Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

12. Chủ đích hay đối tượng của nghĩa vụ và khế ước

CHỦ ĐÍCH HAY ĐỐI TƯỢNG CỦA NGHĨA VỤ VÀ KHẾ ƯỚC

Theo Điều 668 DLB, 709 DLT, 1126 DLP, thì mọi khế ước đều phải có một chủ hay đối tượng. Nhưng nhà lập pháp không phân biệt rõ rệt giữa chủ đích hay đối tượng của khế ước và chủ đích hay đối tượng của nghĩa vụ, vì trong các điều trên chỉ nói đến chủ đích của khế ước. Trong học lý, một số tác giả thường coi rằng sự phân biệt hai ý niệm này chỉ có lợi về phương diện lý thuyết vì đối tượng của khế ước là sự tạo lập ra nghĩa vụ, còn đối tượng của nghĩa vụ là cung khoản đã được cam kết. Như vậy, đối với các tác giả này, có thể nói một cách đơn giản rằng chủ đích của khế ước là cung khoản nói trên. Nhưng sự suy luận này không xác đáng. Khế ước chỉ có hiệu lực – chứ không phải chủ đích – tạo ra nghĩa vụ cho hai bên kết ước hoặc cho một bên mà thôi.  Nếu muốn nói tới chủ đích của khế ước, có thể nói rằng, chủ đích ấy là một tác vụ pháp lý (ràng buộc pháp lý) mà hai bên kết ước muốn thực hiện. Tác vụ pháp lý này khác hẳn với chủ đích của nghĩa vụ là cung khoản được cam kết. Vì vậy, như chúng ta sẽ rõ, có khi tác vụ pháp lý bị cấm đoán, nhưng không vì thế mà các cung khoản đã được cam kết thành bất hợp pháp. Ngược lại, có những trường hợp tác vụ có tính cách hợp pháp, nhưng sự cam kết lại có thể bị cấm đoán; thí dụ trong trường hợp thuê nhà để làm nhà điếm, thì sự cho thuê nhà phố là một tác vụ không bị cấm, nhưng cung khoản cho thuê để làm nhà điếm sẽ bất hợp pháp. Thí dụ này cho thấy không thể đồng hóa chủ đích của khế ước với chủ đích của nghĩa vụ.
Theo các điều luật trên, chủ đích của khế ước là một vật mà người phụ trái hứa chuyển hữu hoặc hứa làm hay không làm. Như vậy, rõ ràng là nhà làm luật đã lầm đã lầm chủ đích của nghĩa vụ với chủ đích của khế ước. Trong các điều luật này, đáng lẽ phải thay danh từ “khế ước” bằng danh từ “nghĩa vụ”. Ngoài ra, chữ “vật” trong các điều luật trên cũng không đúng nghĩa hoàn toàn. Đã đành rằng trong các nghĩa vụ mà đối tượng là một quyền đối vật thì danh từ vật cho thể áp dụng được. Nhưng đối tượng của nghĩa vụ không bị bắt buộc luôn luôn là một vật quyền, mà có nhiều khi đối tượng ấy là một quyền đối nhân hay một lợi ích về tinh thần. Như vậy, danh từ “vật” ở đây không những dùng để chỉ những quyền lợi vật chất, mà còn dùng để chỉ quyền lợi về tinh thần, những quyền lợi vô hình như bằng sáng chế, quyền tác giả v.v…. Do đó, phải dùng danh từ “một cung khoản” (une prestation: một lợi ích – a benefit), để thay thế cho danh từ “vật”. Để đi sát với nghĩa một cung khoản – một lợi ích, chúng ta có thể dùng danh từ “sự vật” thay cho danh từ “vật”. Theo nguyên tắc thì mọi sự vật đều có thể làm đối tượng của nghĩa vụ. Tuy nhiên, sự vật dùng làm chủ đích cho nghĩa vụ cũng phải tuân theo một số điều kiện. Một mặt khác, đối với các chủ đích của khế ước, hay là tác vụ pháp lý mà các người kết ước muốn tạo lập ra, các nền pháp chế cổ thường hạn định danh sách các tác vụ này. Ngày nay, dân luật đã chấp nhận nguyên tắc hiệp ý; vì vậy các người kết ước có thể làm được một số vô hạn định các hành vi ấy. Nói cách khác, nhờ nguyên tắc hiệp ý, đối tượng hay chủ đích của khế ước, ngày nay có thể biến chuyển vô cùng, tùy theo thỏa thuận của người kết ước, miễn là không xâm phạm đến trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.
1. Chủ đích hay đối tượng của nghĩa vụ
Trên nguyên tắc: “Mọi sự vật đều có thể làm đối tượng của nghĩa vụ”. Nhưng sự thật, chủ đích của nghĩa vụ phải hội đủ một số điều kiện, tùy theo bản chất của nghĩa vụ. Về phương diện này, các điều khoản 668 DLB, 709 DLT, 1126 DLP và 667 DLVN 1972, chấp nhận sự phân loại cổ điển thành ba hạng gồm: Nghĩa vụ chuyển hữu, nghĩa vụ tác động, nghĩa vụ bất tác động. Để phân tích các điều kiện thuộc về chủ đích của nghĩa vụ, có thể chia một cách giản dị và hợp lý hơn thành hai loại nghĩa vụ:
– Một là nghĩa vụ chuyển dịch một quyền lợi cho trái chủ. Loại này rộng hơn nghĩa vụ chuyển hữu cổ điển vì cung khoản được chuyển dịch có thể là một quyền đối vật hay quyền đối nhân.
– Hai là, Nghĩa vụ hứa một cung khoản gồm hai loại nghĩa vụ là nghĩa vụ tác động và nghĩa vụ bất tác động.
a. Các điều kiện liên quan đến các nghĩa vụ chuyển dịch một quyền lợi. Đối tượng của nghĩa vụ cần phải hội đủ 4 điều kiện:
a1. Sự vật cần phải hiện hữu: Nghĩa là sự vật phải hiện có. Nếu vật không hiện hữu, khế ước sẽ thiếu một yếu tố thiết yếu và sẽ bị vô hiệu tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu một sự vật chưa có trong hiện tại, nhưng sẽ có chắc chắn trong tương lai cũng có thể làm đối tượng cho nghĩa vụ. Ví dụ: Một nhà sản xuất hứa bán một vật do mình sẽ sản xuất ra; một tác giả có thể nhường quyền tác giả của một quyền sách sắp xuất bản. Nhưng cần nhất là các sự vật này phải có, nếu thiếu điều kiện này, khế ước sẽ bị vô hiệu tuyệt đối. Song sau khi giao ước, vật bị mất hoặc hư hao. Nếu toàn thể sự vật bị hư thì khế ước trở thành vô hiệu (mất hiệu lực), nếu chỉ hư một phần, thì người ta áp dụng giải pháp dự liệu trong các điều 898 DLB, 1024 DLT, 1601 DLP, 999 DLVN 1972.
a2. Sự vật phải được trao đổi trong phạm vi thương mại, nghĩa là sự vật làm đối tượng phải không bị pháp luật cấm lưu thông như vũ khí, thuốc độc …
a3: Điều kiện thứ ba là sư vật mà các người đối ước định trao đổi phải được chỉ định rõ rệt. Sự chỉ định này có thể liên hệ đến ba phương diện: Về giống, về lượng và phẩm. Điều 671 DLB quy định: “Phàm sự vật làm chủ đích cho hiệp ước thì phải định cho rõ từng sự vật một, hay là thuộc vào chủng loại nào, số lượng cùng giá hạng thế nào”; và Điều 711 DLT: “Phàm sự vật làm chủ đích cho hiệp ước thì phải minh chỉ cho rõ từng sự vật một, hay là thuộc vào chủng loại nào, nhiều hay ít, và khi cần phải nói rõ tốt hay xấu thế nào”. Nếu hai bên đối ước không cam kết rõ ràng ít nhất về giống (espèce: giống loài) của đối tượng, lời cam kết của họ không có giá trị gì vì bán một sự vật không được nói rõ, tức là không bán gì cả. Điều kiện về sự chỉ định chủ đích của nghĩa vụ mang lại một hậu quả khá quan trọng, tùy theo chủ đích là vật xác định (chose certaine: Điều chắc chắn) hay không. Nếu là một vật xác định: như bán một cái bàn, cái tủ thì người mua trở thành sở hữu chủ ngay sau khi ký khế ước mua bán và nếu vật ấy bị mất vì một trường hợp ngẫu nhiên, thì người mua sẽ phải chịu phần thiệt. Trái lại, trong trương hợp đối tượng không phải là một vật xác định, mà là một vật đại thế (chose fongible: vật có thể thay thế được), hay một chủng loại vật (chose de genre: một cái gì đó như thế), như trường hợp người ta bán số lúa trong vựa, quyền sở hữu vật này chỉ được chuyển dịch khi cá thể của vật đại thế đã được chỉ định như khi đã đóng vào bao số lúa bán. Nếu trước khi đóng bao, ngẫu nhiên số lúa đó không còn nữa, vì mất hoặc vì bị thiêu hủy, thì người bán sẽ phải chịu các rủi ro này. Không những chủ đích của nghĩa vụ cần phải được chỉ định về giống mà còn cần phải được chỉ định về lượng nữa. Tuy nhiên, số lượng này không cần phải ghi rõ ngay trong khế ước. Điều cốt yếu là chủ đích ấy có thể được chỉ định rõ khi thi hành khế ước. Vì vậy, nghĩa vụ cam kết cấp dưỡng cho một người hay cam kết chi phí cho một chuyền đi du lịch đều hữu hiệu (có hiệu lực) vì chủ đích có thể được chỉ định được khi thi hành nghĩa vụ. Nhiều khi, trong khế ước mua bán, giá bán không được ấn định ngay và có thể thay đổi tùy theo một chỉ số mà hai bên đã chấp nhận thí dụ như chỉ số giá cả sinh hoạt. Nói rộng ra, trên nguyên tắc, có thể áp dụng một giải di động cho chủ đích của nghĩa vụ, trừ khi các người kết ước có mục đích trốn tránh các luật lệ về tiền tệ quốc gia. Trong trường hợp riêng biệt này, khế ước bị vô hiệu do vi phạm vào trật tự công cộng.
a4. Vật phải thuộc về quyền của người cam kết: Muốn bán hay tặng dữ một vật gì cho một người khác, dĩ nhiên người bán hay người tặng chủ phải là chủ sở hữu của vật đó, nếu không thì khế ước bán hay tặng dữ sẽ bị vô hiệu. Đối với khế ước cầm cố cũng vậy: sự cầm cố một bất động sản không thuộc về mình sẽ bị vô hiệu tuyệt đối. Trong sự mua bán tài sản của người khác, khế ước chỉ bị vô hiệu khi có sự trao quyền tài sản ngay; nếu không có sự trao quyền sở hữu ngay, chẳng hạn như bán một vật sắp có, người mua chưa trở thành chủ sở hữu ngay, vì thế khế ước vẫn có giá trị. Nói các khác, sau khi khế ước mua bán được ký kết, người bán mới hoạch đắc được hay sản xuất được vật đã bán, khế ước trên vẫn có hiệu lực từ ngày ký kết. Có thể coi khế ước này như là sự cam kết của người bán phải hoạch định quyền sở hữu của sự vật đã bán để rồi chuyển cho người mua.
b. Các điều kiện liên quan đến nghĩa vụ tác động hay bất tác động: Người phụ trái phải hứa làm hay  không làm một việc gì có thể thi hành được (possible: khả thi), hợp pháp (licite), chỉ riêng mình phải làm (personnel) và có lợi cho chủ nợ. Như vậy, chúng ta nhận thấy có 4 điều kiện:
b1: Việc phải khả thi: Nếu hứa làm một việc gì mà không thể làm được thì khế ước sẽ bị vô hiệu. Nhưng khế ước chỉ vô hiệu, nếu việc không làm được phải có tính cách tuyệt đối không thể làm được (impossibilite absolue: tuyệt đối không thể). Ví dụ như người bán hứa lên cung trăng tìm vật quí giá để giao cho người mua thì khế ước sẽ vô hiệu tuyệt đối. Nhưng, nếu sự không làm được chỉ có tính cách tương đối như trường hợp họa sĩ hừa vẽ một bức tranh những vẽ không được vì thiếu nguồn cảm hứng, khế ước  không vì thế mà vô hiệu. Trong trường hợp vô hiệu do đối tượng là công việc không thể thể thực hiện được, mà nếu người phụ trái biết nhưng vẫn hứa càn thì họ sẽ phải bồi thường thiệt hại cho trái chủ. Trong trường hợp hai bên cùng biết đó là việc không thể thực hiện được thì khế ước vô hiệu vì thiếu chủ đích và thiếu cả sự ưng thuận của người kết ước. Đây là trường hợp kết ước vì vui đùa (jocandi causa: chỉ để cho vui).
b2: Hợp pháp: Việc người phụ trái hứa làm phải hợp pháp. Ví dụ không thể nhận lời đi đánh ghen cho trái chủ, hay chiếm đoạt tài sản của người khác.
b3: Chỉ riêng người phụ trái chịu trách nhiệm về lời cam kết của chính mình: Điều 700 DLT quy định: “Thường thường người ta hứa và ước định cho đích thân mình, và coi như mình làm cho mình”. Nói rõ hơn, lời cam kết của người phụ trái không thể ràng buộc được người ngoài, trừ trường hợp người ngoài đứng ra bảo lãnh theo quy định tại Điều 701 DLT.
b4: Phải có lợi ích: Người phụ trái hứa làm một việc gì có lợi cho trái chủ, nếu không trái chủ không thể buộc người phụ trái thi hành khế ước được vì theo nguyên tắc: “Không có lợi ích, không có tố quyền” (pas d’intérêt, pas d’action ~ no interest, no action: Không có hứng thú, không có hành động).
2. Chủ đích (mục đích) của khế ước
Chủ đích hay mục đích của khế ước là tác vụ pháp lý (ràng buộc pháp lý) mà các người kết ước muốn thực hiện. Theo nguyên tắc tự do ý chí, chủ đích này hoàn toàn tùy thuộc ở ý chí của các người kết ước ấn định. Tuy nhiên, chủ đích này cũng không thể xâm phạm vào trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.
a. Ý niệm trật tự công: Sự vô hiệu do sự không tôn trọng nền trật tự công gây nên là môt sự vô hiệu tuyệt đối. Ý niệm trật tự công là ý niệm rất rộng trong luật học. Có nhiều trường hợp, khế ước mặc dù không vi phạm một điều khoản nào có tính cách trật tự công cộng, mà cũng có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu vì đã không tôn trọng trật tự chung. Nói một cách khác, các vị thẩm phán có quyền rất rộng để xét xem, tùy từng vụ, trật tự công có bị xâm phạm hay không. Trong thời kỳ đầu tiên, vào thế kỷ 19, ý niệm này rất ít khi được áp dụng. Trong khoản thời gian này, người ta chỉ dùng đến ý niệm trật tự công để tiêu hủy một số khế ước liên quan đến các vật bị đặt ra ngoài phạm vi thương mại như công sản, chất độc, súc vật mắc bệnh truyền nhiễm, khí giới… Ngoài ra, những khế ước nhằm thay đổi thân trạng, năng lực cá nhân hay phạm đến tự do cá nhân cũng bị coi là vô hiệu. Ví dụ: Khế ước dụng công chung thân bị vô hiệu vì nhà làm luật không không muốn một người suốt đời bị ràng buộc bởi lời cam kết của mình, và phải làm công nhân cho một người khác. Sau hết, những hợp đồng có hại cho nền luân lý cũng vô hiệu. Ngày nay trật tự công cộng bành trướng mạnh. Những khế ước có phương hại đến tổ chức quốc gia hay gia đình, làm thiệt hại đến nền tài chính hay chính sách tín dụng trong nước, những hợp đồng nhằm mục đích trốn thuế đều bị vô hiệu. Hơn nữa, nhà nước can thiệp ngày càng nhiều vào địa hạt khế ước giữa các tư nhân trong phạm vi thương mại, kỷ nghệ, bảo hiểm, lao động, mua bán thuê bất động sản. Sự can thiệp này càng tăng khi nhà nước đi theo hướng nền kinh tế chỉ huy.
b. Ý niệm về thuần phong mỹ tục: Ý niệm bảo vệ thuần phong mỹ tục cũng hạn chế tự do kết ước trong nhiều lĩnh vực.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar