HIỆU LỰC CỦA KHẾ ƯỚC ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KẾ QUYỀN CỦA ĐƯƠNG SỰ
ĐOẠN I_ PHÂN BIỆT NHỮNG NGƯỜI KẾ QUYỀN
(Các người này không phải là người đệ tam theo điều 1165 bộ DLP và điều 715 DLVN 1972)
I_ KẾ QUYỀN BAO QUÁT
A_ Nguyên tắc:
Những người kế quyền bao quát gồm có những người thừa kế (héritiers: những người thừa kế). Ví dụ như cha chết để di sản lại cho con, người con là người kế quyền bao quát của người cha và phải gánh chịu những tiêu sản trong di sản của người cha. Đó là nguyên tắc “phụ trái tử hoàn” của bộ DLB và DLT. Ngày nay theo điều 506 bộ DLVN 1972, “ai cũng có quyền khước từ di sản, không người nào bị bó buộc phải nhận dầu là ti thuộc trực hệ“.
– Những người thọ di bao quát (légataires universels: di sản phổ quát), nghĩa là những người hưởng tất cả di sản do một tờ di chúc, gồm một bên tích sản và một bên tiêu sản,hoặc giả những người thọ di với tính cách bao quát (légataires à titre universel), nghĩa là những người hưởng một phần di sản do một tờ di chúc gồm một phân tích sản và một phần tiêu sản, hoặc là những người được thừa kế sáng lập (institues contratuelles). Tất cả những người này được hưởng những quyền và đảm nhận tât cả những trách vụ của người quá vãng cho nên những khế ước do người quá vãng kết lập có hiệu lực đối với họ cũng như đối với người quá vãng. Như vậy: Sự qua đời của người lập ước không thay đổi hậu quả của khế ước đối với những người kế quyền. Điều 1122 DLP_ 700 DLT, 673 DLVN 1972 nói rằng mình lập ước cho chính mình và cho những người thừa kế của mình.(…). Nhưng các điều vừa kể có hai biệt lệ sau đây:
B) Biệt lệ:
1) Do bản chất của hợp đồng: Có những kết ước, trong đó, tư cách cá nhân rất là quan trọng, bởi vì người cộng ước chủ tâm đến sự hiểu biết, đến tư cách, đến tài ba, đến tài trí của người mà họ cùng kết ước. Nếu như người nầy qua đời thì khế ước phải chấm dứt, không thể ràng buộc những người kế quyền bao quát của y nữa. Ví dụ: Một khế ước Công ty, ít ra cũng là trong các công ty hợp danh, các hội viên liên đới chịu trách nhiệm, nếu như một tong những hội viên qua đời, thì tất nhiên khế ước công ty chấm dứt. Công ty sẽ giải tán, các người thừa kế của hội viên vừa qua đời không thể thay thế y trong công ty hợp danh được. Hay là khế ước ủy quyền, trong khế ước nầy, các đương sự tin cậy lẫn nhau. Nếu một đương sự khuất mặt, khế ước sẽ không còn nữa. Có khi chỉ một người cộng ước chú ý đến tư cách cá nhân của đối ước kia mà thôi. Ví dụ như trong khế ước cho thuê nhân công, người chủ nhân ưng muốn một người thợ vì tin tưởng ở sự khéo léo của người thợ đó; một người mướn họa sỹ vẽ một bức tranh, tin tưởng nơi tài trí của người họa sỹ đó hay là mướn một kiến trúc sư là vì tin tưởng nơi tài ba của kiến trúc sư đó.
2) Có khi các đương sự cam kết trước trong khế ước rằng, khế ước của họ lập ra không ràng buộc những người thừa kế của họ. Ví dụ một người mướn một căn nhà để ở trong một khoản thời gian nào đó và ghi torng hợp đồng thuê một ước khoản rằng, nếu người đó qua đời, khế ước sẽ bị chấm dứt ngay, những người thừa kế củ người thuê sẽ không có nghĩa vụ phải tiếp tục thuê căn nhà người đó đã cho mướn.
II- NHỮNG CHỦ NỢ VÔ ĐẶC QUYỀN
Những chủ nợ vô đặc quyền là những người cho vay một số tiền nhưng không có vật gì để làm bảo đảm, một động sản hay một bất động sản chẳng hạn. Người chủ nợ vô đặc quyền có một chấp quyền tổng quát trên tất cả sản nghiệp của người thiếu nợ. Quyền bảo đảm này thay đổi tùy theo sự thay đổi thành phần sản nghiệp của con nợ; Nếu người thiếu nợ giàu có, mua thêm nhiều của cải, thì sự bảo đảm này to ra, nếu y làm ăn thua lỗ, thât bại có bán đi thì sự bảo đảm nầy sẽ sụt giảm hoặc không còn nữa. Thành thử tất cả các khế ước do người thiếu nợ kết lập đều có ảnh hưởng đến những chủ nợ vô đặc quyền. Bởi vậy những chủ nợ nầy cũng không phải là người đệ tam nói đến tại điều 1165 DLP đối với hợp đồng mà người con nợ kết lập.
BIỆT LỆ
Nguyên tắc trên đây có hai biệt lệ:
a) Tố quyền phế bãi (action paulienne) (ở điều 1167 DLP và 717 DLVN 1972), các chủ nợ vô đặc quyền có thể xin Tòa án phế bãi một khế ước, nghĩa là xin Tòa án tuyên bố khế ước vô hiệu đối với họ nếu xét rằng khế ước được kết lập với mục đích là gian lận quyền lợi của họ.
b) Khi người thiếu nợ bị phá sản. Phá sản là thủ tục để thanh toán tài sản của thương gia và lấy tích sản đem phân chia cho các chủ nợ. Trong trường hợp nầy, những hành vi của y không có ảnh hưởng gì đối với các chủ nợ vô đặc quyền nữa và y không còn nhân danh con nợ vô đặc quyền để hành động nữa.
c) Một mật ước kết lập dưới hình thức một khế ước không thể đối kháng với người chủ nợ vô đặc quyền.
III_ NHỮNG NGƯỜI KẾ QUYỀN ĐẶC ĐỊNH
NGUYÊN TẮC
Những người kế quyền đặc định là những người thụ hưởng của một người khác một quyền nhất định. Ví dụ một quyền đối vật hoặc một quyền đối nhân, một trái quyền do một khế ước, ví dụ khế ước mua bán, khế ước tặng dữ hay là một sự di tặng đặc định. Người kế quyền thay thế người nhượng quyền, và chỉ trong phạm vi quyền đó mà thôi, với tất cả những lợi lộc, với những trách vụ liên hệ đến quyền này. Vì vậy mà người kế quyền đặc định bị ràng buộc bởi những sự cam kết của người nhượng quyền, liên quan đến đồ vật, đối tượng và phát xuất trước khi có khế ước nhượng quyền này. Ví dụ: Quyền của người kế quyền đặc định vẫn chịu những nguyên do giải tiêu, những lý do vô hiệu … liên quan đến đồ vật và xảy ra trước khi chuyển nhượng đồ vật đó lại cho y. Cũng như trong hôn ước, qui định chế độ hồi môn, có nói rằng, những của hồi môn, có thể bán được nhưng với điều kiện phải tái dụng, nghĩa là, phải dùng tiền bán được của hồi môn để mua của cải khác thay vào của hồi môn đã bị đem bán. Nếu người đệ tam mua bất động sản hồi môn của người đàn bà có chồng, người đệ tam nầy bị điều kiện tái dụng trong hôn khế ràng buộc, và chỉ trở thanh sở hữu chủ khi nào y đã trông coi việc tái dụng số tiền bán đó được thực hiện rồi. Một người mua một trái quyền, mua một món nợ, hưởng những sự bảo đảm của món nợ đó. Một người mua bất động sản được hưởng những quyền đại dịch có trên bất động sản đó (…). Khi bán một cửa hàng với ước khoản bất cạnh tranh, ước khoản nầy ràng buộc người bán, ràng buộc luôn cả người mua sau (…).
ĐOẠN II_ PHẢN CHỨNG THƯ HAY LÀ MẬT ƯỚC
(La contre lettre)
Những khoản phản chứng thư được nói tại điều 1321 DLP, điều này có ở trong chương nói về sự dẫn chứng. Theo điều 1321DLP, mật ước là một văn thư phải giữ kín, có mục đích thay đổi hay là xóa bỏ những hậu quả của một hợp đồng biểu kiến đã được ký kết giữa hai người. Ví dụ: Một người bán cho một người khác một bất động sản với giá 100.000$ chẳng hạn, nhưng muốn đóng thuế trước bạ nhẹ, nên trong khế ước lập trước mặt ông Chưởng khế, đôi bên ghi giá bán có 50.000$ và đồng thời người mua và người bán, cùng nhau kết lập một mật ước nói rằng giá bán thật sự là 100.000$. Tóm tắt: Mật ước hay là phản chứng thư, có mục đích chứng thực một sự giả tảng trong một hành vi pháp luật. Vì vậy nên biết qua thuyết giả tảng là gì (Théorie de la simulation).
I_ Những điều kiện, hậu quả cùng là cách thức dẫn chứng của sự giả tảng
A) Điều kiện của sự giả tảng:
1) Có giả tảng khi nào những đương sự kết lập một hợp đồng và đồng thời ký kết một hợp đồng khác nữa mà họ giữ kín với nhau để thay thế hợp đồng biểu kiến trước, bằng cách thay đổi những hậu quả hay thủ tiêu những hậu quả của nó.
2) Muốn có sự giả tảng thì đôi bên phải thỏa thuận về khế ước thật sự. Sự giả tảng khác với sự lường gạt. Sự lường gạt là một mưu mô do đó một người kết ước dấu người đối ước một điểm quan trọng của hợp đồng.
3) Mật ước phải được kết lập cùng một lúc với khế ước biểu kiến. Đối với các đương sự thì khế ước biểu kiến này không có giá trị. Như vậy sự giả tảng cần phải được phân biệt với tiêu hủy hay là sự thu hồi khế ước. Hành vi sau thủ tiêu hay thu hồi là một sự kết lập sau khi đã ký kết hợp đồng, cốt để chấm dứt hợp đồng.
4) Văn tự thay đổi hợp đồng biểu kiến phải được giữ kín. Trong hợp đồng biểu kiến, không được phép đề cập đến nó. Do đó sự khai tên người đứng mua (déclaration command) sau một cuộc đấu giá phát mãi, bởi người đấu giá được, không phải là một sự giả tảng.
B) Đối tượng của sự giả tảng
1) Có thể giả tảng về sự thỏa thuận: Thường thường người ta có thể giả tảng về sự thỏa thuận. Đôi bên có thể kết lập một hợp đồng biểu kiến và đồng thời lập một mật ước, nói rằng thật sự chẳng có một khế ước gì hết giữa họ. Ví dụ một người thiếu nợ sợ rằng trái chủ sẽ xin phát mãi của cải mình, giả tảng bán tài sản mình cho bạn (mà thực ra không bán) (…), hoặc giả tảng kết lập với một ít người thân thuộc một khế ước công ty và y mang vào công ty những của cải để cho công ty làm vốn.
2) Cũng có thể giả tảng về đối tượng của khế ước:
Ví dụ dôi bên kết lập một khế ước đồng một loại với mật ước, nhưng giấu đối tượng thật sự. Ta trở lại ví dụ đầu. Thay vì lập một khế ước bán bất động sản với giá 100.000$, chỉ lập một khế ước tương tự để giá 50.000$ hay 80.000$ và trong mật ước phải để giá bán thật sự.
3) Có thể giả tảng về duyên cớ:
Có mục đích giấu bản chất của khế ước thật sự. Vì dụ tặng dữ trá hình. Khế ước biểu kiến là khế ước bán hữu thường nhưng không lấy tiền. Duyên cớ là ý muốn tặng của mà người ta giấu, chứ không là muốn lấy tiền. Hai bên cũng có thể làm một khế ước mua bán hàng hóa, nhưng bên trong ký kết mật ước nói rằng đây là một sự cho vay nợ.
4) Có thể giả tảng về cá nhân các đương sự:
Một người muốn tặng dữ cho một người mà mình không có quyền tặng của, ví dụ tặng cho con ngoại tình hay con loạn luân. Người kia tặng cho người khác rồi làm cho người này một mật ước trong đó có thỏa thuận giao lại tài sản đó cho người con ngoại hôn hay loạn luân của người tặng của.
Kết luận: Giả tảng thường thường ngụ một gian ý ví dụ như muốn gian lận tiền thuế phải đóng, hoặc giả muốn đụng chạm đến quyền lợi của trái chủ hoặc giả làm một việc mà luật pháp cấm đoán, như tặng của cho một người không có quyền hưởng. Nói như vậy không bắt buộc rằng mỗi khi có giả tảng là có gian ý. Đôi khi người giả tảng chỉ theo đuổi một mục đích đáng khen. Ví dụ: Tặng của mà không muốn người thụ tặng biết tên họ mình.
II. Hiệu lực của mật ước
A) Hiệu lực của mật ước đối với đương sự:
Điều 1321 DLP nói rằng những phản chứng thư chỉ có giá trị giữa những người kết lập và không có hiệu lực đối với người đệ tam. Như vậy thì giữa những đương sự chỉ có mật ước là đáng kể, bởi vì đó là ý muốn thật sự của họ. Nhưng mật ước nầy cũng phải hội đủ những điều kiện luật định đã được trình bày ở đoạn trước.
Bình luận