NHẬP MÔN HÌNH SỰ TỐ TỤNG
Luật hình sự tố tụng tổ chức các cơ quan xét xử những vụ hình, ấn định thẩm quyền các cơ qaun ấy, qui định thủ tục phải tuân theo và hậu quả của các bản án. Mục đích hình sự tố tụng nặng về tính cách thiêt thực. Cho nên có thể nói: Hình luật là học môn lý thuyết, hình sự tố tụng là môn học thực hành.
ÍCH LỢI CỦA MÔN HỌC
A. Đối với người công dân: Biết luật tố tụng để hộ thân: “Hình luật là Bộ luật của kẻ bất lương. Hình sự Tố tụng là Bộ Luật của người lương thiện”. Nghiên cứu sự phạm pháp, ta thường thấy ahi quyền lợi tương phản:
1. Bảo tồn xã hội: Chống những phần tử nguy hiểm cho an ninh công cộng;
2. Bảo vệ cá nhân: Chống áp bức độc tài.
Sự tiến triển của môn Hình sự tố tụng chứng minh những cố gắng của các luật gia để tìm một phương pháp toàn hảo dung hòa quyền lợi xã hội và tự do cá nhân. Vì vậy, hình sự tố tụng là một khoa học mỗi ngày một tiến, qua những thủ tục tố cáo và truy tà đến thủ tục hiện hành, ta thấy quan niệm trừng trị mội ngày một nhường bước cho quan niệm bảo vệ và phát huy nhân vị.
a) Thủ tục cáo tố: Vào thời xưa, công lý được ban bố một cách đơn sơ, gần như không có tổ chức. Ai bị thiệt hại vì hành động của người khác thì cứ mang người làm lỗi đến trước cơ quan tài phán. Cơ quan tài phán này có thể là đoàn trường một bộ lạc, cao niên, đức trọng hay là những người do toàn dân đề cử vì uy tính hay kinh nghiệm sự đời. Các thẩm phán này xử theo quan niệm của mình, và ý niệm công bằng của đàon thể, chứ không phải theo luật định trước. Bị cáo không những bị nạn nhân lôi ra tòa mà thôi, nhiều người khác, mặc dầu là đệ tam nhân thấy việc bất bình cũng có thể đồng lòng đem thủ phạm ra Tòa: Đáng sợ thay sức mạnh của dư luận, bât cứ thời đại nào! Xã hội có văn minh hay không ở chỗ biết hạn chế sự quá khích của dư luận trong vòng luật lệ. Về hình phạt cũng thế, thủ phạm phải chịu nhiều hình phạt có thể nặng nhẹ tùy thẩm phán, tùy dư luận và cũng tùy sức khỏe của nạn nhân. Người xưa có quan niệm niệm hào đồng thiên lý với công lý. Tỷ như sau khi chịu nổi hình phạt như căng nọc, trấn nước, phơi nắng, đóng dấu bằng lửa, mà tội nhân vẫn sống thì Thẩm phán cho là do ý Trời muốn đề cho tội nhân sống, vậy nên tha bổng. Như thế, công lý dễ bị sai lạc vì sự vu cáo, tống tiền hay thiên vị. Nhân lại ngày càng văn minh nên công lý ngày càng tiến hóa. Thủ tục cáo tố đơn thuần không còn tồn tại, nhưng một vài nguyên t8a1c vẫn còn áp dụng ở các xứ Anh Mỹ: như tôn trọng sáng kiến của tư nhân trong việc truy tố, bảo vệ quyền bình đẳng giữa nguyên cáo và bị cáo, tổ chức một hệ thống tư pháp vô tư.
b) Thủ tục truy tà: Thủ tục truy tà là một tiến triển của xã hội về mặt hình sự tố tụng. Quyền truy tố được giao cho những thẩm phán thay mặt xã hội. Công tố viện truy tố theo thể cách được luật quy định. Lẽ dĩ nhiên là thủ tục này có hai điều lợi ích hơn thủ tục cáo tố:
– Công lý được ban bố một cách khách quan, và vì vậy sự công bình được đảm bảo;
– Xã hội được bảo vệ. Theo thủ tục cáo tố, nếu nạn nhân không cáo tố vì sợ thế lực của thủ phạm hay vì một lẽ nào khác, nếu dư luận vì thương yêu ghen ghét, mà không y6u cầu xử phạt kẻ tội phạm thì người bất lương sẽ ở ngoài vòng pháp luật, để có dịp lại phạm pháp đối với người khác. Trật tự xã hội sẽ bị đe dọa. Tuy vậy, thủ tục truy tà cũng có những khuyết điểm của nó. Trong trường hợp công tố viện không truy tố thì nạn nhân cũng bị thiệt thòi.
c) Thủ tục hiện hành.
Kinh nghiệm nhiều thế kỷ dạy là nên kết hợp hai thủ tục cáo tố và truy tà, vừa cho phép tư nhân đầu cáo, vừa giao cho Thẩm phán phận sự truy tố kẻ gian. Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành còn qui định cách thức thẩm vấn tội chứng, xét xử giá trị của tội chứng, mà cơ quan tài phán phải tuân theo. Lời nói của Saint Lonis hồi thế kỷ thứ 13 đã đánh dấu một giai đoạn cải thiện của luật tố tụng: “Ce ne fut plus à son épée, à son serment ou aux éléments qu’on en appela, mais aux témoins et auxpreuves” (Không phải nhờ vào sức mạnh của lưỡi kiếm, tin tưởng nơi lời thề hay nước lửa, gió mưa để tìm chân lý, mà phải tìm chân lý nơi nhân chứng và bằng cớ).
Cuộc cách mạng năm 1789 đánh dấu giai đoạn chiến thắng trong trận đấu tranh không ngừng của nhân loại để đạt cho kỳ được quyền tự do cá nhân. Các quốc gia lần lượt ghi trên bản Hiến pháp này tới bản Hiến pháp khác nguyên t8a1c căn bản: “Người ta sanh ra ai ai cũng tự do và bình đẳng trước pháp luật” (Bản tuyên ngôn Dân quyền). Công lý không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Thẩm phán xử án theo luật, có nghĩa là theo những thể thức được qui định trước, để tránh sự độc đoán.
Kết luận: Người công dân cần biết luật tố tụng, theo dõi sự tiến hóa của luật tố tụng để bảo vệ lấy quyền lợi và tự do của mình, chống lại sự lạm quyền của người thừa hành luật pháp.
B. Đối với người thừa hành luật pháp:
Học để hành: Công lý được ban bố hay không là tùy nơi sự “minh bằng trọc phạm”. Vì tình thế đặc biệt của xã hội Việt Nam, người thừa hành luật pháp cần hiểu rành về Hình sự Tố Tụng:
– Để tránh ảnh hưởng của chế độ thuộc địa trong quá khứ;
– Để tránh sự bất bình của công dân Việt Nam hiện đang say mê chế độ dân chủ và đòi hỏi sự tự do cá nhân;
– Để xây đắp cho Việt Nam tương lai một nền công lý, lấy quyền tự do cá nhân và sự công bình làm căn bản.
C. Đối với người trí thức.
Biết để nghiên cứu hầu góp ý kiến với nhà đương cuộc, nhằm đẩy mạnh bánh xe tiến hóa của luật lệ nước nhà. Luật pháp các nước Âu – Mỹ sở dĩ tiến bộ được, một phần là nhờ ở các công trình nghiên cứu của các nhà trí thức không những trong giới luật học mà còn trong mọi tầng lớp xã hội. Trí thức Việt Nam cần góp phần trong công cuộc luật pháp của nước nhà; nhưng muốn làm việc cho đắc lực, cần biết qua những nguyên tắc căn bản, mà các dân tộc văn minh đã nghiên cứu trong nhiều thế kỷ, rồi cùng nhau soạn thảo một Bộ luật hình sự tố tụng phù hợp với trình độ văn minh và cá tính dân tộc Việt Nam mà không trái ngược với những nguyên tắc căn bản cổ truyền trong nhân loại cùng những tiến triển của khoa học hiện thời./.
Bình luận