Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Bài 1: Từ Một Ngày Đẹp Trời !

Ký sự pháp đình

TỪ MỘT NGÀY ĐẸP TRỜI !

Làm rõ chứng cứ xác định vô tội, trách nhiệm của ai?
Luật sư Lương Vĩnh Kim
(Báo tuổi trẻ Chủ nhật số 13-99 ra ngày 4-4-1999)

Vụ thứ nhất: Vào một ngày xấu trời kia, anh Nguyễn Văn Nhiên ở tỉnh Hậu Giang bị công an bắt vì tình nghi là anh đã giết em vợ tên là Tỏ – một em bé đi chăn vịt. Anh kêu oan suốt từ lúc bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhưng chẳng ai nghe mà còn được khuyến khích và ép buộc nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt vì nhờ khai báo thành khẩn! Anh Nhiên bị TAND tỉnh Hậu Giang kết án 10 năm tù giam với tội danh giết người. Và anh Nhiên đã chấp hành hình phạt tù được 2 năm thì vào một ngày đẹp trời kia, em Tỏ lù lù trở về sau 2 năm bỏ nhà đi chăn vịt mướn ở một huyện kề bên.

Vụ thứ hai: Vào một ngày xấu trời kia, anh Nguyễn Duy Minh bị bắt theo một lệnh truy nã tên Nguyễn Xuân Minh nào đó. Anh cũng kêu oan nhưng chẳng ai nghe. Anh bị TAND tỉnh Lâm Đồng kết án 3 năm tù giam về tội “trộm cắp tài sản công dân” và đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Đại Bình. Một ngày đẹp trời kia, anh Nguyễn Duy Minh được Doãn Văn Khang – một đồng phạm vụ án với Nguyễn Xuân Minh, cũng đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Đại Bình – đến thăm, vì nghe rằng Minh cùng phạm tội với mình cũng vừa mới vào trại. Nhưng hỡi ôi! Bạn cũ – đồng phạm đâu không thấy, chỉ thấy một con người lạ hoắc, lạ huơ phải chấp hành hình phạt tù vì lý do đã cùng Khang đi ăn cắp. Doãn Văn Khang viết đơn gửi cho Trại giam Đại Bình nói rõ là Minh đang bị tù không phải là Minh đã cùng Khang đi ăn cắp. Chỉ nhờ cái ngày đẹp trời đó mà Nguyễn Duy Minh mới không là Nguyễn Xuân Minh.

Vụ thứ ba (mới nhất): Vào một ngày xấu trời kia (25/01/1998), anh Bùi Minh Hải ở tỉnh Đồng Nai bị bắt với lý do là đã thực hiện hành vi “hiếp dâm, cướp của, giết người” mà nạn nhân là chị Trần Thị Thanh Dung, người cùng ấp. Anh Hải đã kêu oan trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhưng không ai quan tâm. Thậm chí, các bằng chứng ngoại phạm rất thuyết phục, được nhân chứng và luật sư đưa ra cũng không được các vị khả kính cầm cân công lý xem xét. Anh Hải bị tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai kết án chung thân vì đã có hành vi “hiếp dâm, cướp của, giết người”. Anh Hải lại kêu oan bằng cách gửi đơn kháng cáo. Nhưng tất cả những gì đã diễn ra cho thấy, anh Hải khó có cơ may được minh oan ở phiên tòa phúc thẩm, nếu như, không có một ngày đẹp trời kia, tên Nguyễn Văn Tèo bị bắt và tự khai ra hành vi “hiếp dâm, cướp của, giết người” đối với nạn nhân Trần Thị Thanh Dung.

 

Qua 3 vụ án oan điển hình trên, những người vô tội được minh oan không phải nhờ sự phát hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án kể trên mà nhờ vào một ngày đẹp trời kia người chết đã không chết trở về, hoặc nhờ người phạm tội thực sự bỗng dưng biết xấu hổ nói ra sự thật, tự khai nhận là chính hắn thực hiện hành vi “hiếp dâm, cướp của, giết người” chứ không phải những con người vô tội kia.

Theo điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo”. Đây là điều luật chứa đựng đầy tính khoa học và nhân văn. Chỉ cần làm đúng qui định tại điều 11 BLTTHS cũng đủ để tránh tất cả mọi nỗi oan sai chứ không riêng gì 3 vụ án oan trên. Thế nhưng theo thói quen thông thường lâu nay, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ làm một chiều là làm rõ những chứng cứ xác định có tội, những tình tiết tăng nặng và họ quên hẳn là pháp luật đã qui định cho họ là phải có nghĩa vụ làm rõ những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo.

Có rất nhiều hồ sơ vụ án khi chuyển đến tòa án để đưa ra xét xử chứa đầy ý chí chủ quan phiến diện, một chiều của cơ quan điều tra nhưng không ai phê phán, chấn chỉnh. Rất nhiều biên bản hỏi cung, biên bản xác minh hoặc kết luận điều tra bị đánh dấu lưu ý những chứng cứ xác định có tội bằng nét bút đỏ hoặc gạch dưới. Người ta không nhận ra rằng bằng hành vi gạch dưới hoặc đánh dấu lưu ý những chỗ xác định là bị can có tội là hành vi vi phạm điều 11 BLTTHS. Nó cho thấy điều tra viên đã không khách quan khi tiến hành điều tra. Hơn nữa, bằng nét bút đỏ đánh dấu, họ cố ý làm cho những người tiến hành tố tụng ở giai đoạn sau cũng cùng một ý chí chủ quan như họ: Chỉ lưu ý những chỗ chứng minh bị can, bị cáo có tội.

Mặc dù, BLTTHS qui định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử với một hệ thống gồm nhiều người, nhiều khâu hoạt động độc lập, chế ước lẫn nhau, khâu sau kiểm tra khâu trước trên tinh thần khách quan, toàn diện và đầy đủ nhưng xem ra người vô tội cũng khó được minh oan bằng hệ thống ấy nếu như không có một ngày đẹp trời !

 

(Báo tuổi trẻ Chủ nhật số 13-99 ra ngày 4-4-1999)

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar