Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

13. Thời hiệu tiêu diệt

THỜI HIỆU TIÊU DIỆT 

Thời hiệu tiêu diệt là sự mãn kết một quyền lợi nếu chủ thể của quyền lợi ấy không hành xử trong một thời gian nào đó. Thời hiệu này phải phân biệt được với thời hiệu thủ đắc: Do thời hiệu thủ đắc, một người thủ đắc một quyền lợi và một người khác bị mất đi một quyền lợi, có sự chuyển dịch quyền lợi từ người này sang người khác; trong khi đó thời hiệu tiêu diệt có hiệu lực duy nhất là làm mãn kết một quyền lợi. Ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu thời hiệu tiêu diệt mà thôi.
Thời hiệu tiêu diệt cũng như bù trừ là một phương cách mãn kết nghĩa vụ theo luật định: Nghĩa vụ mãn kết mà không cần có sự tham dự của các đương sự hay của tòa án. Tuy nhiên, cũng như sự bù trừ, tính cách đương nhiên của thời hiệu không phải là tuyệt đối, ý chí của các đương sự cũng đóng một vai trò nào đó: Ý chí ấy có thể sửa đổi các quy tắc luật định nhất là được tự do nại dẫn hoặc khước từ thời hiệu. Cần hiểu rằng, thời hiệu thực ra không phải là phương cách mãn kết nghĩa vụ. Mặc dù bị thời hiệu tiêu diệt, một nghĩa vụ tự nhiên vẫn tồn tại. Như vậy, nghĩa vụ không mãn kết, chỉ có các phương chước để đòi hỏi sự thi hành nghĩa vụ, tức là tố quyền chấm dứt mà thôi. Tho72ihie65u tiêu diệt mãn kết tố quyền chứ không mãn kết nghĩa vụ, hay nói khác đi, thời hiệu tiêu diệt thay thế một nghĩa vụ dân sự bằng một nghĩa vụ tự nhiên. Trong dân luật có nhiều loại thời hiệu dựa trên căn bản khác nhau và thời hạn cũng khác nhau. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu: Căn bản của thời hiệu; Các điều kiện; hiệu lực và sau cùng chúng ta sẽ xem xét trong trường hợp nào các đương sự có thể ký kết khế ước với nhau để bãi bỏ thời hiệu luật định.

I. CĂN BẢN CỦA THỜI HIỆU
Khi định rằng chủ nợ không thể hành xử tố quyền sau một thời gian nào đó, nhà làm luật có hai lý do: Hoặc bảo vệ trật tự công cộng, hoặc sự chấm dứt một thời hạn được coi như một bằng chứng của sự chi phó. Cục diện của thời hiệu được thúc đẩy bởi hai lý do này:
a. Trật tự công cộng:
– Trật tự công cộng đòi hỏi rằng nghĩa vụ phải được mãn kết, nếu chủ nợ không hành động gì trong một thời gian dài. Thực vậy, nếu chủ nợ có quyền đòi hỏi những nghĩa vụ có từ ngàn năm về trước thì các thừa kế của con nợ làm sao có thể biết được các nghĩa vụ ấy đã được thi hành hay chưa? Họ cũng khó lòng chứng minh là nghĩa vụ đã được thi hành rồi, vì người ta không thể buộc con nợ lưu giữ các biên nhận của chủ nợ từ đời này sang đời khác. Chấp nhận tính vĩnh cữu của nghĩa vụ trong thời gian quá dài sẽ gây ra tình trạng xáo trộn không ngừng xã hội. Thời hiệu có thể coi như một định chế nhằm đem lại sự ổn định trong các tương quan pháp lý: Không có định chế ấy, nhà làm luật sẽ không có biện pháp nào khác để hạn chế hoăc chấm dứt các vụ tranh tụng, xã hội sẽ lâm vào tình trạng lo âu và hỗn độn.
– Người ta chỉ trích rằng, thời hiệu có thể bị lạm dụng, người con nợ mặc dù chưa chi phó có thể viện dẫn thời hiệu chống lại sự đòi hỏi chính đáng của chủ nợ. Điều chỉ trích này có phần đúng, nhưng rất ít khi người chủ nợ không hành động gì cả và ngồi chờ cho thời hiệu trôi qau. Luật pháp phải để ý tới quyền lợi của số đông khi quyền lợi này trái với quyền lợi của một vài người: Quyền lợi của vài người phải hy sinh cho trật tự công cộng. Mặc khác, chủ nợ không hành động gì cả, trong khi có thể hành động, như vậy tức là cẩu thả và phải bị chế tài, trong khi đó tình trạng của người con nợ sống trong lo âu từ ngày này qua năm khác cần phải được bảo vệ. Bởi vậy, quyền lợi của chủ nợ trong trường hợp này phải bị hy sinh. Dựa trên căn bản trật tự công cộng, thời hiệu có một hạn kỳ khá dài. Sự bất động của người chủ nợ chỉ đáng bị trừng trị, sự lo âu của con nợ chỉ cần được chấm dứt sau một thời gian dài mà theo DLVN là 30 năm. Tuy nhiên thời hiệu có thể có những hạn kỳ ngắn hơn mặc dù cũng căn cứ trên những lý do thuộc trật tự công cộng. Sự tiêu diệt thời hiệu của tố quyền dân sự phát sinh từ một vi phạm về hình sự phải tuân theo thời hiệu tiêu diệt của công tố quyền (10 năm, 3 năm và 1 năm). vì người ta không muốn rằng, một sự vi phạm không thể bị truy tố nữa, lại có thể làm căn cứ cho một tố quyền dân sự.
b. Bằng cớ về sự chi phó:
– Thời hiệu còn được quan niệm như là một bằng cớ về sự chi phó: Một sự suy đoán chi phó. Người ta phỏng đoán rằng, người chủ nợ không đòi hỏi sự chi phó trong một thời gian dài nào đó, như vậy, tức là họ đã được chi phó. Quan niệm ấy đưa đến hậu quả là hạn kỳ của thời hiệu được ấn định tương đối ngắn hơn. Thực vậy, sự chi phó trái khoản được làm một cách mau chóng, nếu người chủ nợ không đòi hỏi ngay sự thi hành nghĩa vụ, tức là họ đã được chi phó. Đó chính là quan điểm của án lệ Việt Nam: Tố quyền của công nhân đòi tiền công, tiền cung cấp vật liệu, chiếu theo điều 2271 k3 DLP bị thời tiêu sau hạn 6 tháng. Thời tiêu này căn cứ vào sự ức đoán là các số tiền lương, tiền cung cấp vật liệu đã trả đủ, chỉ khi nào chủ nhân thú nhận chưa trả hay chối cãi món nợ về nguyên tắc hay viện dẫn một nguyên nhân trừ nợ nào khác thì thời hiệu tiêu trừ mới không áp dụng (PA. VN 28-4-1965 PL 1966-I-7).
Xác định căn bản của thời hiệu là một điều cần thiết. Người ta cần phải biết rõ một thời hiệu được căn cứ trên căn bản nào, vì hạn kỳ và nhất là hiệu lực của thời hiệu thay đổi tùy theo căn bản của nó. Nếu căn bản của thời hiệu là trật tự công thì thời hiệu là một quy tắc về nội dung, nó tiêu diệt toàn bộ tố quyền. Trái lại, nếu thời hiệu là một sự phỏng đoán chi phó thì nó chỉ liên quan đến vấn đề bằng chứng của nghĩa vụ, và do đó tố quyền vẫn tồn tại.
Trong dân luật Việt Nam, cả hai căn bản trên đây của thời hiệu đều được đồng thời chấp nhận. Dĩ nhiên có những thời hiệu dựa trên một trong hai căn bản trên nhiều hơn, nhưng dù sao người ta cũng không thấy có thời hiệu nào hoàn toàn dựa trên căn bản trật tự công cộng hay sự suy đoán chi phó. Mặt khác, cũng không thể phân chia một cách rạch ròi giữa hai căn bản của thời hiệu. Thực vậy, căn bản trật tự công cộng được biện minh bởi sự cần thiết phải bảo vệ an toàn pháp lý của các con nợ cũng được thúc đẩy bởi ý muốn của nhà làm luật ngăn cản không cho người chủ nợ có thể đòi hỏi những gì đã được chi phó trong khi bằng cớ về sự chi phó ấy không còn nữa. Như vậy căn bản trật tự công cộng trùng hợp với căn bản về bằng cớ sự chi phó, vì người chủ nợ không hành động trong một thời gian nào đó phải coi là đã được chi phó.
Thời hiệu tiêu diệt cần được phân biệt với hạn kỳ tiên định. Thời hiệu dù được đặt trên căn bản trật tự công cộng hay là một sự phỏng đoán chi phó, cũng là để biện minh cho lý do cần phải chế tài người trái chủ không mẫn cán. Do đó, nếu thái độ của người này không có gì đáng chê trách cả thì thời hiệu không áp dụng: người ta nói rằng có sự gián đoạn thời hiệu. Mặt khác, dù thời hiệu đặt trên lợi ích công cộng thì con nợ vẫn có quyền từ khước, không áp dụng thời hiệu. Hạn kỳ tiên định trái lại không thể bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì: Tố quyền đương nhiên bị tiêu diệt khi hạn kỳ chấm dứt. Hạn kỳ tiên định được dự liệu trong các trường hợp mà trật tự công cộng đòi hỏi phải giới hạn tố quyền trong một thời hạn chặt chẽ: Đó là tố quyền khước từ phụ hệ, tố quyền truy tầ phụ hệ. Trên nguyên tắc, tòa án có quyền đương nhiên bác bỏ một tố quyền được hành xử sau khi hạn kỳ tiên định đã mãn, và người con nợ không có quyền khước từ, nhưng án lệ có khuynh hướng tiết chế nguyên tắc này: Tòa án tại Pháp chấp nhận rằng, cũng như thời hiệu, hạn kỳ tiên định bị gián đoạn khi người chủ nợ ở trong tình trạng không thể hành động được (PA. Pháp 25-11-1946 D 1948-J-321).

II. ĐIỀU KIỆN CỦA THỜI HIỆU
Trong phạm vi nghĩa vụ, thời hiệu áp dụng cho mọi tố quyền liên quan đến các nghĩa vụ ước định hay ngoại khế ước. Các tố quyền liên quan đến các quyền lợi về nhân thân (Ví dự tố quyền tiêu hủy về giá thú) trên nguyên tắc không thể bị tiêu diệt. Một tố quyền chỉ bị tiêu diệt khi nào chủ nợ đã để một thời gian trôi qua mà không hành động. Thời hạn ấy ra sao và phải tính như thế nào?
1. Các thời hạn:
Cách tính: Thời hạn được tính từng ngày chứ không tính từng giờ. Ngày đầu tiên không tính và ngày cuối cùng được tính trọn ngày  (12 đêm). Khi thời hạn được ấn định từng tháng, hoặc từng năm, thì ngày cuối cùng là ngày trong tháng giống ngày đầu tiên. Ví dụ một thời hiệu 12 tháng bắt đầu ngày 23-7-1971 thì ngày cuối là ngày 23-7-1972. Thời hiệu tiêu diệt tố quyền, do đó khởi điểm không phải là ngày quyền lợi được tạo lập, mà là ngày từ đó chủ nợ có thể hành xử tố quyền. Như vậy, thời hiệu không khởi lưu đối với chủ thể một quyền lợi không có tố quyền, như một người chủ nợ vị lai, một chủ nợ có điều kiện (điều kiện đình chỉ), chủ nợ có hạn kỳ; thời hiệu chỉ khởi lưu từ ngày đáo hạn hay điều kiện thực hiện. Sự lưu thông của thông thời hiệu có thể bị cản trở bởi một vài sự kiện làm gián đoạn hay làm đình chỉ thời hiệu. Không nên lầm lẫn sự gián đoạn thời hiệu với sự đình chỉ thời hiệu: sự gián đoạn xóa bỏ hẳn thời hiệu, xóa bỏ hẳn trong quá khứ thời hạn đã trôi qua, do đó, nếu sau khi bị gián đoạn thời hiệu lại lưu thông, thì thời hạn đã qua không được tính nữa. Trái lại, sự đình chỉ thời hiệu chỉ làm sự lưu thông của thời hiệu ngưng lại mà thôi, chứ không xóa bỏ thời gian đã qua. Trong khoản thời gian có một nguyên nhân làm ngưng thời hiệu, thì thời hiệu bị ngưng lại, nhưng khi nguyên nhân ấy chấm dứt thì thời hiệu lại tiếp tục lưu thông từ điểm bị ngưng lại: Thời gian đã trôi qua trước khi thời hiệu bị đình chỉ được tính vào thời hạn.
Sự gián đoạn của thời hiệu: Bộ DLVN dự liệu hai trường hợp gián đoạn thời hiệu:
+ Khi người con nợ nhìn nhận có thiếu món nợ. Sự nhận nợ này không cần phải theo một hình thức nhất định nào cả, mà chỉ cần được viết trên giấy tờ và chí chí của con nợ phải được biểu lộ một cách rõ ràng (1464 DLVN).
+ Khi một người chủ nợ khởi tố con nợ trước Tòa án (dù là một Tòa án vô thẩm quyền) để đòi nợ (1462 DLVN). Hành vi này cho thấy rõ ý chí của chủ nợ muốn đòi con nợ phải chi phó. Ngoài hai trường hợp gián đoạn thời hiệu nói trên cần thêm rằng, theo điều 85 sắc luật ngày 17-9-1965 về bảo hiểm, sự gián đoạn thời hiệu của tố quyền đòi bảo phí có thể do một thư bảo đảm của hãng bảo hiểm gửi cho người bảo hiểm. Ngoài ra, trong luật hàng hải, thời hiệu đoản kỳ một năm của tố quyền chống lại người chuyên chở đòi bồi thường thiệt hại về sự hao thất hàng hóa, bị gián đoạn do sự điều đình nghiêm chỉnh hay có sự nhìn nhận trách nhiệm bởi nhà chuyên chở. Theo điều 1463 DLVN, các hành vi của chủ đốc thúc con nợ chi phó chỉ làm gián đoạn thời hiệu, nếu tố quyền của chủ nợ đạt tới kết quả là quyền lợi của người này được thừa nhận. Sự gián đoạn sẽ bị coi như không có, nếu đơn khởi tố bị bác về nội dung; nếu nguyên đơn bãi nại hoặc làm cho vụ kiện bị thất hiệu vì để quá một năm mà không làm một hành vi tố tụng nào mới (điều 179 DSTSTT).
+ Sự gián đoạn thời hiệu xóa bỏ một cách hồi tố thời gian đã qua sau khi có hành vi làm gián đoạn, thời hiệu lại khởi sự lưu hành từ không điểm. Trên nguyên tắc, thời hạn khởi lưu sau khi có hành vi làm gián đoạn cũng giống như thời hạn đã bị gián đoạn. Tuy nhiên, đối với các thời hiệu đoản kỳ giải pháp lại khác: Sự gián đoạn không phải chỉ để xóa bỏ thời hạn đã qua; thời hạn khởi lưu sau khi có hành vi làm gián đoạn không phải là thời hiệu đoản kỳ nữa mà là thời hiệu trường kỳ thông thường (30 năm). Lý do của giải pháp này là vì như trên đã nói, căn bản của thời hiệu đoản kỳ là sự phỏng đoán chi phó: Một công nhân không đòi lương bổng trong thời hạn 6 tháng bị phỏng đoán là đã được chi phó. Vậy nếu người này đòi hỏi trong thời hạn, hoặc chủ nhân nhìn nhận món nợ thì như thế sự phỏng đoán chi phó bị đánh đổ, và thời hiệu đoản kỳ không có lý do tồn tại nữa! (hay). Sự gián đoạn thời hiệu có tính cách tương đối, nghĩa là trong trường hợp có nhiều con nợ, thời hiệu chỉ bị gián đoạn đối với người con nợ nào đã bị kiện hoặc đã nhận nợ. Đó là trường hợp các con nợ cộng đồng hoặc con nợ của một nghĩa vụ toàn ngạch. Tính tương đối không áp dụng cho các con nợ liên đới: Giữa các con nợ liên đới có một sự đại diện hỗ tương, sự gián đoạn thời hiệu đời với một người này cũng có giá trị đối với người khác và các thừa kế của họ (đ. 1465 DLVN). Cần lưu ý ở đây rằng, khi một con nợ liên đới chết đi, món nợ được phân chia cho người thừa kế thì đối với người thừa kế này, họ trở thành con nợ cộng đồng với nhau, trừ trường hợp món nợ bất khả phân. Như vậy, sự gián đoạn thời hiệu đối với người thừa kế sẽ không có giá trị đối với các con nợ kia. Ngoài ra, sự gián đoạn thời hiệu đối với con nợ chính, có hiệu lực với người bảo lãnh (đ.1466 DLVN).
Sự đình chỉ thời hiệu: Sự đình chỉ thời hiệu chỉ làm ngưng lại sự lưu thông của thời hạn, khi nguyên nhân làm đình chỉ không còn nữa thì thời hiệu lại tiếp tục lưu thông kể từ thời điểm bị dình chỉ. Để quyền lợi của mình khỏi bị thời tiêu, người chủ nợ có thể làm gián đoạn thời hiệu bằng cách kiện con nợ đòi chi phó hoặc sai áp tài sản của con nợ. Nhưng nhiều khi người chủ nợ bị ở trong một hoàn cảnh không thể hành động được. Khi đó, nếu cứ để cho quyền lợi của họ bị thời tiêu thì sẽ bất công. vì thế nhà làm luật đã dự liệu những trường hợp thời hiệu bị đình chỉ: Trong suốt thời gian có nguyên nhân khiến chủ nợ không thể hành động được thì thởi hiệu bị ngưng lại, hay nói khác đi là bị đình chỉ. BLDS Việt Nam dự liệu những trường hợp đình chỉ thời hiệu sau đây:
– Thời hiệu không lưu thông với trẻ vị thành niên và người bị cấm quyền (đ 1468). Nhà làm luật không muốn rằng sự trễ nải của người giám hộ lại có thể làm thiệt hại đến quyền lợi của trẻ vị thành niên và người bị cấm quyền trong khi họ không thể hành động một mình được. Thời hiệu bị đình chỉ trong suốt thời gian vô năng cách của trẻ vị thành niên và người bị cấm quyền.
– Thời hiệu không lưu thông giữa vợ chồng với nhau (đ. 1469 DLVN). Nếu để thời hiệu lưu thông thì người phối ngãu nào muốn gián đoạn thời hiệu sẽ phải kiện người trước tòa án, và như thế sẽ có hại cho sự hòa thuận giữa vợ chồng.
Các trường hợp đình chỉ thời hiệu liệt kê trong bộ dân luật có tính cách hạn chế, và tính cách đặc biệt của các điều luật trên đây đòi hỏi một sự giải thích chặt chẽ. Tuy nhiên án lệ Pháp lại có khuynh hướng nới rộng các trường hợp đình chỉ thời hiệu luật định, và chấp nhận cho đình chỉ thời hiệu khi người chủ nợ gặp một trường hợp bất khả kháng mà không hành động được; sự  kiện chủ nợ không biết có quyền lợi cũng là một nguyên nhân làm đình chỉ thời hiệu (PA. Pháp 11-6-1918 S 1922-I-217) ghi chú Naquet). Theo chiều hướng này thì thời hiệu trở thành vô ích vì thường nếu chủ nợ không hành động bao giờ cũng là vì người ấy không biết có một quyền lợi. Do đó án lệ này đã bị học lý chỉ trích rất nhiều, và các bản án mới hình như tỏ ra khắc khe hơn trong việc thẩm định các yếu tố của trường hợp bất khả kháng, và không còn chấp nhận sự kiện chủ nợ không biết có quyền lợi như một trường hợp đình chỉ nữa. Sự đình chỉ thời hiệu trên nguyên tắc không áp dụng đối với các thời hạn tiên định. Điều 1480 DLVN định rằng một vài thời hạn đoản kỳ lưu thông ngay cả đối với các trẻ vị thành niên và người bị cấm quyền, nhưng họ có tố cầu chống lại người giám hộ trễ nải: Đó là các thời hiệu được dự liệu bởi điều 1477 và 1478 DLVN.

III. HIỆU LỰC CỦA THỜI HIỆU.
Thời hiệu tiêu diệt tố quyền chứ không tiêu diệt nghĩa vụ, nó khiến cho chủ nợ không thể đòi hỏi sự thi hành, mặc dù người con nợ vẫn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ, ít nhất cũng đối với lương tâm; nói khác đi, một nghĩa vụ tự nhiên vẫn tồn tại. Sự chi phó một nghĩa vụ đã bị thời tiêu vẫn hữu hiệu; do dó người con nợ đã chi phó thì không thể đòi lại được ( Đi 1481 DLVN). Ngoài ra, theo án lệ Pháp, trong khi sự chi phó một nghĩa vụ tự nhiên hữu hiệu nếu khi chi phó con nợ biết rõ là mình bị bắt buộc phải làm như vậy, sự chi phó một nghĩa vụ thời tiêu vẫn hữu hiệu mặc dù khi chi phó con nợ không biết rằng nghĩa vụ đã bị thời tiêu. Vì vậy, có thể nói rằng một nghĩa vụ bị thời tiêu là một nghĩa vụ tự nhiên tăng cường. Nếu thời hiệu được biện minh bởi lý do trật tự công cộng thì thời hiệu sẽ phát sinh hiệu lực ngoài ý muốn của các đương sự, và Tòa án có quyền đương nhiên nêu lên. Nhưng đó không phải là giải pháp của nhà làm luật; nhà làm luật muốn để cho con nợ được tự do cân nhắc xem có nên viện dẫn thời hiệu hay kho6gn? Vì thời hiệu mặc dù cần thiết cho trậ tự xã hội, nhưng đôi khi cũng có thể đưa đến bất công. Như vậy ở đây quyền lợi công cộng đã nhường bước cho quyền lợi tư.
Người con nợ phải nêu lên thời hiệu. Thẩm phán không có quyền đương nhiên tuyên bố tố quyền của chủ nợ bị thời tiêu (PA. VN 27-1-1965 PL 1965-III-6 điều 1438 DLVN). Án lệ Pháp áp dụng nguyên tắc này ngay cả cho thời hiệu của tố quyền dân sự bắt nguồn ở một sự phạm pháp và được hành xử trước tòa án dân sự (PA. Pháp 23-3-1955 D 1953-J-337). Có điều đáng lưu ý là đ.1438 DLVN sau khi nói rằng Thẩm phán không có quyền đương nhiên nêu vấn đề thời hiệu lại định rằng Thẩm phán có thể căn cứ vào các lời khai của con nợ để giải thích rằng người ấy muốn viện dẫn thời hiệu tiêu diệt không cần phải được con nợ minh thị tuyên bố mà có thể được tìm thấy qua những lời khai của bị đơn trước Tòa án. Thẩm phán không có quyền trực tiếp nêu lên vấn đề thời hiệu, nhưng có thể nêu lên một cách gián tiếp bằng cách giải thích ý muốn của người con nợ. Nhưng thái độ của con nợ không nêu lên lợi ích thời hiệu tiêu diệt trước tòa án, không thể được giải thích như người ấy đã có ý muốn khước từ. Bởi vậy, nếu trong một vụ tranh tụng, bị đơn không nêu lên lợi ích thời hiệu tiêu diệt ngay trước khi tranh luận về nội dung, người ấy có thể nêu lên bất cứ trong giai đoạn nào của thủ tục, và ngay cả lần đầu tiên trước Tòa thượng thẩm, nhưng không thể nêu lên lần đầu tiên trước tối cao Pháp viện.
Người con nợ có quyền khước từ viện dẫn một thời hiệu đã thủ đắc (1435 DLVN). Luật cấm con nợ không được từ khước trước quyền viện dẫn thời hiệu; một sự khước từ như vậy sẽ bị vô hiệu tuyệt đối: Thực vậy, nếu cho phép người con nợ được khước từ trước thì chủ nợ sẽ luôn luôn bắt buộc con nợ phải khước từ như thế và các điều khoản về thời hiệu sẽ trở thành vô ích. Ở đây ý muốn của tư nhân phải nhường bước cho trật tự công cộng. Trái lại, sự khước từ một thời hiệu đã thủ đắc không ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Sự khước từ không cần phải là minh thị, và có thể là mặc nhiên, nghĩa là xuất phát từ các sự kiện cho phép người ta suy đoán là đương sự đã từ bỏ quyền viện dẫn thời hiệu (đ 1437DLVN). Tuy nhiên, vì sự khước từ  là một quyền lợi không thể được phỏng đoán, nên các sự kiện phải chứng tỏ một cách minh bạch ý muốn từ bỏ của đương sự: trả tiền lời, trả một phân kỳ nợ … Về điểm này, tối cao Pháp viện có quyền kiểm soát. Khi khước từ một thời hiệu đã thủ đắc, người ta từ bỏ một quyền lợi, do đó luật pháp buộc rằng, muốn khước từ phải có khả năng để chuyển dịch tài sản (1436 DLVN). Sự khước từ xóa bỏ thời hiệu một cách hồi tố, nghĩa là thời hiệu coi như không hề xảy ra. Khi khước từ thời hiệu, người con nợ có thể làm hại đến quyền lợi của các chủ nợ khác, bởi vậy điều 1440 DLVN cho phép các người này được viện dẫn thời hiệu dù rằng người con nợ có khước từ, nhưng họ phải chứng minh rằng sự khước từ đã khiến họ bị thiệt hại vì đã gây nên hoặc làm trầm trọng thêm sự vô tư lực của con nợ.
Về hiệu lực của thời hiệu tiêu diệt, DLP có dự liệu một giải pháp đặc biệt cho các thời hiệu đoản kỳ căn cứ trên một sự suy đoán chi phó. Trên nguyên tắc, hiệu lực của thời hiệu có tính cách tuyệt đối, tố quyền bị tiêu diệt một cách vĩnh viễn, mọi bằng cớ trái ngược đều không được chấp nhận, nhất là chủ nợ không được dẫn chứng rằng sự thật con nợ chưa chi phó, chưa được giải trái. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho thời hiệu đoản kỳ. Tuy nhiên, vì thời hiệu này căn cứ trên một sự suy đoán chi phó hơn là căn cứ trên trật tự công, nên điều 2275 DLP cho phép chủ nợ được thách thức con nợ đi thề, nếu con nợ không chịu thề rằng đã chi phó thì vẫn bị thúc buộc bởi nghĩa vụ mặc dù thời hiệu đã mãn (PA. Pháp 28-6-1957 G.P. 1957-2240). Án lệ Pháp còn chấp nhận cả lời tự thú là sự xác nhận minh thị bởi một bên tụng phương các quyền lợi của bên kia, nhưng ở đây tòa căn cứ vào thái độ của bị đơn để suy diễn ra lời tự thú ấy: Nếu bị đơn không các nhận là đã nợ mà lại nại rằng món nợ không có, rồi sau đó món nợ được chứng minh hiện hữu thì Tòa án sẽ coi là họ đã nhìn nhận là chưa trả nợ, vì nếu đã trả nợ rồi thì người ấy tất nhiên đã phải nại ra sự chi phó để chống lại sự thỉnh cầu của nguyên đơn. Như vậy, có thể nói Tòa án đã chấp nhận một sự tự thú phỏng đoán. Ngoài ra, Tòa án còn có thể gọi đích thân các đương sự hầu tòa để lấy lời tự thú của bị đơn.

IV: HIỆP ƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN THỜI HIỆU TIÊU DIỆT
Qua phần vừa trình bày chúng ta thấy rằng nha 2la2m luật mặc dù coi thời hiệu là một vấn đề thuộc trật tự công cộng, nhưng vẫn dành cho ý chí của tư nhân một vai trò quan trọng. Lợi ích thời hiệu tiêu diệt phải do đương sự trong vụ kiện nại dẫn chứ Tòa án không có quyền đương nhiên nêu lên. Thái độ ấy của nhà làm luật có thể giúp người ta định chiều hướng của án lệ liên quan đến các hiệp ước về thời hiệu. Nếu các hiệp ước này không thể chấp nhận đối với thời hạn tiên định thì về thời hiệu người ta phân biệt các ước khoản có lợi cho chủ nợ và các ước khoản có lợi cho con nợ. Trong khi các ước khoản có lợi cho chủ nợ bị coi là vô hiệu thì các ước khoản nhằm bảo vệ cho con nợ, trên nguyên tắc, được coi là có giá trị. Chủ nợ có lợi ích buộc con nợ từ khước trước quyền viện dẫn thời hiệu hoặc chấp nhận thời hạn dài hơn thời hạn do luật định; các ước khoản như thế đều bị cấm chỉ. Trái lại, các ước khoản rút ngắn tho27ihan5 luật định vì nó có hiệu lực giải trái cho con nợ mau hơn thì trên nguyên tắc, được coi là hữu hiệu. Tuy nhiên, nếu các ước khoản ấy có thể coi như những ước khoản miễn trách có hiệu lực sau khi mãn hạn ấn định, thì tính cách hữu hiệu của các ước khoản ấy lệ thuộc vào các điều kiện về ước khoản miễn trách. Ngoài ra, nếu thời hiệu có thể rút ngắn lại do ý chí của các đương sự thì dẫu sao cũng vẫn phải duy trì một thời hạn nào đó. Vậy không những người ta không thể bãi bỏ hẳn mọi thời hạn, mà còn không thể ấn định một thời hạn quá ngắn, đến nỗi trên thực tế, chủ nợ không thể nào hành động được: Một ước khoản rút ngắn thời hạn lại còn vài giớ hay vài ngày sẽ khiến chủ nợ không thể làm một hành vi gì để gián đoạn thời hiệu (ST. Perigueux 6-7-1954 GP. 1954-2-278).

KẾT LUẬN: Thời hiệu tiêu diệt đóng một vai trò xã hội rất quan trọng. Trong một vài trường hợp hãn hữu mà thời hiệu có thể đưa đến bất công, người chủ nợ chỉ nên tự trách mình vì đã trễ nải không hành động  kịp thời. Nhưng nếu nhà làm luật đã hữu lý khi đặt ra vấn đề thời hiệu thì sự quy định nhiều thời hiệu khác nhau là một điều đáng chỉ trích: Tính cách phức tạp của các loại thời hạn là nguyên nhân của nhiều sự nhầm lẫn mà hậu quả không thể sửa chữa được. Đó là cái bẫy mà nhiều chủ nợ đã sa chân vào, mặc dù họ đã rất mẫn cán. Mục đích của các quy tắc pháp lý là làm cho các giao dịch được dễ dãi chứ  không phải để làm cản trở các giao dịch ấy bằng những thời hạn phức tạp. Vậy vì lợi ích chung, nếu người ta không thể quy định một thời hạn duy nhất, thì ít ra cũng nên giản dị hóa càng nhiều càng tốt./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar