Khi viết đến kỳ 8 – Cuộc Gặp Định Mệnh, tôi mới cân nhắc đưa hình của ông Trần Kim Chung và cô Lưu Ngọc Thúy Vân theo bài viết. Nhưng sau đó, đêm khuya tỉnh giấc, tôi lại lấy xuống vì tôi nghĩ rằng, hình ảnh của một người, một doanh nghiệp đi liền với các cáo buộc gian dối là rất nghiêm trọng đối với họ và người thân của họ, không chỉ hôm nay mà còn lâu dài. Nhưng rồi, tôi phải đưa lên lại vì những gì mà họ đã gây ra cho tôi và xã hội là rất nghiêm trọng hơn nhiều. Hơn nữa, trước khi mở mặt trận truyền thông và pháp lý, tôi đã làm tất cả những gì có thể để tránh cuộc chiến này. Thậm chí, tôi đã từng ra tối hậu thư gửi đến họ và các luật sư của họ, đợi họ, mong họ quay đầu vào bờ. Câu chuyện là hết sức ly kỳ.
Sau khi trả máy C1070P và nhận được 1,32 tỉ đồng, tôi dùng số tiền này để trả nợ và thanh lý hợp đồng cho thuê tài chính để nắm quyền sở hữu máy C1100. Tôi thông báo cho ông Trần Kim Chung biết mọi thủ tục đã sẵn sàng, chờ ông Chung thu hồi máy như đã thỏa thuận trong phiên họp ngày 6/8/2015.
Ngày 18/08/2015, ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Anh Kim và cô Mai Thị Thùy Dương đến Printing Shop của chúng tôi. Lần này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm lánh mặt.
Thật bất ngờ, trong lần gặp này, ông Trần Kim Chung đưa ra đề nghị mua lại máy chứ không thu hồi máy. Tôi đã giải thích là tôi chỉ trả máy chứ không thể ký hợp đồng mua bán vì thực chất tôi không phải là người bán máy. Ông Chung viện dẫn lý do rất lằng nhằng để xin mua lại nhưng tôi kiên quyết không bán máy mà chỉ trả máy. Cuối cùng, tôi nói:
– Tôi là một luật sư, tôi không thể làm một việc không đúng pháp luật. Tôi khẳng định với anh là máy này tôi mua của anh, chỉ trả cho anh chứ tôi không bán cho anh.
– Tôi mua lại sao anh không bán?
– Không. Ở đây không có chuyện mua lại. Tôi trả lại cho anh chứ tôi không bán. Anh nhận hay không là quyền của anh.
Đến đây thì ông Nguyễn Duy Kim, Phó giám đốc Sao Nam, nói xen vào:
– Về hình thức thì mình ký hợp đồng mua bán, anh.
Tôi to giọng:
– Không!. Không! Không ký hợp đồng mua bán!. Tôi trả máy lại cho anh chứ không ký hợp đồng mua bán. Tôi trả máy lại cho anh, nếu các anh không làm được vấn đề đó là không làm. Có nghĩa là, ở đây, bản chất vấn đề là trả máy chứ không bán máy. Các anh nên nhớ là thế này, không phải tự nhiên anh khùng, anh lên đây muốn mua cái máy mấy tỉ bạc? Anh có khùng không?
– Tụi này không muốn ! Ông Nguyễn Anh Kim trả lời tôi.
– Không muốn thì zậy đây tôi trả lại cho anh thì anh phải nhận chứ tại sao lại đi mua? Đã mua bán là phải thuận mua vừa bán. Anh hiểu ý tôi nói không? Mua bán có đặc điểm là phải trung thực và phải để cho người ta thuận, anh không ép người ta được. Rõ ràng việc này tôi phải ép anh phải mua ba tỉ mấy. Tôi đâu có bán, tôi đâu có bán đâu …
Rồi ông Chung nói:
– Bây giờ anh cứ suy nghĩ đi, Sao Nam mua lại chứ không trả lại.
– Hết ! không gặp nhau nữa!
Tôi xô ghế đứng dậy, giận dữ đuổi họ về và nói:
– Ngày mai sẽ giải quyết việc này luôn cho nó xong việc. Này, mầy lấy của tau ba tỉ tư … nói cho mầy biết, Đ.M mầy, đi bán hàng mà ăn cướp! Về! thương lượng với mầy để mầy xong việc của mầy. đồ chó! Già mà, đ.m mầy tham. Tau nói cho mầy, đ.m, tau quất mày chết! Đồ ăn cướp.!
Bây giờ, ngồi nghe lại băng ghi âm, tôi không biết tại sao lúc đó mình lại hành xử đúng đắn một cách bản năng như vậy-Chỉ trả máy chứ không bán máy. Sau này, nghe ông Đào Việt Linh nói lý do mua lại, tôi mới nhận ra vấn đề là Luật sư của họ đã tư vấn cho Konica Minolta giấu mặt, để Sao Nam mua lại nhằm xóa dấu vết sự gian dối phải thu hồi.
Khi đã bớt nóng giận, tôi gọi điện cho ông Đào Việt Linh, khuyên họ nên lấy máy về. Ông Linh gửi email cho tôi năn nỉ tôi bán lại máy cho họ nhưng tôi không thể bán. Lúc đầu, tôi chưa hiểu hết các thủ đoạn của các luật sư xúi họ mua lại nhưng bản năng trung thực của tôi đã cứu tôi trong vụ này. Nếu tôi dại dột ký hợp đồng mua bán thì tôi sẽ rơi vào tình huống bị động về pháp luật, rất nguy hiểm. Hợp đồng mua bán này che giấu hợp đồng thu hồi nên vô hiệu theo điều 124 Bộ Luật Dân Sự. Hơn nữa, trước đó, tôi nói với họ là nếu không trả tiền cho tôi thì tôi sẽ đánh cho họ “lên bờ xuống ruộng”. Hợp đồng ký trong trường hợp bị đe dọa thì bị vô hiệu theo điều 127 Bộ Luật Dân Sự. Nếu họ quật ngược lại thì mình có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự trường hợp của anh Võ Văn Minh trong vụ án con ruồi trong chai nước ngọt Number One.
Tôi phải giữ sự đúng đắn của mình và tôi rất mong họ lấy máy về để tôi lo làm ăn. Tôi lo lắng việc thu hồi máy bất thành sẽ nguy hiểm cho tất cả nên tôi đợi họ.
Ngày 20/08/2015, bằng email, tôi gửi một tối hậu thư đến tất cả những người có liên quan, kể cả các luật sư của họ. Tôi giao cho nhân viên Saigonbook dịch thư ra tiếng Anh và gửi vào hộp thư của Tadasu Ichino, Osafumi Kawamura và Makito Nakamura. Trong thư, tôi nói rõ là tôi sẽ đợi họ đến 17 giờ ngày 23/08/2015. “Hãy trả lời cho tôi biết là các ông bà có thu hồi máy C1100 này hay không? Nếu không, tôi sẽ bắt đầu mở mặt trận truyền thông”. Họ đã im lặng. Tôi coi sự im lặng này là một thách thức. 9 giờ 13 phút, thứ hai, ngày 24/08/2015, tôi nhấn nút khai hỏa trận đánh truyền thông như đã nhiều lần cảnh báo cho họ trước đó.
Bình luận