Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

10. Các hà tì của sự ưng thuận

CÁC HÀ TÌ CỦA SỰ ƯNG THUẬN 

Trong sự kết lập khế ước, không những cần phải có sự ưng thuận của những người kế ước, mà sự ưng thuận này phải là hoàn toàn, có nghĩa là không bị hà tì. Ngoài ba loại hà tì cổ điển: Sự sai lầm, sự khi trá và sự bạo cữ, dân luật còn công nhận, trong một số trường hợp, có sự hà tì thứ tư, đó là sự thiệt thòi, mà một số luật gia coi là một hình thức đặc biệt của ba loại hà tì cổ điển, vì nếu không lầm lẫn, khi trá hay cưỡng bách, thì thường lệ không ai lại ưng thuận ký kết một khế ước thua thiệt cho mình.
Trong cổ luật La Mã, hình thức chủ nghĩa chiếm một địa vị quan trọng. Các chứng thư pháp lý cần phải được kết lập theo các hình thức luật định mới có thể phát sinh ra hiệu lực. Ngược lại, một khi hình thức ấy đã được thực hiện, người ta không cần xét đến ý chí của các người kết ước có trong suốt hay không. Như vậy, trong cổ luật La Mã, khi chủ nghĩa hình thức đang thịnh hành, các hà tì của sự ưng thuận, về phương diện dân sự, không được đặt ra. Tuy vậy, không phải luật La Mã dung túng các hành vi khi trá, bạo cử hay hành vi khiến cho người đối ước bị lầm lẫn, mà các hành vi này sẽ bị chế tài về mặt hình sự. Các nạn nhân có thể kiện người đối ước để xin trừng phạt. Như vậy, sự khi trá và bạo cử được coi như là các tội xâm phạm vào cá nhân chứ không được coi là các hà tì của sự ưng thuận. Song dần dần, cũng có sự biến đổi trong án lệ. Các pháp quan đã thừa nhận cho nạn nhân của sự bạo cử và sự khi trá hai biện pháp dân sự: Một là khước biện (exceptio) để khỏi phải thi hành khế ước, và một tố quyền nguyên hoàn để xin lập lại nguyên trạng như khi chưa kết lập khế ước. Như vậy, trong thực tế, đối với sự bạo cử và sự khi trá, án lệ đã tiến triển trong cổ luật La Mã để dẫn đến sự tiêu hủy khế ước về phương diện dân sự. Đối với sự sai lầm, cho đến thời kỳ cổ điển trong luật La Mã, các luật gia chỉ qui định về trường hợp sai lầm cản trở (erreur-obstacle: lỗi trở ngại), nghĩa là, trường hợp sai lầm quan trọng đến nỗi sự ưng thuận của người kết ước không còn nữa. Trường hợp này bao gồm sự sai lầm về bản chất của khế ước (error in negotio: sai sót trong đàm phán); về chủ đích của khế ước (error in corpore: lỗi trong cơ thể) và về bản thể của đồ vật (error in substantia: lỗi về chất). Phải đến thời kỳ đế quốc La Ma, sự thiệt thòi mới được chấp nhận dưới đời vau Diocletien (284-305) để bênh vực cho quyền lợi của các dân nghèo phải bán rẻ ruộng đất cho các nhà quyền thế.
Theo nguyên tắc tự do ý chí, lấy tự do ý chí làm căn bản thì không thể chấp nhận tất cả các hà tì của sự ưng thuận. Tuy nhiên, DLP, DLB và DLT đã chọn một giải pháp chiết trung: Một mặt muốn tôn trọng nguyên tắc ý chí tự do, một mặt chưa muốn thoát hẳn sự quy định hạn chế của cổ luật La Mã và còn giữ lại rất nhiều danh từ của luật này, vì không muốn công nhận cho thẩm phán những quyền quá rộng trong việc tiêu hủy khế ước lại hại đến tính cách ổn định của các hợp ước giữa tư nhân. Đối với các bộ Dân luật, như bộ dân luật Đức, căn cứ vào nguyên tắc tuyên bố ý chí, nghĩa là một nguyên tắc đối lập với sự tự do ý chí, lẽ dĩ nhiên, nhà làm luật không thể dành cho sự hà tì của sự ưng thuận một địa vị quan trọng được. Tuy vậy, quy định về sự sai lầm của Bộ dân luật Đức rất tương tự với bộ Dân luật Đức. Như thế, có thể nói rằng, nguyên tắc tuyên bố tự do ý chí cũng không được bộ dân luật Đức chấp nhận trong tất cả các hệ luận.

A. SỰ SAI LẦM (NHẦM LẪN)
DLP, DLB và DLT đều có quy định cặn kẽ về sự sai lầm. Điều 1132 DLP: “Sai lầm về mặt pháp luật hoặc thực tế là một nguyên nhân vô hiệu hợp đồng, nếu sai lầm đó liên quan đến các đặc tính cơ bản của đối tượng hợp đồng hoặc của bên ký kết kia, trừ trường hợp sai lầm không thể chấp nhận được”. Điều 656 DLB: “Khi nào vì một sự sai lầm mà các người lập ước không chủ ý lập cùng một ước như nhau, hay là không chủ định cùng một người, cùng một vật hay cùng một duyên cớ như nhau, thì là không có sự đồng ý. Nếu trong các người lập ước, có người hiểu lầm về tính cách hiệp ước, mà chỉ lầm về lời hứa hiệp ước với chính hiệp ước mà thôi thì không đủ thủ tiêu được hiệp ước ” và Điều 657 DLB: “Nếu hiệp ước lập ra là chủ vì đích thân hay là vì chức phận, cùng với tài năng của một người nào, thì hễ nhận lầm về người lập ước đó, là hiệp ước thế nào cũng vô hiệu”. Điều 662 DL1972: “Sự lầm lẫn chỉ là một nguyên nhân làm cho khế ước vô hiệu, nếu là lầm lẫn về thực chất của sở vật hay về một đặc tính cốt yếu cho sự cam kết. Sự lầm lẫn về cá nhân người cộng ước không làm cho khế ước vô hiệu, trừ phi cá nhân của người dấy là yếu tố chính cho sự cam kết”. Như vậy, trong hai bộ DLB, DLT, DL 1972 đều có phân biệt hai loại sai lầm: Sai lầm do cản trở và sai lầm do hà tì.
* Sai lầm do cản trở là loại sai lầm làm ngăn cản sự thỏa thiệp của các bên kết ước, bao gồm sai lầm liên hệ đến bản chất, đến chủ đích, đến nguyên nhân của khế ước hay căn cước của người lập ước.
– Sai lầm do bản chất khế ước: Nhầm loại khế ước này với loại loại khế ước khác về bản chất. Ví dụ ông A cho tôi vay tiền nhưng tôi cứ tưởng là ông A cho tôi số tiền ấy.
– Sai lầm về chủ đích (đối tượng) của khế ước: Khế ước ghi bán thửa ruộng A, trong khi người mua muốn mua một thửa ruộng B, chứ không phải A.
– Sai lầm về nguyên nhân thường được hiểu theo hai cách:
+ Nguyên nhân của nghĩa vụ là một nguyên nhân trừu tượng, sự trông đợi cung khoản mà đối phương phải thực hiện cho mình;
+ Nguyên nhân là những duyên cớ đã thúc đẩy người kết ước ký kết với đối phương.
Chỉ riêng sai lầm về nguyên nhân trừu tượng mới có thể coi là một sự sai lầm cản trở. Sự sai lầm về căn cước của người đối ước cũng có thể là một sai lầm cản trở trong một vài trường hợp liên quan đến mục đích của người kết ước: Sai lầm do chọn sai người làm công việc đòi hỏi chuyên môn; sai lầm trong khế ước vô thường.
* Sai lầm do hà tì: Sự sai lầm do hà tì không ngăn cản sự kết lập khế ước nhưng cho phép người kết ước mà sự ưng thuận bị hà tì đươc xin tiêu hủy khế ước. Như vậy, sự tiêu hủy này chỉ có mục đích bảo vệ người kết ước và vì vậy chỉ có tính cách tương đối, trong khi sự sai lầm cản trở ngăn cản sự thành lập khế ước, và vì lẽ ấy, đem lại sự vô hiệu tuyệt đối. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp sai lầm hà tì đều đem lại sự vô hiệu của khế ước. Vì vậy, ta cần phải xét: 1. Phạm vi của sự sai lầm hà tì; 2. Điều kiện của sự sai lầm hà tì; 3. Dẫn chứng sự sai lầm hà tì; 4. Hiệu lực sự sai lầm hà tì.

1. Phạm vi sự sai lầm:
a. Sự sai lầm về bản thể của đồ vật: Trong cổ luật La Mã, sự sai lầm về bản thể chỉ là sự sai lầm về thực chất của đồ vật. Nhưng DLP, DLB, DLT mở rộng sai lầm về bản thể của đồ vật và thừa nhận những sai lầm sau đây có thể là nguyên nhân tiêu hủy khế ước:
– Các sai lầm về thực chất của đồ vật hiểu theo nghĩa hẹp của danh từ này;
– Các sai lầm không liên hệ đến thực chất của đồ vật nhưng được các bên ghi rõ là chủ yếu trong khế ước;
– Các sai lầm có tính cách chủ yếu vì hiển nhiên như vậy. Loại thứ ba này không có giới hạn rõ rệt. Người ta thường phải dựa vào hai tiêu chuẩn:
+ Được coi là chủ yếu, một tính chất mà thường lệ một đồ vật phải có theo xét đoán chung. Ví dụ: Một thửa đất nếu ở trong khu vực thành phố tất có thể xây nhà cửa được.
+ Được coi là tính chất chủ yếu, sự ích lợi mà các người kết ước mong đợi ở đồ vật.
Nhờ hai tiêu chuẩn trên, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng, trong những trường hợp sau đây, không có sự sai lầm về một tính cách chủ yếu của đồ vật:
– Sự sai lầm về động lực hay các lý do đã thúc đẩy người bị sai lầm kết ước. Thí dụ: A đã mua một ngôi nhà tại tại Cần Thơ để ở khi về hưu, nhưng không ngờ đã chết trước khi về hưu. Sự sai lầm về lý do kết ước không thể nại ra để xin tiêu hủy khế ước mua nhà.
– Khi một tính chất của đồ vật chỉ được một bên kết ước chú ý tới thì sự sai lầm về tính chất ấy cũng không đem lại hậu quả tiêu hủy khế ước; Thí dụ: ông Giáp đã mua một thửa ruộng tưởng rằng thửa ruộng đó rât đặc biệt nhưng sự thực chỉ là một thửa ruộng thường.
– Khi tính chất của đồ vật lệ thuộc vào sự may rủi, người kết ước cũng thể nại sự sai lầm như một sự sai lầm liên hệ đến tính chất của đồ vật. Ví dụ: Một người xuất khẩu mua gạo để xuất khẩu, tưởng rằng có thể xuất khẩu được, nhưng nếu chính phủ cấm thì cũng không thể nại sự sai lầm của họ để xin tiêu hủy khế ước mau gạo.

b. Sự sai lầm về người: Sự sai lầm về người không được quy định giống nhau trong 3 bộ luật DLP, DLB và DLT. Theo khoản 2 Điều 1110 DLP (1134 DLP hiện nay) thì “sự sai lầm về người là nguyên nhân để xin tiêu hủy khế ước trong trường hợp mối quan tâm đến người kết ước chính là nguyên nhân chính yếu của khế ước”.  Với điều luật này, các nhà lập pháp muốn nói đến các khế ước nhân vì (Vì con người mà kết lập khế ước). Nhưng các khế ước nhân vì thường là các khế ước vô thường , như khế ước tặng dữ, nhưng có một số khế ước hữu thường cũng có tính nhân vì. Thuê họa sỹ vẽ bức tranh vì tin tưởng ông họa sỹ đó; cho ông A thuê nhà vì tin rằng ông A này sẽ giữ gìn nhà cẩn thận. Sự sai lầm về người trong giá thú chỉ được chấp nhận trong phạm vi chật hẹp, chỉ thừa nhận sai lầm về căn cước mà thôi. Trong khi đó sự lầm lẫn khế ước được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngoài sự sai lầm về cá nhân hay căn cước, người ta cũng chấp nhận sai lầm về tính chất chủ yếu của người. Ví dụ: Một sự tặng dữ có thể xin tiêu hủy, nếu người tặng có chủ ý thưởng cho một hành vi can đảm, nhưng người này vốn không có hành vi đó.
– Sự sai lầm về người được quy định như nhau tại Điều 657 DLB, 693 DLT: “Nếu hiệp ước lập ra là chủ vì đích thân hay là vì chức phận cùng tài năng của người nào, thì hễ nhận lầm về người lập ước đó, là hiệp ước thế nào cũng vô hiệu. Nếu trong khi lập ước, không chủ vì đích thân hoặc chức phận người ấy, thì hễ nhận lầm về người ấy, hiệp ước có thể thủ tiêu được.”. Như vậy, nếu sự quan tâm về căn cước, về phẩm hạnh và tài năng của các nhân là lý do kết ước thì sự sai lầm về người sẽ đem lại hậu quả làm cho khế ước vô hiệu tuyệt đối. Trái lại, những mối quan tâm trên chỉ là một nguyên nhân phụ thuộc, thì sự sai lầm về căn cước, về phẩm hạnh, về tài năng cá nhân chỉ có thể đem lại sự vô hiệu tương đối mà thôi. Sự sai lầm về người được chấp nhận rộng rãi, không nhất thiết chỉ sử dụng cho khế ước nhân vì.

2. Điều kiện của sự sai lầm: DLB  và DLT chỉ quy định rõ một điều kiện liên quan đến sự sai lầm: Tính cách quyết định của sai lầm.
a. Tính chất quyết định của sai lầm: Các luật gia thiên về lý thuyết chủ quan của sự sai lầm chủ trương rằng sự sai lầm phải có tính cách quyết định đối với sự ưng thuận của người kết ước. Nhưng các luật gia bênh vực cho quan niệm khách quan coi rằng điều kiện này là không cần thiết. Nhưng trong thực tế, sự sai lầm về tính chất chủ yếu của đồ vật, do định nghĩa, bao giờ cũng có tính cách quyết định. Điều 658 DLB, 694 DLT quy định sự sai lầm chỉ đem lại sự vô hiệu tương đối cho khế ước khi liên hệ đến những tính chất chủ yếu đã khiến cho người kết ước cam kết. Nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn nào để biết được sự sai lầm có tính cách quyết định? Vấn đề này các nhà lập pháp trong hai bộ DLB và DLT thiết kế theo sự suy đoán. Nếu sai lầm về bản chất thì được coi là có tính chất chủ yếu quyết định cho đến khi có phản chứng. Ngoài sự suy đoán này, đối với những sai lầm không liên hệ đến bản chất của đồ vật, người ta căn cứ vào ý chí của các người kết ước đã ghi trong khế ước. Nếu không có điều khoản nào minh thị, người ta sẽ dựa vào tình trạng để xét đoán. Điều 658 DLB, 694 DLT quy định: “Nếu nhận lầm về vật mà lầm về tính cốt yếu của vật ấy, người lập ước tưởng rằng có thật, mà vì tưởng thế mới quyết định hoặc là đoan hay hứa, hoặc là bán hay mua vất đó, thời hiệp ước mới có thể bị hư và xin thủ tiêu được. Nếu không có chứng cớ nào trái lại thời những tính cách thuộc về bản thể vật kiện coi như trong ý người lập ước đã cho là tính cách cốt yếu. Trái lại, những tính cách không thuộc về bản thể vật kiện, thời khi nào ý người lập ước đã định lấy làm cốt yếu hay là khi có một tình trạng hiển nhiên như thế, thời  mới cho là tính cách cốt yếu mà thôi”. Sự thẩm định theo các điều luật này là sự thẩm định trừu tượng. Nói cách khác, thẩm phán sẽ không chú trọng vào tình trạng cá nhân người đã bị sai lầm, mặc dù có thể người này vì ngu độn mà sai lầm vì quá dễ dàng trong khi kết ước. Tòa án chỉ xem xét một người thường, đặt vào tình trạng người kết ước có bị sai lầm như người này không. Như vậy một người thông minh bậc thường sẽ được tòa án coi như là tiêu chuẩn trừu tượng để thẩm định sai lầm của người kết ước.
b. Sự sai lầm có cần phải là một sự sai lầm về một điểm thực tế hay không? Một vài luật gia thường tưởng rằng sự sai lầm không có thể liên hệ đến một điểm về pháp luật, nhưng lý thuyết này không xác đáng. Tục dao Nemo censetur ignorare legem (Không ai bị coi là thiếu hiểu biết về pháp luật) chỉ áp dụng trong phạm vi luật hình. Hơn nữa, tục dao ấy chỉ nêu ra để bác bỏ một thỉnh cầu của một bị can, bị cáo muốn tránh sự áp dụng một vài điều khoản luật hình vì mình không am hiểu pháp luật. Như vậy, những lý do nêu trên không áp dụng trong trường hợp sai lầm trong dân luật. Ở đây, đương sự chỉ nói rằng y đã ưng thuận vì không biết luật. Vì vậy án lệ Pháp đã chấp nhận cả sự sai lầm về những điểm pháp lý như trong trường hợp di nhượng quyền thừa kế. Tuy nhiên, điểm pháp luật buộc phải là điểm không được dị nghị, vì có nhiều cách giải thích khác nhau. Tất nhiên, trong sự kết ước có một sự rủi ro khiến cho sự sai lầm không thể coi được là một sự hà tì của sự ưng thuận. Lẽ dĩ nhiên sự sai lầm về một điểm pháp lý cũng phải thỏa mãn các điều kiện của một sự sai lầm về thực tế, nghĩa là cần phải có tính cách chủ yếu.
c. Sự sai lầm có cần phải được người đối ước biết không? Điều kiện này là không cần thiết vì không những trong luật không đòi hỏi mà hơn nữa, nếu coi sự sai lầm là một hà tì của sự ưng thuận thì không cần thiết người đối ước có biết sự hà tì ấy hay không, cũng có thể xin tiêu hủy khế ước một khi các điều kiện khác đã hội đủ.

3. Dẫn chứng sai lầm: Lẽ dĩ nhiên, người nào muốn nại sự sai lầm bắt buộc phải dẫn chứng các điều kiện luật định. Sự sai lầm là một sự kiện pháp lý, vì vậy, theo nguyên tắc thông thường, có thể dẫn chứng bằng mọi phương tiện, kể cả suy đoán. Thí dụ: Người mua một bức tranh họa trả giá rất cao thì có thể suy đoán rằng người ấy đã muốn mua một họa phẩm chứ không phải là một bản sao của họa phẩm.

4. Hiệu lực của sự sai lầm: Nếu làm một sự sai lầm cản trở thì sự sai lầm này sẽ đem lại sự vô hiệu tuyệt đối cho khế ước, vì thiếu sự thỏa thiệp giữa ý chí của các bên kết ước, và người ta coi rằng khế ước không được kết lập. Nói cách khác, người ta có thể nói rằng đây là một trường hợp khế ước hư vô. Trong trường hợp sự sai lầm là một hà tì của sự ưng thuận, sự sai lầm chỉ mang lại sự vô hiệu tương đối. Tuy nhiên, mặc dù có thể xin tiêu hủy khế ước về sai lầm, người kết ước cũng có thể bị tòa tuyên xử phải bồi thường cho người đối ước, nếu người này bị thiệt hại. Đây chỉ là sự áp dụng thông thường những nguyên tắc về trách nhiệm dân sự. Lẽ dĩ nhiên, nếu người kết ước biết sự sai lầm này khi ký kết thì họ không thể than phiền vì tổn thiệt vì khế ước bị tiêu hủy.

B. SỰ KHI TRÁ
Theo Điều 1109 DLP nay là Điều 1130 BLDS Pháp 2018 thì sự khi trá là một trong ba hà tì của sự ưng thuận: “Sự nhầm lẫn, sự lừa dối và bạo lực làm cho thỏa thuận bị khiếm khuyết trong trường hợp nếu không có các yếu tố này thì một trong các bên đã không giao kết hợp đồng hoặc đã giao kết hợp đồng với nội dung khác đi một cách cơ bản. Tính quyết định của yếu tố này được đánh giá căn cứ vào các bên và hoàn cảnh đưa ra sự thỏa thuận.”. Điều 652 DLB, 688 DLT chỉ nói đến sự lầm lẫn và sự bảo cử mà không nói tới sự khi trá: “Ngoài những điều kiện cần cho hiệp ước được thành, lài còn phải hai điều kiện sau đây hiệp ước mới có giá trị: 1. Phải cho hoàn toàn đồng ý, không có sự gì hiểu lầm hay cưỡng bách. 2. Người lập ước phải có đủ tư cách, hoặc có người thay mặt đích đáng. Nếu hiệp ước có sinh ra thiệt hại thì chỉ những khi nào trong luật đã định mới có thể bác được”. Sự khi trá được đề cập tại Điều 659 DLB, Điều 695 DLT: “Khi nào có một bên lập mưu đánh lừa bên kia, đến nổi giả không có mưu đó, bên kia không giao ước, thì sự đánh lừa đó làm một duyên cớ làm cho hiệp ước vô hiệu”. Điều 688 DLVN 1972: “Sự gian trá chỉ là một nguyên nhân làm cho khế ước vô hiệu nếu những mưu gian, chước dối của một bên là nguyên nhân chính đã thúc đẩy bên kia kết ước”. Với các định nghĩa trên, sự khi trá chính là sự lừa dối, nghĩa là một sự lầm lẫn do đối phương gây nên. Theo giáo sư Vũ Văn Mẫu thì “Chính vì bản chất pháp lý của sự khi trá, các nhà soạn thảo ra DLB,DLT đã coi trường hợp khi trá như được bao gồm ở trong trường hợp lầm lẫn và vì vậy không nói tới trong điều 652 DLB và 688 DLT”. Sự khi trá là sự lầm lẫn do đối phương gây ra, khác với sự với sự lầm lẫn thuần túy do tự người kết ước mà có. Nhà làm luật điều chỉnh hai loại lầm lẫn này theo cách khác nhau. Đối với sự lầm lẫn vốn do người tự người kết ước mà có, luật pháp chỉ chấp nhận trong một số trường hợp hạn định, như khi lầm lẫn về người hay lầm lẫn về bản thể. Sự lầm lẫn về giá trị đồ vật hay về những lý do cá nhân không ảnh hưởng tới sự hữu hiệu của khế ước. Nhưng đối với sự khi trá, nhà lập pháp sẽ chấp nhận hà tì này một cách không hạn chế. Giải pháp này dễ hiểu vì cần phải bảo vệ ý chí của một người đã bị người khác đánh lừa hơn là ý chí của một người tự mình lừa mình, tự mình lầm lẫn.

1. Các điều kiện của sự khi trá: Các điều kiện của sự khi trá liên quan đến: Người đã làm sự khi trá; bản chất hành vi khi trá; nạn nhân của sự khi trá.
a. Người đã làm sự khi trá: Điều 1116 DLP, 659 DLB, 695 DLT, 688 DLVN 1972 đều khẳng định sự khi trá phải do đối phương thực hiện. Tuy nhiên, trong án lệ của Pháp cũng có hai sự điều giảm đối với các nguyên tắc này: Một là, khi người đối ước, tuy không thực hiện sự khi tá, song đã tham dự vào đó và có thể coi là người đồng lõa hay đã biết là mình lợi dụng sự khi trá đó, khế ước có thể bị tiêu hủy, nhưng tình trạng này phải do nạn nhân của sự khi trá dẫn chứng; Hai là, đối với những chứng thư, khế ước vô thường, dù sự khi trá phát sinh ở người đệ tam, những chứng thư này cũng có thể bị tiêu hủy. Điều này cũng dễ hiểu vì những người được hưởng các sự tặng dữ không bị thua thiệt như các người kết ước hữu thường. Họ hụt một điều lợi nhưng họ không tổn hại. Các bộ luật mới cũng chấp nhận rằng sự khi tá nếu phát sinh ở người đệ tam chỉ là một nguyên nhân để xin tiêu hủy khế ước nếu như người đồng ước biết sự khi trá đó (Điều 123 DL Đức; 28 Luật nghĩa vụ Thụy Sĩ, Điều 40 Luật nghĩa vụ Ba Lan). Ngoài ra, người làm ra sự khi trá phải có tà tâm. Điểm này là một di tích của quan niệm cổ luật La Mã coi sự khi trá như một tội phạm hình sự và vì lẽ ấy chỉ trừng phạt sự khi trá khi có một tính cách quan trọng. Trong luật La Mã, người ta đã phân biệt thiện trá (dolus bonus: Thủ thuật hay), không bị trừng phạt, như khi người bán hàng quá khoe khoang về tính chất đặc biệt của sản phẩm hay nói thách và những trường hợp ác trá (dolus malus: thủ đoạn xấu), nghĩa là trường hợp một người kết ước định tâm đánh lừa đối phương.
b. Bản chất của sự khi trá: Sự khi trá là một sự lừa dối, đòi hỏi phải có đoạn gian xảo: Hành động hoặc không hành động trong trường hợp pháp luật bắt buộc phải hành động để lừa dối. Lừa dối có thể bằng lời nói hoặc bằng hành vi ngoại tại. Án lệ Pháp không coi sự ẩn mặc là sự khi trá, vì ẩn mặc có thể coi như trường hợp thiện trá: Đối với một người bán hàng chẳng hạn, theo lẽ thường, họ không bắt buộc phải trình bày tất cả các khuyết điểm của hóa phẩm mà họ bán. Chính vì lẽ này mà nguyên tắc coi sự ẩn mặc không phải là sự khi trá, trừ biệt lệ đối với một số khế ước, trong đó một bên kết ước có nghĩa vụ phải báo cho bên kia biết điều khoản cần thiết, như trong khế ước bảo hiểm phải báo cho bênh kia biết bệnh tật của người được bảo hiểm. Án lệ Pháp cũng coi sự ẩn mặc như là sự  khi trác, khi một tình trạng đặc biệt hay vì bản chất của khế ước, một bên kết ước thường vẫn hoàn toàn tin cậy vào thành ý của đối phương. Thí dụ: Một người thụ ủy muốn mua đồ vật mà người ủy quyền đã giao cho mình bán mà không nói rõ ý định đó với người ủy quyền, đã làm một sự khi trá đối với người này. Trong một vụ bán đấu giá các bức danh họa, nếu người bán tranh ẩn mặc, không trình bày rõ giá trị của các bức tranh bán, họ cũng bị coi là đã làm một sự khi trá với người mua, vì người mua hoàn toàn tin cậy vào kiến thức chuyên môn của họ.
c. Điều kiện liên quan đến nạn nhân của sự khi trá: Theo Điều 1116 DLP, 659 DLB, 695 DLT thì những thủ đoạn khi trá phải có tính chất quan trọng khiến nạn nhân vì bị lừa mà kết ước. Và theo Điều 668 DLVN 1972 thì “mưu gian, chước dối của một bên là nguyên nhân chính đã thúc đẩy bên kia kết ước”. Như vậy, sự khi trá phải có tính chất quyết định (caractere déterminant) đối với nạn nhân. Một sự khi trá thỏa mãn điều kiện này được các luật gia gọi là sự khi trá chủ yếu. Thiếu điều kiện ấy, sự khi trá chỉ có tính cách phụ đối. Lẽ dĩ nhiên, để có tính cách quyết định, sự khi trá phải xảy ra trước khi hay cùng một lúc với sự kết lập khế ước. Vấn đề xét xem sự khi trá có tính cách quyết định hay không là một vấn đề thực tại thuộc quyền thẩm lượng của thẩm phán xét về nội dung sự kiện. Trong sự thẩm lượng này, các thẩm phán sẽ xét cụ thể đối với từng cá nhân một. Một sự khi trá có thể có tính cách quyết định đối với cá nhân ngờ nghệch mà không có tính cách ấy đối với một người khôn ngoan hơn. Lẽ dĩ nhiên, tòa án bao giờ cũng có xu hướng bảo vệ những người ít kinh nghiệm hay thật thà hơn là những người sành sỏi. Như vậy, trong sự thẩm lượng sự khi trá, thái độ của các thẩm phán khác hẳn khi các vị này xét xem sự ưng thuận của người kết ước có bị lầm lẫn hay không; đối với các sự lầm lẫn, các thẩm phán thẩm định theo quan niệm trừu tượng (in abstracto), đem so sánh với người kết ước bị lầm lẫn với một người kết ước điển hình trừu tượng thông thường, để xét xem, nếu đặt người này vào vị trí đương sự tham gia kết ước thì người này có bị lầm lẫn không.

2. Dẫn chứng sự khi trá: Khoản 2 Điều 1116 DLP quy định sự khi trá không được phỏng đoán và phải được dẫn chứng. Điều 663 và 699 DLT cũng khẳng định: “Sự sai lầm, sự đánh lừa, sự bạo hành, sự thiệt hại, hay sự vô tư cách, không phải là những cớ phỏng đoán được, người nào viện những cớ đó phải có bằng chứng mới được”. Như vậy, nạn nhân của một sự khi trá phải dẫn chứng là mình lầm do những thủ đoạn khi trá của đối phương và những thủ đoạn này hội đủ những điều kiện để hợp đồng vô hiệu.

3. Hiệu lực của sự khi trá: Đối với nạn nhân cảu sự khi trá thì sự khi trá vốn là một hà tì của sự ưng thuận. Đối với người lập mưu lừa dối, sự khi trá là một điều quá thất. Vì vậy, trong dân luật, sự chế tài được quy định về hai phương diện: Một là, một hà tì của sự ưng thuận, sự khi trá sẽ làm cho khế ước vô hiệu, nhưng sự vô hiệu này chỉ là có tính cách tương đối; chỉ riêng nạn nhân của sự khi trá mới có quyền xin tiêu hủy khế ước. Vì người lập mưu đánh lừa là người đã phạm một sự quá thất, nên nếu đối phương, ngoài yêu cầu tiêu hủy khế ước, có có thể chịu một thiệt hại khac, tất nhiên, họ sẽ có quyền xin bồi thường. Những người phải bồi thường là những người đã lập mưu lừa dối và tất cả những người do sự quá thất của mình đã cộng tác vào sự khi trá ấy. Nạn nhân của sự khi trá cũng có thể xin bồi thường cho sự tổn thiệt mà không xin tiêu hủy khế ước vì tố quyền bồi thường và tố quyền tiêu hủy thường có hai căn bản khác nhau. Nói tóm lại, sự khi trá là trường hợp đặc biệt của sự lừa dối. Vì vậy, tuy ngày nay dân luật coi sự khi trá là một hà tì của sự ưng thuận, nhưng vẫn còn lưu vết tích của một sự quy định bắt nguồn từ hình luật. Do đó, trong sự quy định, vừa có đặc điểm của dân luật, như sự khi trá phải có tính chất quyết định đối với nạn nhân, sự khi trá sẽ làm cho khế ước vô hiệu tương đối và tố quyền vô hiệu là một tố quyền biệt lập đối với tố quyền trách nhiệm; nhưng cũng vừa có những điểm còn nhắc nhở tới hình luật như sự khi trá phải phát xuất ở người đối ước đã lập mưu lừa dối.
* Song vì sự khi trá là một hà tì của sự ưng thuận, và là hình thức đặc biệt của sự lầm lẫn cho nên, theo Tòa phá án Pháp, bản chất của tố quyền xin tiêu hủy một khế ước vì có sự khi trá cũng đồng tính với bản chất của tố quyền xin tiêu hủy khế ước vì lầm lẫn. Vì vậy, khi xét một vụ kiện về khi trá, nếu các thẩm phán nhận thấy những điều kiện pháp định của sự khi trá không hội đủ mà trái lại các điều kiện của sự lầm lẫn được thỏa mãn thì Tòa án có thể tuyên tiêu hủy khế ước vì sự lẫm lẫn. (Tòa phá án Pháp ngày 5-11-1900 D1901.I.71).

C. SỰ BẠO HÀNH HAY CƯỠNG BÁCH
– Một đương sự bị cưỡng bức để kết lập mộ khế ước thì lẽ dĩ nhiên ý chí của đương sự không được tự do và không hữu hiệu. Sự cưỡng bách này quy định tại Điều 1111-1114-1115 DLP, Điều 660-663 DLB, và Điều 696-699 DLT dưới danh từ “bạo hành”. Sự quy định này bắt nguồn từ luật La Mã. Trong lịch sử La Mã, vào cuối thời kỳ Cộng hòa, trật tự xã hội không được duy trì vì vậy xảy ra nhiều sự bạo hành. Để tư nhân khỏi phải kết ước dưới ảnh hưởng của sự bạo hành, các pháp quan La Mã đặt ra tố quyền công nhận cho nạn nhân của sự bạo hành được xin bồi thường 4 lần tổn thiệt. Tố quyền này gọi là tố quyền kinh hãi (actio mutus causa: Một hành động làm tắt tiếng). Ngoài ra, nạn nhân còn có thể dùng khước biện kinh hãi (exceptio mutus: ngoại lệ làm tắt tiếng), để không thi hành khế ước, hay hơn nữa, là dùng tố quyền nguyên hoàn (in integrum restitutio: sự phục hồi hoàn toàn) để xin tiêu hủy khế ước. Theo luật của Pháp, trong khi hình luật trừng trị tội cưỡng thủ chữ ký (extorsion de signature: Tống tiền chữ ký), và tội tống tiền, dân luật chỉ coi sự bạo cử như một hà tì của sự ưng thuận. Tuy vậy, quy định của dân luật chưa thóa ly được hẳn tính cách hình sự nguyên thủy của sự bạo cử.
– Sự bạo hành có thể diễn ra dưới hai hình thức: Sự bạo hành thể chất, như cầm tay bắt một người ký vào khế ước hay dùy thôi miên sai khiến họ, bảo họ ký sau khi cho họ uống rượu say; hoặc sự bạo hành tinh thần, có sư bạo hành để dẫn dụ đương sự ký kết, nên nhớ rằng, trong trường hợp này đương sự vẫn không mất ý chí tự chủ như trong trường hợp bạo hành về thể chất. Điều 660 DLB và Điều 696 DLT đã phân biệt sự bạo hành về thể chất làm mất hẳn ý chí và sự bạo hành về tinh thần chỉ là một hà tì của sự ưng thuận.
1. Điều kiện của sự bạo hành: Các điều kiện này có thể chia ra làm hai loại: Các điều kiện khách quan và các điều  kiện chủ quan.
a. Các điều kiện khách quan: Về phương diện khách quan, sự bạo hành phải có tính cách bất chính đáng. Điều kiện này là một di tích của sự quy định nguyên thủy trong luật La Mã để trừng trị hình sự về tội bạo hành. DLP, DLB và DLT không quy định minh bạch về điều kiện này, nhưng tại điều 1114 DLP quy định rằng riêng sự kính úy đối với cha mẹ và các bậc tiền nhân khác, nếu không có sự bạo hành thì không thể là một duyên cớ để xin tiêu hủy khế ước. Điều 662 DLB, 698 DLT cũng tương tự Điều 1114 DLP, chấp nhận giải pháp: “Nhưng chỉ vì một sự kính sợ của vợ đối với chồng hay của con cháu đối với ông bà cha mẹ, thì không đủ làm cho hiệp ước thủ tiêu được”. Bàn rộng hơn, khi nào một sự bạo hành có thể coi như coi như nằm trong khuôn khổ của sự hành sử quyền lợi, đối phương không thể nại ra sự bạo hành ấy để xin tiêu hủy khế ước. Thí dụ: Một tá điền ăn cắp của chủ và bị bắt quả tang. Sau vụ này, nếu người tá điền cam đoan dời đi nơi khác, không thuê ruộng đất nữa để tránh người chủ khỏi thưa kiện mình, thì không có sự bạo hành trong trường hợp này. Tuy nhiên, người bạo hành có thể nại ra được, nếu đương sự không có quyền làm hành vi ấy; Thí dụ: Một người trái chủ có quyền dọa người phụ trái rằng sẽ sai áp tài sản của họ theo quy định của pháp luật nhưng không có quyền tự mình dùng bạo hành đối với người phụ trái. Mặc khác, muốn cho sự bạo hành có tính cách chính đáng cũng phải có mối tương quan trưc tiếp giữa quyền lợi của đương sự và khế ước đã lập. Thí dụ: Nếu người chồng bắt được vợ ngoại tình, rồi từ đó bắt người vợ phải ký văn tự nợ, nếu không, dọa sẽ đem vụ ngoại tình ra tòa thì văn tự này sẽ vô hiệu. Chúng ta có thể coi điều này là sự áp dụng lý thuyết lạm quyền. Một người có thể dùng sự cưỡng bách của mình để đạt được sự thi hành quyền lợi của mình, nhưng nếu lạm quyền đó để sách thủ một sự cam kết không liên quan đến quyền lợi của mình là một sự lạm quyền. Sự bạo hành có thể xuất phát từ người đệ tam (người thứ ba).
b. Các điều kiện chủ quan của sự bạo hành: Về điều kiện chủ quan, sự bạo hành phải xét theo hai phương diện:
– Sự bạo cử phải có tính cách quyết định. Theo Điều 1112 DLP, sự bạo hành phải có tính cách quyết định đối với nạn nhân kết ước,vì lẽ người đó sợ một sự hại quan trọng và hiện tại. Sự sợ hiện tại (mutus praesens) là sự sợ hãi diễn ra tại thời điểm kết ước, người kết ước vì sợ ngay lúc ký kết nên mới có sự cưỡng bách. Và “Khi sự bạo hành, các sự dọa natt, là mối nguy hiểm không có tính cách bất khả kháng, nhưng cũng quyết định được sự kết ước để tránh một cái hại quan trọng hơn trong hiện tại hay trong tương lai thì sự bạo hành là một sự hà tì của ưng thuận” (Điều 660 DLB, 696 DLT) và “Trong tất cả các trường hợp bạo hành, tòa án sẽ xét tuổi, nam nữ, tình trạng cơ thể và tinh thần cùng thân phận đương sự” (662 DLB, 698 DLT).
– Sự bạo hành có thể uy hiếp người đệ tam, bao gôm người phối ngẫu, tôn thuộc hoặc ty thuộc của người kết ước, hoặc có thể mở rộng đối tượng nếu đương sự chứng minh được rằng sự bạo hành ấy có tính cách quyết định với y.
2. Dẫn chứng sự bạo hành: Người muốn xin tiêu hủy khế ước vì lý do bạo hành sẽ phải theo một nguyên tắc căn bản về thủ tục và dẫn chứng hai điểm:
a. Đã có một sự bạo hành
b. Sự bạo hành ấy có tính cách quyết định đối với họ.
3. Hiệu lực của sự bạo hành: Theo giải pháp của DLP, trong trường hợp có sự bạo hành về thể chất, khế ước sẽ bị vô hiệu tuyệt đối. Nhiều luật gia chủ trương lý thuyết chứng thư hư vô, coi trường hợp này là khế ước hư vô vì lẽ thiếu sự ưng thuận. Trong trường hợp bạo cử về tinh thần, ý chí tuy rằng có, nhưng ý chí này đã bị hà tì. Vì vậy, người kết ước bị cưỡng bách có thể xin tiêu hủy khế ước, song sự vô hiệu này chỉ có tính cách tương đối và chỉ riêng nạn nhân của sự bạo hành mới nại ra được. Ngoài việc xin tiêu hủy khế ước, người bị bạo hành còn có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường, nếu người cưỡng bách họ làm một việc quá thất, gây cho họ một tổn thiệt.

D. SỰ THIỆT THÒI: Trong một khế ước, một bên chịu thiệt thòi khi nào họ không nhận được một lợi ích tương đương với cung khoản mà họ phải cấp cho người đối ước như mua đắt, bán rẻ, làm công quá hạ, trả lãi quá cao …Trong dân luật Việt Nam, theo DLP (1118), chấp nhận sự thiệt thòi là nguyên nhân tiêu hủy khế ước trong những trường hợp có hạn định (652DLB, 688DLT). Tố quyền tiêu hủy khế ước vì thiệt thòi gọi là tố quyền thiệt tiêu và đây chỉ là vô hiệu tương đối vì chỉ có mục đích bảo vệ người kết ước bị thiệt thòi. Sự thiệt thòi đã được quy định ngay từ cổ luật La Mã. Tuy vậy, phạm vi áp dụng rất hẹp và chỉ áp dụng đối với người dưới 25 tuổi và những người nghèo phải bán rẻ ruộng đất cho các nhà quyền thế. Trong thời Trung cổ, ở Pháp lý thuyết của giáo hội và của Thánh Thomas d’Aquin chủ trương rằng các khế ước cần phải được kết lập với một tinh thần bình đẳng, theo một giá công bình, không thể để một bên bị thiệt thòi quá đáng. Theo tinh thần ấy, sự cho vay lấy lãi cũng bị cấm.
DLP, DLB, DLT chỉ chấp nhận vô hiệu do thiệt thòi trong trường hợp vị thành niên ký kết khế ước (849 DLB, 924 DLT), còn đối với các trường hợp người thành niên thì sự thiệt thòi chỉ có thể nại ra trong một số ít trường hợp do nhà làm luật đã minh thị. Trái lại, theo các bộ luật mới của ngoại quốc, sự thiệt thòi được chấp  nhận nếu có chứng cứ rằng một bên đã bị bên kia trục lợi vì nhẹ dạ, vì không có kinh nghiệm hay túng thiếu. (Đ 158 DLĐức; 21 Luật Thụy sĩ, Điều 42 Luật nghĩa vụ Ba Lan).
1. Căn bản của tố quyền thiệt tiêu: Tố quyền thiệt tiêu đặt trên hai căn bản:
a. Tố quyền đặt trên cơ sở chủ quan: Một hà tì của sự ưng thuận. Theo quan niệm chủ quan, người nào bị lầm, bị lừa hay bị khi tá thì mới kết lập một khế ước bị thòi thòi cho mình. Theo lý thuyết này, khi muốn tiêu hủy khế ước do thiệt thòi, người bị thiệt thòi không những phải dẫn chứng sự thiệt thòi mà còn phải dẫn chứng thêm có một hà tì của sự ưng thuận. Sở dĩ phải chấp nhận thêm sự thiệt thoài bên cạnh các hà tì sự ưng thuận, là vì các trường hợp xin tiêu hủy khế ước do hà tì bị quy định chặt chẽ trong luật; trái lại tố quyền thiệt tiêu không hạn chế.
b. Tố quyền đặt trên cơ sở khách quan: Các khế ước phải được kết lập một cách công bằng, và không thể có một tình trạng bất quân bình giữa các cung khoản của người đối ước. thiếu điều này, có thể nói rằng khế ước đã thiếu nguyên nhân một phần. Theo lý thuyết chủ quan này, sự thiệt thòi đã là một duyên cớ để tiêu hủy khế ước, không cần phải nại ra hà tì của sự ưng thuận.
* Vì theo căn bản khác nhau giữa a, b, cho nên vô hiệu do thiệt thòi theo quan niệm a, có tính cách tương đối, vô hiệu do thiệt thòi theo quan niệm b, có tính cách tuyệt đối. Có thể nói rằng, DLB, DLT theo quan niệm chiết trung, mượn thuyết chủ quan để coi vô hiệu do thiệt thòi có tính cách tương đối; mượn thuyết khách quan ở điểm không bắt buộc chứng minh một sự hà tì của ưng thuận.
2. Phạm vi áp dụng của sự thiệt thòi: Sự thiệt thòi có hai phạm vi áp dụng: Một phạm vi do nhà lập pháp đã hoạch định và một phạm vi do án lệ thừa nhận.
a. Phạm vi do pháp luật hoạch định: Các DLP, DLB, DLT chỉ chấp nhận vô hiệu vì thiệt thòi do các vị thành niên xác lập khế ước. Đối với khế ước do thành niên kết lập, sự thiệt thòi chỉ được thừa nhận trong những trường hợp luật định:
– Khi người bán bất động sản bị thiệt hại quá nửa giá thì họ có thể hành sử tố quyền thiệt tiêu theo Điều 968 DLB: “Nếu bán bất động sản, hoặc đoạn mại, hoặc điển mại, mà giá bán không bằng một nửa giá thực, theo thời giá lập khế ước, thì người bán có thể thỉnh cầu tiêu việc bán ấy đi, vì cớ thiệt thòi, dù trong khế ước đã công nhiên khai không xin tiêu hay khai không đòi gì về phần thặng giá mặc lòng”. Theo Điều 1674 DLP thì sự thiệt thòi phải lớn hơn 4/12 giá bất động sản. Điều luật này bắt nguồn từ cổ luật La Mã và căn cứ vào hai ý niệm: 1. Bảo vệ người bán vì phần đông người bán bất động sản thường túng thiếu, dễ bị người mua bắt chẹt; 2. Sự bảo vệ bất động sản đúng hơn bảo vệ động sản vì quan niệm “Res mobilis, res vilis” (“Đồ di động, đồ giá rẻ”). Hai ý niệm này, ngày nay không còn đúng nữa. Người mua cũng có thể bị bắt chẹt phải trả giá cao, khi cần phải mua nhà cho gia đình ở, vậy đáng lý tố quyền phải dành cho hai bên kết ước. Mặt khác, thời bây giờ, các động sản cũng là một yếu tố của sản nghiệp không kém phần quan trọng các bất động sản.
b. Phạm vi do án lệ thừa nhận: Án lệ giảm giá tiền thù lao của các biện sự viên, của luật sư, bác sĩ trong trường hợp thù lao quá cao. Và tiêu hủy khế ước trong trường hợp rõ ràng quá bất công với người bán.
3. Điều kiện của sự thiệt thòi: Các điều kiện của tố quyền thiệt tiêu có thể chia làm hai loại, tùy theo liên quan đến thiệt thòi hay bản chất khế ước.
a. Các điều kiện liên quan đến thiệt thòi. Có hai điều kiện:
a1: Sự thiệt thòi chỉ được coi là nguyên nhân để giải tiêu khế ước khi sự thiệt thòi lớn hơn khoản ngạch do luật minh định, 7/12 DLP hoặc hơn nửa giá bán theo DLB, DLT.
-a2: Sự thiệt thòi phải có tính chất hiện hữu ngay tại thời điểm kết ước. Nhiếu khế ước, khi ký kết, các cung khoản rất tương xứng, nhưng khi thi hành, chỉ vì sự biến chuyển của giá cả nên có sự chênh lệch rất lớn giữa nghĩa vụ của hai bên. Ví dụ nhà thầu bị thua lỗ vì giá vật liệu tăng quá nhiều sau khi nhận thầu. Song trường hợp này không phải là trường hợp thiệt thòi, vì sự thua thiệt chỉ xảy ra sau khi kết ước. Đây là trường hợp bất tiên liệu mà án lệ dân sự không chấp nhận. Vì sự thiệt thòi phải có được ước lượng lúc kết lập khế ước, cho nên, đối với các khế ước có điều kiện, sự ước lượng phải được xét ngay lúc ký khế ước chứ không phải lúc xảy ra điều kiện vì sự thực hiện điều kiện có hiệu lực hồi tố, khế ước coi như có từ lúc ký kết. Trong trường hợp một tiên khế ước (avant-contrat: Hợp đồng sơ bộ), sự thiệt thòi chỉ được ước lượng khi ký khế ước chính thức. hí dụ: Khi A hứa bán nhà cho B lấy 10 tỉ đồng và thừa nhận cho Ba được mua trong thời hạn 6 tháng. Nhưng 6 tháng sau thì giá nhà đã lên đến 30 tỉ thì A có quyền nại sự thiệt thòi không? Nếu sự thiệt thòi phải ước lượng từ khi hứa bán thì A không có quyền nại sự thiệt thòi. Trái lại, sụ thiệt thòi được ước lượng khi B quyết định thì A được quyền nại sự thiệt thòi. Án lệ Pháp đã áp dụng giải pháp thứ hai. Những luật gia theo lý thuyết khách quan về sự thiệt thòi đã tán thành giải pháp này; trái lại các luật gia thiên về giải pháp chủ quan coi sự thiệt thòi như là một hà tì của sự ưng thuận đã chỉ trích rất nhiều vì sự hà tì phải được tìm kiếm ngay trong lúc lập tiên ước (avant-contrat: Hợp đồng sơ bộ). Sự thực, án lệ không dựa theo quan niệm nào mà chỉ áp dụng điều 1675 “Để xác định mức độ thiệt hại hơn bảy phần mười hai, cần đánh giá bất động sản theo tình trạng bất động sản và giá trị bất động sản vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Điều 968 DLB, 1104 DLT đều chép nguyên văn DLP về sự thiệt thòi, chỉ khác nhau ở chỗ áp dụng sự thiệt thòi ở mức hơn một nửa giá bán mà thôi.
Ngoài hai điều kiện thiệt thòi a1, a2, án lệ không bắt buộc phải dẫn chứng một hà tì của sự ưng thuận. Nhà làm luật đã suy đoán rằng khi phải nhận một sự thua thiệt như vậy trong lúc lập ước, chắc hẳng người kết ước đã bị một sự hà tì hoặc bị lầm, hoặc bị lừa hay bị cưỡng bách. Trong cổ luật La Mã, đã nói rằng sự thiệt thòi, tự nó, đã chứng tỏ sự khi trá; vì vậy có thể nói rằng đó là một sự khi trá đối vật (dol réel: Lừa đảo thật sự; dolus re ipsa: Thủ thuật lừa đảo).
b. Các điều kiện liên quan đến bản chất khế ước: Sự thiệt thòi không chấp nhận với một số khế ước:
b1. Các khế ước vô thường: Theo định nghĩa thì khế ước vô thường nào cũng thiệt thòi vì người tặng chủ không đòi hỏi một cung khoản nào cho mình;
b2. Các khế ước kiểu hãnh (Khế ước không nhất định hay gọi là khế ước may rủi): Sự thiệt thòi không được chấp nhận trong loại khế ước này vì ba lẽ:
– Vì có sự may rủi, nên không thể biết được sự quân bình các cung khoản giữa hai bên khi lập ước.
–  Vì các bên đối ước đã thỏa thuận nhận sự rủi ro trong các khế ước kiểu hãnh;
– Khi một bên hành xử tố quyền thiệt tiêu, hai bên đã thi hành khế ước trong một khoản thời gian; sự kiểu hãnh cũng đã thay đổi và không thể đặt họ vào tình trạng lúc lập ước được nữa.
4. Dẫn chứng của sự thiệt thòi: Người hành xử tố quyền thiệt tiêu phải dẫn chứng các điều kiện liên quan đến sự thiệt thòi và liên quan đến bản chất của khế ước, nhưng không phải dẫn chứng hà tì của sự ưng thuận của họ. Trái lại, người bị kiện có thể dẫn chứng ý định tặng dữ của người bị thiệt thòi để đối kháng với tố quyền thiệt tiêu.
5. Hiệu lực của sự thiệt tiêu: Cần phân biệt 3 trường hợp:
a. Hiệu lực thông thường của tố quyền thiệt tiêu là sự vô hiệu tương đối với tất cả các đặc điểm của nó: Hành vi vô hiệu có thể được bao yểm, và sự vô hiệu có thể được thời tiêu sau 5 năm theo DLB và DLT, 10 năm theo DLP. Ngoài ra, trong DLP, sự hành xử tố quyền thời tiêu có thể bị hủy diệt sau thời gian hai năm, đối với khế ước bán bất động sản (Đ.1176 DLP), hay khế ước phân sản của tiền nhân (1280 DLP). Thời hạn hai năm cũng được quy định tại Điều 969 DLB, 1105 DLT và điều luật quy định rằng thời hạn hai năm không thể do khế ước tăng thêm hay giảm bớt. Ngoài ra, nếu là khế ước điển mại thì thời hạn thiệt tiêu và thời hạn phục hồi sẽ hợp tính với nhau, và chỉ giữ lại thời hạn nào ngắn nhất. Sự vô hiệu đem lại hậu quả tiêu hủy khế ước với hiệu lực hồi tố. Vì vậy không khỏi có điều bất tiện đối với các quyền lợi đã được kết lập trên đồ vật từ khi lập ước. Do đó, trong DLP, nhà làm luật đã trù liệu cho người mua bất động sản, hay người cộng phân được tránh sự thiệt thòi nếu ưng thuận trả bù số tiền thiệt thòi (890, 1080, 1681 DLP, 968 DLB, 1104 DLT)
b. Đối với các sự cho vay lãi quá lãi suất, cho thuê nhà quá giá … hiệu lực thiệt thòi đem lại một sự giảm thiểu giá ước định tới ngạch số luật định. Và đây cũng là giải pháp được chấp nhận trong án lệ đồi với các số tiền thù lao quá cao.
c. Trong các vụ kiên mà tòa án cho hủy khế ước mua bán vì không có giá hoặc giá vi thiểu tượng trưng thì đây không phải là vô hiệu do thiệt thòi, mà là khế ước mua bán thiếu nội dung chủ yếu là thành tố giá cả. Vì vậy vô hiệu này có tính tuyệt đối do không có sự xác lập nghĩa vụ xác định.
6. Các hợp ước liên hệ đến sự thiệt thòi: Về phương diện này, cần phân biệt hai loại hợp ước:
a. Các quy định về sự thiệt thòi nhằm mục đích bảo vệ người kết ước ở tình trạng thua kém. Muốn cho sự quy định này có hiệu quả, phải định rằng các hợp ước được ghi trong khế ước để khước từ tố quyền thiệt tiêu là vô hiệu. Theo 1674 DLP, 968 DLB, 1104 DLT, nếu người bán bất động sản bị thiệt thòi, họ có quyền xin thiệt tiêu, mặc dù họ đã minh thị khước từ tố quyền thiệt tiêu trong khế ước và mặc dù họ đã tuyên bố là cho hẳn khoản thặng dư. Ngoài trường hợp bán bất động sản, nguyên tắc trên phải được áp dụng tổng quát cho tất cả các trường hợp thiệt tiêu.
b. Trái lại, sau khi đã thi hành khế ước, sau khi đã trả giá mua cho người bán, người kết ước bị thua thiệt không còn lệ thuộc người đối ước về phương diện kinh tài. Vì vậy, nếu họ ký kết một hợp ước khước từ hành sử tố quyền thiệt tiêu thì hợp ước ấy sẽ hoàn toàn có giá trị./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar