Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Lời tựa

LỜI TỰA 

Trong luật học, dân luật gần chúng ta hơn cả vì nó đặt những qui tắc chi phối đồi sống thường nhật của cá nhân. Dân luật lại là một bộ phận chính yếu vì nó thường được ví như thân cây trong khi nhiều môn luật khác, như luật thương mại, luật lao động, chỉ là những cành cây.
Luật học ngày nay là một khoa học chia ra nhiều ngành với những qui tắc rõ ràng, với những kỹ thuật tinh vi. Bắt đầu học luật, người sinh viên cần thâu thái trước tiên những kiến thức phổ thông, đó là những khái niệm tổng quát về pháp luật, đó là những nguyên tắc căn bản hướng dẫn ta trong rừng luật pháp. Theo một truyền thống đã có từ lâu, phần kiến thức phổ thông căn bản này được trình bày ngay trong môn dân luật. Nó mở đầu cho việc học luật và được coi như phần luật học nhập môn vậy. Sau đó mới đến các định chế thuần túy của dân luật như giá thú, tử hệ, giám hộ.
Dân luật là một môn rất cổ điển nên trong một cuốn sách giáo khoa, sự trình bày khó có thể đi ra ngoài đường lồi cổ điển. Tuy nhiên trong khi nghiên cứu luật gia đình Việt Nam, mỗi khi có một định chế tương tự trong luật Tây phương, chúng tôi sẽ lưu ý độc giả đến những khác biệt giữa hai quan niệm Đông và Tây, đồng thời làm nổi bật sắc thái đặc thù của luật ta. Vài ví dụ là sự cử hành giá thú theo kiểu Việt Nam, hình thức ly hôn bắt buộc trong cổ luật hay chế độ thân quyền theo quan niệm đông phương. Đối với định chế hoàn toàn do luật do luật Tây phương du nhập như thất tung, giám hộ, tính cách thái tây của các định chế này cũng được nêu rõ. Trong ba bộ dân luật hiện hành, Bộ dân luật giản yếu áp dụng tại Nam phần, thiếu sót và nhiều màu sắc tây phương hơn cả, trong khi hai bộ Dân luật Bắc và Dân luật Trung còn phản ánh được phần nào sắc thái dân tộc. Về mỗi định chế, sự đối chiếu ba bộ luật là một công việc thường xuyên và cần thiết nên sự trình bày khó tránh được tính cách phức tạp. Phức tạp cũng chính là đặc tính của nền Dân luật Việt Nam hiện đại. Không những chúng ta chưa có một Bộ Dân luật duy nhất (ngoại trừ phần luật Gia đình do Sắc luật ngày 23-7-1964 qui định để thay thế bộ Luật gia đình 1959 bị bãi bỏ), mà đối chiếu với định chế của dân luật, luật ta lại hoàn toàn thiếu sót (nhất là tại Nam phần), nên nhiều điều khoản của Dân luật Pháp còn được áp dụng như lý trí thành văn. Vì lẽ ấy độc giả sẽ không ngạc nhiên khi thấy bộ Dân luật Pháp đôi khi còn được viện dẫn trong sách này. Ảnh hưởng của luật Tây phương cũng được nhận thấy rõ trong án lệ. Tuy ngày nay, các tòa án quốc gia sau 18 năm thành lập (từ 1949) đã xây đắp được một công trình đáng kể, nhưng án lệ Pháp vẫn còn hữu ích vì về nhiều điểm pháp lý, pháp đình Việt Nam vẫn phỏng theo những quan điểm cố định trong án lệ Pháp. Trong sách này chỉ một vài bản án quan trọng được trình bày tóm tắt còn phần lớn được thu gọn vào điểm pháp lý do án văn xác định. Vì thế nên sách này chưa thể đầy đủ nếu thiếu sự tra cứu án lệ. Có đọc chính bản án, có biết rõ những sự kiện trong vụ án, người sinh viên mới thấu triệt được lý lẽ và ý nghĩa của qui tắc pháp luật do tòa án áp dụng trong vụ kiện: Lý thuyết cần được soi sáng bằng những trường hợp cụ thể, linh hoạt của đời sống pháp luật. Ngoài ra, đối với mỗi vấn đề pháp lý quan trọng, những bài khảo luận liên hệ hoặc những lời chú thích án lệ của luật gia trong và ngoài nước đều được chỉ dẫn tường tận ở cước chú để giúp độc giả tra cứu dễ dàng mỗi khi cần khai triển vấn đề. Đây cũng là những cánh cửa mở trên những chân trời khác để giúp nhà khảo cứu thêm rộng tầm con mắt.
Dân luật là môn luật tương đối ổn cố nhất. Nó ít thay đổi và sự biến đổi, nếu có, thường chậm chạp. Tuy nhiên, ở nước ta trong những năm gần đây, riêng phần luật gia đình, nhất là định chế ly hôn đã làm một ngoại lệ. Định chế này đã trải qua những thăng trầm theo liền với biến cố chính trị. Nó bị bãi bỏ dưới nền đệ nhất cộng hòa, rồi lại được tái lập sau cuộc cách mạng do Sắc luật ngày 23-7-1964. Trong diễn trình tiến hóa của dân luật, những định chế của luật gia đình thường biến đổi theo phong tục, thí dụ như trong luật ta, chế độ đa thê đã bị bãi bỏ từ năm 1959, và địa vị của người vợ trong gia đình Việt Nam đã được nâng lên ngang hàng với chồng. Đó là những cải cách tốt đẹp và vững bền vì phù hợp với tiến bộ xã hội. Trái lại, một sự cải cách đột ngột, đi ngược lại phong tục (như bãi bỏ ly hôn năm 1959) không thể thành công vì nó không đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Khoa xã hội học pháp lý đã chứng minh định luật này.
Tuy khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi cũng cố gắng cho xuất bản quyền dân luật này để giúp các sinh viên năm thứ nhất ba cử nhân có sách học và để góp một viên gạch nhỏ vào công trình xây dựng nền luật học nước nhà. Chúng tôi thành thật cám ơn ông Viện trưởng Viện đại học Cần Thơ, ông Khoa trưởng Trường Đại học Luật khoa Cần Thơ, ông Viện Trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon và cơ quan Asia Foundation về những sự khuyến khích hay nâng đỡ việc xuất bản quyền sách này.

Sài Thành mùa thu năm Đinh Mùi (1967)
NGUYỄN QUANG QUÝNH   

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar