Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Khái niệm về nghĩa vụ

KHÁI NIỆM VỀ NGHĨA VỤ

Bàn đến nghĩa vụ, chúng ta không khỏi nghĩ ngay đến ý niệm thông thường của danh từ này: Nghĩa vụ là các điều mà theo lương tâm, chúng ta phải thực hiện để làm tròn bổ phận. Song ý nghĩa này chỉ liên quan đến luân lý và có liên hệ rất mong manh với pháp luật. Về phương diện pháp lý, danh từ này có một định nghĩa chính xác hơn; Tuy nhiên lĩnh vực của nghĩa vụ pháp lý cũng không kém phần bao quát. Đối với Luật gia, nghĩa vụ là một sự liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó, một người là trái chủ (hay chủ nợ) có quyền đòi người kia là người  phụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá được bằng tiền”. Với định nghĩa này, chúng ta đã bước vào đại hạt sản nghiệp quyền (droits patrimoniaux), khác hẳn với quyền thuộc về luật gia đình chỉ là những quyền có tính cách ngoại sản nghiệp (drots extra-patrimoniaux: quyền ngoài tài sản). Nghĩa vụ thường liên quan đến tiền tài hay nói rộng hơn, đến tài sản. Nói như vậy, người ta có thể lầm tưởng rằng nghĩa vụ chỉ là các khoản nợ về tiền tài. Sự thực, phạm vi của nghĩa vụ rộng rãi hơn nhiều và không phải chỉ bao gồm có các món nợ, hay chỉ có mục đích chuyển dịch tài sản nào đó. Cũng vì lẽ ấy, trong định nghĩa danh từ nghĩa vụ, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng chủ đích là một cung khoản có thể trị giá bằng tiền. Cung khoản (une prestation: lợi ích) này có thể quan niệm dưới ba hình thức:

A. Cung khoản trị giá được bằng tiền có thể biểu hiện dưới ba hình thức:
1. Cung khoản có thể là nghĩa vụ chuyển quyền hữu, có mục đích bắt buộc người con nợ phải chuyển dịch một quyền sở hữu hay một quyền đối vật nào khác, như trường hợp phải chuyển dịch quyền sở hữu trong các khế ước mua bán một vật;
2. Cung khoản cũng có thể là nghĩa vụ tác động hay hành động (hành xử),  nghĩa là, phải làm một việc. Ví dụ: Nhà văn ký khế ước viết một tác phẩm cho Nhà xuất bản. Cung khoản ở đây là tất cả các hoạt động của con người có thể trị giá được bằng tiền. Sức lao động được coi là hàng hóa đặc biệt, có thể giao dịch và có giá giao dịch chính là tiền lương, tiền thù lao mà người lao động được nhận.
3. Cung khoản còn có thể là nghĩa vụ bất tác động hay bất hành động. Trong trường hợp này, con nợ không cam đoan làm một việc tích cực mà chỉ cam đoan sẽ không hành động về một điều gì. Ví dụ: Trong khế ước bán một sản nghiệp thương mại, người bán cam kết với người mua sẽ không mở một cửa hàng thương mại khác tương tự trong cùng quận huyện, để tránh cạnh tranh với người chủ đã mua cửa hàng thương mại này.

Trong đời sống hàng ngày, có thể nói rằng mỗi người bắt buộc tạo lập ra nhiều loại nghĩa vụ để sinh sống, để thủ đắc cá tài sản hay để bảo tồn sản nghiệp của mình. Muốn sinh sống phải có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở … Để có những của cải ấy, chúng ta phải thực hiện rất nhiều hành vi như phải kết lập ra các khế ước cần thiết với những người bán gạo, bán quần áo, người cho thuê nhà hoặc người bán nhà. Những khế ước ấy phát sinh ra các nghĩa vụ đối với cả hai bên đồng ước. Để bảo vệ sản nghiệp và quyền lợi của chúng ta, như trong trường hợp có người hủy hoại tài sản của ta, hay vô ý đi xe đụng phải ta, chúng ta cũng phải nhờ đến giải pháp nghĩa vụ. Sự phá hủy tài sản, hay tai nạn do bị đụng xe, sinh ra một nghĩa vụ bồi thường đối với người đã gây ra sự thiệt hại ấy. Người phá hủy tài sản, người gây ra tai nạn trở thành người phụ trái (con nợ) mà chúng ta là trái chủ (chủ nợ).

B. Phân loại theo nguồn gốc phát sinh ra nghĩa vụ:
1. Các nghĩa vụ khế ước: Là những nghĩa vụ do ý muốn của các đương sự xác lập bằng khế ước hay hợp ước;
2. Các nghĩa vụ ngoài khế ước: Là các nghĩa vụ phát sinh ngoài ý muốn của trái chủ và người thụ trái, như trong các trường hợp trách nhiệm dân sự (Trách nhiệm ngoài hợp đồng). Một nguyên tắc căn bản trong dân luật là ai gây ra thiệt hại, dù vô ý hay cố ý, thì người đó phát bồi thường. Tuy phát sinh ngoài ý muốn của đương sự nhưng nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài khế ước cũng chiếm phần quan trọng vì trong thực tiễn các loại thiệt hại ngoài khế ước ngày càng nhiều.

C. Nghĩa vụ là một định chế có tính phổ quát của toàn nhân loại: Về phương diện lý thuyết, phần dân luật khảo cứu về các nghĩa vụ được các luật gia đặc biệt chú ý và được coi như là lĩnh vực của luận lý học trong nền pháp lý. Trong Luật Gia đình, các định chế được tổ chức mỗi nơi mỗi khác, tùy theo điều kiện xã hội địa phương. Trái lại các nghĩa vụ, các luật gia có thể xây dựng trong trừu tượng và theo lý trí tất cả các quy tắc cần thiết để chi phối những mối tương quan pháp lý giữa trái chủ và người phụ trái. Sự quy định này là việc làm của trí não, một sản  phẩm tinh thần, không cần lệ thuộc vào ý chỉ ngoại vật. Nói cách khác, vấn đề liên quan đến nghĩa vụ có thể giải quyết như bài toán, bằng cách suy luận thuần túy, trên căn bản những định lệ hợp lý mà ai cũng chấp nhận được. Cũng vì lẽ ấy, rất nhiều điều khoản của cổ luật La Mã về nghĩa vụ ngày nay vần có giá trị được duy trì trên thế giới. Hơn nữa, tuy luật pháp thường thay đổi với mỗi quốc gia, nhưng các nguyên tắc về nghĩa vụ, trái lại, có tính cách phổ biến, đại đồng. Tại một vài nước, hệ luận thứ hai này đã đưa đến kết quả tách rời phần nghĩa vụ ra khỏi dân luật để làm thành một bộ luật nghĩa vụ riêng biệt. Sự cải cách này đã được thực hiện ngay từ trước đại chiến thế giới lần thứ hai  tại Ba Lan, Thụy Sĩ, Li Băng. Ngoài ra, hai nước Pháp và Ý cũng đã dự thảo một bộ luật nghĩa vụ Pháp-Ý. Một ngày kia, nếu thế giới người ta tiến tới sự duy  nhất hóa ngành tư pháp, thì sự cải cách này tất nhiên sẽ được thực hiện trước tiên trong lĩnh vực nghĩa vụ./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar