LUẬT PHÁP, ĐẠO ĐỨC VÀ THỰC TẾ
Trong quốc gia nào cũng vậy, việc lập pháp và áp dụng pháp luật là những việc quan trọng vào bực nhất vì hai việc ấy chi phối đời sống của mỗi cá nhân cũng như của cả đoàn thể. Quan trọng nhất, mà cũng phức tạp, khó khăn nhất trong việc làm ra luật và áp dụng luật, không những phải am hiểu tình thế trong nước về mọi phương diện, còn phải tinh tường các kỹ thuật lập pháp và phải có một ý niệm chắc chắn sâu xa về những nguyên lý của luật pháp. Phải được đặt ra theo kỹ thuật riêng của nó, luật pháp mới sáng tỏ, dễ thi hành, dễ áp dụng. Phải biết rõ nguyên lý của luật pháp thì khi kiến tạo, áp dụng luật pháp mới tông trọng được những nguyên lý ấy để khỏi bước vào con đường thoái hóa. Ví dụ làm luật về vấn đề gì, phải xem xét luật cũ về vấn đề ấy, phải tra cứu học lý và án lệ để biết những ưu điểm, khuyết điểm của luật cũ, phải cân nhắc từng danh từ trong lúc biên khảo đạo luật mới, và đừng vi phạm những nguyên tắc pháp lý căn bản đã được công nhận trong xã hội văn minh. Nghiên cứu kỹ thuật, tìm hiểu nguyên lý, đều là những vấn đề chuyên môn trong luật học.
Ở đây, trên địa hạt đại cương của luật pháp, chúng ta hãy nhận xét rằng, lập pháp và xử đoán là những nhiệm vụ quan trọng vào bực nhất của chủ quyền, tiêu biểu cho sự tự do của một dân tộc. Tự do ấy phải được sử dụng một cách sáng suốt và hợp lý, nếu không sẽ đưa đến chỗ hỗn loạn, vì rằng nếu không được thiết lập và áp dụng đúng với những nguyên lý của nó, luật pháp sẽ không đạt được mục đích xây dựng và giữ gìn trật tự cho xã hội. Cho nên, có lẽ chúng ta cũng cần phải biết luật pháp là gì và địa vị của luật pháp trong các ngành học vấn. Biết vậy, để mỗi khi làm luật, ta đừng chen lấn sang địa hạt của ngành khác. Biết vậy, mội khi áp dụng luật pháp, ta đừng đi ra lề đường, đừng gán cho luật pháp những hậu quả không có ở trong luật pháp, hay trái ngược với luật pháp.
Luật pháp là toàn thể những phép tắc trị người trong một xã hội. Những phép tắc ấy chi phối sự giao dịch của người này với người khác, quy định tình cha con, nghĩa vợ chồng, đặ ranh giới quyền hạn cho cả chính quyền nữa. Nhờ có những phép tắc ấy mà mọi tương tranh trong xã hội có được một căn bản để giải quyết, và, nhờ có sự giải quyết trên một căn bản pháp lý như vậy, mỗi sự tương tranh mới không thành các mầm gây ra những sự rối loạn khác. Tóm lại một câu: Luật pháp là mối giường của xã tắc: Không có luật pháp thì không có trật tự; xã hội sẽ hoàn toàn hỗn loạn. Như vậy, luật pháp nhằm lý tưởng thực hiện sự hòa hợp giữa những người có quyền lợi tương phản trong xã hội, và ta thấy rằng, lý tưởng của luật pháp khác với lý tưởng của luân lý. Luật pháp tìm cách dung hòa quyền lợi của mọi người để phòng ngửa những sự xung đột; luật pháp lại đặt ra những phép tắc giải quyết những sự xung đột ấy, nếu xảy ra. Đành rằng trong những phép tắc trên này, luật pháp cũng dựa vào luân lý, vì luân lý là những tập quán tục lệ đã được người ta chấp nhận trong mọi sự cư xử ăn ở với nhau, và luật pháp, vốn là một khoa học lấy người ta, lấy xã hội làm đối tượng, tất nhiên, một phần nào, phải là phản ánh những tập quán, tục lệ ấy.
Thế nhưng luật pháp phải phân biệt với luân lý. Nhà lập pháp đừng bao giờ nên đặt mình vào địa vị một nhà đạo đức. Luân lý chi phối tất cả mọi hành động của người ta, nên có một lĩnh vực rộng rãi; luật pháp có một lãnh vực nhỏ hẹp hơn, vì chỉ chú trọng đến những hành động của ta có thể làm hại đến tài sản, thân thế, nhân cách của người khác. Luân lý nhằm một mục đích tuyệt đối, muốn làm cho người ta thành những người hoàn toàn; luật pháp chỉ nhằm một mục đích tương đối: Trong mỗi hành động của người ta, chỉ đòi hỏi một đức độ trung bình. Ví dụ luân lý dạy ta phải ngay thẳng với con người, ngay thẳng với chính mình; luật pháp cũng trừng phạt sự gian xảo, nhưng chỉ khi nào sự gian xảo làm hại đến người khác. Luật pháp phải dừng lại ở biên thùy luân lý: Nếu xâm phạm vào địa hạt luân lý, luật pháp sẽ thành ra chuyên chế, vì nếu mỗi hành động của người ta đều phải theo một sự xếp đặt định sẵn thì dĩ nhiên không còn có tự do gì nữa. Do sự khác biệt ấy, giữa luân lý và luật pháp, ta thấy rằng luật pháp chú trọng đến trật tự xã hội trong khi luân lý thiên về sự cải tiện nhân tâm.
Muốn xây dựng một nền trật tự trong xã hội và giữ gìn trật tự ấy, luật pháp phải theo sát thực tế. Các phép tắc, các tác chế của luật pháp không thể chỉ là những cấu tạo vô tình ngẫu nhiên của trí óc mà đều phải nhằm một mục đích thiết thực. Cái lý do của những phép tắc, những tác chế ấy không phải là một lý do trí tuệ, chỉ cốt làm thỏa mãn trí tuệ. Lý do ấy là một lý do thiết thực, phát sinh ở một tình trạng thiết thực, đòi hỏi ở một sự đối phó thiết thực. Cho nên phương pháp của nhà lập pháp phải là một phương pháp thực tế, nghĩa là lấy thực tế làm gốc và xây dựng trên thực tế. Đến khi khảo cứu, áp dụng luật pháp cũng không được quên thực tế, không thể chỉ dùng trí óc mà lý luận, vì mỗi điều luật là do một mục đích thực tế xây dựng nên. Mục đích ấy sẽ không đạt nếu luật pháp chỉ suy xét thuần túy bằng lý luận. Đó là tư tưởng của Ihering đã đề cao ở thế kỷ thứ 19, đề cao như một ánh hào quang, cho đến bay giờ vẫn còn chiếu sáng. (M.P Coulombed: “Force et but dans le Droit selon la pensee juridique de Ihering: Sức mạnh và mục đích của Luật theo tư tưởng pháp lý của Ihering“, Revue trimestrielle de Droit civil 1957, p.624). Trước đây, người ta chỉ lấy lý luận để giải thích và áp dụng luật pháp. Ihering đã đem cái hạt giống thực tế gieo rắc vào địa hạt trừu tượng của luật pháp, nhưng không phải để coi luật pháp là một vấn đề hoàn toàn thực tế. Theo Ihering cái mục đích thực tế đã sinh ra tất cả các luật pháp (Ihering: Le But a cree tout le Droit – Mục đích tạo ra tất cả Luật), nhưng không phải cứ mỗi lúc luật pháp lại phải thay đổi theo những tình trạng nhất thời của thực tế, vì nêu vậy, thực tế sẽ lan tràn như gió bão, làm vì giập cả luật pháp. Muốn được vững bền, luật pháp phải có một phần trừu tượng kèm theo phần thực tế. Chính yếu tố ấy làm cho luật pháp thành một kỷ luật; chính nhờ kỷ luật ấy mà có được trật tự trong xã hội. Nói khác đi, một khi luật pháp đã có rồi thì luật pháp phải làm mực thước cho mọi hành động, luật pháp sẽ kiềm chế hành động của cá nhân, cho đến khi nào được thay đổi hay hủy bỏ.
Làm thế nào mà luật pháp thành ra một kỷ luật? Ta biết rằng luật bao quát nhiều vấn đề; về mỗi vấn đề luật đặt ra một giải pháp. Song, những vấn đề được giải quyết này, chỉ là những vấn đề chính yếu; giải pháp đặt ra chỉ là một giải pháp đại cương tổng quát. Còn biết bao nhiêu trường hợp, chi tiết khác, luật pháp không tiên liệu được. Vậy luật gia sẽ xem xét giải pháp đại cương, tìm hiểu cái nguyên lý đã hướng dẫn nhà luật pháp, rồi sẽ nhân cái nguyên lý ấy, dùng lý luận suy cứu ra những hậu quả khác để giải quyết những trường hợp mà luật pháp chưa tiên liệu. Đó là cả một công trình xây dựng bằng trí óc: Công trình ấy là phần trừu tượng, phần tinh túy của luật pháp, nếu ta không biết đến thì không hiểu được luật pháp đến cội rễ, không lĩnh hội được cái tinh thần của luật pháp, chỉ có một ý niệm sơ sài, nông nổi mà thôi. (hay). Tóm lại, luật pháp và luân lý, tuy là hai môn cùng đặt mực thước cho sự cư xử của người ta, song cần phải phân biệt rõ rệt phạm vi của hai môn ấy. Một mặt khác, luật pháp tuy phải chú trọng đến thực tế nhưng vẫn phải có một phần tinh túy, trừu tượng có thể coi là linh hồn của điều luật. Đó là hai ý kiến chính mà chúng ta sẽ suy cứu dưới đây.
I. LUẬT PHÁP KHÔNG PHẢI LÀ LUÂN LÝ
Các nhà đạo đức xin hãy cứ yên tâm. Nói rằng “luật pháp không phải là luân lý” không có nghĩa là luân lý không có ảnh hưởng đến luật pháp. Không nói chi đến hình luật đã trừng phạt mọi hành vi mà lương tâm của mỗi người đều phản đối, dân luật cũng có nhiều điều được thẩm nhuần luân lý một cách rõ ràng. Tuy nhiên, luân lý chỉ có thể hướng dẫn luật pháp được phần nào mà thôi: Những phép tắc luân lý phải để người ta tùy lòng tuân theo, tự do hưởng ứng, không thể sự kiềm chế, bởi luật pháp để thành ra những phép tắc cưỡng hành.
1._ Sự hướng dẫn của luân lý._ Chúng ta nhận định rằng, luật pháp có mục đích chi phối mọi sự giao dịch, mọi mối tương quan của người ta trong xã hội. Sự sống tập thể đã tạo ra những tục lệ mà mọi người cảm thấy rằng phải tuân theo để xã hội có trật tự. Những tục lệ ấy, trước hết có tính cách tôn giáo, luân lý, vì thế có một sức mạnh tồn tại rất vững, và một khi đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lại thêm sức mạnh của cổ lệ nữa. Luân lý có nhiều phản ánh trong dân luật. Ví dụ luân lý dạy người ta phải tôn trọng lời hứa thì dân luật cũng định rằng khế ước phải được thi hành ngay thẳng. Dân luật còn bảo vệ luân lý bằng cách diệt trừ những khế ước trái với thuần phong mỹ tục. Cũng vì muốn người ta phải ngay thẳng công bằng, không được vô cớ xâm phạm đến tài sản của người khác, cho nên điều 702 Dân luật Bắc và 750 Dân luật Trung định rằng, người nào không phải chủ nợ mà được người ta trả lầm thì phải hoàn lại và điều điều 712 Dân luật Bắc và 761 Dân luật Trung bắt buộc phải bồi thường những sự thiệt hại do cái lỗi của mình đã gây ra cho người khác. Những ví dụ trên đây cho chúng ta thấy rằng, luật pháp đi đôi với luân lý: Cả hai đều lấy sự thật thà ngay thẳng làm gốc để đặt ra những phép tắc trị người, răn người. Nhưng vì mục đích của luật pháp là giữ gìn trật tự trong xã hội, còn mục đích của luân lý là cải thiện nhân tâm, nên chúng ta sẽ thấy rằng luật pháp không khắc khe như luân lý, cũng không rộng rãi như luân lý. Lĩnh vực của luân lý rất rộng và trên lĩnh vực ấy, chỗ nào luân lý cũng muốn có một cội rễ sâu chắc. Trong khi luân lý đòi hỏi người ta, trong tất cả mọi việc lớn bé, nhỏ nhặt, từ việc ăn uống, đến việc đối xử với mình, đối xử với người phải theo khuôn phép để thành những người hoàn toàn theo quan niệm riêng của luân lý, thì trái lại, luật pháp chỉ chế ngự những hành động nào của ta có gây ra một sự liên lạc với người khác. Và trong sự liên lạc ấy, luật pháp không bó buộc ta phải hành động như những vị anh hùng, thánh nhân mà chỉ yêu cầu ta có một đức độ trung bình là đủ. Tỷ như việc thi hành khế ước, nếu ta đã cam kết sẽ cung cấp một món đồ vật gì mà không nói rõ tốt xấu như thế nào thì tuy ta không được chọn thứ hàng xấu nhất để giao, nhưng pháp luật cũng không bắt buộc ta phải giao thứ hàng hạng nhất, mà chỉ cần giao thứ hàng trung bình là ga được coi là đã làm đầy đủ nhiệm vụ. Lại như trong việc ký thác, người thụ thác, tuy có nghĩa vụ giữ gìn đồ vật của người ta gửi cho mình, nhưng chỉ phải chăm nom đồ vật ấy như tài sản của mình thôi; Pháp luật không bó buộc người ấy phải hy sinh tiền bạc, thời gian để chăm nom tài sản của người khác chu đáohơn tài sản của mình, và như vậy, nghĩa là đồ vật ký thác, vì không được chăm nom một cách đặc biệt mà hư hại thì người thụ thác không có trách nhiệm. Còn có những trường hợp mà luật pháp phải hy sinh cả những quan niệm luân lý thông thường để cho trật tự trong xã hội khỏi bi quyế rối. Những thí dụ rõ rệt và ai nấy đều biết là sự tiêu diệt thời hiệu và thủ đắc thời hiệu. Có nợ là phải trả; không được lấy của người khác làm của mình, đó là những phương châm luân lý mà lương tâm người người ai cũng nhận thấy và cho là phải. Vậy mà dân luật đã định rằng công nợ để quá 10 năm thì không đòi được nữa, và bất động sản nào đã bị chấp hữu 15 năm liên tục một cách ngay tình với một danh nghĩa chính đáng sẽ thuộc quyền tư hữu của người chấp hữu. Nếu người này gian tình thì phải 30 năm sau mới thành sở hữu chủ (551 DLB, 569 DLT). Trong trường hợp thứ nhất, người mắc nợ, tuy chưa trả mà cũng có quyền không trả nữa vì tố quyền của chủ nợ đã bị thời tiêu; trong trường hợp thứ hai, người chấp hữu trở thành thành sở hữu chủ, dẫu rằng bất động sản chấp chiếm không phải của mình, vì người này đã thủ đắc thời hiệu để được hưởng dụng quyền tư hữu.
Những biện pháp này có thể bất công và làm cho ta thắc mắc về phương diện luân lý, nhưng đã được Dân luật chấp nhận vì rằng trên cái quan niệm bình dị của luân lý, còn có những lý do khác, cao xa hơn, cần thiết cho trật tự xã hội. Trật tự này sẽ bị quấy rối nếu luôn xảy ra sự tranh tụng lâu đời mà ngày tháng đã chôn vùi làm quên đi đi, không còn tang chứng vết tích rõ rệt. Về quyền tư hữu cũng thế: Khi một người đã chấp hữu một tài sản trong một thời gian lâu dài, đã sử sự như là sở hữu chủ, đã được các người đệ tam coi là có tư cách ấy trong mọi sự giao dịch thì không thể, mỗi lúc, phủ nhận quyền lợi của người ấy, vì rằng phủ nhận như vậy, sẽ làm xáo trộn quyền lợi của nhiều người đệ tam, mà sự ngay tình phải được luật pháp che chở. Một mặt khác, về phương diện xã hội, những chủ nợ, nhưng sở hữu chủ đã lãng quên quyền lợi của mình trong một thời gian lâu dài như vậy thì cũng không còn xứng đáng hưởng những quyền lợi ấy nữa. Trên đây, chúng ta đã bày tỏ rằng luật pháp có một căn bản luân lý, nhưng không ngặt nghè như luân lý. Chúng ta cũng đã thấy rằng, mặc dầu sự liên hệ ấy, luật pháp vần có một địa vị biệt lập vì cần phải đối phó với tình trạng đặc biệt, trong đó nhà lập pháp không cần câu nệ giam mình trong những quan niệm luân lý hẹp hòi. Nhà lập pháp phải biết sự giải phóng ra ngoài những sự câu nệ ấy; đó là dấu hiệu sự tiến hóa của luật pháp và sự tiến triển của tự do cá nhân. Muốn có tiến hóa, muốn có tự do, luật pháp phải biệt lập với luân lý>
2._ Luật pháp phải biệt lập với luân lý._ Trước khi đi sâu vào vấn đề, ta phải nhắc lại rằng, luật pháp phải lấy luân lý làm gốc, vì luân lý là những thành lệ đã được mọi người công nhận ở một giai đoạn nào đó, trong một xã hội nào đó. Luật pháp muốn được phục tòng của mọi người, trước hết phải phù hợp với phép tắc của luân lý, trừ phi những phép tắc ấy quá chật hẹp, phỉa hy sinh trước những lợi cao xa hơn của đoàn thể. Khi chúng ta nói rằng luật pháp phải biệt lập với luân lý là chúng ta muốn ói rằng, nhà la65ppha1p đừng tự coi mình là bậc sư thành đem đạo đức ra giáo hóa thiên hạ. Nhà đạo đức muốn người ta phải hoàn toàn, nên nhất cử nhất động của người ta đều muốn đem bó buộc chặt chẽ trong luân lý. Nhưng sự nghiêm ngặt ấy không có hại gì, vì nhà đạo đức hiểu rằng, luân lý chỉ có một giá trị tương đối trong thời gian và không gian, có khi chỉ là những thành kiến. Cho nên nhà đạo đức rộng lượng bao dung: được người theo càng hay, ai không theo cũng không ép uổng. Trái lại nhà lập pháp, vì cái nhiệm vụ của mình, dù có muốn, cũng không có được sự bao dung ấy. Bản chất của luật pháp là có tính cách cưỡng bách. Luật đã đặt ra, người nào cũng phải tuân theo, không cưỡng lại được với luật pháp. Cho nên, nếu nhà lập pháp chen lấn vào địa hạt của luân lý, quy định tất cả mọi việc trong đời sống của người ta, kiểm soát cả tình cảm, tư tưởng người ta, cả những việc nhỏ nhặt như ăn mặc, giải trí, thì luật pháp sẽ thành ra áp chế. Một khi luật pháp theo dõi cá nhân từng bước như vậy, làm cho cá nhân không còn chỗ nào để trú ẩn, làm bất cứ việc gì cũng thấy mình bị giam cầm trong vòng vây của luật pháp, tất nhiên không còn tự do gì nữa. Nói như vậy, không phải chỉ nói bóng bẩy mà thôi. Cái vòng vây của luật pháp là cái vòng vây thực sự, vì rằng muốn cho một đạo luật được tôn trọng, tất nhiên lại phải có hàng nghìn, hàng vạn công chức để thi hành đạo luật ấy; những công chức ấy sẽ phải dò xét những sự phạm pháp, tức là dò xét cử động của người dân. (Hay!).
Khi các luật gia phương Tây, trên địa hạt lý thuyết, đem luật pháp tách ra khỏi luân lý ở thế kỷ 18, đó là một giai đoạn quan trọng cho sự tiến hóa của luật pháp. Người ta đã thấy rằng, muốn có tự do, luật pháp chỉ có thể tượng trưng cho một căn bản luân lý tối thiểu. Những phép tắc luân lý chỉ có thể phổ cập vào luật pháp khi nào sự vi phạm những phép tắc ấy phương hại đến trật tự xã hội. Nếu sự vi phạm chỉ là một sự sa ngã riêng về mặt đạo đức, thì việc đó không liên quan gì đến luật pháp. Nhà luật pháp muốn biến đạo đức thành một trường hợp nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không tôn trọng tự do cá nhân nữa. Không những thế, khi mà luật pháp quá khắc khe thì lòng người sẽ bực tức: Không công nhiên chống lại luật pháp nhưng người ta sẽ tìm cách trốn tránh sự áp dụng của luật pháp. Đó đây, luật pháp, không những không đạt được mục đích thiết lập trật tự xã hội, lại còn đi đến kết quả trái ngược là làm cho trật tự ấy thêm phần rối loạn. C1o khi sự trốn tránh này không có chút gì bất hợp pháp, không có gì gian lận: Người ta chỉ cần không hành động gì trong địa hạt mà luật pháp đã đặt ra những điều lệ quá khắc khe. Khỏi nói thì ai cũng thấy rằng, khi đó, cả một ngành hoạt động đình trệ, làm cho luật pháp đứng trước một bãi sa mạc, không có cơ hội được áp dụng nữa.
Một tài liệu rõ rệt về sự hỗn đồng luật pháp với luân lý là Bộ luật Gia Long. Bộ luật này đã chép theo bộ luật rất khắc nghiệt của Mãn Thanh. Với bộ luật ấy, ta thấy rằng, người dân không còng gì là tự do nữa. Không có quyền lợi gì, chỉ toàn những bổn phận. Bổ phận với thân thuộc, thích thuộc; bổn phận đối với làng nước, bạn bè, xóm giềng, với nhà chức dịch: Mỗi sự vi phạm đều là hình tội, mỗi sự vi phạm đều bị phạt trượng, phạt tù. Cá nhân bị nghẹt thở trong những bổn phận ấy, có lẽ chỉ lo phòng thân cũng đã hết tháng hết ngày, còn nói gì đến tự do nữa.
Tóm lại, luật pháp, nếu có chịu sự hướng dẫn của luân lý, cũng không thể hỗn đồng với luân lý. Phải phân biệt kỹ hai môn này, nhà lập pháp mới có thể đạt được mục đích xây dựng trật tự trong xã hội, mà vẫn tôn trọng tự do dân chủ. Luật pháp phải biết tự hạn chế quyền hành của mình, đừng can thiệp vào bất cứ việc gì, vì rằng mục đích của luật pháp chỉ là duy trì những điều kiện cần thiết cho sự sinh tồn trong xã hội; Nếu luật pháp hỗn đồng với quy tắc luân lý thì luật pháp bị tiêu diệt. Không hỗn đồng với luân lý, đó mới chỉ là để khỏi bị tiêu diệt; muốn tiến triển mạnh mẽ, luật pháp còn phải hòa mình với thực tế.
II. THỰC TẾ TRONG LUẬT PHÁP
Nhà lập pháp phải nhìn rõ thực trạng xã hội để đặt ra những phép tắc thích đáng cho những thực trạng ấy. Luật pháp đừng theo đuổi những ảo tưởng viễn vông. Phải nhắm vào thực tế để giải quyết những vấn đề thực tế. Nhưng tất cả luật pháp không phải là chỉ có thực tế. Thực tế chỉ là một yếu tố của luật pháp. Bên cạnh yếu tố thực tế, cần phải có yếu tố trừu tượng, luật pháp mới có linh hồn, cơ sống.
1._ Sự quan trọng của thực tế._ Đối với nhà lập pháp, sự quan trọng của thực tế đã được gián tiếp bày tỏ, khi chúng ta nêu lên sự cần thiết phải phân biệt luật pháp với những ngành khác, nhất là ngành luân lý là ngành gần gủi nhất với luật pháp. Một khi luật pháp đã được đào tạo, được nung đúc trong cơ sở thực tế rồi, sự áp dụng cũng phải theo phương châm ấy. Sở dĩ vấn đề phải nêu lên trong sự áp dụng luật pháp là vì có khi luật pháp tối nghĩa, không được rõ ràng; có khi luật pháp chỉ dự liệu nguyên tắc đại cương. Luật pháp cũng không tiên liệu giải quyết được trước tất cả thiên hình vạn trạng của đời so61gn thực tế. Trong tất cả các trường hợp ấy, nếu có tranh tụng xảy ra, thẩm phán, luật gia phải giải thích luật pháp, tìm cái chân nghĩa của điều luật để áp dụng cho việc tranh tụng. Phải giải thích như thế nào? Phải theo phương pháp nào mà giải thích? Tất nhiên là phải có lý luận.
Chúng ta không đứng về phương diện triết lý để khảo cứu sự lý luận này. Về luật học, ta có thể lý luận theo từ ngữ, hoặc lý luận theo thực tế. Phương pháp từ ngữ chỉ chú trọng đến văn tự điều luật, chỉ cốt có sự liên lạc chặt chẽ trong cách lý luận, không cần tính đến sự lợi hại, kết quả của lý luận. Do đấy, thực tế bị bỏ quên. VÀ chính vì vậy mà Ihering đã xướng lên phương pháp thực tế, để chống lại phương pháp từ ngữ này. Chúng ta đã biết rằng, trong tư tưởng của Ihering, cái mục tiêu tạo ra tất cả luật pháp. Vậy muốn hiểu rõ một điều luật, phải tìm cái mục đích thực tế của nhà lập pháp khi làm ra điều luật ấy. Chỉ có phương pháp ấy mới đưa đến những kết quả dồi dào sáng tạo, còn phương pháp từ ngữ chỉ là những lời trống rỗng, không tạo ra được cái gì, không có ích lợi gì ngoài sự diễn tả cùng một ý kiến dưới những hình thức khác nhau. Không những thế, lý luận về luật pháp còn có tính cách bấp bênh nữa, vì muốn lý luận một cách vững vàng, phải có những luận cứ rõ ràng và nhất định làm căn bản; luật gia không có được những căn bản chắn chắn như vậy để lý luận: Những điều luật, những án lệ mà luật gia dùng làm luận cứ có khi mâu thuẫn có khi tối nghĩa. Vì vậy, luật gia, khi nghiên cứu một điều luật, trước hết, phải tìm hiểu cái mục đích của điều luật; sau đấy, khi áp dụng điều luật, phải chú trọng đến thực tế hơn là chỉ lý luận suông, phải tìm xem giải pháp áp dụng nào có ích lợi thiết thực, phù hợp với mục đích của điều luật, và không trái ngược với nguyên tắc đã hướng dẫn nhà làm luật. Ví dụ sự chấp hữu, mục đích là che chở quyền tư hữu một cách hiệu quả. Muốn đạt được mục đích ấy, ta sẽ phải quan niệm rằng tất cả những người nào chấp thủ một đồ vật gì (nghĩa là giữ gìn trong tay một đồ vật gì) đều có tư cách chấp hữu, cho đến khi có chứng cứ trái lại. Tại sao quan niệm ấy lại có hậu quả che chở được quyền tư hữu đúng với mục đích của sự chấp hữu? Là vì, với quan niệm ấy, người chấp thủ (le détenteur: người giữ), một khi đã được coi là người chấp hữu (le prossesseur) sẽ được hưởng sự che chở đặc biệt của luật pháp về sự chấp hữu. Nếu người ấy bị ai tranh chấp cái đồ vật mình đang giữ, sẽ không cần viện dẫn chu71gn cứ gì để chống lại sự tranh chấp ấy. Chỉ khi nào đối phương đã chứng tỏ được quyền sở hữu, lúc bấy giờ người chấp hữu mới phải trả lại cái đồ vật. Nói một cách khác, nói một cách khác, người chấp thủ được ức đoán là đã chấp hữu cho mình và được che chở ngay trong chấp hữu ấy, không cần phải bầy tỏ quyền sở hữu của mình. Đó là giải pháp đã được chấp nhận trong dân luật Việt Nam, phỏng theo dân luật Pháp. Do đó ta thấy rằng quyền sở hữu được che chở một cách hiệu quả, vì rằng dẫu người ngưởi sở hữu chủ đã đánh mất giấy giấy tờ bằng chứng về tư hữu của mình, kẻ muốn tranh chấp phải bầy tỏ chứng cớ quyền sở hữu của kẻ ấy, và tât nhiên không bày tỏ được, vì người ấy đâu có quyền gì trên đồ vật tương tranh, chỉ manh tâm chiếm đoạt vô quyền tài sản của người khác. Lấy cái mục đích thiết thực làm mực thước cho sự kiến tạo giải thích và áp dụng luật pháp như vậy, có phải là trong mỗi trường hợp, cơ quan lập pháp và tư pháp chỉ cần chú trọng đến thực tế thôi không. Thực tế chỉ là một diện mục của luật pháp. Một diện mục khác, không kém quan trọng, là phần trừu tượng trong luật pháp.
2._ Sự quan trọng của phần trừu tượng trong luật pháp._ Ngày nay, hơn lúc nào hết, ta phải nêu cao sự quan trọng này vì trong cac nước dân chủ, nhà lập pháp có khuynh hướng chỉ tìm những giải pháp tạm thời, nghĩa là chỉ chú trọng đến những sự kiện lẽ loi trong thực tế. Trước những sự đòi hỏi không ngừng của những quyền lợi tương phản thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, nhà lập pháp, trong mỗi trường hợp, đặt ra một giải pháp khác nhau để đối phó với tình trạng cấp bách, không có nguyên tắc nào nhất định, khiến cho luật pháp mỗi khi một khác, thiếu hẳn tính cách tổng quát và vĩnh cữu. Do đấy luật pháp không duy nhất, làm cho người ta có cảm tưởng luật pháp không công bằng vì không được áp dụng một cách đồng nhất. Ta lấy một ví dụ cực đoan để hiểu rõ sự cần thiết phải có nguyên tắc vững vàng trong việc lập pháp. Thí dụ một tai nạn xe hơi xảy ra do lỗi của nạn nhân; chúng ta biết rằng người này sẽ phải chịu những hậu quả do mình gây ra, không được bồi thường gì cả. Nay luật pháp hay tòa án có thể định rằng, nếu nạn nhân là người nghèo nàn, thì vẫn cứ phải bồi thường, mặc dù chính người ấy gây ra tai nạn hay không? Là lập pháp muốn gì tất cũng được. Nếu làm ra một đạo luật như trên, tất sẽ có người ca ngợi tinh thần bác ái nhân đạo. thế nhưng, nhà lập pháp phải tự kiềm chế mình, đừng đi vào con đường ấy. Làm như thế sẽ không ích lợi gì cho trật tự xã hội, chỉ có hại cho trật tự ấy. Làm như thế là chỉ chú trọng riêng đến thực tế mà bỏ quên mất nguyên lý của luật pháp: luật pháp sẽ không còn là luật pháp, chỉ còn là chính sách thời vụ mà thôi.
Khó mà kể ra được những nguyên lý của luật pháp và tìm được căn bản của nguyên lý ấy. Đó là những phép tắc chi phối cai trật tự cần thiết trong xã hội, những phép tắc không có không được trong quan niệm luật pháp của một dân tộc, khi đã tie61nt ới một trình độ văn minh nào đó. Trong thí dụ trên kia, theo nguyên lý của luật pháp thì chỉ khi nào ta hành động có lỗi gây thiệt hại cho người khác, ta mới phải bồi thường. Trong trường hợp ta có quyền hành động thì dẫu ta có gây thiệt hại, ta cũng không phải bồi thường. Do đấy, phải suy luận ra rằng nếu sự thiệt hại do lỗi của nạn nhân gây ra thì người này phải chịu lấy sự thiệt hại: Tình trạng giàu nghèo của nạn nhân không có ảnh hưởng gì đến vấn đề cả. Chính nhờ ở sự trí tri tri thức như vậy mà luật pháp thành có qui cũ, có kỹ luật vững vàng. Và qui cũ, kỷ luật ấy là nền móng của trật tự. Nếu cùng một hành động mà có khi ta trách cứ, có khi không, tùy thoe những trường hợp mà ta không làm chủ được như trong thí dụ trên kia, thì sẽ có người tự gây ra thiệt hại để đổ trách nhiệm cho ta. Còn về phần ta, sẽ không dám hành động gì cả; tức là ta sẽ mất tự do hành động.
Những nguyên lý ràng buộc cơ quan lập pháp tất nhiên cũng ràng buộc cơ quan tư pháp. Ngoài ra, không cần phải nói, ai cũng biết rằng cơ quan tư pháp, mà nhiệm vụ là áp dụng luật pháp, phải tôn trọng những nguyên tắc đã được nhà lập pháp công nhận trong nền pháp luật thực tại. Thí dụ trong một việc kiện, nếu không phải là đương sự thì không có quyền kháng cáo; vậy nạn nhân một tai nạn nếu không đứng dân sự nguyên cáo trong thủ tục hình sự trước tòa án sơ thẩm thì không có quyền kháng cáo bản án của Tòa án này. Nếu Tòa thượng thẩm chấp nhận sự kháng cáo và cho người ấy được bồi thường là đã vi phạm nguyên tắc nói trên, vi phạm cả nguyên tắc lưỡng cấp tài phán, làm cho vấn đề bồi thường chỉ được xét định có một lần, ngay ở tòa án cấp trên. Không thể viện dẫn được lý do “nhân đạo” hay thực tế gì để che lấp sự vi phạm ấy; một khi đã xử trái luật thì những lý lẽ, dù văn vẻ đến đâu, cũng chỉ là văn chương rỗng tếch. Trong thí dụ nữa, nạn nhân không có quyền đòi bồi thường trước tòa án hình nữa, mà phải khởi kiện trước tòa án hộ, dù có bị mất thêm thời giờ, bị phiền nhiễu thêm cũng phải chịu, vì chính mình đã không biết bênh vực quyền lợi của mình.
Luật pháp phải có quy cũ như vậy mới xứng danh là một kỷ luật, mới tạo được kỷ luật trong xã hội và mới làm cho quyền lợi của mỗi người được bảo vệ một cách phân minh bình đẳng. Cho nên, bàn về tinh thần luật La Mã, Ihering đã viết rằng: “Chịu nhận sự áp chế của kỷ luât pháp lý, chịu đau đớn vì những tin tưởng pháp lý của mình, dân tộc La mã đã làm cho những tác chế của họ được vững vàng, đưa họ đến chỗ vinh quang, và, đồng thời, đã bảo đảm được tự do cho người công dân La Mã“. Nghe Ihering nói đến sự áp chế, sự đau đớn, ta đừng lầm tưởng rằng tác giả tán dương một nền luật pháp có tính cách chuyên chế, đôc đoán. Ý tác giả muốn nói rằng luật pháp La Mã đã được xây dựng một cách quy củ, có phương pháp nhất định, và, nhờ vậy, có những đặc tính cần thiết tổng quát và trường cữu – làm cho luật pháp công bằng và sự áp dụng được đồng nhất, tức là thực hiện được sự tự do trong pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Nếu ta vì những mục đích thực tế như những viên gạch để xây dựng luật pháp, thì lý trí là thứ vôi vữa làm cho những viên gạch ấy dính liền được với nhau. Và việc xây dựng luật pháp như thế, cho thành một hệ thống có quyền, một kỷ luật, là công trình của luật gia. Công trình ấy mang lại cho luật pháp cái sinh ký mà nếu không có, luật pháp sẽ không còn là những phép tắc đứng vững được. Cho nên những cố ga81gn của luật gia trong việc kiến tạo lý thuyết, xây dựng tư tưởng ấy phải được ca ngợi và khích lệ.
KẾT LUẬN
Ta phải kết luận thế nào về sự liên lạc giữa luật pháp, đạo đức và thực tế?
Chắc hẳn là luật pháp có cội rễ ở luân lý. Nhưng luật pháp khoan hồng hơn luân lý mới bảo vệ được trật tự và khỏi xâm phạm đến tự do. Nhà lập pháp đừng đặt mình vào địa vị nhà đạo đức. Nhà đạo đức chỉ răn đời nhưng nhà lập pháp trị đời. Đặt ra những phép tắc trị đời, cần phải tôn trọng nguyên lý của luật pháp, cần phải trông vào thực tế, đừng theo đuổi cái mục đích viễn vông của nhà đạo đức muốn cho người ta toàn thiện, toàn mỹ. Áp dụng và giải thích những điều luật, luật gia cũng phải chú trọng đến thực tế, nhưng không quên cố gắng nhận chân những nguyên lý đã hướng dẫn nhà lập pháp; và cố gắng xây dựng những hệ thống có quy tắc để luật pháp, về mỗi vấn đề, thành những lối đi dễ dàng chăc chắn. Luật pháp không thể là những phép tắc hao2n toàn thực tế, cũng không thể là những phép tắc hoàn toàn trừu tượng. Nguyên lý, thực tế, lý trí đều góp phần vào việc kiến tạo, xây dựng luật pháp. Tất có người sẽ cho rằng nói như vậy là kết luận một cách dễ dàng, mơ hồ, không nêu ra được một tiêu chuẩn đích xác và nhất định. Quả có thế, nhưng làm sao có được một tiêu chuẩn nhất định, trong khi việc đời muôn mặt khác nhau?
Trong địa hạt khoa học, kỹ thuật là sự áp dụng của khoa học; nhờ ở kỹ thuật mà khoa học lại tiên bộ được thêm, rồi sự tiến bộ này lại bồi đắp thêm cho kỹ thuật. Trong địa hạt luật học, cũng có sự tương xâm, tương nhập như vậy: có những nguyên lý chi phối luật pháp; có những sự kiện thực tế thúc đẩy luật pháp; lý trí sẽ thu đoạt những điều luật ấy, đem phân tích để tìm yếu tố, kết hợp với những điều luật đồng loại; nhân đấy mà suy diễn ra suy diễn ra được những phép tắc khác, xây dựng lên được những hệ thống có trật tự và hợp lý.
Luật học vừa là một khoa học, lại vừa là một nghệ thuật. Cho nên, trong việc kiến tạo, xây dựng luật pháp, phải có óc khoa học, lại phải có tài như một nghệ sĩ. Khoa học là sự hiểu biết; tự nó, nó không đào tạo ra được gì hết; nghệ thuật là sự đào tạo, tự nó, nó không biết gì cả; khoa học và nghệ thuật phải nương tựa nhau, dìu dắt lẫn nhau thì sự hiểu biết mới dồi dào tác dụng và sự đào tạo, mỗi ngày mới được hoàn bị.
Khó khăn thay, phức tạp thay là nhiệm vụ của nhà lập pháp và của những luật gia, trong việc kiến tạo, xây dựng luật pháp. Nhưng chính vì có những khó khăn như vậy mà luật pháp hiện trình như một lý tưởng, xứng đáng với sự tranh đấu không ngừng của mỗi người và mọi cố gắng của toàn thể dân tộc./.
LÊ TÀI TRIỂN
Tạp chí Luật học Kinh tế
1958 – số 1
(trang 311-331)./.
Bình luận