SỰ MÃN KẾT NGHĨA VỤ DO Ý CHÍ CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ
Ý chí của các đương sự tạo lập ra liên hệ pháp lý có thể biếnđổi hoặc tiêu hủy liên hệ ấy. Các đương sự có thể phát biểu ý chí về sự mãn kết nghãi vụ ngay khi tạo lập nghĩa vụ bằng cách dự liệu một thời hạn sau đó nghĩa vụ sẽ được mãn kết, thời hạn này gọi là hạn kỳ tiêu diệt. Nếu ý chí ấy được phát biểu sau khi nghĩa vụ phát sinh, thì đó là sự miễn trái. Ngoài ra trái chủ có thể nhận sự chi phó một vật khác với vật chủ đích của nghĩa vụ: khi đó sẽ có sự gán nợ.
I. HẠN KỲ TIÊU DIỆT.
Trong dân luật Việt Nam, không có một điều khoản nào ấn định một cách tổng quát thời hạn tối đa của nghĩa vụ. Tuy nhiên, người ta vẫn chấp nhận rằng các người kết ước không thể tạo lập một nghĩa vụ vĩnh viễn được. Nếu nghĩa vụ có tính cách đối nhân, thì thời gian của đời người sẽ là giới hạn của nghĩa vụ. Về các trường hợp khác, người ta ấn định một thời hạn dài nhất là 99 năm; trong lĩnh vực thương mại ca1cco6ng ty thường được thành lập để hoạt động trong một thời hạn là 99 năm. Đối với khế ước lao động, Điều 24 k2 Luật lao động quy định rằng, công nhân chỉ có thể cho mướn công của mình trong thời hạn mà thôi. Khi hết thời hạn ấn định cho nghĩa vụ, hoặc khi biến cố dự liệu để chấm dứt nghãi vụ xảy ra, người ta nói rằng, nghĩa vụ mãn kết bởi hạn kỳ tiêu diệt. Khác với trường hợp giải tiêu khế ước, hạn kỳ tiêu diệt không làm cho nghĩa vụ hết hiệu lực trong quá khứ, nghĩa vụ chỉ hết hiệu lực về tương lai mà thôi.
Nếu do bản chất nghĩa vụ chỉ có thể được thi hành trong một thời hạn nào, thì khi đó người ta nói rằng, có một hạn kỳ tiêu diệt mặc nhiên. Trong trường hợp không có thời hạn nào được dự liệu cả thì nghĩa vụ coi như được ký kết vô hạn định; nếu đó là một nghĩa vụ ước định thì mỗi bên kết ước đều có quyền xin giải hiệu vào bất cứ lúc nào. Sau cùng, một nghĩa vụ mãn hạn, có thể được các đương sự triển hạn. Trong một vài trường hợp, luật pháp lại bắt buộc một bên kết ước phải cho triển hạn các nghĩa vụ ước định: Đó là trường hợp khế ước cho thuê nhà phố bị chi phối bởi dụ số 4 ngày 2-4-1953.
II. SỰ MIỄN TRÁI.
Có sự miễn trái khi chủ nợ từ khước quyền lợi của mình. Do bản chất sự từ khước ấy có tính cách tự ý. Tuy nhiên, do hiệu lực của những quy tắc riêng biệt cho các khế ước cộng đồng, trong đó ý chí của cá nhân có thể bị lấn át bởi ý chí của tập thể, một sự miễn trái có đôi khi trái với ý muốn của người chủ nợ. Đó là trường hợp của hài ước: Các chủ nợ trong một vụ thanh toán tài phán thỏa thuận với nhau miễn trừ cho con nợ một phần món nợ. Hài ước này có hiệu lực đối với tất cả khối trái chủ, kể cả các người không ký kết hài ước ấy. Sự miễn trái không phải là một hành vi đơn phương. Muốn mãn kết nghãi vụ trước thời hạn thì phải có một hợp đồng giữa chủ nợ và con nợ. Do đó, một lời tuyên bố của người chủ nợ rằng họ muốn miễn trái cho con nợ, không ràng buộc người này nếu chưa được con nợ chấp nhận. Sự miễn trái được lập một cách vô thường hay hữu thường. Người ta sai lầm khi chủ trương rằng sự miễn trái bao giờ cũng là một sự cho của. Thực vậy, người chủ nợ có thể chỉ bằng lòng giải trái cho con nợ để đổi lấy một cung khoản tương đương, cung khoản này có thể là một quyền lợi hoặc sự khước từ bởi đối phương về một quyền lợi nào đó. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nói đến sự miễn trái, người ta thường nghĩ ngay đến sự miễn trừ thuần túy, theo đó, người chủ nợ bằng lòng hy sinh trái khoản của mình mà không đòi hỏi gì dền đáp lại cả, nghĩa là một sự miễn trái vô thường. Nhưng sự miễn trái vô thường này có thể không phải là một sự cho của, vì chủ nợ không có ý muốn ấy, đó là trường hợp của hài ước trong một vụ khánh tận: Chủ nợ chấp nhận hài ước, không phải vì họ muốn cho của, mà vì họ biết chắc rằng không thể nào đòi được toàn thể món nợ.
1. Hình thức của sự miễn trái: Sự miễn trái không cần phải được làm theo một hình thức nào nhất định cả, có thể là minh thị hay mặc nhiên. Sự miễn trái minh thị có thể là một lời nói, nhưng khi đó con nợ sẽ gặp khó khăn trong dẫn chứng. Sự miễn trái mặc nhiên được suy diễn từ bất cứ hành vi gì của người chủ nợ, cho thấy rằng người ấy có ý muốn miễn trừ món nợ. Người trái hộ phải dẫn chứng sự kiện ấy bằng các phương pháp dẫn chứng thông thường. Sự miễn trái minh thị thường được làm dưới hình thức một biên nhận do người chủ nợ giao cho con nợ mặc dù không được chi phó gì cả, nhưng chủ nợ cũng có thể tuyên bố thằng là họ từ khước trái khoản và giải trái cho con nợ. Sự miễn trái khi có tính cách là một sự cho của, không cần phải tuân theo các điều kiện về hình thức của sự sinh thời tằng dữ, chỉ cần một tư chứng thư hay một biên nhận là đủ. Nhưng nếu sự miễn trái được làm bằng chúc thư thì phải tua6nt heo các điều kiện về hình thức của chúc thư.
2. Bằng chứng về sự miễn trái: Miễn trái là một hành vi pháp lý, trên nguyên tắc bị chi phối bởi các quy tắc tổng quát về sự dẫn chứng. Nhưng luật pháp lại dự liệu một sự suy đoán luật định và con nợ khỏi phải dẫn chứng về sự miễn trái: Khi chủ nợ tự ý giao cho con nợ văn tự ghi nhận trái khoản thì được phỏng đoán là miễn trái cho con nợ (816 DLVN). Văn tự có thể là một công chứng thư như chứng thư chưởng khế hoặc là tư chứng thư, nhưng phải là bản chánh. Sự giao nạp bản sao không thể được coi là sự miễn trái (489 DLVN): Người chủ nợ hoàn trả vật thế chấp vẫn là trái chủ, chỉ mất tính cách trái chủ thế chấp thôi. Luật pháp phỏng đoán là khi chủ nợ hoàn trả văn tự, người ấy đã miễn trái cho con nợ. Người chủ nợ có quyền chứng minh rằng sự thực họ không có ý định miễn trái không? Điều 846 DLVN phân biệt hai trường hợp: Nếu văn tự là một tư chúng thư thì chủ nợ không có quyền chứng minh ngược lại. Trái lại, nếu đó là bản đại tự một công chứng thư thì luật pháp cho phép chủ nợ được đánh đổ sự suy đoán luật định bởi bằng cớ trái lại. Điều khoản này được phỏng đoán theo 1282 và 1283 DLP. Trước đây, hai bộ dân luật Bắc và dân luật Trung, không phân biệt như vậy và định rằng, trong mọi trường hợp, người chủ nợ có quyền mang lại bằng cớ trái ngược để đánh đổ sự suy đoán luật định (820 DLB, 890 DLT). Sự quy định này hợp lý hơn, vì người ta không thấy có lý do xác đáng nào để phân biệt hai trường hợp như trong bộ dân luật hiện hành. Trên nguyên tắc đã gọi là một sự suy đoán thì phải chấp nhận rằng sự suy đoán ấy chỉ có giá trị cho đến lúc khi có bằng cớ ngược lại. Sau hết, cần thêm rằng, người chủ nợ phải tự ý giao trả văn tự cho con nợ. Tuy nhiên, một khi con nợ đã chấp hữu văn tự thì luật pháp phỏng đoán là chủ nợ đã tự ý giao cho con nợ văn tự ấy. Chủ nợ trong mọi trường hợp đều có quyền dẫn chứng rằng văn tự đã đến tay con nợ bởi một lý do khác. Ví dụ: Chủ nợ đã giao cho con nợ để kiểm soát lại, hoặc đã giao vì lầm lẫn. Thẩm phán có toàn quyền thẩm định về điểm này.
3. Hiệu lực của sự miễn trái: Sự miễn trái phát sinh hiệu lực giải trái hoàn toàn cho con nợ. Dù vô thường hay hữu thường, sự miễn trái mãn kết món nợ với tất cả các đảm phụ của món nợ ấy. Khi có nhiều con nợ liên đới, sự miễn trái cho một con nợ sẽ có hiệu lực giải trái cho tất cả các con nợ khác, nếu chủ nợ không minh thị dành lại quyền lợi đối với các con nợ khác. Trong trường hợp chủ nợ dành lại quyền lợi đối với các con nợ liên đới khác thì cũng chỉ có thể đòi món nợ còn lại sau khi đã trừ đi phần của con nợ đã được miễn trái (848 DLVN). Nếu có nhiều người bảo lãnh thì sự miễn trái không có hiệu lực giải trừ cho các người kia. Sự miễn trái cho con nợ chính có hiệu lực giải trái cho tất cả các người bảo lãnh; nhưng trái lại, sự miễn trái cho người bảo lãnh thì không giải trái cho con nợ chính (850 DLVN). Ngoài ra, người chủ nợ có toàn quyền quy định rằng chỉ miễn trái một phần cho con nợ thôi, hoặc lệ thuộc sự miễn trái vào một điều kiện. Nhưng muốn như vậy thì phải làm một sự miễn trái minh thị. Sự miễn trái mặc nhiên bao giờ cũng được coi là có hiệu lực mãn kết vô điều kiện toàn thể món nợ, nhất là khi sự miễn trái ấy là do sự kiện trái chủ tự ý giao trả văn tự cho trái hộ.
III. SỰ GÁN NỢ. Gán nợ là sự kiện người trái hộ giao nạp cho trái chủ một đồ vật khác với đồ vật chủ đích của nghĩa vụ để thay thế cho sự thi hành nghĩa vụ ấy. Ví dụ: Con nợ thiếu một món tiền, thay vì trả cho chủ nợ số tiền thiếu, người ấy lại giao nạp cho chủ nợ một món nữ trang hay một bức tranh. Một sự chi phó như vậy cần phải được chủ nợ chấp thuận, tức là phải có hiệp ước về cách thức chi phó.
a. Điều kiện của sự gán nợ: Các đương sự có thể thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, cung khoản này bằng cung khoản khác, một sự phát biểu ý chí như thế hoàn toàn hữu hiệu. Nhưng gán nợ không phải là sự thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, mà là giao nạp một tài vật thay thế vào một cung khoản đã hứa. Sự gán nợ không tạo lập một nghĩa vụ mới nào cả, mà trái lại chấm dứt mọi nghĩa vụ giữa chủ nợ và con nợ. Như vậy, điều kiện chính yếu của sự gán nợ là tài vật dùng để gán nợ phải được chuyển hữu tức khắc từ con nợ sang chủ nợ: Chủ nợ không được chi phó nếu như không nhận được tức khắc tài vật, trong trường hợp này chỉ là hứa gán nợ chứ không phải là gán nợ thực, vì sự chi phó phải là giao nạp tài vật đã cam kết. Điều này đưa đến hậu quả là không thể gán nợ với những tài vật hình thành trong tương lai, và cũng không thể gán nợ nếu sự giao nạp tài vật phụ thuộc vào một điều kiện nào đó. Trong hai trường hợp này, một nghĩa vụ mới (nghãi vụ chuyển hữu hay giao nạp) được tạo lập để thay thế cho nghĩa vụ cũ, tức là có một sự thế cải bằng cách thay đổi đối tượng của nghĩa vụ, chứ không phải là gán nợ.
b. Bản chất pháp lý của sự gán nợ: Khi các đương sự thỏa thuận với nhau để gán nợ, thì ý chí của họ là mãn kết một nghĩa vụ, nhưng họ lựa chọn một cách thức chi phó đặc biệt khác với sự chi phó nghĩa vụ thông thường. Do tính cách đặc biệt ấy mà nhiều quan niệm đã được đưa ra về bản chất pháp lý của sự gán nợ. Các tác giả mới thì cho rằng sự gán nợ là một sự thế cải (thay thế) nghĩa vụ bằng cách thay đổi đối tượng của nghĩa vụ. Thế cải là sự mãn kết nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, nghĩa vụ này thay thế nghĩa vụ kia. Trong trường hợp thế cải bằng cách thay thế đối tượng của nghĩa vụ, chủ nợ và con nợ không thay đổi, mà chỉ có đối tượng của nghĩa vụ thay đổi. Sự phân tích này thoạt nghe có vẻ phù hợp với sự thế cải: Tôi có một trái khoản là một triệu và tôi bằng lòng để cho con nợ chi phó cho tôi một món nữ trang. Như thế phải chăng nghĩa vụ trả món nợ đã mãn kết bằng cách tạo lập nghĩa vụ chuyển hữu món đồ nữ trang? Nhưng sự thực không phải như vậy. Vì là một sự chi phó nên nghĩa vụ thứ hai, tức là nghĩa vụ chuyển hữu món đồ nữ trang không hề có, không có nghĩa vụ mới nào được tạo lập để thay thế cho nghĩa vụ cũ, mà chỉ có sự mãn kết một nghĩa vụ. Nếu có một nghĩa vụ mới được tạo lập, như trường hợp chuyển hữu hay giao nạp tài vật bị lệ thuộc vào một điều kiện, thì đó là một sự thế cải chứ không phải là gán nợ. Một quan niệm khác lại đồng hóa sự gán nợ với sự đoạn mại hoặc trao đổi. Nếu trái khoản là một món nợ thì sự gán nợ giống như việc đoạn mại. Chủ nợ một trái khoản một triệu đồgn chấp thuận cho con nợ chi phó bằng một món nữ trang, như thế chẳng khác gì con nợ đã bán cho chủ nợ một món nữ trang với giá một triệu đồng. Còn nếu trái khoản là một đồ vật thì sự gán nợ chẳng qua chỉ là trao đổi vật này lấy một vật khác, một chiếc nhẫn lấy một chiếc vòng chẳng hạn. Quan niệm này cũng giống quan niệm trên vì cũng nhìn nhận sự hiện hữu của một nghĩa vụ mới được tạo lập, nghĩa vụ phát sinh do sự đoạn mại hay trao đổi, để thay thế cho nghĩa vụ cũ. Do đó chúng ta có thể lặp lại sự chỉ trích đối với quan niệm thứ nhất. Một quan niệm thứ ba, có lẽ đúng hơn cả, đó là quan niệm của các tác giả cổ điển: Gán nợ là một sự chi phó. Như thế chỉ có một nghĩa vụ, và nghĩa vụ này được mãn kết do sự giao nạp đồ vật để gán nợ. Nhưng sự chi phó này có tính cách đặc biệt, trái với nguyên tắc thông thường, tài vật chi phó không phải là cung khoản đã hứa. Chính vì tính cách đặc biệt này mà một vài quy tắc về đoạn mại, về sự trao đổi về sự thế cải cũng áp dụng cho sự gán nợ.
c. Hiệu lực của sự gán nợ: Sự gán nợ phát sinh hiệu lực chính yếu của một sự chi phó, tức là mãn kết nghĩa vụ giữa con nợ và chủ nợ. Nhưng sự gán nợ còn một hiệu lực khác: Nó chuyển dịch sang cho chủ nợ quyền sở hữu về tài vật dùng để gán nợ.Hiệu lực này không phải là hiệu lực chi phó mà là hiệu lực của đoạn mại hay trao đổi. Do hai hiệu lực trên đây, một số quy tắc của sự chi phó và của sự đoạn mại được áp dụng cho sự gán nợ:
– Gán nợ phát sinh hiệu lực của sự chi phó thông thường, cho nên người chi phó phải có năng lực để chi phó. Mặc khác khi sự chi phó bị vô hiệu thì người chủ nợ được duy trì trái khoản cũ với tất cả các bảo đảm phụ thuộc của trái khoản ấy.
– Như một sự đoạn mại hay trao đổi, sự gán nợ có hiệu lực chuyển dịch quyền sở hữu trên tài vật dùng để gán nợ. Do đó nếu tài vật này là một bất động sản thì sự chuyển dịch phải được ghi chú vào địa bộ mới có thể đối kháng được với các đệ tam nhân. Người con nợ còn phải là chủ sở hữu tài vật và phải có khả năng để chuyển nhượng tài vật ấy.
Về phương diện khác, sự gán nợ cũng đặt chủ nợ và con nợ vào tình trạng của kẻ mua người bán:
– Nếu tài vật có giá trị lớn hơn trái khoản và có sự thỏa thuận là chủ nợ phải trả cho con nợ phần sai biệt, thì con nợ được hưởng quyền ưu tiên của người bán để thu hồi khoản sai biệt đó.
– Một vấn đề đặt ra là các chủ nợ khác của người trái hộ có thể chống lại sự gán nợ bằng tố quyền phế bãi không? Tố quyền phế bãi không được chấp nhận đối với sự chi phó, nhưng được chấp nhận đối với sự đoạn mại. Do đó, Tòa phá án Pháp đã thừa nhận cho chủ nợ được đánh đổ sự gán nợ nhằm mục đích gian lận quyền lợi của họ./.
Bình luận