Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

14. Sự vô hiệu của khế ước

SỰ VÔ HIỆU CỦA KHẾ ƯỚC

Các bộ dân luật hiện hành đã quy định những điều kiện về hình thức và nội dung các khế ước. Trong quá trình kết lập khế ước, nếu như những điều kiện này không được tôn trọng (thỏa mãn), các khế ước sẽ vô hiệu. Nói cách khác, các khế ước đó phải được coi như không được kết lập và vì vậy không thể phát sinh hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, bản khế ước vô hiệu vẫn còn, vì vậy, muốn tiêu hủy khế ước vô hiệu, phải yêu cầu tòa án phán xử minh thị về điểm này. Người ta thường phân biệt hai loại vô hiệu: Vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối. Hai loại vô hiệu này, xet về đại cương, khác nhau ở 3 điểm:
– Sự vô hiệu tương đối chỉ có thể do người nào được luật pháp bảo vệ nại ra mà thôi; trái lại, sự vô hiệu tuyệt đối, trên nguyên tắc, có thể do tất cả các người có một quyền lợi liên thiết nại ra được;
– Chứng thư vô hiệu tương đối có thể xác nhận được; điều này không áp dụng cho chứng thư vô hiệu tuyệt đối;
– Sự vô hiệu tương đối chịu một thời hiệu đoản kỳ (10 năm theo Điều 1304 DLP và 5 năm theo Điều 848 DLB, 923 DLT) ; trái lại, sự vô hiệu tuyệt đối chịu trường kỳ thời hiệu của thường luật: 30 năm DLP; 20 năm theo Điều 935 DLT và 10 năm theo Điều 857 DLB.
Bất luận là vô hiệu tuyệt đối hay tương đối, một khi được tòa án phán xử cũng có hậu quả xóa hết các hiệu lực của khế ước cả trong quá khứ trước ngày tuyên án, như là khế ước ấy chưa bao giờ được kết lập.
1. Phân biệt sự vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối
Sự phân biệt hai loại vô hiệu tương đối và tuyệt đối là kết quả của sự tiến hóa trong lịch sử luật La Mã. Trong thời kỳ đầu, khi một điều kiện liên quan đến việc kết lập khế ước không được tôn trọng, khế ước đó sẽ bị vô hiệu đối với luật pháp. Về sau, các pháp quan mở rộng phạm vi của sự vô hiệu bằng cách công nhận cho người phụ trái một số tố quyền để xin tiêu hủy khế ước để bảo vệ người này khi họ bị trục lợi. Sự phân biệt giữa ‘tố quyền xin tiêu hủy khế ước được luật pháp công nhân’ và được các pháp quan đặt ra là nguồn gốc nguyên thủy của sự phân biệt giữa vô hiệu tương đối và tuyệt đối. Hiện nay trong học lý cũng như trong án lệ, vẫn chưa có tiêu chuẩn nào minh định để phân biệt rõ ràng hai loại vô hiệu này. Trên nguyên tắc, một chứng thư được coi là bị vô hiệu tương đối, nếu người kết ước không có năng lực hành sử hoặc sự ưng thuận của họ bị hà tì. Trong trường hợp khác, sự vô hiệu sẽ có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đúng hẳn và có nhiều trừ lệ. Vì vậy, người ta đưa ra hai tiêu chuẩn khác, căn cứ vào sự phân biệt lợi ích chung và lợi ích riêng. Theo tiêu chuẩn thứ nhất, nếu sự vô hiệu được dự liệu để bảo vệ lợi ích chung thì sự vô hiệu ấy là vô hiệu tuyệt đối; trái lại, nếu chỉ để bảo vệ một lợi ích riêng, sự vô hiệu chỉ có tính cách tương đối. Tuy vậy, tiêu chuẩn này cũng không được xác đáng, vì sự phân biệt giữa lợi ích chung và lợi ích riêng rất khó. Có thể nói rằng, lợi ích chung chỉ là tổng số của các lợi ích riêng. Theo tiêu chuẩn thú hai, chỉ vô hiệu tương đối, vì sự vô hiệu chỉ dự liệu để bảo vệ lợi ích của người kết ước để chống lại khế ước mà họ đã kết lập. Trong trường hợp khác, sự vô hiệu là tuyệt đối. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng không có gì là rõ rệt, vì sự bảo vệ của cá nhân, nhiều khi cũng trùng nhập với sự bảo vệ xã hội. Do vậy, muốn phân định cho rõ phạm vi (địa hạt) của hai sự vô hiệu tương đối và tuyệt đối, chỉ còn một biện pháp là lần lượt xét các điều kiện liên quan đến sự kết lập khế ước để rõ trong trường hợp nào sự vi phạm các điều kiện đó sẽ đem lại sự vô hiệu tương đối hay tuyệt đối.
a. Các điều kiện về hình thức: Trong dân luật hiện thời, tuy nguyên tắc hiệp ý được chấp nhận, nhưng có một số khế ước còn phải tuân theo những hình thức luật định. Đối với khế ước trọng thức này, khi thiếu một hình thức quy định trong luật, lẽ dĩ nhiên sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, ta phải phân biệt hình thức chứng cứ (ad probationem: để chứng minh) và các hình thức liên quan đến nội dung (ad validitatem: có hiệu  lực). Sự vô hiệu chỉ xảy ra trong trường hợp các hình thức liên quan đến nội dung. Trái lại, nếu chỉ là hình thức liên quan đến sự dẫn chứng, sự không tôn trọng hình thức này không làm cho khế ước vô hiệu, mà hậu quả chỉ là làm cho sự dẫn chứng khó khăn. Đối với khế ước giao vật (contrats réels: Hợp đồng thực), khế ước chỉ có thể kết lập nếu có sự giao nạp đồ vật. Trong học lý cũng như trong án lệ, sự giao nạp đồ vật này hiện nay được coi là nguyên nhân của nghĩa vụ. Dù có bỏ lý thuyết nguyên nhân thì sự giao nạp đồ vật vẫn còn là một điều kiện thiết yếu của các khế ước giao vật. Thiếu yếu tố giao nạp, các khế ước này không thể kết lập được. Vì lẽ ấy, bất luận chấp nhận quan điểm nào, khế ước giao vật sẽ bị vô hiệu tuyệt đối, nếu không có sự giao nạp đồ vật.
b. Các điều kiện về nội dung: Theo Điều 856 DLB, 932 DLT, các khế ước tuyệt đối vô hiệu là những khế ước đã thiếu một trong ba điều kiện căn bản dự liệu trong điều 651 DLB; 687 DLT: 1. Sự ưng thuận của các đương sự hay người đại diện của họ. 2. Một đối tượng chắn chắn và xác định mà các người kết ước có quyền xử phân. 3. Một nguyên nhân đích thực và hợp pháp. Điều 660 DLVN 1972 bổ sung thêm điều kiện “năng cách của người cam kết”, làm thành 4 điều kiện cần cho sự hữu hiệu của khế ước. Tuy vậy, trên nguyên tắc, hiện nay người ta vẫn áp dụng giải pháp đã có từ cổ luật La Mã và coi rằng sự vô hiệu có tính cách tương đối trong trường hợp người kết ước bị vô năng lực hành sử, hay trong trường hợp sự ưng thuận có hà tì. Trong các trường hợp khác, sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng có ba trường hợp cần phải lưu ý:
b1: Trường hợp khiếm khuyết sự ưng thuận: Trong trường hợp khiếm khuyết sự ưng thuận, trên nguyên tắc, sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối. Thí dụ: Một người muốn bán một hàng hóa, mà người đồng ước tưởng rằng mình được cho; lẽ dĩ nhiên, ở đây khiếm khuyết sự ưng thuận giữa hai người kết ước, và sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối. Song theo án lệ, trong trường hợp khiếm khuyết sự ưng thuận vì một lẽ tự nhiên, như trường hợp người điên và thiếu nhi, sự vô hiệu chỉ có tính cách tương đối. Giải pháp của án lệ là căn cứ vào hai lý do. Về phương diện lý thuyết, sự vô hiệu chỉ có mục đích bảo vệ quyền lợi của người điên hoặc đứa trẻ đã kết ước, cũng như người ta muốn bảo vệ người kết ước mà sự ưng thuận bị hà tì; vì vậy, sự vô hiệu có tính cách tương đối. Về phương diện thực tế, nếu chấp nhận rằng sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối, giải pháp này sẽ mang lại hậu quả công nhận cho người đối ước cũng được quyền xin tiêu hủy khế ước. Nhiều khi khế ước đó có thể có lợi cho người điên hay đứa trẻ đã ký kết, vì với thời gian hay giá cả đã thay đổi; nếu chấp nhận giải pháp trên, tức là đi ngược lại quyền lợi của những người mà luật pháp muốn bảo vệ.
b2: Trường hợp năng lực hưởng thụ: Kể từ khi trong dân luật bỏ hình phạt dân sự tử vong (la mort civile: civil death: cái chết dân sự, tử hình dân sự), thì không còn sự vô năng lực hưởng thụ bao quát (hoàn toàn) nữa và chỉ còn có một số trường hợp vô năng lực hưởng thụ đối với một số quyền lợi hạn định, tùy theo mục đích mà nhà làm luật theo đuổi. Trên nguyên tắc, những trường hợp vô năng lực hưởng thụ sẽ đem lại sự vô hiệu tuyệt đối.
b3: Trường hợp trùng nhập hai sự vô hiệu tuyệt đối và tương đối: Trong trường hợp người kết ước bị lầm lẫn, sự lầm lẫn này có thể vừa là hà tì của sự ưng thuận, vừa là sự lầm lẫn liên quan đến một yếu tố thiết yếu của khế ước, như là sự lầm lẫn về nguyên nhân hay chủ đích của khế ước. Nói khác đi, trường hợp này vừa là sự vô hiệu tương đối, vừa là sự vô hiệu tuyệt đối. Án lệ và học lý còn phân vân, không biết giải thích thế nào. Một số học giả cho rằng, sự vô hiệu ở đây chỉ có tính cách tương đối, vì chỉ là trường hợp hà tì của sự ưng thuận. Trái lại, một phần học lý khác chủ trương rằng, khi có sự lầm lẫn về nguyên nhân, hay về chủ đích của khế ước, sự vô hiệu bắt buộc phải có tính cách tuyệt đối. Nói tóm lại, sự hoạch định địa hạt vô hiệu tuyệt đối và tương đối rất tế nhị, chúng ta chỉ có thể nêu được nguyên tắc đại cương, không sao có thể xét hết các trường hợp.
2. Các đặc tính của hai loại vô hiệu. Hai loại vô hiệu khác nhau về ba đặc tính: 1. Số người có thể nại được sự vô hiệu; 2. Sự xác nhận vô hiệu; 3. Vấn đề thời hiệu.
a. Ai có thể nại được sự vô hiệu: Không phải bất luận người kết ước nào cũng có thể nại sự vô hiệu tương đối được. Sự vô hiệu ấy chỉ dành riêng cho người nào mà quyền lợi được sự vô hiệu ấy bảo vệ. Nói cách khác, trên nguyên tắc, người đối ước không thể nại sự vô hiệu tương đối để xin tiêu hủy khế ước chống đối với người mà luật pháp muốn bảo vệ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, luật pháp muốn bảo vệ cả hai người kết ước như trường hợp một khế ước do hai người vị thành niên kết lập. Lẽ dĩ nhiên, trong trường hợp này, hai bên vị thành niên, đều có thể nại ra sự vô hiệu tương đối. Trong trường hợp vô hiệu tuyệt đối, trên nguyên tắc, tất cả các người có quyền lợi liên thiết, đều có thể nại sự vô hiệu. Đây là trường hợp áp dụng nguyên tắc căn bản trong luật tố tụng: Người nào có quyền lợi về một việc gì đều có thể xin luật pháp phân xử. Tuy nhiên, trong thực tế theo án lệ, số người có thể nại ra sự vô hiệu tuyệt đối không phải là vô hạn. Những người này đều phải nêu ra một quyền lợi liên thiết đến sự kiện. Ví dụ: Một cái nhà được người chủ đứng bán, nhưng người mua tưởng rằng được tặng dữ. Trong trường hợp này sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, người hàng xóm của cái nhà đó không thể xin tiêu hủy khế ước vì không có quyền lợi liên thiết. Trái lại, nếu cái nhà đó người mua với mục đích dùng làm nhà chứa, lẽ dĩ nhiên người láng giềng có quyền lợi liên thiết để xin tiêu hủy khế ước nói trên. Trong án lệ, cũng cho phép công tố viên được nại tính bại luân của nguyên nhân khế ước để xin tiêu hủy.
b. Sự xác nhận chứng thư vô hiệu: Sự vô hiệu tương đối có tính cách bảo vệ, vì vậy người được bảo vệ có quyền từ khước sự bảo vệ đó và tuyên bố coi chứng thư là hữu hiệu. Nói cách khác, họ có quyền xác nhận chứng thư vô hiệu. Vậy có thể định nghĩa rằng, sự xác nhận một chứng thư vô hiệu là một chứng thư, theo đó, đương sự xóa bỏ tì tích của một khế ước và từ khước nại sự vô hiệu tương đối do tì tích ấy mang lại. Sự xác nhận là một chứng thư đơn phương, không cần sự thỏa thuận của người đối ước.
b1: Điều kiện nội dung của sự xác nhân. Sự xác nhận cần phải thỏa mãn ba điều kiện về nội dung:
– Chứng thư chỉ bị vô hiệu tương đối, chứng thư bị vô hiệu tuyệt đối không thể xác nhận được;
– Đương sự muốn xác nhận chứng thư vô hiệu phải ghi là mình biết rõ hà tì của khế ước và có ý muốn tu bổ hà tì ấy. Điều kiện này rất cần thiết vì nếu chấp nhận giải pháp khác và chỉ cần người kết ước biểu lộ ý chí muốn khế ước được hữu hiệu trong bất luận trường hợp nào, tất nhiên các người kết ước sẽ ghi trong khế ước một điều khoản xác nhận bao quát, trù liệu rằng, hai bên đã thỏa thuận là là khế ước được coi như hữu hiệu mặc dù có hà tì quan trọng đến đâu cũng vậy. Nhờ một điều khoản xác nhận có tính cách bao quát như thế, các đương sự có thể hủy bỏ tất cả các trường hợp vô hiệu trái pháp luật.
– Phải xác nhận chứng thư vào một lúc mà hà tì của sự ưng thuận không còn nữa. Thí dụ: Một người đã bị cưỡng bách ký một khế ước; lẽ dĩ nhiên, sự xác nhận chỉ hữu hiệu khi đương sự không còn bị đe dọa hay bị cưỡng bách nữa. Đối với trẻ vị thành niên, sự xác nhận cũng chỉ hữu hiệu kể từ ngày họ thành niên. Trong khi chờ đợi sự xác nhận, số phận của khế ước hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của người kết ước mà luật pháp muốn bảo vệ. Tình trạng này không khỏi có những điều bất tiện trong thực tế vì đã đem lại một tính cách bấ ổn định cho khế ước. Vì vậy, trong dự án canh cải bộ Dân luật có trù liệu giải pháp: Người đối ước có thể hối thúc đối phương phải xác nhận chứng thư vô hiệu hoặc đưa vụ kiện ra tòa án để xin tiêu hủy khế ước trong thời hạn ba tháng.
b2: Hình thức của sự xác nhận:
– Về phương diện hình thức, sự xác nhận có tính cách mặc thị hay minh thị. Theo Điều 1338 đoạn I DLP: “Chứng thư xác nhận một nghĩa vụ có thể bị vô hiệu hay bị thiệt tiêu chỉ có giá trị nếu ghi rõ nội dung nghĩa vụ đó, lý do vô hiệu và ý muốn tu bổ sự hà tì đã đem lại sự vô hiệu ấy”. Như vậy, chứng thư xác nhận phải làm bằng chứng thư viết có ghi rõ ba nội dung nói ở mục b1. Theo án lệ của Pháp, nếu thiếu một trong ba nội dung nêu ở b1, chứng thư xác nhận không bị coi là vô hiệu, nhưng đương sự phải dẫn chứng theo thường luật là đã có một sự xác nhận. Nói một cách khác, khi muốn dẫn chứng một sự xác nhận không hợp thức, nếu một chứng thư có giá trị trên 5.000 quan, đương sự phải dẫn chứng bằng bút chứng và không được nại bằng nhân chứng. Sự xác nhận cũng có thể được thực hiện dưới hình thức mặc nhiên, như trong trường hợp người phụ trái tự ý thi hành khế ước. Khoản 1 Điều 1338 quy định rằng: “Nếu không có chứng thư xác nhân, chỉ cần nghĩa vụ được tự ý thi hành, sau  thời kỳ mà nghĩa vụ ấy có thể được xác nhận hữu hiệu”. Trong án lệ của Pháp, sự thi hành khế ước, tự nói không phải là xác nhận mặc nhiên. Đối phương còn phải dẫn chứng được rằng khi người phụ trái thi hành khế ước như vậy, họ biết rõ hà tì của khế ước và có ý muốn tu bổ hà tì ấy.
– Theo Điều 853 DLB, 929 DLT: “Khi người quan hệ đã thừa nhận khế ước xin thủ tiêu, hoặc công nhiên, hoặc mặc nhiên, thì không thể kiện vô hiệu hay kiện thủ tiêu được nữa”. Và theo Điều 854 DLB, 930 DLT, thì “Thừa nhận công nhiên, thì phải có chứng thư rõ ràng, thuật nội dung khế ước thủ tiên được là thế nào, nói duyên cớ khuyết điểm thế nào mà bị thủ tiêu, và khai rõ ý bỏ không kiện thủ tiêu nữa. Nếu khế ước có nhiều khuyết điểm thì sự thừa nhận công nhiên chỉ phá được điều khuyết điểm đã đặc biệt kể rõ ra mà thôi. Đối với người thành niên thì những khế ước có thể tiêu được vì thiệt hại, chỉ có thể dùng cách thừa nhận công nhiên mà thôi, và sự thừa nhận đó cũng không được làm ngay trong văn khế có thể tiêu được”.
b3: Hiệu lực của sự xác nhận: Đối với các đương sự kết ước, không những sự xác nhận xóa hết hà tì của khế ước về tương lai mà còn có hiệu lực hồi tố, nghĩa là khế ước được coi là hữu hiệu kể từ ngày ký kết. Đối với người đệ tam, khoản, điều 1338 DLP, quy định rằng sự xác nhận không thể làm thiệt hại đến quyền lợi của người đệ tam. Danh từ người đệ tam trong định nghĩa này phải được định rõ nghĩa. Danh từ người đệ tam, theo tinh thần của điều 1338 DLP, chỉ những người kế quyền đặc định. Thí dụ người vị thành niên đã để đương một bất động sản của mình, tới khi thành niên, người dấy đem bán bất động sản cho một người khác và cách đó ít lâu lại xác nhận khế ước để đương bất hợp thức làm khi trước. Trong trường hợp này, sự xác nhận sẽ làm thiệt hại tới quyền lợi của người mua bất động sản ấy. Theo Điều 1338, sự xác nhận ấy không thể đem đối kháng với người này được. Song danh từ người đệ tam không thể chỉ các quyền người kế quyền bao quát (les ayants-cause à titre universel). Đối với họ, sự xác nhận chỉ là một hành vi của người phó quyền và vì lẽ ấy họ phải chịu hậu quả của những hành vi ấy. Giải pháp này cũng được áp dụng cho người người chủ nợ đơn thưởng; họ phải các chịu hậu quả các hành vi của các người phụ trái trừ khi những hành vi của người phụ trái có tính cách gian xảo.
c. Vần đề thời hiệu: Trong DLP, tố quyền xin thủ tiêu vì vô hiệu tuyệt đối chịu thời hiệu trường kỳ, thông thường là 30 năm (Đ. 2262 DLP). Giải pháp này bị một phần học lý công kích công kích vì khi một chứng thư bị vô hiệu tuyệt đối nghĩa là chưa từng được coi là đã được thành lập đối với pháp luật thì không thể nào nhờ thời hiệu mà phát sinh ra hiệu lực được. Tuy vậy, án lệ Pháp không chú ý đến sự chỉ trích này và vẫn áp dụng Điều 2262 cho các trường hợp vô hiệu tuyệt đối. Tại Điều 857 DLB quy định rằng thời hiệu giải trừ đối với các nghĩa vụ là 20 năm; theo 935 DLT là 10 năm, trong trường hợp người trái chủ không hành động kể từ khi họ có quyền hành động và nếu như trong luật không định thời hạn ngắn hơn hoặc không tuyên bố là trái khoản không thể thời tiêu được. Điều này có nghĩa là Dân Luật Việt Nam đã dự liệu có những nghĩa vụ không thể tiêu diệt; nhưng chưa có điều khoản nào quy định rõ rệt điều khoản đặc biệt này. Đối với các tố quyền xin tiêu hủy khế ước vô hiệu tương đối, Điều 1304 DLP quy định thời hiệu đoản kỳ là 10 năm trừ trường hợp luật quy định ngắn hơn. Và tố quyền xin vô hiệu tương đối là 5 năm theo khoản 2 Đ 863 DLT, khoản 2 Đ 936 DLT. Cần lưu ý là thời hiệu chỉ áp dụng cho các hợp ước, không áp dụng cho các chứng thư đơn phương như chúc thư hay chứng thư thừa nhận hoặc khước từ thừa kế.
c1: Căn bản của thời hiệu:
– Thời hiệu trường kỳ, thông thường được biện minh bằng những lý do liên quan đến lợi ích chung. Sau thời gian dài, nếu người trái chủ không bi khởi kiện, họ có lỗi vì quá lơ đễnh đối với quyền lợi của họ; Mặt khác, tính cách ổn định của các việc giao thiệp trong xã hội rất cần thiết về phương diện pháp lý, vì vậy mặc dù một khế ước vô hiệu, cũng cần phải công nhận khế ước đó sau một thời gian. Sau nữa, về phương diện dẫn chứng, người phụ trái sẽ khó viện dẫn được chứng cứ nếu người trái chủ để thời gian trôi qua rất lâu rồi mới khởi kiện.
– Thời kiệu đoản kỳ, người ta đưa ra hai lý thuyết. Theo một số học giả, căn cứ vào nguyên tắc ý chí tự do, thời hiệu đoản kỳ, có thể coi như là một sự suy đoán của sự xác nhận mặc nhiên. Trong một thời gian khá dài, người trái chủ đã không khởi kiện, như vậy có thể nói rằng,họ đã khước từ tố quyền xin tiêu hủy. Một số các luật gia khác, căn cứ vào lợi ích của xã hội, chủ trương rằng, đối với các khế ước vô hiệu tương đối, nếu chờ đợi quá lâu, về số phận của các khế ước ấy, sẽ có sự thiệt hại không những cho người kết ước mà cả cho nền kinh tế xã hội nữa. Vì vậy, tình trạng bất ổn cần chấm dứt. Sự tranh luận vấn đề căn bản lý do của thời hiệu không phải đơn thuần về  lý thuyết, mà từ đó có áp dụng trong thực tiễn, vì tùy theo quan niệm được chấp thuận, khởi điểm của thời hiệu được tính theo một cách khác.
c2: Khởi điểm của thời hiệu: Đối với lý thuyết có tính cách xã hội, vì thời hiệu liên hệ đến quyền lợi chung, nên thời hiệu được tính khởi điểm ngay từ ngày kết lập khế ước, để sớm chấm dứt tình trạng bất định. Đối với lý thuyết căn cứ vào sự xác nhận mặc nhiên, thời hiệu chỉ khởi điểm từ ngày đương sự có đủ năng lực để xác nhận chứng thư vô hiệu. DLP, DLB, DLT đã chấp nhận theo lý thuyết thứ hai – sự xác nhận mặc nhiên. Các điều khoản đã quy định rằng, trong trường hợp cưỡng bách thời hiệu khởi điểm từ ngày sự cưỡng bách đó đã chấm dứt; trong trường hợp lầm lẫn và khi trá, khởi điểm là ngày các hà tì này bị khám phá; trong trường hợp vị thành niên, khởi điểm là ngày đứa trẻ đã đến tuổi trưởng thành; trong trường hợp các người bị cấm quyền, khởi điểm là ngày sự cấm quyền giải hiệu.
c3: Hiệu lực của thời hiệu: Một khi thời gian luật định đã trôi qua, tố quyền xin tiêu hủy sẽ bị tiêu diệt, bất luận là sự vô hiệu có tính cách tương đối hay tuyệt đối.
3. Hậu quả của sự vô hiệu: Sự vô hiệu của khế ước, dù tuyệt đối hay tương đối, một khi đã được thẩm phán công nhận, đều có hậu quả giống nhau. Các hậu quả ấy có thể tóm tắt trong 3 điểm: 1. Toàn thể khế ước bị tiêu hủy; 2. Sự tiêu hủy có hiệu lực hồi tố; 3. Sự vô hiệu sẽ không do người làm lỗi nại ra.
a. Toàn thể khế ước bị tiêu hủy: Tất cả các nghĩa vụ mà khế ước phát sinh ra đều bị tiêu hủy, bất kể là nghĩa vụ của người phụ trái hay trái chủ và cũng không phân biệt là các nghĩa vụ đó có tính cách chủ yếu hay phụ đối. Tuy vậy, trong thực tế, việc áp dụng nguyên tắc này cũng gặp nhiều khó khăn. Khế ước có nhiều điều khoản. Trong số các điều khoản ấy chỉ có một vài điều khoản vô hiệu, còn những điều khoản khác vẫn hợp pháp. Trong trường hợp này, khế ước có hoàn toàn vô hiệu không? Trong bộ dân luật Pháp, nhà làm luật đã đề cập đến ảnh hưởng của một điều kiện điều kiện vô hiệu đối với toàn bộ khế ước. DLP giải quyết vấn đề này tùy theo khế ước là chứng thư vô thường hay hữu thường. Theo Điều 1172 DLP, khế ước hữu thường sẽ bị vô hiệu toàn bộ nếu như điều kiện ghi trong khế ước có tính cách vô hiệu. Đối với khế ước vô thường, điều 900 DLP định rằng, chỉ có điều kiện vô hiệu bị tiêu hủy, còn sự tặng dữ vẫn có giá trị. Tuy nhiện, ngày nay, người ta không còn chú ý đến chứng thư vô thường hay hữu thường nữa. Bất luận trong trường hợp nào, khế ước chỉ bị tiêu hủy nếu điều kiện hay ước  khoản bất hợp pháp được tòa án coi là thiết yếu, nghĩa là có tính cách xung động và quyết định đối với ý chí của các bên kết ước. Trái lại, những trường hợp khác, chỉ riêng có điều kiện bất hợp pháp bị tiêu hủy mà thôi, còn giá trị chứng thư không bị xâm phạm tới. Các bộ dân luật Đức và Thụy sĩ chấp nhận giải pháp tương tự.
b. Sự tiêu hủy có hiệu lực hồi tố: Bất luận sự vô hiệu có tính cách tuyệt đối, khế ước bị tiêu hủy cũng được coi như không hề được kết lâp và không hề có một hiệu lực nào trong quá khứ cũng như trong tương lai. Nguyên tắc nói trên được áp dụng đối với người lập khế ước cũng như đối với các người đệ tam.
b1: Sự vô hiệu đối với người lập khế: Lẽ dĩ nhiên, nếu khế ước chưa thi hành, vấn đề không gặp nỗi khó khăn nào cả. Người ta chỉ coi khế ước như không bao giờ được kết lập. Nếu khế ước đã được thi hành một phần hay toàn thể, vấn đề sẽ nan giải hơn. Trong trường hợp này, người ta sẽ cố gắng thiết lập lại nguyên trạng, thí dụ người mua sẽ hoàn lại đổ và người bán sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên, đối với khế ước liên tiếp (contrats successifs: hợp đồng liên tiếp), giải pháp trên đây không thể áp dụng được. Thí dụ: Đối với khế ước thuê nhà bị tiêu hủy, sự vô hiệu không thể nào xóa hết được trong quá khứ việc người thuê nhà đã ở trong căn nhà đó. Vì vậy, tuy khế ước bị hủy, trên nguyên tắc, người thuê nhà không bị bắt buộc phải trả tiền thuê nhà, nhưng họ vẫn phải trả số tiền bồi thường về sự chiếm hữu (indemnité d’occupation); khoản tiền này có thể khác giá tiền thuê nhà. Đối với người lập khế, nguyên tắc hồi hiệu sự tiêu hủy có hai trừ lệ:
– Trừ lệ thứ nhất: Đối với người vô năng lực, để bảo vệ họ một cách hiệu quả, nhà lập pháp định rằng họ không phải hoàn lại những số tiền gì mà họ đã nhận được và đã tiêu phí; Theo Điều 1312 DLP, 852 DLB, và 928 DLT, họ chỉ phải hoàn lại những khoản nào có thể coi là một sự đắc lợi đối với họ (un enrichissement: sự làm giàu). Lẽ dĩ nhiên, đối phương phải dẫn chứng về điểm này. Theo án lệ của Pháp, đối phương sẽ phải dẫn chứng rằng người vô năng đắc lợi ở hai thời điểm sau: Ngày người vô năng lực xin hủy khế ước hay ngày đương sự hết vô năng lực trong trường hợp tình trạng vô năng lực chấm dứt trước khi xin tiêu hủy khế ước.
– Trừ lệ thứ hai: Đối với các khế ước trái với luân lý, sau khi đã tiêu hủy những khế ước này, tòa án áp dụng tục giao la tinh: “Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” (Không ai có thể nại trước tòa hành vi phi luân của mình). Như vậy, nếu đương sự đã có hành vi bại luân, khiến khế ước do đó bị tiêu hủy, đương sự sẽ không thể căn cứ vào sự tiêu hủy này để xin hoàn lại các cung khoản mà họ đã thi hành.
b2: Sự vô hiệu đối với người đệ tam: Sự phản hồi vô hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người đệ tam, như quyền lợi của các người kế quyền đặc định (les ayants-cause à titre particulier). Quyền lợi của những người này là do quyền lợi lập ước mà có. Vì vậy, trên nguyên tắc, khi quyền lợi của người lập ước bị tiêu hủy, quyền lợi của những người kế quyền đặc định cũng không còn. Sự áp dụng nguyên tắc này không khỏi có những điều trở ngại trong thực tế. Vì vậy, đối với động sản, sự giao dịch phải nhanh chóng, các đương sự không có thời gian kiểm điểm lại sự hữu hiệu của những chứng thư có từ trước đối với động sản ấy. Vì vậy, theo Đ 2279 DLP, 553 DLB, 570 DLT, một người ngay tình mua một động sản được coi là sở hữu chủ, mặc dù sau này nếu quyền lợi của người bán động sản đó bị tiêu hủy. Đối với bất động sản, giải pháp hơi khác. Trong dân luật Pháp, sự ký kết khế ước đã làm chuyển dịch ngay quyền sở hữu. Tuy luật có bắt buộc phải đăng ký nhưng  đăng ký này chỉ nhằm đối kháng với người thứ ba. Bản án xử tuyên hủy một khế ước chuyển hữu bất động sản cũng phải được đăng ký vào sổ địa bạ. Song biện pháp này chỉ có thể bảo vệ những người chưa kịp ký kết với đương sự và không có hiệu quả gì đối với các người đã kết ước với đương sự trường ngày đăng ký vào địa bộ. Ở Đức, chế độ địa bạ lại khác hẳn. Một chứng thư chuyển hữu hay thiết lập một vật quyền đối với một bất động sản chỉ có thể đăng ký sau khi sự hữu hiệu của chứng thư đã được một viên thẩm phán xét đoàn. Sau khi đã đăng ký, sự hữu hiệu của chứng thư sẽ không thể vì bất cứ một lý do gì mà có thể dị nghị được nữa.
c. Sự vô hiệu sẽ không do người làm lỗi nại ra: Khi người nào do lỗi của mình gây ra sự vô hiệu của khế ước, người ấy không thể nại ra sự vô hiệu ấy để được xin bồi hoàn. Giải pháp này rất dễ hiểu: Khi một người đã làm một sự quá thất gây tổn thiệt cho người khác, họ bắt buộc bồi thường cho sự tổn thiệt đó. Trong trường hợp một khế ước bị tiêu hủy, sự tổn thiệt gây cho đối phương, sẽ được đối phương nại ra hậu quả của sự vô hiệu. Vậy cách bồi hoàn xác đáng nhất cho đối phương là định rằng, người đã làm việc quá thất đó, không thể nại được hậu quả của sự vô hiệu đối với đối phương. Ngoài ra, nếu một người vô năng lực đã làm điểu gì quá thất, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi của họ. Áp dụng nguyên tắc này đối với các khế ước do họ ký kết, tòa án bắt họ phải thi hành những khế ước bất hợp pháp này. Tuy nhiên, đối với những trẻ vị thành niên, Điều 1037 DLP định rằng, nếu họ chỉ tuyên bố rằng, họ đã thành niên rồi, họ vẫn có quyền xin tiêu hủy khế ước. Chỉ trong trường hợp họ đã nói điêu là đã thành niên rồi khi kết lập khế ước hoặc họ có những thủ đoạn gian xảo thì họ mới không thể xin tiêu hủy khế ước. Giải pháp này cũng được chấp nhận tại Điều 850 DLB, 927 DLT. Đây là vấn đề năng lực phạm pháp của trẻ vị thành niên. Điều 926 DLT: “Trẻ vị thành niên cũng không xin thiệt tiêu được các nghĩa vụ do các dân sự phạm hay các chuẩn dân sự phạm phát sinh ra, nếu y đã tri tình hành động”./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

1
Bình luận

avatar
mới nhất cũ nhất tích cực
Trung Ho
Khách
Trung Ho

Quá hay, công trình nghiên cứu về pháp luật hợp đồng được đầu tư khá công phu và kỹ lưỡng từ nguồn gốc của chế định hợp đồng và hợp đồng vô hiệu, phân loại vô hiệu và hậu quả vô hiệu trong pháp luật cổ