Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

105. Tình Thế Buộc Phải Giám Đốc Thẩm

Không ít người, trong đó có cả một số luật sư và thẩm phán, rất bất ngờ với đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Theo cách làm của tòa án từ bấy lâu nay, họ cứ nghĩ rằng, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa án quận 3 để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì mặc nhiên phải trả về sơ thẩm. Đây là cách suy nghĩ sai pháp luật và rất nguy hiểm cho nền công lý, cần phải được phân tích, đấu tranh để nhiều người cùng rút kinh nghiệm.
Một là,
Xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật là phải theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được qui định tại chương XX và chương XXI BLTTDS 2015
Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh là bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bản án này đã “Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” được qui định tại điều 325.1.c BLTTDS 2015. Với một bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có các sai lầm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đã được qui định tại điều 325.1 thì phải được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm của hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã có sai lầm và tôi cũng đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm. TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phải thụ lý, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm là một thủ tục bắt buộc. Nếu khi TAND cấp cao tại Thành phố HCM giải quyết không thỏa đáng thì tôi còn khiếu nại đến Chánh án TAND Tối cao để đề nghị giám đốc thẩm. Thủ tục tố tụng buộc phải đi con đường như thế để khắc phục sai lầm của cấp phúc thẩm. Sai lầm của cấp phúc thẩm không thể khắc phục bởi cấp sơ thẩm.
Hai là,
Giám đốc thẩm để xử lý trách nhiệm của các thẩm phán theo quyết định 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TAND Tối cao.
Với bản án sơ thẩm bị hủy do “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” như cấp phúc thẩm đã nhận định thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn phải giải trình và phải bị xử lý trách nhiệm. Một vài bạn đề nghị với tôi rằng, cứ căn cứ theo bản án sơ thẩm bị hủy, làm đơn đề nghị xử lý Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, hiện đang là Chánh án TAND huyện Cần Giờ nhưng tôi cho rằng, làm như vậy là không đúng sự thật, không chính trực. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn sai lầm ở chỗ khác, như cấp giám đốc thẩm đã chỉ ra và yêu cầu cấp phúc thẩm phải khắc phục mà không trả về sơ thẩm. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn không “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” để phải hủy án như Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn và Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đã khẳng định. Hùa theo sự bịa đặt, dù là bịa đặt của một bản án của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tôi cũng không bao giờ làm. Tôi phải yêu cầu xem xét lại bản án phúc Thẩm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn để xử lý trách nhiệm của ông và công bằng với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, trước hết là trách nhiệm của người trong cuộc, sau đó mới là trách nhiệm của xã hội. Tôi là người trong cuộc, có chuyên môn pháp luật, tôi phải yêu cầu giám đốc thẩm.
Ba là,
Cấp sơ thẩm không thể xử lại vụ án với những nhận định của bản án phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 đưa ra nhận định ở trang 16 là “Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định căn cứ pháp luật để giải quyết là những qui định tại các Điều 132 và 137 của Bộ Luật Dân Sự 2005,cụ thể như sau: …”. Nghĩa là, hội đồng xét xử đã xác định hợp đồng vô hiệu do lừa dối nhưng không tuyên hợp đồng vô hiệu mà trả về cấp sơ thẩm để tuyên và giải quyết hậu quả. Đây là việc làm trái pháp luật của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn với hậu quả có thể thấy trước. Không có qui định nào buộc cấp sơ thẩm phải tuyên án theo nhận định của cấp phúc thẩm cho nên có thể xảy ra các tình huống sau:
– Nếu hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên ngược với xác định của cấp phúc thẩm, nghĩa là hợp đồng không vô hiệu, không áp dụng điều 132 thì trái với xác định của cấp phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Khi đó, chân lý không biết thuộc về bên có lời tuyên sơ thẩm hay lời nhận định của phúc thẩm. Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam sẽ phải giải thích đâu là chân lý.
– Nếu hội đồng xét xử sơ thẩm căn cứ vào nhận định của cấp phúc thẩm để tuyên hợp đồng vô hiệu do lừa dối thì trái với qui định tại điều 266.2b BLTTDS 2015: “Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan”. Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm không thể căn cứ vào nhận định của cấp phúc thẩm để tuyên án.
– Nếu hội đồng xét xử cấp sơ thẩm căn cứ vào điều 266.2b BLTTDS 2015 để tuyên án trùng với nhận định của cấp phúc thẩm thì phần nhận định của cấp phúc thẩm trở nên thừa và phần nhận định này được coi là áp lực, ảnh hưởng đến sự vô tư khách quan của hội đồng xét xử sơ thẩm.
Với các tình huống vừa viện dẫn thì tòa án cấp sơ thẩm không thể giải quyết lại vụ án này ở theo trình tự sơ thẩm.
Bốn là,
Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã xử lý sai từ kiến thức nền.
Hợp đồng vô hiệu là một chế tài dân sự mà thẩm quyền là của tòa án. Hai trường hợp chế tài khác là chế tài hành chính và chế tài hình sự. Trong trường hợp cụ thể này thì chế tài “hợp đồng vô hiệu do lừa dối” theo điều 132 Bộ luật dân sự 2005 có một sự tương đồng với chế tài về “Tội lừa dối khách hàng” được qui định tại điều 162 Bộ Luật Hình Sự năm 1999. Việc giải quyết trách nhiệm dân sự có thể đi cùng với bản án hoặc tách phần hậu quả dân sự ra để giải quyết riêng. Không thể lấy lý do giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu để bỏ qua trách nhiệm tuyên án chế tài cho hành vi lừa dối này. Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn khi tuyên hợp đồng vô hiệu theo yêu cầu của đương sự thì chỉ giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu khi các đương sự có yêu cầu. Một người phải chịu chế tài hành chính, hình sự, hoặc dân sự có thể sẽ không phải chịu bồi thường thiệt hại nếu như người bị thiệt hại không yêu cầu. Giả sử bản án tuyên buộc đương sự bồi thường thiệt hại nhưng sau đó người được bồi thường không có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án cũng không thể thi hành. Đây là kiến thức nền của người học luật. Ghép giải quyết hậu quả gắn liền với lừa dối để tuyên án “lừa dối hay không lừa dối” là sai hoàn toàn về mặt chuyên môn.
Giả sử, sau 6 năm, bây giờ chiếc máy in C1100 này, tang vật của vụ án, đã bị mất trộm thì hành vi lừa dối của KMVSao Nam cũng không vì thế mà thay đổi. Cũng không thể vì không bảo quản nổi tang vật mà tôi phải bồi thường cho cho những kẻ đã dùng tang vật này để lừa dối lấy tiền của tôi. Trong bất luận trường hợp nào thì kẻ lừa dối phải là người gánh chịu hậu quả của hợp đồng vô hiệu do lừa dối, vì đó là lỗi của họ. Hơn nữa, chiếc máy C1100 trùm mền gần 6 năm qua là do lỗi của tòa, mà cụ thể là do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh với bản án phúc thẩm bị hủy, chứ đâu phải do lỗi của các bên.
Tôi đã rất cẩn thận, không để bất cứ sơ hở nào có thể tạo cớ cho Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn hủy án trả về sơ thẩm. Tại phiên tòa, tôi không mở rộng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại suốt 6 năm qua. Tôi chỉ lặp lại yêu cầu theo đơn khởi kiện ngày 10/11/2015, đã được đóng án phí, và cấp sơ thẩm đã xem xét, đã tuyên xử nhưng đã bị tôi kháng cáo. Thậm chí, đến cấp phúc thẩm lần 2 này, tôi rút bớt khiếu nại “lừa về chất lượng máy” để tòa án có thể vin vào lý do đó để thẩm định chất lượng, nhằm kéo dài vụ án. Kéo dài xét xử vụ án đến 55 ngày rồi hủy án với lý do cấp sơ thẩm “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là cố ý ra bản án trái pháp luật của hội đồng xét xử do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa.
Với những phân tích trên, bản án phúc thẩm số 528/2021/KDTM-PT ngày 15/6/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh phải được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn là tình thế bắt buộc, không thể khác. Kết quả giải quyết thế nào không chỉ phụ thuộc vào những người có thẩm quyền ở tòa án mà còn phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của tôi trước sự sai trái của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp).
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar