Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

13. Nguyên nhân của nghĩa vụ và khế ước

NGUYÊN NHÂN CỦA NGHĨA VỤ VÀ KHẾ ƯỚC 

– Điều 651 DLB, 687 DLT quy định các yếu tố cần thiết của khế ước, sau khi đã liệt kê hai yếu tố là sự ưng thuận của người kết ước và chủ đích của khế ước, còn liệt kê một yếu tố thứ ba nữa, đó là “hiệp ước phải có nguyên nhân đích thực và chính đáng”. Điều 664 DLB quy định: “Khi người lập ước mà không có quyền lợi chánh đáng gì cho mình ở đó thì hiệp ước ấy vô hiệu, vì vô cố. Không có lợi quyền chánh đáng là khi lập ước chủ lợi cho người ngoài, chứ không lợi cho mình. Tuy nhiên, trong hiệp ước, nếu điều ước chủ lợi cho người ngoài là phụ với một điều ước chủ lợi cho chính mình, hay là phụ cho một điều tặng dữ cho bên kia, thì điều ước chủ lợi cho người ngoài đó cũng có giá trị. Nếu người ngoài đó đã khai rõ muốn hưởng lợi ấy, thì người lập ước không thể  bãi bỏ đi được nữa”. Điều 665 DLB quy định: “Nghĩa vụ do một nguyên nhân phi pháp lập ra thì không có công hiệu gì. Nguyên nhân phi pháp là khi bị pháp luật cấm, hay là trái ngược phong tục, hay trật tự chung”. Sự quy định của DLT có khác. Theo điều 703 DLT: “Nghĩa vụ không có nguyên nhân hay có một nguyên nhân sai lầm hoặc một nguyên nhân bất hợp pháp thì có hiệu lực nào”. Điều 704 DLT: “Tuy nhiên, nếu hợp ước không ghi rõ nguyên nhân, hiệp ước ấy vẫn có giá trị và lâm thời người nào muốn nại rằng nguyên nhân không có hoặc nguyên nhân bất hợp pháp thì người ấy phải dẫn chứng”. Điều 705: “Nguyên nhân phi pháp khi nguyên nhân ấy bị luật pháp cấm đoán hoặc trái với thuần phong mỹ tục hay trái với trật tự công”.
– Nguyên nhân của nghĩa vụ và khế ước là đề tài gây tranh cãi. Một số luật gia của Pháp đề nghị không quy định nguyên nhân là yếu tố cần thiết của nghĩa vụ và khế ước. Ở Châu Âu, một số nước cải cách tư pháp đã hủy bỏ nguyê nhân của nghĩa vụ trong quy định về khế ước và nghĩa vụ (Đức, Thụy sĩ, Ba Lan).
1. Nguyên nhân của nghĩa vụ trong DLB, DLT và DLP:
a. Ý niệm tổng quát về nguyên nhân:
– Để phân biệt đối tượng của nghĩa vụ với nguyên nhân của nghĩa vụ, ta cần đặt ra hai câu hỏi sau đây: Người lập ước đã muốn gì? Tại sao người lập ước lại muốn như vậy? Trả lời cho câu hỏi thứ nhất cho ta biết đối tượng của nghĩa vụ. Trả lời câu hỏi thứ hai cho ta biết nguyên nhân của nghĩa vụ.
– Sự phân biệt giữa nguyên nhân của nghĩa vụ và sự ưng thuận của người lập ước tuy có tế nhị hơn, song cũng có thể giải quyết được bằng cách đặt hai câu hỏi dung dị: Người lập ước có muốn không? Và tại sao người lập ước lại muốn như vậy? Trả lời câu hỏi thứ nhất sẽ cho ta biết người lập ước có ưng thuận hay không và trả lời câu hỏi thứ hai sẽ cho biết về nguyên nhân của nghĩa vụ. Như vậy, nguyên nhân của nghĩa vụ là yếu tố biệt lập với sự ưng thuận và đối tượng của nghĩa vụ. Nhờ yếu tố nguyên nhân này, ta biết rõ tại sao người lập ước đã cam kết thi hành nghĩa vụ.
– Tuy vậy, còn một vấn đề nan giải hơn nữa là phân biệt nguyên nhân của nghĩa vụ và nguyên nhân của khế ước. Chính trong các điều 1131-1133 DLP, và các điều khoản của DLB, DLT, cũng dùng một cách hàm hỗn, chứ không phân biệt được hai danh từ nguyên nhân của nghĩa vụ và nguyên nhân của khế ước. Nguyên nhân của nghĩa vụ (la cause de l’obligation), là lý do đã khiến người lập ước cam kết thi hành nghĩa vụ. Đối với mỗi loại khế ước, lý do này bao giờ cũng bất di bất dịch. Thí dụ trong khế ước mua bán, người bán cam kết giao hàng vì họ nhận tiền của người mua, và người mua cam kết trả tiền, vì họ nhận hàng của người bán. Trái lại, nguyên nhân của khế ước là những duyên cớ đã thúc đẩy các người lập ước ký kết khế ước; Những duyên cớ đó thay đổi tùy theo mỗi cá nhân và mục đích mà họ theo đuổi. Ví dụ: Tôi có thể thuê cái nhà để ở, những người khác có thể thuê cái nhà đó để làm cửa hàng thương mại, để mở trường học … Nói cách khác, nguyên nhân của khế ước không còn là yếu tố pháp lý mà chỉ là một yếu tố tâm lý. Nhưng yếu tố pháp lý của nghĩa vụ cũng thay đổi theo lịch sử. Nguyên nhân của nghĩa vụ vốn đã có trong cổ luật La Mã. Trong thời kỳ này, ý chí của tư  nhân không đủ có hiệu lực phát sinh ra nghĩa vụ; vì vậy người ta cần tới một thể thức để thực hiện mục đích ấy. Thể thức này có thể là sự thi hành một vài hình thức pháp định, như trong trường hợp khế ước trọng thức, hay sự giao nạp đồ vật. Thể thức này trong quan niệm của luật La Mã là nguyên nhân của nghĩa vụ. Người ta gọi nguyên nhân đó là nguyên nhân thành hiệu (causa efficiens: nguyên nhân hiệu quả), vì phát sinh ra nghĩa vụ. Trong giai đoạn thứ hai của Luật La Mã, nguyên nhân có một ý nghĩa khác. Danh từ này bao gồm tất cả các nguồn gốc phát sinh ra nghĩa vụ, bất luận là có liên quan đến hình thức chủ nghĩa hay không: Khế ước, chuẩn khế ước, dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm.
– Ngày nay, danh từ nguyên nhân của nghĩa vụ đã có một ý nghĩa khác. Người ta không cần tìm biết tại sao người phụ trái đã bị thúc buộc; người ta chỉ cần tìm hiểu tại sao người ấy đã bằng lòng chịu thúc, mà cũng vì vậy phạm vi của nguyên nhân nghĩa vụ đã bị thu hẹp lại. Vấn đề này chỉ còn được nêu ra đối với các nghĩa vụ do ý chí của đương sự phát sinh ra, tức là chỉ với các nghĩa vụ khế ước. Các nguồn gốc khác phát sinh ra nghĩa vụ (dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm) không được đề cập tới trong phạm vi của vấn đề nguyên nhân nghĩa vụ. Nhưng từ quan niệm của cổ luật La Mã tới giai đoạn hiện tại, sự tiến hóa của ý niệm này đã trải qua nhiều hình thức mà ta cần phải biết. Trong cổ luật La Mã, một khi thể thức luật định đã được thực hiện đầy đủ, nghĩa vụ sẽ có giá trị đối với pháp luật. Nguyên nhân ở đây là những thể thức chức không phải là lý do khiến người lập ước bằng lòng cam kết. Trong một pháp chế như vậy, các khế ước có tính cách ổn định. Một khi đã cam kết theo thể thức pháp định thì không thể có cách gì để hủy bỏ khế ước được. Tuy nhiên, pháp chế ấy cũng đưa lại nhiều điều bất lợi, nhiều khi trái cả công lý: Thí dụ người mua tuy không trả tiền song người bán cũng không thể hủy khế ước bán mà vẫn phải trao đồ vật đã bán. Vì vậy, trong luật La Mã, các phán quan đã bắt buộc phải công nhận cho người phụ trái được sử dụng khước biện khi trá (exception de dol: gian lận ngoại lệ) trong những trường hợp như vừa nêu để khỏi phải thi hành nghĩa vụ của mình. Người phụ trái cũng có quyền đứng nguyên đơn kiện trước để giải trừ khế ước bằng tố quyền giải thoát (condictio liberationis) hoặc để đòi lại đồ vật mình đã giao bằng tố quyền vô trái (condictio indebiti). Trong thời trung cổ, đối với giáo hội Pháp, hình thức chủ nghĩa không còn được chấp nhận và nguyên tắc hiệp ý đã được đề cao. Lẽ dĩ nhiên sự ưng thuận của người lập ước là căn bản của nghĩa vụ, được phân tích tỉ mỉ hơn. Sự ưng thuận ấy chỉ có giá trị nếu có một nguyên nhân đích thực và không do những lý do bất chính. Lý thuyết của giáo hội, trong giai đoạn đầu tiên chó thể tóm tắt trong tục giao: “Non servandi fidem, non est fidem servanda”, nghĩa là “không cần phải giữ lời hứa đối với một người đã không giữ lời hứa của họ”. với tục giao đó, nguyên nhân của mỗi nghĩa vụ là nghĩa vụ tương đối của người đối ước. Như vậy, giữa nghĩa vụ của hai bên kết ước có một mối liên hệ tương thuộc mật thiết. Trong giai đoạn thứ hai của giáo hội Pháp, ngoài ý niệm nghĩa vụ liên hệ (obligation connexe: nghĩa vụ liên quan), người ta thấy xuất hiện nguyên tắc tương đồng (principe de l’équivalence: nguyên tắc tương đương). Nhờ nguyên tắc này, giáo hội pháp có thể duy trì một thế quân bình giữa nghĩa vụ của hai bên đương sự để thực hiện lý tưởng công bằng. Nhưng đến đây, giáo hội Pháp đã bước thêm một giai đoạn thứ ba, vượt ra khỏi ý niệm nguyên nhân trừu tượng của nghĩa vụ và đi sâu vào sự phân tích các động lực (les mobiles) đã thúc đẩy các người cộng ước ký kết với nhau. Đối với các giáo sĩ, sự cam kết phải dựa trên một cơ sở thích đáng, hợp với luân lý, thì mới được tôn trọng. Vì có sự tiến hóa này, mà các thẩm phán thời đó đã tìm cách dò xét các mục đích của đương sự tuy rằng những mục đích ấy được giấu kín không ghi ở trong khế ước. Tới thế kỷ 17, các luật gia Pháp đều theo lý thuyết của Luật gia Jean Domat (1625-1696), không chấp nhận quan điểm của giáo hội Pháp. Jean Domat chỉ nghiên cứu về nguyên nhân trừu tượng của nghĩa vụ và không chú ý tới những động lực cá nhân đã thúc đẩy các đương sự kết ước. Như vậy, các thẩm phán không còn được thẩm lượng về các động lực này. Tuy Jean Domat cũng chủ trương rằng các hợp ước trái với thuần phong mỹ tục và trật tự công đều vô hiệu, nhưng ở đây Jean Domat  chỉ muốn nói tới các hợp ước mà chủ đích có tính cách bất hợp pháp hay bại luân, chứ không phải những hiệp ước tuy chủ đích hợp pháp nhưng đã được những động lực trái ngược thuần phong mỹ tục xui khiến. Quan điểm của Jean Domat đã được phản chiếu tại các điều 1131-1133 DLP và đã được hai bộ DLB và DLT chấp nhận đưa vào.
b. Các điều kiện hữu hiệu của nguyên nhân: Về điều kiện hữu hiệu của nguyên nhân, cần phân biệt nguyên nhân của nghĩa vụ và nguyên nhân của khế ước. Những điều kiện liên quan đến nguyên nhân của nghĩa vụ thuộc về kỹ thuật pháp lý; còn nguyên nhân của khế ước là những động lực cá nhân đã thúc đẩy đến sự kết ước. Vì vậy, các điều kiện hữu hiệu của nguyên nhân khế ước có tính cách luân lý và xã hội hơn là pháp lý. Sau khi phân tích hai trường hợp trên, sẽ xét vấn đề chế tài.
b1: Các điều kiện hữu hiệu của nguyên nhân nghĩa vụ: Điều 664 DLB chỉ nói tới sự khiếm khuyết của nguyên nhân làm cho hiệp ước vô hiệu và Điều 665 DLB quy định về nguyên nhân bất hợp pháp làm cho hiệp ước vô hiệu; Điều 703 đã quy định ba trường hợp vô hiệu do: Khiếm khuyết nguyên nhân, nguyên nhân sai lầm và nguyên nhân bất hợp pháp.
Trường hợp nghĩa vụ không có nguyên nhân (obligation sans cause): Không có nghĩa vụ nào có thể không có nguyên nhân, nhưng theo quan niệm hiện nay được đại đa số các luật gia Pháp chấp nhận, nguyên nhân này, tuy rằng trong mỗi loại khế ước thì có tính cách bất di bất dịch, nhưng lại thay đổi theo từng loại khế ước. Đối với chứng thư vô thường, nguyên nhân là chủ ý tặng dữ (animus donandi: tinh thần cống hiến). Nếu người tặng dữ không có chủ ý ấy, lẽ dĩ nhiên nghĩa vụ của người dữ sẽ không có nguyên nhân. Trong những khế ước giao vật (contrats réels: Hợp đồng thực), nguyên nhân là sự giao nạp đồ vật cho đối phương. Đối với những khế ước hiệp ý đơn phương (contrats consensuels unilatéraux: hợp đồng đồng thuận đơn phương), nguyên nhân là một nghãi vụ vốn đã có từ trước thúc buộc người cấu ước, hoặc một nghĩa vụ mà người ấy mong được tạo lập sau  này. Ví dụ: Tôi hứa trả số tiền cho ông A vì trước đây ông A đã đưa số tiền ấy cho tôi mượn, hoặc tôi hứa bán nhà cho ông B vì tôi biết rằng chủ mua sau này sẽ phải trả tiền cho tôi. Đối với các khế ước song phương (contrats synallagmatiques), nguyên nhân có một vai trò rât quan trọng. Nguyên nhân nghĩa vụ của mỗi người kết ước là mối tâm niệm mong được hưởng sự thực hiện của nghĩa vụ tương đương của đối phương hay sự chú trong vào nghĩa vụ của đối phương. Thí dụ: Trong khế ước mua bán, nguyên nhân nghĩa vụ giao hàng của người bán là sự chú trọng vào lấy được tiền theo giá bán, còn nguyên nhân của nghĩa vụ trả tiền của người mua là sự tâm niệm được lấy về món hàng của người mua. Nếu một trong hai nghĩa vụ tương đương ấy, có một nghĩa vụ không được thi hành, tất nhiên nghĩa vụ kia thiếu nguyên nhân và khế ước sẽ vô hiệu. Vì trong dân luật, nghĩa vụ nào cũng có nguyên nhân, nên không thể có những chứng thư trừu tượng (actes abstraits: hành vi trừu tượng), mà sự hữu hiệu không tùy thuộc ở một nguyên nhân. Như trên đã trình bày, chứng thư trừu tượng này đã xuất hiện trong cổ luật La Mã, vì trong thời kỳ đó một khi đã người ta đã thi hành các thể thức thì nghĩa vụ sẽ hoàn toàn hữu hiệu. Hiện nay, trong dân luật Đức và Thụy sĩ, có các chứng thư trừu tượng, vì lẽ tại các nước này, dân luật không chấp nhân nguyên nhân là một yếu tố của nghĩa vụ. Một khi đã có nguyên nhân, nghĩa vụ theo thuyết cổ điển sẽ hữu hiệu trước pháp luật, bất luận các đối khoản nhiều hay ít. Đây cũng là quan niệm của nước Anh, coi rằng một hạt tiêu cũng có thể là nguyên nhân của một nghĩa vụ có giá trị 100 bảng Anh.
– Lưu ý: DLB, DLT đã đồng hóa nguyên nhân với quyền lợi là một sai lầm của nhà làm luật. Theo các học thuyết cổ điển, nguyên nhân có một sắc thái khá phức tạp, thay đổi tùy theo mỗi loại khế ước. Dù sao, nguyên nhân của nghĩa vụ cũng không phải là quyền lợi của người cấu ước vì trong các khế ước tặng dữ chẳng hạn, người cấu ước không đòi hỏi một quyền lợi gì cả.
– Trường hợp nguyên nhân sai lầm: Điều 703 DLT ghi rằng: “Một nghĩa vụ mà nguyên nhân sai lầm sẽ vô hiệu”. Tuy trong luật không nói rõ, song trường hợp này là trường hợp mà người phụ trái đã có sự lầm lẫn về nguyên nhân. Nói một cách khác, người phụ trái đã căn cứ vào nguyên nhân không có, như vậy trường hợp nguyên nhân sai lầm đã bị bao gồm trong trường hợp khiếm khuyết nguyên nhân và có lẽ cũng vì lẽ ấy, DLB không nói tới trường hợp nguyên nhân sai lầm. Trường hợp nguyên nhân sai lầm cần phải được phân biệt với trường hợp nguyên nhân được che đậy hay giả trang (cause simulée). Ở đây các đương sự đều biết rõ nguyên nhân của nghĩa vụ, nhưng muốn che giấu nguyên nhân ấy với người khác. Ví dụ: Hai người ký kết với nhau một khế ước mua bán, nhưng ký riêng với nhau một ẩn khế (contre-lettre) để coi khế ước nói trên chỉ là một chứng thư tặng dữ. Trong trường hợp này ẩn khế vẫn hữu hiệu (có hiệu lực) đối với các đương sự, nhưng không thể đối kháng được với người khác, vi các người này chỉ biết rõ chứng thư mua bán, nghĩa là nguyên nhân giả trang thôi.
– Trường hợp nguyên nhân bất hợp pháp: Tuy nguyên nhân nghĩa vụ có tính trừu tượng có tính cách trừu tượng và biệt lập với động lực cá nhân, song nguyên nhân ấy cũng có thể bất hợp pháp. Trong một khế ước song phương, nguyên nhân nghĩa vụ của một bên đương sự sẽ bất hợp pháp nếu chủ đích nghĩa vụ của đối phương bị luật pháp cấm. Ví dụ một người trả số tiền cho một người khác để người này giết người. Lẽ dĩ nhiên, hành vi giết người này là một nghĩa vụ bất hợp pháp và như vậy nguyên nhân của người trao tiền cũng bất hợp pháp.
b2. Các điều kiện hữu hiệu của nguyên nhân khế ước: Mỗi người kết ước đều có những lý do riêng thúc đẩy, họ có thể lầm về những động lực ấy. Ta có thể coi sự sai lầm về các động lực kết ước như trường hợp khế ước không có nguyên nhân không? Theo án lệ, sự sai lầm về nguyên nhân khế ước không ảnh hưởng gì tới sự hữu hiệu của khế ước cả. Tuy nhiên, nguyên nhân của khế ước phải hợp pháp và cũng vì điều kiện này, tòa án đã tiêu hủy không những các khế ước có mục đích gian tránh pháp luật mà cả những khế ước trái thuần phong mỹ tục. Ví dụ: Đối với khế ước tặng dữ, nguyên nhân của nghĩa vụ là chủ ý tặng dữ, nghĩa là, một nguyên nhân hoàn toàn trừu tượng. Trái lại nguyên nhân của khế ước tặng dữ lại có tính chất cụ thể và thay đổi trùy từng trường hợp. Nếu một người đàn ông cho tiền một người đàn bà để sống trong tình trạng ngoại hôn hay để kéo dài tình trạng này, nguyên nhân của khế ước sẽ bất hợp pháp. Đối với các chứng thư hữu thường, tuy các động lực cá nhân khó khám phá hơn, song án lệ cũng kiểm soát chặt chẽ về phương diện này. Nếu một người thuê nhà lập sòng bạc hay chứa mại dâm, thì tính chất bất hợp pháp hay bại luân của nguyên nhân khế ước sẽ làm cho khế ước này vô hiệu. Ý niệm mềm dẽo về thuần phong mỹ tục và trật tự công cộng là một phương pháp có hiệu quả để giữ vững nền tảng xã hội. Sự thật, trong một số trường hợp, rất khó phân biệt rõ rệt giữa nguyên nhân nghĩa vụ với nguyên nhân của khế ước; hoặc đối tượng của nghĩa vụ với đối tượng của khế ước, và cũng không biết đích xác là yếu tố nào có tính cách bất hợp pháp hay bại luân. Trong thực tế, các tòa án khi thấy có yếu tố bất hợp pháp hay bại luân đều không ngần ngại tiêu hủy khế ước.
b3. Các sự chế tài: Trong trường hợp khiếm khuyết nguyên nhân hay nguyên nhân sai lầm, khế ước sẽ bị vô hiệu tuyệt đối. Song trong trường hợp khiếm khuyết một phần nguyên nhân, các tòa án không tiêu hủy khế ước mà bớt số tiền thù lao mà thôi. Trong trường hợp nguyên nhân có tính cách bất hợp pháp hay bại luân, khế ước bị vô hiệu tuyệt đối (Điều 6 dlp, Điều 10 DLB, DLT). Nếu một bên đương sự đã thi hành một nghĩa vụ của mình, người ấy có quyền xin hoàn lại cung khoản của mình. Tuy nhiên, nếu chính họ theo đuổi một mục đích bại luân thì họ không thể yêu sách được như vậy, vì án lệ thường áp dụng tục dao la tinh: “Nemo auditur propriam turpitudinem allegans: Không ai có thể nại ra trước tòa án sự bại luân của chính mình”
c. Vấn đề dẫn chứng nguyên nhân: Về phương diện dẫn chứng, cần phân biệt nguyên nhân của nghĩa vụ và nguyên nhân của khế ước.
c1. Dẫn chứng nguyên nhân của nghĩa vụ: Trong các vụ kiện liên quan đến nguyên nhân của nghĩa vụ, sự dẫn chứng thường liên hệ tới hai điều: Dẫn chứng tính cách bât hợp pháp của nguyên nhân và dẫn chứng sự khiếm khuyết của nguyên nhân.
: Dẫn chứng tính cách bất hợp pháp của nguyên nhân nghĩa vụ: chỉ nêu lên trong các hiệp ước song phương. Như chúng ta biết, muốn đạt được mục đích này, đương sự cần phải dẫn chứng rằng chủ đích nghĩa vụ của đối phương có tính cách bất hợp pháp, vì chính chủ đích của nghĩa vụ này là nguyên nhân của nghĩa vụ phải thi hành. Muốn biết ai phải dẫn chứng, phải áp dụng nguyên tắc thông thường “Actori incombit probatio”, nghãi là, nguyên đơn phải chịu trách nhiệm dẫn chứng. Như vậy, người nào nại ra tính cách bất hợp pháp của nguyên nhân phải dẫn chứng đượ điểm này và có thể dùng đủ mọi biện pháp để dẫn chứng.
– Dẫn chứng sự khiếm khuyết của nguyên nhân nghĩa vụ: Cần phân biêt xem nguyên nhân của nghĩa vụ có được ghi ở trong khế ước không? Trên nguyên tắc, trong khế ước không bắt buộc phải ghi rõ nguyên nhân của nghĩa vụ. Nhưng tùy theo điểm này, sự dẫn chứng nguyên nhân của nghĩa vụ sẽ khác.
– Đối với chứng thư có ghi rõ nguyên nhân, người phụ trái muốn dẫn chứng sự khiếm khuyết nguyên nhân phải dẫn chứng theo thể thức đã được quy định trong luật.
– Ở đây, vì muốn dẫn chứng trái với nội dung của chứng thư (prouver contre le contenu de l’acte: chứng minh trái với nội dung của hành vi), người phụ trái phải căn cứ vào bút chứng hay một khởi điểm bút chứng. Tuy nhiên, quy tắc này không áp dụng, nếu người phụ trái muốn dẫn chứng rằng trong chứng thư có một nguyên nhân giả trang (une cause simulée), và sự giả trang này có mục đích gian tránh pháp luật (une fraude à la loi: Gian lận về pháp luật). Vì sự gian tránh pháp luật là một sự kiện pháp lý, nên sự dẫn chứng có thể dùng đủ mọi biện pháp. Quy tắc này cũng áp dụng cho người thứ ba. Họ có thể dẫn chứng khiếm khuyết nguyên nhân của nghĩa vụ bằng đủ mọi phương tiện vì chứng thư pháp luật không có hiệu lực đối với người thứ ba và chỉ có giá trị một sự kiện pháp lý đối với họ.
– Vấn đề phức tạp hơn đối với chứng thư không ghi rõ nguyên nhân (billet non causé). Điều 1132 DLP và Điều 704 DLT ghi rõ: “Một hợp ước vẫn có giá trị tuy rằng nguyên nhân không được ghi rõ”. Song điều này không phân định rõ là nguyên đơn hay  bị đơn phải dẫn chứng về sự khiếm khuyết của nguyên nhân. Tuy nhiên, đại đa số các luật gia Pháp cho rằng, một khi hợp ước không rõ nguyên nhân vẫn hữu hiệu có nghĩa là nhà làm luật mặc nhiên công nhận hợp ước có nguyên nhân rồi, vấn đề chỉ làm không rõ thôi, nên hợp ước hữu hiệu. Vì vậy, đối tụng nào muốn nại ra sự khiếm khuyết của nguyên nhân, tất phải dẫn chứng điều đó. Nhưng sự dẫn chứng này được dùng mọi phương tiện vì đương sự không ở trong trường hợp phải dẫn chứng chống lại nội dung khế ước. Tòa phá án Pháp, trong bản án ngày 14-01-1941 đã xử rằng “Trong trường hợp môt chứng thư không ghi rõ nguyên nhân, người trái chủ buộc phải dẫn chứng là nghĩa vụ có nguyên nhân đối với người đệ tam”. Tuy nhiên, cần phải nhận định rõ rằng, trong hiện trạng của luật pháp, nhất là luật thương mại, một số chứng thư được luật pháp coi như trừu tượng: Các hối phiếu, lệnh phiếu, chi phiếu. Đây là các loại chứng khoán có thể chuyển nhượng được. Để cho sự giao thương được nhanh chóng và ổn định, nghĩa vụ đã được coi như là quy nhập vào trong các chứng thư đó và người ta không chú trọng đến nguyên nhân của nghĩa vụ nữa.
c2. Sự dẫn chứng nguyên nhân của  khế ước:
– Nguyên nhân của khế ước là động lực xui khiến đương sự kết lập khế ước, trong học lý thường được gọi là động lực xung động và quyết định. Khi một người ký một khế ước, lẽ tất nhiên, đương sự bao giờ cũng có động lực gì xui khiến; Nói một cách khác, khế ước bao giờ cũng có nguyên nhân. Như vậy, trong lý thuyết cũng như trong thực tế, trường hợp khiếm khuyết nguyên nhân của khế ước không được đặt ra bao giờ. Trái lại, vấn đề dẫn chứng tính cách bất hợp pháp hay bại luân của nguyên nhân khế ước thường được nêu ra trong các vụ kiện. Một khế ước bao giờ cũng phải được phỏng đoán mặc nhiên có nguyên nhân hợp pháp và hợp luân lý. Như vậy, bất luận là đối ước hay người thứ ba, muốn dẫn chứng tính cách bất hợp pháp hoặc bại luân của nguyên nhân khế ước thì người đó phải chịu gánh nặng dẫn chứng.
– Sự dẫn chứng theo phương pháp nào? Trong án lệ Pháp, cho tới năm 1907, người ta đã chấp nhận giải pháp phải dẫn được một chứng cứ nội tại (preuve intrinsèque: Bằng chứng nội tại), nhưng từ năm 1907, Tòa phá án Pháp đã có một thái độ khoan hồng hơn: Sự dẫn chứng có thể dùng mọi phương tiện vì tính cách bại luân hay bất hợp pháp có thể được đồng hóa với sự gian trá (la fraude: Sự lừa đảo), mà theo điều 1353 DLP, sự dẫn chứng được hoàn toàn tự do.

  • Lưu ý hai câu của Jean Domat:
    1. Người kết ước đã cam kết điều gì? Trả lời câu hỏi này, ta sẽ tìm ra được đối tượng của nghĩa vụ;
    2. Tại sao người kết ước đã cam kết như vậy? Trả lời câu hỏi này, chúng ta tìm ra nguyên nhân của nghĩa vụ.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar