TỐ QUYỀN DÂN SỰ
Định nghĩa: Tố quyền dân sự mang tính chất là luật chế tài với đối tượng dành cho tư nhân về phương cách để buộc người khác phải tôn trọng về quyền lợi của mình và chế tài đối với sự xâm hại quyền lợi đó. Với định nghĩa này, tố quyền có hai mặt chính yếu. Một là, tố quyền là phương cách dành cho tư nhân, (bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân), nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích tư, được quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác do mình đại diện theo pháp luật. Hai là, tố quyền là một quyền do luật định, có tính chất chế tài.
A. Tố quyền có đặc tính thuộc quyền pháp định: Tố quyền là một quyền pháp định để khi cần thì chúng ta dùng đến. Trong dân luật có những điều khoản được định ra là để dự phòng và không mang tính chất bắt buộc. Đối với tố quyền cũng vậy. Dùng hay không dùng, dùng đến mức độ nào là quyền của mỗi người. Ngày nay, Tố quyền dân sự được quy định tại Điều 5 BLTTDS 2015: “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. 2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”.
B. Tố quyền khác đơn khởi kiện và quyền lợi:
1. Tố quyền và quyền lợi: Tố quyền và quyền lợi có quan hệ chặt chẽ với nhau, khiến cho một số người có thể nhầm lẫn. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt tố quyền với quyền lợi. Tố quyền là phương tiện để bảo đảm cho quyền lợi được thực thi; Quyền lợi là mục đích, là căn nguyên của tố quyền. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Không có quyền lợi thì không có tố quyền”. Ngày nay, Điều 4 BLTTDS 2015 quy định: “Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, có nghĩa là, trước hết, phải có “quyền và lợi ích”, sau đó, mới xét đến yếu tố hợp pháp hay không hợp pháp. Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ chỉ có thể trên cơ sở có “quyền và lợi ích hợp pháp”. Sự khác biệt giữa tố quyền và quyền lợi, thể hiện ở các mặt sau:
a. Về điều kiện hiện hữu: Quyền lợi có thể có, nhưng không có tố quyền.
– Không có tố quyền đòi thi hành một nghĩa vụ tự nhiên. Ví dụ như một con nợ vì thua cá độ bóng đá thì không thể kiện đòi nợ; hay không thể kiện đòi con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
– Không có tố quyền đòi thi hành nghĩa vụ chưa đến hạn hoặc hết thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp này, con nợ trả nợ hay không là tùy họ.
b. Về điều kiện hành xử: Quyền lợi có thể thuộc về người này, nhưng tố quyền có thể thuộc về người khác. Đó là trường hợp người chưa thành niên, “người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năn lực hành vi dân sự”.
c. Về phương diện đối tượng: Một quyền lợi có thể phát sinh ra nhiều tố quyền. Ví dụ như một người mua hàng hóa mà bị lừa dối về giá cả, chất lương, có thể yêu cầu tòa án tuyên xử hợp đồng vô hiệu, hoặc yêu cầu tòa án xử giảm giá mua.
2. Tố quyền và đơn khởi kiện: Người ta dễ nhầm lẫn giữa tố quyền với đơn khởi kiện vì hai khái niệm này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người ta hành xử tố quyền, mở đầu bằng đơn khởi kiện. Một khi tố quyền bị bác, người ta cũng nói đơn khởi kiện bị bác. Tuy nhiên, tố quyền khác với đơn khởi kiện ở chỗ, tố quyền là khái niệm trừu tượng để chỉ phương cách pháp luật, do luật định cho cả tiến trình tố tụng, còn đơn khởi kiện chỉ là một hành vi thủ tục cụ thể, khởi đầu cho cả tiến trình tố tụng.
Như vậy, quyền lợi, tố quyền và đơn kiện có sự khác biệt nhau. Trong đó, quyền lợi là yếu tố căn bản làm căn cứ cho tố quyền. Quyền lợi là điều kiện cần để có tố quyền, nếu không có quyền lợi thì sẽ không có tố quyền. Nhưng có khi có quyền lợi mà không có hoặc chưa có tố quyền. Còn đơn khởi kiện chỉ là hành vi khởi đầu và biểu thị của tố quyền.
C. ĐIỀU KIỆN KHỞI ĐỘNG VỀ TỐ QUYỀN
Muốn khởi động tố quyền, đương sự phải hội đủ 3 điều kiện, được quy định tại Điều 4 BLTTDS 2015 : Một là phải có ‘quyền và lợi ích hợp pháp’, hai là phải có danh nghĩa, hay tư cách chủ thể của tố quyền, và ba là phải có năng lực hành vi tố tụng.
1. Quyền và lợi ích hợp pháp (quyền lợi):
Muốn vào đơn khởi kiện, đương sự phải có “quyền hoặc lợi ích hợp pháp” cần được tòa án bảo vệ bằng thủ tục tố tụng dân sự. Quyền lợi có thể là quyền lợi thuộc lĩnh vực hôn nhân hay tài sản.
– Ngày nay, quyền dân sự của mỗi chủ thể được xác lập theo các căn cứ tại Điều 8 BLDS 2015: “1. Hợp đồng. 2. Hành vi pháp lý đơn phương. 3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật. 4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. 5. Chiếm hữu tài sản. 6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. 7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật. 8. Thực hiện công việc không có ủy quyền. 9. Căn cứ khác do pháp luật quy định”.
– Lợi ích hợp pháp của đương sự, có thể là lợi ích về vật chất hay lợi ích tinh thần. Lợi ích phải là lợi ích đã phát sinh và tồn tại, chứ không phải là những lợi ích sẽ phát sinh hoặc các lợi ích chưa xác định.
2. Danh nghĩa – Tư cách chủ thể của tố quyền:
Danh nghĩa trong tố tụng dân sự là tư cách pháp lý cho phép đương sự đứng tên trong mọi giấy tờ về thủ tục vụ kiện. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, những người sau đây có danh nghĩa hành xử tố quyền dân sự:
a. Chủ thể của quyền lợi bị tranh chấp;
b. Người thừa kế;
c. Người có tố quyền tà diện hoặc tố quyền phế bãi;
d. Đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
3. Năng lực tố tụng:
Để hành xử về tố quyền, đương sự phải có năng lực hành vi dân sự. mà cụ thể trong tố tụng là phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Về nguyên tắc, mọi cá nhân, pháp nhân đều có năng lực tố tụng dân sự, trừ trường hợp “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”, theo quy định tại Điều 125 BLDS 2015. (Còn tiếp)
D. TỐ QUYỀN TRỰC TIẾP: Tố quyền trực tiếp là quyền được kiện thẳng người thiếu nợ của chủ nợ (phụ trái). Trong trường hợp hợp đồng vì lợi ích người thứ ba, như hợp đồng bảo hiểm, thì người có quyền lợi trực tiếp được quyền kiện trực tiếp với người có nghĩa vụ, mặc dù hai bên không trực tiếp ký hợp đồng với nhau. Dân luật còn dự liệu, một số trường hợp có tố quyền trực tiếp sau:
1. Chủ nhà có thể trực tiếp đòi các người mướn lại nhà trả tiền trực tiếp cho họ.
2. Nhân công của nhà thầu có quyền đòi thẳng nơi người chủ tiền lương của họ.
3. Người ủy quyền có quyền kiện thằng người được ủy quyền lại (phó thụ ủy), nếu họ không thi hành nghĩa vụ.
4. Nạn nhân có tố quyền trực tiếp đối với các công ty bảo hiểm đã bảo hiểm cho người gây ra tai nạn.
E. TỐ QUYỀN TÀ DIỆN: Tố quyền tà diện hay tố quyền gián tiếp là quyền của chủ nợ (trái chủ) đứng vào cương vị của con nợ (người phụ trái) kiện các con nợ của người phụ trái. Tà diện hay gián tiếp vì quyền này người chủ nợ không hành xử thằng đối với người thứ ba mà phải qua con nợ.
Không phải là một biện pháp để chủ nợ thi hành việc đòi nợ, tố quyền tà diện có thể là biện pháp chuẩn bị sự thi hành ấy vì tài vật đòi được rơi vào gia sản của con nợ. Đây là sự thay mặt, chủ nợ thay mặt con nợ của mình, nhưng khác một điểm là người đại diện hành xử quyền này không phải cho người ủy quyền mà cho chính mình.
Tố quyền tà diện quy định tại Điều 699 DLB, 740DLT, đối chiếu với 1166 DLP. “Chủ nợ có thể thi hành tất cả các quyền lợi cùng tố quyền của người mắc nợ, chỉ trừ những quyền toàn thuộc về nhân thân thời không kể”. Quyền lợi và tố quyền nói ở đây đồng nghĩa chủ nợ chỉ có thể đi kiện các người thứ ba.
Chủ nợ không có quyền thay mặt con nợ kiện đòi ly dị, kiện khước từ phụ hệ … vì các tố quyền này hoàn toàn thuộc về nhân thân. Chủ nợ không có quyền kiện đòi chia hôn sản, đòi bồi thường thiệt hại vì vu cáo hay mạ lỵ … vì các tố quyền này có thể con nợ không đứng kiện vì lý do tình cảm.
Muốn hành xử tố quyền tà diện phải hội đủ 3 điều kiện:
– Chủ nợ phải có lợi ích gì để đứng kiện;
– Món nợ phải đáo hạn:
– Con nợ bất động.
Chủ nợ phải nhờ sự trung gian của con nợ mới kiện được người thứ ba, cho nên, các khước biện của người thứ ba nêu lên đối với con nợ, chủ nợ phải chịu hết. Khi chủ nợ thắng kiện, tài vật đòi được rơi vào gia sản của con nợ vì người thứ ba thiếu nợ của con nợ chứ không phải thiếu của chủ nợ. Vì vậy, tài vật đòi được, chủ nợ không có quyền hưởng một mình, mà phải chia với các chủ nợ khác, mà có khi còn bị các chủ nợ có ưu quyền lấy hết.
F. TỐ QUYỀN PHẾ BÃI: Tố quyền phế bãi là tố quyền của những chủ nợ vô đặc quyền xin tiêu hủy những hành vi gian xảo của con nợ đã ký kết với một người thứ khác (người thứ ba) nhằm mục đích làm tiêu hao sản nghiệp của con nợ. Sở dĩ luật dành cho trái chủ tố quyền này vì trái chủ không có quyền phê bình tính hữu hiệu của các hành vi giao kết của con nợ. Ví dụ con nợ bán tất cả tài sản của mình, biến thành tiền để khỏi bị phát mãi hoặc tặng cho một thân nhân tài sản của mình.
Tố quyề phế bãi ít khi hành xử vì kết quả khó khăn: Nếu con nợ làm một hành vi hữu thường thì trái chủ phải dẫn chứng sự gian lận của người thụ đắc, rất khó mà dẫn chứng được. Tuy nhiên tố quyền này có lợi là ngăn chặn được sự di nhượng gian lận: Các người thủ đắc sợ bị tiêu hủy khế ước đã ký kết với con nợ nên không dám gian lận. Tố quyền này có tính cách đề phòng.
Chỉ có thể hành xử tố quyền phế bãi nếu hành vi kết ước của con nợ nhằm mục đích làm cho y tự nghèo đi, thông thường những hành vi này là những hành vi nhượng bán, tặng cho. Nếu con nợ vì sơ suất mà không làm tăng tích sản của y thì trái chủ không thể hành xử tố quyền phế bãi. Ví dụ con nợ không nhận một tặng dữ, con nợ không tự làm nghèo đi, vì đồ vật tặng cho chỉ nhập vào tài sản của y từ ngày nhận tặng cho. Nhưng nếu con nợ không nhận di sản theo pháp luật thì hành vi đó có thể coi là y đã tự làm cho mình nghèo đi.
Muốn hành xử tố quyền phế bãi cần phải có hai điều kiện:
a. Hành vi của con nợ phải gây thiệt hại cho các chủ nợ. (Chẳng hạn như hành vi di nhượng một đồ vật có thể sai áp làm suy giảm khối tài sản bảo đảm của chủ nợ)
b. Hành vi này phải có tính cách gian lận. Không nên nhầm lẫn tại đây sự gian lận chế tài bởi tố quyền phế bãi với sự khi trá torng việc kết ước. Khi trá là có những hành vi làm cho nạn nhân lầm mà kết ước, còn sự gian lận là những hành vi do chính thủ phạm tạo ra.
Tố quyền này chỉ được hành xử chống lại các người kế quyền hữu thường nếu họ đồng lõa với con nợ để gian lận. Nếu họ ngay tình thì không thể hành xử tố quyền phế bãi. Trái lại, đối với người kế quyền vô thường thì trái quyền trái chủ có thể hành xử tố quyền không cần dẫn chứng rằng các người này đồng lõa với con nợ để gian lận. Các trái chủ hành xử tố quyền với tư cách của mình chứ không phải với tư cách kế quyền của con nợ, do đó không thể đem đối kháng với chủ nợ các khước biện của con nợ.
Hậu quả của tố quyền phế bãi là các hành vi gian lận của con nợ không đối kháng được với trái chủ. Chủ nợ có quyền sai áp đồ vật đã di những mặc dù đồ vật đã nằm trong tay đệ tam nhân. Chỉ có chủ nợ sử dụng tố quyền phế bãi mới sai áp được đồ vật này, chứ đồ vật này không phải là bảo đảm chung cho tất cả các chủ nợ vì lý do khế ước không bị tiêu hủy. Hậu quả giữa con nợ và người thứ ba thủ đắc hợp đồng vẫn không bị hủy bỏ, con nợ vẫn phải bồi thường phần mà chủ nợ đã lấy của người thứ ba thủ đắc.
Bình luận