9 giờ 13 phút sáng, thứ Hai, ngày 24/08/2015, tôi gửi thư điện tử đến một số cơ quan báo chí, tố cáo Konica Minolta nâng khống giá máy để lừa dối khách hàng. Kèm theo thư là ảnh chụp hai chiếc máy in C1100, có giá lệch kinh hoàng, đang trưng bày tại Printing Shop của tôi. Đồng thời, tôi cũng gửi thư này đến Konica Minolta, Sao Nam và những người có liên quan để họ biết mà chọn đối phó với chiến tranh hay chọn hòa bình.
Tôi gặp một số phóng viên để nhờ họ đưa tin, viết bài, phản ánh về vụ lệch giá kinh hoàng này. Tôi cũng gọi phóng viên đài truyền hình để nhờ họ làm phóng sự. Tốn mấy tôi cũng ừ, miễn sao vạch trần sự gian dối của Konica Minolta trước công luận.
Tôi đợi tin báo chí mà cũng đợi Konica Minolta quay đầu vào bờ. Tôi gọi cho ông Đào Việt Linh, khuyên ông nên thúc giục ông Trần Kim Chung quay lại lấy máy về. Tôi cũng không viết bài và cũng không thúc giục các phóng viên vì tôi muốn đợi Konica Minolta thu hồi máy. Tôi cố tránh một cuộc chiến tranh.
Konica Minolta và Sao Nam im lặng. Tôi suy nghĩ rất mông lung. Linh tính báo cho tôi biết là có thể Konica Minolta đã dùng quan hệ ngăn chặn báo chí đưa tin. Quả nhiên, đùng một cái, tôi nhận được vũ khí đánh chặn báo chí của Luật sư tiến sĩ Lê Nết. Luật sư Lê Nết, thay mặt công ty Luật LNT&Thành viên, gửi đến chúng tôi và các cơ quan báo chí một văn bản, mà cho đến giờ này, tôi không hiểu tại sao, cái ông tiến sĩ luật này lại cẩu thả đến mức dại dột như vậy.
Văn bản có 5 nội dung. Trong đó, nội dung 1 phủ nhận hoàn toàn quan hệ giữa Konica Minolta Việt Nam với chúng tôi: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn (“SGB”). Vì thế, KMV không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được đề cập trong thư điện tử. Do đó, việc ông tuyên bố rằng SGB đã mua máy móc từ KMV là sai sự thật và hoàn toàn gây nhầm lẫn””. Đọc xong nội dung này, tôi rất tức giận. Tôi là người trong cuộc. Tôi trực tiếp thương lượng mua máy C1100 với KMV, rồi KMV ủy quyền cho Sao Nam ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng. Tôi cho KMV treo bảng hiệu quảng cáo tại Printing Shop. KMV cũng đã gửi tặng tôi bộ tích điện UPS. Đặc biệt, Tadasu Ichino, Tổng giám đốc KMV, đã gửi văn bản đích danh cho SGB, xác nhận 2 chiếc máy C1070P và C1100 là hai chiếc máy của họ đã bán cho tôi là máy mới, chất lượng cao. Thế mà, bây giờ, chúng thuê Luật sư Lê Nết trả lời trớt quớt. Tôi nghĩ mãi không ra trình độ của ông Luật sư tiến sĩ này.
Có thể Luật sư tiến sĩ Lê Nết không hiểu thế nào là hợp đồng và hình thức của hợp đồng. Theo điều 24 Luật Thương Mại thì “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể”. KMV không trực tiếp ký hợp đồng bằng văn bản với chúng tôi nhưng KMV đã xác lập hợp đồng bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể như giao tặng UPS, treo bảng quảng cáo và đặc biệt là ủy quyền cho Sao Nam ký kết và thực hiện hợp đồng. Thế mà, giờ đây, ông Luật sư tiến sĩ này nói trớt quớt. Nếu KMV không quan hệ gì thì tại sao bản án sơ thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu và KMV phải chịu trách nhiệm liên đới? Tại sao kháng nghị giám đốc thẩm lại khẳng định KMV là người có quyền, nghĩa vụ liên quan với tư cách là bên ủy quyền?
Nội dung 2 thì còn dị hợm hơn: “KMV nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng cao vào Việt Nam vào các thời điểm khác nhau và với giá cả khác nhau. Có thể SGB đã mua hai máy từ hai nhà phân phối tại hai thời điểm khác nhau”. Đọc xong nội dung 2 này, tôi thầm nghĩ, chắc bọn này bị điên. Tôi đang nắm chứng cứ là các phiếu báo giá máy C1100, trong cùng thời điểm mà lệch nhau đến 2,1 tỉ đồng. Đặc biệt, có 2 phiếu báo giá của KMV, trong vòng 3 ngày, cùng một sản phẩm, giá lệch nhau đến 1,1 tỉ đồng. Máy C1100 này nhập về Việt Nam mới có 3 chiếc, chúng ủy quyền bán đi đâu, bán cho ai, chúng đều biết. Vậy mà giờ đây, chúng giả con nai vàng ngơ ngác, không biết, “có thể SGB …”. Ba nội dung sau cũng thể hiện sự giả vờ, né tránh trách nhiệm.
Nhưng, quả nhiên, văn bản của Luật sư Lê Nết có tác dụng chặn được các báo đưa tin. Không một tờ báo nào của thành phố dám đưa tin về vụ nâng khống giá máy này.
Tôi rất tức giận. Bọn này mà không bị trừng trị thì chúng còn hại nhiều người. Vì thế, tôi tạm dừng công việc, trực tiếp viết bài “Konica Minolta coi mặt đặt giá”(*), đăng trên báo Pháp luật Việt Nam và các báo khác.
Sau khi báo ra, cả báo giấy và báo mạng, tôi gửi cho chúng đọc. Rồi tôi mời ông Đào Việt Linh ra quán Cánh Buồm, lai rai vài ve và khoe tau viết báo. Tôi cũng gọi cho ông Trần Minh Nhật đến để khuyên nên lấy máy về. Ông Trần Minh Nhật nói: “Tụi em phụ thuộc vào Konica, nó bảo sao thì bên em làm vậy. Bây giờ, báo ra, luật sư của nó đang nhảy dựng, chưa biết sao”. Chúng nhảy dựng là điều mà tôi đã đoán trước.
(Trích từ “Kế Hoạch Bắt Đền 10 Triệu USD”, còn tiếp)
Bình luận