SỰ ĐIỀU HÀNH HỘI HỢP DANH
1350. _Sự điều hành công ty hợp danh, cũng như bất cứ một công ty thương mại nào khác, nêu lên hai vấn đề. Một là, bằng cách nào công ty hoạt động giao dịch được với người đệ tam, tức là vấn đề đại diện, quản lý công ty. Hai là vấn đề tương quan giữa các hội viên với nhau, và tương quan giữa các hội viên với hội, tức là vấn đề chia lãi lỗ. Có thể nói rằng, sự phân chia lỗ lãi này là bình diện thực tế của vấn đề trách nhiệm của hội viên vừa nghiên cứu ở trên.
I. SỰ QUẢN TRỊ HỘI
1351._ Công ty hợp danh được quản trị do một hay nhiều người gọi là quản lý viên. Ở Việt Nam, việc quản trị công ty hợp danh được luật TMTP quy định từ điều 45 đến điều 52; ở Pháp, luật TMP không đề cập đến, muốn giải quyết vấn đề, phải quy chiếu các điều khoản của Dân luật về khế ước lập hội.
1. Chỉ định quản lý viên:
1352. Theo điều 45 TMTP; 175 TM1972, nếu khế ước lập hội không chỉ định người nào làm quản lý thì tất cả các hội viên đều là quản lý, và hành động của một hội viên có hiệu lực kết buộc mọi hội viên khác. Tưởng nên nhấn mạnh rằng, điều 45 nói trên chỉ áp dụng cho các hội hợp danh thương mại, vì nếu là hội hợp danh dân sự thì các hội viên không bị trách nhiệm liên đới như ta đã biết và hành vi các nhân của hội viên này, cũng không có hiệu lực kết buộc hội viên khác (1349). Khế ước lập hội thường là bao giờ cũng chỉ định một quản lý viên. Khi quản lý viên được chỉ định ngay trong khế ước lập hội, hay trong một bản văn sửa đổi hội quy về sau, danh tính của quản lý viên được ghi vào chính quy ước của hội; sự chỉ định hợp thành nhất thể với quy ước, bởi thế quản lý viên có tính cách là quản lý quy tuyển theo điều 47 TMTP. Quản lý quy tuyển được lựa chọn do toàn thể hội viên. Điều 47 nói kỹ thêm rằng nếu quản lý cung là hội viên mà hội có hơn hai người, quản lý sẽ không tham dự vào cuôc đầu phiếu. Quản lý có thể là một người không phải là hội viên. Quản lý có thể được chỉ định do một quyết nghị riêng của các hội viên sau khế ước lập hội: Đó là quản lý ngoại quy.
1353. _ Tình trạng của người quản lý quy tuyển thay đổi khác nhau tùy theo người ấy là hội viên hay không là hội viên. Nếu không là hội viên, quản lý quy tuyển có thể do các hội viên bãi chức bằng một nghị quyết của toàn thể, hay của đa số nếu hội quy có dự liệu rằng sự bãi chức quản lý có thể chỉ do đa số. Sự bãi chức phải có lý do chính đáng. Khi quản lý không phải là hội viên, sự chỉ định quản lý chỉ là một sự ủy quyền phụ thêm vào hội quy, chứ không họp thành nhất thể với hội quy, vì thế các hội viên có quyền truất bãi, trừ phi trong sự chỉ định, có điều khoản dự liệu rằng sự ủy quyền không được truât bãi. Nhưng mặc dù có điều khoản này, dĩ nhiên, không thể chấp nhận cho quản lý được ngồi yên cố định ở chức vụ quản lý để thao túng làm hại hội. Quản lý vẫn có thể bị truất bãi nhưng sự truất bãi sẽ do tòa án, theo đơn xin của hội viên. Nếu quản lý quy tuyển là hội viên, quản lý sẽ không được tự do rút lui, cũng không thể bị bãi chức do các hội viên khác. Muốn từ chức phải có lý do chính đáng. Sự bãi chức cũng phải có lý do chính đáng (điều 47 TMTP, 1856 DLP), và chỉ có thể do tòa án quyết định. Các hội viên không có quyền tự quyết, mà chỉ có thể xin tòa thụ lý xét định. Luật không nói rõ lý do chính đáng là những lý do gì, tòa án sẽ xet định riêng những lý do ấy cho mỗi trường hợp. _ Các giải pháp trên được chấp nhận tại điều 176 LTM 1972.
1353. Bis._ Sự chỉ định một hội viên trong hội quy làm quản lý là một thành tố của hội, cho nên, nếu hội viên quản lý từ chức hay bị bãi chức (hay bị cấm quyền, bị khánh tận, bị tư pháp thanh toán tài sản), hội sẽ bị giải tán.Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hội không tan rã, chỉ cần công bố sự từ chức hay bãi chức như một việc thay đổi hội quy mà thôi.
1354._ Cá nhân của quản lý ngoại tuyển (hay ngoại quy) không quan trọng như cá nhân của quản lý quy tuyển. Quản lý ngoại tuyển chỉ là một sự thụ ủy thường, bất cứ lúc nào cũng có thể bị bãi nhiệm (số 1297) nếu có lý do chính đáng. Trong hệ thống luật của Pháp, quản lý ngoại tuyển được chỉ định do toàn thể hội viên, trừ phi hội quy định khác; còn về sự bãi nhiệm, học lý không đồng ý, có người cho rằng phải do toàn thể hội viên quyết định, nhưng cũng có người cho rằng chỉ cần đa số hội viên là đủ. Trên nguyên tắc, quản lý ngoại tuyển có thể bị bãi chức bất cứ lúc nào, nhưng nếu không có lý do chính đáng, hội có thể phải bồi thường (xem 1393). Luật Việt Nam đã giải quyết rõ rệt vấn đề này tại điều 48 TMTP: Quản lý ngoại tuyển được chỉ định và có thể bị bãi chức (nếu có lý do chính đáng) do đa số hội viên; và đa số này là đa số tuyệt đối, tức là quá bán số hội viên, hiện diện hay vắng mặt đều được kể cả. Thí dụ hội viên có 12 người, muốn bãi chức quản lý viên, phải được ít nhất 7 hội viên đồng ý, dù rằng phiên họp chỉ có 10 thành viên tham dự. Luật không quy định rõ hội viên vắng mặt có thể biểu quyết bằng thơ hay do người đại diện không, thiết tưởng không có lý do gì cản trờ sự biểu quyết theo thể thức ấy, tuy nhiên, muốn cho sự biểu quyết được công bằng, có thảo luận đứng đắc, thơ phải niêm kín và sẽ chỉ mở sau khi các hội viên đã hiện diện đã bỏ phiếu để những người này khỏi bị lôi cuốn theo ý kiến của hội viên vắng mặt. Mặt khác, mỗi hội viên sẽ chỉ có thể đại diện cho một hội viên vắng mặt, và người đại diện bắt buộc phải là hội viên, vì người ngoài không thể xen lẫn vào công việc của hội. Quản lý ngoại tuyển, có thể bị bãi nhiệm, cũng có thể được từ chức. Trái với trường hợp quản lý quy tuyển là hội viên, sự từ chức của quản lý ngoại tuyển dẫu là hội viên cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của hội, miễn là người quản lý vẫn còn ở trong hội sau khi đã từ chức hay miễn chức. Ta cần nhận xét rằng, sự từ chức của quản lý ngoại tuyển cũng phải có lý do chính đáng; nếu vì nóng nảy, bất bình, hoặc vì một nguyên nhân không đáng kể mà từ chức, gây thiệt hại hco hội, người quản lý có thể sẽ phải bồi thường.
1355._ Theo điều 177 LTM 1972, quản lý được chỉ định ngoài hội quy phải được toàn thể hội viên chọn cử, trừ phi hội quy cho phép chọn cử theo đa số tuyệt đối. Theo lối hành văn này, ta phải hiểu rằng quản lý ngoại tuyển không thể được chỉ định do đa số tương đối hội viên. Sự bãi chức cũng phải theo cùng thể thức như sự chỉ định.
1356._ Những trường hợp bất năng (bị cấm làm quản lý): Quản lý viên của công ty thương mại phải là người lương thiện, đáng tin cậy, cho nên, những người nào đã bị mất tín nhiệm vì có án tích sẽ không thể được cử làm quản lý một công ty hợp danh. Đặc biệt, là những quản trị viên công ty vô danh, cựu quản lý công ty TNHH đã bị truất quyền điều khiển mọi công ty thương mại, sẽ không thể được chọn làm quản lý công ty hợp danh. Sự truất quyền tổng quát này được dự liệu tại điều 10 sắc lệnh ngày 8-8-1935, do tòa án tuyên phán trong trường hợp một công ty vô danh hay một công ty TNHH bị khánh tận, mà tòa xét thấy các quản trị viên (công ty vô danh) hay quản lý công ty TNHH đã phạm lỗi nặng trong nhiệm vụ điều khiển công ty. Ngoài ra, trong ngành ngân hàng, theo các điều 1 và 2 luật ngày 19-6-1930, ban hành ở Việt Nam do nghị định ngày 8-8-1930, đều không được làm những nghiệp vụ ngân hàng, không được quản trị, quản lý ngân hàng, những người nào:
1) Bị kết án vì một trọng tội thường pháp (nghĩa là một tội đại hình không phải là tội chính trị);
2) Bị kết án về tội trộm, sang đoạt, lừa gạt (hay bất cứ tội gì khác bị trừng trị cùng hình phạt như tội lừa gạt, biển thủ tiền bạc với tư cách công lại thủ ngân;
3) Bị kết án vì tội sách thủ tiền tài, phát hành chi phiếu vô dự kim;
4) Bị kết án vì xâm phạm tín dụng quốc gia;
5) Vì tội oa trữ những tài vật do các tội trên mà có.
Sự truất quyền trong các trường hợp trên có tính cách đương nhiên: chỉ cần bị kết án vì một trong những tội trên là bị truất quyền; không cần phải có bản án minh thị truât quyền người bị kết án; người đồng lõa, người toan phạm cũng bị truấ quyền như vậy. Thêm vào đây, người bị khánh tận chưa được phục quyền cũng bị cấm làm các nghiệp vụ ngân hàng như trên.
1357._ Ghi tên vào sổ thương mại: Theo điều 6 sắc lệnh ngày 8-7-1927 quy định về sổ thương mại ở Việt Nam (1412 và kế tiếp), trong thời gian sinh hoạt của hội, quản lý viên được chỉ định phải ghi tên vào sổ thương mại, dù là không phải nhân dịp thay đổi hội quy mà là lúc quản lý viên được chỉ định: phải ghi rõ tên họ, ngày và nơi sinh cùng với quốc tịch của quản lý. Như vậy quản lý phải ghi tên vào sổ thương mại vì giữ chức vụ quản lý chứ không phải với tư cách thương gia (Trường hợp quản lý không phải là hội viên và được chỉ định ngoài hội quy, điều 177 LTM 1972).
2. Thù lao cho quản lý viên:
1358._ Quản lý có quyền được hưởng thù lao, dù là quản lý quy tuyển hay ngoại tuyển. Nếu quản lý là một hội viên, thì còn được chia lời với tư cách hội viên: Tiền thù lao có thể được ấn định bằng cách gia tăng tỷ lệ mức lời cho hội viên quản lý; trong trường hợp này, dĩ nhiên, quản lý chỉ được thù lao nếu hội hoạt động có lời. Tiền thù lao này, nếu có, sẽ phải chịu thuế với tính cách là tiền lời thương mại. Thù lao cũng có thể được thỏa thuận ấn định như một số tiền lương cố định cho quản lý hội viên. Trong trường hợp này, dù hội lỗ hay lãi, số thù lao đã định cũng sẽ được trả cho quản lý và được tính vào phí tổn chung của hội. Với thù lao này, quản lý sẽ phải chịu thuế lương bỗng, thay vì thuế lời thương mại.
3. Quyền hạn của quản lý:
1359._ Quản lý có nhiệm vụ đại diện cho hội trong sinh hoạt của hội và phải tự mình thi hành nhiệm vụ ấy. Quản lý tuy có tư cách là thụ ủy, với những đặc lệ mà ta đã nêu rõ, nhưng, trái với sự ủy thác thông thường trong Dân luật, quản lý không thể đem một thứ ủy thay thế cho mình, dù người thứ ủy này là hội viên hay không. Luật TMTP chỉ có một điều 50 đề cập đến quyền hạn của quản lý công ty hợp danh. Điều này nói một cách rất khái quát rằng “quản lý có quyền làm tất cả mọi hành vi liên quan đến công việc của hội, trước công lý, hay là bằng cách nào khác”, điều luật nói như vậy, có nghĩa là quản lý có quyền nhân danh hội đứng đơn khởi tố nếu cần.
1360._ Quyền hạn của quản lý thường là được ấn định trong hội quy, theo một văn thức thông lệ được các chưởng khế dùng chung cho các hội hợp danh. Nếu hội quy có ấn định quyền hạn của quản lý, chỉ việc đem hội quy ra áp dụng. Nếu hội quy không dự liệu trước quyền hạn của quản lý, sẽ phải quy chiếu điều 1443, đoạn 3 DLT; 1856 DLP, 1279 LTM 1972, theo đó, quản lý có quyền làm tất cả các công việc thuộc nhiệm vụ quản trị của mình, mặc dù các hội viên khác chống đối, miễn là việc làm không có gian lận.
1361._ Nhưng các việc thuộc phạm vi quản trị là những việc gì? Ta cần nhận xét rằng danh từ hành vi quản trị, ở đây, không có nghĩa như Dân luật đã định, không phải là những hành vi đối nghịch với hành vi sử dụng. Thí dụ, theo Dân luật, người giám hộ chỉ có quyền làm những hành vi quản trị, như thu nợ, sửa sang đồ vật của vị thành niên cho khỏi bị hư hại. Người giám hộ không có quyền tự ý mình làm những hành vi sử dụng, như bán nhà, đất, vay nợ …Trái lại, việc quản trị của quản lý viên trong một hội hợp danh gồm cả những loại hành vi được dân luật liệt kê vào hạng những hành vi sử dụng. Trong sự hoạt động của hội, để điều khiển công việc của hội, quản lý viên có khi phải bán đồ vật này, đồ vật kia; quản lý viên có quyền làm những hành vi ấy nếu là loại hành vi thuộc phạm vi hoạt động của hội. Thí dụ công ty được thành lập để làm công việc xuất nhập cảng, thì quản lý đem bán những hàng hóa của công ty đã mua buôn, là môt việc làm tự nhiên. Điều 179 LTM 1972 đã quy định quyền hạn của quản lý viên một cách chính xác hơn rằng: “nếu hội quy không ấn định rõ rệt những quyền hành của quản lý, thì quản lý có quyền làm tất cả các nghiệp vụ cần thiết thuộc mục tiêu của hội“.
1362._ Ta cần nhận xét rằng, những hành vi thuộc mục tiêu của hội mà quản lý có quyền làm, phải là những hành vi lệ thuộc trực tiếp mục tiêu ấy, nhằm thực hiện trực tiếp mục tiêu ấy; nếu không, quản lý sẽ không được làm. Thí dụ: Quản lý không có quyền lấy tài sản của hội đem cho người khác, dẫu rằng với mục đích làm cho công việc của hội được trôi chảy dễ dàng; không có quyền cầm cố hay đoạn mại bất động sản của hội. Đa số các tác giả cho rằng quản lý cũng không có quyền vay mượn cho hội nếu số tiền vay quan trọng và là vay giải hạn.
1363._ Kết ước giao dich với hội: Quản l1y viên, ngoài việc đại diện cho hội, có thể còn có công việc buôn bán riêng của mình. Quản lý viên có thể đại diện cho hội giao dịch ký khế ước với chính mình không? Luật không dự liệu trường hợp này cho công ty hợp danh, chỉ quy định riêng về trường hợp quản trị viên công ty vô danh lập ước với công ty mà thôi (sau này ta sẽ nói đến). Theo học thuyết, những quy tắc được ấn định về vấn đề này cho công ty vô danh là những quy tắc chỉ có hiệu lực hạn chế, không đem áp dụng được cho công ty hợp danh; như vậy, quản lý hội hợp danh có thể nhân danh hội ký khế ước với chính mình, thí dụ quản lý viên là chủ ngân hàng có thể mợ một chương mục thải phương cho hội sử dụng. Nguyên tắc là vậy, nhưng muốn cho việc làm được chắc chắn hợp lệ, quản lý viên cũng nên phúc trình lấy sự chấp thuận của các hội viên khác.
1364._ Hạn chế quyền hành của quản lý: Hội quy nhiều khi hạn chế quyền hành của người quản lý, chẳng hạn như không cho quản lý vay mượn vượt quá số tiền nào đó, hoặc việc vay mượn phải có chữ ký của một số hội viên khác. Trong trường hợp quản lý hoạt động vượt quyền, ra ngoài giới hạn của hội quy đã định thì hành vi của quản lý có hiệu lực kết buộc hội không? Nói cách khác, điều khoản hạn chế có hiệu lực đối kháng với người đệ tam không? Theo lẽ, hành vi bất hợp lệ của quản lý không kết buộc được hội, chỉ riêng quản lý phải chịu trách nhiệm vì đã hành động ra ngoài quyền hạn của mình và, đằng khác, điều khoản hạn chế đã được công bố cho người đệ tam được biết.
1365._ Điển chế của nhiều quốc gia không chấp nhận sự đối kháng này. Và riêng về hội TNHH, luật của Pháp và của Việt Nam cũng không chấp nhận. Học lý Pháp cho rằng, về công ty hợp danh, điều khoản của hội quy đã được công bố hợp pháp thì có hiệu lực đối kháng với người đệ tam: Quản lý viên đi quá quyền hạn của mình sẽ phải riêng mình chịu trách nhiệm, nhưng, ngược lại, dẫu điều khoản không được công bố, mà người đệ tam có hay biết, và gian tình câu kết với người quản lý, thì người đệ tam cũng không đòi hỏi được hội phải thi hành khế ước. Chỉ trong trường hợp khế ước do quản lý ký kết, đã làm cho hội đắc lợi, người đệ tam mới truy tố đượchội để đòi bồi hoàn trên căn bản tố quyền đắc lợi vô căn của Dân luật. Lý thuyết trên này thiên về quyền lợi của người đệ tam và lập luận rằng người đệ tam giao dịch với một công ty thương mại, không lẽ mỗi việc lại phải xem hội quy để phối kiểm quyền hành của quản lý, trong khi sự tin tưởng vào tư cách đại diện của người quản lý chỉ là một việc rất tự nhiên. Án lệ Pháp về vấn đề này chưa được đồng nhất, trước thì cho rằng điều khoản hạn chế quyền hành của người quản lý đối kháng được với người đệ tam; mới đây (Req. 8.5.1940. Sem. Jur. 1940.2.1910) lại xử trái lại: trong vụ này quản lý công ty hợp danh lấy tư cách ấy đứng ra vay tiền cho công ty; mặc dù hội quy, đương công bố hẳn hoi, có định rằng mọi việc vay mượn phải do cả hai hội viên cùng ký, tòa đã xử cả hai hội viên cùng phải chịu trách nhiệm liên đới về món nợ. Tòa viện lẽ rằng, hội với tư các chủ nhân, phải chịu trách nhiệm về hành vi của người quản lý là thừa sai của hội, theo nguyên tắc điều 1384 DLP về trách nhiệm dân sự. Từ đó, dường như án lệ Pháp chưa có dịp xác định lại lập trường. Bản án trên bị chỉ trích về nhiều phương diện, đặc biệt là về điểm bản án đã đem áp dụng cho sự điều hành công ty hợp danh những nguyên tắc về trách nhiệm dân sự của điều 1384 DLP, là trách nhiệm của người chủ về hành động của người thừa sai.
1366._ Dù sao, trong hai lập trường trên, ta có quyền lựa chọn: Lập trường trước phù hợp với nguyên tắc công bố hội quy; luật bắt buộc công bố hội quy là để cho người đệ tam được biết tình hình của hội, căn bản sinh hoạt của hội, vậy một khi điều khoản hạn chế quyền hành của người quản lý đã được công bố cũng như hội quy, thì người đệ tam phải xem như đã biết, và điều khoản này phải đối kháng được với người đệ tam. Lập trường thứ hai ngã về thực tế hơn là về nguyên tắc: Thực tế là người đệ tam khi giao dịch với hội, hoàn toàn tin tưởng vào sự đầy đủ tư cách đại diện của người quản lý. Ở Việt Nam, giao dịch với người nào mà đòi hỏi người ấy phải xuất trình giấy tờ là một việc thiếu tế nhị, thiếu lịch sự, không mấy người làm. Tìm đến phòng lục sự để đòi xem hội quy của một công ty thương mại cũng không phải là một việc dễ , cho nên ở Việt Nam, lập trường thứ hai có lẽ thích hợp với tình trạng xã hội hơn là lập trường thứ nhất.
4. Trách nhiệm của người quản lý:
1367._ Vấn đề hạn chế quyền hành của người quản lý trình bày ở trên đã hé cửa cho ta thấy rằng trong sự điều hành công ty, quản lý có thể bị trách nhiệm riêng mình về công việc do mình thực hiện. Về trách nhiệm này được đặt ra thế nào? Ta biết rằng theo điều 42 TMTP, 22 TMP, 171 LTM 1972, sự cam kết do một hội viên ký nhận có hiệu lực thúc buộc hoặc liên đới tất cả các hội viên khác. Thông thường, người xuất diện cam kết là một (hay nhiều) quản lý của hội, hành động nhân danh hội, với tư cách người quản lý. Đó là điều kiện chính yếu để cho hội, và, lâm thời, các hội viên khác, có thể bị kết buộc. Nhưng ta biết rằng, công ty hợp danh có một hội danh. Vấn đề đặt ra là khi quản lý dùng hội danh để cam kết, ký tên dưới hội danh, nhưng lại lạm dụng hội danh để làm những việc riêng, thì hậu quả của sự cam kết ấy sẽ như thế nào? Ngược lại, nếu quản lý đã làm một việc thực sự cho hội, nhưng khi ký kết lại không dùng hội danh, chỉ ký tên mình không thì hậu quả của sự cam kết sẽ ra sao?
1368._ Lạm dụng hội danh: Nguyên tắc là khi nào quản lý dùng hội danh trong giao dịch với người đệ tam, thì người đệ tam có quyền nghĩ rằng quản lý hành động nhân danh hội. Nếu quản lý lạm dụng hội danh để làm việc riêng, thí dụ để vay tiền riêng cho mình mà ký tên vào văn tự nợ dưới dạng hội danh “đại diện cho Nguyễn Văn A và Công ty”, thì trước hết quản lý phải chịu trách nhiệm riêng với các người đồng hội, không những trách nhiệm dân sự mà thôi, có thể là trách nhiệm hình sự, nếu sự lạm dụng hội danh có tính cách lừa đảo. Đối với người đệ tam đã giao dịch với quản lý, ta phải phân biệt: nếu người đệ tam ngay tình, hội sẽ bị kết buộc, như điều 42 TMTP nói trên đã định, mặc dù là quản lý đã hành động vì quyền lợi riêng. Nếu người đệ tam gian tình, hội sẽ không bị kết buộc, chỉ riêng quản lý phải chịu trách nhiệm về sự cam kết với người đệ tam. Người đệ tam, muốn nắm người có tóc, thường là kiện hội để đòi thi hành sự cam kết; hội muốn được khỏi trách nhiệm phải chứng tỏ sự gian tình của người đệ tam. Sự gian tình này gồm hai yếu tố mà hội phải đem lại bằng chứng: a) quản lý đã hành động vì quyền lợi riêng; b) quản l1y đã lạm dụng hội danh, nghĩa là đã dùng hội danh ngoài mục đích của hội danh và không hề được hội cho phép.
1369._ Trường hợp quản lý hành động cho hội mà không dùng hội danh: Trong trường hợp người quản lý hội kết ước với người đệ tam về một việc gì đó mà lại không đem hội danh ra sử dụng, ta không thể đoan quyết được là người đệ tam có biết hay không biết về việc người quản lý hành động cho chính mình hay cho hội. Thí dụ, trong khế ước quản lý ghi rằng: “Tôi – Nguyễn Văn X nhận mua của ông Nguyễn Văn A, một trăm thước khối củi với giá tiền 3.000$ một thước khối. Ký tên Nguyễn Văn A – quản lý công ty Y”. Sự ghi chú như vậy không cho biết rõ là Nguyễn Văn Y lấy tư cách quản lý để mua củi hay chỉ muốn nêu ra cái chức vụ, nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, nguyên tắc là quản lý được suy đoán là đã hành động cho quyền lợi riêng của mình; người đệ tam muốn truy tố hội thì phải chứng minh là quản lý đã hành động nhân danh hội, để thực hiện một công việc cho hội.
1370._ Trường hợp quản lý có hành vi phạm pháp: Ta vừa thấy rằng không kể những trường hợp đặc biệt, nguyên tắc là mọi sự cam kết của quản lý đều có hiệu lực kết buộc hội. Chằng những hành vi dân sự của quản l1y mà thôi, cả những hành vi phạm pháp của quản lý cũng làm cho hội bị trách nhiệm. Án lệ, tuy chưa xác định, nhưng đã có lần xử rằng, quản lý là kẻ thừa sai mà những hành vi pah5m pháp làm cho hội phải chịu trách nhiệm với tư cách chủ nhân theo điều 1384 DLP, 764 DLT, 733 DLVN 1972. Thực ra, quản lý là đại diện cho hội, quản lý với hội là một; nếu quản lý phảm lỗi cũng tức như hội phạm lỗi; vậy đúng hơn, trách nhiệm, ở đây, phát sinh ở cái lỗi của chính mình, hơn là lỗi của tha nhân. Tuy nhiên, điều 51 TMTP đã minh thị xác nhận án lệ trên; điều này quy chiếu hẳn hoi ở điều 765 DLT về trách nhiệm của chủ nhân để định rằng nếu quản l1y, thi hành những cam kết cới người đệ tam, gây thiêt hại cho người này, hội sẽ phải chịu trách nhiệm, ngoại trừ quyền phản cầu đòi người quản lý bồi hoàn (180 LTM 1972).
1371._ Trách nhiệm quản lý đối với hội: Trong các đoạn trên, ta chỉ mới đề cập đến trách nhiệm của người quản lý, sóng đôi với trách nhiệm của hội trong trách nhiệm với người đệ tam. Nếu đối với người đệ tam, trách nhiệm quản lý chỉ có tính cách bất thường thì đối với hội, trách nhiệm của quản lý là nguyên tắc. Quản lý phải chịu trách nhiệm với hội về những hành vi phạm pháp của mình như trên đã nói (1370). Ngoài trường hợp ấy, quản lý còn có một trách nhiệm ước định, phát sinh ngay ở nhiệm vụ quản lý_ Quản lý phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình trong công việc quản trị, thí dụ đã hành động ra ngoài quyền hạn của mình. Điều 49 TMTP định rằng, quản lý phải mẫn cán hành động theo hội quy và theo các quyết nghị của hội viên, nếu không, sẽ phải bồi thường thiệt hại cho hội. Điều 178 LTM 1972 cũng quy định tương tự. Trách nhiệm này chỉ mới là trách nhiệm về mặt dân sự; quản lý còn có thể bị hình phạt nếu hành vi bị trách cứ cấu thành một tội phạm.
1372._ Trường hợp có nhiều quản lý: _ Ta biết rằng, nếu hội quy không có chỉ định quản lý thì tất cả hội viên đều là quản lý (1352). Trái lại, hội quy cũng có thể chỉ định nhiều người làm quản lý. Trong cả hai trường hợp trên, hội thành ra có nhiều người quản lý điều khiển thay vì chỉ có một người, và tình trạng này làm phát sinh thêm một số vấn đề phải giải quyết. Nếu tất cả đều là quản lý vì không có người nào được chỉ định riêng biệt, thì luật coi như mỗi hội viên đều được ủy thác của hội viên khác để quản trị (1859 DLP). Do đó, hành vi của mỗi hội viên, dẫu không tham khảo ý kiến để lấy sự thỏa thuận của các hội viên khác, cũng có giá trị đối với những người này. Nhưng hội viên nào không đồng ý thì có quyền phản kháng, trước khi công việc được dự liệu thưc hiện. Sự phản kháng đó có giá trị phủ quyết, chặn đứng sự thực hiện; sau đó, các hội viên sẽ được triệu tập để quey61t định theo đa số, trừ phi hội quy định khác. Điều 45 TMTP hơi thiếu sót về điểm này vì không quy định gì về sự phản kháng của các hội viên bất đồng ý kiến. Điều 175 LTM 1972 cũng thiếu sót như vậy (so sánh với điều 1283 DLVN 1972).
1373._ Khi hội quy chỉ định nhiều người làm quản lý thì thường là có phân phối nhiệm vụ giữa các quản lý này. Việc quản trị bao gồm nhiều phần vụ, hội quy có thể phân phối cho mỗi quản lý một phần, thí dụ người thì giữ về kế toán, người giữ về ngoại vụ, người giữ về pháp chế … Với sự phân chia như vậy, mỗi quản lý thành ra sẽ chỉ có một khu vực hoạt động, do đó lại đặt ra vấn đề hiệu lực đối kháng của hội quy, đối với người đệ tam, về sự hạn chế quyền hành của người quản lý (1364 và kế tiếp). Nếu hội quy chỉ định nhiều quản lý mà lại không định rõ về quyền hạn của mỗi người, thì tình trạng giống như tình trạng hội quy không chỉ định quản lý khiến cho tất cả hội viên đều là quản lý. Luật TMTP không dự liệu trường hợp hội quy chỉ định nhiều quản lý; Điều 181 LTM 1972 chỉ nói vắn tắt rằng, nếu chỉ định nhiều quản lý, các hội viên phải ấn định rõ rệt quyền hạn của mỗi người.
1374._ Phân phối trách nhiệm giữa các quản lý: _ Quyền hành được phân chia thì trách nhiệm cũng phải được phân chia. Nếu mỗi quản lý chỉ được nhận lãnh một phần vụ, thì mỗi người chỉ phải chịu trách nhiệm như đã nói ở trên (1367 và kế tiếp) riêng về phần vụ ấy. Nếu có nhiều quản lý mà mỗi người đều có quyền hành ngang nhau thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm về công việc của bất cứ người nào trong bọn. Nếu các quản lý được tổ chức thành một ban quản trị tập thể, thì các lỗi lầm của mỗi người cũng là lỗi tập thể, làm cho tất cả đều phải liên đới trách nhiệm. Tuy nhiên, sự liên đới này không phải là liên đới toàn diện: Ở đây, sự liên đới chỉ có một hậu quả là làm cho mỗi quản lý, đối với hội, phải gánh chịu tất cả việc bồi thường về sự thiệt hại gây ra bởi lỗi của một người trong bọn; kỳ dư, các hậu quả phụ của tình trạng liên đới, thí dụ sự gián đoạn thời tiêu (1348) sẽ không có.
1375._ Quyền hạn của hội viên trong việc quản trị: Quản lý có quyền và có nhiệm vụ phải mẫn cán làm những công việc thuộc mục tiêu của hội. Đối với những việc ngoài phạm vi bình thường quyền hành của quản lý, thí dụ cầm cố bất động sản của hội, hội quy có thể dự liệu rằng quản lý phải được sự cho phép của toàn thể hội viên, hoặc của đa số hội viên, hoặc của đa số hội viên có đa số vốn. Nếu là một việc thuộc nội vi quyền hành của quản lý mà các hội viên muốn cấm, thì vấn đề trở nên phức tạp hơn. Trong trường hợp quản lý là quản lý quy tuyển và cũng là hội viên, nếu cầm một việc mà theo lẽ, quản lý có quyền làm, thì cũng chẳng khác gì tước bỏ một phần quyền hành của quản lý, tức là thu hồi một phần sự ủy thác. Bởi vậy, muốn cấm, phải có sự đồng ý của toàn thể hội viên, kể cả hội viên quản lý. Dĩ nhiên, quản lý sẽ không đồng ý với các hội viên khác, nhưng nếu quản lý cứ làm theo ý mình, bất chấp sự phản đối của các hội viên khác, những người này chỉ còn cách xin tòa phân xử. Quản lý ngoại tuyển có thể bị bãi chức được, như ta đã biết, vậy các hội viên có thể cấm quản lý làm một việc gì xét ra không lợi cho hội. Nếu chính các hội viên cũng không đồng ý với nhau thì vấn đề sẽ phải giải quyết theo đa số.
1376._ Trong mọi trường hợp, các hội viên, vì ai nấy đều phải chịu trách nhiệm liên đới cá nhân về công việc quản lý, nên ai nấy đều có quyền khuyến dụ, kiểm soát (Điều 52 TMTP, 182 LTM 1972). Khộng có tiêu chuẩn nào có thể được ấn định cho quyền khuyến dụ, kiểm soát này; đó là vấn đề tùy thuộc sự biết điều, biết lẽ phải trái của mỗi người. Dĩ nhiên, nếu hội quy có quy định, các hội viên sẽ chiếu hội quy mà hành xử quyền khuyến dụ, kiểm soát.
1377._ Sự can thiệp vào công việc quản lý của một hội viên không phải là quản lý: _ Có thể xảy ra trường hợp một hội viên thường, không phải là quản lý, lại xen vào công việc quản trị. Vấn đề này phải giải quyết theo Dân luật vì điều 52 vừa kể trên không đề cập đến, chỉ nói đại cương là “hội viên không là quản lý không được xen vào công việc của người này, nhưng có thể khuyến dụ và kiểm soát một cách thích ứng với nhiệm vụ của quản lý”. Theo điều 1465 DLT, 1864 dlp, nếu một hội viên không phải là quản lý lại cam kết nhân danh hội, sự cam kết sẽ chỉ ràng buộc riêng hội viên ấy. Như vậy, chỉ riêng hội viên đã cam kết phải chịu, hau được hưởng thành quả của sự cam kết, mặc dù đã tự nhận là cam kết nhân danh hội. Sự cam kết của hội viên không liên quan gì tới hội. Tuy nhiên, nguyên tắc này có hai ngoại lệ, cùng được dự liệu tại điều 1465: a) các hội viên khác sẽ bị kết buộc, tức là hội cũng bị kết buộc, nếu có cho phép, có ưng thuận cho hội viên kia cam kết; b) Hội à đồng thời là các hội viên khác, sẽ bị kết buộc, nếu sự cam kết đã mang lại cho hội viên một sự đắc lợi; dĩ nhiên, hội và các hội viên khác chỉ phải chịu trách nhiệm với người đệ tam tới giới hạn đắc lợi ấy. Đây chỉ là sự áp dụng thuyết đắc lợi vô căn của Dân luật mà ta đã có dịp nói qua (Xem điều 1288 dlvn 1972). Trái nghịch với trường hợp trên là trường hợp một hội viên hành động nhân danh mình nhưng bên trong, thực ra, là làm một việc cho hội, thí dụ một hội viên nhờ sự quen biết với ngân hàng, đứng tên mình vay một món tiền để dùng cho hội: nhà ngân hàng sẽ có thể đòi hội phải trả nợ, tuy rằng đã cho riêng hội viên vay món tiền ấy.
II. TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC HỘI VIÊN VÀ TƯƠNG QUAN GIỮA HỘI VIÊN VỚI HỘI.
1378._ Các tương quan này nhằm vào các vấn đề phân chia lỗ lãi giữa các hội viên và sửa đổi hội quy. Hội viên nào cũng có quyền được chia lãi: hội viên nào cũng phải gánh chịu tiền lỗ. Đó là nguyên tắc căn bản trong hội thương mại, như ta đã biết: nguyên tắc này được giải thích và áp dụng như thế nào, ta đã nói rõ ở số 1293 và kế tiếp. Nay trước hết, ta cần đi sau7 vào chi tiết phân chia.
1. Phân chia lỗ lãi:
1379._ Tiền lãi nếu có, được chia ngay khi thực hiện. Trái lại, vấn đề tiền lỗ chỉ đặt ra khi nào hội giải tán và thanh toán, hay nếu hội bị tuyên bố khánh tận. Hội chỉ được đem phân chia tiền lãi cho các hội viên nếu thực sự hội có tiền lãi sau khi đã trừ đi các phí tổn, thuế má, và cả tiền hao mòn dụng cụ. Mỗi năm, hội lập bảng kết toán, số lãi xuất hiện sẽ được phân chia cho các hội viên. Tiền lãi được phân chia cho các hội viên được coi như thủ đắc cho những người này, nếu bảng kết toán được xác thực, dẫu rằng những năm về sau, hay khi hội giải tán, hội bị lỗ vốn. Nói như vậy, có nghĩa là chủ nợ hội không có quyền đòi các hội viên phải hoàn lại số tiền lãi đã được chia. Nhưng muốn vậy, bảng kết toán phải đã được làm một cách xác thực. Nếu bảng kết toán sai lầm hay gian dối, hội không có lãi mà lại chia tiền cho hội viên, thì số tiền này chỉ là lãi giả định, xâm nhập vào tiền vốn.
1380._ Sự phân chia tiền lãi giả định là bất hợp lệ, vì hội không thể trích tiền vốn ra đem chia cho các hội viên. Nguyên tắc là vốn của hội không được thay đổi, sự thay đổi, tăng giảm phải theo một thủ tục riêng và phải công bố cho người đệ tam được biết (1384), vì thay đổi vốn của hội là thay đổi hội quy. Bản vốn của hội là một thành tố trong sản nghiệp; sản nghiệp có thể gia tăng nếu hội làm ăn phát đạt, mua sắm được thêm tài sản, nhưng vốn hội vẫn là con số cũ khi thành lập. Số vốn hội có thể sút giảm nếu hội làm ăn thua lỗ, phải lấy vốn ra trả nợ, nhưng tự hội không thể trích bớt tiền vốn ra để chia cho các hội viên, vì số này là bảo đảm quyền cho các chủ nợ của hội. Bởi thế, nếu hội đem chia tiền lãi giả định, các chủ nợ có quyền đòi hội viên phải hoàn lại. Chỉ trong công ty đối vốn như công ty nặc danh, cổ đông viên mới được luật che chở, khỏi bị tố cầu bồi hoàn nếu đã ngay tình nhận tiền lãi giả định (điều 10, đoạn 3 luật ngày 21-7-1867). Án lệ không áp dụng điều luật này cho công ty đối nhân vì điều luật có tính cách một biệt lệ, chỉ dự liệu cho cổ đông viên của công ty đối vốn mà thôi. Lý do là vì cổ đông viên một công ty đối vốn (nặc danh) không có cách gì phối kiểm được xem bảng kết toán là đúng hay sai, còn hội viên của công ty hợp danh chỉ có một số nhỏ, ai nấy đều có những liên lạc chặt chẽ với hội và có đủ phương tiện để biết rõ tình hình hội. Biệt lệ này không còn được giữ lại trong LTM 1972 (Điều 309, 310).
1381._ Lập quỹ dự trữ: Thay vì đem phân chia cho các hội viên, tiền lãi có thể được dùng tất cả hay một phần để lập quỹ dự trữ. Mục đích của quỹ dự trữ là để đối phó với những trường hợp bất thường hội bị lỗ vốn, hay để hội có thêm một ngân khoản rộng rãi để làm việc. Theo điều 55 TMTP, đa số tuyệt đối hội viên có thể quyết định sung dụng tối đa 1/4 số lãi vào việc lập quỹ dự trữ, và khi quỹ dự trữ đã tới phân nửa vốn hội thì phải ngưng lại. Điều 185 LTM 1972 quy định hơi khác: Hội viên chỉ có thể quyết định theo đa số nếu hội quy có dự liệu sự biểu quyết theo đa số: Nếu không, phải có sự đồng ý của toàn thể hội viên mới được lấy tiền lãi để lập quỹ dự trữ, hay để tằng vốn hội. Khác với bản vốn của hội, quỹ dự trữ lúc nào cũng có thể được đem phân chia vì quỹ được thành lập và dinh dưỡng bằng tiền lời thuộc quyền hưởng dụng của hội viên.
1382._ Điều khoản sinh lời cho tiền vốn: Hội quy có khi dự liệu cho hội viên được hưởng một số lãi suất hằng năm nhất định. Với điều khoản này, hội viên được hưởng tiền lời như thể cho hội vay tiền, chứ không phải với tư cách hội viên. Vậy điều khoản này có thể coi là hợp lệ không? Vấn đề chưa được đặt ra ở Việt Nam. Thực tế, vấn đề không gây khó khăn nếu tiền lời bách phân chỉ là một số tiền lấy trước vào tiền lãi mà hội sẽ phân chia cho hội viên. Chỉ có khó khăn về pháp lý trong trường hợp điều khoản dự liệu cho các hội viên được hưởng một lợi suất bách phân dẫu rằng hội không có lãi. Học lý phần nhiều cho rằng điều khoản như thế là vô hiệu, vì rằng hội viên được hưởng lãi suất mặc dầu hội không có lãi tức là chia lời giả định, làm giảm sút vốn của hội, sút giảm quyền bảo đảm của chủ nợ, trái với nguyên tắc bất biến bản vốn của hội. Nhưng thực tế, có những công ty làm những công việc lớn lao, phải nhiều năm mới có lãi, nếu không cho các hội viên có lợi gì ngay, bắt họ phải chờ đợi quá lâu thì khó lòng kêu gọi được người góp vốn. Vì thế án lệ Pháp đã công nhận điều khoản nói trên là hợp lệ nếu số lợi xuất được dự liệu như một thứ đảm phụ, tính vào phí tổn mà hội phải chịu; Điều khoản này có hiệu lực đối kháng với người đệ tam dù không được công bố, vì lợi suất được dự liệu với tính cách là phí khoản chung, mà, theo luật, chi phí chung không cần phải được công bố cùng với hội quy; sau nữa, chi phí chung là do hoạt động của hội phát sinh, vì thề cũng không phải là một thành tố làm giảm sút bản vốn của hội.
1383._ Rốt cuộc, điều khoản hữu hiệu hay không là tùy theo cách thức trình bày của kế toán: Điều khoản sẽ chỉ được coi là hữu hiệu nếu số lợi xuất được ghi vào mục chi phí chung trong bảng kế toán tổng kết cuối năm.
2. Sửa đổi hội quy:
1384._ Hội quy có thể được sửa đổi về nhiều vấn đề. Muốn tăng giảm vốn của hội, phải sửa đổi hội quy: Vấn đề này sẽ giải thích sau, trong phần dành cho công ty đối vốn (1888 và kế tiếp). Sự sửa đổi hội quy thường là nhằm vào sự sáp nhập hội vào một hội khác, hoặc thay đổi hình thức hội, thí dụ thay đổi hội hợp danh thành hội hợp tư đơn thường. Sự thay đổi này luôn luôn được dự liệu trong hội quy của công ty hợp danh cho trường hợp hội viên mệnh một: Hội sẽ trở thành hội hợp tư đơn thường, trong đó, các thừa kế thụ quyền của người mệnh một, có tư cách là hội viên xuất tư, chỉ phải chịu trách nhiệm tới phần tư xuất của người mệnh một. Trong công ty đối vốn, sự sửa đổi thuộc thẩm quyền đại hội đồng bất thường. Luật TMP không dự liệu các thức sửa đổi hội quy cho công ty hợp danh. Luật TMTP và LTM 1972 cũng không đề cập vấn đề một cách tổng quát, chỉ nói riêng về lập quỹ dự trữ và tăng vốn hội tại các điều 55 TMTP và 185,186 LTM 1972. Dù sao, trên nguyên tắc việc sửa đôi hội quy cũng phải do toàn thể hội viên quyết định, trừ phi hội qy có quy định khác. Mọi việc sửa đổi đều phải được lập biên bản và công bố theo thể thức công bố hội quy (1257 và kế tiếp), nếu không, sẽ không đối kháng được với người đệ tam./.
Bình luận