Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Nhập môn công pháp tụng

NHẬP MÔN CÔNG PHÁP TỤNG

NHẬN ĐỊNH VỀ TỪ NGỮ
1._ Trước kia các vấn đề pháp đình hành chính, thủ tục tố tụng hành chính, cùng các vấn đề nội dung như nguyên tắc hợp pháp và trách nhiệm hành chính được khảo sát ngay trong môn luật hành chính thuộc chương trình năm thứ hai của ban cử nhân. Với sự áp dụng chương trình cử nhân 4 năm mới, một số vấn đề quan trọng thuộc Luật Hành chính đã được tách biệt để nghiên cứu và diễn giảng riêng theo khuynh hướng chuyên môn hóa. Do đó môn tố tụng hành chánh được chính thức thiết lập vào năm 1964. Ngay từ hồi đó, chúng ta đã đề nghị dịch công thức contentieux administratif (kiện tụng hành chính) ra là biện sự hay tụng sự hành chánh cho sát nghĩa, để thay thế cho danh từ tố tụng hành chính. Cũng vào hồi đó, tại Pháp, có một phong trào nhằm đề cao các môn tố tụng đã góp phần xây dựng tích cực, và theo vậy, luật tố tụng cũng quan trọng như luật nội dung. Vả lại trong luật đối chiếu, nhận thấy trong khối pháp luật Anh-Mỹ sở dĩ án lệ đóng một vai trò rất quan trọng chính vì luật tố tụng có một địa vị rất quan trọng, nên các nhà chuyên môn về tố tụng tại Pháp quốc, trong đó có các giáo sư Solus Morel, đã đề nghị gọi môn tố tụng tư pháp là Droit judiciaire privé (Luật tư pháp tư nhân) và định thức này nay đã được chấp nhận.
2._ Thực ra, môn tụng sự hành chánh, tức là contentieux administratif có một nội dung quan trọng hơn tất cả các môn tố tụng khác, vì còn thêm một phần giải pháp tài phán nội dung, tức là các án lệ hành chánh về luật hành chánh nội dung. Thí dụ trong tố tụng xin bồi thường thì môn học của chúng ta, ngoài các vấn đề về thủ tục tố tụng và thẩm quyền của pháp đình như thường lệ, lại còn phải khảo sát thêm nội dung của các chế độ bồi thường, trong đó có vấn đề trách nhiệm hành chánh là vấn đề thuộc luật hành chính nội dung. Khi khảo sát về tố tụng chống thặng quyền, môn học của chúng ta cũng phải đề cập tới các trường hợp mở tố tụng chống thặng quyền, thường được gọi là các hà tì làm quyết định hành chánh bất hợp pháp. Hơn nữa, lại còn phải đề cập to17isu57 phân tích các quyền lập qui ở Trung ương và địa phương về nội dung. Do đó cần phải tìm một danh từ thích hợp bao gồm tất cả các lãnh vực của chương trình, thiết tưởng công thức pháp tụng hành chánh thích hợp hơn cả vì tương đương với định thức pháp tụng tư luật (Droit judiciaire privé).
Tại Việt Nam, trước kia luật gia Nguyễn Huy  Đẩu, Thẩm phán kiêm Giáo sư, cũng có lưu ý về danh từ Droit judiciaire privé, nhưng cho rằng, nếu dịch ra là Luật tư pháp tư luật hay luật tư pháp tư pháp, hay luật tư pháp tư, thì tât cả ba định thức đều cầu kỳ, dễ lầm lộn, lại không lột hết ý nghĩa như trong Pháp ngữ, nên đề nghị dùng danh từ Dân sự tố tụng (Xem luật dân sự tố tụng Việt Nam do Nguyễn Huy Đầu xuất bản năm 1972). Thực ra, có thể dịch định thức Droit judiciaire privé ra là pháp tụng tư luật hay Tư pháp tụng thì sát nghĩa hơn cả.
3._ Trở về lãnh vực hành chánh thì chúng ta nhận định thêm là định thức pháp tụng hành chánh không những thích hợp về ý nghĩa mà còn phù hợp với vị trí của môn này trong toàn diện các môn hành chánh theo quan niệm tổng toàn của đa số các luật gia công pháp. Thực vậy, nay các lý thuyết gia một mặt đã phân tích nhiều lĩnh vực riêng biệt trong Hiến pháp, trong đó có một lãnh vực gọi là Luật Hiến pháp hành chánh, một mặt khác đứng riêng về phương diện hành chánh, lại phân biệt hai cấp bậc là Luật Hành chánh Hiến pháp và Luật hành chánh tương quan. Nay chúng ta đề nghị định thức Pháp tụng hành chánh tức là Luật hành chánh tài phán thì quan niệm toàn diện về Hành chánh trở nên đầy đủ hơn.
4._ Hiến pháp ngày 1-4-1967 đã tạo lập định chế Tối Cao Pháp Viện để tiếp nhận sự ủy nhiệm quyền tư pháp độc lập, với các thẩm quyền rất rộng rãi trong các lĩnh vực giải thích Hiến pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của các Sắc lệnh, Nghị định và quyết định hành chính, đó là chưa kể thẩm quyền phá án và các thẩm quyền chính trị khác khá quan trọng cùng sự quản trị ngành Tư pháp. (hay quá!). Do đó chương trình về môn học của chúng ta phải gồm thêm phần thẩm quyền tài phán về hợp hiến tính của các văn kiện pháp lý mọi cấp bậc. Lẽ dĩ nhiên thẩm quyền giải thích Hiến pháp và thẩm quyền phán xử về hợp hiến tính của các văn kiện pháp lý không thể coi như thuộc về pháp tụng hành chánh được. Tố tụng bảo hiến thuộc về lãnh vực của Hiến pháp thuần túy đáng lẽ nên tách biệt đối với pháp tụng hành chính như trong chế độ kiểm hiến dưới thời đệ I Công hòa với sự thiết lập Viện Bảo hiến do đạo luật số 7 ngày 23-12-1960. Trong thủ tục bảo hiến tân kỳ của Hiến pháp đệ II Cộng hòa thì sự phán xử về hợp pháp tính của các văn kiện hành chánh được tổ chức đồng thời và trong một thủ tục chung với sự kiểm hiến tính. Do đó, nếu muốn khảo sát luôn thủ tục giải thích hiến pháp và phân xử về hợp hiến tính của các văn kiện pháp lý cùng với lãnh vực cũ của pháp tụng hành chính thì phải gọi chương trình tổng hợp này tố tụng công pháp, và nếu muốn khảo sát luôn cả các vấn đề nội dung thì phải dùng định thức bao quát hơn là công pháp tụng.
5_ Tầm quan trọng của công pháp tụng:
Công pháp tụng là một môn rất quan trọng do đối tượng khảo sát sự chế tài phán mọi hành vi và hoạt động vi hiến và bất hợp pháp. Nói cách khác, hệ thống chế tài mọi hoạt động của quốc gia để bảo vệ hiến pháp và lập pháp là nền tảng của tất cả các chế độ pháp lý khác. Mọi văn kiện pháp lý, kể cả các đạo luật, nay có thể bị chế tài hay bị coi như vô hiệu, hơn nữa thủ tục phán xử về bảo hiến lại rất rộng rãi, bất cứ người công dân nào có lợi ích, dầu chỉ là một  lợi ích mong manh, cũng có quyền xin kiểm soát sự hợp hiến và hợp pháp bằng phương cách chính tố hay phương cách khước biện. Theo vậy, mọi thủ tục tố tụng khác đều hoàn toàn phụ thuộc vào thủ tục bảo hiến về hình thức cũng như nội dung. Về hình thức, nếu đương sự sử dụng phương cách khước biện và nếu muốn trì hoãn xét xử về chính vụ thì trong thực tế chỉ cần khiếu  nại chống lại quyết định từ khước nạp trình khước biện của Tòa thụ lý về chính vụ là Tòa này bắt buộc phải chuyển hồ sơ và hoãn xử chính vụ cho tới khi có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Còn về nội dung thì lẽ dĩ nhiên không những các chế độ pháp lý bị chế tài về mọi phương diện bất hợp pháp và bất hợp hiến mà tất cả bản án mọi Tòa án bất cứ thuộc hệ thống nào, hình hay hộ, dân sự, hay quân sự, hành chánh hay tư pháp, cũng như bất cứ cấp bậc nào, dù cao tới đâu, kể cả cấp bậc phá án, nhất thiết đều phải tôn trọng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện mà giải quyết chính vụ theo quan điểm tột thượng của Tòa tột thượng này.
6._ Trong chế độ của Pháp quốc, sự kiểm hiến không được tổ chức theo kỹ thuật tài phán toàn diện và triệt để như tại Việt Nam, nên hiện tại hãy còn một số các đạo luật bất hợp hiến còn được tiếp tục áp dụng, còn sự kiểm soát các hành vi hành chánh tuy được tổ chức rất chu đáo về kỹ thuật nhưng chế độ này chỉ có hậu quả trực tiếp trong lãnh vực hành chánh mà thôi. Các lãnh vực tư pháp, hay nói một cách rộng rãi hơn, mọi lãnh vực không thuộc luật hành chính chi phối, chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, khi các vấn đề hành chánh trở thành các vấn đề tiên quyết nên cần phải đình chỉ thủ tục xét xử về chính vụ để Tham Chính Viện thẩm định về hợp pháp tính trước đã. Hơn nữa, các pháp đình tư pháp còn có thẩm quyền giải thích các văn kiện lập quy (ngoại trừ thẩm quyền chuyên độc của Bộ Ngoại giao trong sự giải thích các hiệp định quốc tế). Theo vậy, lãnh vực tư pháp bị ảnh hưởng gián tiếp bởi kỹ thuật chế tài các văn kiện hành chánh bất hợp pháp, thực ra bị giới hạn rất nhiều, đó là chưa kể trường hợp của các Tòa Hình có thẩm quyền tự giải quyết luôn vấn đề tiên quyết về hợp pháp tính của các văn kiện hành chánh làm nền tảng cho sự truy tố (trong luật Pháp quốc).
7._ Trong trường hợp đặc biệt của kỹ thuật và thủ tục bảo hiến tại Việt Nam, mọi hoạt động pháp lý theo bản chất cũng như mọi phương diện pháp lý của các hoạt động chính trị đều đặt dưới sự chi phối của Tối Cao Pháp Viện được ủy nhiệm quyền tư pháp độc lập. Và do đó, mặc dầu chế độ chính trị và hành chánh Việt Nam chưa hẳn là đặt dưới sự thống trị của các thẩm phán như người ta thường chỉ trích định chế Tối Cao Pháp Viện tại Mỹ quốc, nhưng người ta nhận định được một cách rất dễ dàng tầm quan trọng đặc biệt của môn Công pháp tụng trong vị trí các môn luật học, nhất là khi thủ tục bảo hiến quy định trong hiến pháp và đạo luật số 7/68 ngày 3-9-1968 lại còn bao gồm luôn thẩm quyền giải thích hiến pháp, mà ai cũng biết là có thể đưa tới thẩm quyền bổ túc và tu chỉnh gián tiếp Hiến pháp, đó là chưa kể thẩm quyền chính trị quan trọng khác, như giải tán chính đảng cũng được quy định theo thủ tục tài phán về mọi phương diện, nên cũng được trù liệu luôn cùng với thủ tục bảo hiến.
8._ Về phương diện khuynh hướng, còn phải nhận định thêm rằng, hiện tại có một số quốc gia tiền phong trong sự xây dựng một hệ cấp pháp lý cộng đồng quốc tế và quốc nội, một mặt trên bình diện quốc tế, muốn phụ thuộc các hệ thống hợp lý Quốc gia vào hệ thống pháp lý cộng đồng thế giới, một mặt khác, trong lãnh vực quốc nội, muốn tiến tới một cấp bậc hóa toàn diện và triệt để mọi chế độ pháp lý. Nước Pháp đã đóng vai tiền phong khuynh hướng lý tưởng quốc tế này nên ngay trong Hiến pháp đệ V Cộng Hòa, đã đặt các Hiệp định quốc tế cao hơn các đạo luật quốc nội, cũng có thể coi là cao hơn cả Hiến pháp, vì các hiệp định có các điều khoản trái với hiến pháp chỉ có thể được ban hành sau khi tu chỉnh lại Hiến pháp. Còn trong lĩnh vực quốc nội thì Hiến pháp đệ V Cộng Hòa Pháp quốc đã áp dụng một hệ cấp pháp lý có tôn ty trật tự, không những phần biệt minh thị có kèm theo chế tài, lãnh vực lập pháp với lãnh vực lập quy thuộc hành pháp, mà còn phân biệt rõ rệt nhiều cấp bậc ngay trong lãnh vực lập pháp theo trình độ quan trọng của các văn kiện thành các đạo luật chương trình, đạoluật tổ chức, các đạo luật thường và các Dụ.
9._ Tại Việt Nam, Hiến pháp chỉ long trọng tuyên bố chấp nhận các nguyên tắc quốc tế pháp không trái với chủ quyền quốc gia và sự bình đẳng giữa các dân tộc, cùng sự nổ lực, góp phần xây dựng nền an ninh và hòa bình thế giới, nhưng vẫn chưa chấp nhận sự tột thượng của luật quốc tế đối với hệ thống pháp lý quốc nội. Trong lãnh vực quốc nội thì các cấp bậc pháp lý cổ truyền đều được duy trì, nhưng chưa phân biệt tỉ mỉ các cấp bậc của các văn kiện lập pháp như tại Pháp quốc và cũng không tiếp tục cố gắng ấn định một lãnh vực lập quy biệt lập đã bắt đầu ý niệm dưới thời đệ nhất cộng hòa. Sự thiếu sót kể trên đã được đền bù xứng đáng bởi sự áp dụng một kỹ thuật chê 1ta2i toàn diện và triệt để hơn tại Pháp quốc. Do đó công pháp tụng Việt Nam, phải coi như có địa vị quan trọng bậc nhất trong luật học đối chiếu về phương diện kỹ thuật. Chính vì lý do đó mà kỷ luật này là một môn học chung cho cả 3 Ban trong cấp bậc cử nhân tại Luật khoa Đại học Sài Gòn, và là một môn thi viết bắt buộc đối với Ban Công Pháp.
10._ Tính cách tân lập của Công pháp tụng:
Tại Pháp, môn công pháp tụng hành chánh hiện hãy còn được coi là mới mẻ so chiếu với các môn pháp lý khác, vì người ta coi như mới xuất hiện chính thức từ năm 1872, tức là từ khi thiêt lập Tòa án phân thẩm (Tribunal des Conflits: tòa án xung đột thẩm quyền), và từ khi Tham Chính viện được cải tổ một cách vĩnh viễn với một thẩm quyền tài phán thật sự như hiện tại. Hơn nữa, ngay tại Pháp, người ta cũng thường than phiền về tính cách nghèo nàn của thư tịch về pháp tụng hành chánh. Các tài liệu liên hệ tới Pháp tụng hành chánh có thể phân phối trong 2 giai đoạn:
– Giai đoạn tiên khởi gồm hai quyển: Traité de la Juridiction administrative (Chuyên luận về thẩm quyền hành chánh) (1867-1886) của E. Laferrière và cuốn Traité élémentaire du Contentieux administratif (Luận văn cơ bản về tố tụng hành chính) của Appleton (1927-1936).
– Giai đoạn hiện tại tương đối phong phú hơn, có các tài liệu sau đây: (…)
11._ Tại Việt Nam, lẽ dĩ nhiên môn này lại còn mới mẻ hơn nữa, vì chỉ được coi như bắt đầu hình thành từ năm 1949 tức là từ khi thiết lập một hệ thống hành chính Việt Nam thực sự. Kể từ khi nước ta thâu hồi độc lập và một phần chủ quyền, từ năm 1979 đến 1954 còn có thêm một hệ thống pháp đình hành chánh hỗn hợp Pháp – Việt, gồm một Tòa hành chánh tại Đà Lạt và một Ban đặc biệt tại Tham Chính Viện Pháp quốc để xét xử về các tranh tụng hành chánh hỗn hợp, bên cạnh hệ thống tài phán hành chánh hoàn toàn Việt Nam kể trên.
12. Về phương diện lịch sử, có thể ghi thêm sự hiện diện của các Hội đồng tài phán Đông dương trước kia được thiết lập dưới hồi Pháp thuộc để phân xử về các hoạt động hành chính Pháp quốc tại Việt Nam. Các pháp đình này được thiết lập do Sắc lệnh ngày 5-8-1881 ban hành tại Nam kỳ do Nghị định của Thống đốc Nam kỳ ngày 12-12-1881. Văn kiện này được sửa đổi nhiều lần do các sắc lệnh 6-9-1921 ngày 9-6-1925, ngày 20-5-1928, thay thế bổi Sắc lệnh ngày 26-5-1932 tổ chức một Hội đồng tài phán hành chánh duy nhất tại Hà Nội cho toàn cõi Đông Dương (…).
Phải nhận định rằng, hệ thống hành chánh Việt Nam hồi đó tại Bắc kỳ và Trung kỳ thuộc chính phủ Nam Triều nên không bị kiểm soát và chế tài bởi các Hội đồng tài phán Đông dương của Pháp quốc. Tuy nhiên, các công chức Pháp về sau, được ủy quyền đại diện của Chính phủ Nam triều trong sự kiểm soát và điều khiển nền hành chính Việt Nam nên có hai tư cách, và mọi hành vi của họ chỉ bị chế tài trước các hội đồng tài phán Đông dương hay trước Tham Chính Viện Pháp quốc trong phạm vi hành chánh Pháp quốc hay đại diện Pháp quốc tại Việt Nam mà thôi.
13._ Tuy nhiên khi thiết lập hệ thống pháp đình hành chính Việt Nam vào năm 1949, người ta thường lầm tưởng là hệ thống tài phán Việt Nam mới này là sự tiếp nối của các Hội đồng tài phán Đông dương cũ. Sự lầm lẫn này dù chỉ có lợi cho nền tài phán hành chính quốc gia mới thiết lập trong sự củng cố nền tảng và trong sự phát triển kỹ thuật chê tài theo khuynh hướng dân chủ, và đây cũng là một thí dụ điển hình về trường hợp mà sự lầm lẫn chung tạo được luật pháp. Về thư tịch, lẽ dĩ nhiên pháp tụng hành chính Việt Nam lại còn nghèo nàn hơn nữa. Vả lại như trên đã nói, ngay môn pháp tụng hành chánh cũng mới được thiết lập tại Đại học Luật khoa Saigon vào khoản năm 1964, còn môn công pháp tụng thì là một môn đang xây cất, chưa thể coi như đã hình thành, v2i trong thực tế chỉ mới bắt đầu được diễn giảng một cách sơ sài tại Đại học Luật khoa từ năm 1969 mà thôi.
14. Tính cách linh động của Công pháp tụng:
Do nguồn gốc án lệ tác tạo trong các dữ kiện biến chuyển không ngừng và do sự áp dụng kết tinh kỹ thuật pháp lý của hệ thống lục địa châu Âu với các khuynh hướng Anh – Mỹ, kỷ thuật Công pháp tụng có tính cách rất linh động tại Việt Nam. Nhưng phải nhận định rằng tính cách linh động này hướng về sự cấp tiến hóa kỹ thuật để thực hiện một sự dân chủ hóa các hoạt động chính trị và hành chính do sự tiến bộ của dân tộc đòi hỏi. Cũng có người cho rằng, các án lệ của Tối cao Pháp viện không tránh khỏi màu sắc chính trị, về điểm này nếu quả thật có như vậy thì cũng phải hiểu màu săc chính trị ở đây theo ý nghĩa hoạt động hay khuynh hướng hiến định, chứ không phải theo ý nghĩa có thể bị hiểu lầm là chính trị phe nhóm. Dù sao phải nhận định thêm rằng, mặc dù mới được thiết lập, Tối cao pháp viện đã phải giải quyết rất nhiều vụ nghiêm trọng và từ trước đến nay đã tỏ ra rất khéo xử, gây được niềm tin tưởng của mọi giới trong sự dung hòa các quyền lợi của quốc dân với sự thiết bách của Quốc gia.
15._ Tuy nhiên, người ta thường tỏ vẻ nghi kỵ đối với các kỷ luật quá linh động và uỷn chuyển, cho rằng sự tiến bộ và trình độ tinh vi khích lệ của kỷ luật có thể bị bù trừ bởi sự thiếu ổn cố, làm cho các công dân rất khó phỏng ước được các giải pháp nội dung dùng làm các tiêu mốc định hướng cho mọi hoạt động công tư trong Quốc gia. Nhưng theo ý chúng ta thì cảm tưởng thiếu ổn cố này không xác thực, nhất là Tối cao Pháp viện thường thận trọng phân tích minh bạch mọi uẩn khúc của các vấn đề thụ lý và thường thận trọng dẫn chiếu lý do rất đầy đủ. Dù sao đối với  một kỷ luật mới mẻ như vậy, phải nhận định rằng án lệ của Tối Cao Pháp Viện nay đã đặt được nền móng khá quan trọng cho nền Công pháp tụng Việt Nam. Nếu phân tích kỹ hơn nữa thì sẽ nhận thấy hai diễn tiến khác biệt trong lãnh vực phán xử về hợp hiến tính và trong lãnh vực phán xử về hợp pháp tính. Tính cách linh động tế nhị chỉ xuất hiện trong lãnh vực kiểm hiến tính mà tôi mà nguyên nhân chính là tính cách uyển chuyển và linh động của Hiến pháp. Còn trong lĩnh vực kiểm pháp tính của các hành vi hành chính thì do sự áp dụng kỹ thuật pháp tụng hành chính của Pháp quốc, án lệ Việt Nam đã có nền tảng vững chắc ngay từ lúc mới thiết lập hệ thống pháp đình hành chánh Việt Nam, do đó sự phỏng ước khuynh hướng của án lệ tương đối dễ dàng. Lẽ dĩ nhiên môn công pháp tụng không thể có tính cách chính xác như các môn pháp lý khác đặt trên nền tảng luật viết được. Nhưng đó là một nhược điểm tự nhiên do bản chất của kỷ luật và do tính cách tế nhị của kỹ thuật. Nhận định như vậy thì cũng phải công nhận rằng công pháp tụng Việt Nam rất cấp tiến, xứng đáng với vị trí nền tảng hiện đại của nói toàn diện hệ thống pháp lý.
_ Định nghĩa:
15 bis._ Công pháp tụng là một kỷ luật pháp lý biệt lập khảo sát các tranh tụng công pháp và các giải pháp tài phán nội dung của các pháp đình công pháp.
Định nghĩa trên đây sở dĩ phức tạp là vì theo một quan niệm tổng hợp tích cực về phương pháp, một định nghĩa khoa học cần bao gồm đầy đủ các yếu tố của kỷ luật. Các yếu tố đó là tính cách biệt lập của kỷ luật, các tranh tụng công pháp, các giải pháp tài phán về nội dung và các pháp đình công pháp. Toát yếu của giảng văn sẽ tuần tự đề cập tới các ye61ut ố kể trên trong phần thứ nhất của chương trình. Phần thứ hai sẽ đề cập tới tổ chức và thẩm quyền của các pháp đình công pháp cùng thủ tục tố tụng áp dụng trước các pháp đình đó. Còn các giải pháp tài phán nội dụng sẽ được khảo sát trong phần thứ ba (quyền II)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar