Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

11. Nguồn gốc của quyền lợi (rất hay)

NGUỒN GỐC CỦA QUYỀN LỢI

147._ Các quyền lợi phát sinh từ pháp luật. Một cá nhân chỉ làm chủ thể một quyền lợi khi có một qui tắc pháp luật công nhận quyền đó. Thí dụ: Sở hữu chủ một ngôi nhà được quyền cầm bán, hưởng hoa lợi và sử dụng bất động sản đó là vì dân luật công nhận và định nghĩa quyền sở hữu. Nói một cách tổng quát, nguồn gốc của các quyền lợi là pháp luật. Tuy nhiên pháp luật có tính cách tổng quát nên chưa đủ để áp dụng riêng cho một cá nhân. Muốn cho một cá nhân có quyền lợi, cần phải xảy ra một biến cố. Biến cố này sẽ khiến cho qui tắc pháp luật qui định quyền lợi, được áp dụng cho riêng đương sự. Trong thí dụ người sở hữu chủ ngôi nhà, biến cố cho người này thành sở hữu chủ có thể  hoặc là sự kết lập khế ước mua, hoặc là thừa kế của một người vừa chết. Như vậy nguồn gốc của quyền lợi là biến cố đã khiến cho qui tắc pháp luật tổng quát công nhận quyền sở hữu được đem áp dụng cho đương nhân. Các biến cố làm nguồn gốc cho quyền lợi gồm có hai loại là sự kiện pháp lý và hành vi pháp lý.

MỤC I: SỰ KIỆN PHÁP LÝ

148._ Sự kiện pháp lý là những sự kiện làm phát sinh quyền lợi mà không cần đến ý chí của đương nhân. Những sự kiện pháp lý nhiều không sao kể xiết. Thí dụ: Một người đến tuổi trưởng thành (21 tuổi), sự kiện này làm thay đổi hẳn tình trạng của đương nhân:  Y không còn là người vô năng nữa. Một người chết đi, Sư kiện này làm phát sinh quyền lợi của người thừa kế được hưởng gia tài của người chết. Trong các sự kiện pháp lý có ba sự kiện chính yếu ta cần nghiên cứu là trách nhiệm dân sự, sự chiếm hữu và sự thủ lợi vô duyên cớ.

ĐOẠN 1: Trách nhiệm dân sự 

149._ Những sự kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự là dân sự phạm và bán dân sự phạm do điều 1382 Dân luật Pháp qui định. (Dân sự phạm (delit civil) là một hành vi dụng ý gây thiệt hại cho người khác nhưng không phải là một tội phạm do hình luật trừng trị. Thí dụ sự gian trá (dol) do kết ước); bán dân sự phạm (quasi – delit civil) là một hành vi gây thiệt hại cho người khác nhưng không do sự dụng ý. Thí dụ: Lái xe hơi vô ý đụng đổ một bức tường hoặc làm hư xe của người khác).
Ta không nên lầm lẫn các dân sự phạm với các tội phạm trong hình luật. Tội phạm là một sự vi phạm luật hình, được hế tài bằng một hình phạt, như phạt tù hay phạt bạc, tùy theo tội nặng nhẹ. Dân sự phạm hay bán dân sự phạm chỉ làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Nó đặt ra vấn đề trách nhiệm dân sự. Vấn đề này rât quan trọng và thuộc về chương trình cử nhân luật năm thứ hai. Nay ta chỉ cần biết sơ lược. Vấn đề trách nhiệm dân sự có ba trạng thái là trách nhiệm do tác động cá nhân, trách nhiệm do tác động của thay nhân và trách nhiệm do tác động đồ vật.

A. Trách nhiệm do tác động của cá nhân 

150._ Theo nguyên tắc ai gây thiệt hại cho người khác vì lỗi của mình có trách nhiệm bồi thường (Điều 1382 DLP). Việc bồi thường tùy thuộc vào sự chứng minh lỗi cá nhân của người có trách nhiệm.
Khái niệm lỗi: _ Khái niệm lỗi không được dân luật định nghĩa rõ ràng. Theo án lệ và học lý, lỗi là cách cư xử trái với điều mà bình thường, một người có tính cẩn thận và mẫn cán phải làm. Người điển hình của cá nhân cẩn thận và mẫn cán là “người chủ gia đình tốt“. Trong học lý có hai quan niệm về định nghĩa các lỗi. Theo quan niện của hai giáo sư HenriLeon Mzeaud, ai không hành động đủ mẫn cán là có lỗi. Người mẫn cán kiểu mẫu là người chủ gia đình tốt. Giáo sư Planiol lại định nghĩa lỗi theo một cách khác. Theo ông, lỗi là sự vi phạm một nghĩa vụ đã có từ trước. Đó là nghĩa vụ không được gian lận, nghĩa vụ không được bạo hành, nghĩa vụ phải trông nom những đồ vật mình canh thủ. Sở dĩ khái niệm lỗi thiếu chính xác, gây ra nhiều khó khăn và những quan niệm dị biệt trong việc định nghĩa là vì thực ra khái niệm lỗi thuộc về luân lý.
Bồi thường: Bồi thường là xóa bỏ hậu quả của sự kiện gây ra thiệt hại nghĩa là làm cho nạn nhân trờ về tình trạng của y trước khi xảy ra biến cố. Hình thức bồi thường là một số bạc. Thí dụ: Trong một vụ đụng xe, một chiến xe bị hư, đó là thiệt hại. Bồi thường là trả số bạc cần thiết để sửa lại chỗ xe hư cho nó lại được tốt như trước.

B. Trách nhiệm do tác động của tha nhân 

151._Một cá nhân có khi chịu trách nhiệm về sự thiệt hại do một người khác (tha nhân) gây ra, trong khi chính mình không thực sự phạm lỗi. Trong vấn đề trách nhiệm của tha nhân, người chịu trách nhiệm thường là người có quyền uy đối với người đã gây ra thiệt hại
1. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm đối với con vị thành niên gây ra, nếu người con còn ở chung với cha mẹ;
2. Người làm thủ công nghệ chịu trách nhiệm về thiệt hại do các thợ học nghề gây ra
3. Chủ nhân phải chịu trách nhiệm về thiêt hại do gia nhân đầy tớ hay kẻ thừa sai gây ra.

C. Trách nhiệm vì đồ vật

152._ Sở hữu chủ hay người canh thủ đồ vật phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do đồ vât gây ra. Trách nhiệm này có tính cach đương nhiên. Người bị thiệt hại không phải chu17gn minh lỗi của sở hữu chủ hay của người canh thủ (ngoại trừ trường hợp bất khả kháng thì không có trách nhiệm). Bộ Dân luật Pháp chỉ minh thị có hai trường hợp là trách nhiệm về thiệt hại do súc vật và do sự đổ nhà gây ra (1385-1386 DLP). Nhưng án lệ đã đặt một nguyên tắc tổng quát. Nguyên tắc đó là cá nhân có trách nhiệm về thiệt hại gây ra bởi bất cứ vật gì mà mình canh thủ. Điểm này cần nhấn mạnh vì hai lẽ: a) Trước hết đây là cách giải thích pháp luật táo bạo nhất của tòa án. Sự giải thích này đã đưa đến sự sáng tạo của luật pháp. b) Đây cũng là vấn đề hoàn toàn do án lệ giải quyết, một trong những vấn đề mà án lệ trở nên quan trọng nhất trong dân luật. Tất cả chế độ trách nhiệm do tai nạn xe hơi đã được xây dựng trên án lệ này.

ĐOẠN II: Sự chiếm hữu 

153._ Chiếm hữu là sự kiện pháp lý làm phát sinh một vật quyền. Chiếm hữu là xử sự như một chủ thể quyền lợi thực sự trong khi mà quyền lợi đó chưa thuộc về mình một cách hợp lệ. Thí dụ: Xử sự đàng hoàng như mình là sở hữu chủ một thửa đất trong khi mình chưa phải là sở hữu chủ bất động sản đó. Sự chiếm hữu chỉ là một tình trạng thực tế nhưng có thể biến thành một tình trạng pháp lý đưa đến sự thủ đắc một quyền lợi.Đó là trường hợp thời đắc: Sự chiến hữu chỉ có hiệu quả khi nó ngay thẳng, công nhiên không gián đoạn. Những hà tì của sự chiếm hữu là bạo hành, ẩn lậu, gián đoạn và không rành rẽ (điều 229 DLP và Điều 549 DLT). Đối với các động sản lại dễ dàng hơn. Ai chiếm hữu ngay tình một động sản, người đó là sở hữu chủ (điều 2279 DLP và 525 DLT). Qui tắc này không áp dụng cho các động sản đăng ký như tàu, thuyền, máy bay, xe hơi. Nó cũng không áp dụng cho các đồ vật bị thất lạc hoặc bị mất trộm (điều 571-572 DLT và điều 2280 DLP). Chiếm hữu ngay tình là tin rằng mình đã thủ đắc đồ vật một cách hợp lệ. Về trường hợp không ngay tình, tòa phá án đã xử rằng “kẻ đã mưu mẹo với người cai quản các đồ vật để chiếm hữu các đồ vật ấy, là người chiếm hữu thiếu ngay tình, không thể viện dẫn điều 2279 DLP để chống lại người chủ sở hữu thực sự”.

ĐOẠN III: Sự thủ lợi vô duyên cớ 

154._ Sự thủ lợi vô duyên cớ cũng là một sự kiện pháp lý vì nó làm phát sinh một quyền lợi. Đó là quyền đòi người thủ lợi bồi thường. Bộ dân luật chỉ qui định vài trường hợp riêng rẻ, nhưng án lệ đã đặt thành một nguyên tắc tổng quát. Sự thủ lợi vô duyên cớ có nghĩa là khi một biến cố xảy ra làm cho một người được thủ lợi, đồng thời cũng làm cho một cá nhân khác phải thiệt hại, thì người bị thiệt hại có thể đòi người thủ lợi phải trả cho mình một bồi khoản. Thí dụ: Một người ngay tình cất một ngôi nhà trên đất của người khác. Theo dân luật những kiến trúc xây trên đất của người khác thuộc về chủ đất (điều 555 DLP và 484-489 DLT). Như vậy người chủ đất thủ lợi một cách vô duyên cớ, mà người cất nhà thì thiệt thòi. Vì vậy người cất nhà, tuy mất quyền sở hữu về nhà, nhưng có thể đòi chủ đất trả một bồi khoản bằng giá trị kiến trúc xây cất (điều 489 DLT). Sự kiện này chỉ xảy ra khi hai bên không có ký kết bất cứ hợp đồng nào. Nếu khi trước có một khế ước giữa hai người về việc sử dụng đất thì sự thủ lợi của chủ đất bắt nguồn từ khế ước đó, và như vậy không phải là một trường hợp thủ lợi vô duyên cớ. Sự thủ lợi vô duyên cớ cũng như trách nhiệm dân sự chỉ làm phát sinh một trái quyền. Sự chiếm hữu mạnh hơn vì nó là một sự kiện làm phát sinh một vật quyền.(hay). 

MỤC II: HÀNH VI PHÁP LÝ 

155._ Hành vi pháp lý là những hành vi ý nguyện. Hành vi có hậu quả pháp lý do ý chí của đương sự. Hành vi pháp lý điển hình là khế ước. Khế ước không phải là hành vi pháp lý duy nhất. Nó là hành vi pháp lý thông dụng nhất. Chúc thư cũng là hành vi pháp lý. Hành vi pháp lý không chỉ có hiệu lực làm phát sinh quyền lợi cho một tư nhân. Có khi nó có hiệu lực chuyển di hay tiêu diệt một quyền lợi. Thí dụ: Sự miễn trái (miễn nợ) có hiệu lực tiêu diệt một trái quyền. Đó cũng là một hành vi pháp lý. Nói tóm lại, hành vi pháp lý là mọi biểu thị của ý chí có mục đích tạo lập, sửa đổi hay tiêu diệt một hay nhiều quyền lợi. Có nhiều loại hành vi pháp lý. Ta cần liệt kê các loại đó trước khi xét đến các điều kiện hữu hiệu hóa, đến hiệu lực và cách tiêu hủy hành vi pháp lý.
1._ Hành vi đơn phương và khế ước: Hành vi đơn phương do ý chí độc nhất của một người mà có. Thí dụ: Chúc thư. Khế ước phải cần đến sự thỏa thiệp của hai hay nhiều ý chí mới kết lập được. Thí dụ: Khế ước mua bán.
2._ Hành vi vô thường và hành vi hữu thường: Hành vi vô thường cung cấp một lợi ích mà không đòi hỏi một đối khoản nào. Thí dụ cho của là hành vi vô thường. Hành vi hữu thường là hành vi trong đó mỗi người đương sự đều có một lợi ích, nhưng đồng thời cũng phải thi hành một trách vụ đối với người khác, để bù lại. Thí dụ khế ước mua bán là một hành vi hữu thường. Người mua nhận đồ vật mua nhưng phải trả tiền. Kẻ bán lãnh tiền nhưng phải giao đồ.
3._ Hành vi chuyển dữ và hành vi tuyên nhận: Hành vi chuyển dữ (acte translatif) chuyển đi một quyền lợi nên nó có hiệu lực khiến một cá nhân thủ đắc một quyền lợi mới. Thí dụ: Trong sự mua bán, người mua sẽ thủ đắc quyền sở hữu vật mua. Trái lại hành vi tuyên nhận (acte déclaratif: hành động tuyên bố) chỉ chứng nhậnmột quyền lợi đã có từ trước. Ví dụ: Thừa nhận con ngoại hộ là một hành vi tuyên nhận. Nó chứng nhận sự liên lạc phụ hệ hay mẫu hệ, mà sự liên lạc này đã có từ trước. Sự thừa nhận chỉ tuyên bố một tình trạng đã có rồi. Đặc tính của hành vi tuyên nhận là nó có hiệu lực bắt đầu từ ngày có tình trạng được tuyên nhận. Một đứa con ngoại hôn được thừa nhận được coi là con của người thừa nhận từ ngày sanh.
156._ Lý thuyết đại cương về hành vi pháp lý do học lý xây dựng. Các tác giả đã suy luận theo phương pháp diễn dịch và quy nạp, căn cứ vào các quy tắc của luật khế ước. Trong thực tế tất cả những nguyên tắc căn bản áp dụng cho khế ước cũng được áp dụng cho hành vi pháp lý khác. Những nguyên tắc này được trình bày trong ba đoạn dưới đây một cách hết sức sơ lược, vì ta sẽ nghiên cứu một cách kỹ lưỡng nở năm thứ hai, trong phần nói về nghĩa vụ. Ngay bây giớ những khái niệm căn bản về hành vi pháp lý cần được nói đến ở đây vì ta sẽ thấy những áp dụng trong các định chế của luật gia đình. Nói một cách khác, sự am tường các khái niệm căn bản của hành vi pháp lý rất cần thiết để hiểu luật gia đình. Trong mục này ta sẽ lần lượt xét qua về:
1. Các điều kiện cần thiết để hữu hiệu hành vi pháp lý.
2. Hiệu lực của hành vi pháp lý:
3. Sự tiêu hủy hành vi pháp lý hay là các trường hợp hành vi pháp lý vô hiệu.

ĐOẠN I: Các điều kiện cần thiết để hữu hiệu hành vi pháp lý.
Cần phân biệt các điều kiện nội dung và các điều kiện về hình thức. Điều kiện nội dung quan trọng hơn.

A. Điều kiện nội dung của hành vi pháp lý:
157_ Các điều kiện này liên hệ đến ý chí, đến năng cách của người tạo lập hành vi, đến nội dung của hành vi.
1) Ý chí: Ý chí là yếu tố chính yếu trong sự tạo lập hành vi pháp lý. Nếu là một hành vi đơn phương (như chúc thư) nó phải do ý muốn của người tạo lập. Nếu là một khế ước, nó phải do ý chí của tất cả các người lập ước. Ý chí đó phải có thực. Nếu hành vi phát sinh từ một người ở trong tình trạng tinh thần thác loạn (điên hay say rượu) thì không có giá trị. Hơn nữa ý chí đó phải lành mạnh. Nếu sự ưng thuận bị tì ố bởi các hà tì, thì hành vi pháp lý cũng không có hiệu lực. Hà tì là những sự kiện làm cho sự ưng thuận không còn sáng suốt hay mất hẳn tự do. Có ba hà tì của sự ưng thuận là sự lầm lẫn, sự khi trá, và sự cưỡng bạo. Mỗi hà tì chỉ có thể làm cho hành vi vô hiệu khi nó có tính cách trầm trọng. Mỗi khi viện dẫn một hà tì cần phải chứng minh rằng sự hà tí đó đã làm sai lệch ý muốn của đương sự, nghĩa là nếu không có hà tì đó thì đương sự chắc chắn không ưng thuận. Chỉ có sự lầm lẫn về bản thể (substance) hay về tính cách trọng yếu của đối tượng thì hành vi mới vô hiệu. Sự khi trá cũng vậy, phải trầm trọng, nghĩa là không có sự gian trá thì không khi nào người đồng ước ưng thuận. Sự cưỡng bạo vật chất hay tinh thần, phải mạnh đến độ khiến người lập ước sợ hãi quá mà phải ưng thuận. Theo án lệ của Tòa phá án, những sự kiện bạo lực, áp bức có thể chứng minh bằng tất cả mọi cách kể cả bằng những sự ức đoán căn cứ vào những sự kiện hiển nhiên và không mâu thuẫn.(hay).
2) Năng cách
158._ Hành vi pháp lý chỉ có giá trị khi nó là hành vi của một người đủ năng cách. Theo nguyên tắc mọi người đều đủ năng cách, nghĩa là đủ khả năng tạo lập hành vi pháp lý một cách tự do. Nhưng luật pháp đã đặt ra những trường hợp vô năng với mục đích bảo vệ vài hạng người, hoặc vì tuổi còn non, như các vị thành niên dưới 21 tuổi, hoặc vì trí óc không bình thường như những người đần độn hay người điên bị cấm quyền. Những người này được coi là ý chí không đủ lành mạnh nên không đủ năng cách làm các hành vi pháp lý. Luật pháp đã ức đoán là nếu để họ tự do, họ sẽ hành động một cách nhẹ dạ vì thiếu kinh nghiệm hay vì không ý thức rõ điều mình làm. Như vậy sự ưng thuận của họ sẽ bị tì ố. Vậy làm thế nào để bảo vệ các hạng người vô năng lực này? Có hai cách:
a) Hoặc luật pháp chỉ định người đại diện để làm những hành vi pháp lý thay cho họ. Thí dụ: Trẻ vị thành niên do cha mẹ hay người giám hộ đại diện.
b) Hoặc luật pháp để chính người vô năng làm hành vi pháp lý nhưng phải được phép của một người khác gọi là người bảo tá như trường hợp người đần độn. Năng cách của mỗi người là một vấn đề luật pháp qui định một cách cưỡng hành, liên quan đến trật tự công cộng, không thể gia tăng hay hạn chế do sự thỏa thuận của tư nhân. Vì vậy khi một người trưởng thành tạo mãi một bất động sản, và cam kết là muốn cầm cố hay đoạn mại phải xin phép cha y, sự cam kết này hoàn toàn vô giá trị vì có hiệu lực hạn chế năng cách của một người đã trưởng thành.
3) Nội dung của hành vi pháp lý:
159._Vấn đề đặt ra là người ta có thể thỏa thuận nhữn gì trong một hành vi pháp lý? Một hành vi pháp lý có thể phát sinh những quyền lợi và nghĩa vụ gì?
a) Trước hết ta thấy có nguyên tắc tự do lập ước: Theo nguyên tắc này, người lập ước được hoàn toàn tự do trong việc qui định các quyền lợi và nghĩa vụ. Đó là nguyên tắc tự do lập ước hay nguyên tắc ý chí tự do, do điều 1134 DLP minh thị như sau: “Những hiệp ước kết lập một cách hợp pháp giữa tư nhân được coi như luật pháp đối với các người lập ước”. Các hiệp ước hay khế ước là hành vi pháp lý quan trọng nhất. Tuy bộ dân luật chỉ nói đến hiệp ước nhưng thực ra nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các hành vi pháp lý. Tuy nhiên sự tự do lập ước không phải là một sự tự do tuyệt đối. Nó có hai giới hạn:
b) Những giới hạn của nguyên tắc tự do lập ước:  Một hành vi pháp lý muốn có giá trị không được trái với thuần phong mỹ tục, và không được trái với trật tự công cộng (điều 6 DLGY). Thuần phong mỹ tục và trật tự công cộng là hai khái niệm rất co giãn và thiếu rõ rệt. Các Tòa án có một quyền thẩm lượng thẩm định rất rộng để xét xử, vì vậy rất khó định nghĩa một cách chính xác hai khái niệm này.
160._ Trật tự công cộng: Nói một cách đại cương, ta có thể coi khái niệm trật tự công cộng gồm tất cả các qui tắc thiết yếu cho tổ chức xã hội, nghĩa là tất cả các quy tắc cần thiết cho việc duy trì trật tự xã hội. Có những điều mà luật minh thị là có tính cách trật tự công cộng. Những điều luật này dĩ nhiên có tính cách cưỡng chế tuyệt đối. Thí dụ: Trong luật lao động, quyền nghỉ hằng tuần của công nhân là một điều khoản có tính cách trật tự công cộng. Hai bên chủ, thợ không thể không thể giao ước để bỏ ngày nghỉ ấy. Thân trạng cá nhân cũng là một vấn đề trật tự công cộng. Người cha có nghãi vụ cấp dưỡng cho đứa con ngoại hôn mà mình thừa nhận. Đương sự không thể dựa vào tờ cam kết với mẹ đứa trẻ theo đó “y không biết gì đến đứa bé nữa” để xin miễn thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều khoản này hoàn toàn vô hiệu vì thân trạng cá nhân là một vấn đề trật tự công cộng do luật pháp qui định một cách cưỡng hành không thể thay đổi do sự giao ước giữa tư nhân.
Thuần phong mỹ tục là một khái niệm liên hệ mật thiết với khái niệm trật tự công cộng. Vi phạm thuần phong mỹ tục là có thể gây rối loạn cho trật tự xã hội. Khi định nghĩa thế nào là thuần phong mỹ tục, các tòa án thường lấy luân lý, và những phong tục, truyền thống làm tiêu chuẩn. Vì vậy khái niệm này thay đổi theo không gian và thời gian. Thí dụ: Khế ước cho kỹ nữ mướn nhà để hành nghề mại dâm là một khế ước bại luân.

B) Điều kiện về hình thức của hành vi pháp lý:
161._Về phương diện hình thức của hành vi pháp lý, cũng có một nguyên tắc và nguyên tắc này cũng không tuyệt đối. Đó là nguyên tắc hiệp ý (principe du consensualisme: nguyên tắc đồng thuận). Theo nguyên tắc này, hành vi pháp lý cũng không bó buộc phải có một hình thức nhất định nào. Người ta có thể biểu thị sự ưng thuận bằng cách nào cũng được, bằng miệng hay bằng giấy tờ tùy ý, miễn có sự thỏa thuận là được. Nếu làm giấy tờ thì tránh được những phiền toái về sau này khi cần dẫn chứng sự ưng thuận. Nhưng không phải vì thiếu giấy tờ mà hành vi pháp lý mất hiệu lực. Thí dụ trong việc thuê mướn nhà phố, hay mua bán người ta vẫn có thể thỏa thuận miệng với nhau. Hợp đồng miệng cũng là một hành vi pháp lý với đầy đủ hiệu lực.
162._ Tuy nhiên nguyên tắc hiệp ý cũng có những biệt lệ. Một vài hành vi pháp lý được gọi là các hành vi hay chứng thư trọng thể. Những hành vi này đòi hỏi vài thể thức bắt buộc. Thí dụ: Giá thú là một hành vi trọng thể; Giá thú phải được cử hành trước sự hiện diện của hộ lại. Sự ưng thuận của hai người phối ngẫu phải do một đại diện công quyền xác nhận. Tặng dữ là một hành vi trọng thể. Sự cho của phải được thực hiện bằng một công chính chứng thư. Những hành vi trọng thể thường là những hành vi quan trọng. Luật pháp đòi hỏi các thể thức trọng thể, long trọng, cốt là để đặt biệt lưu ý các đương sự, bắt họ phải suy nghĩ kỹ càng trước khi ưng thuận. Sự hiện diện của các viên chức như hộ lại, chưởng khế còn có ích cho các đương sự là các viên chức này có thể khuyên nhũ, chỉ dẫn cho họ rõ tầm quan trọng của hành vi họ định làm. Các hành vi trọng thể trong dân luật ngày nay là di tích của luật La Mã thời xưa, một nền pháp luật rất rtro5ng hình thức.

ĐOẠN II: Hiệu lực của hành vi pháp lý
Hành vi pháp lý chí có hiệu lực giữa các đương nhân, nghĩa là những người đã tạo lập ra hành vi đó. Hiệu lực của hành vi pháp lý có thể được thay đổi bởi một vài ước khoản riêng gọi là dụng thức (modalités: điều khoản và điều kiện).

A._ Hiệu lực tương đối của hành vi pháp lý
163._ Dân luật chỉ nói đến hiệu lực tương đối của khế ước nhưng nguyên tắc này được áp dụng chung cho tất cả các hành vi pháp lý. Nó có nghĩa là hành vi pháp lý chỉ có hiệu lực đối với những người đã tạo ra nó. Hành vi không làm thiệt hại và không làm lợi cho đệ tam nhân (Điều 1165 DLP). Trong luật La Mã có câu Res inter alios acta để chỉ rõ hiệu lực tương đối này. Nguyên tắc hiệu lực tương đối thực ra chỉ là một hệ luận của nguyên tắc tự do ý chí. Vì ý chí là yếu tố chính của hành vi pháp lý nên đối với những người không tham dự vào hành vi, không biểu lộ ý chí, dĩ nhiên hậu quả của hành vi không liên can đến họ. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa những người trong cuộc và những người ngoài cuộc (hay đệ tam nhân) thường không rõ rệt trong thực tế vì hai lẽ: Một là dân luật công nhận sự đại diện, hai là ngoài các đương nhân còn có người kế quyền.
1. Sự đại diện:
164._ Trong một hành vi pháp lý các đương nhân không bắt buộc phải là những người đã trực tiếp tham dự vào việc tạo lập hành vi. Họ có thể cử người đại diện làm thay họ, nhân danh họ. Người đại diện chỉ có mặt khi tạo lập hành vi để ký kết thay cho người mà mình đại diện, chứ không hưởng một quyền lợi hay đảm nhiệm một trách vụ gì do hành vi pháp lý phát sinh. Sau khi thành lập hành vi pháp lý xong, vai trò của người đại diện chấm dứt. Tất cả hiệu lực của các hành vi sẽ quy tụ vào người được đại diện. Sự đại diện có thể thực hiện bằng hai cách:
a) Người muốn được đại diện cử một người thụ ủy bằng cách trao cho người này một giấy ủy quyền để làm một hành vi pháp lý. Người thụ ủy sẽ đại diện cho người ủy quyền (mandant). Đó là cách đại diện ước định (đại diện theo hợp đồng – kim).
b) Cách đại diện thứ hai là đại diện pháp định: Luật pháp chỉ định người đại diện cho các kẻ vô năng. Thí dụ: Người giám hộ là người đại diện trẻ vị thành niên. Nếu trẻ thành niên phải làm một hành vi pháp lý nào (như ký kết một hợp đồng cho thuê mướn nhà đất) thì người giám hộ làm thay.
2. Các người kế quyền:
165._ Trong một hành vi pháp lý, thường khi phải đồng hóa các đương nhân với các người kế quyền của họ. Người kế quyền là người mua lại hoặc được thừa hưởng quyền lợi của đương sự.
Sau khi phân biệt những người trong cuộc và người ngoài cuộc trong một hành vi pháp lý, ta cần có một nhận xét chót về ảnh hưởng của hành vi pháp lý đối với đệ tam nhân. Theo nguyên tắc, một hành vi pháp lý không thể làm phát sinh một quyền hay một nghĩa vụ gì đối với đệ tam nhân. Tuy nhiên các đệ tam nhân nhiều khi cũng phải công nhận hành vi pháp lý này. Người ta nói là hành vi pháp lý có thể đối kháng với họ. Thí dụ điển hình là chủ nợ thường (créanciers chirographaires: chủ nợ không có bảo đảm) đối với hành vi pháp lý của con nợ. Nếu con nợ bán nhà thì chủ nợ cũng thiệt hại gián tiếp vì con nợ càng nghèo sự bảo đảm việc trả nợ càng giảm đi. Như vậy nếu nói rằng hành vi pháp lý không làm lợi, cũng không làm thiệt hại có đệ tam nhân thì không hoàn toàn đúng.

B. Các khoản thay đổi hiệu lực của hành vi pháp lý:
166._ Một hành vi pháp lý đơn thuần có hiệu lực ngay tức khắc. Trái lại khi có ước khoản riêng thì ước khoản này hoặc giới hạn hiệu lực của hành vi pháp lý trong thời gian, hoặc làm cho hiệu lực này trở nên không chắc chắn, không xác định. Ước khoản có thể dự liệu một hạn kỳ hay một điều kiện cho hành vi pháp lý. (Hay).
1. Kỳ hạn:
167._ Kỳ hạn là một biến cố xảy ra một cách chắn chắn trong tương lại. Thường thường kỳ hạn là một ngày nhứt định trong tương lai. Nhưng kỳ hạn cũng có thể là một biến cố chắc chắn sẽ xảy ra nhưng chưa bao giờ sẽ xảy ra. Thí dụ: Sự tử vong của một người. Kỳ hạn có hai thể thức: Kỳ hạn tiêu diệt và kỳ hạn hưu chỉ. Kỳ hạn hưu chỉ trì hoãn việc thi hành. Thí dụ: Sự cam kết trả nợ vào một ngày nào đó trong tương lai. Kỳ hạn tiêu diệt chấm dứt việc thi hành, hay dập tắt quyền lợi phát sinh từ hành vi pháp lý. Thí dụ: Ấn định thời hạn cho mướn một căn phố tới ngày người mướn chết.
2. Điều kiện:
168._ Điều kiện là một biến cố tương lai không chắc chắn xảy ra. Các đương sự có thể thỏa thuận rằng hành vi pháp lý sẽ phát sinh hay không phát sinh hiệu lực, tùy theo biến cố đó xảy ra hay không xảy ra (thí dụ: Một chiếc tàu biển chở hàng có cập bến hay không). Có hai cách ấn định điều kiện là điều kiện đình chỉ và điều kiện giải tiêu.
a) Điều kiên đình chỉ: Khi mà chưa chắc chắn là biến cố xảy ra (tàu còn đang đi ở biển), người ta nói là điều kiện chưa thực hiện. Trong khi đó hành vi pháp lý chưa có hiệu lực. Khi biến cố dự liệu xảy ra, thì điều kiện đã thực hiện (tàu đã cập bến). Hành vi pháp lý có hiệu lực ngay từ ngày được tạo lập, nghĩa là có hiệu lực hồi tố. Khi có bằng chứng rằng biến cố không bao giờ xảy ra (tàu bị đắm) thì điều kiện bất thành. Hành vi pháp lý sẽ không có hiệu lực gì và được coi như chưa bao giờ được tạo lập.
b) Điều kiện giải tiêu: là hình thức thứ hai. Các đương sự thỏa thuận là hành vi pháp lý sẽ mất hiệu lực nếu biến cố dự liệu xảy ra. Tình trạng do điều kiện giải tiêu tạo ra se trái ngược với tình trạng vừa mô tả. Trong khi điều kiện chưa thực hiện chưa thực hiện thì hành vi có hiệu lực như một hành vi đơn thuần. Nếu điều kiện bất hành (biến cố không xảy ra) thì hiệu lực của hành vi còn mãi mãi. Nếu điều kiện thực hiện, thì hành vi pháp lý bị giải tiêu. Những hậu quả về trước cũng bị xóa bỏ. Thí dụ: Một công chức mua một ngôi nhà để ở với điềi kiện giải tiêu nếu bị đổi đi nơi khác.

ĐOẠN III: Sự tiêu hủy hành vi pháp lý

169._ Sự tiêu hủy là phương tiện hữu hiệu nhất để chế tài những quy tắc ấn định các điều kiện tạo lập hành vi pháp lý. Trong lĩnh vực này, muốn chế tài, người ta không thể dùng các biện pháp phòng ngừa được, vì trong thực tế, không thể ngăn cấm người vị thành niên kết ước hay ngăn cấm sự kết lập những khế ước trái thuần phong mỹ tục hoặc trái trật tự công cộng. Chỉ có thể chế tài sau khi hành vi đã được tạo lập rồi. Cách chế tài đó là làm cho hành vi trở thành vô hiệu. Các trường hợp vô hiệu của hành vi pháp lý gồm hai loại: vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối.
A._ Phân biệt vô hiệu tuyệt đối với vô hiệu tương đối:
Sự phân biệt này rất quan trọng, vì nó giúp ta hiểu rõ định chế giá thú. Vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối khác nhau vì bản chất các quyền lợi được bảo vệ khác nhau. Khi có vô hiệu là tất có một qui tắc pháp luật bị xâm phạm. Sự vô hiệu sẽ tương đối khi qui tắc đó bảo vệ một quyền lợi riêng tư. Sự vô hiệu sẽ là tuyệt đối khi quy tắc đó bảo vệ một quyền lợi chung.
1) Vô hiệu tương đối:
170._ Vô hiệu tương đối là cách chế tài thông thường các trường hợp vô năng và các hà tì của sự ưng thuận. Lý do của cách chế tài bằng vô hiệu tương đối là bảo vệ kẻ vô năng hay bảo vệ người mà sự ưng thuận của họ bị hà tì, mực đích là giúp họ có thể tiêu hủy một hành vi pháp lý bất lợi cho họ. Chế tài bằng vô hiệu tương đối là chế tài có tính cách bảo vệ. Ba qui tắc sau đây áp dụng cho sự vô hiệu tương đối:
a) Chỉ một mình người được sự vô hiệu bảo vệ mới có quyền viện dẫn sự vô hiệu đề xin tiêu hủy hành vi pháp lý. Người đồng ước không có quyền này. Khi vị tha2nhnie6n tự kết lập khế ước không có người giám hộ đại diện thì khế ước bị vô hiệu tương đối. Riêng một mình người vị thành niên được quyền xin tiêu hủy khế ước.
b) Hành vi pháp lý thuộc về trường hợp vô hiệu tương đối có thể được xác nhận, nghĩa là khi người có quyền viện dẫn sự vô hiệu khước từ không muốn tiêu hủy, thì hành vi lại có giá trị và có hiệu lực. Tuy nhiên sự xác nhận này chỉ có thể thực hiện khi duyên cớ vô hiệu đã hết (thí dụ khi người vị thành niên đã trưởng thành).
c) Tố quyền xin tiêu hủy hành vi vô hiệu tương đối sẽ bị thời tiêu sau 10 năm: Luật pháp ức đoán rằng sau 10 năm mà không xin tiêu hủy là có ý muốn xác nhận hành vi.
2._ Vô hiệu tuyệt đối:
171._ Vô hiệu tuyệt đối là phương tiện chế tài những những sự bất hợp pháp nghiêm trọng hơn. Các sự vi phạm trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục hoặc các sự bất hợp thức vì không theo đúng qui tắc hình thức trong các hành vi trọng thể, đều được chế tài bằng vô hiệu tuyệt đối. Ba qui tắc sau đây được áp dụng cho sự vô hiệu tuyệt đối:
a) Tố quyền xin tiêu hủy hành vi pháp lý vì lý do vô hiệu được dành cho tất cả mọi người có quyền lợi. Nếu hành vi pháp lý là một khế ước thì tất cả các người kết tước có quyền xin tiêu hủy.
b) Không thể xác nhận một hành vi đã bị vô hiệu tuyệt đối vì lẽ không thể hợp thức hóa một hành vi trái luật.
c) Tố quyền xin tiêu hủy một hành vi vô hiệu tuyệt đối chỉ bị thời tiêu sau 30 năm, nghĩa là lâu hơn đối với các trường hợp vô hiệu tương đối.

B. _ Hiệu lực của sự vô hiệu:
172._ Về phương diện hiệu lực, ta không phân biệt tuyệt đối hay tương đối. Người ta thường lầm tưởng rằng vô hiệu tuyệt đối có hậu quả trầm trọng hơn vô hiệu tương đối, nhưng thực ra không phải thế. Hai loại vô hiệu chỉ khác nhau về các điều kiện thi hành. Một khi hành vi pháp lý đã bị tòa án tuyên phán là vô hiệu thì cả hai trường hợp vô hiệu đều có hậu quả như nhau: Hành vi bị tiêu hủy được xem như chưa bao giờ có. Nếu hành vi đã thi hành rồi thì phải trở về quá khứ mà xóa bỏ tất cả những hậu quả của nó. Sự tiêu hủy hành vi có hiệu lực hồi tố. Vì vậy nên hai người lập ước, người nọ phải hoàn lại cho người kia, những lợi ích do hành vi pháp lý bị tiêu hủy đã dành cho mình. Tuy nhiên, nguyên tắc hồi tố này cũng có những ngoại lệ: Có những trường hợp không thể nào xóa bỏ được những hậu quả của hành vi trong quá khứ. Đó là trường hợp những khế ước mà sự thi hành kéo dài trong thời gian. thí dụ: Một hợp đồng mướn nhà bị tiêu hủy. Một sự hiển nhiên là người mướn đã ở ngôi nhà rồi. Không sao xóa bỏ được hậu quả đó. Sự tiêu hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực từ khi tòa tuyên án. Nó không có hiệu lực hồi tố./.

 

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar