Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

14. Hội trách nhiệm hữu hạn (1403-1479)

HỘI TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN 

1403._Khái quát: Hội trách nhiệm hữu hạn là hội thương mại, trong đó, các hội viên không có tư cách thương gia và chỉ phải chịu trách nhiệm, mỗi người, tối mức phần hùn do mình đã góp vào hội. Như vậy, tình trạng của hội viên giống như tình trạng của người xuất tư trong hợp tư đơn thường, với sự khác biệt là, ở đây không có hội viên thụ tư. Hội TNHH được quy định do các đạo luật ngày 7-3-1925 và 13-1-1927, sửa đổi do sắc luật ngày 30-10-1935. Những bản văn này được áp dụng ở Nam phần dưới hình thức sắc lệnh ngày 22-4-1928 và 20-7-1939 Ban hành do nghị định ngày 16-9-1939. Trong các sự giải thích dưới đây, ta sẽ quy chiếu vào các điều khoản của luật 1925, để việc tra cứu được dễ dàng, thuận tiện.
1404._ Hội TNHH, khởi thủy, được tạo lập tại Đức Quốc từ cuối thế kỷ 19; sau đó dần dần trở nên thông dụng tại nhiều quốc gia; Ở Việt Nam trong những năm gần đây, loại hội này được thành lập rất nhiều. Sở dĩ hội TNHH được phát triển như vậy là nhờ ở sự thuận tiện của công ty về nhiều phương diện. Trước hết, sự thành lập không có những thể thức phức tạp như công ty nặc danh. Về nhân số cũng chỉ cần hai người là đủ để lập hội. Sau nữa, sự điều hành cũng tiện lợi, vì người quản lý có quyền hành rất rộng mà lại không bị trách nhiệm cá nhân như hội viên thụ tư trong công ty hợp tư đơn thường. Sau chót, các hội viên thường, không làm quản lý, tuy không tham gia mật thiết vào hoạt động của công ty nhưng cũng gần gủi với sinh hoạt của công ty nhiều hơn là các cổ đông viên trong các công ty nặc danh. Mặc dù như vậy, các hội viên cũng không phải là thương gia, không phải xuất diện với người đệ tam và cũng không phải chịu nghĩa vụ của thương gia.
1405._ Bản chất pháp lý của hội TNHH: Điều 41 luật TMTP liệt công ty TNHH vào loại công ty đối nhân. Nếu ta chấp nhận phân loại này, ta cũng phải nhận xét rằng, trong công ty TNHH, cá nhân của hội viên không quan trọng như trong công ty đối nhân thực thụ. Ví dụ như công ty hợp danh có những duyên cớ thuộc về cá nhân hội viên làm cho công ty phải tan rã, nhưng công ty TNHH thì không. Nếu một hội viên mệnh một chẳng hạn, hội TNHH vẫn tiếp tục với các thừa kế; các phần lợi của hội viên, tuy là không được tự do đổi chủ khi hội viên còn sinh thời, nhưng thực tế, có thể được di nhượng với một vài điều kiện như ta sẽ thấy.
1406._ Vì các lẽ trên, một phần học thuyết Pháp, tuy đặt công ty TNHH ra ngoài lĩnh vực các công ty đối vốn, nhưng vẫn phân biệt với công ty đối nhân, như thể một hạng công ty ở khoảng giữa công ty đối nhân và công ty đối vốn. Một phần học thuyết khác thì coi công ty TNHH là đồng tính với công ty nặc danh; ý kiến này căn cứ vào điều 1 luật ngày 7-3-1925, theo đó, nhà lập pháp định rằng, ngoài công ty nặc danh, sẽ đặt ra một thứ công ty thương mại mới là công ty TNHH; như vậy, nhà lập pháp đã quy chiếu về công ty nặc danh, và thực tế, trong đạo luật có nhiều điều khoản được phỏng theo luật quy định cho công ty nặc danh. Ý kiến này không mấy vững chắc, vì khi muốn tìm hiểu vấn đề, ta cần căn cứ vào các nguyên tắc pháp lý, hơn là lời văn trong đạo luật. Ở Pháp, cũng như ở Việt Nam, trong các đạo luật thường có những câu ngớ ngẫn, vô nghĩa, vì bất cứ sự vô lý nào cũng có thể trở thành luật khi được đa số chấp nhận. Theo luật Việt Nam, Công ty TNHH thuộc vào loại công ty đối nhân, các nhận xét đưa ra trên đây chỉ có mục đích làm cho vấn đề được sáng tỏ dưới mọi khía cạnh. Luật TM1972 đã bỏ sự xếp loại này.
1407._ Nhưng dù công ty TNHH là một công ty đối nhân, ta cũng phải nhận xét một đặc điểm là sinh hoạt của công ty không lệ thuộc vào khế ước lập hội. Pháp nhân hội là do khế ước lập hội tạo ra, nhưng một khi pháp nhân được tạo lập ra rồi thì sự sinh hoạt phải tuân theo những thể lệ do luật định. Trong công ty hợp danh, ngoài những việc bình thường thuộc phạm vi quản lý, các việc quan trọng, đặc biệt khác phải do toàn thể hội viên quyết định, nhưng hội quy có thể dành quyền cho đa số thay vì toàn thể. Trong công ty TNHH thì không như thế: Chẳng những luật trao quyền trước cho đa số hội viên, mà đa số này, được tính theo đầu người hay phần hùn, tùy trường hợp, có khi là đa số trùng điệp – nghĩa là, có đa số hội viên, và những hội viên này phải có đa số phần hùn – Hội quy không thể thay đổi được những thể lệ này.
1408._ Tư cách pháp nhân của hội: Hội là một pháp nhân làm thương mại và chỉ hội có tư cách thương gia. Hội đoàn thành lập dưới hình thức TNHH đương nhiên là một hội thương mại, bất kể mục tiêu của hội là gì. Nói cách khác, hội trách nhiệm hữu hạn là một hội thương mại vì hình thức. Điểm này được nói rõ trong điều 3 TMP, 63 TMTP. 207 LTM 1972 cũng khẳng định rằng hội TNHH là một thương hội. Theo điều 11, luật 1925, hội được chỉ định bằng một vật danh (1340), tức là cái tên hiệu nêu lên mục tiêu của hội; _ hoặc bằng một hội danh gồm có tên một hay nhiều hội viên. Danh từ hội danh dùng trong điều này không có nghĩa như ta đã giải thích về công ty hợp danh (1386 và tiếp theo). Trong công ty TNHH, các hội viên, dẫu có đem tên mình đặt cho hội, cũng không phải là những hội viên có trách nhiệm cá nhân vố giới hạnh về công việc của hội. Hai chữ “hội danh” theo nghĩa thông thường, chỉ có nghĩa là cái tên hội, nhưng theo tiếng Pháp chữ raison sociale chỉ dùng được cho hội hợp danh và hội hợp tư đơn thường; vì vậy điều 11 luật 1925 và điều 73 TMTP đã dùng chữ raison sociale không đúng nghĩa. Thực ra, hội TNHH đặt tên thế nào cũng được. Luật thương mại 1972 rất hữu lý khi không quy định gì về danh hiệu của hội.
1409._ Pháp nhân phải nêu rõ tính chất của hội: Với mục đích cáo thị cho người đệ tam được biết, điều 74 TMTP bó buộc hội phải nêu rõ tính chất hội là TNHH và số vốn của hội trong các hóa đơn, quảng cáo và tất cả các giấy tờ của hội. Điều luật nói rõ là các chi tiết này phải viết rõ ràng, đặc biệt là danh từ TNHH phải được ghi toàn chữ. Nhưng thực hành đã không theo đúng hẳn điều lau65t, chỉ ghi tắt là SARL nếu dùng chữ Pháp (société à thêm chi tiết dưới các số 1332, 1336). Điều 159 LTM 1972 cũng quy định như trên nhưng không còn dự phạt nữa. Cũng điều 74 TMTP quy định rằng, mỗi vi phạm sẽ bị phạt vạ từ 5$ đến 60$. Sự phạt vạ này là phạt vạ dân sự, và chính hội bị phạt chứ không phải là các hội viên. Theo điều 18 luật 1925, mỗi vi phạm bị phạt vạ từ 50 quan đến 1.000 quan.

I. SỰ THÀNH LẬP HỘI TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
1410. Điều kiện hình thức: Muốn lập một công ty TNHH phải làm một văn thư. Theo điều 23 TMTP, văn thư lập hội phải được trước bạ, trừ phi vốn hội không quá 100$ (…). Theo điều 24, hội có bao nhiêu người thì văn thư phải làm bấy nhiêu bản, và trên mỗi chữ ký của hội viên phải ghi đã đọc và chấp thuận. nếu có hội viên không biết chữ, văn thư phải làm theo thể thức công chứng thư hoặc chứng thư thị thực, nếu không, việc lập hội sẽ vô hiệu giữa hội viên này với hội viên khác. Ta biết rằng, danh từ chúng thư thị thực không chỉ có nghĩa là một chứng thư được thị thực chữ ký như khi ta đem một văn kiện đi xin nhà chức trách thị thực chữ ký. Sự thị thực chữ ký là yếu tố cần thiết, nhưng không là một yếu tố viên mãn cho chứng thư được gọi là chứng thư thị thực. Theo luật Việt Nam, chứng thư thị thực được nhận đúng cả về nội dung. Viên chức có thẩm quyền thị thực phải đọc lại chứng thư cho đương sự nghe, nếu người này nhận là đúng, viên chức sẽ ghi rõ vào chứng thư là đương sự đã ký tên trước mặt mình sau khi đã nghe đọc lại và nhận là đúng.
1411._ Các thể thức dự liệu trong luật TMTP ngày nay đã lỗi thời, việc lập hội phần nhiều được thể hiện bằng một công chứng thư.(…)
1412._ Theo nguyên tắc phổ thông, hội viên có thể ủy quyền cho một người khác đại diện cho mình. Tờ ủy quyền có tính chất riêng biệt, phải nêu rõ nhiệm vụ được giao phó cho người đại diện.
1413._ Công bố: (…).
1414._ Điều kiện về nội dung:
Nhân số: Ở Nam phần, theo điều 5 luật 1925, nhân số hội viên không bị hạn chế. Điều luật chỉ nói chỉ cần hai người cũng có thể lập được hội; như vậy, nhiều hơn bao nhiêu cũng được. Ở Trung phần, theo điều 4 TMTP, số hội viên tối thiểu cũng là hai người, nhưng tối đa không quá hai mươi người. Hội sẽ bị đương nhiên giải tán nếu chỉ còn một người là hội viên, thí dụ trường hợp hội có hai hội viên, một người mệnh một, chỉ còn lại người kia là thừa kế. Một Hội trách nhiệm hữu hạn có thể chỉ gồm hai vợ chồng là hội viên không? Vấn đề này đã được nghên cứu dưới khía cạnh một sự hạn chế cho quyền lập hội (1237 và kế tiếp) và ta cũng đã trình bày riêng về trường hợp TNHH (số 1242): Đa số các tác giả chấp nhận là hai vợ chồng có thể cùng là hội viên một công ty TNHH (…). Một vài bản án (…) đi ngược lại án lệ của Tòa tối cao Pháp, cũng chấp nhận quan điểm của học lý ít ra cũng là cho trường hợp hai vợ chồng trở thành đồng hội viên của một hội đối nhân do thừa kế. Tuy nhiên, vấn đề còn tranh luận trong trường hợp hội chỉ còn hai vợ chồng là hội viên, không có người đệ tam nào khác. Trên nguyên tắc, thiết tưởng không có lý do gì quan trọng cản trở sự thành lập một hội TNHH giữa hai vợ chồng; Thực tế ở Việt Nam chưa có sự lập hội giữa hai vợ chồng.
1415._ Pháp năng của hội viên: Gia nhập một hội TNHH là làm hành vi thương mại. Nhưng mặc dù như vậy, người gia nhập, sau khi trở thành hội viên, không có tư cách thương gia. Do đó, vị thành niên, người bị cấm quyền đều có thể gia nhập một hội TNHH (do người giám hộ đại diện). Tuy nhiên, luật TMTP có một điều khoản (điều 69 TMTP, 8 TMP; 211 LTM 1972) định rằng, các hội viên phải liên đới chịu trách nhiệm với đệ tam nhân về số vốn hội và về giá trị ấn định cho phần hùn bằng hiện vật. Trách nhiệm này được dự liệu cho trường hợp phần hùn bằng tiền mặt không được các hội viên nộp đủ, phần hùn bằng hiện vật được định giá quá cao. Với phần hùn bằng tiền mặt, trách nhiệm nói trên có thể tránh được dễ dàng, vì các hội viên đều có thể biết rõ số vốn đã nộp đủ hay chưa, trước khi ký vào khế ước lập hội. Nhưng với phần hùn bằng hiện vật, sự trị giá có thể đúng hay không đúng mà hội viên không thể biết. Vì thế, có án lệ cho rằng khi hội được thành lập, với những phần hùn bằng hiện vật thì vị thanh niên không thể nhập hội, bởi lẽ vị thành niên phải bảo lãnh với người đệ tam về số tiền đánh giá cho đồ vật, và đó là một việc trái với quyền lợi của vị thành nei6n, bị luật cấm (…). Cũng có tòa khác cho rằng, vị thành niên có thể gia nhập hội nếu chắc chắn là sự trị giá đã được làm đúng đắn, phù hợp với giá trị thực của phần hùn (…). Cả hai bản án trên này đều nhằm bảo vệ quyền lợi cho người vị thành niên nhưng bị học lý chỉ trích, cho là sai nguyên tắc, viện lẽ rằng sự bảo lãnh sở dĩ bị cấm là vì có thể nguy hiểm cho vị thành niên với tính cách một hành vi vô thường, tự ý. Trong trường hợp TNHH, sự bảo lãnh không phải là một hành vi tự ý mà là một nghĩa vụ luật định: Vị thành niên lại được cái lợi là nhập hội, vậy không phải là hành vi vô thường.
1416._ Những lý lẽ trên này vững chắc về pháp lý. Tuy nhiên, ta cũng có thể nghĩ rằng nghĩa vụ bảo hành nói trên, đã đành là nghĩa vụ pháp định, nhưng chỉ buộc vào vị thanh niên, nếu có sự nhập hội, như vậy vẫn là thành niên làm một hành vi tự ý để phải chịu nghãi vụ bảo lãnh: Sau nữa, việc nhập hội chưa chắc đã có lợi hay có hại. Án lệ nói trên, so với học lý, có lẽ thích hợp với tình trạng xã hội Việt Nam hơn, nhất là với sự xuất hiện khá nhiều những công ty ma và với tệ đoan lợi cụng việc giám hộ để trục lợi riêng.
1417._ Sự thuận tình của các hội viên: Cũng như với mọi khế ước khác, người nhập hội  phải thuận tình một cách tự do và sáng suốt. Hội viên ký vào khế ước là được xem như đã thuận tình. Những nguyên nhân làm cho sự thuận tình bị vô hiệu là những nguyên nhân thường pháp làm cho sự ưng thuận bị hà tì: Bạo hành, lừa lọc và lẫm lẫn.
1418._ Điều kiện phân chia ỗ lãi: Trong công ty TNHH, cũng như các công ty khác, mỗi hội viên đều phải được chia lời, mỗi hội viên đều phải gánh chịu tiền lỗ. Điều khoản nào tước bỏ quyền chia lời của hội viên hoặc miễn cho hội viên khỏi phải chịu lỗ đều vô hiệu. Điều khoản ưu đãi cho một hội viên thường được ngụy trang dưới hình thức cam kết hoàn trả phần hùn cho hội viên. Mặc dù núp dưới sự ngụy trang này, điều khoản này vẫn vô hiệu. Ngoài những điều kiện trên, hội TNHH còn phải có một số vốn tối thiểu. Nhưng bản vốn của công ty còn nêu lên nhiều vấn đề khác, ta sẽ đề cập đến trong các chương sau.

II. BẢN VỐN CỦA HỘI (1419.- 1428)…
III. NHỮNG TRƯỜNG HỢP HỘI TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN VÔ HIỆU
1429.
_ Có hai loại trường hợp làm cho hội TNHH vô hiệu:
Loại thứ nhất gồm những nguyên nhân thông thường làm cho bất kể thương hội nào cũng vô hiệu. Đó là những trường hợp khế ước không hội đủ những điều kiện cần thiết như ta đã trình bày trong phần nghiên cứu đại cương về khế ước lập hội (1266 và kế tiếp), thí dụ trường hợp sự ưng thuận của hội viên không hợp lệ, hay mục tiêu của hội bất hợp pháp.
1430._ Loại thứ hai gồm những trường hợp hội chỉ vô hiệu giữa các hội viên, nhưng sự vô hiệu không viện dẫn được với người đệ tam (70 TMTP, 214 LTM 1972). Sự vô hiệu nửa vời này được điều 70 TMTP xác định cho sự vi phạm các điều khoản ở trên điều ấy: soát lại, thì các điều từ 63-69. Nhưng điều 70 không được rõ ràng, vì từ điều 63-69, có cả những trường hợp vô hiệu thuộc loại thứ nhất. Vậy ta phải kiểm điểm lại tất cả các điều này, nếu muốn nhận định được có những trường hợp vô hiệu nào không đối kháng được với người đệ tam: a) điều 63, vô hiệu vì mục tiêu bất hợp pháp: Đây là trường hợp vô hiệu thuộc loại thứ nhất, vì mục tiêu bất hợp pháp làm cho hội vô hiệu vô hiệu đối với tất cả mọi người, chứ không riêng ai; b) Điều 64, nhân số hội viên quá 20 người thì sự vô hiệu sẽ không đối kháng được với người đệ tam; nhưng, về số hội viên tối thiểu, nếu hội không có đủ 2 người thì điều kiện này là một điều kiện tổng quát và tuyệt đối, thiết tưởng sự vô hiệu này phải được coi là đối kháng với người đệ tam; c) Điều 65, hội thành lập không có văn tự hay văn tự bất hợp lệ hay không công bố thì sự vô hiệu này không đối kháng được với người đệ tam; d) Điều 66, 67, hội không đủ số vốn luật định, hoặc vi phạm thể lệ về sự phân phối các hội phần, về sự đóng gọp đầy đủ các hội phần: Sự vô hiệu này không đối kháng được với người đệ tam; h) Khế ước lập hội không trị giá các phần hùn bằng hiện vật: sự vô hiệu này không đối kháng được với người đệ tam.
1431. (…cấm lập hội TNHH để làm bảo hiểm và làm mãi dịch);
1432. TMTP không cấm lập hội TNHH để làm bảo hiểm nhưng quy định những loại hội này phải có giấy phép của Bộ Tài chánh để dự liệu các biện pháp bảo vệ.(…)
1433._ Sự điều chỉnh các nguyên nhân vô hiệu: Sắc luật ngày 30-10-1935, cải sửa điều 10 luật 1925, cho phép điều chỉnh nguyên nhân vô hiệu để cho hội trở thành hợp lệ. Thí dụ khế ước lập hội thiếu sót, không có trị giá phần hùn bằng hiện vật thì có thể bổ túc sự thiếu sót bằng cách định giá các phần hùn nay. Sự điều chỉnh có thể do hội viên tự động làm, trước khi có ai kiện cáo, hoặc khi hội bị khởi tố rồi, mới điều chỉnh cũng được. Trong trường hợp hội đã bị kiện về sự vô hiệu rồi, các hội viên còn có quyền điều chỉnh cho đến khi nào tòa tuyên phán về vụ kiện; không những thế, tòa có quyền đình xử, ấn định cho hội một thời hạn để điều chỉnh. Tuy nhiên, các phí tổn về vụ kiện sẽ do hội viên chịu, nếu vụ kiện đã được khởi sự trước khi hội được điều chỉnh. TMTP không có điều khoản nào tương tự như điều 10 luật 1925, nhưng LTM 1972 có sự điều chỉnh nguyên nhân vô hiệu nói trên tại điều 215.
1434._ Tố quyền vô hiệu hóa: Tố quyền vô hiệu hóa là tố quyền nhằm xin tòa tuyên phán vô hiệu một hội TNHH được thành lập bất hợp lệ. Tố quyền này do bất cứ người quan thiết nào hành xử, nói chung là do các chủ nợ của hội. Nhưng nếu chính hội bị kiện về công việc của hội, thí dụ người đệ tam kiện hội đòi thi hành một khế ước do quản lý cam kết, quản lý cũng như các hội viên, sẽ không viện dẫn được sự vô hiệu để đối kháng với nguyên đơn. Lý do của sự bất đối kháng này cũng dễ hiểu: Sự bất hợp lê là do lỗi của các hội viên, vậy tự nhiên là hội viên không thể đưa cái lỗi của mình ra làm các mộc chống đỡ với người đệ tam. Tố quyền vô hiệu hóa bị thời tiêu sau 5 năm. Ta phải nhận xét rằng, thời tiêu 5 năm này chỉ áp dụng cho những tố quyền căn cứ vào sự vi phạm những thể lệ kể trện (số 1429), tức là vi phạm những thể lệ đặc biệt luật định cho sự thành lập công ty TNHH. Về những nguyên nhân vô hiệu khác, thí dụ về những tỳ tích của khế ước lập hội nói chung, thời tiêu 5 năm sẽ không áp dụng. Đằng khác, ta phải phân biệt tố quyền vô hiệu hóa với tố quyền quy trách các hội viên về những thiệt hại do sự vô hiệu gây ra.
1435._ Tố quyền quy trách các hội viên: Theo điều 10 luật 1925 và các điều 71, 72 TMTP, nếu các hội bị tuyên bố vô hiệu, các hội viên hữu trách sẽ phải liên đới bồi thường cho người đệ tam bị thiệt hại vì sự vô hiệu ấy. Cả những người quản l1y đầu tiên cũng phải chịu trách nhiệm liên đới với các hội viên như vậy, vì họ có bổn phận, khi hội mới thành lập, phải kei36m soát xem sự thành lập có hợp lệ hay không. Hội viên hữu trách là những người nào? Đó là những hội viên đầu tiên, vì việc lập hội, làm khế ước là công trình của họ. Các hội viên đến sau, do sự mua lại phần hùn của hội viên cũ, không bị trách nhiệm, vì họ không tham dự phần nào vào việc lập hội. Luật 1925 không đề cập đến thời tiêu cho tó quyền quy trách hội viên vì hội vô hiệu. Học lý cho rằng thời tiêu 5 năm nói trên sẽ được áp dụng, vì trách nhiệm của hội viên lệ thuộc vào sự vô hiệu do tòa tuyên phán. Điều 215 LTM 1972 ấn định thời tiêu cho tố quyền này là 5 năm.

IV. QUYỀN LỢI CỦA HỘI VIÊN TRONG HỘI TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
1. Kỷ phần của hội viên trong hội:
1436._ Kỷ phần của hội viên, hay hội phần, trong hội TNHH, có tính cách phần lợi, như ta đã giải thích, chứ không phải là một cổ phần. Vậy, những quy tắc đã dẫn giải cho phần lợi trong công ty đối nhân sẽ áp dụng cho hội phần của hội viên trong công ty TNHH. Tuy nhiên _ điểm này ta đã ghi nhận nhiều lần_ trong công ty TNHH, cá nhân của hội viên không quan trọng như trong công ty hợp danh, vì lẽ hội viên công ty TNHH góp vốn bao nhiêu thì chỉ phải chịu trách nhiệm đến chừng ấy. Trách nhiệm của hội viên là TNHH, chứ không phải là trách nhiệm vô biên, trên toàn thể sản nghiệp riêng như hội viên công ty hợp danh.
1437._ Kỷ phần của hội viên không được biểu tượng bằng chứng khoán khả mại. Điều 21 luật 1925, cũng như điều 75 TMTP, điều 217 LTM 1972, minh thị, cấm hội cấp phát cho hội viên những chứng khoán khả  mại, dù là dưới hình thức chứng khoán ký danh, vô danh hay chiếu lệnh. Hội viên, sau khi góp đủ phần hùn, sẽ không được cấp chứng khoán gì hết. Muốn chứng tỏ quyền lợi của mình, hội chỉ có cách xuất trình khế ước lập hội. Sở dĩ như vậy, là vì trong công ty TNHH, cũng như trong công ty vô danh, sự tín nhiệm giữa các hội viên là yếu tố quan trọng; hội viên là những người có quen biết, tín nhiệm lẫn nhau; nếu hội viên được cấp chứng khoán khả mại, có thể tự do chuyển nhượng phần hùn cho người khác, hậu quả sẽ là một người không quen biết được đưa vào hội. Nếu hội viên có gia đình, hội phần của người này sẽ nhập vào khối cộng đồng tài sản theo điều 54 sắc luật số 15 ngày 23-7-1964, nhưng khi khối cộng đồng tài sản được phân chia, hội phần chỉ có thể phân cấp cho người phối ngẫu của hội viên với hai điều kiện: Một là người phối ngẫu ưng thuận nhận lãnh vì người này không thể bị ép buộc trở thành hội viên; hai là sự phân cấp cũng phải theo những điều kiện luật định cho sự di nhượng. Vậy những điều kiện này là những điều kiện gì?
2. Sự di nhượng hội phần:
1438._ Di nhượng cho người ngoài hội: Theo điều 75 TMTP, hội viên chỉ có thể di nhượng hội phần cho một người ngoài hội nếu được đa số quá bán hội viên ưng thuận và đa số hội viên này phải có ít ra là 3/4 bản vốn của hội. Điều 22 luật 1925, điều 217 LTM 1972, cũng tương tự như điều 75 TMTP. Đa số theo luật định là đa số trùng điệp: không những phải đa số quá bán đầu người, mà còn phải đa số 3/4 bản vốn. Thành thử trong những hội nào chỉ có hai hay ba hội viên, phải có sự ưng thuận của toàn thể, một hội viên mới được nhượng phần hùn của mình cho người ngoài hội. Dĩ nhiên, danh tính của người đắc nhượng này phải được chỉ rõ cho các hội viên biết khi họ được yêu cầu chấp thuận việc di nhượng. Được coi là người ngoài hội, tất cả những người nào hiện thời không phải là hội viên, thí dụ một hội viên cũ, đã ra khỏi hội, cũng là người ngoài, do đó, sự di nhượng hội phần cho người này cũng phải hội đủ đa số trùng điệp nói trên.
1439._ Tất cả việc di nhượng hội phần đều phải làm theo đúng điều kiện luật định, dù là di nhượng thường hay vô thường, dù là di nhượng thuận ý hay cưỡng bách (thí dụ một người ngoài hội mua được do việc phát mại cưỡng bách – xem thêm 1444). Tuy nhiên, điều kiện luật định xét ra quá khắc khe, cho nên án lệ đã chấp nhận một vài tiết giảm: a) điều luật chỉ áp dụng cho trường hợp di nhượng thực sự, vậy sẽ không áp dụng cho sự hứa mại. Nói rõ hơn, hội viên có thể làm giấy hứa bán hội phần của mình cho người ngoài hội mà không cần phải có sự ưng thuận của các hội viên khác; b) Sự ưng thuận của các đồng hội viên có thể mặc nhiên, cũng có thể chỉ phát biểu sau việc di nhượng, với tính cách chuẩn thuận cho việc này.
1440._ Di nhượng cho người trong hội: Những điều kiện khó khăn, trình bày ở trên, được luật dự liệu, là để ngăn cản người đệ tam xâm nhập vào hội. Nếu hội phần được di nhượng từ hội viên này sang hội viên khác thì những điều kiện ấy không còn lý do, cho nên, mỗi hội viên đều có quyền tự do di nhượng hội phần của mình cho người đồng hội. Trong mọi trường hợp, về hình thức, việc di nhượng phải làm theo những thể thức quy định dở điều 76 TMTP, 1080 DLVN 1972.
1441. Thể thức di nhượng: (…)
1442. Hiệu lực của việc di nhượng: Ta cần nhận xet rằng, sự di nhượng hội phần chỉ có hiệu lực làm cho người đắc nhượng được hưởng thụ những hội phần ấy thôi, không có hiệu lực một việc đoạn mại của hàng thương mại. Do đó, nếu hội khai thác một cửa hàng thương mại, người nào mua lại đa số hội phần không phải là đã mua lại cửa hàng thương mại, đặc biệt là luật ngày 17-3-1909 sẽ không được áp dụng.
1443._ Sửa đổi những điều kiện luật định về sự di nhượng: Học lý và án lệ cho rằng những điều kiện này thuộc trật tự công cộng. Hội quy chỉ có thể dự liệu những định khoản khắc khe hơn, thí dụ buộc phải có sự ưng thuận của toàn thể thay vì đa số, nhưng hội quy không thể dự liệu những định khoản làm cho việc di nhượng được dễ dàng hơn.
3. Sự sai áp hội phần:
1444._ Hội phần không thể tự do di nhượng, nhưng có thể được sai áp do các chủ nợ của hội viên. Nếu hội viên bị tuyên bố khánh tận, hội phần cũng sẽ thành bất đắc sử dụng như các tài sản khác. Sự sai áp có thể đưa đến kết quả phát mại công khai hội phần của hội viên bị sai áp. Nhưng người mua được hội phần trong thủ tục phát mại ấy vẫn phải được các hội viên khác chấp  nhận. Bởi thế, trong điều kiện sách, phải dự  liệu trước sự chấp nhận nhận này; nếu các hội viên không ưng thuận thì hội sẽ phải giải tán để thanh toán. (hay quá!).
4. Sự di truyền hội phần:
1445._ Điều 92 TMTP, điều 36 luật 1925, minh thị rằng, hội TNHH không bị giải tán do sự cấm quyền, sự khánh tận, sự vỡ nợ dân sự, hay sự mệnh một xảy đến cho một hội viên, trừ phi hội quy có định khác cho trường hợp một hội viên mệnh một. Như vậy, nếu trong hội quy, không có điều khoản nào trái lại, hội phần sẽ truyền lại cho người thừa kế của hội viên mệnh một. Nếu người này có nhiều thừa kế thì nhân số hội viên sẽ gia tăng, và có thể vượt quá số tối đa 20 người. Luật không có điều khoản nào quy định trường hợp đặc biệt này, nhưng tưởng hội vẫn được tiếp tục hợp lệ, vì tất cả các hội viên mới chỉ là kế tiếp cho nhân thân của một hội viên cũ. Để tránh tình trạng này và nhất là vì các hội viên khác nhiều khi không biết rõ tất cả các thừa kế của người mệnh một, hội quy thường dự liệu rằng, hội chỉ tiếp tục riêng với một số thừa kế nào đó. Điều khoản này được án lệ coi là hữu hiệu. Hội quy có thể dự liệu cho các hội viên còn sống quyền tiên mãi (có nghĩa là ưu tiên được mua) hội phần của người mệnh một, như vậy hội sẽ tiếp tục với các hội viên còn lại. Nếu nhận xét rằng quyền “tiên mãi” này nhằm vào di sản của một hội viên còn sống, tức là sự giao ước về một di sản chưa khai mở. Ta biết rằng DLP có điều 1130 cấm lập ước trên di sản của người còn sống. Luật Việt Nam tuy không có điều khoản nào tương đương, nhưng xét về phong tục, chắc chắn cũng không thể chấp nhận được sự lập ước trên một di sản chưa khai mở. Con cái, nếu sắp đặt sử dụng di sản của cha mẹ trong khi cha mẹ còn sinh thời thì là một hành động nghịch với đạo lý. Chính người có di sản, nếu kết ước với người đệ tam về di sản của mình torng khi mình còn sống, cũng là hành vi trái với trật tự công cộng. Như vậy, tai sao trong hội thương mại, một hội viên này lại có thể dành trước quyền tiên mãi những hội phần của mình sau khi mình chết, cho các hội viên khác? Hành vi này chẳng phải là một giao ước trên một di sản chưa khai mở hay sao? Các thừa kế của người mệnh một há chẳng bị loại ra ngoài hội do quyền tiên mãi của các hội viên khác hay sao?
Kỳ thủy, Tòa phá án Pháp đã cho rằng sự giao ước như trên về quyền tiên mãi là vô hiệu vì vi phạm điều 1130 DLP. Do sự chống đối của tòa thượng thẩm được di giao nội vụ, Tòa phá án Pháp xử khoán đại, đã thay đổi quan điểm và chấp nhận rằng hội quy có thể tiên liệu trước là hội thương mại sẽ tiếp tục tồn tại, giữa các hội viên còn sống, với một số thừa kế riêng nào đó của hội viên mệnh một (nghĩa là các thừa kế khác sẽ không được nhập hội); _ Hoặc chỉ riêng giữa các hội viên còn sống với quyền tiên mãi được dự định cho họ sử dụng để mua lại những hội phần của người quá cố (nghĩa là tất cả các thừa kế đều bị loại trừ). Giải pháp này được căn cứ vào điều 1868 DLP thuộc thể lệ chung về khế ước lập hội và được coi như một biệt lệ đối với điều 1130. Dân luật Việt Nam không có điều khoản nào định rõ như điều 1868 DLP. Điều 1467 DLT chỉ nói vắn tắt rằng thương hội bị chấm dứt do sự mệnh một của một hội viên, trừ phi có định khoản trái lại; ta có thể giải thích điều luật theo chiều hướng án lệ trên; hội sẽ tiếp tục giữa các hội viên còn sống với các thừa kế của hội viên mệnh một, hoặc chỉ tiếp tục giữa các hội viên còn sống sau khi các người này mua lại hội phần của hội viên quá cố (xem số 1292, 1308). Trong giả thiết thứ nhất, hội tiếp tục giữa các hội viên còn sống và các thừa kế của hội viên mệnh một, có thể xảy ra nhiều trở ngại thực tế, nếu hội viên này để lại nhiều thừa kế.
5. Việc phân chia lỗ lãi:
1446._ Mỗi hội viên đều có quyền được chia tiền lãi và phải gánh chịu tiền lỗ cùng những hội viên khác. Sự phân phối lỗ lãi sẽ làm theo tỉ lệ phần hùn của mỗi hội viên, hoặc theo dự định của hội quy (1293 và kế tiếp). Mọi điều khoản tước bỏ quyền chia lãi của một hội viên hay miễn tiền lỗ cho một hội viên đều vô hiệu. Điều khoản dự liệu hoàn lại phần hùn cho một hội viên là một điều khoản vô hiệu vì có hậu quả miễn riêng cho hội viên ấy khỏi phải chịu tiền lỗ (1402).
1447._ Điều khoản sinh lời: _ Ta thấy rằng trong khi chờ đợi hội hoạt động có lãi để phân chia cho các hội viên, hội quy có thể dự liệu mỗi năm hội sẽ trả cho hội viên một số tiền lới trên phần hùn, theo một phân suất nhất định (1382). Điều khoản sinh lời này, trong hội TNHH, được luật TMTP minh thị cho phép tại điều 89 (Điều 34 luật 1925). Theo các điều khoản này, hội quy có thể dự liệu trả cho các hội viên một số tiền lời theo một phân suất nhất định dẫu rằng hội không có lãi; hội quy sẽ ấn định thời gian hưởng lời là bao nhiêu, thời gian này chỉ có thể hạn định trong thời kỳ phỏng lượng cho sự thực hiện những công tác cần thiết cho hội có thể bắt đầu hoạt động. Luật 1925 định rõ ràng điều khoản phải ghi vào trích lục hội quy được công bố, nếu không, sẽ vô hiệu; số tiền lời sẽ phải tính vào tiền phí tổn kiến thiết trang bị đầu tiên và phân phối vào những năm có lãi, về sau, theo cách thức và trong thời hạnh do hội quy ấn định. LTM 1972 không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề này.

V. SỰ QUẢN TRỊ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN 
1448._ Theo các điều 77, 78 TMTP, công ty TNHH được quản trị do một hay nhiều người thụ ủy, là hội viên hoặc không là hội viên, có được tiền công hay không không được tiền công. Các người thụ ủy này được điều 78 gọi là những người quản lý. Điều 24 luật 1925, cũng tương tự như trên. Điều 219 LTM 1972 cũng quy định: “Hội TNHH được quản lý do một hay nhiều người thụ ủy được chọn trong các hội viên hay người ngoài hội“. và theo điều 224, “các quản lý, dù là hội viên hay không, có thể được hưởng thù lao”. Ngoài ra, các hội viên _ và đây là một điểm khác biệt với hội hợp danh _ cũng tham dự vào công việc quản trị bằng cách biểu quyết tại đại hội đồng. Sau hết, luật 1925, điều 32 còn dự liệu sự thành lập một hội đồgn kiểm soát (Hội đồng này không có trong luật TMTP). Như vậy, việc quản trị công ty TNHH phải nghiên cứu về ba phía: Quản lý viên, đại hội đồng các hội viên và hội đồng kiểm soát.
V.1: Quản lý viên:
1449._ Quản lý viên có thể là một hội viên, cũng có thể là người ngoài hội. Điểm cần nhận xét là, trong mọi trường hợp, quản lý không có tư cách thương gia. Thành thử, một người vừa là hội viên một hội thương mại, trong đó mình nắm giữ đa số hội phần, lại vừa là quản lý, thường xuyên làm những hành vi thương mại, mà không là thương gia, không thể bị tuyên bố khánh tận. Quản lý viên dẫu chỉ có thiểu số hội phần cũng là một cơ cấu của hội, chứ  không phải là một người làm công. Nói như vậy có nghĩa là, người quản lý bao giờ cũng là một bộ phận cần thiết, một cơ cấu phải có trong tổ chức hội TNHH, và đằng khác, mặc dù người quản lý có được tiền công, tư cách pháp lý của người ấy cũng là người thụ ủy, chứ không phải là một người làm công theo quy chế luật lao động.
1. Chỉ định quản lý:
1450._ Những người nào bị án tích làm cho bị truất quyền sẽ không được tuyển chọn làm quản lý. Ta đã biết những trường hợp truất quyền này (số 1356). Hội có thể được quản trị do một hay nhiều quản lý. Nếu quản lý được chỉ định ngay trong hội quy, hay trong một văn kiện sửa đổi hội quy về sau, thì là quản lý quy tuyển. Nếu được chỉ định do một văn kiện biệt lập, không liên quan gì với hội quy thì là quản lý ngoại tuyển.
1451._ Sự chỉ định quản lý quy tuyển là một thành tố của hội quy, được các hội viên thỏa thuận khi lập hội. Sự chỉ định quản lý ngoại tuyển là một quyết định riêng của các hội viên: chiếu điều 27 luật 1925, quyết định phải được chấp thuận do một số hội viên tiêu biểu cho đa số quá bán bản vốn của hội. Nếu đa số này không đạt được, thì khi biểu quyết lần sau, chỉ cần đa số phiếu biểu quyết, không cứ là số phiếu này tiêu biểu cho bao nhiêu số vốn, trừ phi hội quy định khác. Điều 85 TMTP khắc khe hơn điều 27 luật 1925. Theo Điều 85, mọi quyết định của các hội viên phải được chấp thuận do đa số hội viên, chứ không phải do một số như nói trong luật 1925; đa số hội viên phải tiêu biểu cho đa số quá bán bản vốn của hội. Điều 85 kể trên không dự liệu như trong luật 1925, rằng nếu đa số trên không đạt được thì khi biểu quyết lần sau, chỉ cần đa số tương đối. Như vậy, nếu không có đa số hội viên hội đủ đa số vốn đồng ý với nhau về việc chỉ định quản lý, hội sẽ phải giải tán. Đoạn chót điều 225 LTM 1972 quy định rằng, “quyết định chỉ có giá trị, nếu được các hội viên tiêu biểu cho trên phân nửa số vốn của hội chấp thuận“. Điều này giống điều 27 luật 1925, chỉ cần đa số vốn được tiêu biểu, không cần phải đa số hội viên: Nói cách khác, không cần phải đa số trùng điệp. Điều 225 LTM 1972 cũng dự liệu rằng, trong trường hợp đa số trên không đạt được thì lần biểu quyết thứ nhì, chỉ cần đa số phiếu, bất luận phần v ốn được tiêu biểu là bao nhiêu. (hay!)
1452._ Thời gian chức vụ của quản lý được ấn định trong hội quy hay trong văn kiện chỉ định, tùy trường hợp. Văn kiện chỉ định quản lý, nếu làm sau hội quy, phải được ký thác tại phòng lục sự tòa án, nơi trụ sở hội và công bố vào một tờ báo được đăng bố cáo pháp định (Điều 14, số 5 luật 1925; điều 151, số 6 LTM 1972). Điều 26 TMTP chỉ dự liệu ký thác tại phòng lục sự. Như ta đã nói, quản lý hội TNHH không phải là thương gia, vậy không phải ghi tên vào sổ thương mại. Ở Việt Nam, không có bản văn lập pháp hay lập quy đặc biệt nào, như ở Pháp, buộc quản lý hội TNHH phải ghi tên vào sổ thương mại.
1453._ Theo điều 78 luật TMTP, cũng như theo điều 24 luật 1925, quản lý quy tuyển hay ngoại tuyển, đều chỉ có thể được bãi chức nếu có lý do chính đáng. Để diễn tả ý kiến này, người ta thường nói rằng, quản lý bất khả bãi nhiệm, nhưng nói như vậy chỉ có nghĩa là các hội viên, chủ ủy, không thể tùy ý mình, bãi chức quản lý lúc nào cũng được.
1454._ Đại khái, những lý do chính đáng gồm có những trường hợp thiếu khả năng, làm việc bê bối, bất lực về tinh thần, thiếu sức khỏe. Một quản lý có một đời sống tư bất xứng, mang tai tiếng làm cho hội bị mất danh dự cũng rất có thể bị bãi chức. Một quản lý cũng có thể bị bãi chức vì hội thi hành chính sách tiết kiệm, giảm bớt nhân số quản lý để bớt chi tiêu. Theo điều 221 LTM 1972, quản lý, nếu là hội viên, chỉ có thể bị bãi chức vì những lý do chính đáng.
1455._ Điều khoản bãi chức: Hội quy thường dự  liệu một điều khoản cho phép bãi chức quản lý theo ý họ. Mặc dầu quy chế quản lý, trong hội trách nhiệm hữu hạn là một quy chế pháp định, mặc dù sự bất khả bãi nhiệm có mục đích khuyến khích sự thành lập hội TNHH , để các người sáng lập có thể yên tâm nắm lấy quyền quản lý điều khiển hội do công trình của mình sáng lập, nhưng án lệ, vì những lý do thực tế, đã công nhận điều khoản bãi chức trong hội quy là hữu hiệu. Quyết định bãi chức sẽ do hội viên, theo đa số ấn định torng hội quy nếu là quản lý ngoại tuyển. Nhưng nếu bãi chức một quản lý quy tuyển thì đa số phải là đa số luật định cho sự thay đổi hội  quy. Mặc khác, thiết tưởng, trong mọi trường hợp, dù có điều khoản bãi chức được dự liệu, dù với quản lý quy tuyển hay ngoại tuyển, sự bãi chức cũng không thể độc đoán, bất công. Người quản lý bị bãi chức có thể đòi bồi thường nếu sự bãi chức bất công hay độc đoán.
1456._ Thủ tục bãi chức: Ngoài trường hợp quản lý có thể bị bãi chức do một điều khoản đặc biệt trong hội quy như trên, các hội viên, muốn bãi chức quản lý, phải làm thế nào? Một số tác giả cho rằng, các hội viên có quyền biểu quyết việc bãi chức, miễn là phải theo đa số luật định cho việc sửa đổi hội quy, nếu việc bãi chức một quản lý quy tuyển. Sau đó, quản lý viên có quyền khiếu nại trước tòa án, nếu muốn; và trong trường hợp tòa hủy bỏ quyết định, quản lý sẽ tái nhậm chức vụ và có thể còn được bồi thường. Một số tác giả khác cho rằng, trong mọi trường hợp, quản lý chỉ có thể bị bãi chức do một quyết định của tòa án, theo đơn xin của một hội viên. Nếu tòa án chấp đơn, các hành vi của quản lý thực hiện cho hội trong thời gian đơn xin chưa được xét xử, được coi là hữu hiệu và được duy trì đối với những người đệ tam ngay tình. Bất cứ hội viên nào cũng có quyền nộp đơn xin tòa bãi chức quản lý, dẫu rằng hội viên ấy chỉ có một phần hội.
1457._ Luật 1925, và TMTP đều có ấn định một đa số trên nhân số hội viên và một định túc số trên vốn hội cho những quyết định của đại hội đồng. Thí dụ, theo điều 31 luật 1925, muốn sửa đổi hội quy, phải được sự biểu quyết chấp thuận của đa số hội viên tiêu biểu cho 3/4 số vốn; điều 86 TMTP nói rõ hơn, rằng cần phải đa số tuyệt đối hội viên tiêu biểu cho 3/4 số vốn. Do đó, muốn bãi chức một quản lý quy tuyển, cần phải có ý kiến thuận của đa số hội viên có 3/4 số vốn, vì sự bãi chức này là một hành vi có tính cách sửa đổi hội quy. Quản lý lại có quyền tham dự cuộc bỏ phiếu nếu là hội viên. Như vậy, nếu quản lý quy tuyển có hơn 1/4 số vốn, hoặc nếu hội chỉ có hai người, sẽ không thể có được quyết định hợp lệ để bãi chức quản lý: Trong hai trường hợp này, quản lý chỉ có thể bị bãi chức do quyết định của tòa án.
1458._ Từ chức: Quản lý quy tuyển, bị dằng buộc bởi hội quy của hội, không thể tự do từ chức. Quản lý ngoại tuyển có thể được tự do từ chức. Trong mọi trường hợp, theo án lệ, sự từ chức phải được công bố mới đối kháng được với người đệ tam. Các trường hợp vô năng lực, truất quyền điều khiển thương hội được dự liệu trong sắc luật ngày 8-8-1935, được áp dụng tại Việt Nam do săc lệnh ngày 3-9-1936 ban hành bởi nghị định ngày 8-10-1936, đều áp dụng cho quản lý trách nhiệm hữu hạn.
3. Nhiệm vụ và quyền hành của quản lý:
1459._ Điều 79 TMTP, Điều 24, đoạn 2 luật 1925 đều định rằng trừ phi hội quy định khác, quản lý có quyền hành động nhân danh hội trong tất cả mọi trường hợp; và mọi sự thỏa thuận để hạn chế quyền hành của quản lý đều không đối kháng được với người đệ tam (điều 222 LTM 1972). Những hạn chế này, dẫu có công bố, cũng không đối kháng được với người đệ tam: tuy điều luật không nói rõ như vậy, nhưng đó là quan điểm chung của học lý. Nói rằng những hạn chế được thỏa thuận không có hiệu lực đối kháng với người đệ tam, có nghĩa là dẫu quản lý vượt ra ngoài phạm vi những hạn chế ấy, thì hành vi vẫn có hiệu lực như thường; nói cách khác, quản lý rất có thể không đếm xỉa đến những hạn chế ấy. Như vậy, quản lý có quyền rất rộng, gần như có toàn quyền hành động, ngoại trừ trách nhiệm mà quản lý phải gánh chịu theo luật. Dưới đây ta sẽ nói tới (số 1463).
1459 bis_ Những hạn chế không có được hậu quả gì đối với người đệ tam n1oi trên là những hạn chế ước định, tức là những hạn chế được thỏa thuận riêng do sự giao ước giữa quản lý với hội viên mà thôi; quan điểm này được nêu rõ tại điều 222 LTM 1972. Đối với những hạn chế được ấn định trong hội quy thì lại khác: Quản lý không thể vi phạm hội quy, phải tuân theo hội quy vì muốn sửa đổi hội quy, bắt buộc phải làm theo thể thức được luật định cho sự sửa đổi ấy. Do đó ta phải suy luận rằng hội quy đã ấn định quyền hành quản lý như thế nào thì chẳng những quản lý phải hành động theo đúng như vậy, mà những hành vi của quản lý trái nghịch với hội quy cần phải bị coi là vô hiệu: Nói cách khác, sự ấn định quyền hạn của quản lý trong hội quy đối kháng được với người đệ tam, vì hội quy là văn kiện cơ bản của hội (xem số 1365). Tuy nhiên, cũng có tác giả cho rằng, sự hạn định quyền hành của quản lý trong hội quy không đối kháng được với người đệ tam; thí dụ ngăn cấm quản lý đoạn mại hay cầm thế bất động sản của hội, vì người đệ tam chỉ có thể giao thiệp với hội trong sự tin tưởng hoàn toàn ở quyền hành của người quản lý, không phải quan tâm xem xét đến hội quy. Vấn đề này ta có dịp trình bày rồi (1365).
1460._ Ta chỉ cần nhận xét thêm rằng cả trong trường hợp hội quy chỉ định nhiều quản lý và định rằng các quản lý phải đồgn ý hành động về những việc quan trọng, án lệ cũng cho rằng điều khoản này không đối kháng được với người đệ tam (…). Rốt cuộc, dẫu hội trách nhiệm có nhiều quản lý, mỗi người đều có quyền riêng đại diện cho hội, bất kể là các hội viên đã phân phối quyền hành giữa họ ra sao.
1461._ Hằng năm, quản lý phải lập bảng tổng kê hoạt động của hội cho các hội viên duyệt y. Nhân dịp này, các hội viên sẽ quyết định về đề nghị của quản lý về việc phân chia tiền lời của hội. Đó cũng là một dịp để các hội viên kiểm soát việc làm của quản lý. Nói một cách tổng quát, quản lý tuy có quyền hành rất rộng, nhưng không được làm việc gì có thể khiến cho hội bị tiêu diệt, thí dụ đem bán cửa hàng của hội là làm một việc trái nghịch với nhiệm vụ quản lý của mình. Quản lý có quyền kết ước với hội, tức là vừa ký kết nhân danh hội, lại vừa ký kết nhân danh chính mình.
1462._ Thù lao cho quản lý: Trên nguyên tắc, quản lý có thể được thù lao hoặc không. Thực tế, quản lý bao giờ cũng có thù lao; chức vụ quản lý là một chức vụ có nhiều quyền lợi, vì thế các người sáng lập hội thường dành lấy quyền quản lý. Thù lao có thể là một số tiền nhất định, cũng có thể là một phần trích trong số tiền lời của hội.
1463._ Trách nhiệm của quản lý: Nguyên tắc là người quản lý với những hành động thực hiện trong chức vụ quản lý chỉ làm cho hội bị kết buộc, chứ không kết buộc chính mình. Ta đã biết rằng, các hội viên trong hội trách nhiệm hữu hạn không bị trách nhiệm bản thân về công việc của hội: người quản lý cũng vậy. Hơn nữa, quản lý không phải là thương gia, cho nên, không thể bị tuyên bố khánh tận, cũng không thể bị truy tố về những hình tội phá sản, trừ phi đã lợi dụng danh nghĩa hội để  làm thương mại cho chính mình. Ta nhớ rằng, ký một hối phiếu là làm một hành vi thương mại (xem số 207 và kế tiếp), nhưng quản lý, dẫu ký hối phiếu nhân danh mình cũng không vì thế mà có tư cách thương gia, vì chỉ người nào sinh sống bằng một nghề thương mại mới có tư cách thương gia.
1464._ Nhưng nguyên tắc nêu trên không có nghĩa là quản lý có thể hành động vô trách nhiệm.
Về dân sự: _ Trước hết theo điều 80 TMTP (điều 25 luật 1925) quản lý phải chịu trách nhiệm, riêng từng người hoặc liên đới, tùy trường hợp, nếu vi phạm các thể lệ cưỡng bách do luật định cho hội trách nhiệm hữu hạn (điều 222 LTM 1972). Sau nữa, quản lý phải chịu trách nhiệm như trên về các sự vi phạm hội quy. Sau hết, quản lý phải chịu trách nhiệm về các lỗi lầm của mình trong việc điều hành, quản trị hội. Trách nhiệm này được điều luật nói rõ là trách nhiệm đối với hội và đối với người đệ tam. Trách nhiệm quản lý có thể bị gia tăng nếu hội bị khánh tận. Theo điều 437 TMP, khi một công ty thương mại bị tuyên bố khánh tận, bất kể người nào đã lợi dụng công ty che đậy những hành vi của mình, dùng tiền bạc của công ty để buôn bán riêng cho mình đều có thể bị tuyên bố khánh tận. Như vậy, trong trường hợp này, quản l1y hội TNHH, tuy không phải là thương gia, nhưng có thể bị tuyên án khánh tận (Điều 864 LTM 1972). Trong trường hợp hội bị khánh tận, quản lý như ta đã biết, (số 1458) còn có thể bị tòa tuất quyền không được làm quản lý cho bất cứ hội nào về sau, nếu trong sự khánh tận này, quản lý, xét ra, đã phạm lỗi nặng. Sự truất quyền làm quản lý sẽ do Tòa tuyên phán cùng với bản án tuyên bố hội khánh tận.
1465._ Hình sự: Theo điều 94 TMTP, nếu quản lý viên phân phối cho các hội viên tiền lời giả tưởng theo những bảng tổng kê gian lận hay  không có bảng tổng kê được làm, sẽ bị phạt chiếu theo điều 362 Hoàng Việt Hình luật, từ 2 năm đến 5 năm tù. Quản lý viên cũng có thể bị hình phạt như trên nếu chính mình đã làm những hành động man trá khiến cho một phần hùn bằng hiện vật được trị giá quá đáng. Điều 38 luật 1925, sửa đổi do sắc luật ngày 30-10-1935 (áp dụng ở Việt Nam dưới hình thức sắc lệnh ngày 3-9-1936 ban hành do nghị định ngày 8-10-1936), cũng trừng phạt các tội trên như tội lường gạt chiếu điều 405 HLCC (phạt giam từ 1 đến 5 năm và phạt bạc từ 1.000 F đến 10.000 F, tức 40.000$ đến 400.000$, áp dụng dụ số 5/1951 và sắc luật 13/1967); Điều này còn trừng phạt thêm quản lý viên về tội sử dụng tài sản hay tư thế của hội một cách gian tình vào một việc có ích lợi riêng cho mình hay cho một hội khác, trong đó quản lý có quyền lợi gian tiếp hay trực tiếp. Cũng bị phạt về tội lường gạt quản lý viên nào dùng quyền hành của mình hay lá thăm của mình một cách gian tình vào một việc trái với quyền lợi của hội hay vì một mục đích riêng tư, hay để làm lợi cho một hội khác trong đó quản lý có quyền lợi gián tiếp hoặc trực tiếp. Ngoài ra, điều 37 lau65t 1925 còn phạt vạ và phạt giam từ 15 ngày đến 6 tháng (hoặc một trong hai hình phạt này) những quản lý viên nào, do chính mình hay do một đệ tam nhân trung gian, đã kêu gọi công chúng góp vốn cho hội bằng cách phát hành công cộng chứng khoán. Điều 322 LTM 1972 phạt vạ tội này từ 5.000$ đến 100.000$ và phạt giam từ 15 ngày đến 6 tháng (hoặc một trong hai hình phạt này).
V.2: Quyền hành các nhân của hội viên:
1466._ Quyền hành các nhân. _ Theo điều 30 luật 1925, mỗi hội viên đều có quyền đòi thông tri tại trụ sở hội các bản tổng kê, kê  khai và phúc trình của hội đồng kiểm soát. Hội viên có quyền đòi thông tri bất cứ lúc nào: chỉ khi nào hội có trên 20 người, quyền thông tri mới bị hạn chế trong thời hạn 15 ngày trước khi họp đại hội đồng. Sự tham khảo các tài liệu này là một phương thức để các hội viên kiểm soát công việc của quản lý. Điều 230 LTM 1972 cũng quy định quyền tham khảo này: “Quản lý phải để sẵn các tài liệu trên”, trương mục lỗ lãi, và tờ trình của ủy ban kiểm soát tại hội sở ít nhất là 15 ngày trước ngày đại hội để các hội viên tham khảo. Ngoài ra, điều 84 TMTP, 227 LTM 1972, còn định rằng, mặc dù hội quy có định khác, mỗi hội viên đều có quyền tham gia vào các quyết nghị và quyết định của hội. Như vậy, trái với trường hợp công ty hợp danh trong đó các hội viên bị cấm can thiệp vào việc quản lý hội, hội viên trong công ty TNHH được tham gia sinh hoạt hội, và quyền này là quyền pháp định không thể bị hội quy tước bỏ. Các hội viên xử hành quyền này tại đại hội đồng của hội.
1467._ Đại hội đồng hội viên: Theo điều 87 TMTP, quản l1y có thể mời các hội viên họp đại hội đồng mỗi khi quản l1y thấy rằng sự triệu tập thích đáng cho công việc điều hành hội. Như vậy, quản lý có thể triệu tập thích đáng cho công việc điều hành hội. Như vậy, quản lý có thể triệu tập đại hội đồng bất cứ về vấnđề gì mà quản lý thấy rằng nên lấy ý kiến của các hội viên. Thông thường, trước khi làm một việc gì quan trọng, quản l1y hỏi ý kiến các hội viên trước để bao yểm trách nhiệm cho mình về sau. Ngoài những trường hợp quản lý tự ý hỏi ý kiến các hội viên, còn có những trường hợp quản lý bắt buộc phải triệu tập đại hội đồng, thí dụ về những công việc chỉ có thể được thực hiện sau khi hội quy được sửa đổi. Dù sao, mỗi năm, quản lý phải triệu tập đại hội đồng ít nhất là một lần, để phúc trình về công việc của mình: phúc trình của quản lý phải được chép vào quyền sổ lưu chiểu các biên bản những cuộc hội bàn của hội. Điều 29 luật 1925, điều 229 LTM 1972, quy định hơi khác: Theo các điều này, nếu hội có trên 20 hội viên, quản lý mới phải triệu tập đại hội đồng mỗi năm ít nhất một lần, vào thời kỳ ấn định trong hội quy. Đặc biệt, nếu vốn của hội bị hụt mất 3/4 thì quản lý phải triệu tập hay hỏi ý kiến hội viên về việc giải tán hội (Điều 235 LTM 1972). Kỳ dư, quản lý có thể triệu tập đại hội mỗi khi cần thiết; _ Nếu quản lý không triệu tập, ủy ban kiểm soát có quyền triệu tập, và chính các hội viên cũng có quyền yêu cầu đại hội nhóm họp, miễn là nhân số các hội viên đứng ra yêu cầu tiêu biểu được cho quá nửa số vốn hội. Luật 1925 không quy định về thể thức triệu tập đại hội; thực tế, các hội viên được quản lý mời bằng thư bảo đảm. Luật TMTP, điều 81, quy định rõ ràng rằng, các hội viên phải được mời bằng thơ bảo đảm có biên nhận, 8 ngày trước đại hội. Điều 225 LTM 1972 nói rõ hơn nữa rằng, khi triệu tập đại hội, quản lý phải gửi giấy mời các hội viên bằng thư bảo đảm, kèm theo chương trình nghị sự, chậm nhất là 8 ngày trước đại hội: Biên bản của đại hội đồng phải được tất cả các hội viên hiện diện cùng ký.
1468._ Thay vì họp đại hội đồng, các hội viên có thể được hỏi ý kiến tại gia nếu số hội viên không quá 20 người, theo điều 26 luật 1925 và điều 225 LTM 1972. Điều 81 TMTP cũng cho phép các hội viên được hỏi ý kiến tại gia thay vì họp đại hội đồng; điều luật không đặt điều kiện về nhân số hội viên, vì điều 64 đã hạn chế số hội viên tối đa là 20 người. Theo điều 81 TMTP, nếu hỏi ý kiến các hội viên ại nhà, quản lý phải gửi cho mỗi hội viên một bản dự thảo quey16t nghị bằng thư bảo đảm có biên nhận. Luật 1925 tại điều 26, và LTM 1972 tại điều 225, không quy định gì về cách thức gửi quyết nghị cho các hội viên.
1469._ Biểu quyết: Theo điều 85 TMTP, mỗi hội viên có bao nhiêu hội phần thì có từng ấy số phiếu, và mọi quyết định chỉ có giá trị nếu được chấp thuận do đa số hội viên tiêu biểu cho đa số quá bán bản vốn của hội, tức là phải có đa số trùng điệp: vừa đa số đầu người, vừa đa số vốn. Ta đã có dịp trình bày những vấn đề được nêu ra do sự áp dụng đa số trùng điệp này (1451, 1457). Thủ tục biểu quyết được luật 1925 ấn định trong các điều 27, 28 và LTM 1972 tại các điều 225, 227. Theo các điều này, mỗi hội viên được có một số phiếu bằng số hội phần của mình. Mọi quyết định nếu phải được một số hội viên tiêu biểu cho phân nửa số vốn chấp thuận. Ta nhận xét rằng, ở đây, luật nói một số hội viên chứ không nói đa số, thành thử vấn đề đặt ra là có phải đa số trùng điệp hay không. Ta đã thấy rằng học lý không đồng ý về vấn đề nay (1451, 1457). Dù sao, điều 27 luật 1925 (điều 225 du75tha3o), đầy đủ hơn điều 85 TMTP, đã đặt ra một lối thoát cho trường hợp đa số nói trên không hội đủ. Gặp phải trường hợp này, các hội viên, trừ phi hội quy định kah1c, sẽ được triệu tập một lần thứ hai (hay hỏi ý kiến tại gia lần thứ hai) bằng thư bảo đảm, và, lần này, quyết định chỉ cần được đa số phiếu chấp thuận, bất kể phần vốn được tiêu biểu là bao nhiêu. Vậy với lần phát biểu ý kiến thứ hai, chỉ cần có đa số đơn thường về số phiếu chấp thuận, là đủ làm cho quyết định có giá trị.
1470._ Các quyết định do hội viên biểu quyết hay cho ý kiến tại gia phải được ghi vào một cuốn sổ có đánh số trang và được kiểm nhận do Chánh án tòa án nơi trụ sở hội và phải được lưu trữ trong 10 năm, theo điều 82, 83 TMTP, điều 226 LTM 1972, luật 1925 không quy định vể điểm này. Quyết định của các hội viên có thể bị tòa án tiêu hủy, trên nguyên tắc, nếu bất hợp lệ về hình thức, lạm quyền hay xâm phạm quyền lợi của các hội viên. Tuy nhiên, tòa án chỉ tuyên phán tiêu hủy nếu sự bất hợp lệ, lạm quyền hay xâm phạm quyền lợi của hội viên đã làm sai lạc kết quả cuộc bỏ phiếu.
V.3: Ủy ban kiểm soát:
1471._ Ủy ban kiểm soát được quy định tại điều 32 luật 1925; điều 233 LTM 1972; bộ luật TMTP không nói đến. Theo điều 233 LTM 1972 “Hội có trên hai mươi hội viên phải thành lập ngay trong hội quy một ủy ban kiểm soát gồm ít nhất ba hội viên. Thời kỳ và thể thức bầu lại ủy ban này được ấn định trong hội quy“. Nhiệm vụ của ủy ban kiểm soát trong công ty TNHH được ấn định giống như nhiệm vụ của ủy ban kiểm soát trong hội hợp tư cổ phần. Ủy ban có nhiệm vụ xem xét sổ sách, tiền bạc của hội và mỗi năm làm tờ trình lên đại hội một lần về việc giữ sổ sách và đề nghị chia tiền lời của quản lý. Nhân viên ủy ban không có trách nhiệm gì về các hành vi của quản lý, nhưng nếu chính mình có lỗi, sẽ phải chịu trách nhiệm với người đệ tam, cũng như với hội, thí dụ do sơ suất bỏ qua những hành động bất hợp lệ của quản lý hay a tòng với quản lý về những hành động ấy.
1472._ Theo ý kiến phần đông, các ủy viên kiểm soát chỉ có tư cách là thụ ủy thường của các hội viên và có thể bị bãi chức do đa số hội viên. Tuy nhiên, hội quy cũng có thể định rằng ủy viên kiểm soát chỉ có thể bị bãi chức theo cùng thể thức như việc sửa đổi hội quy (1475).

VI. SỰ PHÂN CHIA TIỀN LÃI VÀ SỬA ĐỔI HỘI QUY
1. Sự thành lập quỹ dự trữ: (1473-1474)
2. Sự sửa đổi hội quy: (1475-1477);

VII. GIẢI TÁN HỘI TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN (1478-1479)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar