Trong 40 năm qua kể từ năm 1959, ngành báo chí Singapore đã phát triển khá xa so với những định chuẩn do chính quyền thuộc địa đặt ra. Chúng tôi đạt được điều này bằng cách đặt ra những hạn chế, phần lớn cho giới truyền thông bằng tiếng Anh. Họ từng bị ảnh hưởng bởi những chủ bút và phóng viên người Anh thường là cấp trên của họ trong tập đoàn Straits Times. Phải mất nhiều năm để một thế hệ nhà báo trẻ hơn của thập niên 80 nhận ra rằng nền văn hóa chính trị của Singapore đã và sẽ giữ được nét khác biệt so với định chuẩn phương Tây. Tuy nhiên, các phóng viên của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi phong cách tường thuật và quan điểm chính trị của giới truyền thông Mỹ, luôn tỏ ra hoài nghi và nhạo báng nhà cầm quyền. Báo chí tiếng Hoa và Malay không bắt chước báo chí phương Tây. Sách lược văn hóa của họ là ủng hộ với tính cách góp ý, xây dựng các chính sách mà họ tán thành, và phê phán có cân nhắc khi họ không tán thành.
Vào những năm 90, tất cả các nhà báo tuổi dưới 40 của chúng tôi đều tốt nghiệp tại các trường ở Singapore. Song, sự khác biệt giữa báo chí tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Malay vẫn còn tiếp diễn; sự khác biệt về mặt văn hóa vẫn chưa khắc phục được. Những khác biệt này dễ nhận ra qua những bài phê bình, những dòng tít, cách chọn lọc tin và việc lựa chọn thư độc giả để đăng tải. Những độc giả học hành bằng tiếng Hoa lại không có cùng quan điểm xã hội và chính trị như những độc giả học hành bằng tiếng Anh. Họ đặc biệt quan tâm đến quyền lợi cộng đồng hơn quyền lợi cá nhân.
Tờ Straits Times, tờ báo tiếng Anh quan trọng nhất khi còn do người Anh làm chủ đã công khai ủng hộ những quyền lợi của họ. Tờ báo này được các công ty thương mại Anh bảo trợ bằng cách cung cấp cho nó các quảng cáo, và được chính quyền thuộc địa bảo trợ bằng cách cung cấp tin và lợi nhuận cho nó từ việc đăng tải những thông cáo chính thức.
Không có tờ nhật báo tiếng Anh địa phương nào từng đạt được tỉ lệ lưu hành và mức ảnh hưởng như vậy.
Các tờ báo tiếng Hoa buộc phải tự xoay xở lấy. Những ông chủ, những nhà buôn người Hoa giàu có dùng chúng để làm tăng quyền lợi của họ. Để lôi cuốn độc giả, họ tâng bốc những tin tức về Trung Quốc, về nền giáo dục và văn hóa của người Hoa và về cuộc chiến ở Trung Quốc. Hai tờ báo chính là tờ Nanyang Siang Pau và tờ Sin Cew Jit Pob do hai dòng họ người Hoa giàu có làm chủ, song những chủ bút thuộc cánh hữu cơ hội chủ nghĩa sử dụng những nhà báo người Hoa trẻ tuổi đa phần thuộc cánh tả và một số là sử dụng những nhà hoạt động của đảng Cộng Sản.
Những tờ báo viết bằng tiếng địa phương như tiếng Hoa, tiếng Tamil và những ngôn ngữ khác nhằm phục vụ cho quyền lợi cộng đồng của họ và không có bất kỳ đặc tính Singapore nào. Tờ báo tiếng Malay Utusan Melayu được viết bằng chữ Ả-rập (Jawi) là phương tiện truyền bá chủ nghĩa dân tộc Liên Malay-Indonesia.
Hầu như ngay từ đầu, tờ Straits Times đã cay cú chống đối PAP. Họ xem giới lãnh đạo phi cộng sản này như một con ngựa thành Troa (Trojan horse: Người hay đồ vật dùng để làm hại một đối thủ hay kẻ thù, vốn vẫn tin một cách sai lầm là mình đang được giúp đỡ.) của những người cộng sản nói tiếng Hoa. Tờ Nanyang Siang Pau, Siu Chew Jit Pob và nhiều tờ báo tiếng Hoa nhỏ hơn đã ủng hộ đảng PAP mạnh mẽ, vì PAP có chính sách tả khuynh và liên kết với cộng sản trong mặt trận thống nhất. Nhiều phóng viên nguời Hoa là những người thân cộng. Mặc cho những liên kết của chúng tôi với những người cộng sản nói tiếng Hoa, tờ Utusan Melayu vẫn tỏ ra thân thiện vì chủ bút và tổng biên tập Yusof Ishak là bạn của tôi và đã chọn tôi làm luật sư cho tờ báo. Sau này ông ta trở thành tổng thống thứ nhất của Singapore. Những kinh nghiệm trước đây ở Singapore và Malaya cho tôi sự nhìn nhận về yêu sách của báo chí đối với việc bảo vệ chân lý và tự do ngôn luận. Tự do báo chí chỉ là tự do của những chủ báo nhằm làm tăng những quyền lợi cá nhân và giai cấp của họ.
Khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cho một Singapore tự trị tiến hành vào tháng Năm 1959, tờ Straits Times trở nên chống PAP kịch liệt nhằm ngăn cản không cho chúng tôi giành phần thắng và lập chính phủ. Chúng tôi quyết định đương đầu với vấn đề này. Raja là cây bút lâu năm của Straits Times. Ông ta khẳng định quan điểm của chúng tôi cho rằng tờ báo này hoạt động vì quyền lợi của người Anh. Tờ báo này do Bill Simmons, một nhà báo Anh to con, vạm vỡ trông có vẻ du côn nhưng rất có năng lực quản lý. Simmons rất lưu tâm đến lời đe dọa trả thù tờ báo công khai của tôi nếu như chúng tôi thắng cử. Tờ báo đang chuẩn bị dời ban biên tập đến Kuala Lumpur sau cuộc bầu cử này. Vào giữa tháng Tư, hai tuần trước ngày bỏ phiếu, tôi đã bắn phát súng đầu tiên: “Một nguồn tin bí mật tiết lộ rằng ban biên tập Straits Times sẽ chạy trốn về Kuala Lumpur.” Tôi vạch ra lối tường thuật thiên vị trắng trợn của những nhà báo nước ngoài da trắng của tờ báo, cảnh báo rằng chúng tôi sẽ đáp trả cho họ như những gì họ đã gây ra cho chúng tôi
Ngày hôm sau, Raja bồi thêm bằng một đòn tấn công tờ tiếng Anh Singapore Standard do hai anh em Aw, tỉ phú người Hoa, thuộc công ty Tiger Balm (thuốc mỡ chữa bách bệnh) nổi tiếng làm chủ. Tờ Stan- dard đổi hướng quay sang chống PAP. Raja, một người đã từng làm phó tổng biên tập 5 năm của tờ báo, đã được cho biết phải chọn một trong hai: thay đổi đường lối hành động hoặc nghỉ việc. Anh ta đã nghỉ việc.
Tôi nói rằng chúng tôi khoan dung với những tờ báo địa phương đã chỉ trích chúng tôi; chúng tôi thừa nhận thiện ý của họ vì họ phải ở lại và chịu những hậu quả về cách xử sự của họ. Không giống như “những người sống rày đây mai đó điều hành tờ Straits Times”, từ bỏ nơi mà họ tuyên bố sẵn sàng chết vì tự do của báo chí ở Singapore để chạy đến Malaya. Họ sử dụng Leslie Hoffman, một người Á gốc Âu và là một người địa phương kỳ cựu nhất của họ để vu cáo tôi như sau: “Tôi không phải là người sống rày đây mai đó. Tôi, người chịu trách nhiệm về chủ trương và nội dung biên tập tờ báo này dự định sẽ ở lại Singapore cho dù ông Lý và Đảng PAP có nắm quyền đi chăng nữa, và cho dù họ có dùng pháp lệnh bảo vệ và an ninh công cộng để chống lại tôi…. Nhà tôi vẫn là ở Singapore”.
Quả là những lời can đảm. Trước ngày bầu cử, Hoffman chuồn đến Kuala Lumpur. Trước đó vài ngày, diễn thuyết trong cuộc họp hàng năm của Viện báo chí quốc tế IPI (International Press Institute) ở Tây Berlin, ông ta nói rằng những đe doạ của tôi là “sự bộc lộ của một đảng gồm những kẻ làm chính trị điên cuồng vì quyền lực”. Ông ta đòi tờ Straits Times được “viết, phát hành và kiểm soát bởi những nguời Malaya sinh ra ở đó, đã ở đó suốt đời và là những người có tinh thần dân tộc chân chính và trung thành với đất nước”. Ông ta biết điều này hoàn toàn không đúng. Ông ta kêu gọi IPI “dứt khoát ngăn chặn việc một đảng nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng đối với ý định công khai tước đi quyền tự do báo chí của nó”. Đó đúng là những gì chúng tôi có quyền thực hiện, để tìm kiếm sự ủy thác nhằm cương quyết xử lý vấn đề quyền lợi về mặt báo chí của nước ngoài, trong trường hợp này là bọn thực dân. Chính sách công khai của chúng tôi là không cho người nước ngoài sở hữu các tờ báo.
Chúng tôi thắng cử. Tờ Straits Times cùng chủ bút và những biên tập viên thâm niên của nó dời về Kuala Lumpur. Họ đã chứng minh cho nhận định của chúng tôi rằng họ là những kẻ hèn nhát, gắng sức bảo vệ quyền lợi của người Anh chứ không phải để ủng hộ tự do báo chí hoặc quyền thông tin. Sau khi chúng tôi độc lập vào năm 1965, tờ Straits Times trở về Singapore, làm một cuộc thay đổi hoàn toàn và ủng hộ PAP. Điều này đã không làm tăng thêm sự lưu tâm của tôi đối với tờ báo. Khi các chính sách ủng hộ Malay của Malaysia buộc tập đoàn Straits Times bán những hoạt động của nó ở Kuala Lumpur cho đảng cầm quyền UMNO, thì chính quyền PAP cho phép các cổ đông người Anh tiếp tục sở hữu và phát hành tờ báo ở Singapore. Simmons đi đến chỗ dàn hoà và tờ báo trở thành doanh nghiệp thương mại thuần túy, bây giờ không còn chương trình nghị sự về chính trị. Leslie Hoffman không trở lại Singapore mà định cư ở Úc.
Vì tôi muốn có sự cạnh tranh, nên tôi khuyến khích thành lập những tờ báo khác. Nhiều tờ báo đã ra đời nhưng bị phá sản. Sau hơn một trăm năm dưới sự thống trị của người Anh, tờ Straits Times đã chiếm lĩnh thị trường. Tờ Singapore Standard ngừng hoạt động trong những năm 60. Vào năm 1966, tờ báo tên là Eastern Sun được tung ra bởi Aw Kow, con trai của một trong số anh em nhà Tiger Balm Aw và được biết là một tay chơi hơn là ông trùm báo chí nghiêm túc. Sau những thương lượng bí mật với các quan chức cấp cao của một cơ quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đóng ở Hong Kong, họ cho ông ta vay 3 triệu đô la Singapore với thời hạn trên năm năm cùng lãi suất buồn cười là 0,1 % mỗi năm. Đổi lại tờ báo này không được chống đối Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về những vấn đề chính yếu và sẽ giữ trung lập đối với những vấn đề thứ yếu. Tờ Eastern Sun bị lỗ lã nặng do quản lý yếu kém. Vào năm 1968, tờ báo này nhận thêm khoản trợ cấp 600.000 đô la Singapore. Vào năm 1971, chúng tôi phanh phui ra “quỹ đen” này được tài trợ bởi một thế lực nước ngoài. Aw Kaw thừa nhận điều đó là sự thật. Ban biên tập bị xúc phạm nên đã từ chức và tờ báo bị đóng cửa.
Tờ Singapore Herald cũng có một “quỹ đen” khác. Lần này tiền đến từ một nguồn phi cộng sản. Bắt đầu thành lập năm 1970, tờ báo hoàn toàn do nước ngoài sở hữu, mướn biên tập viên người Singapore cùng ký giả nước ngoài và địa phương. Ban đầu, tôi thắc mắc tại sao hai người nước ngoài trên danh nghĩa chủ bút này muốn tạo lập một tờ báo tiếng Anh để tiến hành chống chính phủ thông qua những bài xã luận và những bản tin của nó về các vấn đề nghĩa vụ quân sự, hạn chế báo chí, tự do ngôn luận. Tờ báo đang lãng phí tiền. ISD báo cáo rằng cổ đông lớn nhất của nó là công ty Hong Kong mang tên Heeda & Com- pany, một công ty đã đăng ký với hai tên giả. Tờ báo này sớm làm cạn kiệt 2,3 triệu đô la Singapore vốn luân chuyển của nó và ngân hàng Chase Manhattan ở Singapore gia hạn cho nó khoản vay không bảo đảm 1,8 triệu đô la Singapore. Bị thúc bách phải giải thích, chủ tịch ngân hàng David Rockefeller đã điện cho tôi từ New York than phiền rằng vị phó chủ tịch thứ hai và là giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Singapore không biết nguyên tắc hiện nay của ngân hàng là không cho báo chí vay tiền! Tôi hoài nghi điều này.
Tôi chất vấn chủ bút người Singapore mới được bổ nhiệm của tờ báo rằng ai là người đã trả tiền dưới danh nghĩa công ty Heeda & Company của Hong Kong. Ông ta nói rằng ông ta nghĩ tôi biết đó chính là Donald Stephens, vị cao ủy Malaysia ở Canberra và là cựu quốc vụ khanh của Sabah, Malaysia. Tôi hỏi liệu ông ta có tin là Stephens, người mà sau này trở thành Fuad Stephens sau khi chuyển theo đạo Hồi, liều mất một triệu rưỡi đô la cho một tờ báo thách thức chính quyền Singapore không. Ông ta cũng đồng ý rằng điều này thật khó tin.
Vào giữa tháng Năm 1971, khi tôi tiết lộ cuộc nói chuyện này ra trước công chúng thì Stephens, người mà tôi biết rất rõ từ những ngày trong liên bang Malaysia, đã viết thư cho tôi từ Canberra rằng: “Tôi cảm thấy tôi nên nói với ông rằng động cơ duy nhất khi tôi bỏ tiền vào tờ Herald là vì tôi từng kinh doanh báo trước đó và vì tôi tin tưởng Singapore là một đất nước mà việc đầu tư của tôi sẽ được bảo đảm. Tôi không còn trẻ nữa và tôi nghĩ nếu như chẳng bao lâu nữa tôi phải về hưu, tôi sẽ có thể kiếm sống được nhờ vào khoản đầu tư cho tờ Herald“. Ông ta không giải thích lý do tại sao ông ta không báo cho tôi biết trước về việc đầu tư của ông để tìm sự ủng hộ và che chở của tôi. Một tờ báo có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của một đất nước. Khi một người nước ngoài, trùm báo chí người Anh Roy Thomson muốn thành lập một tờ báo ở Singapore vào giữa những năm 1960, đầu tiên ông ta thảo luận việc đó với tôi. Tôi đã can ngăn ông ta bởi vì tôi không muốn một người nước ngoài không có dây mơ rễ má ở Singapore lại có tác động quan trọng đối với chương trình nghị sự chính trị của chúng tôi.
Khi tờ Herald đang kiệt quệ về tài chính, nữ ký giả người Hong Kong Aw Sian, chị của Aw Kow nhưng không giống ông ta, một nhà doanh nghiệp nghiêm túc, bí mật đến giúp 500.000 đôla Singapore. Bà ta là một phụ nữ bản lĩnh và có một tờ báo tiếng Hoa ở Hong Kong. Bà ta cho tôi xem biên nhận của số tiền mà bà ta đã chuyển nhưng không có giấy chứng nhận tham gia cổ phần. Tôi hỏi liệu bà ta có ý định bỏ ra một món tiền nữa cho tờ báo không. Bà ta đáp “không” và trở về Hong Kong.
Quỹ báo chí châu Á, một chi nhánh của Viện báo chí quốc tế yêu cầu chúng tôi không được hủy bỏ giấy phép của tờ báo và mời tôi diễn thuyết tại hội nghị hàng năm của IPI tại Helsinki hồi tháng 6 năm 1971. Trước khi đến Helsinki, tôi hủy bỏ giấy phép xuất bản của tờ báo Singapore Herald.
Nếu tôi không tham dự, hội nghị sẽ thông qua những nghị quyết tố cáo Singapore trong sự vắng mặt tôi. Tôi phát biểu quan điểm của tôi về vai trò của giới truyền thông ở một đất nước còn mới và trẻ như Singapore. Tôi cần giới truyền thông để “đẩy mạnh chứ không phải để phá hoại những giá trị văn hóa và những thái độ xã hội được củng cố ở trường trung học và đại học của chúng tôi. Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể tạo ra một bầu không khí mà trong đó người dân trở nên hăng hái tiếp nhận kiến thức, kỹ năng, kỷ luật của những nước tiên tiến. Không có những điều này, chúng tôi không thể hy vọng nâng cao mức sống của người dân được.”
Về vấn đề sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau ở Singapore, tôi thuật lại những bài báo và hình ảnh trên báo đã gây ra những cuộc nổi loạn làm thiệt hại nhân mạng như thế nào bằng hai thí dụ. Trong những cuộc nổi dậy mang tên “cô gái rừng xanh” ở những năm 50, tờ Singapore Standard đã quảng cáo rầm rộ về danh tiếng của một cô gái Hà Lan đã cải đạo để theo đạo Hồi của người mẹ nuôi của cô ta, đang ở tư thế quỳ gối trước tượng Đức mẹ đồng trinh. Những cuộc nổi loạn chống người Hoa vào ngày sinh nhật nhà Tiên tri Mohammed vào tháng 7 năm 1964 xuất phát từ một cuộc vận động triền miên của một tờ báo Malay, họ liên tục rêu rao rằng thiểu số người Malay bị đa số người Hoa áp bức.
Tôi nói rằng tôi không chấp nhận việc các chủ báo có quyền đăng tải những gì họ thích. Không giống những Bộ trưởng Singapore, họ và các nhà báo của họ không do dân cử. Những lời sau cùng của tôi tại hội nghị này là: “Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức phải phụ thuộc vào nhu cầu cần thiết của Singapore và phụ thuộc vào mục đích quan trọng của một chính quyền được bầu”. Tôi cố gắng giữ vẻ lịch sự khi trả lời những vấn đề có tính khiêu khích.
Sau một vài năm, vào năm 1977, chúng tôi thông qua đạo luật cấm không cho bất cứ người nào hoặc người được ủy quyền của bất cứ cá nhân nào nắm giữ hơn 3% cổ phần thông thường của một tờ báo, và tạo ra một loại cổ phần đặc biệt gọi là cổ phần quản lý. Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định những cổ đông nào sẽ được cổ phần quản lý. Ông ta trao những cổ phần quản lý này cho bốn ngân hàng địa phương lớn ở Singapore. Họ sẽ giữ thái độ trung lập chính trị và bảo vệ tính ổn định cũng như sự tăng trưởng vì những lợi ích kinh doanh của họ. Tôi không tán thành thông lệ phương Tây để cho vua báo chí định hướng cử tri nên thường xuyên đọc cái gì.
Trong những năm 80, những ấn bản tiếng Anh do phương Tây sở hữu đã trở thành một sự hiện diện có ý nghĩa tại Singapore. Công chúng đọc báo tiếng Anh ngày càng nhiều cùng với việc dạy tiếng Anh ở trường học. Chúng tôi không nghiêm cấm bất kỳ tờ báo hoặc tạp chí nào của phương Tây. Song, họ thường từ chối cải chính khi họ tường thuật sai về chúng tôi. Vào năm 1986, chúng tôi quyết định ban hành đạo luật hạn chế việc bán hoặc phân phối những ấn phẩm nước ngoài có liên quan đến nền chính trị trong nước Singapore. Một trong những thử nghiệm của chúng tôi trong việc can thiệp vào chính trị tại Singapore là họ có hoặc không đăng bài trả lời của chúng tôi sau khi họ tường thuật sai hoặc có định kiến đối với những vấn đề ở Singapore. Chúng tôi không cấm đoán họ, chúng tôi chỉ hạn chế số lượng ấn bản mà họ bán. Những người không thể mua được những ấn bản đó có thể đọc bản photocopy hoặc bản fax. Điều này làm giảm bớt khoản thu nhập về quảng cáo nhưng không ngăn chặn được việc lưu hành những bài báo của họ. Họ không thể buộc tội chúng tôi là sợ dân chúng đọc những bài báo của họ.
Ấn bản đầu tiên vi phạm điều luật này là tuần báo Time của Mỹ. Trong một bài báo ra hồi tháng Mười năm 1986 có tường thuật rằng một nghị sĩ phe đối lập bị toà án Singapore buộc tội chuyển nhượng tài sản nhằm lừa gạt các chủ nợ và cung cấp chứng cứ giả mạo. Tùy viên báo chí của tôi gửi thư đính chính ba dữ kiện sai trong bài tường trình. Tờ Time từ chối công bố nó và thay vào đó họ đề nghị hai bản sửa đổi, song cả hai đều làm thay đổi ý nghĩa. Tùy viên báo chí của tôi muốn bức thư được công bố nguyên vẹn, không được thêm bớt. Khi họ từ chối, chúng tôi hạn chế việc bán tạp chí Time từ 18.000 bản xuống còn 9.000 bản, rồi sau đó còn 2.000 bản. Sau vụ việc này, tờ Time mới công bố đầy đủ bản cải chính của chúng tôi. Chúng tôi tháo bỏ hạn chế sau đó 8 tháng.
Tờ Asian Wall Street Journal (AWSJ) ra hồi tháng 12 năm 1986 đăng tải một chuyện không có thật về thị trường chứng khoán thứ hai trong kế hoạch của chúng tôi – SESDAQ (Stock Exchange of Singapore Dealing in Automated Quotation Systems) – Tờ báo này cho rằng chính phủ đang chuẩn bị nhượng lại những công ty quốc doanh vô dụng cho người dân. Ủy ban tiền tệ Singapore (MAS) viết thư phản bác luận điệu sai lạc trên. Song, tờ AWSJ không những từ chối đăng tải bức thư mà còn kêu ca rằng bài báo của họ là công bằng và chuẩn xác, rằng có một công ty vô dụng như vậy đã tồn tại và rằng bức thư của chúng tôi đã xúc phạm phóng viên của họ. Một lần nữa, MAS viết thư chỉ ra những sai lầm khác trong bài viết và yêu cầu tờ báo cho biết tên công ty vô dụng cũng như chỉ ra những đoạn văn nào trong bức thư của chúng tôi đã xúc phạm phóng viên họ. Chúng tôi yêu cầu họ công bố bức thư để độc giả có thể phán xét dùm họ. Họ từ chối nêu tên công ty vô dụng đó cũng như chỉ ra những đoạn văn bị cho là mang tính phỉ báng. Vào tháng Hai năm 1987, chính phủ hạn chế việc lưu hành ấn bản của AWSJ từ 5.000 bản xuống còn 400 bản và cho công bố những bức thư có liên quan giữa MAS và tờ AWSJ. Báo chí Singapore công bố những bức thư trên và chúng tôi mời phóng viên bài báo kiện ra toà nếu như anh ta thực sự bị xúc phạm, song anh ta đã không kiện.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, như đã được tường thuật trong tờ AWSJ, đã bày tỏ lấy làm tiếc về những hạn chế đặt ra cho cả hai tạp chí AWSJ và Time. Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận những lời bình luận trên vì nếu đúng như thế thì đây là “một sự can thiệp chưa từng thấy về những vấn đề nội bộ của Singapore”. Phát ngôn viên của họ đã xác nhận như thế, song lại giữ cho chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong cả hai vụ việc trên. Đứng trên quan điểm công bằng, chúng tôi hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ xem liệu họ có tỏ ra tiếc về việc AWSJ từ chối công bố việc trao đổi về những bức thư không. Bộ Ngoại giao Mỹ lặp lại rằng họ không đứng về phía nào; đó chỉ là sự bày tỏ mối quan ngại về “việc cam kết cơ bản và lâu dài đối với những nguyên tắc đặt ra cho một nền báo chí tự do và không hạn chế”- điều đó có nghĩa là “báo chí được tự do công bố hoặc không công bố những gì mà họ chọn lựa dẫu rằng có tắc trách hay thiên vị thì cũng là điều có thể xảy ra”.
Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi phân tích rằng chúng tôi không bị buộc phải tuân theo luật báo chí của Mỹ. Singapore có luật lệ riêng và có quyền phản bác những tường thuật sai lạc. Các ấn bản của nuớc ngoài không có quyền bán hay lưu hành ở Singapore. Chúng tôi cho họ đặc quyền này nhưng với điều kiện chúng tôi có quyền cải chính lại. Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời.
Hai tuần lễ sau, tờ AWSJ viết thư cho Bộ trưởng Bộ Thông tin đề nghị được phân phối báo miễn phí cho tất cả những người đã đóng tiền đăng ký báo trước đây nhưng chưa có do lệnh cấm. Tờ báo này sẵn sàng “bỏ đi khoản doanh thu trong tinh thần giúp đỡ thương gia Singapore, vốn là những người than phiền về việc thiếu tiếp cận với báo chí.” Ông bộ trưởng đồng ý, miễn là nó bỏ đi những mục quảng cáo để chứng tỏ rằng động cơ của tờ báo không phải là tăng ấn bản lưu hành và bào chữa cho những chi phí quảng cáo cao hơn của nó. Họ từ chối và cho rằng quảng cáo là phần chính của một tờ báo, và rằng sẽ có những chi phí và khó khăn về lịch giao báo phát sinh. Chúng tôi đề nghị đài thọ phân nửa chi phí phát sinh khi bỏ đi mục quảng cáo. Tờ AWSJ từ chối đề nghị của chúng tôi và chúng tôi đáp lại rằng: “Các ông đâu có quan tâm đến cộng đồng kinh doanh tiếp nhận thông tin. Các ông muốn tự do kiếm tiền bán quảng cáo”. Tờ báo đã không phản hồi.
Tháng 9 năm 1987, tờ Asiaweek (Tuần báo châu Á) do người Mỹ sở hữu tỏ vẻ xem thường chúng tôi. Tùy viên báo chí của Bộ trưởng Nội vụ viết thư chỉ ra những sai phạm trong một bài báo của tạp chí này. Tờ Asiaweek đã đăng các đoạn trong bức thư này thành một bài báo với tựa đề “Sự thật bị bóp méo, bạn nghĩ sao?”, và quy cho tùy viên báo chí. Họ không những cắt bỏ đi những đoạn có ý nghĩa mà còn thêm vào hơn 470 từ theo giọng văn của họ, làm cho bức thư dài thêm hơn phân nửa mà không có sự đồng ý của tuỳ viên báo chí cũng như không tiết lộ điều này cho độc giả biết. Tùy viên báo chí viết thư phản bác việc sửa đổi thư của ông ta và yêu cầu công bố nguyên bản bức thư đầu tiên cũng những bức thư sau này. Tờ Asiaweek từ chối. Chúng tôi hạn chế số ấn bản lưu hành từ 11.000 bản xuống còn 500 bản. Một tháng sau, tờ báo này công bố bức thư nguyên bản và một năm sau chúng tôi gỡ lệnh hạn chế.
Vào tháng 12 năm 1987 tờ Far Eastern Economic Review (Thời báo kinh tế Viễn Đông) do một người Mỹ sở hữu đã đăng tải một bài tường thuật cuộc gặp gỡ giữa tôi và vị tổng giám mục Công giáo Singapore về việc bắt giữ 22 người liên quan đến một âm mưu Mác xít. Bài báo dựa trên những lời phát biểu của một tu sĩ bỏ đạo không có mặt trong cuộc gặp gỡ. Tờ Review cho rằng tôi đã triệu tập một cuộc họp báo mà vị tổng giám mục không hề hay biết, nhằm lừa ông ta tham dự và ngăn không cho công bố một bài phát biểu của ông ta. Tờ báo này cho rằng việc bắt giữ trên là một cuộc tấn công Giáo hội Thiên chúa giáo.
Tùy viên báo chí của tôi viết thư hỏi lý do tại sao tờ báo công bố bài viết dựa trên những lời phát biểu của một người không có mặt tại cuộc họp mà không chịu kiểm chứng sự thật với vị tổng giám mục hoặc với tôi. Biên tập viên Derek Davies cho đăng bức thư này, song không trả lời lý do tại sao. Chúng tôi viết thư lặp lại câu hỏi. Biên tập viên này lại cho đăng bức thư và bổ sung rằng ở vào thời điểm đó những gì vị tu sĩ này nói đều là sự thật. Ông ta cho là về mặt pháp lý, một tờ báo có thể đăng bất cứ điều gì nó muốn dù đúng hoặc sai, miễn là nó có thể nêu ra người phát biểu. Nó không có nghĩa vụ kiểm tra để chứng minh nguồn tin là đúng, hoặc thẩm tra những sự xác nhận với những nhân chứng khác, cũng như không buộc phải trả lời về bất kỳ lời nói dối hoặc phỉ báng nào được công bố. Davies quả là trâng tráo và thách thức. Chúng tôi hạn chế ấn bản tờ Review từ 9.000 bản xuống còn 500 bản và tôi truy tố ông ta cùng tuần báo ra tòa vì tội phỉ báng.
Sau đó ông ta đăng một bức thư khác của vị tu sĩ bỏ đạo trên nhưng mô tả khác đi về cuộc gặp gỡ giữa tôi và vị tổng giám mục. Chúng tôi viết thư hỏi trong hai lời tường thuật về cuộc gặp gỡ này, lời tường thuật nào là chính xác. Tuần báo này cho đăng bức thư của tùy viên báo chí nhưng bị hiệu chỉnh lại với nhiều chỗ bị bỏ đi, và họ cho rằng vấn đề này đang được cứu xét. Tuy nhiên, khi chính quyền Singapore mua một cột quảng cáo của tờ Review để đăng bức thư đó thì bức thư mới được công bố, lý do cứu xét bị bỏ qua.
Tôi thắng kiện trong vụ phỉ báng năm 1989, khi Davies không ra tòa để làm chứng và bị thẩm vấn. Ngay sau đó, Davies rời bỏ tờ Review.
Trước khi vấn đề giữa chúng tôi với tờ AWSJ được giải quyết, tôi được mời nói chuyện trước Hiệp hội những chủ bút người Mỹ ở Wash- ington D.C. vào tháng 4 năm 1988. Tôi nhận lời. Tôi trích dẫn tài liệu của Bộ ngoại giao Mỹ “rằng ở đâu có tự do truyền thông thì ở đó thị trường tư tưởng sẽ phân loại tư tưởng tắc trách và tư tưởng có trách nhiệm và tưởng thưởng cho tư tưởng có trách nhiệm”, và chỉ ra rằng mô hình báo chí kiểu Mỹ không phải đều có hiệu quả ở mọi nơi. Báo chí Philippine dựa trên mô hình báo chí kiểu Mỹ. Họ có tất cả những quyền tự do nhưng họ không đáp ứng được yêu cầu của dân chúng Philippine. “Một tờ báo thiên vị đã giúp cho các chính khách Philip- pine tuôn ra thị trường tư tưởng toàn những thứ tạp nham và làm mụ mị người dân để họ không thể nhìn thấy được những quyền lợi chính yếu của họ trong một đất nước đang phát triển.” Tôi phát biểu quan điểm của mình như sau:
Việc tranh luận những vấn đề nội bộ của Singapore là chuyện của người Singapore. Chúng tôi cho phép các ký giả Mỹ ở Singapore tường thuật những vấn đề Singapore về nước của họ. Chúng tôi cho phép những tờ báo của họ bán ở Singapore để chúng tôi có thể biết được người nước ngoài đang đọc gì về chúng tôi. Song chúng tôi không cho phép họ đóng vai trò là người giám sát, là đối thủ của chính phủ Singapore giống như họ đã làm đối với chính phủ Mỹ. Không có đài truyền hình nước ngoài nào đòi hỏi quyền phát sóng chương trình của họ ở Singapore. Trên thực tế, những qui định của Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ không cho phép những người nước ngoài sở hữu quá 25% cổ phần của một đài truyền hình hay đài phát thanh. Chỉ có người Mỹ mới có thể kiểm soát được một doanh nghiệp có tác động đến dư luận ở Mỹ. Vì thế, Rupert Murdoch nhập quốc tịch Mỹ trước khi ông ta mua các đài truyền hình độc lập của tập đoàn Metromedia vào năm 1985.
Qua những vụ việc trên, người Singapore nhận ra rằng những gì báo giới nước ngoài muốn là bán báo cho công chúng của chúng tôi đọc báo tiếng Anh ngày càng tăng. Họ đã thực hiện điều này bằng cách đưa ra tin tức một cách thiên vị. Đương nhiên, họ không thích những bài báo thiên vị của họ bị loại bỏ. Khi họ phát hiện ra nếu họ vặn tay chúng tôi, đáp lại chúng tôi có thể véo mũi họ, thì việc tường thuật thiên vị trở nên ít thường xuyên hơn.
Vào tháng 7 năm 1993, một tuần báo Anh có thế lực – tờ Economist đã đăng tải một bài viết chỉ trích chúng tôi về việc khởi tố một viên chức chính phủ, chủ bút và một phóng viên của một tờ báo theo Điều luật Bảo mật. Chúng tôi gửi thư cho chủ bút tờ báo đính chính những sai lệch trong bài báo. Tờ báo này đăng lá thư trên và xác nhận rằng lá thư “hầu như là không bị sửa đổi”. Song nó đã bỏ đi một câu then chốt là: “Chính phủ sẽ không chấp nhận việc vi phạm Điều luật bảo mật, cũng như không cho phép bất kỳ ai miệt thị, thách thức và dần dần thay đổi luật như vụ Clive Ponting và cuốn Spycatcher của Peter Wright ở Anh.”
Đây là toàn bộ vấn đề chủ yếu của bức thư; chúng tôi không cho phép báo chí của chúng tôi thách thức và thay đổi dần dần bằng cách tạo tiền lệ bộ luật kiểm soát những bí mật của chính quyền. Báo chí Anh đã thành công trong việc thay đổi luật kiểm soát khi Clive Ponting, một công chức tiết lộ thông tin mật về vụ chiếc tàu chiến Belgrano của Achentina bị chìm trong cuộc chiến tranh Falklands, và khi Wright, một viên sĩ quan của MI6 phá bỏ luật bảo mật bằng cách công bố cuốn sách của ông ta. Chúng tôi gửi thư yêu cầu chủ bút tờ Economist sửa chữa sai sót. Chủ bút này ngụy biện và từ chối. Chúng tôi đăng trong công báo và giới hạn ấn bản lưu hành ở mức 7.500 bản. Chúng tôi nói rõ số ấn bản trên sẽ càng ngày bị hạn chế và công bố việc trao đổi những bức thư. Sau đó, tờ Economist cho đăng bức thư của chúng tôi có cả câu này. Sau một thời hạn đúng luật, chúng tôi tháo bỏ hạn chế.
Bên cạnh việc đáp trả những công kích của giới truyền thông, tôi sẵn sàng mặt đối mặt với những người chỉ trích tôi. Vào năm 1990, Bernard Levin của tờ Times ở London viết một bài báo tấn công tôi gay gắt và phê phán bộ máy tư pháp Singapore. Ông ta qui kết đó là “nền cai trị tồi” và “việc nhất quyết không cho phép ai trong đất nước của ông ta coi thường ông ta”. Việc kiện Levin ra tòa ở Anh Quốc, nơi mà người ta không biết đến tôi nhiều và tôi không có một cử tri nào ở đó sẽ là vô nghĩa. Thay vì thế, tôi viết thư mời ông ta tham dự cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp ở London về luận điệu của ông ta. Người chủ biên của Levin đáp lại rằng không có đài truyền hình nào hứng thú với việc này cả. Tôi đã thận trọng viết thư trước cho bạn tôi – Marmaduke Hussey – chủ tịch đài BBC, ông ta đồng ý cho nửa giờ đồng hồ và cung cấp một người hòa giải trung lập. Khi tôi thông báo điều này cho tờ Times của London, người chủ biên thay mặt cho Levin đã thoái lui, cãi lý rằng việc đáp trả của tôi nên ở trong một phương tiện truyền thông giống như Levin đã công kích tôi, ấy là tờ Times. Tôi viết thư cho Levin bày tỏ lấy làm tiếc vì ông ta đã không sẵn lòng đối chất với tôi. Khi tờ Times từ chối không chịu đăng lá thư của tôi, tôi mua nửa trang quảng cáo tờ báo Independence của Anh để đăng bức thư. Khi được phỏng vấn trên chương trình World Service của đài BBC, tôi phát biểu “Ở đất nước tôi, nếu một người buộc tội người khác mà không sẵn sàng đối chất với người đã bị anh ta tấn công thì chẳng còn gì để nói nữa.” Từ đó về sau, Levin không viết gì về Singapore hay về tôi nữa.
Ở trường hợp khác, tôi sẵn sàng đồng ý trao đổi có ghi âm lại với người chỉ trích kịch liệt, William Safire, người trong nhiều năm đã tố cáo tôi là kẻ độc tài giống như Saddam Hussein. Vào tháng 01 năm 1999, khi cả hai chúng tôi đều ở Davos, anh ta chất vấn tôi một giờ đồng hồ. Anh ta viết hai bài báo đăng trên tờ New York Times dựa trên cuộc phỏng vấn này và còn công bố nguyên văn bản viết tay trên trang Web của tờ Times. Các tờ báo Singapore đăng lại các bài báo của anh ta. Qua những lời bình luận được ghi âm của người Mỹ và những người khác đọc nguyên văn bản trên Internet, cho thấy tôi không thua thiệt gì trong cuộc trao đổi này.
Nếu chúng tôi không đương đầu và đối đáp lại những chỉ trích của giới truyền thông nước ngoài thì những người Singapore, nhất là những nhà báo và giới học giả sẽ cho rằng lãnh đạo của họ lo sợ hoặc không đủ sức tranh luận và sẽ không còn tôn trọng chúng tôi nữa.
Những bước tiến trong công nghệ thông tin, truyền thanh qua vệ tinh, và Internet sẽ tạo điều kiện cho mạng lưới truyền thông phương Tây làm cho khán giả trong nước đắm chìm trong những bài tường thuật cũng như quan điểm của họ. Những quốc gia nào cố ngăn chặn việc sử dụng Công nghệ thông tin (IT) thì sẽ thua thiệt. Chúng tôi phải học cách quản lý dòng lũ thông tin không ngừng này để cho quan điểm của chính phủ Singapore không bị bóp chết bởi truyền thông nước ngoài. Tình trạng lộn xộn ở Indonesia và mất trật tự ở Malaysia năm 1998 theo sau cuộc khủng hoảng tiền tệ là những điển hình của việc mạng lưới truyền thông nước ngoài, cả báo điện tử lẫn báo in, đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp nội bộ của những nước này. Chúng tôi phải tìm ra phương cách nhằm đảm bảo rằng giữa sự không hòa hợp của các tiếng nói, thì tiếng nói của chính phủ Singapore phải được người dân nghe thấy. Điều quan trọng là người dân Singapore phải biết được quan điểm chính thức của chính phủ về những vấn đề chính yếu.
Bình luận