Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Khái niệm đại cương

KHÁI NIỆM ĐẠI CƯƠNG

MỤC I: ĐỊNH NGHĨA 

Danh từ “Luật lao động” cần được định nghĩa rõ ràng. Hai chữ “lao động” rất mông lung vì lao động là làm việc mà trong bất cứ một hoạt động nào của con người cũng có yếu tố làm việc. Thực ra luật lao động chỉ liên hệ đến sự làm việc của một giới người là những người làm công cho người khác (salariés: người lao động), nghĩa là những người làm việc có chủ. Sự làm việc của những người này có tính cách lệ thuộc mà không có tính cách độc lập. Vì thế những người làm nghề tự lập không thuộc phạm vi chi phối của luật lao động. Ta nhận thấy rõ điều này hơn khi nhìn vào đối tượng của luật lao động. Danh từ luật lao động tương đối mới mẻ. Người ta mới dùng nó khoảng 40 năm nay. Trước kia người ta chỉ thấy những danh từ “Pháp chế kỹ nghệ” hay “luật thợ thuyền” với một nội dung hợp hơn.
A) Đối tượng của luật lao động:
1._ Sự làm việc của con người trong xã hội hoặc có tính cách độc lập hoặc có tính cách lệ thuộc vào người khác. Luật lao động chỉ chi phối loại hoạt động thứ hai, nghĩa là sự làm việc của những người làm công cho chủ nhân. Hoạt động của những người làm việc cho chính mình một cách tự lập (như các người làm nghề tự do, các nghệ sĩ, văn sĩ, nhà thủ công mỹ nghệ, tiểu thương gia, điền chủ tự canh tác lấy ruộng của mình v.v…). không thuộc đối tượng của luật lao động. Trái lại đối với những người làm việc cho người khác, dưới sự điều khiển cho người chủ và lãnh lương của chủ, tương quan giữa người ấy với chủ nhân do luật lao động qui định. Sự lệ thuộc của người công nhân vào chủ nhân phải là một sự lệ thuộc pháp lý, nghĩa là chủ nhân phải có quyền hành đối với người công nhân thì luật lao động mới được áp dụng. Nếu chỉ là sự lệ thuộc kinh tế thì chưa đủ. Thí dụ: Người thợ mộc làm việc tại nhà của mình, cung cấp những món đồ cho khách hàng của mình đặt làm. Người ấy tuy lệ thuộc kinh tế vào khách hàng nhưng làm việc một cách tự do, không ở dưới quyền điều khiển của khách hàng, nên không phải là người làm công mà là một nhà tiểu công nghệ tự lập. Trái lại người công nhân làm việc trong xí nghiệp bị đặt dưới quyền điều khiển và theo mệnh lệnh của chủ xí nghiệp nên lệ thuộc pháp lý vào chủ nhân. Chính tình trạng lệ thuộc pháp lý này đã được dùng làm tiêu chuẩn để giới hạn phạm vi luật lao động. Sự lệ thuộc pháp lý thường biểu lộ bằng lương bổng do chủ nhân trả.
2._ Tuy nhiên, tương quan giữa công chứ và nhà nước không thuộc phạm vi luật lao động. Nó do luật hành chính qui định, mặc dù trong tương quan ấy cũng có sự lệ thuộc pháp lý. Nguyên tắc này có ngoại lệ: Những xí nghiệp quốc doanh phần lớn thuộc phạm vi chi phối của luật lao động. Như vậy luật lao động gồm những tương quan lao động tư và đồng hóa.
3_ Luật lao động là những quy tắc pháp lý áp dụng cho cả công nhân và chủ nhân, chứ không riêng cho công nhân. Lúc ban đầu trong chế độ tư bản cổ điển, khi những liên lạc giữa chủ và thợ còn do nguyên tắc tự do kết ước qui định, chủ nhân thường lợi dụng ưu thế của mình về kinh tế để ép buộc công nhân nhận những điều kiện làm việc do chủ nhân ấn định. Sau đó nhà nước phải can thiệp để bảo vệ công nhân và ban hành pháp chế lao động. Vì có nguồn gốc như vậy nên người ta thường có thành kiến rằng luật lao động hoàn toàn bênh vực công nhân và chỉ đặt ra cho chủ nhân những nghĩa vụ. Nhưng sự thực, luật lao động cũng công nhận cả những quyền của chủ nhân (như quyền sa thải khi công nhân phạm lỗi năng, quyền giải công để đối chọi với quyền đình công của công nhân), và cũng buộc công nhân phải thi hành những nghĩa vụ. Như thế luật lao động ngày nay qui định những nghĩa vụ và quyền lợi của cả hai giới công nhân và chủ nhân. Những quyền lợi nó công nhận cho người này đã đồng thời qui định những nghĩa vụ của người kia và ngược lại.
4._ Luật lao động chẳng những chi phối các tương quan giữa chủ và thợ, phát sinh từ khế ước lao động, mà cả các tương quan cộng đồng (tập thể) giữa hai giới. Lúc ban đầu, người ta chỉ biết có các tương quan cá nhân giữa người làm công và người chủ do khế ước lao động qui định. Nhưng thực tế cho thấy rằng, các lực lượng lao động trong một xí nghiệp, trong một nghề hay trong một vùng, đã là những tập thể. Về phía các chủ nhân cũng vậy, họ có tính liên đớivà biết liên kết với nhau thành những tỏ chức chủ nhân. Dân dần giữa hai bên những tương quan lao động đã được thiết lập. Luật lao động đã ý thức rõ hiện tượng mới này nên không coi những tương quan lao động là những tương quan thuần túy cá nhân như trước nữa và đã quy định cả những tương quan cộng đồng. Ngày nay phần luật liên hệ đến các tương quan cộng đồng rất phong phú và là sắc thái đặc thù của luật lao động.
Vậy ta có thể định nghĩa luật lao động là “tất cả những quy tắc pháp lý áp dụng cho các tương quan cá nhân và cộng đồng phát sinh giữa chủ nhân tư (hay đồng hóa) và những người làm công dưới quyền họ, khi làm việc“.
B)_ Vị trí của luật lao động trong luật học:
Lúc khởi thủy luật lao động là một ngành của tư luật. Khi đó nó chỉ chi phối khế ước lao động, một khế ước dân sự. Ngày nay nếu ta chỉ lưu ý đến những tương quan cá nhân giữa chủ và thợ, ta vẫn có thể coi luật lao động thuộc về tư pháp. Tuy nhiên, đi xa hơn, ta sẽ thấy môn luật này khó xếp loại vì nó có những đặc tính của cả hai ngành tư luật và công luật. Ngày nay trong luật lý người ta gặp nhiều khó khăn khi muốn phân biệt hai lãnh vực công pháp và tư pháp. Chính luật lao động là một trong những khó khăn ấy. Sau đây là những sự kiện đã tạo ra tính cách hỗn hợp của luật lao dộng:
1)_ Ngày nay sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực tư khá thông thường. Riêng trong phạm vi các tương quan lao động, sự can thiệp ấy mạnh hơn cả.
2)_ Trong khi tư luật chỉ chi phối những tương quan pháp lý giữa cá nhân các tư nhân thì luật lao động đã dành một phần quan trọng cho các tương quan cộng đồng, trong đó nghiệp đoàn công nhân giữ vai trò chính yếu.

Mục II: CÁC ĐẶC TÍNH CỦA LUẬT LAO ĐỘNG 
Luật lao động là một môn luật trẻ lại sát thưc tế nên có một tính cách quan trọng đặc biêt về các phương diện chính trị xã hội và kinh tế.
A) Luật lao động là một môn luật trẻ:
Luật lao động mới thoát thai từ dân luật từ cuối thế kỷ trước, như vậy nó tương đối còn trẻ lắm. Nhưng môn luật trẻ bao giờ cũng có ba đặc tính chung là phạm vi áp dụng chưa rõ rệt, hệ thống chế tài chưa hoàn hảo và đôi khi còn dựa vào vụ lực. Luật lao động có cả ba đặc tính ấy.
a) Phạm vi đang phát triển:
Ngày nay luật lao động có khuynh hướng mở rộng phạm vi. Lúc ban đầu phạm vi của nó chỉ thu hẹp vào lãnh vực kỹ nghệ, sau dần dần bao trùm sang cả lãnh vực thương mại, nông nghiệp và các nghề tự do. HIện tượng này chứng tỏ sự sung sức muốn bành trướng của môn luật trẻ. Tuy nhiên, sự phát triển này đã bắt buộc luật lao động phải tự thích ứng với những nhu cầu của các lãnh vực mới mà nó xâm nhập. Thí dụ: Trong lĩnh vực nông nghiệp nó đã có một sắc thái khá đặc biệt. Sự bành trướng của luật lao động đã làm nó mất tính cách đồng nhất và đưa đến sự phân tách. Thí dụ: Môn luật an ninh xã hội trước kia nằm trong luật lao động, nay đã tách rời thành một môn luật riêng.
b) Chế tài thiếu hoàn hảo:
Sự hoàn hảo của phương pháp chế tài là đặc tính của những hệ thống pháp luật đã già dặn. Những môn luật còn phát triển dở dang chỉ có những chế tài thiếu sót, thí dụ môn quốc tế công pháp. Đối với luật lao động, ta phải phân biệt hai loại tương quan là tương quan cá nhân và tương quan cộng đồng. Trong những tương quan cá nhân, sự chế tài được tổ chức chu đáo trên cả hai địa hạt hình sự và trách nhiệm dân sự. Tuy vậy những chế tài này không hữu hiệu vì công nhân thường là vô tư lực, những hình phạt vạ hay những chế tài bồi thường không có mất kết quả, nhất là lương bổng của họ lại có tính cách bất khả sai áp. Đối với chủ nhân, Tòa án cũng chỉ truyền phải bồi thương mà không phại phục nhận một công nhân đã bị sa thải quá lạm. Những món tiền bồi thường đối với chủ nhân thường không đáng kể; còn người công nhân, trước viễn tượng có thể bị chủ nhân sa thải, ít khi dám kiện chủ. Vì thế nên chế tài dân sự của luật lao động ít hữu hiệu. Các chế tài hình sự cũng được luật dự liệu nhưng lại ít được Tòa án áp dụng. Trong những tương quan cộng đồng sự thiếu hoàn hảo của các chế tài còn rõ rệt hơn. Ta sẽ thấy vụ lực vẫn còn giữ một vai trò đáng kể trong luật lao động. Đình công hay giải công là những lợi khí thường được công nhân và chủ nhân sử dụng để giải quyết những cộng đồng phân tranh.
B) Luật lao động theo sát thực tế:
Luật lao động có tính cách bất định, thiếu ổn cố. Nó thường thay đổi luôn. Bản chất của nó như vậy vì những qui tắc của luật lao động phản ánh một trình độ kỹ thuật. Nếu kỹ thuật tiến bộ thì những qui tắc ấy cũng phải biến đổi. Thí dụ tại Hoa Kỳ ngày nay kỹ thuật tự động hóa và nguyên tử năng đã đòi hỏi sự soạn thảo một bộ luật lao động mới. Hơn thế nữa, luật lao động ảnh hưởng nhiều đến năng suất và giá thành, mà những yếu tố kinh tế này lại thay đổi luôn nên đòi hỏi thường xuyên những sửa đổi thích nghi của luật lao động.
Muốn bảo vệ hữu hiệu giới công nhân, luật lao động phải tự thích ứng với những nhu cầu cụ thể của giới cần lao. Vì luật lao động quá tỉ mỉ và vụn vặt nên người công nhân thường ít am hiểu. Sự kiểm soát việc áp dụng trở thành phức tạp, khó khăn. Ngày nay người ta ưa các cộng đồng hiệp ước hơn, vì đây là những văn kiện mềm dẽo, dễ thích ứng với thực tế hơn các bản văn luật pháp.
C) Luật lao động chịu ảnh hưởng của chính trị và kinh tế:
1. Trong thế kỷ trước, chủ nghĩa cá nhân và những học thuyết tự do kinh tế đã trì hoãn sự hình thành của luật lao động. Ngày nay những lập trường chính trị vẫn định đoạt thái độ của hai giới công nhân và chủ nhân c4ng như thái độ của chính quyền trước các vấn đề lao động. Luật lao động ghi nhận một các trung thực những chủ thuyết đương thịnh hành trong một xã hội, vì thế nên nó có một tầm mức quan trọng về chính trị.
2. Luật lao động cũng quan trọng về phương diện xã hội. Luật lao động qui định phần lớn những điều kiện sinh sống của giới người đông đảo nhất trong xã hội. Sự qui định số giờ làm việc, ngày nghỉ hàng tuần, hay chế độ lương bổng, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của cá nhân và gia đình. Đời sống của công nhân được nhân đạo hây không cũng phẩn lớn tùy thuộc ở luật lao động.
3. Luật lao động cũng quan trọng về phương diện kinh tế. Giới chủ nhân thường tìm cách cản trở sự phát triển của môn luật này. Điều đó chứng tỏ nó ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất, ảnh hưởng đến sự gia giảm mức lời của chủ nhân. Thực ra ảnh hưởng của luật lao động về kinh tế phức tạp hơn người ta tưởng. Một mặt, những tiến bộ của môn luật  này (như sự tăng lương), chắc chắn làm cho sản xuất thêm đắt, giá thành thêm cao. Nhưng mặc khác, sự tăng lương sẽ làm tăng mãi lực của công nhân, có thêm người tiêu thụ, hàng hóa sẽ dễ bán hơn. Ngoài ra, sự cải tiến luật lao động còn giảm bớt những phân tranh, duy trì được an bình xí nghiệp. Ý thức được điều này, chánh quyền có thể sử dụng luật lao động như một phương tiện hữu hiệu để định hướng nền kinh tế quốc gia. Sự qui định những điều kiện tuyển mộ nhân công, điều kiện tập nghề, có thể hướng dẫn công nhân đến những khu vực kinh tế đang cần người. Sự qui định gián tiếp hay trực tiếp lương bổng và những quyền lợi về an sinh xã hội của công nhân có thể thay đổi những điều kiện sản xuất và sự phân phối lợi tức quốc gia. Vì có sự liên hệ mật thiết và sự lệ thuộc hỗ tương giữa kinh tế và xã hội nên nhà lập pháp cần xét một cách thận trọng những hậu quả kinh tế của cải cách xã hội. Những cải cách xã hội (bằng cách sửa luật lao động), thi hành không đúng lúc hay không đúng mức, đều có thể có hậu quả bất lợi cho chính giới công nhân. Ta lại cũng nên dè dặt và e ngại trước những luật lệ lao động chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà lãng quên cứu cánh xã hội và nhân đạo.

Mục III: NGUỒN GỐC CỦA LUẬT LAO ĐỘNG 

Nguồn gốc của một môn luật là những phương cách tạo lập các qui tắc của môn luật ấy. Mỗi ngành luật có những phương pháp riêng. Về phương diện này, luật lao động rất đặc sắc, vì nó có nhiều phương cách, nhiều kỹ thuật khác nhau để đặt ra các qui tắc mà nó áp dụng. Những phương cách này gồm ba loại là những phương cách của luật quốc tế, của luật quốc nội và của chính các nghề nghiệp liên hệ.
A) Nguồn gốc trong luật quốc tế:
Các hiệp ước quốc tế trong phạm vi luật lao động có một tính cách quan trọng đặc biệt. Trước hết là các hiệp ước song phương ký giữa hai quốc gia, qui định những điều kiện áp dụng cho những kiều dân của nước này sang làm việc tại nước kia. Những hiệp ước này ấn định qui chế của các công nhân ngoại quốc làm việc trên lãnh thổ quốc gia. Loại hiệp ước thứ hai là những qui ước lập ra trong khuôn khổ Tổ chức Quốc tế lao động (O.I.T). Những qui ước này có tầm vóc rộng hơn, hướng về việc duy nhất hóa những tiêu chuẩn trong luật lao động để các quốc gia hội viên sẽ áp dụng những qui tắc chung trong các vấn đề được qui định. Thí dụ: Qui ước quốc tế số 89 về sự làm việc ban đêm của đàn bà trong kỹ nghệ đã được VNCH phê chuẩn (S.Luật số 24 ngày 13-10-1965)….
B) Nguồn gốc trong luật quốc nội:
1) Hiến pháp;
2) Các đạo luật lao động;
3) Các pháp qui hành chánh;
4) Án lệ;
C) Nguồn gốc trong tổ chức nghề nghiệp:
Những quy tắc phát sinh từ nghề nghiệp là những tập quán, những quy điều xưởng và cộng đồng hiệp ước. Đây là những phương cách tạo lập luật pháp khá đặc biệt và cũng là sắc thái đặc thù của luật lao động.
1) Các tập quán;
2) Qui điều xưởng hay nội quy xí nghiệp;
3) Cộng đồng hiệp ước
D) Hệ cấp các nguồn gốc của luật lao động: Những qui tắc phát sinh từ các nguồn gốc khác nhau có giá trị cao hay thấp tùy theo hình thức của văn kiện và tùy theo cơ quan sáng tạo. trên cao nhất ta phải xếp các quy tắc quốc tế đã được quốc gia phê chuẩn và công bố. Tiếp theo là các qui tắc của luật quốc nội, sau mới đến án lệ, cộng đồng hiệp ước và nội quy xí nghiệp.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar