Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu và hợp đồng vô hiệu

GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU VÀ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

Thực tiễn xét xử tranh chấp dân sự tại các tòa án cho thấy, các vụ án tranh chấp hợp đồng vô hiệu cao gấp nhiều lần các vụ án tranh chấp hợp đồng có hiệu lực. Trong khi đó, các qui định để giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu ít hơn rất nhiều so với qui định để giải quyết tranh chấp hợp đồng có hiệu lực. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu tại tòa án cũng còn nhiều thiếu sót, dẫn đến khiếu nại, sửa án, hủy án, gây mất thời gian và tốn kém của các đương sự. Tìm hiểu khái niệm hợp đồng vô hiệu và các qui định giải quyết hợp đồng vô hiệu là hết sức cần thiết để phòng ngừa tranh chấp và phòng ngừa nếu có tranh chấp.
1. Giao dịch dân sự vô hiệu và hợp đồng vô hiệu:
Theo qui định tại Điều 116 BLDS 2015 thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng là một trong hai bộ phận cấu thành của giao dịch dân sự. Cho nên, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, được qui định tại Điều 117 BLDS 2015 cũng chính điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Các qui định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 BLDS 2015 đến Điều 133 BLDS 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu, theo qui định tại khoản 1 Điều 407 BLDS 2015. Ngoài ra, hợp đồng có thể bị vô hiệu theo khoản 1 Điều 408 BLDS 2015. Hợp đồng là trường hợp riêng của giao dịch dân sự nên khi có những qui định riêng cho hợp đồng vô hiệu thì áp dụng những qui định riêng, khi không có những quy định riêng thì phải áp dụng những qui định chung về giao dịch dân sự.
2. Thời điểm xác lập giao dịch dân sự và thời điểm giao kết hợp đồng:
Hợp đồng là trường hợp riêng của giao dịch dân sự, với đặc trưng riêng là có sự thỏa thuận của nhiều bên, ít nhất là hai bên. Cần lưu ý đặc trưng sự thỏa thuận để xác định thời điểm xác lập hợp đồng, tức là thời điểm xác lập sự thỏa thuận, khác với thời điểm xác lập hành vi pháp lý đơn phương. Thời điểm xác lập hành vi pháp lý đơn phương, có thể nhiều bên cùng xác lập, như nhiều bên cùng hứa thưởng, là thời điểm các bên cùng công bố thông tin hứa thưởng. Nhưng đối với hợp đồng, thì phải đến thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận, tức là thời điểm giao kết hợp đồng, được qui định tại khoản 1 Điều 400 BLDS 2015: “Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết”.
Thời điểm xác lập hành vi pháp lý đơn phương hoặc thời điểm giao kết hợp đồng là rất quan trọng vì liên quan đến áp dụng pháp luật. Luật áp dụng là luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm xác lập hành vi pháp lý đơn phương hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng. Giao dịch dân sự bị vô hiệu hay không vô hiệu là chỉ tính đến thời điểm xác lập, theo qui định tại khoản 1 Điều 131 BLDS 2015. Hợp đồng vô hiệu hay không vô hiệu chỉ tính đến thời điểm giao kết hợp đồng, đồng nghĩa với thời điểm xác lập hợp đồng. Theo qui định tại khoản 1 Điều 401 BLDS 2015 thì “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có qui định khác“. Điều này có nghĩa là, thời điểm hợp đồng có hiệu lực có thể khác với thời điểm giao kết, nhưng thời điểm thời điểm bị vô hiệu, tức là thời điểm không có hiệu lực lại là thời điểm giao kết. Điều này mới thoáng qua có vẻ mâu thuẫn, nhưng xem kỹ thì hoàn toàn logic. Một khi hợp đồng đã bị vô hiệu toàn phần thì các thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng bị vô hiệu.
Thấu hiểu ý nghĩa của thời điểm xác lập giao dịch dân sự và thời điểm giao kết hợp đồng, cũng như thời điểm giao dịch dân sự vô hiệu, có ý nghĩa lớn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp. Trong trường hợp vụ án Konica Minolta, do không nắm vững thời điểm vô hiệu hợp đồng 038, nên tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, và sau đó là kháng nghị giám đốc thẩm, đều đánh giá sai, lập luận sai, giải quyết sai đối với hợp đồng 038. Rất may là Ủy Ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đã xem lại và sửa sai đối với yêu cầu vô hiệu hợp đồng 038.
3. Phân biệt giao dịch dân sự vô hiệu với giao dịch dân sự không được thực hiện:
Theo Điều 117 BLDS 2015 thì giao dịch dân sự có một trong các điều kiện được qui định tại Điều 117 BLDS 2015 thì vô hiệu. Theo khoản 1 Điều 131 BLDS 2015 thì “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập“. Với các đặc trưng được qui định tại Điều 117 BLDS 2015khoản 1 Điều 131 BLDS 2015, giao dịch dân sự vô hiệu khác với các giao dịch dân sự bị hủy bỏ hoặc giao dịch dân sự mất hiệu lực:  
a. Giao dịch dân sự bị hủy bỏ:
Giao dịch dân sự bị hủy bỏ là giao dịch có hiệu lực tại thời điểm xác lập, nhưng trở nên mất hiệu lực do có một sự kiện xảy ra sau đó và các bên phải trở lại tình trạng ban đầu. Ví dụ như hợp đồng được giao kết với điều kiện hủy bỏ.
b. Giao dịch dân sự mất hiệu lực: Giao dịch dân sự mất hiệu lực là giao dịch được xác lập thỏa đủ các điều kiện được qui định tại Điều 117 BLDS 2015, nhưng trong lúc đang thực hiện thì lại mất một số yếu tố cơ bản và do đó không thể thực hiện đến cùng hoặc hoàn toàn không thể thực hiện được. Ví dụ điển hình là hợp đồng thuê nhà ở bị chấm dứt trong trường hợp nhà bị thiêu rụi trong cơn hỏa hoạn.
4. Phân biệt hợp đồng vô hiệu với chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng:

(Còn tiếp)

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar