Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

15. Hiệu lực của khế ước

HIỆU LỰC CỦA KHẾ ƯỚC

Trước khi nghiên cứu hiệu lực của khế ước, cần phải lưu tâm phân biệt rõ giữa hiệu lực của nghĩa vụ và hiệu lực của khế ước. Hiệu lực của khế ước làm phát sinh ra nghĩa vụ của những người kết ước. Nếu chỉ xét qua vấn đề, có thể ngộ nhận rằng, nghiên cứu hiệu lực của khế ước chính là nghiên cứu hiệu lực của nghĩa vụ. Sự thực, hai điểm này không thể lầm lẫn với nhau được. Hiệu lực của khế ước chính là sự tạo lập ra nghĩa vụ. Khi nghiên cứu hiệu lực của khế ước chỉ có thể phân tích các vấn đề liên hệ đến tính chất của nghĩa vụ ấy; như nghĩa vụ sẽ có hiệu lực thúc buộc như thế nào và thúc buộc ai. Trái lại, hiệu lực của nghĩa vụ được cam kết là sự thi hành do người phụ trái phải đảm đương.  Vấn đề thứ hai này không những bao trùm nghĩa vụ khế ước, mà còn được nêu lên đối với các loại nghĩa vụ khác, bất luận do nguồn gốc nào phát sinh. Sự phân biệt giữa hiệu lực của khế ước và hiệu lực của nghĩa vụ không được nhà làm luật ghi nhận rõ trong ba bộ luật DLP, DLB, DLT. Vì vậy, chúng ta chỉ phân tích 3 điểm liên hệ đến vấn đề hiệu lực của khế ước mà thôi: 1. Người phụ trái bị khế ước thúc buộc tới mức nào? Đây là vấn để thúc buộc của nghĩa vụ. 2. Khế ước phải giải thích như thế nào? 3. Ai có thể xin thi hành nghĩa vụ và ai phải thi hành? Nói cách khác, ai là những người bị nghĩa vụ thúc buộc? Đây là vấn đề hiệu lực tương đối của nghĩa vụ.
1. HIỆU LỰC THÚC BUỘC CỦA NGHĨA VỤ. Nghĩa vụ do ý chí của các người kết ước mà có. Lẽ dĩ nhiên hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ cũng căn cứ vào nguyên tắc ý chí tự do. Tuy nhiên, ở trên nguyên tắc này, còn cần tôn trọng lợi ích chung và trật tự công cộng; vì vậy, hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ đôi khi cũng bị hạn chế. Lần lượt chúng ta xét hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ và các sự hạn chế này.
a. Nguyên tắc hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ: Khoản 1 Điều 1134 DLP: “Các hợp ước được kết lập hợp pháp thay vì luật pháp đối với những người lập ước”. (Hợp đồng được giao kết hợp pháp có giá trị như luật đối với các bên giao kết. Điều 1103 DLP 2018). Điều 673 DLB, 713 DLT cũng quy định tương tự: “Khế ước lập theo pháp luật thì đối với người lập ước, hiệu lực cũng như pháp luật“; hoặc 687 DLVN 1972: “Khế ước thành lập hợp pháp có hiệu lực như luật pháp cho hai bên cộng ước“. Nhưng ta không nên lầm lẫn rằng, các điều khoản trên đã đồng hóa hiệu lực của khế ước và hiệu lực của luật pháp trong mọi trường hợp. Giữa một đạo luật và một khế ước có nhiều sự sai biệt. Một đạo luật có tầm hiệu lực bao quát, áp dụng cho tất cả mọi người; trái lại, một khế ước chỉ có hiệu lực cho các người kết ước. Một số luật pháp có tính cách cưỡng bách (lois impératives: luật bắt buộc) và các người kết ước bị bắt buộc phải tuân theo. Khế ước nào vi phạm vào những điều ấy, sẽ bị coi là vô hiệu. Như vậy, đối với các điều luật cưỡng chế có hiệu lực mạnh hơn ý chí của tư nhân. Trái lại, đối với các điều luật giải thích (lois interprétatives: luật diễn giải), ý chí của người kết ước mạnh hơn và có thể trù liệu trong khế ước những điều khoản minh thị trái hẳn với các điều luật giải thích này. Như vậy, Khoản 1 Điều 1134 DLP, Điều 673 DLB, 713 DLT; 687 DLVN 1972, chỉ có nghĩa là, các nghĩa vụ của khế ước cũng bắt buộc các người kết ước như một nghĩa vụ pháp định mà thôi. Hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ căn cứ vào ba lý do:
Theo nguyên tắc ý chí tự do, uy lực của ý chí cá nhân hoàn toàn mạnh mẽ, ý chí ấy có thể thúc buộc cá nhân ngang hàng với luật pháp;
Về phương diện kinh tế và xã hội, các sự giao thương cần phải có tính cách ổn định. Sự thành tín là căn bản của sự thịnh vượng. Nếu các người kết ước không thể tin cậy vào những khế ước đã được thiết lập, sự hoang mang này sẽ rất có hại cho nền kinh tế quốc gia;
Vì hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ căn cứ vào ý chí của cá nhân, cho nên, nếu có sự ưng thuận của các người kết ước, khế ước có thể được giải hiệu hay phế bãi. Đây là trường hợp thỏa thuận giải hiệu (résiliation amiable: chấm dứt thân thiện) hay giải hiệu hợp ước (résiliation conventionnelle: chấm dứt thông thường), hay phế bãi (révocation: thu hồi). Những trường hợp giải hiệu hay phế bãi này cần phải phân biệt với trường hợp vô hiệu (nullité: sự vô hiệu), hay giải trừ (résolution: tiêu hủy). Trong trường hợp vô hiệu, khế ước được coi như không bao giờ được kết lập. Hiệu lực của khế ước bị xóa hẳn cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nói cách khác, sự vô hiệu có tính hồi tố. Trong trường hợp giải trừ, sự hồi hiệu cũng tương tự. Trong một khế ước song phương, nếu một bên kết ước không thi hành nghĩa vụ, tòa án, theo yêu cầu của bên kia, có thể giải trừ khế ước. Sự giải trừ này cũng cũng xóa hết hiệu lực của khế ước cả trong quá khứ. Trái lại, trong trường hợp giải hiệu, hoặc phế bãi, không có sự hồi hiệu. Sự sai biệt này cũng dễ hiểu, vì các người kết ước trong trường hợp giải hiệu chỉ muốn chấm dứt hiệu lực của khế ước từ ngày giải hiệu, nghĩa là, đối với tương lai thôi. Thí dụ: Một khế ước thuê nhà được giải hiệu; kể từ ngày giải hiệu, người chủ cho thuê không được lấy tiền cho thuê và người thuê phải dọn đi, bàn giao nhà. Vẫn biết rằng, người kết ước có thể đi xa hơn một mức nữa, và định thiết lập nguyên trạng, nhưng ngay trong trường hợp này cũng không thể nói rằng, sự giải hiệu có tính cách hồi tố. Sự thật, người kết ước đã thỏa thuận kết lập hai khế ước, một khế ước chấm dứt khế ước trước, và một khế ước thứ hai để thiết lập lại nguyên trạng.
– Cần phải nhấn mạnh vào tính chất bất hồi tố của sự giải hiệu, vì điểm này rất quan trọng đến quyền lợi của người thứ ba. Thí dụ: Một bất động sản đã do ông Giáp bán cho ông Ất. Ông Ất đem bất động sản đó để đương (thế chấp) cho ông Bính. Nếu sau này khế ước mua bán bất động sản giữa Giáp và Ất bị giải hiệu, sự giải hiệu này chỉ có hiệu lực trong tương lai, như vậy quyền của ông Bính vẫn còn. Trái lại, khế ước mua bán bất động sản bị vô hiệu hay giải trừ, quyền của ông Bính cũng sẽ bị tiêu hủy. Tuy ý chí cá nhân có thể giải ước, nhưng nguyên tắc này cũng có hai trừ lệ: 1. Đối với hôn khế, mặc dù tất cả các người đã tham gia vào khế ước này ưng thuận, cũng không thể thay đổi được các điều đã ký kết. 2. Đối với khế ước lập quy, ý chí cá nhân cũng không thay đổi được nội dung những nghĩa vụ của họ. Thí dụ: Trong các khế ước cộng đồng lao công do các nghiệp đoàn ký, các điều khoản được áp dụng cho toàn thể các người hành nghề. Những khế ước này có tính cách lập quy, tạo nên một quy chế chung cho các nhân công trong một nghề. Có thể nói rằng, các khế ước này nằm tại biên giới giữa hai địa hạt tư pháp và công pháp. Vì tính chất đặc biệt này, các khế ước ấy không thể do ý chí cá nhân thay đổi được.
b. Sự hạn chế hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ: Tại khoản 2 các Điều 1134 DLP, 673 DLB, 713 DLT, nhà làm luật nhấn mạnh rằng, các hợp ước có thể bị phế bãi do sự thỏa thuận của các người kết ước, lại trù liệu rằng các hợp ước cũng có thể bị phế bãi khi có những duyên cớ trong luật cho phép. Trong thực tế, án lệ rất tôn trọng nguyên tắc hiệu lực thúc buộc của nghĩa vụ; nhưng trái lại, nhà lập pháp, trong một số trường hợp, vì lý do công bằng đã chấp nhận nhiều sự trừ lệ đối với nguyên tắc trên. Các sự trừ liệu này có ba hình thức: 1. Sự giải hiệu đơn phương; 2. Sự giải hiệu tư pháp; 3. Sự giải hiệu cưỡng bách.
b1: Sự giải hiệu đơn phương (résiliation unilatérale: chấm dứt đơn phương): Giải hiệu đơn phương cũng có hai hình thức, tùy theo trong khế ước có trù liệu trường hợp đó hay không:
– Nhiều khi trong khế ước, các đương sự thỏa thuận với nhau rằng, một bên có quyền đơn phương giải hiệu. Ví dụ như khế ước thuê nhà, có điều khoản trong thời hạn thuê 6 năm, cứ đến thời điểm hết hạn 2 hay 4 năm, mỗi bên có quyền chấm dứt khế ước đó theo ý muốn. Trường hợp giải hiệu thường được trù liệu áp dụng cho hai bên, nhưng cũng có khi chỉ áp dụng cho một bên thôi. Trường hợp này rất thông thường trong luật hành chính đối với các khế ước hành chính.
– Tuy khế ước không trù liệu sự giải hiệu, nhưng nhà lập pháp trong một số trường hợp cũng cho phép một bên đương sự được đơn phương giải hiệu. Biện pháp này căn cứ vào hai lý do: Một là, khi nhà làm luật cần phải bảo vệ tự do cá nhân và không thể để cho các người tư nhân bị khế ước thúc buộc một cách vĩnh cữu. Trong các khế ước lao công vô hạn định (contrat de travail à duree indéterminée: hợp đồng không xác định thời hạn), khế ước không trù liệu thời hạn kết ước. Như vậy, không có nghĩa là người thợ phải suốt đời làm công cho người chủ, vì như thế thì khác nào tái lập lại chế độ nô lệ, phong kiến. Trong trường hợp này, nhà làm luật chấp nhận cho mỗi bên quyền giải hiệu khế ước sau khi đã báo trước cho bên kia một thời hạn. Thời hạn bãi ước này, dài hay ngắn, tùy theo nghề nghiệp. Ngoài ra, để tránh sự bãi ước qua đáng, án lệ cũng định rằng, khi không có lý do chính đáng, người bãi ước sẽ ở trong một trường hợp lạm quyền đoạn ước (abus du pouvoir de rupture du contrat: sự lạm quyền chấm dứt hợp đồng) và phải bồi thường cho bên kia, mặc dù đã tôn trọng thời hạn bãi ước. Đối với các khế ước lập hội không có thời hạn xác định, khế ước cũng được chấm dứt khi có hội viên yêu cầu, nhưng sự yêu cầu này phải do thành ý và không được làm vào lúc cơ hội bất lợi (1869 DLP; khoản 7 1227 DLB; 1468 DLT). Đối với khế ước ủy nhiệm, sự giải hiệu đơn phương cũng được luật pháp chấp nhận (Đ 2003, 2007 DLP; 1191, 1196 DLB; 1415, 1421 DLT). Giải pháp này dễ hiểu vì khế ước ủy nhiệm căn cứ vào sự tin cậy giữa các người kết ước. Nếu người ủy quyền hay người thụ ủy không muốn thi hành khế ước đó, tất nhiên khế ước này phải chấm dứt. Tuy nhiên, trong trường hợp người thụ ủy tự ý giải tiêu không có duyên cớ chính đáng và cần thiết, nếu người ủy quyền chịu tổn thiệt, thì người thụ ủy phải có trách nhiệm bồi thườn sự tổn thiệt này (2007 DLP; 1196 DLB, 1421 DLT). Bên cạnh những trường hợp bảo vệ sự tự do của tư nhân, nhà làm luật còn cho phép đơn phương giải hiệu khế ước trong một số trường hợp, vì sự thi hành khế ước trong các trường hợp này quá nguye hiểm đối với một bên kết ước. Trong trường hợp này, chỉ riêng người kết ước được luật pháp bảo vệ mới có quyền xin giải hiệu. Thí dụ: Quyền của người tặng chủ xin phế bãi sự tặng dữ hay quyền của người nghĩa phụ, nghĩa mẫu hay nghĩa tử xin phế bãi khế ước nghĩa dưỡng.
b2: Sự giải hiệu tư pháp (la résiliation judiciaire: chấm dứt tư pháp): Mặc dù không có sự thỏa thuận của hai bên kết ước, tòa án có thể chấp nhận lời yêu cầu của một bên, để cho giải hiệu khế ước trên cơ sở đưa ra lý do bên vực người phụ trái, trái chủ hoặc bảo vệ quyền lợi chung. Tuy nhiên, Tòa án phải rất dè dặt trong việc cho giải hiệu khế ước.
– Sự bênh vực người phụ trái: Trong một vài trường hợp, sụ thi hành khế ước trở nên vô cùng khắc nghiệt đối với người phụ trái. Các thẩm phán có thể chú trọng đến tình trạng này để giải hiệu khế ước cho người phụ trái. Cần phân biệt hai trường hợp:
+ Nếu không có một biến cố nào xảy ra: Tình trạng lúc thi hành khế ước cũng giống như tình trạng lúc kết ước, lẽ dĩ nhiên, không có lý do gì để giải hiệu khế ước. Dù các điều khoản của khế ước có khắc khổ đến đâu, người phụ trái vẫn phải thi hành. Giải pháp này là hệ luận của nguyên tắc ý chí tự do, tự mình thúc buộc mình. Tuy nhiên, Điều 1244 BDL Pháp công nhận cho các thẩm phán quyền cho người phụ trái được hưởng một ân hạn, nhưng ân hạn này không quá một năm. Điều 796 DLB, 858 DLT cũng cho thẩm phán được quyền ân hạn nhưng không bị hạn chế trong một năm. Ngoài ra, theo án lệ của Pháp, trong một vài trường hợp, thẩm phán cũng có quyền thay đổi nội dung khế ước, như giảm bớt tiền thù lao của các người thụ ủy trong khế ước ủy quyền, tuy số tiền này đã được người ủy quyền chấp thuận. Giải pháp này cũng áp dụng cho người đứng trung gian mối lái. Tuy vậy, giải pháp này của án lệ không mở rộng cho tất cả các loại khế ước. Các điều 1134 DLP, 673 DLB, 713 DLT quy định rằng: Các hợp ước phải được thi hành với thành ý. Một sự thi hành thành ý không bao giờ trái với lẽ công bằng. Tuy nhiên, các thẩm phán không thể viện dẫn các điều luật trên để điều chỉnh các nội dung của khế ước.
+ Trường hợp nghĩa vụ bị những biến cố thay đổi sau khi kết lập khế ước: Nếu những biến cố này đã được hai bên lập ước dự trù khi ký kết khế ước, lẽ dĩ nhiên, không một bên nào có thể nại ra sau này để xin giải hiệu. Vấn đề cần thảo luận là những biến cố bất tiên liệu xảy ra sau khi kết ước, có thể là một duyên cớ chính đáng để xin giải hiệu hay không? Trong trường hợp biến cố bất tiên liệu này có tính cách không thể cưỡng lại được (irrésistible), khiến sự thi hành nghĩa vụ trờ nên bất khả (impossible: không thể nào), biến cố ấy sẽ hội đủ những điều kiện của một phương án bất khả kháng vì có hai tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng. Chúng ta sẽ rõ là trong trường hợp bất khả kháng, người phụ trái được miễn thi hành nghĩa vụ của mình mà không phải chịu trách nhiệm. Song nếu trường hợp bất tiên liệu chỉ có hậu quả làm cho sự thi hành thêm khó khăn mà không cản trở hẳn, các vị thẩm phán có quyền giải hiệu khế ước  không? Lý thuyết cho giải hiệu khế ước trong tình trạng này được mệnh danh là lý thuyết bất tiên liệu (théorie de l’imprévision: lý thuyết về sự không thể đoán trước được). Đối với lý thuyết này, án lệ của các tòa án trong hai ngành tư pháp và hành chánh đã chấp nhận hai giải pháp khác nhau. Trong ngành án lệ tư pháp, lý thuyết bất tiên liệu đã bị bác một cách tuyệt đối, tuy người ta đã đưa ra nhiều cách giải thích để chủ trương rằng sự can thiệp của vị thẩm phán để thay đổi nội dung khế ước hay để chấm dứt khế ước trong tình trạng bất tiên liệu chỉ phù hợp với sự công bằng. Sự giải thích thứ nhất căn cứ vào tục giao La tinh “nguyên trạng bất biến(Rebus sic stantibus: vấn đề còn tồn tại), mượn ở công pháp quốc tế. Tức là, đối với các hiệp ước được ký kết giữa các quốc gia, nếu tình trạng lúc kết ước thay đổi sau này, các quốc gia có quyền chấm dứt các hiệp ước ấy. Một số luật gia chủ trương rằng, tục giao La tinh ‘Rebus sic stantibus‘ phải được coi là như là một điều khoản mặc nhiên trong các khế ước dân sự. Nhưng lập luận này không thể chấp nhận được vì trái hẳn với sự thật. Nếu hai bên kết ước muốn giành cho mình quyền giải hiệu trong trường hợp bất tiên liệu, tất nhiên đã ghi chú rõ vào trong nội dung khế ước. Hơn nữa, trong thực tế, sở dĩ hai bên phải làm khế ước, chính vì họ e sợ trong tương lai có những trường hợp bất tiên liệu. Chấp nhận thuyết bất tiên liệu, sẽ đi ngược lại ý chí của người đồng ước. Giải thích thứ hai, căn cứ vào sự thiệt thòi (lésion: tổn thương) để giải hiệu khế ước, vì một bên kết ước phải thi hành nghĩa vụ trong những điều kiện quá tốn kém; nhưng giải pháp này cũng không xác đáng vì hai lẽ: Một là, sự thiệt thòi chỉ được luật pháp chấp nhận trong một số trường hợp hạn định. Ngoài ra, sự thiệt thòi là một hà tì liên hệ đến sự kết lập khế ước. Trong trường hợp xin giải ước vì sự thi hành trở nên khó khăn, khế ước vẫn hoàn toàn không có yếu tố nào bị xâm phạm, như vậy không thể viện dẫn sư thiệt thòi để giải hiệu khế ước được. Một giải pháp thứ ba, tìm cách giải thích sự giải hiệu bằng thuyết đặc lợi không nguyên nhân (enrichissement sans cause: làm giàu bất chính). Khi khế ước phải thi hành, trong các điều kiện trở nên khó  khăn hơn cho một người kết ước, nếu không giải hiệu thì khế ước ấy sẽ tạo ra một đắc lợi không nguyên nhân cho người đối ước. Tuy nhiên, luận cứ này không đứng vững, vì sự thực, sự đắc lợi mà người đối ước được hưởng có một nguyên nhân rất chính đáng: Nguyên nhân ấy là khế ước mà các đương sự đã ký kết với nhau. Một giải pháp thứ tư, căn cứ vào thuyết lạm quyền (abus de droit: lạm dụng quyền) cũng bị tòa án tư pháp bác bỏ. Theo án lệ, chỉ có sự lạm quyền trong trường hợp đương sự đã làm một điều quá thất. Ki một người kết ước, căn cứ vào khế ước mà họ đã ký kết để được hưởng một lợi ích, thì việc ấy là kết quả rất tự nhiên trong việc giao thương, không phải là một quá thất. Vì vậy, không thể nói họ làm quyền, mặc dù những biến cố bất tiên liệu đã khiến cho sự lợi ích của họ đã tăng lên quá mức họ chờ đợi. Cũng cần nhấn mạnh rằng, tuy trong ba bộ luật DLP, DLT, DLB, không có một điều khoản tổng quát nào quy định minh bạch vấn đề bất tiên liệu, song đối với khế ước thầu hay làm khoán (contrat d’entreprise: hợp đồng kinh doanh), cả ba bộ dân luật, tại các điều 1076 DLB, 1252 DLT, 1793 DLP, đã trù liệu rằng: “Trong trường hợp kiến trúc sư hoặc nhà thầu chịu trách nhiệm xây dựng khoán một công trình theo thiết kế đã được người chủ ưng thuận, thì người kiến trúc sư hay nhà thầu không thể đòi tăng thêm giá vì lẽ nhân công hay vật liệu đã tăng giá. Như vậy, nhà làm luật đã tỏ rõ ý kiến không chấp nhận lý thuyết bất tiên liệu trong trường hợp đặc biệt này.
– Sự bênh vực trái chủ:  Hầu như không có. Chỉ một đôi khi như trong trường hợp vận chuyển, do trách nhiệm vận chuyển nặng hơn vì lý do an ninh.
– Sự bênh vực lợi ích công cộng: Chỉ xảy ra rất ít, chủ yếu là ở các nước theo chế độ độc tài.
b3: Sự giải hiệu cưỡng bách (la résiliation forcée: buộc chấm dứt): Trong những trường hợp giải hiệu cưỡng bách, trên nguyên tắc không cần tới sự can thiệp của thẩm phán vì khế ước bắt buộc phải chấm dứt. Trong thực tế, hai người đối ước thường không đồng quan điểm về hiệu lực của khế ước, nên vẫn có việc tranh tụng trước tòa. Song thẩm phán trong các vụ kiện này không có toàn quyền thẩm lượng để phân định là khế ước vẫn còn hay đã bị chấm dứt theo ý kiến của họ; các khế ước ấy bắt buộc phải được giải hiệu theo luật pháp.
– Trường hợp thứ nhất là khế ước nhân vì. Những khế ước này đã kết lập giữa những người đã biết rõ nhau, và họ không chịu ký kết với người khác. Vì vậy, nếu một trong hai người mệnh một, lẽ dĩ nhiên, khế ước phải chấm dứt, các người thừa kế cũng không thể tiếp tục thi hành nghĩa vụ thay thế cho họ được nữa. Thí dụ: Ông A giao cho ông B – một họa sĩ danh tiếng vẽ một bức chân dung. Nếu ông B chết, thì khế ước sẽ chấm dứt. Những người thừa kế của ông B không thể nhận vẽ bức chân dung này được.
– Ngoài ra, nhà lập pháp, trong nhiều trường hợp, đã can thiệp để chấm dứt khế ước đã được ký kết để bảo vệ quyền lợi của người phụ trái, như khi bắt buộc hạ lãi suất cho vay; hoặc để bảo vệ quyền lợi của trái chủ, như tăng tiền niên kim. Trong khế ước thiết lập niên kim chung thân (constitution de rente viagère: thiết lập niên kim cuộc sống), người trái chủ niên kim thường giao cho người phụ trái niên kim.
2. SỰ GIẢI THÍCH KHẾ ƯỚC.
Khế ước có hiệu lực thúc buộc các người kết ước, các thẩm phán không có quyền thay đổi nội dung khế ước; nhưng các thẩm phán có quyền giải thích khế ước để biết rõ nội dung ra sao vì nhiều khi các người kết ước không đồng quan điểm về vấn đề này, phải nhờ thẩm phán giải quyết mối phân tranh. DLP, DLB, DLT đều có dự trù những quy tắc liên quan đến sự giải thích khế ước.
a. Các quy tắc giải thích khế ước. Nguyên tắc căn bản cho sự giải thích khế ước là sự tìm hiểu ý chí của các người kết ước, vì chúng ta đã biết ý chí của đương sự phát sinh ra nghĩa vụ có hiệu lực như nghĩa vụ pháp định. Chỉ riêng trong trường hợp không tìm được ý chí của đương sự thì các thẩm phán mới có thể dùng luật pháp, tục lệ hay nguyên tắc công bằng để giải thích khế ước.
a1: Sự tìm ý chí của đương sự: Trong dân luật, nguyên tắc ý chí tự do được oi là nguồn gốc của nghĩa vụ. Vì vậy các thẩm phán phải cố “Khám phá ra ý chí chung của người kết ước hơn là nghĩa đen từng chữ” (1156 DLP, 691 DLB, 732 DLT).
a2: Trường hợp không thể khám phá được ý chí của đương sự: Theo Điều 1135 DLP, 675 DLB, 716 DLT “Các hợp ước không những bắt buộc phải theo những điều đã định rõ, mà lại phải theo những điều do lẽ công bằng, tập quán hay pháp luật bắt buộc tùy theo tính chất của nghĩa vụ”.
– Luật pháp: Trong các bộ dân luật hiện hành, về đề mục khế ước, có rất nhiều điều khoản được coi như có tính cách bổ sung cho ý chí của người kết ước. Nếu khế ước không minh thị quy định về điểm này, các điều khoản bổ sung sẽ được áp dụng. Các điều khoản này được mệnh danh là luật giải thích: (lois interprétatives: luật diễn giải). Người ta phân biệt hai loại điều khoản bổ sung cho ý chí của đương sự là luật giải thích và luật quy định (lois dispositives).
– Tập quán: Theo Điều 1159 DLP, 695 DLB, 736 DLT: “Các khế ước phải được bổ sung bằng các điều khoản thông thường trong tập quán, tuy rằng các điều này không được ghi rõ”. Lẽ dĩ nhiên, tập quán sẽ thay đổi tùy theo bản chất của khế ước và nghề nghiệp của người đối ước. Đối với những người kết ước có nghề nghiệp, các điều khoản thuộc về tập quán có hiệu lực hơn là đối với người bình thường, vì mỗi nghề có những lệ riêng.
– Nguyên tắc công bằng: Trong việc giải thích các khế ước, nguyên tắc công bằng chỉ được các thẩm phán viện dẫn, khi không còn yếu tố nào khác để khám phá ra ý chí chung của đương sự như các điều khoản trong khế ước, thái độ của đương sự, luật pháp, tập quán. Sở dĩ nguyên tắc công bằng chỉ chiếm một địa vị phụ là vì nhà làm luật e ngại các thẩm phán có thể viện cớ tôn trọng sự công bằng mà thay đổi nội dung của khế ước, trái ngược với ý chí của đương sự. Theo Điều 1162 DLP, 697 DLB, 738 DLT: “Khi nào có điều nghi hoặc, hợp ước phải được giải thích theo cách có lợi cho người phụ trái và thiệt cho người trái chủ”. Riêng trong BDL Pháp, Khế ước mua bán, nhà làm luật đã dự trù một trừ lệ ở điều 1602 DLP: “Bên bán phải giải thích rõ nghĩa vụ của mình. Mọi thỏa thuận tối nghĩa hoặc không rõ ràng được giải thích theo hướng bất lợi cho bên bán”.
b. Vấn đề kiểm soát của tòa phá án về sự giải thích các khế ước: Nhiệm vụ của tòa phá án là kiểm soát sự áp dụng pháp luật để duy trì một lối giải thích duy nhất chứ không phải là kiểm soát xem các tòa án thẩm lượng các sự giao thiệp của tư nhân có đúng không. Vì vậy, tòa phá án của Pháp đã coi sự giải thích các khế ước như một vấn đề thực tai, chỉ liên quan đến sự xác nhận các dữ kiện. Tuy nhiên, quyền giải thích khế ước của thẩm phán cũng phải hạn chế, nếu không, các thẩm phán có thể nhân đó lấy cớ là giải thích để thay đổi nội dung khế ước. Án lệ Pháp đặt ra ba sự hạn định:
b1: Sự định danh sai lầm (la fausse qualification: trình độ chuyên môn sai): Muốn áp dụng các điều khoản luật pháp bổ sung, các thẩm phán trước hết phải định danh khế ước. Về điểm này, các thẩm phán không bị bó buộc vì sự định danh của người kết ước. Vì không am tường pháp luật, nhiều khi các người này đã đặt tên lầm cho khế ước: Một khế ước đổi chát có thể lầm là khế ước mua bán. Sự định danh rất quan trọng, vì tùy theo quyết định, các điều khoản luật pháp bổ sung được áp dụng cho khế ước sẽ khác hẳn, và nhân đó, hiệu lực của khế ước cũng bị thay đổi. Tòa phá án có quyền kiểm soát sự định danh do thẩm phán ấn định.
b2: Sự biến tính của khế ước (la dénaturation du contrat; bóp méo hợp đồng): Sự biến tính khế ước có hệ quả nghiêm trọng hơn là sự định danh sai lầm khế ước. Sự định danh sai lầm chỉ đem lại hậu quả là áp dụng sai các điều khoản bổ sung. Trong sự biến tính của khế ước, thẩm phán đi ngược lại hẳn ý chí của các người kết ước, thay đổi hẳn phối hệ và hiệu lực của khế ước. Nhưng không phải tất cả các trường hợp giải thích sai lầm đều là trường hợp biến tính của khế ước. Khế ước chỉ bị biến tính khi nào thẩm phán viện cớ giải thích để thay đổi ý nghĩa của một điều khoản minh bạch, không mơ hồ, hoặc dựa vào điều khoản không minh bạch để gạt bỏ các điều khoản minh bạch. Trong trường hợp biến tính khế ước, không phải văn từ trong khế ước mà chính là ý chí thực của các người kết ước đã bị xâm phạm. Nhưng khi có một điều khoản minh bạch, điều được phỏng đoán là điều khoản ấy phù hợp với ý chí của đương sự; vì vậy, nếu tòa án muốn gạt bỏ điều khoản này thì phải viện dẫn được đủ chứng cứ là không đúng với ý chí đương sự và không hợp với duyên cớ (nguyên nhân) khiến cho đương sự đã ghi một điều khoản như vậy. Sự kiểm soát của tòa phá án chỉ là sự kiểm soát dẫn lý. Có thể đem so sánh sự kiểm soát này với giải pháp được áp dụng trong giải thích pháp luật. Thẩm phán không thể vịn vào sự giải thích để biến tính một điều khoản pháp luật minh bạch và rành rẽ, nhưng thẩm phán có quyền gạt bỏ một sự áp dụng của luật pháp theo văn từ nếu sự áp dụng ấy đưa đến một sự vô lý (absurdité: sự vô lý), hoặc phản lại ý chí của nhà lập pháp.
b3: Kiểm soát giải thích khế ước gia nhập: Tòa phá án cần phải và phải có trách nhiệm kiểm soát sự giải thích các khế ước gia nhập để đồng nhất sự áp dụng pháp luật.
3. HIỆU LỰC TƯƠNG ĐỐI CỦA KHẾ ƯỚC.  Điều 698 DLB, 739 DLT quy định: “Các khế ước chỉ có hiệu lực giữa các người kết ước và những người phó quyền của họ”. (Người phó quyền là người chuyển giao quyền của mình cho một người khác). Khế ước chỉ có hiệu lực đối với người kết ước. Các khế ước không thể làm hại cho người thứ ba và cũng có thể làm lợi cho người thứ ba trong trường hợp được dự liệu trong luật. Đây là nguyên tắc căn bản về hiệu lực tương đối của khế ước, theo tục dao pháp lý La tinh: “Res inter alios acta, aliis neque nocere, neque prodesse potest” (Những điều được thỏa thuận giữa những người khác, không thể gây hại hay mang lại lợi ích cho bạn). Nhưng nguyên tắc này cũng không có giá trị tuyệt đối, vì khế ước không chỉ đem lại nghĩa vụ chẳng những cho người kết ước mà còn đem lại nghĩa vụ cho người kế quyền của họ. Ngoài ra, khế ước còn bị nhiều ngoại lệ, như các khế ước cho tha nhân, và nhiều ngoại lệ khác được ấn định trong các điều luật đặc biệt.
a. Nguyên tắc hiệu lực tương đối của các khế ước: Lẽ dĩ nhiên, các khế ước có hiệu lực giữa các đương sự đứng ra lập khế ước đó, trừ những điều khoản phi luân hoặc trái với trật tự công cộng. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là có những trường hợp người lập khế ước không chịu nghĩa vụ nào cả. Đó là trường hợp đại diện. Người đại biểu hay người thụ ủy, mặc dù đứng ra lập khế ước, không chịu trách nhiệm gì về nghĩa vụ đã tạo ra, chính người ủy quyền phải chịu trách nhiệm ấy. Ngoài các người kết ước, khế ước còn đem lại nghĩa vụ cho những người kế quyền của họ và các trái chủ thường. Hơn nữa, trong một số trường hợp, hiệu lực của khế ước còn ảnh hưởng cả đến những người đệ tam không liên quan gì đến đương sự.
a1: Hiệu lực khế ước đối với những người kế quyền và trái chủ: Những người kế quyền có nhiều hạng: Những người kế quyền bao quát (ayants-cause universels), những người kế quyền có tính cách bao quát (ayants-cause à titre universel) và những người kế quyền có tính cách đặc biệt. Đối với tất cả những người kế quyền, Điều 698 DLB, 739 DLT, đã quy định minh bạch rằng, khế ước cũng có hiệu lực đối với họ.
Kế quyền bao quát và có tính cách bao quát gồm: Người thừa kế, người thụ di bao quát, hoặc người thụ di có tính cách bao quát (Người thụ di bao quát là người được người chết chỉ định cho hưởng tòan bộ gia tài; người thụ di có tính cách bao quát là người được người chết chỉ định hưởng một phần gia tài; người thừa kế là người do luật pháp cho hưởng toàn bộ hoặc một phần di sản trong trường hợp người này không để lại chúc thư). Vì di sản gồm có tích sản và tiêu sản, nghĩa là bên cạnh các trái quyền cũng có những nghĩa vụ. Người kế quyền bao quát hoặc có tính cách bao quát đã chịu nhận lãnh toàn thể hoặc một phần di sản, lẽ tất nhiên, phải đảm đương những nghĩa vụ này trong phần di sản của họ. Họ chỉ tránh được nghĩa vụ này trong trường hợp họ khước từ di sản, hoặc họ đã minh thị thụ nhận với biệt lợi toàn kê (acceptation sous bénéfice d’inventaire: chấp nhận theo lợi ích phần thừa hưởng). Trong trường hợp này, họ chỉ phải thi hành nghĩa vụ của người quá cố trong phạm vi tích sản mà họ được thừa hưởng của người quá cố. Người lập ước cũng có thể thỏa thuận là khế ước không có hiệu lực đối với người kế quyền của họ. Các ước khoản có tính nhân vì thì mặc nhiên không chuyển cho người thừa kế, ví dụ như thừa kế vẽ tiếp một bức tranh cho một họa sỹ quá cố.
– Người kế quyền có tính cách đặc biệt: Những người này là những người nhận lãnh của một kẻ khác một quyền nhất định hoặc là một vật quyền (droit réel: đúng sự thật), hoặc là trái quyền (droit de créance: quyền yêu cầu bồi thường), như trong trường hợp người mua vật gì, người thụ tặng (donataire), hay người thụ di đặc biệt (là người được chỉ định trong chúc thư để hưởng một vật gì). Tất cả các người ấy đều kế nghiệp người phó quyền về quyền lợi đã được chuyển giao sang cho họ. Họ nhận lãnh quyền lợi ấy với tất cả các lợi ích của nó. Và họ cũng phải chịu tất cả những điều kiện hay trái vụ liên hệ đến quyền lợi ấy, chiếu theo tục gia La tinh: “Nemo plus juris ad alium transferre potest quam ipse habet” (Không ai có thể chuyển cho người khác nhiều quyền hơn quyền của chính mình). Như vậy, người kế quyền có tính cách đặc biệt phải tuân theo khế ước do người phó quyền ký kết trước ngày chuyển dịch quyền lợi cho họ. Nguyên tắc ấy được áp dụng trong nhiều trường hợp:
+ Người được nhường một trái quyền hưởng sự bảo đảm phụ thuộc liên hệ đến trái quyền đó;
+ Người mua một bất động sản được hưởng quyền địa dịch được thiết lập cho bất động sản ấy, nhưng y cũng phải chịu những đảm phụ, thuộc về bất động sản đó, như quyền để đương đã được thiết lập trên bất động sản ấy trước ngày bán.
– Người trái chủ: Khác với người kế quyền, các trái chủ thường hoặc trái chủ đơn đãi (créanciers chirographaires: chủ nợ không có bảo đảm), không bị chi phối bởi các khế ước do người thiếu nợ của họ lập ra. Họ  không trờ thành trái chủ hay phụ trái do các hành vi pháp lý của người thiếu nợ họ. Các khế ước do người thiếu nợ họ kết lập chỉ có hậu quả làm cho sự bảo đảm của trái chủ thay đổi, tăng hoặc giảm sự bảo đảm thu hồi nợ, vì tài sản của người thiếu nợ vốn dùng làm vật thế chấp bao quát (gage général: cam kết chung) cho các chủ nợ. Nếu do các hành vi của người phụ trái, tài sản ấy giảm bớt đi thì sự bảo đảm của chủ nợ cũng giảm bớt theo. Ngược lại, nếu tài sản ấy được tăng thêm, chấp quyền bao quát của chủ nợ cũng gia tăng theo. Nhưng nguyên tắc này cũng có nhiều ngoại lệ, vì trong vài trường hợp, các khế ước do người thiếu nợ ký kết, không thể có hậu quả đến sự thế chấp bao quát của trái chủ, vì lẽ các khế ước đó không được đem đối kháng đối với họ:
+ Tố quyền phế bãi (action paulienne): Các trái chủ đơn đãi có quyền xin hủy bỏ đối với họ hiệu lực của một khế ước  mà người thiếu nợ lập ra để làm thiệt hại đến quyền lợi của họ.
+ Sai áp bất động sản: Khi các chủ nợ đã sai áp bất động sản của người thiếu nợ và đã công bố tờ tống đạt hợp lệ, người thiếu nợ bị sai áp không có quyền thâu nhận huê lợi của bất động sản hoặc bán bất động sản đó;
+ Phá sản: Khi một thương gia đã bị tuyên bố phá sản, các khế ước do y ký kết không thể đem đối kháng với các trái chủ của y.
a2: Hiệu lực khế ước đối với những người ngoại cuộc (penitus extranei: hoàn toàn xa lạ): Các người ngoại cuộc là những người không liên quan gì đến các người lập khế ước, không thể bị chi phối bởi các nghĩa vụ cảu những người lập ước. Các khế ước không thể làm cho người ngoại cuộc trở nên người phụ trái hoặc trái chủ, trừ trường hợp cấu ước cho tha nhân. Tuy nhiên, các người ngoài cuộc  không thể không biết đến những khế ước do người khác lập ra, vì các khế ước ấy có thể đem đối kháng với họ. Trong địa hạt khế ước lao động, án lệ định rằng, người đệ tam phải chịu trách nhiệm với người phụ trái, nếu cố ý tòng pham với người này để bội ước. Trong trường hợp này, tương tự như trường hợp một nghĩa vụ toàn ngạch (obligation în solidum: nghĩa vụ vững chắc) trong nghĩa vụ liên đới. Thí dụ: Người chủ xúi giục một công nhân thôi việc ngang với một chủ nhân khác để lại làm công cho mình; người chủ một đoàn ca hát thuê một nghệ ỹ mà họ biết đã nhận giúp cho một đoàn hát khác. Trong các trường hợp này, người chủ nhân không thể bất chấp khế ước thứ nhất, mặc dù họ là người ngoài cuộc đối với khế ước ấy. Nhưng trái lại, người ngoài cuộc có quyền nại ra khế ước và sự không thi hành một nghĩa vụ của kẻ khác như các sự kiện thường. Thí dụ: Một tai nạn xe hơi xảy ra thì người thân thuộc của nạn nhân, đứng nguyên đơn đòi bồi thường, có thể nại ra khế ước chuyên chở mà nạn nhân đã ký kết. Án lệ đã thừa nhận cho họ quyền này bằng cách áp dụng lý thuyết cấu kết cho tha nhân (stipulation pour autrui: quy định cho người khác), được dự liệu tài Điều 1121 DLP. Án lệ cho rằng, khi ký kết khế ước chuyên chở, nạn nhân không những đã kết ước cho mình mà còn kết ước cho thân nhân nữa. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, các thân nhân có quyền nại khế ước này để đòi bồi thường trách nhiệm khế ước. Giải pháp này có lợi cho nguyên đơn, vì trên bình diện khế ước, khi một khế ước không được thi hành như trường hợp xảy ra tai nạn chuyên chở, đối phương không được dẫn chứng một sự quá thất nào của người không thi hành khế ước. Trái lại, nếu thân nhân đòi bồi thường theo trách nhiệm dân sự phạm, họ sẽ phải dẫn chứng một quá thất của người chuyên chở. Vấn đề dẫn chứng này nhiều khi khó khăn vì không biết rõ nguyên nhân của tai nạn xảy ra. Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh trường hợp đặc biệt về quyền sở hữu. Người nào muốn đòi một vật gì, phải xuất trình bằng khoán chứng minh quyền sở hữu. Đối phương không thể viện lẽ là y không dự vào việc lập khế ước để không công nhận khế ước ấy vì quyền sở hữu là một vật quyền có thể đem đối kháng với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng cần bảo vệ quyền lợi cho người ngoài cuộc. Để cho các người này biết rõ khi nào có một khế ước chuyển dịch quyền sở hữu có thể đối kháng với họ, Điều 700 DLB, 748 DLT đã quy định: “Sự chuyển dịch quyền sở hữu các động sản chỉ có thể đối kháng với các người đệ tam, nếu có sự trao tay thực sự của sự vật”, còn đối với quyền sở hữu bất động sản và các vật quyền phụ thuộc bất động sản thì chỉ đối kháng với người thứ ba khi có chứng thư làm trước chưởng khế và đăng ký vào địa bạ. Việc một khế ước giữa hai đương sự có thể đem đối kháng với người ngoài cuộc làm cho nguyên tắc  hiêu lực tương đối của khế ước  mất một phạm vi áp dụng đáng kể. Ngoài ra, phạm vi đó còn bị thu hẹp do các ngoại lệ quan trọng sau đây:
b. Các ngoại lệ đối với hiệu lực của khế ước:
Trên nguyên tắc, một khế ước chỉ thiết lập mối quan hệ pháp lý giữa những người lập khế ước và những người thừa kế hay kế quyền của họ. Tuy nhiên, hiệu lực tương đối của khế ước cũng chịu nhiều ngoại lệ, thu hẹp hoặc mở rộng số người mà thường lệ phải chịu hiệu lực.
b1: Các ngoại lệ thu hẹp phạm vi của nguyên tắc hiệu lực tương đối: Lẽ dĩ nhiên, các người kết ước có thể ước định với nhau để thu hẹp hiệu lực của khế ước. Họ có thể minh định rằng, khế ước ấy không có hiệu lực với người kế quyền bao quát hoặc có danh nghĩa bao quát, hay cả với những người kế quyền đặc định. Họ có thể ước định với nhau rằng điều kiện trên thi hành cho riêng các người kế quyền của chủ nợ, hay của người phụ trái hoặc cho các người kế quyền của tất cả các bên. Thí dụ: Người trái chủ và người phụ trái có thể định rằng khi có một bên một một, nghĩa vụ sẽ chấm dứt và không chuyển dịch sang sản nghiệp của các người thừa kế; Họ cũng có thể định rằng, nghĩa vụ chỉ phát sinh đối với các người thừa kế sau khi họ mệnh một, mà không có một hiệu lực gì đối với họ lúc sinh thời. Nhưng mặc dù, các người kết ước không minh thị trù liệu, hiệu lực của khế ước cũng có thể bị thu hẹp lại trong một số trường hợp đặc biệt.
– Sự thu hẹp đối với trái chủ: Điều 1122 DLP, 700 DLT quy định: “Người kết ước được coi như cấu ước cho chính mình, cho các người thừa kế và kế quyền của mình, trừ khi điều trái ngược được ghi rõ trong khế ước hoặc do bản chất của khế ước mà có”, (Điều này không được quy định trong DLB). Điều 700 có hai ngoại lệ: Một là căn cứ vào ý chí của các người kết ước và hai là căn cứ vào bản chất của khế ước. Có những khế ước, do bản chất, phải chấm dứt với sự mệnh một của người kết ước. Thí dụ: Khế ước niên kim chung thân phải chấm dứt khi người được hưởng niên kim tạ thế. Giải pháp này cũng áp dụng cho tất cả các khế ước được ký kết để bảo vệ quyền lợi cho trái chủ: Khế ước hội xã, khế ước ủy quyền.
– Sự thu hẹp đối với người phụ trái: Do điều 700 DLT và 1122 DLP, bản chất đặc biệt của một số khế ước cũng bị thu hẹp con số người đáng lẽ, theo thường lệ, phải chịu hiệu lực của các khế ước ấy và phải bị coi là người phụ trái. Đây là trường hợp khế ước nhân vì, được kết lập do tư cách đặc biệt của các người phụ trái. Đối với những khế ước ấy, một khi người phụ trái mệnh một, các nghĩa vụ của họ không thể chuyển dịch cho người thừa kế được. Ngoài ra, còn phải kể đến hai trường hợp:
+ Tố quyền phế bãi (action paulienne): Khi người phụ trái ký kết một hợp đồng với gian ý, làm giảm bớt tài sản của mình và thiệt hại đến bảo đảm quyền bao quát của trái chủ, người trái chủ có thể tránh hiệu lực này của khế ước bằng cách hành sử tố quyền phế bãi. Nhờ tố quyền này, khế ước do người phụ trái đã ký, không thể đem đối kháng được với trái chủ.
+ Các ẩn khế: Trái chủ và các người kế quyền đặc định cũng có quyền phủ nhận hiệu lực của các ẩn khế và coi những ẩn khế này như không có đối với họ.
b2: Các ngoại lệ mở rộng phạm vi của nguyên tắc hiệu lực tương đối: Có một vài trường hợp, luật pháp định rằng phạm vi hiệu lực của một khế ước được mở rộng đến quyền lợi hay nghĩa vụ của một hoặc nhiều người khác. Có khi một khế ước đem lại quyền lợi cho người ngoài cuộc; trái lại, có khi một khế ước đem lại một nghĩa vụ cho đệ tam nhân. Chúng ta lần lượt xem xét hai loại khế ước này:
b2.1: Khế ước đem lại quyền lợi cho đệ tam nhân (người thứ ba): Đó là trường hợp cấu ước cho tha nhân (stipulation pour autrui: quy định cho người khác); và tố quyền trực tiếp (action directe: hành động trực tiếp):
+ Cấu ước cho tha nhân: Cấu ước cho tha nhân là một khế ước trong đó một người, gọi là người cấu ước (stipulant:quy định), thỏa thiệp với một người khác, gọi là người dự hứa (promettant: người hứa hẹn), rằng người này sẽ làm một việc gì có lợi cho một đệ tam nhân, gọi là người thụ lợi (bénéficiaire: người thụ hưởng). Thí dụ: Trong một khế ước bảo hiểm, một người tên là A đóng cho hãng bảo hiểm B một số tiền và hãng B hứa rằng, nếu A qua đời thì hãng B sẽ trả cho người con của A là C một số tiền nhất định.
* Mối quan hệ giữa người đệ tam thu lợi và người dự hứa: Người dự hứa có nghĩa vụ trực tiếp với người thụ hưởng và người thụ hưởng trở nên một trái chủ, mặc dù y không phải là một bên trong khế ước hoặc là một người kế quyền của họ. Người thụ lợi trở thành trái chủ kể từ ngày lập ước. Như vậy, mặc dù chưa chấp nhận sự cấu ước, người đệ tam thụ hưởng cũng có một trái quyền đối với người dự hứa. Y có một tố quyền trực tiếp. Tố quyền này phát sinh ra trực tiếp trong di sản của y, không phải đi ngang qua di sản của người cấu ước. Do tính chất trực tiếp, tố quyền của người thụ lợi đối với người dự hứa có hai hậu quả quan trọng: 1. Người đệ tam thu lợi có quyền kiện thẳng người dự hứa mà không cần đem người cấu ước vào dự sự; 2. Nếu người thụ hưởng qua đời trước khi thi hành cấu ước, trái quyền của họ được chuyển sang cho người thừa kế của họ, mà không cần điều kiện họ chấp nhận cấu ước trước khi qua đời.
* Mối liên quan giữa người đệ tam thụ hưởng và người cấu ước: Người cấu ước không có ý định cam kết một nghĩa vụ nào với người đệ tam, và cũng không thể bắt người này phải có nghĩa vụ với người thụ hưởng. Như vậy, không thể có một mối liên quan có hiệu lực giữa hai người. Tuy nhiên, cũng cần phải giải quyết tranh chấp giữa người đệ tam thụ lợi với người thừa kế và trái chủ của người cấu ước. Các trái chủ của người cấu ước không có quyền gì đối với số tiền mà người dự hứa phải trả cho người thụ lợi. Ví dụ: Các chủ nợ của người bảo hiểm nhân mạng, không có quyền sai áp tại hãng bảo hiểm số tiền mà hãng này phải trả cho người đệ tam được hưởng theo khế ước bảo hiểm. Các người thừa kế của người cấu ước cũng không có quyền gì đối với số tiền mà người dự hứa phải trả cho người đệ tam thụ lợi. Vì số tiền đó chưa gia nhập vào di sản của người qua đời và không thể coi là một phần di sản của người ấy.
+Tố quyền trực tiếp: Trong vài trường hợp đặc biệt, nhà làm luật định rằng một trái chủ có một tố quyền trực tiếp đối với người thiếu nợ của người phụ trái đối với họ. Trong trường hợp cấu ước cho tha nhân, người đệ tam thụ hưởng có một quyền trực tiếp đối với người dự hứa là một người không hề ký kết gì với y. Tố quyền trực tiếp rất có ích cho người được hưởng quyền này, vì họ tránh khỏi việc chia số tiền với các chủ nợ khác (của người thiếu nợ y? ). Ví dụ: Nạn nhân một vụ tai nạn xe hơi có quyền hưởng tất cả số tiền mà hãng bảo hiểm phải trả cho chủ xe. Các chủ nợ khác của chủ xe không có quyền xin chia số tiền ấy. Trong dân luật, có bốn trường hợp quy định tố quyền trực tiếp:
*1. Quyền của người chủ nhà có thể trực tiếp đòi các người mướn nhà (sous-locataire: người thuê lại) phải trả thằng tiền nhà cho họ (Điều 1753 DLP; 1007 DLB, 1156 DLT)
*2. Quyền của nhân công của một nhà thầu khoán đối với người thuê xây cất nhà, để đòi thẳng chủ nhà tiền lương của họ, nhưng chỉ đến mức tiền mà chủ nhà còn thiếu của người thầy khoán (Điều 1798 DLP). Điều này không có ở DLB và DLT.
*3. Quyền của người ủy quyền (mandant) đối với người phó thụ ủy, nghĩa là, người người thay thế cho người thụ ủy (sous mandataire: Ủy quyền lại). Người ủy quyền có thể trực tiếp khởi kiện người phó thụ ủy nếu người này không thi hành trọn vẹn nghĩa vụ.
*4. Nạn nhân có tố quyền trực tiếp đối với hãng bảo hiểm để đòi tiền bồi thường thiệt hại.
Tố quyền trực tiếp có chỗ giống cấu ước cho tha nhân là cả hai đều đem lại cho một quyền lợi cho đệ tam nhân.
b2.2: Khế ước đem lại nghĩa vụ cho đệ tam nhân: Có nhiều khế ước không đem lại quyền lợi cho người thứ ba, mà đem lại nghĩa vụ cho họ. Người ta có thể kể ba loại khế ước đem lại nghĩa vụ cho người thứ ba:
+ Các khế ước do người đệ tam ngay tình (hay thành ý) lập ra:
*1. Các khế ước có tính cách hành vi quản trị (actes d’administration: hành vi hành chính) do người giữ tài sản của một người khác, nếu đã được ký kết ngay tình thì vẫn tiếp tục có hiệu lực đối với chủ sở hữu. Thí dụ: người chủ nhà phải thi hành khế ước cho mướn nhà do người được quyền dụng ích ký kết với đệ tam nhân (567 DLB, 587 DLT). Người bán đất mãi lai thục, sau khi chuộc đất lại và trở thành sở hữu chủ, phải thi hành những khế ước cho mướn do người mua đã ưng thuận trong lúc tạm thời làm chủ đất (966 DLB, 1099 DLT).
*2. Khế ước do người thừa kế biểu kiến (héritier apparent: người thừa kế rõ ràng) lập ra (cho mướn, cầm thế, bán …) có thể đem đối kháng với người thừa kế thật sự khi người này đã được hưởng gia tài.
*3. Người thiếu nợ, nếu ngay tình trả tiền cho người gìn giữ trái quyền, tức là người trái chủ biểu kiến, sẽ khỏi phải trả tiền cho người trái chủ thật sự (1240 DLP).
+ Cộng đồng hiệp ước: Cộng đồng hiệp ước đáng chú ý nhất là cộng đồng hiệp ước về lao động. Hiệp ước này không phải là một khế ước lao động do một công nhân kết lập với một chủ nhân. mà là một khế ước do một hoặc nhiều chủ nhân ký kết với các đại diện công nhân. Tuy chỉ vài cá nhân ký kết, song cộng đồng hiệp ước lao động có hiệu lực đối với một hoặc nhiều đoàn thể công nhân và các hội viên của đoàn thể ấy.
c. Sự cấu ước cho tha nhân
Một trong những quy tắc căn bản cảu luật nghĩa vụ là “hiệu lực tương đối của khế ước”, do Điều 1165 DLP, 698 DLB, 739 DLT quy định. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận rằng, các khế ước chỉ có hiệu lực giữa những người kết ước. điều 1165 DLP quy định một ngoại lệ tại Điều 1121. Theo điều 1121 DLP, ta có thể cấu ước cho một đệ tam nhân khi nào đấy là điều kiện của một sự cấu ước cho chính ta hay là điều kiện một sự tặng dữ của ta cho kẻ khác. Vậy sự cấu ước cho ta nhân hữu hiệu, nếu hai bên kết ước thỏa thuận với nhau trong khế ước để tạo ra một quyền lợi cho một đệ tam nhân. Nói cách khác, trong khế ước ấy, một người kết ước có thể đảm nhận nghĩa vụ đối với một đệ tam nhân không liên quan gì đến khế ước ấy mà cũng không được đại diện trong khế ước ấy. Theo khoản 3 điều 664 DLB : “Sự cấu ước cho tha nhân được coi là hữu hiệu, nếu là một điều kiện phụ của môt sự cấu ước cho chính ta, hay của một sự tặng dữ cho người dự hứa”. Điều 702 DLT: “Người ta có thể ước định cho một người ngoài, khi điều ước chủ lợi cho người ngoài ấy là môt điều phụ của điều ước chủ lợi cho người ngoài ấy là một điều phụ của điều ước chủ lợi cho chính mình hay một điều phụ cho một việc tặng dữ hoặc một việc trả nợ cho bên kia. Nếu người ngoài đó đã khai rõ là muốn hưởng lợi ấy, thời người lập ước không thể bãi bỏ đi được”. Trong dân luật Pháp, phương pháp cấu ước cho tha nhân đã chịu một sự biến chuyển khởi điểm từ cổ luật La Mã. Trong thời kỳ này, nguyên tắc bao quát và chính yếu trong luật nghĩa vụ là không ai có thể  thụ đắc một quyền lợi bằng sự trung gian của kẻ khác, nếu người ấy không phải là thuộc hạ của mình. Phương châm “Nemo alteri stipulari potest” (Không ai có thể cấu ước cho tha nhân) chỉ là một trường hợp đặc biệt áp dụng nguyên tắc này đối với sự ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, nguyên tắc trên này quá hẹp hòi nên ngay từ thời đế quốc La Mã, các luật gia đã phải đi tìm giải pháp đi sát với thực tế hơn. Do đấy, ta thấy những khế ước ghi rõ danh tánh của đệ tam nhân để hưởng quyền lợi, nhận một số tiền dù họ không thể nại khế ước ra để hành sử một tố quyền nào. Đi xa hơn nữa, trong các loại khế ước “tặng dữ với điều kiện” (donation sad modo)“hồi hoàn giá tư” (restitution de dot: bồi thường của hồi môn), người đệ tam được chỉ định để hưởng sự tặng dữ hay nhận của giá tư được hành sử tố quyền, khi người kết ước không thi hành nghĩa vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là một ngoại lệ và trên nguyên tắc, khế ước do một người lập ra không thể mang lại tố quyền cho kẻ khác. Mãi đến thế kỷ 16, các luật gia Pháp, Ý, Tây Ban Nha mới nới rộng thêm phạm vi các ngoại lệ. Charondas trong quyển Pandectes đã căn cứ vào hai bản án của các tòa án Pháp để nhìn nhận cho kẻ đệ tam có danh tánh ghi trong khế ước cho vay có quyền khởi kiện đòi nợ, khi con nợ không chịu trả tiền cho người ấy và viện cớ chỉ có chủ nợ mới có tố quyền đòi nợ.
c1: Điều kiện của sự cấu ước cho tha nhân: Theo điều 1121 DLP, có hai điều kiện sau: 1. Phải có một mối liên quan giữa người cấu ước và người dự hứa. 2. Người cấu ước không bãi ước. Nhưng ta cần phải hiểu rõ nghĩa của danh từ đệ tam nhân trước khi phân tích hai điều kiện này.
+ Ai là tha nhân hay đệ tam nhân trong sự cấu ước cho tha nhân? Danh từ đệ tam nhân ở đây rất rộng, chỉ loại trừ các người kế quyền bao quát. Một cấu ước cho người thừa kế không thể gọi là cấu ước cho tha nhân. Điều 1122 DLP đã ghi rõ: “Lúc nào ta cũng phải xem như ta cấu ước cho chính ta, cho các thừa kế và kế quyền của ta, trừ phi tính chất của khế ước hay có điều khoản định ngược lại”. Chỉ có một trường hợp đặc biệt do đạo luật về bảo hiểm ngày 13-7-30 (điều 63) quy định khế ước bảo hiểm sinh mạng để cho con, cháu được hưởng tiền bồi thường phải xem như ký kết cho riêng quyền lợi của những người này và như vậy họ có tố quyền riêng biệt để đòi bồi thường, dù họ có khước từ di sản của cha ông để lại. Nhưng vấn đề này không có ích lợi thực tế đối với dân luật Việt Nam vì các bộ DLB, DLT, và án lệ Nam Việt đều công nhận nguyên tắc “phụ trái tử hoàn”, con cháu không thể khước từ di sản, bất luận là có nhiều nợ nần cũng vậy. Ngay trong DLP, cũng cần tránh mọt điều ngộ nhận. Điều 63 luật 13-7-1930 chỉ quy định về trường hợp người quá cố đã kết lập một chứng thư bảo hiểm cho các thân thuộc, ngoài tư cách thừa kế của họ. Trái lại, nếu người quá cố đã ký khế ước bảo hiểm cho các người này với tư cách người thừa kế thì điều 1122 DLP lại được áp dụng. Khế ước bảo hiểm trong trường hợp này, được coi là do người quá cố kết lập cho họ, rồi các người thừa kế, với danh nghĩa kế tục nhân thân của người quá cố, được thừa hưởng các khế ước ấy, chứ họ không phải là đệ tam nhân. Tuy nhiên, có hai trường hợp cần phải giải quyết khi người đệ tam chưa được chỉ rõ danh tính và khi chưa được sinh ra:
*1: Ta có thể cấu ước cho một người chưa rõ danh tính lúc lập khế ước, nhưng khi nào khế ước đem ra thi hành, danh tính người ấy có thể chỉ định là được. Việc này rất dễ hiểu vì ta rất có thể muốn làm lợi cho một hạng người nào chứ không phải riêng cho một cá nhân, hoặc trong lúc ký kết, ta chưa biết người đệ tam mà sau này ta sẽ có dịp tiếp xúc. Thí dụ: Nhà xuất cảng khi gửi hàng cho một nhà buôn đem bảo hiệm các hàng hóa. Nhưng thay vì ghi tên nhà buôn làm tên của người thụ hưởng sự bảo hiểm ấy, họ có thể ghi rằng, người thụ hưởng sự bảo hiểm sẽ là người chủ sở hữu cuối cùng của các hàng hóa xuất cảng để khi có mất mát hay hư hỏng thì người mua lại hàng hóa trong khi còn đang chuyên chở có thể hưởng được sự bồi thường của hãng bảo hiểm.
*2: Trong các cuộc đấu thầu của bộ Công chánh, các điều kiện sách thường dự liệu một số điều khoản thuận lợi cho các người thợ của nhà thầu. Điểm đặc biệt ở đây là người đệ tam thụ hưởng, không phải là một cá nhân, mà lại là cả nhóm người chưa được chỉ định lúc cấu ước.
*3: Các tặng lập (fondations; nền móng) giúp các nhà bác học, các sinh viên, các nhà văn hay các người nghèo như các tặng lập của Rockefeller, Morgan hay ngay đến giải thưởng Nobel, Pullitzer đều chỉ có thể tồn tại nếu ta công nhận rằng danh tánh các đệ tam nhân được hưởng các giải thường này được định rõ lúc thi hành khế ước.
*4: Trong trường hợp đệ tam nhân thụ hưởng chưa được sinh ra thì khế ước vẫn có hiệu lực, miễn là khi thi hành thì đã sinh ra, còn sống. Trường hợp này tương tự như khế ước bán hoa lợi hình thành trong tương lai.
+ Phải có một mối liên quan giữa người cấu ước và người dự hứa: Phải có khế ước giữa người cấu ước và người dự hứa, tạo lập một mối liên quan giữa hai người thì khế ước đó mới có hiệu lực được. Người cấu ước có thể giữ địa vị trái chủ và định rằng, người đối ước phải làm một việc gì có lợi cho người đệ tam. Như vậy, người dự hứa phải chịu hai nghĩa vụ: Một nghĩa vụ do khế ước phát sinh ra đối với người cấu ước, một nghĩa vụ do sự cấu ước tạo ra đối với đệ tam nhân. Chẳng hạn người bán bất động sản có thể ước định rằng, người mua chỉ phải trả mình một phần giá bất động sản, phần còn lại được trả cho chủ đất hay một cơ quan tín dụng dưới hình thức niên kim. Người cấu ước cũng có thể nhường hẳn tất cả quyền lợi của khế ước cho đệ tam nhân và như vậy trở nên con nợ của người đối ước trong việc thi hành nghĩa vụ của mình; còn người dự hứa trở thành con nợ của đệ tam nhân. Đó là trường hợp bảo hiểm sinh mạng. Như vậy, ta có thể cấu ước cho tha nhân trong khi ta đứng ra kết ước.
+ Người cấu ước không bãi ước: Điều 1121 DLP nói rõ: Người cấu ước không thể bãi bỏ sự cấu ước nếu người đệ tam đã tỏ ý muốn hưởng sự cấu ước ấy. Điều kiện này cũng được dự liệu trong điều 664 k3 DLB và 702 DLT. Vậy có hai điểm phải xét là: Sự chấp thuận của đệ tam nhân và khả năng bãi ước của người cấu ước.
*1: Về sự chấp thuận của người đệ tam: Trong luật chỉ đề cập đến trường hợp người đệ tam minh thị nhận hưởng sự cấu ước; nhưng theo các luật gia, sự chấp nhận cũng có thể mặc nhiên, chẳng hạn như đệ tam nhân không có cử chỉ gì phản đối khi khế ước được ký kết, và sau đó, lại đòi người dự hứa phải thi hành nghĩa vụ. Đặc điểm của sự cấu ước cho tha nhân là quyền của người đệ tam đã được phát sinh trước khi người ấy phát biểu ý kiến và vì thế có nhiều hậu quả khác biệt.
– Quyền của đệ tam nhân phát sinh trước khi người ấy chấp thuận. Sở dĩ sự chấp thuận được đòi hỏi là để khỏi đi ngược lại nguyên tắc hiệu lực tương đối của khế ước. Do sự chấp thuận, đệ tam nhân thụ hưởng mang quyền lợi ấy gia nhập vào sản nghiệp của mình và làm cho sự bãi ước của người cấu ước không thể thi hành được. Vậy phải nhận rõ là quyền lợi của người đệ tam do cấu ước tạo ra, có trước sự chấp thuận của người đệ tam; quyền lợi ấy do ý muốn chung của người cấu ước và người dự hứa tạo ra và phát sinh ngay khi có sự cấu ước.
– Các hậu quả chính của sự kiện này là: 1. Năng lực kết ước của người đệ tam không cần được chú trọng đến lúc kết ước, vì chính ý chí của người ấy không cần thiết cho sự cấu ước. 2. Người cấu ước có thể chết đi trước khi người đệ tam chấp thuận cấu ước; nhưng một khi cấu ước có hiệu lực, quyền của người đệ tam không thể bị tiêu diệt. Giải pháp này rất có ích trong việc bảo hiểm sinh mạng, vì thông thường, người đệ tam thụ hưởng chỉ biết có khế ước bảo hiểm sinh mạng, sau khi người cấu ước đã chết. 3. Dù người dự hứa có chết trước khi người đệ tam chấp thuận thì sự chấp thuận này cũng không làm mất giá trị, nếu người dự hứa còn có người thừa kế, các người này phải thi hành nghĩa vụ của người quá cố, trừ trường hợp họ khước từ di sản. 4. Khi người đệ tam chết trước khi chấp thuận sự cấu ước, các người thừa kế của họ có thể đứng ra chấp thuận nếu người cấu ước đã không bãi ước.
*2: Quyền bãi ước của người cấu ước: Thoạt tiên, khi sự cấu ước cho tha nhân được nhìn nhận trong cổ luật của Pháp, đại đa số các luật gia đều công nhận tính cách bất khả bãi miễn của sự cấu ước. Bộ DLP đã chọn giải pháp nghịch lại nhưng với điều kiện là người đệ tam chưa chấp thuận sự cấu ước. Giải pháp này mới xét qua thấy khó hiểu vì một quyền lợi không thể do ý muốn của một người không phải chủ thể của quyền lợi mà làm mất được, nhất là hiện nay các luật gia đã nhìn nhận rằng, quyền của người đệ tam phát xuất ngay từ khi kết lập khế ước, nghĩa là, trước khi người đệ tam tuyên bố chấp thuận. Tuy nhiên, một số luật gia giải thích rằng quyền bãi ước trên căn cứ vào ý chí của hai người cấu ước và người dự hứa. Hai người này có quyền không ghi vào trong khế ước khoản cấu ước cho tha nhân. Vậy trong trường hợp họ ghi điều khoản cấu ước cho tha nhân vào trong khế ước thì cũng phải nhìn nhận cho họ – hay ít nhất người đề xướng ra sự cấu ước – khả năng bỏ cấu ước ấy khi còn có thể bỏ được, tức là khi quyền lợi phát sinh ra chưa rơi hoàn toàn vào tài sản của người đệ tam vì họ chưa chấp thuận. Giải pháp này có vẻ hợp lý vì quyền năng này còn không quan trọng bằng quyền không ghi khoản cấu ước cho tha nhân vào trong khế ước. Song thiết tưởng nên tìm sự giải thích giản dị hơn. Các nhà soạn bộ dân luật Pháp đã cố gắng dung hòa hai thái cực: Một bên không cho bãi bỏ sự cấu ước đã được ghi vào khế ước, điều này có lợi cho người đệ tam, nhưng bất tiện cho người cấu ước, vì nếu sau này, họ nhận thấy, người đệ tam không xứng đáng thì cũng không thể nào hủy bỏ được sự cấu ước. Một bên thì cho phép bãi bỏ bất cứ lúc nào khoản cấu ước cho tha nhân và có hại đến quyền lợi người đệ tam, trái hẳn tinh thần điều 1165 DLP, đoạn cuối cùng. Do đó, nhà lập pháp đã thừa nhận cho người cấu ước quyền được bãi bỏ cấu ước, cho đến khi người đệ tam ưng thuận nhận sự cấu ước đó. Sau khi công nhận sự cấu ước có thể bãi bỏ với điều kiện trên, ta phải giải quyết vấn đề là ai có quyền bãi bỏ? Trong bộ dân luật Pháp, chỉ nói đến người cấu ước vì cho rằng, chính người này đã khởi xướng ra sự cấu ước đã chú trọng đến quyền lợi người đệ tam và hành động vì người này. Tuy vậy, án lệ đã định rằng nhiều khi phải có sự thỏa thuận của hai người cấu ước và người dự ước cho tha nhân (Grenoble 6.4.1881, D1882-II.9). Bản án này đã xử rằng, sự bãi bỏ một sự ân tặng đã được cấu ước cho tha nhân phải lệ thuộc vào sự ưng thuận của người phụ trái, khi người này có một tinh thần quan trọng về việc thi hành khế ước. Ngoài ra, khi người cấu ước chết đi, các người thừa kế không có quyền bãi bỏ cấu ước. Như vậy, quyền của đệ tam nhân gần như tuyệt đối khi người ấy kịp thời nhận hưởng sự cấu ước.
c2. Hiệu lực của sự cấu ước:
c2.1: Những thuyết để giải thích sự phát sinh ra quyền của người đệ tam:
Sở dĩ có cuộc tranh luận về vấn đề này là do ở sự phát triển của khế ước bảo hiểm sinh mạng. Nếu cứ theo quan niệm hẹp hòi của luật La Mã thì không thể nào công nhận cấu tạo quyền lợi cho một người đệ tam, nhất là trong trường hợp người ấy chưa sinh ra. 
*1: Các học thuyết cổ điển
: Trong học lý, nhiều tác giả đã cố giải thích quyền của người đệ tam bằng các học thuyết cổ điển.
– Lý thuyết quản lý sự vụ: Theo các luật gia Pothier, Labble, người cấu ước là một người quản lý sự vụ, đã làm lợi cho người đệ tam với tư cách một người thụ ủy nhưng chưa có sự ủy quyền của người đệ tam. Sự chấp thuận của người đệ tam về sau chỉ là sự duyệt y, hay phê chuẩn hành vi ấy. Như thế sự phê chuẩn có thể xảy ra sau khi người cấu ước chết hay có thể do các thừa kế của người đệ tam. Tuy nhiên, giữa hai thể thức cấu ước cho tha nhân và quản lý sự vụ vẫn có điểm khác nhau: Người quản lý sự vụ chỉ có nhiệm vụ duy nhất đại diện cho người chủ; vì vậy người quản lý sự vụ không phải là kết ước cho chính bản thân họ. Trái lại, trong sự cấu ước cho tha nhân, người cấu ước đã làm hai việc: một đằng họ kết ước cho chính thân họ và mang chính tài sản của mình ra cam kết, nhưng đồng thời họ cũng đại diện quyền lợi cho người đệ tam.
– Thuyết đề ước: Để cố duy trì hình thức cổ điển của sự cấu ước cho tha nhân, một số luật gia khác cho rằng thật sự có hai khế ước: Một khế ước được kết lập giữa người cấu ước và người dự hứa và ngay sau khi ấy, người cấu ước nhượng quyền lợi do khế ước phát sinh ra cho người đệ tam bằng một đề ước mà người này có thể nhận hay từ chối. Lẽ dĩ nhiên, trong khế ước thứ hai, phải có sự ưng thuận của người dự hứa về sự thay đổi trái chủ. Thuyết nhận hưởng đề ước của người cấu ước có một điều bất tiện là nhìn nhận người cấu ước là trái chủ của người dự hứa, dù trong một thời gian ngắn, cho đến khi nào người đệ tam nhận hưởng. Nếu trong thời gian ấy, người cấu ước, vì một lẽ gì, mất quyền ấy đi – chẳng hạn như bị phá sản thì không thể nhượng quyền ấy lại cho người đệ tam.
– Lý thuyết quyền trực tiếp: Vì không thể xếp sự cấu ước cho tha nhân vào một loại khế ước nào, nên một số luật gia chủ trương rằng, điều 1121 DLP chỉ là một ngoại lệ với nguyên tắc hiệu lực tương đối của các khế ước, và công nhận rằng, khế ước ký giữa hai người cấu ước và người dự hứa đã tạo ra một quyền trực tiếp cho người đệ tam. Song thuyết này cũng không giải thích được gì hết, mà chỉ nhìn nhận một sự việc sẵn có. Hơn nữa, những luật gia bênh vực quan điểm này đã phải cầu viện đến một lý thuyết khác, lý thuyết cam kết đơn phương. Nếu quyền của người đệ tam là một quyền trực tiếp, thì kể như người cấu ước không tạo ra một quyền nào cho mình và như vậy, trong khế ước chỉ có một người đứng ra cam kết nghĩa vụ là người dự hứa. Với cách giải thích này, ta đã bước vào lãnh vực của lý thuyết cam kết đơn phương (engagement unilatéral).
*2: Lý thuyết hiện tại: Lý thuyết sau cùng và có lẽ là thyết hợp lý nhất, coi sự cấu ước cho tha nhân là một phương pháp pháp lý có tính chất riêng biệt, là một sản phẩm của luật pháp hiện đại. Theo các luật gia bênh vực cho học thuyết này, không thể nào tìm hiểu được sự cấu ước cho tha nhân nếu cứ giải thích hẹp hòi. Những nhu cầu mới mẻ buộc ta không thể cứ tìm mãi những sự giải thích theo các nguyên tắc cũ kỹ. Sự cấu ước cho tha nhân, cũng như việc quản lý sự vụ, là một hình thức của sự đại diện quyền lợi cho người đệ tam. Khi ký kết khế ước, người cấu ước đã tự ý chăm lo quyền lợi của kẻ khác; vì vậy, đồng thời với việc người cấu ước hành động cho chính mình, người ấy còn hành động cho kẻ khác. Kết quả là một quyền lợi đã phát sinh trong sản nghiệp của người ấy, nhưng đồng thời một trái quyền cũng phát sinh cho đệ tam nhân hưởng thụ. Quyền lợi ấy đã có ngay, do sự cấu ước phát sinh ra, nhưng chưa được người đệ tam chấp thuận nên chỉ chuyển sang sản nghiệp người này khi nào họ phát biểu ý chí ưng thuận. Chính vì tính chất đặc biệt của sự cấu ước cho tha nhân cho phép khế ước có hiệu lực đối với một đệ tam nhân, nên hậu quả của khế ước cũng phức tạp hơn một khế ước thông thường.
c2.2: Hiệu lực của sự cấu ước cho tha nhân: Vì trong cấu ước cho tha nhân, ba nhân vật có quyền lợi được tạo lập ra,, nến có ba mối tương quan phải xét tới.
*1: Mối tương quan giữa người cấu ước và người dự hứa: Mối tương quan này có thể phân tích làm hai yếu tố: Một là, vì là một khế ước, sự cấu ước cho tha nhân có những hậu quả thông thường giữa hai người kết ước về phương diện nghĩa vụ và quyền lợi của họ. Hai là, vì có một sự cấu ước cho tha nhân, nên vấn đề đặt ra là người cấu ước có quyền gì để buộc người dự hứa phải thi hành nghĩa vụ đối với người đệ tam?
– Để cho người dự hứa thi hành nghĩa vụ, người cấu ước có:
+ Tố quyền sách hoàn (action en répétition): Là quyền xin lấy lại vật đã trao cho người dự hứa. Trên thực tế, tố quyền này nhiều khi cũng đưa lại sự thi hành cấu ước. Vì muốn giữ đồ vật nói trên, bắt buộc người dự hứa phải thi hành lời hứa. Trường hợp này thường xảy rakhi nào đối với người dự hứa sự thi hành cấu ước thiệt ít hơn là sự giao hoán đồ vật.
+ Tố quyền trực tiếp: Là tố quyến yêu cầu tòa án buộc người dự hứa phải thi hành nghĩa vụ đối với người đệ tam. Trong học lý, chỉ đòi hỏi một điều kiện về sử hành sử tố quyền này: Quyền lợi của người cấu ước phải bị đe dọa trong trường hợp không thi hành được cấu ước. Thí dụ: Ông Giáp ký một khế ước bán một số vật liệu khó kiếm cho ông Ất với điều kiện ông Ất cho công nhân của ông Giáp quyền lưu cư trên các bất động sản của ông Ất. Nếu sau khi trả tiền cho ông Giáp xong, ông Ất không giữ lời hứa đối với công nhân, ông Giáp có quyền kiện xin cho những người này được lưu cư. Đáng lý ra, phải dành quyền này cho người đệ tam vì họ là trái chủ, nhưng rất có thể người đệ tam không biết mình được hưởng quyền ấy và để tố quyền bị thời tiêu; vả lại, sự công nhận cho người cấu ước quyền ấy chỉ có lợi cho người đệ tam, nên trong học lý mới nhìn nhận quyền này. Tuy nhiên, có một điểm dị biệt giữa quyền đói thi hành của người cấu ước và quyền ấy khi do chính người đệ tam sử dụng. Khi người dự hứa không chịu thi hành nghĩa vụ, người đệ tam được hưởng quyền bồi thường quan trọng ngang với sự thiệt hại, còn người cấu ước chỉ được hưởng một sự bồi thường ngang với sự thiệt hại có thể xảy ra cho chính mình mà thôi. Trong ví dụ trên, nếu ông Ất không thể thi hành nghĩa vụ, các công nhân có quyền đòi bồi thường theo luật nhà phố. Về phần ông Giáp thì chỉ có quyền đòi bồi thường do việc các công nhân bị đuổi ra khỏi phố gây ra cho công cuộc làm ăn của ông Giáp, chẳng hạn như phải ngưng trệ hay vì các công nhân phải nghỉ việc, ông Giáp phải đi mướn nhân công khác với mức lương cao hơn. Nếu người cấu ước đã cẩn thận ghi một khoản dự phạt, họ sẽ được hưởng số tiền dự phạt khi người nhận hứa không thi hành nghĩa vụ.
*2: Mối tương quan giữa người đệ tam và người cấu ước: Do khế ước ký giữa người cấu ước và người dự hứa, ta thấy rõ là ý chí của người cấu ước là không muốn bị bó buộc bởi một nghĩa vụ nào đối với người đệ tam và ngược lại, họ cũng không thể bó buộc người đệ tam thi hành nghĩa vụ nào đối với họ. Quyền duy nhất của người cấu ước là bãi bỏ khoản cấu ước khi nào người đệ tam chưa nhận. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, không khi nào một người lại tự nhiên đứng ra làm lợi cho kẻ khác mà không có một duyên cớ. Có thể nói rằng, người cấu thường là con nợ của đệ tam nhân, mà trái khoản có thể là một món nợ tinh thần hay vật chất, chẳng hạn để trả ân lại cho người đệ tam nhân hay để trả một số tiền hoặc thi hành một sự hứa hẹn đối với người đệ tam. Ta có thể phân ra hai trường hợp:
– Nếu người cấu ước chỉ trả một món nợ tinh thần, người đệ tam được thừa hưởng một cách vô thường quyền lợi do sự cấu ước phát sinh ra, họ ở trong tình trạng một người thụ tặng (donataire). Nhưng ở đây, sự tặng dữ vì tùy thuộc vào một khế ước chánh nên không phải theo thể thức trong thể như các sự tặng dữ khác.
– Nếu cấu ước nhằm mục đích thực hiện một lời hứa hay trả một món nợ mà người cấu ước đã thiếu của người đệ tam, sự thi hành nghĩa vụ của người dự hứa được xem như sự trả nợ của người cấu ước. Đây là trường hợp ủy phó trái quyền (délégation de créances: ủy quyền khiếu nại) thường xảy ra trong thực tế. A thiếu nợ B và A là chủ nợ của C; A cấu ước với C để trả cho Ba thay vì phải trả nợ cho mình. Về trường hợp thi hành một sự hứa hẹn, có thể dẫn thí dụ sau: A nhận của B một số tiền và hứa sẽ trả bằng một món đồ quý nhưng A không có món đồ nên lại tìm C có món đố ấy để ký khế ước trao đổi đồ vật: A sẽ trao cho C một món đồ khác và C lại trao cho B món đồ quý mà A đã hứa với B.
Tóm lại, sự cấu ước có thể gây ra những hậu quả giữa người cấu ước và người đệ tam, và theo án lệ, những hậu quả này tùy thuộc vào “ý chí chung của đôi bên và các mối tương quan đã có giữa hai bên trước khi xảy ra sự cấu ước”.
*3: Mối tương quan giữa người đệ tam và người dự hứa: Theo án lệ (Cass.2.7.1885. D.85.I.150), hiệu lực của sự cấu ước cho tha nhân là phát sinh ra một quyền trực tiếp cho người đệ tam; vì vậy, không thể nói rằng quyền ấy là quyền của người cấu ước đã được truyền lại cho người đệ tam. Quyền trưc tiếp của người đệ tam, vì do sự cấu ước mà có, nên phát sinh đồng thời với sự kết lập khế ước. Nếu sau này, người đệ tam khước từ hay chấp thuận thì sự khước từ hay chấp thuận ấy có tính cách hồi tố kể từ ngày khế ước được kết lập. Trong trường hợp người dự hứa không thi hành nghĩa vụ đã hứa, người đệ tam có tất cả quyền hạn của một người trái chủ để buộc người này phải thi hành nghĩa vụ, hay nếu không thi hành nghĩa vụ thì phải bồi thường. Tuy nhiên, theo án lệ và học lý, người đệ tam không có quyền xin tiêu hủy khế ước ký giữa người cấu ước và người dự hứa, vì làm như thế không có lợi ích gì và hơn nữa, những người có quyền xin tiêu hủy khế ước chỉ là những người đã dự vào việc kết lập khế ước hay các người kế quyền của họ; người đệ tam chỉ là trái chủ của người dự hứa do khoản cấu ước và cũng không phải là trái chủ của người cấu ước. Ngoài ra, vì sự cấu ước chỉ là môt khoản phụ của khế ước chánh, nên không phải bất luận trong trường hợp nào, người dự hứa cũng phải thi hành nghĩa vụ đối với người đệ tam. Khi khế ước chánh bị hà tì về sự ưng thuận, khi người kết ước không đủ năng lực, khi nguyên nhân và đối tượng của khế ước không hợp pháp, hoặc khi người cấu ước không thi hành nghĩa vụ của mình, thì người dự hứa sẽ có quyền nại ra những khước biện thích ứng để khỏi thi hành nghĩa vụ do khế ước tạo ra và như vậy, sẽ không có nghĩa vụ gì thúc buộc họ đối với người đệ tam.
d. Giả trang và ẩn khế
Trên nguyên tắc, một khế ước tuy chỉ có hiệu lực tương đối, nghĩa là chỉ có hiệu lực cưỡng hành giữa các người kết ước, song cũng có thể đem đối kháng với các người đệ tam (contrat opposable aux tiers: hợp đồng có hiệu lực với bên thứ ba). Nói khác đi, mặc dù những người đệ tam không phải thi hành các nghĩa vụ trong khế ước, song họ không thể nào coi khế ước ấy như không có. Thí dụ: Trong khế ước mua bán, các nghĩa vụ giao đồ, và trả tiền chỉ có tính cách cưỡng hành giữa các đương sự kết ước. Tuy nhiên, một khi khế ước này đã được kết lập, các đệ tam nhân phải coi người mua là sở hữu chủ của đồ vật đã bán. Khế ước mua bán có thể đem đối kháng với họ. Tuy vậy, sự đối kháng này cũng chịu một ngoại lệ, trong trường hợp các người kết ước đã có ý giả trang (simulation: mô phỏng) khế ước, như chẳng hạn, ngoài mặt, họ lấp khế ước mua bán, nhưng bên trong, họ làm một ẩn khế (une contre-lettre: Một chứng thư phản đối), định rằng, đó chỉ là một sự tặng dữ. Trong trường hợp giả trang này, ẩn khế có hiệu lực giữa các người lập khế và có thể đem đối kháng với các người đệ tam không? Vấn đề này rất quan trọng trong thực tế, vì người ta thường giả trang khế ước để trốn thuế hay trốn tránh các sự cấm đoán của pháp luật. Sự giả trang có nhiều hình thức:
1. Các đương sự chỉ muốn kết lập một chứng thư giả tạo. Thí dụ: Một người phụ trái, để tránh sai áp của chủ nợ, có thể thông đồng với một người bạn để bán cho họ một tài sản của mình, nhưng lại ngầm ký kết với nhau một ẩn khế coi sự mua bán ấy như một chứng thư giả tạo (acte-fictif: hành động hư cấu).
2. Các đương sự thật tình muốn giả trang khế ước, chẳng hạn, ngoài mặt lập một khế ước mua bán, để che đậy một sự tặng dữ.
3. Các đương sự, hoặc một bên đương sự muốn giấu tên. Thí dụ: Ông Giáp làm khế ước bán cho ông Bính một bất động sản, để ông này sẽ giao lại cho một người con tư sinh của ông Giáp, vì theo luật, vì các con tư sinh chỉ được cấp dưỡng kim mà thôi. Trường hợp giả trang khế ước bằng trung gian một người đệ tam hoặc thác danh (interposition de personne: sự can thiệp của người), cần phải phân biệt với hiệp ước cho mượn tên (convention de préte-nom). Trong sự thác danh, các người lập khế ước chỉ ký kết một khế ước giả trang, che đậy một chứng thư khác như sự tặng dữ của ông Giáp cho người con tư sinh. Trong khế ước cho mượn tên thì khác hẳn, các người lập khế không muốn che đậy một chứng thư pháp lý nào cả. Thí dụ ông Giáp muốn mua một ngôi nhà, đã ủy quyền cho ông Bính thay mặt. Ông Bính đứng tên mua bất động sản ấy. Khế ước này hữu hiệu nhưng chỉ có hiệu lực với ông Bính mà thôi. Muốn chuyển các hiệu lực ấy cho ông Giáp, ông Bính cần phải ký kết một khế ước khác với ông Giáp. Trong thưc tế, sự chuyển dịch như vậy rất phiền phức vì mỗi lần lại phải đăng ký trong địa bạ và nộp tiền thuế chuyển dịch bất động sản. Vì vậy, người ủy quyền có thể định rằng người thụ quyền có thể ký kết khế ước với tư cách đại diện và chỉ cho biết tên của người ủy quyền sau khi kế ước được kết lập. Theo Điều 94 Bộ luật thương mại của Pháp, người mại bản (le commissionnaire: đại lý hoa hồng) khi ký kết khế ước, chỉ cho biết tư cách mại bản của mình mà không phải khai rõ tên của người ủy quyền. Nhưng nếu người mại bản không khai rõ tư cách mại bản, họ chỉ là một người cho mượn tên (un prête-nom: một người được đề cử) và khế ước chỉ có hiệu lực đối với họ.
Nói tóm lại, trong sự giả trang, các đương sự theo đuổi mục đích che đậy một chứng thư bí mật bằng cách ký kết một khế ước không phù hợp với ý chí thực sự của họ. Như vậy, khế ước được che đậy chỉ là một ẩn khế (une contre-lettre: một chứng thư phản đối) trong trường hợp đã được ký trước hoặc ký đồng thời với khế ước biểu kiến (contrat apparent: hợp đồng rõ ràng). Nếu được ký kết sau khế ước biểu kiến, khế ước thực sự (le contrat réel: hợp đồng thực tế) không còn tính cách ẩn khế. Khế ước ấy chỉ là khế ước mới ký giữa các đương sự và có hiệu lực thay đổi khế ước cũ. Nói tóm lại, ẩn khế là một khế ước bí mật được ký kết trước hay cùng một lúc với khế ước biểu kiến, và được các người kết ước coi là phù hợp với ý chí thực sự của họ, còn khế ước biểu kiến chỉ là sự giả trang. Đối với sự giả trang, nhà lập pháp đã trù liệu những sự chế tài nào?
– Vấn đề khá phức tạp, vì mục đích của giả trang cũng rất phiền toái: Đương sự có thể muốn trốn tránh sự cấm đoán pháp luật, hoặc trốn thuế, hoặc không muốn tôn trọng quyền lợi của đệ tam nhân. Sự chế tài sẽ thay đổi tùy trường hợp. Trên nguyên tắc, tất cả các người có quyền lợi liên hệ, như nha thuế vụ, người trái chủ, … đều có quyền không thừa nhận khế ước biểu kiến làm tổn hại đến quyền lợi của họ và có thể xin tòa tuyên nhận sự giả trang (action en déclaration de simulation: hành động khai báo mô phỏng), bằng cách dẫn chứng ẩn khế. Nhưng biện pháp này, sự thật không phải là một sự chế tài đối với sự giả trang mà chỉ là một hệ luận của nguyên tắc ý chí tự do, đem lại cho khế ước thực sự những hiệu lực phù hợp với sự quy định của pháp luật. Nhưng trong một số trường hợp, các người đệ tam lại muốn thừa nhận khế ước biểu kiến, vì thái độ này sẽ có lợi hơn cho họ. Chính trong những trường hợp này, nhà lập pháp đã dự định một sự chế tài thực sự đối với sự giả trang và định rằng ẩn khế, tuy phù hợp với ý chí thật sự của người kết ước, nhưng không thể đem đối kháng với người đệ tam. Đối với người đệ tam, họ chỉ biết riêng khế ước biểu kiến.
d1: Các hiệu lực của ẩn khế:Theo điều 1321 DLP: “Các ẩn khế chỉ có hiệu lực đối với người kết ước, không có hiệu lực chống lại người đệ tam”. Sự thật, trong điều 1321 DLP đã giải quyết hai vấn đề: Một mặt là hiệu lực của ẩn khế đối với các người kết ước, một mặt là đối kháng của ẩn khế đối với người đệ tam. Vấn đề thứ hai, nhà lập pháp đã dùng nhầm danh từ hiệu lực thay vì danh từ đối kháng. Danh từ hiệu lực không thể dùng được với người đệ tam, vì đối với người đệ tam, khế ước không có hiệu lực cưỡng hành. Đối với họ, chỉ riêng có vấn để đối kháng mà thôi (opposabilité du contrat aux tiers: Hiệu lực hợp đồng đối với bên thứ ba). Trong hai bộ DLB và DLT, vấn đề ẩn khế và giả trang không được đề cập tới, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào nguyên tắc tổng quát để giải quyết các điểm khó  khăn liên hệ đến vấn đề này.
*1: Hiệu lực của ẩn khế đối với các kết phương: Quy định rằng, ẩn khế chỉ có hiệu lực đối với người kết ước, điều 1321 chỉ nhắc lại ở đây một sự áp dụng của nguyên tắc ý chí tự do. Trên nguyên tắc, sự giả trang không có hiệu lực làm cho ẩn khế trở thành vô hiệu, nếu khế ước ấy thỏa tất cả các điều kiện có pháp định. Vả lại mục đích của sự giả trang chỉ là để lừa dối các người đệ tam mà không thay đổi gì các mối tương quan giữa các kết phương. Vì vậy giải pháp coi các ẩn khế vẫn hữu hiệu giữa hạng người kết ước là hợp lý. Trong hai bộ DLB và DLT, tuy vấn đề ẩn khế không được quy định nhưng có thể giải quyết trên cơ sở của nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí được quy định tại Điều 698 DLB, và 739 DLT. Theo nguyên tắc thông thường, ngoài các bên giao kết, các người kế quyền bao quát hay các người kế quyền danh nghĩa bao quát, vì kế tục nhân thân của người giao kết, sẽ cũng phải chịu hiệu lực của ẩn khế như họ. Trong dân luật Việt Nam, điểm này cũng có thể được coi là hậu quả của các điều 698 DLB và 739 DLT.
*2: Sự đối kháng ẩn khế với các đệ tam nhân: Trên nguyên tắc, theo Điều 1321 DLP, các ẩn khế không thể đối  kháng với các người đệ tam nhân để chống lại quyền lợi của họ. Chúng ta sẽ xét ba hạng người đệ tam:
– Các người kế quyền đặc định: Các người kế quyền đặc định là những người đã ký kết một khế ước (mua bán, thuê …) với một người đã kết lập khế ước biểu kiến, và họ chỉ biết tình trạng biểu kiến, không biết rằng có ẩn khế. Lẽ dĩ nhiên, ẩn khế không thể đối kháng với họ được. Điều này có ích lợi trong thực tế, vì nếu các người kế quyền đặc định đã kết lập một khế ước về bất động sản, các quyền lợi của họ đã được chế độ đăng ký bảo vệ: Những quyền lợi không được công bố hợp pháp trong địa bạ không thể đem đối kháng với họ. Nếu quyền lợi của họ chỉ liên quan đến một động sản, sự chấp hữu ngay tình cũng đã bảo vệ quyền lợi ấy;
– Các trái chủ đơn thường: Theo thông lệ, các trái chủ đơn thường phải chịu hậu của tất cả những hành vi pháp lý của người phụ trái. Bất luận tài sản của người phụ trái được tăng hay giảm vì hậu quả của những hành vi ấy, người trái chủ cũng phải chịu; vì vậy, trên nguyên tắc, họ không phải là người đệ tam đối với hành vi ấy. Tuy nhiên, khi có một sự giả trang, án lệ của tòa phá án Pháp đã chấp nhận một giải pháp khác hẳn: các ẩn khế không thể đối kháng các trái chủ đơn thường (Civ. 8.31813. D.I893.I.243). Điều này cũng dễ hiểu. Khi một người phụ trái ký kết môt khế ước gian dối làm hại đến quyền lợi của người trái chủ, người trái chủ có thể hành xử tố quyền phế bãi để xin tiêu hủy khế ước. Trong trường hợp giả trang, có thể dự đoán rằng, sự gian dối ấy bao giờ cũng có. Sở dĩ người phụ trái phải giấu diếm giả trang khế ước, chính vì sợ người trái chủ hành sử tố quyền phế bãi. Vì vậy, ẩn khế không thể đối kháng với trái chủ được.
– Các người ngoại cuộc: Theo Điều 1321 DLP, các ẩn khế không có hiệu lực chống đối các người đệ tam. Những người đệ tam nói trong điều luật này là người ngoại cuộc. Các người đệ tam có thể chỉ nại ra khế ước biểu kiến, mặc dù ẩn khế không có hại gì cho họ. Tuy nhiên, họ cần thỏa mãn điều kiện: Họ không thể biết rằng có một ẩn khế. Về phương diện này, khi đã có một chứng thư biểu kiến, tòa án dự đoán rằng, các người ngoài cuộc không biết có ẩn khế. Song nếu đối phương dẫn được phản chứng, sự dự đoán nói trên sẽ bị đánh đổ (Tòa Phá án 8.3.1893 thượng dẫn; Tòa phá án 15.7.1896, D.P.I.897.I460). Nói cách khác, sự giả trang chỉ có tính cách tương đối. Một ẩn khế có tính bí mật đối với người này, có thể mất tính bí mật đối với người khác. Tuy điều 1321 DLP quy định rằng ẩn khế không có hiệu lực đối chống đối các người đệ tam, nhưng nếu các ẩn khế có lợi cho họ, thì họ có quyền không nại điều khoản nói trên, để được hưởng các lợi ích của ẩn khế. Ví dụ: Một người sau khi mua một bất động sản, giữa người thuê nhà và người bán – chủ cũ có ký một ẩn khế định giá tiền thuê cao hơn. Trong trường hợp này, người chủ nhà có quyền dùng tố quyền xin tuyên nhận sự giả trang để dẫn chứng ẩn khế đã được ký kết. Nói cách khác, người đệ tam có quyền quyết tuyển, được chọn giữa khế ước biểu kiến hoặc ẩn khế. Giải pháp này căn cứ vào văn từ của điều 1321 DLP: “Ẩn khế không có hiệu lực khi chống lại người đệ tam”. Áp dụng nguyên tắc tổng quát cho ẩn khế, vì ẩn khế là môt loại khế ước, cho nên các ẩn khế không thể làm hại được quyền lợi của người đệ tam. Nhưng trái lại, nếu các ẩn khế đó có lợi cho họ, họ cũng có quyền công kích chứng thư biểu kiến bằng cách dẫn chứng sự giả trang và ẩn khế. Quyền quyết tuyển này xét ra không có gì là quá đáng. vì quyền ấy phù hợp với một sự giải thích theo văn từ của các điều 698 DLB và 739 DLT.
d2: Tố quyền xin tuyên nhận sự giả trang:
– Trên nguyên tắc, ẩn khế không thể đem đối kháng chống lại các quyền lợi của người đệ tam. Nhưng có nhiều khi, các đệ tam nhân, vì muốn lợi hơn, lại muốn nại ra ẩn khế đã được ký kết. Trong những trường hợp này, các người đệ tam hành sử tố quyền xin tuyên nhận giả trang để công kích khế ước biểu kiến là không phù hợp với ý chí thực sự của người kết ước. Theo nguyên tắc thông thường trong luật tố tụng, người nào có quyền lợi liên hệ đến vấn đề đều có thể hành sử tố quyền này, chẳng hạn một người con chính thức, muốn xin tiêu hủy sự tặng dữ cho một người con tư sinh, được giả trang dưới hình thức một khế ước bán. Lại có khi người đứng khởi kiện chính là người đã lập ẩn khế. Thí dụ: Một tặng chủ khi trước đã giả trang một khế ước tặng dữ dưới hình thức mua bán; nay họ muốn xin truất bãi sự tặng dữ vì sự bội bạc của người thụ tặng. Tất nhiên, họ phải dẫn chứng rằng khế ước mua bán là một sự giả trang. Sự tuyên nhân giả trang không bắt buộc có hậu quả tiêu hủy ẩn khế, trừ khi ẩn khế không tôn trọng luật pháp, như trường hợp tặng dữ cho một người bạn ngoại tình để kéo dài cuộc sống chung. Trong trường hợp này, nguyên đơn đồng thời cùng với tố quyền xin tuyên nhận sự giả trang, cũng đề khởi tố quyền tiêu hủy.
– Về vấn đề dẫn chứng trong tố quyền xin tuyên nhận sự giả trang, cần phân biệt hai trường hợp:
+ Đối với người kết lập khế ước biểu kiến, khi họ muốn nại ẩn khế, tức là họ muốn phản chứng với nội dung khế ước hiện tại, theo điều 1341 DLP, họ phải viện dẫn được một bút chứng hay một chứng cứ hoàn toàn. Các người kế quyền bao quát hay kế quyền với danh nghĩa bao quát vì kế tục nhân thân của các người kết ước cũng phải theo chung một chế độ dẫn chứng này. Tuy nhiên, nếu sự giả trang có mục đích che đậy một sự gian dối, sự dẫn chứng sẽ được hoàn toàn dự do, vì sự gian dối bao giờ cũng được dẫn chứng bằng đủ mọi phương tiện.
+ Đối với các người đệ tam không tham dự vào khế ước, khế ước chỉ là một sự kiện. Vì vậy, trong dẫn chứng ẩn khế, có thể dùng đủ mọi phương tiện. Nhiều khi còn có sự phỏng đoán pháp định về sự giả trang, nhất là trong địa hạt thuế vụ. Trong dân luật của Pháp, theo điều 911, khi một sự ân tặng được tặng cấp cho cha mẹ, con cháu hay vợ chồng của một người không có khả năng quyền thụ tặng, luật dự đoán là có sự thác danh và dự đoán này có tính cách bất khả cự tuyệt.
+ Sự giả trang chỉ là trường hợp đặc biêt của lý thuyết biểu kiến (théorie de l’apparence: lý thuyết ngoại hình) áp dụng trong phạm vi khế ước. Để chế tài sự giả trang, luật pháp đã thừa nhận cho các người đệ tam một quyền quyết tuyển. Trên nguyên tắc, các người kết ước chỉ có thể đem khế ước biểu kiến đối kháng với người đệ tam. Nhưng đối với người đệ tam, nếu có lợi cho họ, thì họ có thể xin tòa tuyên nhận khế ước này là giả trang để nại được ẩn khế. Sự quy định về giả trang và ẩn khế là một ngoại lệ đối với nguyên tắc có thê đem một khế ước đối kháng với các người đệ tam, vì ẩn khế chỉ có hiệu lực giữa các người kết ước mà không thể đối kháng được với người ngoại cuộc. Sự quy định ấy còn là một ngoại lệ vđối với sự cưỡng hành của các khế ước, vì nhiều khi các người kết ước phải tuân theo các điều khoản của khế ước giả trang, trái hẳn với những điều khoản của khế ước thực sự là ẩn khế./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar