CÁC LOẠI QUYỀN LỢI VÀ TÀI SẢN
129._ Có hai cách phân loại tài sản: Cách thứ nhất phân biệt tài sản hữu hình và các tài sản vô hình. Cách thứ hai phân biệt động sản và bất động sản. Hai cách phân loại này không hẳn riêng biệt mà xen lấn nhau. Trong 3 mục của chương này, chúng ta sẽ lần lượt xét:
Mục 1: Tài sản hữu hình, tài sản vô hình.
Mục 2: Bất động sản, động sản.
Mục 3: Sản nghiệp.
MỤC I._ TÀI SẢN HỮU HÌNH VÀ TÀI SẢN VÔ HÌNH
Sự phân biệt nầy không hợp lý lắm, nhưng có nhiều lợi ích trong thực tế, khi áp dụng. Sau khi định rõ nguyên tắc phân biệt hai loại tài sản nầy, ta sẽ tìm hiểu nội dung của mội loại.
ĐOẠN I: Nguyên tắc phân biệt tài sản hữu hình và tài sản vô hình
130._ Tài sản hữu hình là những sự vật cụ thể như nhà cưa ruộng vườn, xe cộ. Tài sản vô hình là những tài sản mà ta không thể dùng ngũ quan mà thấy được như trái quyền. Những định nghĩa nầy bắt nguồn từ luật La Mã. Người La Mã thường gọi các tài sản hữu hình là các tài sản sờ thấy được; tài sản vô hình là các tài sản không sờ thấy được. Cách phân loại nầy xếp các quyền lợi trừu tượng về một bên, và các sự vật cụ thể về một bên khác. Xét kỹ sự phân biệt như vậy không hợp lý cho lắm. Vì sao? Vì sự vật không phải tự nó là tài sản. Cái làm cho nó có giá trị, làm cho nó thành một yếu tố lý tài không phải là chính sự vật mà là những quyền lợi do sự vật làm đối tượng. Bằng chứng là một vật không thuộc về ai và chưa ai có quyền về nó, chưa phải là một tài sản.
Lý do nào đã khiến cho người ta chấp nhận sự phân loại tài sản theo cách trên đây? Nguyên do là trong thực tế, người ta quen đồng hóa quyền sở hữu và vật làm đối tượng cho quyền đó. Trong thực tế, sự phân biệt giữa tài sản hữu hình và tài sản vô hình đưa tới sự đối lập quyền tư hữu (được xem như tài sản hữu hình) với các quyền lợi khác (xem như tài sản vô hình). Các tài sản hữu hình lại được phân chia ra nhiều loại.
ĐOẠN 2._ Các tài sản hữu hình
Các tài sản hữu hình được phân loại theo hai cách:
A) Cách thứ nhất phân biệt vật hữu chủ và vật vô chủ:
131._ Trước hết, trong các tài sản hữu hình, người ta phân biệt các vật hữu chủ và các vật vô chủ. Về mặt pháp lý, chỉ các vật hữu chủ mới là tài sản.
1) Vật hữu chủ: Các vật hữu chủ có hai loại: Các vật hữu chủ của tư nhân và các vật hữu chủ của các pháp nhân hành chánh (như Nhà nước, tỉnh, xã). Các vật hữu chủ thuộc về pháp nhân hành chánh được gọi là các công sản. Các công sản gồm có: Các công sản công dụng và các công sản tư dụng.
a) Các công sản công dụng là những công sản được để cho công chúng sử dụng trực tiếp, như đường sá, cầu cống, sông ngoài …. Chế độ của công sản công dụng rất đặc biệt. Nó thuộc về công pháp. Đó là những tài sản bất khả chuyển nhượng và bất khả thời tiêu.
b) Các công sản tư dụng, vì không thuộc quyền xử dụng trực tiếp của công chúng, nên không có đặc tính này. Nó chịu sự chi phối của dân luật, cũng giống như tài sản của tư nhân.
2) Vật vô chủ: Trong các vật vô chủ, ta thấy có các của chung và các vật vô chủ đích danh.
a) Của chung là những vật vì bản chất của nó khiến không ai có thể lấy làm của riêng. thí dụ như khí trời, nước biển. Mọi người có quyền sử dụng các của chung miễn là đừng gây thiệt hại cho người khác. Có những luật lệ về cảnh sát qui định sử dụng các của chung (714 DLP: Có những vật không thuộc sở hữu riêng ai và được dành cho tất cả mọi người sủ dụng chung. Phương thức sử dụng những vật này thực hiện theo các đạo luật có hiệu lực áp dụng trực tiếp – Kim trích).
b) Vật vô chủ đích danh: là các vật bỏ, không có chủ, mà luật La Mã gọi là Res Nullius (Không có của ai). Các vật vô chủ đích danh này, gồm những vật chưa ai làm chủ: Như cá dưới biển, chim trên trời, các muông thú mà ta săn bắn trong rừng (Điều 528 DLT, 715 DLP) và những vật mà chủ bọ không dùng. Quyền sở hữu về vật vô chủ phát sinh bằng sự chiếm hữu. Riêng về các vật báu, mai tàng (trésor: kho báu) tìm thấy dưới đất thì người tìm thấy được hưởng một nửa, nửa kia thuộc về sở hữu chủ bất động sản (điều 534 DLT, 715 DLP).
B) Phân loại thứ hai căn cứ vào thực chất của sự vật:
132._ Theo cách phân loại này, ta thấy có vật khả tiêu và vật bất khả tiêu, vật xác thực và chủng loại vật, động sản và bất động sản.
1) Vật khả tiêu và bất khả tiêu: Vật khả tiêu là những vật sau khi dùng là biến mất, tiêu đi. Sự mất tiêu này có thể là một sự tiêu tan vật chất (như than đốt thành tro) hay một sự tiêu tan pháp lý, như tiền tiêu xong là hết. Tuy các giấy bạc vẫn còn, nhưng đã chuyển sang ta người khác. Vật bất khả tiêu là vật có thể sử dụng lâu dài như nhà phố, đồ đạt.
2) Vật xác thực và chủng loại vật: Các vật xác thực không thể đổi lẫn cho nhau được, vật nào có cá tính riêng của vật ấy, như nhà phố, xe cộ. Trong mua bán, các vật xác thực phải được chỉ định thực đích xác. Chủng loại vật là những vật có thể đo lường, cân được và có thể đổi lẫn cho nhau như rượu, gạo, than. Việc mua bán chỉ cần tính theo cân, lạng, hay đong rót vào ve, chai.
3) Động sản và bất động sản, là cách phân loại quan trọng nhất căn cứ vào tính chất của đồ vật. Ta sẽ xét trong một mục riêng (mục 2).
ĐOẠN 3: Các tài sản vô hình hay các quyền lợi
133._ Loại tài sản này quan trọng hơn loại tài sản trên. Cách phân loại chính yếu là phân biệt trái quyền (droits de créance) hay quyền đối nhân và các vật quyền hay quyền đối vật (droits réels). Tuy nhiên cách phân loại này chưa bao trùm được hết các quyền lợi trong thực tế. Vì vậy còn một loại quyền lợi thứ ba là các quyền sở hữu vô hình.
A. Trái quyền
134._ Trái quyền còn được gọi là quyền đối nhân. Trái quyền có hiệu lực giữa hai người là chủ nợ hay trái chủ và con nợ. Điều đáng chú ý là danh từ nợ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: nó không bắt buộc là một món tiền. Nó có thể là công việc gì. Thí dụ: Một người đặt làm một bộ bàn ghế. Người thợ sau khi nhận tiền đặt của khách hàng có một món nợ phải trả là chế tạo bộ bàn ghế để cung cấp cho khách. Người khách đặt hàng có một trái quyền, nghĩa là có quyền đòi hỏi sự cung cấp đó. Như vậy nợ là danh từ đối lập với trái quyền. Con nợ có nợ, còn chủ nợ có trái quyền. Giữa hai người có một liên lạc pháp lý gọi là nghĩa vụ.
Trái quyền là môt quyền có ít bảo đảm cho người chủ nợ, nhất là khi món nợ là một số bạc. Khi con nợ vô tư lực, nghĩa là không có tiền thì hắng không thi hành được nghĩa vụ. Trong trường hợp con nợ bán chạy tài sản của y, chủ nợ không sai áp được tài sản đã ở trong tay đệ tam nhân đã mua. Theo danh từ pháp luật, người ta nói rằng, chủ nợ không có quyền truy tùy. Nếu con nợ có nhiều nợ, mà có ít tài sản, khi các tài sản này bị sai áp và phát mại, người ta sẽ phân phối tiền bán các tài sản đó cho các chủ nợ theo tỷ lệ món nợ lớn hay nhỏ. Các chủ nợ ai cũng bị thiệt một phần, không ai được trả tất cả món nợ. Trong trường hợp này, người ta nói là chủ nợ không có ưu quyền. Như vậy, trái quyền là một quyền yếu ớt. Vật quyền là quyền mạnh hơn như ta sẽ thấy dưới đây.
B. _ Vật quyền
135._Vật quyền là một quyền mà đối tượng là một vật hữu hình. Vì vậy nó còn được gọi là quyền đối vật. Nó có hiệu lực đối với tất cả mọi người. Thí dụ điển hình là quyền sở hữu. Ai cũng phải tôn trọng quyền sở hữu của người khác. Sở hữu chủ một đồ vật có hai đặc quyền. Trước hết sở hữu chủ có quyền truy tùy. Thí dụ: Một đồ vật có kẻ chiếm đoạt phi pháp (như trộm), sở hữu chủ đồ vật đó có quyền truy tầm đồ vật bị mất để giành lại, dù nó chuyển sang tay đệ tam nhân. (Điều 2279 đoạn 2 DLP và 571 DLT). Sở hữu chủ một đồ vật còn có quyền thứ hai là ưu quyền. Có ưu quyền nghĩa là sở hữu chủ có ưu tiên được lấy lại đồ vật của mình trước tất cả các chủ nợ khác.
Những vật quyền chính: Các vật quyền đều có một đặc tính chung là nó dành cho chủ thể năng quyền hưởng thụ trực tiếp những lợi ích của đồ vật. Vật quyền hoàn toàn đầy đủ nhất là quyền sở hữu. Quyền sở hữu có ba thuộc tính là sử dụng (usus), hưởng hoa lợi (fructus), cầm bán (abusus). Quyền sở hữu một tài sản bao hàm tất cả những gì do tài sản sanh ra, tất cả những gì phụ hợp vào, tự nhiên hay nhân tạo. quyền này là quyền phụ thiên (droi d’accession). Quyền sở hữu đất gồm quyền sở hữu đất phía trên và phái dưới, ngoại trừ hầm mỏ mà sự chiếm cứ do pháp chế riêng chi phối.
136._ Các vật quyền khác thiếu sót hơn vì chỉ đem lại cho chủ thể một hoặc hai torng ba thuộc tính trên. Những vât quyền này được gọi là những phần nhỏ của quyền sở hữu. Hai vật quyền kém quan trọng hơn quyền sở hữu là quyền dụng ích (usufruit) và quyền địa dịch (servitude).
Quyền dụng ích 575 DLT là quyền được dùng được hưởng lợi ích của đồ vật nhưng không được bán hay cầm cố. Quyền dụng ích là quyền sở hữu ngoài trừ khả năng cầm, bán. Ngoài ra người có quyền dụng ích khi chết đi sẽ mất quyền, không chuyển di cho người thừa kế được.
Quyền địa dịch là quyền dành cho chủ sở hữu một bất động sản (nhà, vườn, ruộng) được hưởng một vài tiện ích trên bất động sản tọa lạc ở kế cận. Thí dụ: Đại dịch thông hành (quyền đi qua đất người khác). Quyền địa dịch ràng buộc hai bất động sản. Bất động sản được quyền tiện ích gọi là yếu (thiếu?) dịch địa. Bất động sản phải cung ứng tiên ích gọi là thừa dịch địa. Địa dịch có thể do địa thế tự nhiên, do pháp luật định hay do người lập ra (629 DLT).
137._ Ngoài quyền dụng ích và quyền địa dịch còn có những vật quyền phụ thuộc. Những vật quyền phụ thuộc không dành cho chủ thể một quyền vật chất trên đồ vật. Chủ thể không có khả năng sử dụng hay cầm bán. Hai vật quyền phụ thuộc chính là quyền để đương (hypothèque: thế chấp) và quyền lưu chí (gage). Các quyền này chỉ có hiệu lực làm cho trái quyền của chủ thể mạnh thêm. Quyền để đương áp dụng cho bất động sản. Quyền lưu chí áp dụng cho động sản. Trong việc vay mượn người vay thường dành hai thứ quyền này cho chủ nợ để bảo đảm món tiền vay. Ở trường hợp chủ nợ có thêm quyền để đương, nếu con nợ bán bất động sản để đương, chủ nợ có quyền sai áp bất động sản trong tay người mua. Sau khi bán đấu giá bất động sản, chủ nợ có quyền để đương được trả trước các chủ nợ khác. Quyền lưu chí cũng dành cho chủ thể đặc quyền tương tự trên bất động sản. Người ta nói rằng quyền để đương và quyền lưu chí dành cho chủ thể quyền truy tùy và quyền ưu tiên. Hai quyền này dành cho chủ thể nhiều bảo đảm được trả nợ. Vì vậy các vật quyền phụ thuộc còn được gọi là bảo chứng đối vật (suretés réelles).
Sự trình bày trên đây về vật quyền và trái quyền cho ta thấy tất cả sự khác biệt giữa hai loại quyền lợi. Tuy nhiên hai loại quyền này chưa bao gồm được tất cả các quyền lợi trong dân luật. Bên cạnh còn có một loại quyền lợi thứ ba gọi là quyền sở hữu vô hình hay quyền trí năng (droits intellectuels).
C. Quyền sở hữu vô hình
138._ Quyền sở hữu vô hình giống quyền sở hữu thường, vì nó cũng có hiệu lực đối với tất cả mọi người. Nhưng nó khác với quyền sở hữu thường là đối tượng của nó vô hình. Các quyền sở hữu vô hình này gồm có:
1) Quyền lợi về những sáng tác của trí óc như quyền sở hữu văn chương và mỹ thuật, quyền sở hữu kỹ nghệ nghĩa là quyền lợi về các bằng sáng chế, các nhãn hiệu. Quyền sở hữu văn nghệ gồm hai yếu tố: Một quyền lợi lý tài và một quyền lợi tinh thần. Quyền lợi l1y tài là độc quyền của tác giả được xuất bản và bán tác phẩm của mình để thu lợi. Quyền lợi về tinh thần dành cho tác giả năng quyền thay đổi tác phẩm của mình theo ý muốn, hoăc khước từ không cho phổ biến.
2) Quyền sở hữu vô hình thứ hai là quyền lợi về khách hàng. Quyền lợi về khách hàng nằm trong sản nghiệp thương mại (fonds de commerce). Nghiệp sản thương mại gồm hai yếu tố: một yếu tố vật chất là hàng hóa, dụng cụ, một yếu tố vô hie2nh là tên cửa hiệu và khách hàng, quyền thuê nhà, nhãn hiệu chế tạo hay thương hiệu (2).
MỤC II._ PHÂN BIỆT ĐỘNG SẢN VÀ BẤT ĐỘNG SẢN
Đó là cách phân loại tài sản quan trọng nhất. Trong luật La Mã người ta gọi là summa divio (phân chia hàng đầu). Cách phân loại này bao gồm hết các loại tài sản. Sự áp dụng lại có rất nhiều ích lợi thực tế. Ta hãy lần lượt xét những ích lợi của sự phân biệt nà, rồi đến sự áp dụng nguyên tắc phân biệt vào đồ vật và quyền lợi.
ĐOẠN 1._ Ích lợi của sự phân biệt
139._ Ích lợi chính yếu là bất động sản được coi quý hơn động sản, vì vậy luật pháp chú ý nhiều hơn đến sự bảo tồn bất động sản. Thí dụ: Dân luật qui định rất chặt chẽ việc cầm bán các bất động sản của trẻ vị thành niên vô năng. Trái lại việc cầm, bán các động sản của trẻ vị thành niên dễ dàng hơn, vì lẽ các động sản được coi không quý bằng bất động sản. Trong các chế độ hôn sản cũng va655y; vợ chồng lấy nhau dưới chế độ cộng đồng tài sản (chế độ luật định) mỗi người được quyền giữ riêng các bất động sản mà thôi. Các động sản trở thành tài sản chung của hai vợ chồng. Các động sản được coi ít giá trị hơn bất động sản. Tại sao vậy? Lúc khởi đầu người ta thấy có một lý do kinh tế: Thời xưa bất động sản có giá trị lớn hơn động sản. Trong cổ luật la Mã co câu: “res mobilis, res vilis“, nghĩa là, động sản là vật ít giá trị. Lý do kinh tế này ngày nay không còn đúng nữa. Ngày nay có những động sản giá trị gấp mấy chục lần bất động sản, thí dụ như sản nghiệp thương mại, những cổ phần trong các hội buôn, những chứng khoán trên thị trường chứng khóa.
Ngày nay người ta thấy có một ý do khác, biện minh cho sự phân biệt động sản, bất động sản: Bất động sản nặng tính cách gia đình hơn động sản. Bất động sản là yếu tố giúp cho sự vững bền, sự ổn cố trong sự lập nghiệp và sinh hoạt của gia đình hơn các động sản. Vì vậy nó được coi trọng hơn, được pháp luật lo bảo tồn nhiều hơn.
Người ta thường tưởng rằng, sự phân biệt động sản và bất động sản chỉ có thể áp dụng cho các tài sản hữu hình, và có là vật hữu hình thì mới có tính cách động hay bất động được. Nhưng nếu ta quan niệm như vậy thì các quyền lợi phải đứng ngoài sự phân loại nầy. Sự phân biệt động sản và bất động sản đã tạo lập hai chế độ pháp lý khác nhau về tài sản. Các quyền lợi cũng là tài sản, nên đành phải xe16tp chung vào một trong hai hạng động sản hay bất động sản. Lý do chính không phải là quyền lợi có tính cách động hay bất động mà là vì người ta muốn cho nó có một chế độ pháp lý. Vì lẽ đó người ta phân biệt quyền lợi bất động sản (droits immobiliers: quyền bất động sản) và quyền lợi động sản (droits mobiliers: quyền di chuyển). Sự phân biệt động sản hay bất động sản xen lẫn với sự phân biệt tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
ĐOẠN 2: Áp dụng sự phân biệt động sản và bất động sản cho các đồ vật.
a) Động sản và bất động sản do bản chất:
140._ Đó là sự phân biệt thông thường nhất vì nó đúng với thực tế. Tiêu chuẩn phân biệt là tính chất cố định hay tính chất lưu động của đồ vật. Tiêu chuẩn này nó rõ ràng vì nó hoàn toàn vật chất. Bất động sản là đất và những vật gắn liền với đất. Thí dụ kiến trức xây cất trên đất, cây trồng trên đất; Lúa chính ngoài đồng chưa gặt về nhà, trái cây còn ở trên cành đều là bất động sản. Động sản là vật có thể chuyển dịch từ chỗ này qua chỗ khác được, hoặc tự mình nó hoặc nhờ sức người. Thí dụ: Súc vật, xe cộ tiền bạc, nữ trang, bàn ghế, ghe thuyền, nhà cửa có thể tháo ra lắp vào mà không hư hại.
b) Bất động sản do dụng đích:
141._ Ngoài tiêu chuẩn vật cụ thể trên đây, dân luật còn căn cứ vào một tiêu chuẩn có tính cách giả định để lập ra một loại bất động sản gọi là bất động sản do dụng đích (Immeubles par destination). Đó là những động sản, nhưng được xem như gắn liền vào bất động sản vì lý do kinh tế, vì chúng cần thiết cho sự khai thác bất động sản. Thí dụ: Trâu bò cày, nông cụ dùng trong một nông trại. Tuy các vật này là động sản, nhưng vì dụng đích của sự vật, luật pháp cho nó tính cách bất động sản giả định. Nhờ tính cách này, nó được đặt dưới chế độ bất động sản và theo chung những qui tắc áp dụng cho bất động sản. Nếu nông trại bị để đương, quyền để đương sẽ áp dụng cho cả nông súc và nông cụ trong trại đó. Sở dĩ như vậy là vì người ta muốn tránh khỏi phải tách rời những vật đã được hợp nhất thành một về phương diện kinh tế. Điều kiện cốt yếu để các nông cụ hay nông súc thành bất động sản là tất cả các vật đó và nông trại phải cùng thuộc về một sở hữu chủ. Nếu chúng thuộc về nhiều sở hữu chủ khác nhau, thì phải tách rời. Nói cách khác, nông súc và nông cụ phải là vật sở hữu của chủ đất thì mời thành bất động sản. Nếu vật đó thuộc về tá điền lãnh canh thì chúng vẫn là động sản. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các xí nghiệp kỹ nghệ hay thương mại đối với các dụng cụ máy móc xe cộ khai thác xí nghiệp. (hay lưu ý – 107). Ngoài ra các sinh vật như chim bồ câu trong chuồng, cá dưới ao, ong trong tổ do chủ trại nuôi để thu lợi là bất động sản do dụng đích (463 DLT).
ĐOẠN 3._ Áp dụng sự phân biệt động sản và bất động sản cho các quyền lợi.
142._ Đây là một điểm rất tế nhị. Đem sự phân biệt động sản và bất động sản áp dụng cho các quyền lợi thực ra là một sự phi lý, vì quyền lợi là một loại tài sản vô hình, lẽ ra không được coi là động sản hay bất động sản. Như vậy rõ ràng là có một sự giả tạo khi ta xếp các quyền lợi vào loại động sản hay bất động sản.
A)._ Các vật quyền được xếp vào loại động sản hay bất động sản tùy theo thực chất của đối tượng. Thí dụ: Quyền dụng ích về nhà đất là một vật quyền có tính cách bất động sản. Quyền hưởng dụng thu lợi về đồ đạc, xe cộ, cổ phần là một vật quyền xếp vào loại động sản.
B)._ Các trái quyền: Vì đối tượng không phải là đồ vật, nên khó xếp loại hơn. Theo nguyên tắc các trái quyền thuộc về loại động sản. Ở trường hợp món nợ là tiền bạc thì cách xếp loại này rất đúng vì đối tượng của quyền lợi là một động sản (tiền bạc). Khi món nợ không phải là tiền bạc mà là một nghĩa vụ cung cấp dịch vụ, trái quyền cũng được coi là một động sản. Tại sao? Tại vì nếu con nợ không thi hành nghĩa vụ thì món nợ cũng đổi thành tiền bạc: Chủ nợ sẽ được bồi thường bằng tiền bạc.
– Thí dụ 1: Khi nhà thầu khoán cam kết sẽ sửa chữa một ngôi nhà, sở hữu chủ ngôi nhà có một trái quyền đối với nhà thầu khoán đó. Trái quyền này có tính cách một động sản vì đối tượng của nó không phải là ngôi nhà mà là công việc sửa chữa đã hứa.
– Thí dụ 2: Quyền thuê nhà (mướn phố), phát sinh từ một khế ước lập giữa sở hữu chủ và người thuê, là một trái quyền có tính cách một động sản vì đối tượng của nó không phải là ngôi nhà mà là nghĩa vụ của chủ nhà phải để ngôi nhà cho người mướn dùng. Tất cả những chứng khoán trên thị trường chứng khoán, những cổ phần trong các công ty thương mại hay kỹ nghệ đều là động sản. Những cổ phần trong công ty thực ra là những món nợ mà cổ phần viên được quyền đòi công ty. Tính cách động sản của nó là hợp lý. Ngày nay loại động sản này có nhiều giá trị, có khi quý hơn bất động sản.
C) Những quyền sở hữu vô hình (như tác quyền) cũng là động sản. Tính cách động sản của các quyền nầy hoàn toàn giả định nên phải do luật pháp qui định. Thực ra nó đã vô hình thì làm sao còn có thể biết nó là động sản hay bất động sản được.
Nói tóm lại, từ những phân tích trên đây đã đưa tới một nguyên tắc tổng quát là những quyền lợi nào không được coi là bất động sản thì đều là động sản, dù tính cách động sản không rõ rệt.
143._ Những vật quyền về bất động sản sau đây được coi là bất động sản do đối tượng hay do chủ đích: 1) Quyền sở hữu; 2) Quyền dụng ích, 3) Quyền cư dụng, 4) Quyền thuê nhà dài hạn; 5) Quyền địa dịch. 6) Quyền cầm thê bất động sản; 7) Quyền để đương. Ngoài ra tố quyền để đòi bất động sản cũng là một quyền lợi bất động sản (464 DLT).
144._ Những quyền lợi về động sản sau đây được coi là động sản do luật định: 1) Những vật quyền trên động sản, 2) Tố quyền kiện đòi một động sản, 3) Cổ phần, trái khoán, hiện kim, quốc trái, công trái; 4) Sản nghiệp thương mại. 5) Các trái quyền, 6) Quyền sở hữu văn chương , mỹ thuật, kỹ nghệ (điều 469 DLT).
MỤC III._ SẢN NGHIỆP
145._ Khái niệm sản nghiệp thiết lập dây liên liên lạc giữa những tài sản và những nghĩa vụ của một cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, tất cả những tài sản và nghĩa vụ hợp thành một khối gọi là sản nghiệp (patrimoine). Khái niệm sản nghiệp thực ra không được bộ Dân luật nói đến nhưng đã do học lý xây dựng và án lệ công nhận. Đây là một vấn đề tế nhị vì quá trừu tượng. Ta lần lượt xét về thành phần của sản nghiệp rồi về các đặc tính pháp lý của sản nghiệp.
ĐOẠN 1._ Thành phần sản nghiệp
Sản nghiệp của một cá nhân gồm có hai phần: Phần tích sản và phần tiêu sản.
A._ Tích sản: tích sản là tât cả những tài sản của một người, cả những tài sản hữu hình và các quyền lợi. Vì là một khối toàn ngạch (universalite) nên sản nghiệp có tính cách trừu tượng. Sản nghiệp đứng riêng, biệt lập hẳn với những thành tố cấu tạo ra nó. Thí dụ: Những quyền của chủ nợ trên các tài sản của con nơ, không áp dụng cho sản nghiệp của con nợ lúc vay nợ, mà áp dụng cho sản nghiệp này lúc đòi nợ. Có nghĩa là, trong khoảng thời gian giữa lúc vay và lúc đòi, nếu con nợ bán mất tài sản nào thì chủ nợ không còn quyền gì trên tài sản đã bán (ngoại trừ các chủ nợ được bảo đảm bằng quyền để đương). Nhưng trái lại, cũng trong thời gian đó nếu con nợ mua thêm một tài sản nào thì tài sản này cũng nhập vào sản nghiệp và chủ nợ cũng có quyền trên tài sản đó. (hay). Trong khái niệm sản nghiệp, người ta còn đi xa hơn nữa. Khi món nợ đáo hạn, con nợ không trả được (vì tài sản khánh kiệt) thì về sau này, trong tương lai, nếu con nợ làm ăn khá giả, lại có tài sản, lúc đó chủ nợ vẫn còn quyền đòi nợ trên tài sản nầy. Như vậy sản nghiệp gồm những tài sản hiện có và trong tương lai của một cá nhân.
B._Tiêu sản: Tiêu sản gồm tất cả những nợ phải trả của một cá nhân. Vì sản nghiệp là một khối toàn ngạch nên tích sản và tiêu sản gắn liền với nhau. Như vậy sự chuyển di sản nghiệp không những là sự chuyển giao các tài sản mà là cà sự chuyển giao các món nợ chưa trả và phải trả. Trườn ghợp chuyển di sản nghiệp xảy ra khi một người chết đi: Sản nghiệp của người chết chuyển giao cho người thừa kế. Thừa kế phải nhận cả phần tích sản lẫn phần tiêu sản. Vì vậy sự chuyển di sản nghiệp của môt người không thể thực hiện khi người đó còn sống. Những đặc tính của sản nghiệp sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về điểm này.
ĐOẠN 2: Những đặc tính của sản nghiệp
146._ Những đặc tính của sản nghiệp được trình bày trong học thuyết cổ điển do học lý xây dựng.
A._ Học thuyết cổ điển về sản nghiệp.
Ý kiến chính yếu trong học thuyết này là sản nghiệp xuất phát từ nhân cách tính (personnalité). Sở dĩ thành phần của sản nghiệp được hợp nhất làm một khối vì tât cả những tài sản đó và tất cả những trách vụ đó thuộc về một người. Nguyên tắc này đưa đến các đặc tính sau đây của sản nghiệp:
1. Chỉ có người mới có sản nghiệp, chỉ có người mới có khả năng thi hành nghĩa vụ và chiếm hữu tài sản. Vì vậy có quyền lợi là phải có chủ thể. Nhưng chủ thể quyền lợi có thể là một thể nhân hay một pháp nhân (như hội hay hiệp hội).
2. Dù giàu hay nghèo, ai cũng có một sản nghiệp. Sản nghiệp này có thể chỉ gồm có những nợ chưa trả. Tuy nhiên, sản nghiệp đó, hướng về tương lai, vẫn được coi là có khả năng nhận lãnh những quyền lợi có thể có sau này.
3. Tính cách bất khả chuyển nhượng của sản nghiệp: Hậu quả của đặc tính này là một cá nhân còn sống không chuyển di sản nghiệp của mình cho người khác được. Nói cách khác, khi nhân tính chưa mất thì sản nghiệp không chuyển nhượng được. Về phương diện thực tế, một cá nhân có thể bán hoặc đem cho hết của cải và quyền lợi của mình; nhưng dù không còn gì, sản nghiệp của người đó vẫn còn lại như một thực thể trừu tượng, vì trong tương lai cá nhân đó vẫn có khả năng vay nợ hoặc hưởng thụ những quyền lợi mới. Những quyền lợi và những món nợ tương lai này sẽ nằm trong sản nghiệp của người đó. Sở dĩ chỉ chuyển giao sản nghiệp được khi chủ thể đã chết là vì chết đi thì mới mất nhân cách tính, mà có mất nhân cách tính thì mới không còn sản nghiệp.
4._ Tính cách bất khả phân của sản nghiệp: Mỗi người chỉ có một sản nghiệp. Mỗi người chỉ có một sản nghiệp. Nguyên tắc bất khả phân của sản nghiệp có nghĩa là những tài sản và trách vụ của một người không thể phân tán ra thành nhiều khồi riêng rẽ, mỗi khối với một tích sản và một tiêu sản riêng.
B._ Phê bình học thuyết cổ điển về sản nghiệp
Ngày nay người ta dị nghị nhiều về học thuyết cổ điển. Có người chủ trương rằng sản nghiệp không lệ thuộc vào nhân cách tính. Nó chỉ là một khối tài sản được sung dụng vào một mục đích nhất định. Dây liên lạc ràng buộc các thành phần của khối do ở sự cùng chung một dụng đích. Họ thuyết mới về sản nghiệp đưa đến hai hệ luận là:
a) Có thể có những sản nghiệp vô chủ,
b) Nguyên tắc bất khả phân của sản nghiệp không không còn đúng nữa.
Khi ta đã quan niệm sản nghiệp không lệ thuộc vào nhân cách tính thì ta dễ chấp nhận ý kiến một cá nhân có nhiều sản nghiệp. Muốn như vậy chỉ cần phân tích tài sản của một người ra làm nhiều khối rồi gán cho chúng những mục đích khác nhau: Mỗi khối sẽ có một tích sản và một tiêu sản riêng. Học thuyết mới này chưa được án lệ và đa số học lý chấp nhận. Tuy nhiên, ngày nay người ta công nhận là nguyên tắc bất khả phân của sản nghiệp không có tính cách tuyệt đối như học thuyết cổ điển đã quan niệm. Trong thực tế, có những tài sản của một cá nhân được tách ra làm nhiều khối, mỗi khối có những qui tắc riêng chi phối, mỗi khối có một tiêu sản riêng. thí dụ: Khi học về chế độ hôn sản, ta sẽ thấy rằng người đàn bà lấy chồng có thể có tài sản riêng. Những tài sản riêng này là những tài sản tạo mãi được nhờ ở hoạt động nghề nghiệp của người đó. Những của riêng này hợp thành một khối tự trị được quản trị theo những qui tắc riêng. Ngày nay nguyên tắc bất khả phân của sản nghiệp vẫn còn được công nhận, nhưng nó không còn tính cách tuyệt đối như xưa. Chỉ trong trường hợp luật pháp dự liệu, sản nghiệp mới có thể phân ra thành từng kho61irie6ng biệt. Cá nhân không có quyền tự ý phân tách tài sản của mình ra làm nhiều khối và cho mỗi khối một dụng đích khác nhau./.
Bình luận