Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

HỌC LÝ 

1. Vai trò của học lý: Người ta gọi là học lý, những công trình của các luật gia phê bình luật pháp. Trong cổ luật La Mã, ý kiến của một số luật gia có một ảnh hưởng trực tiếp trên biến chuyển của luật pháp, vì những ý kiến đó có hiệu lực như luật pháp. Ngày nay, trái lại học lý chỉ đóng vai trò gián tiếp trong việc thành lập các quy tắc pháp lý. Không bao giờ ý kiến của một tác giả có thể bó buộc tòa án. Tuy nhiên, các tác giả thường có  ảnh hưởng trong việc soạn thảo cũng như giải thích pháp luật. Các luật gia có bổn phận tìm các khuyết điểm của luật pháp. Phòng theo các công trình của luật đối chiếu và của lịch sử, họ phải đề nghị quy tắc hay hơn, hợp lý với nền văn minh hiện đại hơn. Công cuộc tìm tòi đó là vai trò cao quý của luật gia và có tính cách đặc biệt cần thiết. Nhờ công cuộc tìm tòi trên đây, các luật gia góp phần hữu hiệu cho nhà lập pháp. Nhiều văn bản đã được các luật gia soạn thảo, đưa đến quốc hội thảo lau65t và biểu quyết. Học lý công tác với án lệ để tìm những quy tắc pháp lý hay hơn. Khi một quyết định quan trọng của Tòa án được đăng trong một tạp chí, nó thường được một luật gia phê bình trong một bản chú thích bên cạnh án văn. Do ảnh hưởng của học lý, các tòa án thường xác nhận hoặc thay đổi án lệ.
2. Phương pháp của học lý: Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các luật gia đã áp dụng hai phương pháp khác nhau để giải thích luật lệ. Phương pháp thứ nhất theo thứ tự thời gian là phương pháp chú giải (methode de L’exégèse: phương pháp chú giải) và phương pháp thứ nhì là phương pháp tự do sưu tầm khoa học (méthode de la libre recherche scientifique: phương pháp nghiên cứu khoa học tự do).
a. Phương pháp chú giải:
Các luật gia áp dụng phương pháp này tin rằng, dưới một hệ thống pháp luật, đã có những bộ luật, không thể có quy tắc pháp lý nào khác hơn là những điều luật. Bộ Dân luật Pháp năm 1804 đã minh thị hay mặc nhiên đưa ra tất cả các quy tắc pháp lý của dân luật, và người ta có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào bằng cách sưu tầm bộ luật. Một điều luật có vẻ không liên quan gì đến một vấn đề nào cũng có thể chứa đựng một nguyên tắc lý luận làm cho người ta có thể giải quyết vấn đề đó. Một giáo sư luật, ông Bugnet đã tuyên bố: “Tôi không biết luật dân sự, tôi chỉ dạy bộ luật Napoléon“.
Các tác giả đã dày công nghiên cứu bộ dân luật, cố gắng giải quyết bằng phương pháp suy luận tất cả các sự khó khăn có thể gặp trong thực tế. Sự im lặng của nhà lập pháp thường được xem như sự duy trì quy tắc cũ. Người ta tham chiếu lịch sử nhưng chỉ tìm tòi tình trạng của pháp luật lúc soạn thảo bộ dân luật. Trong các tác giả dùng phương pháp chú giải phải kể đến:
– Toullier, tác giả bộ khái luận về dân luật (Traité de droit civil: Luận văn luật dân sự), gồm 16 quyền, trong đó tác giả phê bình bộ dân luật từng điều một;
Troplong, tác giả một bộ khái luận gồm có 37 quyển phát hành từ năm 1833;
– Aubry và Rau, tác giả của bộ “Cours de droit civil français: Khóa học luật dân sự tiếng Pháp), được phát hành từ năm 1838 đến năm 1947. Bộ sách này có ảnh hưởng rất lớn đồi với án lệ của Tòa án Pháp.
– Demolombe, tác giả bộ “Cours de code civil: Khóa học luật dân sự), gồm 31 quyền phát hành từ năm 1945.
Các tác giả áp dụng phương pháp chú giải tin rằng nhà làm luật, đã hành động đúng theo lý trí và không thể lầm lẫn được. Vậy nếu áp dụng những phương pháp suy luận khoa học, người ta có thể , từ những giải pháp mà luật đã đề ra, giải quyết những vấn đề pháp lý khác mà nhà làm luật không trực tiếp đề cập đến. Các phương pháp suy luận sau đây đã được áp dụng:
a1) Suy luận tất nhiên (raisonnement a fortiori): Nghĩa là áp dụng một giải pháp cho một trường hợp, trong đó, người ta còn nhiều lý do để áp dụng hơn là trong trường hợp mà nhà làm luật đã nghĩ đến. Thí dụ: Luật định rằng Công tố viện có quyền xin tiêu hủy hôn thú trong trường hợp song hôn: Như vậy suy ra là lẽ tất nhiên công tố viện có quyền phản kháng hôn thú. Tòa phá án Pháp đã suy luận như vậy từ năm 1858 (Civ 21.3.1856, DP. 1856-1-208).
a2) Suy luận loại tỷ (raisonnement par analogie: suy luận bằng sự tương tự): Theo đó, người ta áp dụng một giải pháp cho một vấn đề tương tự, vì trong cả hai trường hợp, lý do áp dụng giải pháp ấy như nhau. Thí dụ: Luật định rằng, trong trường hợp ly hôn, người phối ngãu có lỗi sẽ mất hết quyền lợi mà người kia dành cho hoặc do hôn ước hoặc từ ngày lập hôn thú. Sự truất quyền này được áp dụng trong trường hợp ly thân tương tự như ly hôn. Tòa phá án Pháp, trong một bản án rất quan trọng, đã lý luận như vậy, khi giải thích điều 299 DLP (23-1-1845 D P 1845-1-225).
a3) Suy luận đối nghịch (raisonnement a contrario: suy luận trái ngược): Theo đó, người ta áp dụng một giải pháp ngược lại giải pháp mà nhà làm luật đã dự liệu cho một trường hợp trái ngược. Thí dụ: Điều 336 DLP quy định rằng: “Sự thừa nhận của người cha, không có ghi tên người mẹ và sự thú nhận của người mẹ, chỉ có hiệu lực đối với người cha. Do phương pháp suy luận đối nghịch, người ta kết luận rằng, sự thừa nhận của người cha, nếu có ghi tên người mẹ và được xác nhận do sự thú nhận của người mẹ sẽ có hiệu lực đối với người mẹ. (…). Phương pháp suy luận này rất nguy hiểm, và chỉ có giá trị khi nào dẫn đến một kết luận phù hợp với các nguyên tắc tổng quát về pháp luật. Thí dụ: Một đạo luật ấn định rằng luật sẽ áp dụng từ ngày 1-1-1968, nhưng người ta không thể suy luận đối nghịch bằng cách nói rằng, các hành vi xảy ra trước ngày 1-1-1968 đều bị chi phối bởi luật cũ; Các hành vi này có thể bị chi phối do luật mới, như ta đã thấy khi xét qua nguyên tắc hiệu lực tức thời của các luật lệ liên quan đến trật tự công cộng.
a4) Suy luận bằng cách quy nạp và diễn dịch: (raisonnement par induction et déduction: suy luận bằng quy nạp và diễn dịch): Người ta nghiên cứu nhiều trường hợp do luật định rõ ràng để vạch ra một nguyên tắc chung, rồi áp dụng nguyên tắc nầy để đem lại giải pháp cho vụ tranh tụng. Thí dụ: Theo điều 555 DLP, trong trường hợp đệ tam nhân xây dựng kiến trúc trên sở đất của mình, sở hữu chủ, nếu muốn giữ kiến trúc đó, phải hoàn lại cho đệ tam nhân trị giá vật liệu và nhân công dùng trong việc xây cất. Mặt khác, theo điều 1376 DLP, người nào vì vô ý hay cố ý nhận một số tiền hay đồ vật do người khác trả, trong khi người này không có thiếu sẽ phải giao trả lại cho người đã đưa số tiền hay đồ vật. Các luật gia đã dựa vào hai trường hợp này để lập ra nguyên tắc đắc lợi vô nguyên nhân và buộc người nào hưởng một số tiền hay đồ vật không có nguyên nhân do pháp lý phải giao lại cho người đã đưa đồ vật hay số tiền ấy.
b) Phương pháp tự do sưu tầm khoa học: Vào cuối thế  kỷ 19, các phương pháp của phái chú giải bị chỉ trích là chỉ làm cho luật pháp không tiến bộ được. Mặt khác, học lý nhận thấy rằng, các tòa án trước nhiều sự khó khăn trong thực tế, đã tỏ ra lưu tâm đến một sự giải thích từ ngữ (interprétation littérale: diễn giải theo nghĩa đen) hơn là đến sự áp dụng công bằng các bản văn. Một số tác giả như Saleilles và Geny đã đưa ra một phương pháp mới giải thích mới: tự do sưu tầm khoa học. Các luật gia nầy chủ trương rằng người ta khỏi phải nhọc công tìm tòi ý muốn của nhà lập pháp. Các người giải thích, đứng trước một sự mơ hồ hoặc khuyết điểm phải hành động như nhà lập pháp, phải lưu tâm đến các nhu cầu xã hội, đến các hiện tượng lịch sử, đến luật đối chiếu, như vậy họ sẽ biến vai trò giải thích ra vai trò sáng tạo. Theo một lý thuyết dung hòa, người ta phải tìm ý muốn của nhà lập pháp đương thời khi gặp trường hợp có sự mơ hồ hay thiếu sót của một luật lệ, kể luôn luật lệ cũ. Người giải thích không có tự do tuyệt đối để sáng tạo ra pháp luật theo ý muốn của mình. Các phương pháp trên không có chống đối nhau về tất cả phương diện. Phương pháp nào cũng nhìn nhận rằng, khi có bản văn rõ ràng thì không cần phải giải thích; chỉ có sự chống đối nhau khi bản văn mơ hồ hoặc thiếu sót.
Môn phái chú giải đem lại cho ngành pháp luật các phương pháp suy luận rất hữu hiệu và đã sáng tác nhiều bộ sách có giá trị, góp phần vào kết quả tốt đẹp của bộ dân luật Napoleon. Các tòa án và các nhà thực hành đã nhờ đó mà giải thích và áp dụng luật lệ một cách khoa học. Nhưng các tác giả theo môn phái nói trên luôn luôn muốn tìm tòi thâm ý của nhà làm luật trong bất cứ trường hợp nào. Phương pháp nầy có thể bị chỉ trích vì thường thường sự im lặng của nhà lập pháp về một trường hợp nhất định, chứng tỏ rằng nhà lập pháp không cần xét đến trường hợp đó và cũng không có ý kiến gì về vấn đề đó.
Phái tự do sưu tầm khoa học cũng bị chỉ trích. Người ta không thể để cho nhà giải thích tự do sáng tạo pháp luật, vì như thế mỗi người sẽ lý luận theo một khuynh hướng và ý muốn riêng của mình, và sự khác biệt giữa các sự giải thích sẽ làm phương hại đến sự thống nhất luật pháp trong một quốc gia. Mặt khác, người ta cũng không thể giải thích các bản văn có từ hơn một thế kỷ trước với tư tưởng của nhà lập pháp hiện tai.
Án lệ không theo một phương pháp giải thích nào, vì phải luôn luôn lưu tâm vấn đề tiến bộ xã hội. Án lệ đã mạnh dạn biến cải một số bản văn. Đôi khi trái lại, án lệ giải thích theo từ ngữ nhưng mọi trường hợp, các tòa án tìm cach làm cho pháp luật đi đôi với sự biến chuyển và các nhu cầu cần thiết. Vì vậy, tòa án đã đem áp dụng vào các trường hợp thực tế những nguyên tắc pháp lý mà nhà làm luật đã lập ra cho những trường hợp khác. Chẳng hạn, tòa án áp dụng nguyên tắc ghi trong các điều 1382, 1382, 1384 DLP cho các tai nạn xe hơi, máy bay là những tai nạn không thể xảy ra vào năm 1804, lúc ban hành bộ DLP.
3. Học lý về luật Việt Nam:
Trong bộ luật Gia Long có một điều khoản quy định việc đọc và giải thích các luật lệ. Đó là điều 59 mà nội dung như sau: “Các luật lệ của Quốc gia được ban hành trên khắp lãnh thổ và luôn luôn phải được thi hành. Các quan lại và nhân viên có nhiệm vụ cai trị dân phải đọc và suy gẫm và giải nghĩa rõ ràng các luật lệ để thấm nhuần tinh thần của nó. Cuối năm tại kinh đô cũng như tại tỉnh lỵ, các quan lại và nhân viên phải qua một cuộc vấn đáp do thượng cấp của mình phụ trách. Trong trường hợp không giải nghĩa được, hoặc không hiểu luật lệ, nếu là quan lại thì sẽ bị truất một tháng lương, nếu là nhân viên thì sẽ bị phạt 40 trượng“.  Mặt khác, điều luật trên đây tưởng thưởng những công dân hiểu biết pháp luật. Đoạn chót của điều 59 quy định rằng, người thủ công hay nghệ sỹ, hay bất cứ một người nào khác có thể đọc, giải nghĩa và thông suốt luật lệ, nếu can tội vì rủi ro hay bất cẩn và nếu vi phạm lần đầu tiên thì sẽ được miễn phạt cho tôi nặng hay nhẹ cũng vậy. Nhưng điều 59 Luật Gia Long không có nghĩa là vào thời Gia Long có một học lý theo quan niệm hiện thời. Thật vậy, theo hệ thống pháp luật xưa của Trung Hoa và Việt Nam, mặc dù có một sổ sách về pháp luật, các tác giải sách đó không thể chỉ trích luật thực tại và cũng không dùng một phương pháp khoa học như hei65n nay để bình luận các luật lệ hoặc nêu ra những vấn đề liên quan đến luật pháp, Trong một hệ thống pháp luật như vậy, người ta không đưa ra những quy tắc trừu tượng có tính cách tổng quát để có thể áp dụng cho nhiều trường hợp.
Dưới thời Pháp thuộc, trái lại, học lý theo quan niệm Tây phương có một vai trò rất quan trọng. Các luật gia Pháp đã viết một số quyền sách có giá trị về cổ luật Việt Nam. Ngoài ra có nhiều khảo luận và luận án tiến sĩ về luật Việt Nam.(…88-89)./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar