VÀI LỜI PHI LỘ
Cuốn “Luật Thương Mại Việt Nam dẫn giải” này viết xong từ giữa năm 1972. Vì những lý do kỹ thuật bất ngờ, việc ấn loát mãi cuối năm mới được hoàn tất cho quyền 1. Quyển 2 bắt đầu lên khuôn thì do sắc lệnh số 29 ngày 20-12-1972, Bộ luật thương mại Việt Nam mới được ban hành. Cùng ngày ấy, bốn sắc luật khác ban hành bốn bộ luật mới: Dân luật, hình luật, dân sự tố tụng và hình sự tố tụng. Mặc dù sự xuất hiện của Bộ Luật thương mại mới, sự kiện này không có ảnh hưởng đến nội dung cuốn “Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải”, kể cả quyển 1 và quyển 2. Các điều cắt nghĩa trong sách vẫn có giá trị với Bộ luật mới, vì sự ban hành đã được tiên liệu: Mỗi vấn đề, trong sách, đều được giải thích, chẳng những dựa vào luật lệ đương hành lúc soạn thảo, mà còn dựa vào cả những điều khoản tương đương trong bản dự thảo bộ luật mới. Mọi chi tiết khác biệt, nếu có, giữa các điều khoản dự thảo và luật lệ cũ, đều được trình bày đầy đủ.
Bộ Luật thương mại mới là thành quả của sự tổng hợp hai bộ luật cũ (bộ luật thương mại Trung phần và Bộ luật thương mại Pháp được ban hành ở Nam phần vào năm 1949) với ít nhiều đổi mới. Thêm vào đó, hầu hết những vấn đề, trước kia, được quy định do những đạo luật riêng đặt ở ngoại vi bộ luật thương mại Pháp, như thương phiếu, sổ thương mại, công ty cổ phần, công ty TNHH, chế tài quản lý viên, quản trị viên các công ty thương mại v.v… đều được tập trung trong dự thảo, mà sắc luật số 29/1972 nói trên đã ban hành nguyên văn thành luật. Do các sự kiện trên, Cuốn “Luật thương mại Việt Nam dẫn giải” vẫn thích hợp với Bộ luật mới và là phản ánh cho bộ luật mới. Những điều giải thích căn cứ trên luật cũ không phải là thừa, mà trái lại, nó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn nguyên ủy và ý nghĩa của luật mới. Cũng vì thế, cho nên, trong các tác phẩm luật học, muốn trình bày đầy đủ và chính xác ý nghĩa một điều luật, các tác giả đều phải truy nguyên xuất xứ.
Trong các bộ luật mới, nói chung, những nguyên tắc chính yếu của luật cũ phần lớn được bảo lưu, trừ những nguyên tắc nào không còn thích hợp với thực tế trong sinh hoạt hiện tại. Ta không thể làm khác và cũng không nên làm khác. Nói riêng về thương luật, thì sự thực tế là những công ty thương mại lớn, những ngân hàng Việt Nam chỉ mới xuất hiện trên thương trường được ít lâu nay; giới doanh thương chỉ mới bắt đầu làm quen với luật thương mại chưa được bao lâu; nên bỗng chốc, nếu đem thay đổi luật lệ, ngay từ những nguyên tắc căn bản, thì tất nhiên hoạt động thương mại sẽ không khỏi bị xáo trộn, gây ảnh hưởng không hay cho cả nền kinh tế trong nước. Thay đổi luật pháp tức là thay đổi những quy tắc chi phối sự sinh hoạt của người dân, gây xáo trộn cho sinh hoạt ấy. Cho nên mọi sự cải cách luật pháp đều phải có một lý do chính đáng, nhằm vào một căn ích thực tế. Luật pháp, nếu chỉ nhằm thỏa mãn quyền lợi của phe phái, là không có lý do chính đáng và tất nhiên sẽ gây tranh chấp, chia rẽ trong mọi tầng lớp quốc gia. Luật pháp nếu tách rời khỏi thực tế, sẽ không có sinh khí và trở thành vô ích, vì không thích ứng với nhu cầu nào thiết thực. Dưới những điều kiện trên, luật pháp cần được tồn tại trường cữu: nhà làm luật, tuy có quyền tối thượng, nhưng lại có trách nhiệm tinh thần phải tự kiềm chế, không thể sửa đổi luật pháp tùy theo hứng khởi riêng, khiến cho người dân không kịp trở mình để chạy theo những sự đổi mới. Luật pháp có ổn cố thì người ta mới toan tính được những công việc lâu dài, xây dựng được hạnh phúc cho bản thân và con cháu. Là vì xây dựng hạnh phúc, tức là xây dựng tương lai, nhờ ở công trình cần lao liên tục. Thành quả của công trình ấy chỉ có thể vững bền nếu được một nền luật pháp ổn cố bảo đảm, không bị thay đổi bất thần và bất công của luật pháp. An toàn pháp lý có nghĩa là như vậy.
Bàn rộng hơn nữa, một cuộc cách mạng cũng chỉ có thể hủy bỏ pháp chế hiện hữu về những phần nào nghịch với tân chế độ chính trị hay xã hội mà cuộc cách mạng muốn tạo lập. Kỳ dư, pháp chế cũ phải được tồn tại, không thể ngay một lúc, đem hủy bỏ tất cả chỉ vì lý do pháp chế này là của chế độ cũ. Quốc gia muốn duy trì được liên tục, mặc dù nền móng bị rung chuyển bởi những biến cố chính trị, thì luật pháp cũng phải liên tục. Luật pháp có được thi hành nghiêm chỉnh hay không, bất lực hay hữu hiệu, đó là vấn đề khác, nhưng sự hiện diện của luật pháp bao giờ cũng cần thiết. Một ngày vắng bóng luật pháp là bốn phương đạo tặc nổi lên, chưa biết bao lâu mới dẹp được cho hết. Và dầu không thể, dẫu trật tự không bị phá rối, người dân cũng còn cái nguy cơ là không có được bảo đảm gì đối với công quyền: kẻ nắm quyền, không bị quy tắc nào kiềm chế, sẽ tùy thích thao túng luật pháp, tha hồ đặt ra luật này lệ nọ, tước đoạt tự do của người này, tài sản của người kia, muốn làm gì cũng được: Sự độc đoán vô bờ bến.
Nhà khoa học có thể dùng sâu bọ, loài vật làm đồ thí nghiệm cho công trình khảo cứu trước khi đưa ra một định lệ; nhưng nhà làm luật thì không có quyền đem con người ra làm vật hy sinh để trắc nghiệm xem điều luật mình làm ra là tốt hay xấu, vì sự trắc nghiệm như thế có thể gây ra cho dân chúng đau khổ, điêu linh, vô phương cứu chữa. Bởi vậy, những luật lệ nào được thời gian thử thách, chứng tỏ là tốt, phải được duy trì. Dĩ nhiên, luật pháp ổn cố không có nghĩa là luật pháp bất di bất dịch. Tác giả có bày tỏ quan điểm này ở một vài đoạn trong sách với cảm nghĩ là Ủy ban soạn thảo Bộ luật Thương mại, trong một vài trường hợp, đã quá rụt rè trên đường cải cách: Có những định chế có thể quan niệm lại về pháp lý vì quá chi tiết vụn vặt, quá phức tạp, như định chế khánh tận: _ có những vấn đề có thể giản dị hóa cho được thích hợp hơn với tình hình, tục lệ của người Á Đông, như vấn đề thành lập công ty vô danh v.v…, nhưng đa số ủy ban đã dè dặt, giữ nguyên như trước hoặc chỉ sửa đổi rất ít, mặc dù pháp chế cũ chỉ còn là cái bóng mờ, không mấy ai biết tới và chỉ còn được áp dụng một cách miễn cưỡng và chiếu lệ.
Kẻ viết muốn dành vài dòng chót để cáo lỗi cùng độc giả về những sai lầm ấn loát trong quyển I và chắc chắn cũng còn trong quyền II. Công việc đọc lại bản in thử để rà soát lại những chỗ in trật là một công việc rất tỉ mỉ. Người viết, khi đọc lại chỉ theo đuổi tư tưởng câu văn để suy ngẫm lại những gì mình đã viết, cho nên không thấy những sai lầm vật chất ngay trước mắt. Nhưng có lẽ những sơ suất ấy cũng có cái hay là dành cho người đọc sự thích thú sửa sai những khuyết điểm tự mình tìm ra khi đọc. Người phóng khoáng đón nhận niềm vui ấy với nụ cười bao dung trước những trường hợp Chữ “tác” (作) viết nhầm thành chữ “tộ” (祚), hay “Chữ ngộ (遇) đánh chữ quá (過)”. Xin mượn tư tưởng ấy của một văn hào Trung Hoa để biện hộ cho những sai lầm trong sách này của tác giả./.
Saigon, ngày 1 năm Quý Sửu
(3-2-1973)
LÊ TÀI TRIỂN
Bình luận