Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Phẩm đề, xin một hai câu …

Phẩm đề, xin một hai câu …
*

Năm 1958 và 1959, tôi có xuất bản một cuốn sách nhỏ về luật thương mại, in làm hai tập, với nhan đề “Luật thương mại toát yếu”. Nhan đề này nói lên nội dung khiêm nhường của cuốn sách, chỉ nhằm nêu lên, về mỗi mục trong sách, những nguyên tắc chính yếu mà thôi. Quyền “Luật thương mại Việt Nam dẫn giải” này do nhóm Nghiên Cứu và Dự hoạch biên khảo là một tác phẩm đầy đủ hơn, có thể bổ túc cho quyển trên (và, đồng thời, cũng là một tài liệu so sánh để tu chỉnh những chỗ in lầm trong quyền đó: lầm chữ, sai dấu, lộn câu hoặc sai ngày tháng của bản văn viện dẫn, hoặc con số chỉ các điều khoản trong bản văn ấy).
*
Đọc luật thương mại, ta không mấy khi thấy sảng khoái tinh thần, đắc ý, như đọc dân luật, vì trong địa hạt này,ít khi ta có dịp tìm ra được một đường lối hướng dẫn chỉ nhờ ở lý luận. Bộ luật Thương mại ban hành năm 1807 có lẽ là bộ luật dở nhất của Pháp, đã được mệnh danh là “bộ luật của các nhà hàng xén” (code de boutiquiers: chủ cửa hàng). Thương luật không có những nguyên tắc đại tổng như dân luật bao trùm toàn diện đời sống con người, như nguyên tắc “suy đoán tử hệ”, nguyên tắc tự do lập ước, nguyên tắc “hiệu lực tương đối của khế ước”, nguyên tắc “phân chia trái quyền và trái vụ” v.v…Phạm vi luật thương mại chỉ thu hẹp trong lĩnh vực những tác vụ thương mại; nhưng các tác vụ này lại vô kể kỳ số và thiên hình vạn trạng; mỗi cái có hình thức riêng, hậu quả riêng, tùy theo quán lệ địa phương, hoặc tùy theo nhu cầu luôn luôn biến chuyển; nhà lập pháp không thể nào dự liệu hết những hình thái, cũng như hậu quả của mỗi loại khế ước, đành phải định rằng, các thương gia, khi lập ước, nếu không định rõ về điểm nào, thì được coi như đã quy chiếu vào những quán lệ được chấp nhận, trừ phi quán lệ ấy bị cấm hay nghịc với điều luật có tính cách cưỡng hành (172 LTMP). Do đó, ta thấy rằng thực hành là một yếu tố rất quan trọng trong việc cấu tạo thương luật. Thương luật là một kỷ pháp chịu ảnh hưởng của thực tế hơn kỷ pháp nào hết. Rất nhiều điều khoản trong thương luật chỉ nhằm xác nhận những thực hành do thương gia tạo ra. Đến khi nhà lập pháp sửa đổi, thường là vì thực hành sẵn có đã bị thương gia lợi dụng quá đáng, khiến cho nhà lập pháp can thiệp sửa sai để sự áp dụng trở lại nghiêm chỉnh và lương thiện. Cũng có khi thương giới đi tiên phong, cải sửa trước, vì thực hành cũ không còn thích hợp với những nhu cầu mới, phát sinh ở một hoàn cảnh mới.
Luật pháp đã đành là do thực tế tạo nên không thể xa rời thực tế. Nhưng luật thương mại phản ánh thực tế nhiều hơn, là vì muốn cạnh tranh được với đồng nghiệp, muốn thành công, hay dù chỉ muốn cho công việc của mình được tiến hành thuận lợi, thương gia luôn phải có sáng kiến, cải tạo lề lối hoạt động, do đó phát sinh ra những phương thức mới, với những hậu quả pháp lý mới. Ta có thể nhận rõ điểm này qua những quy tắc chi phối thương nhân và công ty vô danh, trong đó, rất nhiều thể lệ chỉ do óc sáng tạo của thương gia mà có.
Luật pháp là toàn bộ một số quy tắc hợp thành một hệ thống, tất cả đều có liên hệ với nhau chẳng nhiều thì ít. Thương luật có liên lạc với dân luật: Sự hành nghề thương mại nêu lên vấn đề năng lực pháp lý của cá nhân; _ sư lưu hành thương phiếu đặt ra trước vấn đề di nhượng trái quyền dân sự; _ Sự thành lập hội thương mại có liên quan đến quan niệm pháp lý về pháp nhân; _ sự khánh tận của thương gia buộc ta phải biết thế nào là quyền bảo đảm đối vật, thế nào là quyền ưu tiên… Trong sách này, ta sẽ gặp một số lớn những trường hợp như trên; về mỗi trường hợp, các vấn đề dân luật liên hệ đều được sơ lược giải thích, để tiện cho người đọc, nếu không phải là luật gia, sẽ có sẵn ngay dưới mắt yếu tố cần thiết cho sự am hiểu vấn đề chính. Những cuộc du hành của ta sang địa hạt Dân luật dĩ nhiên chỉ có thể rất ngắn ngủi, song cũng là một cơ hội để ta nhận định được rằng, tìm hiểu luật pháp không chỉ là tìm nghãi một chữ, một câu. Sự giải thích, cũng như sự áp dụng luật pháp, cần đặt trọng tâm vào sự phối hợp nguyên tắc. Kẻ có nhiệm vụ giải thích và áp dụng pháp luật chỉ làm sáng tỏ được nguyên tắc nếu có được cái nhìn bao quát, giải kết được câu nệ danh từ và thoát ly ra khỏi ao tù định kiến. Và chỉ khi đó, luật pháp mới có hy vọng đạt tới được mục đích tận cùng là phụng sự cá nhân và xã hội, trong những quyền lợi, thường là tương phản, giữa cá nhân với cộng đồng.
Ngày xưa, Đông Tây cũng thế, người ta thường có thành kiến không đẹp với người làm thương mại, cho rằng những người này quá trọng tiền bạc, chỉ ham “đường trí phú’, làm việc gì cũng tính toán chặt chẽ, không có cái hào phóng của văn nhân, không có cái hào khí của kẻ mình mang cung kiếm. Giai nhân kiều nữ không làm cho thương gia quên mối lợi; tỷ như người thương khách ở bến Tầm Dương: “Khách trong lợi khinh đường ly cách”. Ngày nay, khác trước. Đời sống mỗi ngày một khó khăn, lại thêm nhiều nhu cầu mới của văn minh vật chất, khiên cho quan niệm nhân sinh không tách rời khỏi thực tế. Cái danh trọng gnhai4 khinh tài đã thành một xa xí phẩm; những người có thể tỏ ra h8a2ng tâm, vị tha trong thời buổi này, lại chính là những nhà đại kỹ nghệ, đại thương gia, vì chỉ họ có phương tiện bỏ ra những số tiền lớn để bảo trợ cho những công cuộc xã hội hay những việc công ích.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar