SỰ BÙ TRỪ
Sự bù trừ là một cách mãn kết hai nghĩa vụ có cùng một đối tượng nhưng ngược chiều nhau, chủ nợ một nghĩa vụ này là con nợ của nghĩa vụ kia (863 DLVN). Nếu hai món nợ không đều nhau thì phần sai biệt của món nợ lớn hơn sẽ tồn tại. Thông thường sự bù trừ là một thể thức mãn kết nghĩa vụ theo luật định, nhưng vì điều khoản luật pháp về vấn đề này chỉ có tính cách nhiệm ý thôi, cho nên các đương sự có thể kết ước với nhau để quy định về sự bù trừ các trái khoản, và ấn định các điều kiện của sự bù trừ ấy: đó là sự bù trừ ước định. Ngoài ra còn có sự bù trừ tư pháp mà chúng ta sẽ nói tới sau. Phạm vi của sự bù trừ rất rộng, theo điều 867 DLVN thì mọi nghĩa vụ đều có thể được bù trừ mà không cần phải đề ý tới nguyên nhân của nghĩa vụ ấy. Như vậy sự bù trừ là một cách mãn kết chung cho mọi nghĩa vụ, dù ước định hay ngoại khế ước, ngoại trừ các nghĩa vụ tự nhiên. Nhưng nguyên tắc trên đây cũng có vài ngoại lệ. Đối với vài người chủ nợ, nhà làm luật cho rằng trái khoản của họ đáng được lưu tâm đặc biệt nên cho phép các người này được đòi hỏi sự chi phó mặc dù chính họ lại là con nợ về một nghĩa vụ khác. Theo điều 867 DLVN, sự bù trừ bị cấm đoán trong ba trường hợp sau:
– Khi môt trong hai trái khoản là sự giao hoàn một đồ vật mà sở hữu chủ đã bị tước đoạt một cách phi pháp;
– Khi một trong hai trái khoản là sự giao hoàn một đồ vật được ký thác hay cho mượng để dùng;
– Khi một trái khoản là nợ cấp dưỡng bất khả sai áp.
Bình luận