Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

103. Nhận Diện Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn

Sau một thời gian xét xử kéo dài vào các ngày 20/4/2021, 22/4/2021, 26/5/2021 và 15/6/2021, với 3 lần quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu chứng cứ, hội đồng xét xử phúc thẩm, do thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã hủy bản án sơ thẩm với nhận định rằng cấp sơ thẩm đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” vì “chưa thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ xác định hiện trạng máy in C1100bộ UPS làm cơ sở cho việc thi hành án”. Đây là nhận định rất hồ đồ, bịa đặt để hủy bàn án trái pháp luật của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Hồ sơ vụ án và bản án phúc thẩm đã thể hiện rất rõ sự bịa đặt và ra bản án trái pháp luật của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn.
Một là,
nhận định hồ đồ, bịa đặt.
Cấp sơ thẩm đã lập vi bằng làm rõ hiện trạng máy in C1100 và tính khấu hao máy thay cho thẩm định tại chỗ. Tại trang 20 bản án sơ thẩm, dòng 16 từ dưới lên, cấp sơ thẩm đã nhận định: “Như vậy, các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, thiệt hại ở đây được xác định là mức khấu hao tài sản. Xét tại phiên tòa sơ thẩm, Saigonbook tự nguyện chịu khấu hao là 19.190.535 đồng và Sao Nam, KMV không có ý kiến phản bác gì đối với mức khấu hao này”. Sao NamKMV chỉ kháng cáo một phần bản án sơ thẩm và họ cũng không đề cập đến hiện trạng máy, mức khấu hao. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nhận định cấp sơ thẩm “chưa xác định hiện trạng máy in C1100” là bịa đặt và vượt quá phạm vi xét xử kháng cáo của đương sự. Cấp sơ thẩm không “vi phạm tố tụng nghiêm trọng” đến mức phải hủy án như nhận định của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn và Kiểm sát viên Trần Tuấn Anh.
Hai là,
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã né tránh trách nhiệm, không đưa ra nhận định riêng sau gần hai tháng xét xử.
Tại phần nhận định của bản án phúc thẩm, trang 16 dòng 7 từ trên xuống, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn ghi: “Căn cứ vào nhận định của Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, hội đồng xét xử phúc thẩm xác định căn cứ pháp luật để giải quyết là những qui định tại Điều 132 và 137 Bộ Luật Dân Sự 2005”, tức là vô hiệu do lừa dối theo điều 132 và giải quyết hậu quả vô hiệu theo điều 137.
Nhận định của hội đồng xét xử thì phải căn cứ vào xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa chứ sao căn cứ vào quyết định giám đốc thẩm? Phiên tòa đã diễn ra vào các ngày 20/4/2021, ngày 22/4/2021, ngày 26/5/2021, trong đó có rất nhiều câu hỏi rất hay của chính Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nhưng ông hoàn toàn không đề cập đến trong phần nhận định. Vậy thì việc ông kéo dài gần hai tháng xét xử, tranh tụng, với 3 quyết định tạm ngừng phiên tòa, hơn 100 trang biên bản phiên tòa, là nhằm mục đích gì mà không thấy ông đề cập trong phần nhận định của bản án?
Ba là,
xét mà không xử.
Các bên tranh chấp hợp đồng “vô hiệu hay không vô hiệu” chứ không tranh chấp chiếc máy in C1100. Saigonbook đã đưa ra hai yêu cầu độc lập, trong đó yêu cầu (1) là tuyên hợp đồng 038, hợp đồng 03 và phụ lục hợp đồng vô hiệu do lừa dối là có thể tuyên độc lập, chấp nhận hoặc không chấp nhận. Còn yêu cầu (2) chỉ là giải quyết một phần hậu quả của hợp đồng vô hiệu đã được tính đến ngày 10/11/2015, tức là ngày khởi kiện ở sơ thẩm. Nếu tòa án không chấp nhận yêu cầu (1) thì tất nhiên không chấp nhận yêu cầu (2) và vì thế thẩm định máy trong trường hợp này là vô nghĩa. Nếu tòa án chấp nhận yêu cầu (1) thì mới tiếp tục xem xét yêu cầu (2) để giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu (1), bác yêu cầu (2) hoặc để lại phần hậu quả của hợp đồng vô hiệu cho các đương sự có thể khởi kiện bằng vụ án khác. Nhưng tòa án không thể chấp nhận yêu cầu (2) khi chưa chấp nhận yêu cầu (1) như Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã làm.
Bản án phúc thẩm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã liệt kê các yêu cầu (1) và (2) rồi sau đó chỉ “Xét thấy, các yêu cầu (2)” mà không đã động gì đến yêu cầu (1) là việc làm hết sức vô lý. Đọc phần nhận định và phần tuyên án, người ta có thể nhầm lẫn rằng, hội đồng xét xử đã xác định hợp đồng vô hiệu do lừa dối và vì thế phải trả về sơ thẩm để thẩm định giá trị còn lại của máy in và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Nhưng đây là cái bẫy của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn cố ý giăng ra để cấp sơ thẩm làm lại từ đầu, có thể xử khác với cấp giám đốc thẩm và phúc thẩm. Bản án không tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối thì coi như những ngày tháng xét hỏi của ông và tranh tụng của các bên là vô nghĩa. Xét mà không xử thì xét để làm gì, hỏi làm gì hỡi ông Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn?
Bốn là,
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã vi phạm pháp luật tố tụng.
Theo điều 5.1 BLTTDS 2015 thì “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Trong đơn kháng cáo, các bên không yêu cầu thẩm định máy in thì không có lý do gì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn lại hủy án vì “chưa thực hiện việc xem xét thẩm định”. Tại phiên tòa, bên bị đơn Sao Nam đưa ra đề nghị này là không đúng thời điểm và vượt quá phạm vi kháng cáo. Theo điều 102.1 BLTTDS 2015 thì “Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm” và theo điều 27.3 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội thì các đương sự có yêu cầu phải đóng phí. Sao Nam đã không đưa ra yêu cầu giám định từ cấp sơ thẩm và cũng không đóng phí nên việc Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn xem xét và chấp nhận yêu cầu này để hủy án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng.
Năm là,
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã làm trái với đường lối xét xử của cấp giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm, căn cứ vào các tài liệu có tại hồ sơ vụ án đã khẳng định “Saigonbook khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng kinh tế số 038, hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do lừa dối là hoàn toàn có căn cứ” và khẳng định “Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook là không có căn cứ, không phản ánh đúng các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án. Còn tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn là không chính xác. Mặt khác, giao dịch mua bán giữa Sao NamSaigonbook đã bị vô hiệu do lừa dối ngay từ thời điểm giao kết, nhưng tòa án không tuyên bố hợp đồng 038 vô hiệu là thiếu sót. Tuy nhiên, để tránh vụ án kéo dài, nên chỉ cần hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại”. Nghĩa là, tài liệu chứng cứ đã đủ để xét xử và tuyên án. Thế nhưng, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã không làm theo giám đốc thẩm mà cố ý tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu, tạo tình huống, rồi bịa đặt “cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng” để hủy án.
Nếu cấp sơ thẩm “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” thì bà Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én phải có trách nhiệm đề nghị hủy án sơ thẩm từ phiên tòa phúc thẩm ngày 22/9/2016 của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, chứ không thể đợi đến ngày 15/6/2021, Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn mới đề nghị với Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Nếu cần phải hủy án vì đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” thì phải hủy ngay từ ngày đầu chứ làm gì phải kéo dài đến 4 ngày xét xử, 20/4, 22/4, 26/5 và 15/6, với 3 lần tạm ngừng phiên tòa rồi mới hủy làm lại từ đầu? Các ông bà Kiểm sát viên và Thẩm phán này diễn sâu với những câu hỏi nảy lửa nhưng với kết quả hủy án như thế thì không che mắt được giới chuyên môn pháp luật.
Sau một thời gian dài xét xử, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, Thẩm phán Lê Thọ Viên, Thẩm phán Hoàng Thị Bích Thảo phải có trách nhiệm đưa ra nhận định là “lừa dối hay không lừa dối” đối với yêu cầu của Saigonbook và đã được cấp giám đốc thẩm khẳng định. Tình trạng chiếc máy in hiện nay như thế nào không liên quan gì đến việc nhận định “có lừa dối hay không lừa dối” đã xảy ra từ khi giao kết và ký kết hợp đồng. Trong trường hợp cần phải xem xét, thẩm định tại chỗ chiếc máy in C1100 thì hội đồng xét xử phúc thẩm, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, hoàn toàn có thể tiến hành chứ không nhất thiết phải trả về cấp sơ thẩm như nhận định của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn.
Bản án phúc thẩm số 528 của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn không phản ánh đúng diễn biến phiên tòa qua 4 ngày xét xử. Ngay từ buổi đầu tiên, ông tuyên bố sự thật chỉ có một và hội đồng xét xử sẽ làm sáng tỏ sụ thật này. Ông đã hỏi và làm sáng tỏ 6 nội dung mà cấp giám đốc thẩm đã chỉ ra nhưng rồi không hiểu tại sao ông lại không đưa vào phần nhận định. Chúng tôi không rõ động cơ thật sự của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đối với việc hủy bản án sơ thẩm. Nhưng qua xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, đối chiếu với bản án phúc thẩm số 528 thì thấy rằng Hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã ra bản án trái pháp luật. Hủy án sơ thẩm với lý do như thế là sai hoàn toàn. Kết luận tòa án cấp sơ thẩm “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” không chỉ là vu khống Thẩm phán Phù Quốc Tuấn mà còn xúc phạm đến các cấp xét xử trước, đặc biệt là Ủy ban Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã có đơn đề nghị, mà thực chất là yêu cầu, kháng nghị giám đốc thẩm bản án của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Cuộc đấu của tôi sẽ hết sức quyết liệt./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp).
*Ảnh tư liệu của bài viết:
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar