Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

11. Sự táng thất các yếu tố của nghĩa vụ

SỰ TÁNG THẤT CÁC YẾU TỐ CỦA NGHĨA VỤ

Các yếu tố cần thiết cho sự hiện hữu của nghĩa vụ là các đương sự, đối tượng và nguyên nhân.

  • Về các đương sự, sau khi nghĩa vụ được thành lập, sự kiện con nợ hay chủ nợ chết đi không khến nghĩa vụ mãn kết vì nghĩa vụ được truyền sang cho người thừa kế của họ, chỉ có nghĩa vụ niên kim chung thân là mãn kết cùng một lúc với sự mãn phần của chủ nợ. Nhưng có khi một người vừa có tư cách là con nợ, vừa có tư cách chủ nợ của một nghĩa vụ, khi đó sẽ có sự hỗn nhập và nghĩa vụ sẽ mãn kết.
  • Đối tượng của nghĩa vụ có thể bị tiêu thất vì một trường hợp ngãu nhiên hay bất khả kháng: Sự tiêu thất tài vật làm cho nghĩa vụ mãn kết.
  • Còn về nguyên nhân, thì yếu tố này chỉ đóng một vai trò trong việc tạo lập khế ước thôi. Tuy nhiên, một vài tác giả, như Henri Capitant thì cho rằng, nếu khế ước song vụ bị giải tiêu khi một bên kết ước không thi hành nghĩa vụ, thì đó chính là vì khế ước không còn nguyên nhân. Quan niệm này sai lầm; Vả lại đó là một sự giải tiêu hồi tố khế ước chứ không phải là mãn kết nghĩa vụ.

I. SỰ HỖN NHẬP. Sau khi nghĩa vụ được cấu tạo, tư cách chủ nợ và con nợ có thể vì một duyên cớ nào đó quy tụ vào một người, đó có thể là do hiệu lực của một sự thừa kế hay chuyển nhượng trái quyền. Trong trường hợp này, người ta nói rằng có sự hỗn nhập và nghĩa vụ được mãn kết. Sự hỗn nhập phải được phân biệt với sự bù trừ. Sự bù trừ tiên niệm có hai nghĩa vụ ngược chiều nhau: Cùng các đương sự nhưng chủ nợ có nghĩa vụ này, đương sự có nghĩa vụ kia. Trong sự hỗn nhập chỉ có một nghĩa vụ thôi: chủ nợ vừa là con nợ của nghĩa vụ ấy.
a. Điều kiện của sự hỗn nhập: Sự hỗn nhập áp dụng cho mọi nghĩa vụ chứ không riêng gì các nghĩa vụ về tiền bạc. Ví dụ: Một công ty sẽ chấm dứt khi một hội viên trở thành sở hữu chủ toàn thể các cổ phần; Hợp đồng thuê chấm dứt khi người thuê trở thành chủ sở hữu bất động sản. Chỉ cần một điều kiện là nghĩa vụ phải hiện hữu đồng thời trong phần tích sản và tiêu sản của cùng một sản nghiệp. Ngoài ra người chủ nợ phải có quyền sử dụng trái khoán vào lúc sự hỗn nhập. Nếu trái khoản đã bị chuyển nhượng hoặc bị sai áp chi phó thì sẽ không thể có sự hỗn nhập được..
b. Hiệu lực của sự hỗn nhập: Sự hỗn nhập làm tiêu tan liên hệ pháp lý vì liên hệ này chỉ có thể hiện hữu giữa hai người khác nhau. Do một sự lầm lẫn, điều 1.300 DLP nói rằng, sự hỗn nhập mãn kết hai trái khoản, trong khi sự thực chỉ có một trái khoản, một nghĩa vụ. Josseerand viết rằng: “Ở đây nhà làm luật đã nhìn một hóa hai”. Điều 873 DLVN do đó đã quy định một cách hữu lý rằng: “Tình trạng ấy (hỗn nhập) đương nhiên tiêu trừ trái quyền”. Trên nguyên tắc, sự hỗn nhập có hiệu lực trên toàn thể nghĩa vụ, chủ nợ trở thành con nợ của chính mình, toàn thể trái khoản được mãn kết. Tuy nhiên, có một vài trường hợp trong đó sự hỗn nhập chỉ có hiệu lực về một phần của nghĩa vụ. Khi một người chết đi để lại nhiều thừa kế, ví dụ hai người chẳng hạn, nếu người đó là chủ nợ của một người thừa kế thì trái khoản chỉ được mãn kết một nửa mà thôi. Thực vậy, mỗi thừa kế nhận được một nửa trái khoản, chỉ có một người là con nợ, cho nên sự hỗn nhập không thể xảy ra với người thừa kế kia. Tình trạng này cũng tương tự như vậy, nếu người quá cố là con nợ của một người thừa kế, món nợ vẫn tồn tại về phần của các người thừa kế khác. Trong nghĩa vụ liên đới, nếu người chủ nợ trở thành con nợ của một người trái hộ, sự hỗn nhập sẽ khiến người chủ nợ chỉ có quyền đòi hỏi phần trái khoản còn lại sau khi trừ đi trái khoản của người trái hộ ấy. Mặt khác, sự hỗn nhập làm mãn kết nghĩa vụ chính có hiệu lực giải trái cho người bảo lãnh, ngược lại sự hỗn nhập về phía người bảo lãnh không khiến nghĩa nghĩa vụ được mãn kết (874 DLVN).
c. Bản chất của sự hỗn nhập: Người ta khó có thể xác định bản chất của sự hỗn nhập. Sự hỗn nhập có thể quan niệm như một cản trở trong việc thi hành nghĩa vụ: chủ nợ trở thành con nợ của chính mình nên không thể chính mình đi kiện mình để đòi hỏi phải thi hành nghĩa vụ. Nhưng cũng có thể coi sự hỗn nhập là một nguyên nhân làm mãn kết nghĩa vụ, chứ không chỉ làm cho nghãi vụ không thể thi hành được….

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar