Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

VÔ ĐỀ …
Trường giang mênh mông, hề, thuyền ta lướt,
Gió rập sóng vùi, hề, thuyền chảy xuôi 

Ta đã phải trải qua gần hai mươi thế kỷ, nếu chỉ tính theo tây lịch kỷ nguyên, mới thấy được ánh sáng le lói của luật pháp bắt đầu ló dạng, khởi dựng lên nền pháp trị. Xưa, luật pháp hỗn đồng với luân lý, người dân lúc nào cũng có thể bị trừng phạt vì những hành vi mà công luận cho là trái với luân thường đạo lý, dẫu không có luật nào minh định sự trừng phạt ấy. Lại nữa, trong nhiều trường hợp, hình phạt thật nặng nề, vô nhân đạo. Có khi là bốn ngựa phanh thây, có khi là tùng xẻo; nhẹ ra, cũng phải đeo gông, mang cùm trong ngục thất, hay bị tra tấn, đáp đập bằng hèo, trượng, ngay trước pháp đình, đến thành tật. Mặt khác, việc hình việc hộ, không được phân biệt rõ ràng. Không trả nợ cũng có thể bị hình phạt chẳng khác người ăn cắp. Thất hiếu, phạm thượng cũng có thể bị tù đày như những kẻ sát nhân …Người dân chỉ trông cậy vào lòng nhân của người thống trị, coi sự an toàn bản thân, an toàn gia đình như một ân huệ của người trên: Quan thương phận nào, được nhờ phận ấy.
Từ thuở những bộ Dân luật, hình luật đầu tiên được ban hành, lòng người bừng lên một hy vọng mới. Quan niệm nhân quyền, lúc ấy, tuy chưa được luật gia nhận định sáng tỏ như ngày nay, nhưng phải công nhận rằng, phần nào đã có một sự an toàn pháp lý tương đối khả dĩ bảo đảm được tự do cá nhân và những dân quyền tối thiểu. Số người bị giam không đến nỗi quá nhiều để đến nỗi nhà tù không đủ chỗ chứa; quan tướng không còn là cha mẹ của dân mà phải tuân theo phép nước đã hình thành với các bộ luật để xử án cũng như để cai trị. Người nghèo, ngay thật, không còn phải bị cầm tù vì thiếu nợ; việc hộ đã được phân tách khỏi việc hình; luật pháp đã tiến đến chỗ coi tài sản là tịch vị của công nợ. Những tưởng theo đà tiến triển ấy, oai quyền của luật pháp sẽ ngày càng thêm lẫm liệt, để dần dần, bài trừ những tệ tục của những triều phong kiến. Nhưng thời hưng thịnh của luật pháp chẳng được bao lâu. Có lẽ, trong vùng quốc gia, thời gian sáng chói nhất của luật pháp chỉ độ mười năm, từ năm 1946 đến 1955. Có những luật sư có tiếng, hùng hồn cảm động, hay châm biếm mỉa mai, tố cáo những hành động phạm pháp của chính quyền; có những thẩm phán, danh truyền cửa miệng, đã không sờn lòng chế tài những hành động ấy.
Từ đó, chính trị chen vào luật pháp và áp đảo luật pháp. Do sự tôn sùng cá nhân của người thống trị, hoặc nhân danh đạo đức, hay viện dẫn sự an ninh quốc gia, người ta đã làm cho luật pháp lùi vào bóng tối. Vẫn biết cương thường là trọng, và sự dung hòa an ninh quốc gia với an toàn cá nhân là một vấn đề muôn thuở; nhưng giữ được cương thường, bảo vệ được an ninh, mà vẫn tôn trọng luật pháp mới là tài, là hay. Hai mươi năm chinh chiến kéo dài, với nạn phá hoại và khủng bố, với sự suy đồi phong hóa, càng làm cho được thông dụng những phương tiện chính trị, không lấy gì làm chính thống đối với luật pháp, và càng minh xác, cũng cố thêm cho những phương tiện ấy. Hỡi ôi, bể dâu mòn mong mỏi (Hỡi ôi, dâu bể mòn thương nhớ/Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi. Cảm thông của Vũ Hoàng Chương). Ta trông chờ một sự phát huy của nguyên tắc pháp trọng, nhưng tuồng đời vẫn thế: một “hài kịch tuy có trăm cảnh khác nhau”, nhưng trong đó, những vai mũ cao áo dài chỉ lấy việc xênh xang mũ áo làm trọng. Tiếng nói của luật gia, từ bốn phương vọng lại, hay từ quốc nội đưa lên, thường bị chìm đắm trong những biến cố quan trọng khác. Trường gian mênh mông, sao nghe được tiếng báo hiệu của con đò trong bão táp. Đôi khi, trong những bài tuyên bố trang trọng, ta nghe thấy loáng thoáng những danh từ quen thuộc_ pháp trị hay thượng tôn pháp luật _ là những khẩu hiệu tranh đấu của quốc gia, nhưng lời đẹp rồi cũng bay đi như gió thoảng. Tuy vậy, trông về quá khứ, ta nhận ra rằng sự tiến bộ của luật pháp, tức là tiến bộ của nhân sinh, thường phải hàng thế hệ mới đạt được một vài thành quả. Cho nên, điều kiện cho sự thành công là phải kiên trì, nhẫn nại và vững lòng tin. Trong tin tưởng ấy, và để tiếp tục góp tài liệu vào công cuộc xây dựng pháp trị, Nhóm Nghiên cứu và Dự hoạch xuất bản cuốn sách này là cuốn thứ ba: gió rập sóng vùi, thuyền vẫn đi. Huống chi, những cuộc hành trình thảm khốc, mà hình ảnh còn được ghi lại trong nhiều cuốc Bạch Thư, của những dân tộc thiểu số di cư và của người phương Bắc trên dãi đất này, sau hai kỳ thế chiến, đủ cho ta biết khát vọng của họ là khát vọng chung của loài người. Câu nói “họ đi tìm tự do” đã thành quá quen miệng, không khiến ta suy nghĩ thêm nữa. Nhưng cái mà họ tìm kiếm khi bỏ quê hương, bỏ cả công trình một đời vất vả, chính là sự che chở của luật pháp, sự an toàn cho bản thân, cho linh hồn, cho sự nghiệp. Ngàn dặm chi bay, họ chỉ tìm có thế. Nhưng đó là tất cả, vì đó là hạnh phúc./.

SAIGON, ngày 7 tháng 12 năm 1968
Thay mặt
Nhóm Nghiên cứu và Dự hoạch
Lê Tài Triển 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar