Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

10. Sự giải tán hội buôn (1289-1328)

SỰ GIẢI TÁN HỘI BUÔN 

1298._ Hội buôn là một pháp nhân được tạo ra do sự kết ước giữa các hội viên. Sự sinh tồn của pháp nhân cũng tùy thuộc sự kết ước ấy. Thường thì thời gian sinh sống của hội được ấn định ngay trong khế ước; nếu khế ước không ấn định thời gian, mỗi hội viên, trên nguyên tắc, đều có thể xin giải tán hội với những điều kiện sau đây sẽ nói rõ ở số 1302. Hội cũng không còn tồn tại nếu bản vốn của hội bị tiêu tán hết, làm cho hội không còn phương tiện hoạt động, hay nếu mục tiêu đã đạt, hoặc bị luật cấm, làm cho hội không còn lý do tồn tại. Trong những công ty đối nhân, cá nhân của hội viên là một yếu tố quan trọng, cho nên sự thay đổi tình trạng pháp lý của cá nhân ấy, sự khiếm khuyết nghãi vụ hội viên, sự mệnh một cũng có thể làm cho hội bị tan rã. Trước hết, ta sẽ xét về những nguyên nhân kể trên, là những nguyên nhân làm cho hội buôn phải giải tán, sau đó, sẽ xét đến những hậu quả của sự giải tán.
1299._ Giải tán do ý muốn của hội viên: Thời gian sinh sống của hội buôn thường là được ấn định ngay trong khế ước lập hội. Theo thông lệ, công ty đối vốn được ấn định kỳ hạn dài hơn công ty đối nhân, vì chính đời sống con người cũng ngắn ngủi, lại còn tùy thuộc vào những tai biến không lường trước được, khiến cho thời hạn của công ty đối nhân không thể ấn định quá dài. Ở Việt Nam kỳ hạn trung bình được ấn định cho công ty nặc danh là từ 50-75 năm và cho công ty TNHH là từ 20-30 năm. Nếu kỳ hạn của hội viên đã được các hội viên thỏa thuận ấn định, thì tới kỳ hạn ấy, hội đương nhiên giải tán.
1300._ Mặt khác, các hội viên cũng có thể quyết định giải tán hội trước  khi hết hạn. Theo điều 1470 DLT, 1871 DLP, 1291 DLVN 1972, Một hội viên có thể đệ đơn xin tòa tuyên án giải tán hội nhưng phải có lý do chính đáng, như sự khiếm khuyết nghĩa vụ của hội viên (1311, 1312), hay sự tiêu thất quá một nửa số vốn của hội. Sự bất hòa giữa các hội viên cũng là một l1y do chính đáng, nếu có tính cách quan trọng, làm cho các hội viên không còn hợp tác được nữa. Tuy nhiên, một hội viên không thể chính mình gây mâu thuẫn để dựa vào duyên cớ ấy xin giải tán hội, vì sự bất hòa mâu thuẫn do chính thái độ khiêu khích của mình gây ra. Sự giải tán hội trước khi tới thời gian dự định phải được toàn thể hội viên ưng thuận, trừ phi hội quy có dự liệu một tỷ lệ khác cho sự biểu quyết về vấn đề ấy. Sự tan hội bất thần như vậy cần phải thông báo cho người đệ tam biết, vậy biên bản giải tán hội phải được ký thác tại phòng lục sự, đăng báo và khai trình vào sổ thương mại (1257, và kế tiếp).
1301._ Thay vì giải tán hội trước khi hết hạn, các hội viên ngược lại, cũng có thể gia tăng kỳ hạn để hội tiếp tục sinh sống sau khi hết hạn. Sự gia tăng phải được quyết định trước khi mãn hạn thời gian đã ấn định trước: như vậy, khi tới hạn, hội sẽ tiếp tục sinh hoạt như thể thời hạn của hội chưa chấm dứt. Nếu hội đã hết hạn rồi thì theo lẽ, kỳ hạn của hội không thể được gia tăng: muốn hoạt động trở lại, hội phải được tái lập. Ở Việt Nam, không có luật nào ấn định một thời gian bắt buộc trước khi hội hết hạn, để các hội viên quyết định về sự gia tăng; các hội viên có thể tùy nghi quyết định về việc này vào lúc nào xét ra thuận tiện. Dù sao, sự gia tăng thời hạn, kéo dài thêm đời sống của hội, phải được công bố cho người đệ tam biết cũng như sự giải tán trước  khi hết hạn (1299).
1302._ Nếu hội không có kỳ hạn ấn định trước, th2i mỗi hội viên đều có quyền tuyệt đối xin giải tán hội, theo điều 1468 DLT, 1869 DLP, 1292-1294 DLVN 1972, không cứ là hội đã hoạt động được bao lâu. Nhưng hội được thành lập vì lợi ích chung cho tất cả các hội viên, cho nên hội viên chỉ có thể xin giải tán với hai điều kiện: a) Không có gian ý; b) hội không bị giải tán vào lúc bất hợp thời. Điều 1469 DLT, 1870 DLP có đề ra một vài trường hợp tiêu biểu cho gian ý của hội viên và tính cách bất hợp thời của sự giải tán: thí dụ xin ra khỏi hội, làm cho hội phải tan rã để hưởng riêng những lợi lộc mà đáng ra là hội được hưởng; chẳng hạn, xin ra hội để lãnh riêng một việc thầu có lãi mà chính hội đang dự định làm, như vậy là có gian ý; Xin ra hội làm cho hội bị giải tán phải phát mại tài sản để thanh toán vào lúc tình trạng kinh tế khó khăn, bất lợi, là xin giải tán vào lúc bất hợp thời.
1303._ Hội viên muốn ra khỏi hội sẽ phải tống đạt ý định của mình cho các hội viên khác (điều 1468 DLT). Theo điều 1469, nếu có sự bất đồng ý kiến giữa các hội viên, tòa án sẽ xét định, hoặc chấp nhận điơn xin giải tán, hoặc cho hội được duy trì, và, trong trường hợp này, tòa sẽ ấn định những điều kiện để hội được duy trì. Vấn để ra khỏi hội như trên chỉ đặt ra cho hội viên một công ty đối nhân; nếu là công ty đối vốn, cổ đông viên chỉ được đem bán cổ phần của mình là không còn liên hệ gì với công ty nữa (104 TMTP).
1304._ Giải tán vì những lý do thuộc về pháp nhân hội: Hội thương mại đương nhiên là hội pháp nhân. Nhưng nếu có một đạo luật mới ban hành, bãi bỏ một  loại hội buôn nào đó, th2i những hội buôn này phải giải tán, không hoạt động được nữa. Thí dụ cổ điển là những công ty TNHH ở Pháp thành lập dưới chế độ luật ngày 23-5-1863. Đạo luật ngày 24-7-1867, điều 47, đã bãi bỏ những công ty này và cho phép hoán cải thành công ty vô danh.
1305._ Lập hội phải có ít ra là hai người, như ta đã biết. Vậy nếu hội chỉ còn một người vì các hội viên khác đều đã nhượng phần hội một cách hợp lệ cho người này, thì với hội viên đơn độc còn lại, pháp nhân hội không thể tồn tại, hội phải giải tán.
1306._ Nếu mục đích của hội đã đạt được rồi, hay nếu mục đích ấy, trước kia, được luật pháp chấp nhận, nay bị cấm chỉ, hội cũng sẽ phải giải tán, vì lý do hoạt động của hội không còn nữa (điều 1467 DLT, 1865 DLP; 1289 DLVN 1972).
1307._ Nếu tài vật của hội viên định góp vào hội bị tiêu thất trước khi giao cho hội, thì hội cũng sẽ phải giải tán, thí dụ một hội viên định đem một nhà máy xay lúa gọp phần vào hội, nhưng nhà máy bị bom đạn phá hủy trước khi được giao cho hội. Cũng trong ý niệm ấy, hội sẽ phải giải tán nếu hội làm ăn thua lỗ, bản vốn bị khánh kiệt: Theo điều 1467 DLT, nếu vốn đã mất hết, hay mất tới một số do khế ước lập hội ấn định, hội sẽ đương nhiên giải tán; Theo điều 1865 DLP, hội chỉ đương nhiên giải tán trong trường hợp bản vốn bị mất hết; nếu vốn hội chỉ bị mất một phần thì sự giải tán sẽ do tòa án quyết định theo đơn xin của một hội viên nào muốn chấm dứt hoạt động của hội.
1308._ Giải tán vì lý do riêng biệt về cá nhân một hội viên: Các trường hợp giải tán trình bày trong đoạn này đều nhằm vào loại công ty đối nhân vì chỉ trong loại công ty này, cá nhân của hội viên mới có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống của hội. Trước hết, nếu một hội viên mệnh một, hội cũng sẽ tan rã, trừ phi khế ước có dự liệu trước rằng hội được tiếp tục với các hội viên còn lại, hoặc với các thừa kế của hội viên mệnh một (số 1292).
1309._ Nếu một hội viên không còn đủ điều kiện theo luật định để làm hội viên trong một công ty thương mại, thì công ty cũng phải giải tán. Những trường hợp thực tế có thể xảy ra là một hội viên bị tuyên xử khánh tận, hoặc bị cấm quyền, hoặc một hội viên vị thành niên đã được thoát quyền và được  phép làm thương mại nay bị thu hồi sự thoát quyền hay không được phép buôn bán nữa (1467 DLT, 1865 DLP, 1289 DLVN 1972)
1310._ Một hội viên đã cam kết góp phần hùn bằng tiền bạc là trở thành con nợ của hội về món tiền đã hứa và có nghĩa vụ phải nạp đủ món tiền ấy, ngoài ra, còn phải đương nhiên chịu tiền lãi và có thể phải bồi thường theo điều 1437 DLT, điều 1486 DLP (1245). (Xem 1272 DLVN 1972). Sự bắt buộc hội viên khiếm khuyết phải nộp tiền hùn như trên, thực ra, trái nghịch với quyền tự do nhập hội của đương sự, cho nên, thiết tưởng điều 1437 DLT phải được áp dụng riêng cho trường hợp phần hùn bằng tiền bạc, thay vì áp dụng một cách rộng rãi, theo văn tự của điều luật, cho cả trường hợp hội viên hứa hẹn góp phần hùn bằng hiện vật. Ta nhận xét rằng điều 1846 DLP, tương đương với điều 1437 DLT vừa kể, chỉ đề cập đến riêng trường hợp phần hùn bằng tiền bạc mà thôi. Dù sao, nếu một hội viên khiếm khuyết nghĩa vụ, không góp phần hùn đã hứa, mỗi hội viên có quyền xin tòa tuyên án giải tán tên hội. Quyền này không thể được khế ước lập hội trút bỏ.
1311. _ Một vấn đề được đặt ra là, thay vì xin giải tán hội, các hội viên có thể xin trục xuất hội viên khiếm khuyết nghĩa vụ để hội được tồn tại không? Học thuyết cho rằng tòa không có quyền thay đổi thành phần hội viên, sửa đổi khế ước lập hội và thanh toán riêng quyền lợi của hội viên bị trục xuất. Ý kiến này xem ra hơi quá đáng, vì hội viên ngoan cố, không chịu góp phần hùn, là đã phát biểu rõ rệt ý định không muốn có chân trong hội, trong khi các hội viên khác đã bày tỏ ý kiến duy trì việc lập hội, như vậy không có lý do gì quan yếu để tòa làm trái ý muốn của cả hai bên. Dù sao, học thuyết và án lệ, đều chấp nhận rằng khế ước lập hội có thể dự liệu sự trục xuất hội viên khiếm khuyết nghãi vụ ra khỏi hội, với hậu quả là hội vẫn tồn tại với những hội viên khác. Điều khoản trục xuất được coi là hữu hiệu. Bản án giải tán hội không có hiệu lực hồi tố, chỉ có hiệu lực từ ngày được tuyên, vì bản án tạo ra một tình trạng mới, là tiêu diệt một pháp nhân hiện hữu. Nhưng nếu có kháng cáo mà án sơ thẩm được chuẩn y, thì sự giải tán sẽ kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Đó chỉ là sự áp dụng nguyên tắc thường pháp về hiệu lực của án văn.
2. Hậu quả của sự giải tán:
1312._ Khi hội bị giải tán, sản nghiệp của hội không có người đứng chủ, vì pháp nhân của hội đã bị tiêu diệt. Sản nghiệp này nhờ sự đóng góp của hội viên mà có, do đó, phải phân chia cho các hội viên là những người đã gầy dựng nên hội. Để tiến tới việc phân chia, phải biêt rõ tiêu sản và tích sản của hội, nghĩa là phải biết rõ thành tố sản nghiệp của hội, tóm lại trong một chữ là phải thanh toán hội.
1313._ Thanh toán: Thanh toán, trong tiếng Việt Nam, có nghĩa thông thường là hoàn tất, làm xong một việc gì đó; một món nợ đã được trả đủ cũng gọi là đã được thanh toán. Thanh toán một hội buôn có hai nghĩa, một nghĩa vật chất và một nghĩa pháp lý. Nghĩa vật chất là làm kế toán để nêu rõ hội có bao nhiêu công nợ (tiêu sản) và có bao nhiêu của cải (tích sản); Nghĩa pháp lý nhằm chỉ những tác vụ pháp lý của sự thanh toán a) trang trải những món nợ mà hội còn thiếu; b) thu hồi những trái quyền thuộc tài sản của hội, tức là những món nợ do hội là chủ nợ mà chưa được trả; c) hoàn tất những công việc hội đang làm dở dang; và, sau hết d) ấn định số lỗ lãi về phần mỗi hội viên phải gánh chịu hay được hưởng. Đó là những hành vụ pháp lý được đặt ra cho nhiệm vụ của thanh toán viên do điều 1473 DLT, 1298 DLVN 1972. Thêm vào đó, nếu hội có bất động sản, và động sản thực tế, còn phải phát mại những tài sản này để lấy tiền chia cho các hội viên. Điều 164 LTM 1972 định rõ rằng thanh toán viên được trao quyền rộng rãi để hiện kim hóa tích sản của hội, kể cả bằng cách thức thỏa thuận trả các khoản nợ của hội và phân chia kết số dư, trừ những hạn chế do các hội viên hay tòa ấn định.
1314. _ Trong thời kỳ thanh toán, pháp nhân hội được tồn tại như ta đã biết (1198). Sự tồn tại này được xác định trong điều 1471 DLT, 160 DLVN 1972. Chính vì vậy, hội vẫn còn tư cách pháp nhân, nên hội vẫn giữ nguyên trụ sở và thanh toán viên có thể hành xử những tố quyền của hội, và tiếp tục thi hành những khế ước do hội ký kết mà sự thi hành còn dở dang, chưa hoản tất. Nhưng người đệ tam vẫn còn quyền kiện hội, các giấy tờ kiện cáo vẫn được tống đạt về trụ sở của hội. Đối với chủ nợ của hội, tài sản của hội vẫn là bảo đảm riêng cho quyền lợi của họ, không phải chịu sự cạnh tranh của các chủ nợ riêng của hội viên.
1315._ Khi hội đã ở tình trạng thanh toán, thì chủ nợ nào cũng có quyền đòi được trả, dẫu rằng món nợ chưa đến hạn. Tuy nhiên, nếu kỳ hạn có lợi cho chủ nợ, thí dụ nợ có sinh lời, chủ nợ có quyền không nhận nợ vội, mặc dù thanh toán viên đề nghị xin trả. Thực tế, để “chắc ăn“, chủ nợ chẳng dại gì từ chối.
1316._ Chỉ định thanh toán viên: Khế ước lập hội, nhiều khi, chỉ định sẵn một thanh toán viên. Nếu không có sự chỉ định trước, việc thanh toán có thể do tất cả các hội viên cùng làm, hoặc giao cho một vài hội viên, hay một người đệ tam phụ trách; nếu các hội viên không thỏa thuận được để lựa chọn một thanh toán viên, tòa án sẽ chỉ định, mặc dù sự giải tán hội không phải do tòa tuyên phán.
1317._ Thanh toán viên do các hội viên chỉ định có tư cách là một thụ ủy và có thể do họ bãi chức bất cứ lúc nào, dẫu là đã được chỉ định trong hội quy, ngoài ra, bất cứ hội viên nào cũng có thể xin tòa bãi chức thanh toán viên, nếu có lý do chính đáng. Thể thức cửa thanh toán viên được LTM 1972 quy định riêng biệt cho mỗi thứ hội buôn tại điều 163 và sự bãi chức tại điều 167.
1318._ Quyền hạn của thanh toán viên: Trong sự thi hành nhiệm vụ thanh toán (1313), không phải thanh toán viên có quyền tự ý làm bất cứ việc gì để hoàn thành nhiệm vụ ấy. Những công việc trong nhiệm vụ này là những công việc mà thanh toán viên có bổn phận làm; nhưng làm theo cách nào lại là vấn đề khác: đó là vấn đề quyền hạn của thanh toán viên. Trước hết, theo điều 1475 DLT, thanh toán viên có quyền phát mại những đồ vật có thể bị hư hại mau chóng, thí dụ nững thực phẩm có thể bị thời tiết làm hư không dùng được nữa. Theo điều 1476, nếu quyền hạn của thanh toán viên không được định rõ (do các hội viên hay do tòa án), thì thanh toán viên có thể bán những đồ đạc, nếu cần bán để trả những món nợ đáo hạn, nhưng nếu đồ đạc đáng giá trên 50$ thì phải bán đấu giá, trừ phi đa số các hội viên hay tòa án đã định khác. Với vật giá ngày nay chẳng có đồ vật gì có thể mua với giá dưới 50$, điều luật đã trở thành quá lạc hậu. Để tránh những trường hợp tương tự về sau, điều 164, đoạn 2 LTM 1972, đã chấp nhận một quy lệ trái hẳn: thanh toán viên được quyền rộng rãi để hiện kim hóa (tứ là đem bán lấy tiền) bât cứ tài sản nào của hội, kể luôn cả bất động sản, bằng cách tương thuận, trừ phi các hội viên, hay tòa án có hạn chế quyền ấy. Như vậy, trái với điều 1476 hiện hành, nguyên tắc tương lai là thanh toán viên có quyền bán tương thuận bất kể tài sản gì của hội, trừ phi quyền hành này bị các hội viên hay tòa hạn chế, hay có luật định khác. Về các hội dân sự phải áp dụng điều 1301 DLVN 1972. Về các bất động sản, theo điều 1477 DLT, thanh toán viên chỉ có quyền đoạn mại hay cầm cố, nếu được đa số hội viên hay tòa án cho phép, và bắt buộc phải bán đấu giá, trừ phi được toàn thể hội viên cho phép bán tương thuận.
1319._ Về các trái quyền, thanh toán viên có quyền khởi kiện hay theo kiện, có quyền điều đình về công nợ của hội, dù hội là con nợ hay chủ nợ, cũng như về quyền lợi khác của hội; sự điều đình có hiệu lực đối kháng với các hội viên, chỉ có thể bị kích phá nếu có sự thông đồng gian trá giữa thanh toán viên và người đệ tam.
1320. _ Ở Nam phần, không có Dân luật riêng, vì trong thời kỳ Pháp thuộc, Bộ Dân luật Pháp được áp dụng, ngoại trừ những vấn đề do tục lệ chi phối như gia đình, di sản, (Xem 1297 và kế tiếp DLVN 1972). Vấn đề quyền hạn của thanh toán viên được giải quyết do án lệ và thực hành, vì bộ dân luật Pháp không quy định đầy đủ như Dân luật Trung. Đại cương về những hành vi quan trọng, thí dụ như đoạn mại một đồ vật có giá trị lớn, thanh toán viên, để được bao yểm trách nhiệm, thường là xin phép các hội viên, hay tòa án nếu là thanh toán viên do tòa án chỉ định.
1321. Thanh toán viên, sau khi hoàn thành công tác, phải làm phúc trình để các hội viên hay tòa án duyệt y. Các hội viên sẽ quyết định theo đa số, nếu không có điều khoản nào trong khế ước dự liệu một cách biểu quyết khác. Điều 166c LTM 1972 định rằng, các hội viên quyết định theo đa số hội viên có đa số vốn, nếu là hội hợp danh, hội hợp tư đơn thường ah hội trách nhiệm hữu hạn; Và theo những điều kiện về định túc số và đa số dự liệu cho các đại hội đồng thường lệ, nếu là hội cổ phần. Thanh toán viên là một thụ ủy của các hội viên, phải chịu trách nhiệm theo luật định về sự ủy quyền. Điều 168, đoạn 2 LTM 1972, định rằng, trong khi thi hành nhiệm vụ, thanh toán viên phải chịu trách nhiệm dân sự hình sự như quản trị viên trong hội nặc danh: Trách nhiệm này như thế nào, ta sẽ nói rõ trong phần dành cho công ty nặc danh, (xem 169 LTM 1972).
1322._ Phân chia: _Giai đoạn thanh toán là giai đoạn sửa soạn cho sự phân chia. Sau khi đã biết rõ kế số tài sản của hội do sự thanh toán, nay phải phân chia kết số ấy cho các hội viên. Nếu tài sản của hội, tổng cộng mọi thứ, không đủ trả nợ, thanh toán viên sẽ phân phối số nợ còn lại giữa các hội viên; nhưng thanh toán viên không có quyền khởi tố buộc các hội viên phải trả số nợ ấy, vì lẽ thanh toán viên là thụ ủy của các hội viên, không phải là thụ ủy của các chủ nợ. Vấn đề này chỉ đặt ra cho công ty đối nhân và riêng cho các công ty hợp danh, công ty hợp tư đơn thường (1233), vì trong những công ty khác như công ty TNHH và công ty cổ phần, hội viên không phải chịu trách nhiệm cá nhân về công nợ của hội. Số nợ sẽ phân phối như thế nào giữa các hội viên, phân phối đồng đều hay phân phối theo tỷ lệ phần hùn? Luật không quy định rõ về điểm này: Thực tế, khế ước lập hội bao giờ cũng có quy định về phương thức phân phối, vậy chiếu theo khế ước làm căn bản. Nếu khế ước không định trước, thanh toán viên làm đề nghị để các hội viên quyết định. Các hội viên sẽ quyết nghị theo tỷ lệ đa số đã định trong hội quy. Hội viên nào bất đồng ý kiến cố nhiên có quyền xin tòa xét xử.
1323._ Nếu sau khi trả hết các món nợ, tài sản của công ty còn dư, thanh toán viên sẽ phân chia số tài sản ấy cho các hội viên theo như khế ước lập hội đã định. Nếu khế ước không định rõ phải phân chia như thế nào, thì, trước hết, thanh toán viên sẽ hoàn lại cho mỗi hội viên trị giá phần hùn của họ; hội viên nào chỉ góp phần hùn bằng công việc làm của mình sẽ không được lãnh gì về khoản này cả. Sau đó, số tiền lãi còn lại sẽ chia cho các hội viên theo tỷ lệ phần hùn của mỗi người: hội viên nào góp phần hùn bằng việc làm chỉ được chia một phần ngang số với phần bé nhất. Những tài sản nào không đem chia vì các hội viên không thỏa thuận được với nhau, sẽ thành của chung, để thuộc quyền sở hữu cộng đồng của họ. Tới giai đoạn này sự thanh toán và phân chia chấm dứt; các cộng đồng sở hữu chủ có quyền xin chia tài sản vị phân, hoặc ở lại trong tình trạng cộng đồng, nhưng mọi việc sẽ phải làm theo quy lệ của Dân luật (1480 DLT; 1305 DLVN 1972).
1324._ Các chủ nợ của hội, theo án lệ, có quyền can thiệp vào việc phân chia để kiểm soát và có thể xin tòa tiêu hủy nếu có sự gian lận trong việc phân chia, làm hại đến quyền lợi của họ. Lý do là vì sau khi các tài sản đã phân chia rồi, kể luôn cả các tài sản được để trong tình trạng vị phân, các chủ nợ của hội không có quyền bảo đảm riêng trên các tài sản ấy nữa, họ phải chịu sự cạnh tranh của các chủ nợ riêng của hội viên.
3. Thời tiêu tố quyền:
1325._ Trên kia, ta đã thấy rằng, nếu tài sản cảu hội không đủ để trang trải công nợ của hội, số nợ còn lại sẽ phải phân phối cho các hội viên để mỗi người gánh chịu một phần. Như vậy chủ nợ hội sẽ đòi hỏi các hội viên này để lấy nợ. Tưởng nên nhắc lại rằng, giả thiết này chỉ đặt ra cho các công ty đối nhân, đặc biệt là công ty hợp danh và công ty hợp tư đơn thường (số 1322). Các hội viên phải chịu trách nhiệm bản thân như vậy là một trách nhiệm rất nặng, cho nên luật pháp cho họ hưởng một thời tiêu đặc biệt, ngắn hạn, là 5 năm, nếu khế ước lập hội là khế ước hữu hạn được công bố, hay văn thư giải tán đã được công bố hợp lệ. Luật phân biệt khế ước lập hội hữu hạn với văn thư giải tán là vì nếu khế ước đã có ấn định thời hạn thì hội đương nhiên giải tán khi tới hạn. Trường hợp phải có văn thư giải tán là trường hợp có án tòa hoặc có sự thỏa thuận viết giữa các hội viên để giải tán hội. Cần phải có một văn thư giải tán, vì trong các trường hợp này, hội có kỳ hạn nhất định mà bị giải tán trước khi tới hạn, hoặc không có kỳ hạn gì hết mà bị giải tán khi đang hoạt động. Thời tiêu 5 năm được áp dụng cho các hội viên và luôn cho góa phụ, cho các thừa kế, cho các người thụ quyền của họ, (điều 40 TMTP, 64 TMP).
1326._ Do bản chất, thời tiêu 5 năm nói trên chỉ áp dụng cho tố quyền của người đệ tam kiện hội viên mà thôi. Theo án lệ, cả hội viên bị kiện về phần tư xuất (phần hùn) chưa góp cũng được hưởng thời tiêu ấy. Nhưng phải điều kiện là hội viên không có dự vào việc thanh toán, không có tư cách là thanh toán viên. Thí dụ: Vì một việc bất hợp lệ đã làm trong khi thanh toán , sẽ không viện dẫn được thời tiêu 5 năm để chống lại đơn kiện. Trái lại, hội viên dẫu đã có giữa chức vụ thanh toán viên, nhưng bị kiện với tư cách hội viên về một nghĩa vụ hội viên, vẫn được hưởng thời tiêu 5 năm, vì việc kiện không liên quan đến tác vụ thanh toán. Nến nhận xét rằng, thời tiêu 5 năm nhằm vào tố quyền do người đệ tam hành xử chống lại các hội viên: do đó thời tiêu sẽ không áp dụng cho tố quyền của chính thanh toán viên kiện các hội viên đối với tiền phí tổn thanh toán; _ cũng như cho tố quyền của các hội viên kiện lẫn nhau.
1327.- Khởi điểm của thời tiêu: Theo các điều luật dẫn chiếu, thời tiêu 5 năm khởi đầu từ ngày hết hạn hội, hoặc từ ngày hội bị giải tán, nhưng với điều kiện là hội đã được công bố, hoặc văn kiện giải tán đã được công bố. Tuy nhiên, án lệ không áp dụng và giải thích điều luật trên theo văn tự: a) Theo án lệ, thời tiêu chỉ khởi lưu từ ngày tan hội cho trường hợp hội có hạn định và chấm dứt bình thường vì mãn hạn; trong trường hợp này sự công bố mãn hội là không cần thiết vì hội đã được công bố sau khi thành lập, nhờ đó, người đệ tam đã được biết khi nào thì hội mãn hạn; b) Trái lại, khi hội giải tán vì bị tuyên bố vô hiệu, hay vì một lý do nào khác do đơn thỉnh cầu của một hội viên, có thể là sự giải tán không được người đệ tam biết tới, do đó án lệ định rằng thời tiêu chỉ khởi lưu từ ngày sự giải tán được công bố. Ta cần nhận xét rằng một hội thương mại bị tuyên bố khánh tận không phải là bị giải tán theo nghĩa điều luật kể trên, như vậy thời tiêu 5 năm sẽ không áp dụng (Cass. Civ. 27-12-1905. D. 1908.L.145); Tuy nhiên, có tác giả không đồng ý về giải pháp này.
1328._ Đình chỉ và gián đoạn thời tiêu: Trên nguyên tắc, thời tiêu có thể bị đình chỉ và gián đoạn lưu thông. Theo Dân luật, điều 949 DLT, thời tiêu được đình chỉ đối với vị thanh niên và người bị cấm quyền, ngoại trừ trường hợp thời tiêu ngắn hạn đặc biệt 1 năm được dự liệu ở điều 939 DLT: “Những việc thưa kiện sau đây thời hạn tiêu diệt là một năm: Của chủ quán về sự chứa trọ và cung cấp đồ thực phẩm; Của các người làm công, làm thợ hay đi ở, về tiền lương hay tiền công …”. (…)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar