản nào dự liệu sự liên đới. Tuy nhiên, các hiệu buôn bị bó buộc phải giữ sổ sách kế toán (livres comptables), giống như điều 13, 14 LTM 1972 và bị chế tài bởi thủ tục khánh tận (2188 đến 2221 LTM Pháp) và Điều 864 đến 964 LTM 1972, nếu không trả được nợ.
Tại Thụy sĩ, từ năm 1948, đã có bộ luật nghĩa vụ chung cho tất cả các loại khế ước thương mại và dân sự. Nhưng nếu chúng ta khảo sát kỹ thì sẽ thấy không có một sự thống nhất thật sự các vấn đề thương mại với các vấn đề dân sự thuần túy. Bên cạnh những điều khoản về nghĩa vụ dân sự, có những điều khoản về thương sự như điều 456 và kế tiếp, bó buộc các nhà buôn phải đề cử đại diện để giao thiệp với bên ngoài. Người đại diện này gọi là Fondé de pouvoirs (Đại diện được ủy quyền) hay Fondé de procuration (Giấy ủy quyền). Nhà buôn còn phải giữ sổ sách kế toán thương mại (điều 927 và kế tiếp của Dụ Liên Bang Thụy Sĩ ngày 7-9-1937), và phải có danh hiệu, và bộ luật này còn cho phép đòi nợ một cách khác biệt giữa các con nợ thương sự và con nợ dân sự. Đối với con nợ là thương gia, biện pháp chế tài vẫn là sự khánh tận. Như vậy, mặc dù hai quốc gia nói trên có Bộ Dân luật tổng quát nhưng dù sao các vấn đề về thương sự vẫn được dự liệu riêng biệt. Nói cho đúng hơn, đây là hai luật pháp, đựng trong bộ luật duy nhất.
a. Các lập luận: Vấn đề thống nhất Thương Luật và Dân Luật cũng đã được nhiều tác giả bàn đến như ý kiện của nhà Luật gia Ý, ông Vivante, đăng trong Annales 1893 trang 1, với tựa đề “Un code Unique des obligations” (Bộ quy tắc nghĩa vụ duy nhất). Kế đó, vào năm 1925, ý kiến của ông cũng được đăng lại trong bộ Annales 1925, trang 65. Luật gia GAuffre có trình luận án vào năm 1898 với đề tài: “Thử bàn về khuynh hướng hợp nhất hóa Dân Luật và Thương Luật” (Essai sur les tendances à l’unification du droit civil et du droi commercial, Thèse, Montpellier 1898: Tiểu luận về xu hướng thống nhất giữa luật dân sự và luật thương mại, Luận án, Montpellier 1898). Tiếp theo đó, vào năm 1903, Luật gia Laurent cũng có đề xuất luận án: “Sự hợp nhất giữa Dân Luật và Thương Luật” (Thèse, Paris 1903: Luận án, Paris 1903). Tựu trung, những ý kiến đưa ra để cổ vũ cho sự hợp nhất hóa nói trên là những lập luận sau:
– Ai cũng biết rằng, cá nhân nào phát hành thương phiếu, bất luận là thương gia hay người thường, đều bị ràng buộc bởi thương luật (điều 632 LTM Pháp và 409 LTM 1972), nhưng tại sao một tác vụ bán (une vente) lại không bị ràng buộc bởi một Bộ Luật duy nhất, không cần kể kẻ lập ước là thương gia hay người thường, vì một tác vụ bán trong lĩnh vực thương mại cũng giống như một tác vụ bán trong lĩnh vực dân sự;
– Tại sao cũng là một tác vụ bán mà khế ước thương mại lại được dẫn chứng dễ dãi hơn, và nếu có tranh tụng lại được một tòa án đặc thẩm xét xử (việc này chỉ đúng với pháp chế Tòa Thương mại của Pháp quốc).
– Mặt khác, trong xã hội văn minh hiện nay, đời sống về thương mại dường như chế ngự đời sống dân sự, nhưng tại sao chúng ta không nhập lãnh vực dân sự vào lãnh vực thương mại để nới rộng phạm vi áp dụng của luật Thương mại cho tất cả mọi người?
Chúng ta biết rằng, theo Thương luật thì các nhà nông, các người làm nghề tự do, như bác sĩ, luật sư, các nhà tiểu công nghệ không phải là thương gia. Tuy nhiên, dù muốn dầu không, các người này cũng đã tham gia vào đời sống kinh tế, trong công cuộc sản xuất lợi tức quốc gia. Như vậy, trên thực tế, họ đã hòa mình vào đời sống thương mại. Và nếu Thương Luật đã xâm nhập vào đời sống hằng ngày của dân chúng thì sự kiện này chứng tỏ rằng Thương Luật tinh vi hơn dân luật. Do đó, tại sao chúng ta không bỏ tính chất nệ thức của Dân Luật để thay thế bằng những phương pháp mau lẹ của Thương Luật, hầu thỏa mãn nhu cầu của công chúng?
b. Các biện minh: Thật ra, các đòi hỏi thống nhất Dân Luật và Thương Luật trên đây cũng có lý do một phần nào, nhưng trong thực tế, có những định chế chỉ áp dụng cho các thương gia hoặc cho các tác vụ thương mại mà thôi. Mặt khác, người ta nhận thấy rằng, thường thường chỉ có hạng người Thương gia chuyên nghiệp mới làm các tác vụ lưu thông tài hóa một cách đều đặn. Người ta cũng thấy không thể nào đòi hỏi phải áp dụng thủ tục khánh tận cho các người không phải là thương gia. Ngoài ra, như đã biết, Luật Thương mại của Pháp và Việt Nam, chi phối chẳng những các người thương gia (phương diện chủ quan) mà còn chi phối các hành vi thương mại (phương diện khách quan). Do đó, dù là người thường hay thương gia, mà làm một hành vi thương mại, như phá hành hối phiếu đều bị luật thương mại chi phối. Nhưng nếu người không phải là thương gia, mà làm những tác vụ về một bất động sản (tài sản này không thể chuyền tay được, chỉ có thể chuyển quyền sở hữu mà thôi), thì tác vụ này phải do dân luật chi phối, chứ không thể chi phối bổi thương luật, vì tác vụ này không đòi hỏi phải mau lẹ, trái lại cần có thời hạn để xem xét suy nghĩ. Vả lại, giá của bất động sản không thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác như các hàng hóa, nên tác vụ về bất động sản không cần lệ thuộc Thương Luật như sự không cần bút chứng để xác nhận quyền sở hữu. Như vậy, chúng ta không thể áp dụng nới rộng các qui tắc của Thương Luật trong các hoạt động dân sự, như về bất động sản thì sự áp dụng các qui tắc của Dân Luật mới thực tế hơn và chắc chắn hơn các quy tắc của Thương Luật. Sau cùng không chắc rằng Thương Luật tinh vi hơn Dân Luật, vì tính chất mau lẹ của các tác vụ rất có ích lợi cho việc buôn bán, nhưng cũng có hại trên phương diện an ninh giao tế. Thật vậy, một khế ước kết lập bằng lời nói _ một bên đề cung 9offre), một bên chấp nhận (acceptation) _ không có bảo đảm bằng một khế ước viết vì con nợ đứng trước chữ ký của mình thì khó bề chối cãi nghĩa vụ đã cam kết. Hơn nữa, chúng ta biết rằng, Thương Luật căn cứ vào sự huy động tín dụng rất cần thiết cho thương gia, vì thương gia vay mượn để mua bán kiếm lời. Do đó tín dụng dành cho thương gia là tín dụng sản xuất. Đối với người không phải là thương gia, thì sự vay mượn không có dụng y sản xuất, mà hầu hết dùng vào tiêu dùng. Thí dụ như vay mượn để mua sắm tiện ích về ăn và mặc. Tóm lại, luận cứ thiên về việc thống nhất hóa Thương Luật với Dân Luật không mấy chính xác, vì trong thực tế, có hai lĩnh vực hoạt động. Lĩnh vực Thương Luật thích hợp với nhu cầu của đời sống thương mại vì cần có sự mau lẹ, có sự chế tài chặt chẽ, có sự huy động tín dụng một cách dễ dàng dùng trong các tác vụ sản xuât của các nhà chuyên nghiệp. Lĩnh vực dân luật thích hợp cho các tác vụ không đòi hỏi sự mau lẹ, như đối với việc mua bán bất động sản và dành cho hạng người thi hành những tác vụ tiêu thụ. Ngoài ra, lãnh vực Thương Luật còn khác lãnh vực Dân sự tại các điểm sau:
– Tiền lợi luật định về thương vụ là 5% hoặc 6%, tính từ khi làm lịnh đốc thúc đòi trả tiền trong lúc đó tiền lời trong lĩnh vực dân sự là 4% hoặc 5% (…);
– Trong lĩnh vực dân sự, lịnh trả tiền chỉ có giá trị khi lập bởi thừa phát lại, trái lại trong lĩnh vực thương mại, được làm bởi mọi phương tiện như bằng thư từ, điện tín v.v…
– Trong lĩnh vực dân sự, tố quyền đòi nợ bị tiêu diệt sau 30 năm, còn trong lĩnh vực thương mại, tố quyền bị tiêu diệt sau 10 năm;
– Trong lĩnh vực thượng mại, có những tội phạm đặc biệt được dự trù, như tội giả mạo kế toán, tội phạm về công ty và tội phá sản ( 1008 LTM 1972).
– Trong lĩnh vực thương mại, ước khoản trung phán (clause compromisore, nghãi là điều khoản dự liệu khi có tranh tụng th2i nhờ một trọng tài phân xử) được chấp nhận (luật ngày 31-12-1925), trái lại, trong lĩnh vực dân sự thì mọi sự tranh tụng phải đem ra Tòa Dân sự.
c. Sự tiến hóa của thương luật: Với quan niệm như trên thì Thương Luật phải là một loại quy tắc luôn canh tân để thích hợp với nhu cầu thương mại, vên nó phải hy sinh phần nào những sự bảo đảm về an ninh khi kết ước. Thật vậy, trong vài chục năm gần đây, người ta thấy hai lý do chính yếu đã được nêu lên để lập một bộ lau56t Thương Mại riêng biệt đối với Dân Luật không còn lý do xác đáng nữa. Đó là sự mau lẹ của các tác vụ thương mại, và sự thi hành gắt gao đối với các tác vụ này (khánh tận). Lý do mau lẹ lần lần mất sự quan trọng của nó, vì ngày nay các nhân đâu còn kết ước một cách tự do như hồi đầu thế kỷ 19, trái lại các hoạt động thương mại của hầu hết các nước trên thế giới đều bị chính quyền điều khiển. Do đó, thương luật bị chi phối phần nào bởi các quy tắc của công pháp và người ta thấy các tác vụ thương mại lại bị trì chậm đi vì sự công bố. Xưa kia, chỉ những hôn ước giữa các thương gia mới cần công bố và các hội thương mại (les Sociétés commerciales: công ty thương mại) mới cần công bố bản điều lệ, hội danh, hội sở, số vốn v.v…Đến năm 1850, hôn ước của các người không phải thương gia cũng phải được công bố, và ngày nay, cả các hội dân sự cũng phải công bố, vì toàn thể các hội đều có tư cách pháp nhân. Mặt khác, phải công bố để người ngoài giao dịch với hội khỏi bị lầm lẫn về tự cách của hội. Tại Việt Nam, điều 36 LTM 1972 còn bó buộc người thương gia lập gia đình phải công bố hôn thú và hôn ước nếu có, vào sổ thương mại. Xưa kia chỉ công bố bằng cách dán những bố cáo (affchage). Ngày nay phải đăng trong các báo có quyền đăng các báo cáo pháp lý, hoặc đăng công báo. Có công bố như vậy mới bảo đảm quyền của tư nhân giao dịch với các hội buôn, hoặc với các thương gia. Như việc công bố khế ước bán một cửa hàng, mở đường cho các người có quyền lợi trên cửa hàng phản kháng sự bán, hoặc cho các trái chủ của người bán được quyền tăng giá cạnh mãi, v.v… Tuy nhiên, các sự xen lấn của công luật vào lĩnh vực thương mại như nói trên lại có tác dụng làm cho các tác vụ thương mại được bảo đảm chặt chẽ hơn. Ngày nay, không phải người thương gia cần hành động mau lẹ mà phải hy sinh các sự suy tính, các sự bảo đảm cần thiết. Họ được hưởng các sự bảo đảm an ninh khi giao dịch hơn bao giờ hết vì các ngân hàng khi cấp tín dụng tài trợ cho các tác vụ thương mại đã suy tính thay thế cho thương gia. Vậy ngày nay ý niệm mau lẹ không còn là lý do chánh yếu của thương luật.  Chỉ còn lý do bảo đảm an ninh là yếu tố biện minh cho việc sáng lập ra bộ thương luật.
Ngoài ý niệm công pháp hóa thương luật, chúng ta còn nhận thấy khuynh hướng quốc tế hóa thương luật (unification internationale du droit commercial: thống nhất quốc tế về luật thương mại). Xưa kia, vào thời Trung cổ (Moyen Âge), một luật lệ về chợ phiên (foire) và một luật lệ duy nhất về thương mại trên mặt luật biển được áp dụng bởi tất cả các nước Tây Âu. Sau đó, vì nhiều quốc gia được thành lập và nước nào cũng muốn bảo vệ quyền hạn về luật pháp của mình nên các luật lệ về chợ phiên và về thương mại hàng hải không còn được các nước Tây Âu tôn trọng nữa. Do đó sự mua bán quốc tế không được ổn định, vì khi có tranh tụng thì không biết luật lệ của nước nào được áp dụng cho trường hợp liên hệ. Từ đó, họ có đề nghị hai giải pháp để hạn chế các khó khăn. Giải pháp thứ nhất là hai nước ký kết một hiệp ước thương mại và chỉ định trước luật pháp của nước nào sẽ được áp dụng khi có tranh tụng. Giải pháp này được áp d5ng theo ví dụ dưới đây:
– Năm 1890, một thỏa ước giữa nhiều quốc gia Âu Châu được ký kết tại Berne (Thụy Sỹ), trong đó có Pháp và Đức, cốt để quy định sự chuyên chở hàng hóa bằng đường xe lửa liên quốc gia. Theo thỏa ước này, nều có tranh tụng thì lấy luật chỉ định trong thỏa ước để xử, mặc dầu Tóa án Đức hay Tòa án Pháp thụ lý nội vụ. Theo giải pháp này, thì luật duy nhất của thỏa ước chỉ áp dụng cho các sự giao dịch thương mại quốc tế giữa các nước có ký kết thỏa ước, còn đối với các dịch vụ thương mại nội địa thì luật của Pháp hay của Đức vẫn còn áp dụng cho các dịch vụ chuyên chở nội địa. Như vậy, nếu các việc vva65n chuyển hàng hóa xảy ra tịa Pháp, nghĩa là chưa qua biên giới Pháp – Đức thì luật của Pháp quốc vẫn còn có thẩm quyền xét xử. Kết quả là sự quốc tế hóa thương luật lúc bấy giờ bằng cách, thay vì hạn chế áp dụng luật lệ của từng quốc gia, lại cấu tạo thêm luật thương mại mới là thỏa ước Berne.
– Theo giải pháp thứ nhì, hai hay nhiều quốc gia giao dịch với nhau về thương mại, có thể sửa đổi luật lệ quốc gia của họ để cho phù hợp với luật lệ chung mà họ đồng thanh chấp nhận. Đây là một sự quốc tế hóa rộng rãi bộ thương luật quốc gia vì các quốc gia đã tự động sửa đổi luật lệ quốc gia để cho có thể áp dụng cho quốc tế. The61ne6n vào năm 1930, nhiều dự án luật lệ đã được đưa ra thảo luận tại Geneve để qui định, thí dụ như thể thức sử dụng hối phiếu và lịnh phiếu (lettre de change et billets à ordre). Theo thỏa ước Geneve 1930, người ta không còn thắc mắc tự hỏi luật lệ quốc gia nào sẽ áp dụng khi có một tranh tụng về hối phiếu hay lệnh phiếu. Thí dụ: Một thương gia người Pháp phát hành một hối phiếu cho một người thừa phó quốc tịch Na-Uy để trả tiền cho một người thụ hưởng có quốc tịch Áo. Theo thỏa ước Geneve thì không cần đặt vấnđề luật của Pháp, luật của Na – Uy hay luật của Áo có thẩm quyền xét xử, nếu tấm hối phiếu không được trả tiền, vì luật lệ của 3 quốc gia trên đã được sửa đổi giống nhau về vấn đề hối phiếu. Sự quốc tế hóa thương luật bằng các giải pháp trên đã được thi hành trong nhiều lĩnh vực như:
–  Lĩnh vực chuyên chở hàng hóa và hành khách bằng đường xe lửa (thỏa ước Berne năm 1890 được sửa đổi năm 1953).
– Lĩnh vực chuyên chở bằng đường bể, do thỏa ước Bruxelles (Bỉ) ký năm 1924.
– Lĩnh vực chuyên chở bằng đường hàng không, do thỏa ước Varsovic (Áo) ký kết năm 1929.
– Lĩnh vực chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ do thỏa ước Geneve năm 1956;
– Lĩnh vực thương phiếu và chi phiếu, do thỏa ước Geneve 1930, như đã nói trên;
– Lĩnh vực tài sản kỹ nghệ (protection de la propriété industrielle: bảo vệ sở hữu công nghiệp) do cơ quan khảo cứu Institut de Rome (Viện Rome).
Nhờ sự quốc tế hóa thương luật như nói trên, nhiều đạo luật của Pháp Quốc đã được ban hành để cho luật quốc gia Pháp có thể áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Ví dụ như luật ngày 2-3-1957 của Pháp đã chấp nhận trách nhiệm của người chuyên chở bằng đường hàng không, giống như nguyên tắc quốc tế ấn định tại thỏa ước Varsovie năm 1929. Bên cạnh sự quốc tế hóa thương luật bằng đường lối chính thức, sự quốc tế hóa này cũng được thực hiện bằng các cố gắng của tư nhân trong lĩnh vực nào mà luật quốc gia không cấm đoán. Thí dự như các quốc gia đã đồng thanh áp dụng một loại khế ước mẫu (contrats types: hợp đồng tiêu chuẩn), hoặc đồng thanh giải quyết vụ tranh tụng trong thương trường bằng những thể thức duy nhất (reglements – types). Có thể kể khế ước mẫu của Hiệp hội các người sản xuất bột mì tại Pari (Chambre syndicale de la Meunerie de Paris), gọi là “London Corn Trade Association” (Hiệp hội thương mại ngô London), để giải quyết một cách duy nhứt thể thức mua bán lúa mì và các ngũ cốc khác. Các nước khác cũng áp dụng một qui tắc chung cho việc mua và bán tơ lụa. Về các tổn hại trong việc chuyên chở bằng đường bể (avaries communes), các quốc gia cũng đồng thanh áp dụng các qui tắc của hiệp hội luật pháp quốc tế  (International law association), gọi là qui tắc “Règles D’York et d’Anvers” (York: Một tỉnh của Anh; Anvers: Một tỉnh của Bỉ).
d. Thương luật và thị trường chung châu Âu: Sau cùng và cách đây không bao lâu, thương luật đã được san định để dung hòa quyền lợi kinh tế của 6 nước Tây Âu gia nhập khu vực thịnh vượng chung gọi là Communauté Économique Européenne (Cộng đồng kinh tế châu Âu). Do hiệp ước Rome ký kết ngày 25-3-1957, sáu nước sau đây thành lập khối thịnh vượng chung: Pháp, Bỉ, Hà Lan,
Luxembourg, Ý và Tây Đức. Khối này không có chân Anh Quốc vì nước Anh chủ trương hợp tác kinh tế tự do (Association Économique de libre échange: Hiệp hội kinh tế thương mại tự do). Tuy nhiên, vào năm 1971, Anh Quốc đã thay đổi lập trường và xin gia nhập khối thịnh vượng chung Âu châu, nhưng lại bị Pháp bác đơn sau một cuộc trưng cầu dân ý của Pháp. Sự  gia nhập của Pháp quốc vào khối thịnh vượng chung được xác nhận bởi sắc lệnh số 58-84 ngày 28-1-1958. Trước ngày này, Tây Âu cũng có ý định lập một khối cộng đồng Kinh tế để chống lại Khối Kinh tế Đông Âu và Trung Âu do Nga Sô cầm đầu, nhưng hợp tác kinh tế lúc bấy giờ thu hẹp vào vài sản phẩm như sắt và than đá, gọi là tổ chức ECSC (European Coal and Steel Community: Cộng đồng Than Thép châu Âu), ký kết tại Pari ngày 18-4-1951.
Với tổ chức khối thịnh vượng chung gọi là Bénélux, sự hợp tác kinh tế giữa 6 nước được đặt trên một bình diện rộng rãi hơn vì 6 nước có một thị trường chung cho tất cả sản phẩm sản xuất tại 6 nước. Các sản phẩm được di chuyển tự do giữa họ. Nếu có tranh tụng thì các cơ quan hỗn hợp sau đây có thẩm quyền xét xử:
1. L’Assemblée: Hội đồng gồm 142 đại diện được bổ dụng bởi các quốc hội của các nước thành viên;
2. Le Conseil: Ủy ban gồm có đại diện các nước hội viên;
3. La Commission: Một tiểu ban, giống như cơ quan lãnh đạo của hiệp hội về sắt và than đá. tiểu ban này gồm có 9 nhân viên được bổ nhiệm bởi các chính phủ hội viên;
4. Sau cùng là Tòa án (La Cour de Justice) gồm 7 thẩm phán trông coi về sự áp dụng 
Các hiệp ước Roma 25-3-1957.
Thị trường chung Châu Âu nhằm mục đích:
_ Tạo một khu vực trao đổi tự do (Zone de libre échange: Khu vực thương mại tự do).
_ Tạo một sự hợp tác về quan thuế (union douanière: Liên minh Hải quan), nghĩa là ấn định quan thuế biểu đồng nhất;
_ Tạo khu vực kinh tế chung, biệt lập với khối Kinh tế của Nga sô và khối kinh tế của Hoa Kỳ. (Une communauté economique). Đồng thời biệt lập với khối tự do mậu dịch của Anh Quốc (Politique libre échangiste: chính sách thương mại tự do) gồm 7 nước Tây Âu còn lại.
Hiệp ước Rome, về mặt pháp lý gồm một số điều khoản như điều 85 và 86, tuyên bố quyền bình đẳng của 6 nước trong sự mậu dịch quốc tế, và bãi bỏ phương pháp bán dưới giá vốn (pratique du dumping: hành vi bán phá giá), Điều 81, để cạnh tranh với nhau. Hiệp ước còn khuyến cáo các chính phủ bãi bỏ chế độ trợ cấp cho các xí nghiệp quốc gia của mình, vì muốn cho các xí nghiệp nầy tự do phát triển không chịu sự chỉ huy kinh tế của chính phủ. Với sự hòa hợp đường lối kinh tế phát triển như trên, các quốc gia hội viên bó buộc phải dung hòa thương luật của mình với thương luật của các quốc gia trong khối (điều 100 của bản hiệp ước). Thế cho nên, tại Pháp, người ta nhận thấy một số công ty vô danh có tầm mức hoạt động ngoài ranh giới nước Pháp, áp dụng luật lệ chung của khối thị trường chung trong lúc các công ty vô danh hoạt động trong nội địa áp dụng thương luật thuần túy của Pháp quốc./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar