Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

106. Tự Nguyện Là Quyền Thiêng Liêng

Từ trước khi khởi kiện, tháng 7 năm 2017, tôi đã cáo buộc Konica và Sao Nam lừa dối tôi và tôi yêu cầu nhận lại máy, trả lại tiền cho tôi. Họ thu hồi lại thì tôi trả nhưng mua lại thì tôi không bán. Vấn đề không phải là tiền mà vấn đề là tôi không tự nguyện bán lại những chiếc máy in này cho họ và họ cũng không tự nguyện đi mua lại những chiếc máy in mà họ đã bán cho tôi. Quyền được tự nguyện trong giao dịch là quyền thiêng liêng của mỗi người. Cũng như lúc đầu hợp đồng mua bán máy, họ đã che giấu thông tin để lừa tôi, vì thế họ đã tước đi quyền tự nguyện của tôi đối với các hợp đồng mua bán này. Tôi phải kiện họ ra tòa, yêu cầu tòa án bảo vệ cho tôi cái quyền tự nguyện này. Đó là đạo lý giản dị của đời thường để tôi đưa họ ra đến công đường.
Theo qui định tại điều 122.1c BLDS2005, mà nay là điều 117.1c BLDS2015, thì điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là: “Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Không chỉ là “tự nguyện” mà phải là “hoàn toàn tự nguyện”. Thêm hai chữ hoàn toàn trước chữ tự nguyện để bảo đảm rằng quyền tự nguyện là quyền tuyệt đối, phải được bảo đảm bằng pháp luật. Để bảo đảm cho một giao dịch “hoàn toàn tự nguyện” thì điều kiện cần là giao dịch đó không giả tạo theo qui định tại điều 129, không “bị nhầm lẫn” theo qui định tại điều 131 và không “bị lừa dối, đe dọa” theo qui định tại điều 132 BLDS 2005.
Để người mua “hoàn toàn tự nguyện” thì phải thông tin cho người mua theo qui định tại điều 14 Luật Thương Mại, chứ không thể làm cái kiểu “Treo đầu dê, bán thịt chó”, “Bán hàng Nhật, giao hàng Trung Quốc” như Konica và Sao Nam đã làm. Người ta tự nguyện mua thịt dê chứ không tự nguyện mua thịt chó, cho nên giao thịt chó là tước đi quyền tự nguyện thiêng liêng của người mua đã được pháp luật bảo vệ. Sự nhầm lẫn, dù lỗi thuộc về bên nào, thì cũng là trường hợp không bảo đảm quyền hoàn toàn tự nguyện đã được pháp luật bảo vệ. Một người mua thịt bò nhưng chọn nhầm miếng thịt trâu thì có thể đem đổi hoặc trả lại cho người bán. Nếu người bán không có lỗi gây nhầm lẫn thì người mua có thể chịu tổn thất do trả lại hàng nhưng việc vô hiệu do nhầm lẫn, người bán phải nhận lại hàng là phù hợp với đạo lý được cụ thể hóa bằng điều 131 của Luật Dân Sự 2005. Để người mua không nhầm lẫn thì người bán phải có nghĩa vụ thông tin rõ ràng đầy đủ theo qui định tại điều 14 Luật Thương Mại. Theo qui định tại điều 131 BLDS2005 thì “Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo qui định tại điều 132 của bộ luật này”. Tức là, nhà làm luật đã dự liệu tình huống “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm cho bên kia nhầm lẫn “mua thịt dê, nhận nhầm thịt chó”. Nhầm lẫn của người mua trong trường hợp này phải giải quyết “hợp đồng vô hiệu do lừa dối” theo qui định tại điều 132. Chính qui định rõ ràng này mà tôi nhận ra ngay là Thẩm phán Phù Quốc Tuấn sai khi tuyên “hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn” theo điều 131, với lý do nhầm xuất xứ máy – “Mua hàng Nhật, nhầm hàng Trung Quốc”.
Các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do đe dọa, hoặc do giả tạo đều là những trường hợp không bảo đảm tính hoàn toàn tự nguyện khi thiết lập giao dịch dân sự ngay từ lúc giao dịch.
Tại phiên tòa phúc thẩm, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang có đặt vấn đề rằng: “Konica có quyền bán máy với giá chênh lệch không?”. Đây là câu hỏi thú vị, liên quan đến thực tiễn và áp dụng pháp luật hiện nay.
Phải khẳng định rằng, Konica có quyền bán máy với bất cứ giá nào nếu như người mua đã được cung cấp đủ thông tin và hoàn toàn tự nguyện mua như thế. Không ít đại diện một số cơ quan nhà nước đã hoàn toàn tự nguyện mua giá cao như thế, hoặc cao hơn nữa nhưng không có hợp đồng nào bị tuyên là vô hiệu vì không thỏa tính tự nguyện. Nhưng với tôi lại là vấn đề khác. Tôi là người kinh doanh, không thể tự nguyện mua chiếc máy 3,4 tỉ đồng trong khi giá thị trường chỉ có 1,2 tỉ đồng. Mua như thế là không thể hạch toán giá thành sản phẩm trang in để bán ra cho khách. Nếu tôi được cung cấp đủ thông tin máy có được sản xuất tại Trung Quốc thì tôi sẽ không ký hợp đồng 038. Vì không được cung cấp đủ thông tin, bị che giấu thông tin, bị lừa dối nên tôi mất quyền tự nguyện.
Như một chàng trai bị lừa dối, phải với kết hôn với cô gái mà mình không hoàn toàn tự nguyện nên tôi phải kiện “ly dị” với Konica và Sao Nam. Người ta có thể kết hôn với người đồng tính, với người “đui, què, mẻ, sứt” với điều kiện là người ta tự nguyện chứ không phải bị mắc lừa. Tự nguyện là quyền thiêng liêng. Thiệt hại của vụ kiện đã là rất lớn nhưng nó không thể so sánh được với quyền thiêng liêng của con người đã được cụ thể hóa tại điều 122.1c Bộ luật dân sự 2005.
Các hội đồng xét xử dưới sự chủ tọa của các Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã trơ lỳ trước tiếng kêu của một người bị tước đi quyền tự nguyện. Đã kêu như thế, đã theo đuổi như thế và dấn thân như thế thì chắc chắn là tôi đã không được hoàn toàn tự nguyện mua chiếc máy như thế. Không cần phải được đào tạo thẩm phán, người bình thường cũng có thể nhận ra là tôi đã không được tự nguyện nên mới bức xúc như thế. Tôi đang dấn thân bảo vệ quyền tự nguyện – quyền thiêng liêng của mỗi người./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar