Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

15. Thể nhân: khái niệm về nhân cách

THỂ NHÂN 

209._ Các thể nhân hữu hình muốn có khả năng làm chủ thể quyền lợi, phải có nhân cách. Nhân cách đặt ra những điều kiện và làm phát sinh những quyền lợi. Vì vậy trước hết ta phải tìm hiểu khái niệm nhân cách (Tiết I).
Vấn đề thứ hai là các thể nhân sống trong xã hội, cũng như một đơn vị trong cộng đồng, cần được phân biệt người nọ với người kia, vì mỗi người có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Muốn phận biên phải đặt cho mỗi người một tên họ và chỉ định cho mỗi người một cư sở. Đó là vấn đề ca nhân hóa các thể nhân (Tiết II)
Mỗi thể nhân lại có một tình trạng khác nhau về phương diện cá nhân (như già hay trẻ, hữu năng hay vô năng) và về phương diện gia đình (như có cha, mẹ, thân thích không? Có giá thú không? là con chính thức hay con ngoại hôn?). Muốn biết rõ tình trạng của mỗi người về hai phương diện này phải căn cứ vào các chứng thư hộ tịch. Những người mà tình trạng pháp lý bị dị nghị có thể vô đơn kiện để xin xác nhận tình trạng của mình bằng cách thi hành những tố quyền riêng. Đó là tất cả vấn đề thân trạng (Tiết III).

Tiết I._ KHÁI NIỆM NHÂN CÁCH 

MỤC I: CÁC ĐIỀU KIỆN NHÂN CÁCH 

210._ Về phương diện pháp lý, mọi người ai cũng có nhân cách. Nhân cách theo liền sự sống của con người và tiêu tan khi đời người kết liễu. Tuy nhiên không phải bao giờ nhân cách cũng bắt đầu từ ngày sinh và chấm dứt vào ngày tử. Khởi điểm của nhân cách có thể trước ngày sinh. Ngược lại nhân cách có thể được duy trì sau ngày tử. Nhiều khi nhân cách lại thiếu xác định, nghĩa là ở trong tình trạng mập mờ, không chắc còn, không chắc mất; tình trạng này gây ra bởi sự thất tung.

ĐOẠN I: Khởi điểm của nhân cách 

211._ Khởi điểm của nhân cách là ngày mà một thể nhân được xem như có khả năng hưởng thụ quyền lợi hay thi hành nghĩa vụ (để làm chủ thể của quyền lợi hay nghĩa vụ). Khởi điểm của nhân cách do hai nguyên tắc ấn định là nhân cách bắt đầu có từ ngày sanh và nhân cách có thể bắt đầu từ ngày thụ thai mỗi khi có lợi cho đứa trẻ.

A._ Nhân cách bắt đầu từ ngày sanh 

212._ Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào sanh ra cũng có nhân cách. Muốn có nhân cách đứa trẻ khi lọt lòng mẹ phải sống và có thể nuôi được. Nếu đứa trẻ chết trước khi ra đời thì không có nhân cách. Đứa trẻ sanh ra mà bất thành nhân (thí dụ một quái thai) không thể nuôi dưỡng thành người được, cũng không có nhân cách. Nguyên tắc này thấy rõ sự quan trọng của nói trong luật thừa kế: Tùy theo đứa trẻ sinh ra, có nhân cách hay thiếu nhân cách, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến việc chia gia tài.

B. Nhân cách có thể bắt đầu từ ngày thụ thai mỗi khi có lợi cho đứa trẻ 

213._ Nguyên tắc này tuy không được dân luật hiện hành minh thị, nhưng được lưu truyền từ cổ luật La Mã và được án lệ xác nhận. Trong cổ luật La Mã có một tục ngữ bất hủ mà người ta thường kể để minh chứng cho nguyên tắc đó là câu: Infans conceptus pro nato habetur quoties de commodis ejus agitur, gọi tắt là Infan con ceptus: (Một đứa trẻ được coi là ra đời bất cứ khi nào lợi ích của nó được bàn luận). Tực ngữ này có nghĩa là: Trẻ mới thụ thai được coi là đã sanh mỗi khi có lợi cho nó.
Về bằng chứng của thụ thai dân luật đã quy định một suy đoán pháp định đề áp dụng cho sự thiết lập liên lạc phụ hệ chính thức (điều 100 luật gai đình mới. Sắc luật số 15 ngày 23-7-1964). Theo sự suy đoán pháp định này, thời kỳ thụ thai lâu từ 180 ngày đến 300 ngày. Như vậy ngày đứa trẻ thụ thai được vị trí vào khoảng thời gian từ 300 ngày đến 180 ngày trước ngày sinh. Thông thường thời kỳ thai nghén trung bình của người mẹ là 270 ngày. Pháp luật đã tính chẵn là 300 ngày để có lợi cho đứa trẻ. Như vậy nhân cách của đứa trẻ đã được pháp luật coi là có, không những trước khi sanh, mà có thể cả trước ngày người mẹ thụ thai.

ĐOẠN II: Nhân cách kết liễu 

214._Khi đời người kết liễu thì nhân cách cũng hết. Nhân cách của một thể nhân được coi như chấm dứt đúng ngày giờ thể nhân đó chết.

Ngày xưa vào tiền bán thế kỷ 19, trong luật của Pháp quốc có một định chế gọi là dân sự tử vong (la mort civile). Khi đó những kẻ bị hình chung thân (như khổ sai chung thân) bị tước hết các quyền lợi; giá thú bị đoạn tiêu, đương dự bị mất quyền chấp nhận tặng dữ, mất quyền thừa hưởng gia tài; tất cả sản nghiệp được chuyển di cho người thừa kế. Nói tóm lại đương sự đã chết về mặt dân sự. Đạo lau65t ngày 31.5.1855 đã bãi bỏ định chế này. Ngày nay chỉ có sự mệnh chung thực sự của thể nhân mới kết liễu được nhân cách. Tuy nhiên có một trường hợp mà ý chí của con người còn tồn tại và phát sinh hiệu lực sau khi chết; đó là di chúc của người chết để lại. Có thể nói được đó là sự thượng tồn của nhân cách trong những trường hợp đặc biệt. Đó là đạo luật ngày 31-12-1959; luật này định rằng “Tổng thống có thể cho phép cử hành giá thú khi một trong hai người muốn kết hôn đã chết, miễn là có bằng chứng chính thức và xác thực về sự ưng thuận của người mệnh một”. Nguyên do sự cho phép lập giá thú giữa một người chết và một người còn sống là một định chế đặc biệt, áp dụng cho các quân nhân chết trận, mục đích điều chỉnh tình trạng gia đình của họ, vì quyền lợi của người còn sống (vợ, con). Gần đây qui tắc này được áp dụng tổng quát và được áp dụng cho cả những trường hợp thường nhân, sau những tai họa như động đất, lụt lội, như sau vụ vỡ đập nước ở tỉnh Fréjus làm hàng ngàn người bị thiệt mạng vào tháng chạp năm 1959.

ĐOẠN III: Nhân cách thiếu xác định: sự thất tung

215._ Khi một người ở vào tình trạng không ai biết và không thể biết là sống hay chết thì gọi là thất tung hay mất tích. Thất tung là định chế mới mẽ, do luật Âu Châu du nhập. Trong cố luật Việt Nam, sự thất tung không được chính thức qui định vì thời xưa luật của ta ít chú trọng đến cá nhân. Quyền lợi của mỗi người dù sống hay đã chết do gia trưởng đảm nhiệm trông coi, vì vậy luật pháp ít can thiệp. Trong Luật Gia Long chỉ thấy nói đến hai trường hợp: Mộ tla2 khi người đàn bà có chồng, mà ngu727i chồng bỏ đi mất quá ba năm thì người đó đươc phép tái giá; Hai là khi người con gái có có người đính hôn mà ý trung nhân bỏ đi mất, thì sau 5 năm có thể lấy người khác (điều 108 Luật Gia Long).
Các bộ dân luật Việt Nam hiện hành, vì chịu ảnh hưởng của luật Tây nên có minh thị trường hợp thât tung. Dân luật qui định sự thât tung một phần vì quyền lợi của người mất tích, một phần lo bảo vệ quyền lợi của người thừa kế. Nguyên tắc trong việc tổ chức thất tung là người thât ung cảng mất tích lâu chừng nào càng có thể ức đoán rằng người đó không còn nữa. Sự quy định thất tung rất hữu ích. Nhất là trong thời kỳ loạn lạc, giặc giã nhiều người bị mất tích, không ai biết sống chết ra sao. Trong chế độ thất tung, dân luật phân biệt ba thời kỳ:
– Thời kỳ dự đoán thất tung;
– Thời kỳ tuyên cáo thất tung;
– Thời kỳ doãn chấp chung định.

A. Thời kỳ dự đoán thất tung

216._ Thời kỳ này mở đầu từ ngày người ta dự đoán thất tung mất tích, hoặc từ ngày nhận được những tin tức cuối cùng về đương sự. Trong thời kỳ này còn nhiều hy ov5ng là đương sự còn sống. Vì vậy pháp luật chỉ có thể cho thi hành những biện pháp bảo tồn hay quản lý sản nghiệp của người dự đoán thât tung. Những biệt pháp này có tính cách tạm thời và do Tòa án tuyên phán hoặc theo đơn xin của mọi người có quyền lợi (Chủ nợ hay thừa kế của đương sự), hoặc theo yêu cầu củ công tố viện. Nếu người dự đoán mất tích không có vợ, con, thân thuộc thì Tòa án thụ lý có thể cử một người quản lý để trông nom tạm thời sản nghiệp của đương sự. Tuy nhiên nếu trước khi biệt tin người dự đoán thất tung có cử một người tổng thủ ủy đề trông nom sản nghiệp của mình thì Tòa án không có lý do để cử quản lý nữa. Nếu người dự đoán mất tích có vợ hoặc chồng thì người phối ngẫu sẽ đương nhiên là người được trông nom tài sản của đương sự.

217._ Người quản lý sản nghiệp của người thất tung chỉ được quyền quản trị (như thâu hoa lợi, trang trải công nợ vặt), mà không được quyền cầm bán. Muốn bán tài sản của người dự đoán thất tung để trả nợ cho người này thì người quản lý phải xin phép tòa án.
Về phương diện sản nghiệp, người dự đoán thất tung không thể tạo mãi hay thủ đắc một quyền lợi mới;  người đó cũng mất khả năng thừa hưởng gia tài. Gia tài mà đáng lẽ phải về phần đương sự được hưởng sẽ phải chuyển di cho người thừa kế khác. Trong trường hợp đương sự còn sống trở về, vấn đề gia tài sẽ được xét lại; Tuy vậy trong thực tế vẫn có một nguy cơ lớn cho đương sự là người thừa kế được hưởng gia tài thay đương sự, có thể đã tiêu pha hoang phí khiến gia tài tiêu tán hết rồi.
218._ Theo bộ DLGY (thiên IV), thời kỳ thất tung lâu 2 năm. Sau hai năm mà không có tin tức gì về người dự đoán thất tung, thì mọi người quan thiết có thể xin Tòa án truyền cho điều tra. Bản án truyền điều tra được niêm yết tại cư sở của người vắng mặt; mục đích của thể thức này là mong muốn đương sự hay biết tin mà trở về.

B._ Thời kỳ tuyên cáo thất tung

219._Một năm sau khi có bản án truyền điều tra, nếu người dự đoán thất tung vẫn biệt vô âm tín, Tòa án sẽ tuyên cáo sự thât tung. Án này cũng được niêm yết như án trước. Sự tuyên cáo thất tung có hiệu lực về hai phương diện tài sản và giá thú.
1. Hiệu lực của sự tuyên cáo thất tung về phương diện tài sản.
220._ Nếu người thât tung có vợ chưa tái giá, thì người vợ được quản trị và hưởng dụng tài sản của chồng. Nếu người thât tung không có vợ hoặc có vợ nhưng vợ đã tái giá, thì những thừa kế có quyền xin Tòa án cho doãn chấp tạm thời tài sản của người thât tung. Doãn chấp tài sản là một thủ tục cho phép nguyên đơn được chấp hữu tài sản để hưởng hoa lợi. Nếu người thất tung không có thừa kế thì làng xã nơi các tài sản tọa lạc có thể xin doãn chấp tạm thời. Về việc hưởng hoa lợi các tài sản doãn chấp, bộ DLGY qui định một cách hơi khác hai bộ DLB và DLT:
a) Theo bộ DLGY, người được phép doãn chấp tạm thời tài sản của người thất tung, được hưởng tất cả hoa lợi và sau này, dù người thất tung có trở về, y cũng không phải thanh toán về các hoa lợi đã hưởng. Tuy nhiên, y phải chịu trách nhiệm về những hư hại gây ra cho tài sản doãn chấp. Ngoài ra y phải đảm nhiệm tất cả những trách vụ của một sở hữu chủ (như trách vụ đóng thuế). Khi không có thừa kế và làng xã cũng không xin thì bất cứ người nào cũng có thể xin Tòa án cho phép chấp hữu tạm thời tài sản của người thất tung. Trong trường hợp này, quyền của người doãn chấp kém quan trọng hơn. Trong 5 năm đầu, sau khi dùng hoa lợi để trang trải hết các nghĩa vụ về tài sản doãn chấp, y chỉ được hưởng một nửa số hoa lợi còn lại. Còn một nửa, y phải để dành, phòng hờ trường hợp người thất tung trở về thì y phải thanh toán. Sau 5 năm y mới được quyền hưởng tất cả hoa lợi.
b) Theo hai bộ DLB và DLT thì người doãn chấp tạm thời tài sản của người thất tung được đồnghóa với một người chiếm hữu ngay tình. Mà theo dân luật (điều 408 DLB, 482 DLT) người chiếm hữu ngay tình (thí dụ người mua một bất động sản của một kẻ mà mình lầm tưởng là sở hữu chủ) được hưởng tất cả hoa lợi của tài sản chiếm hữu và về sau không phải thanh toán với sở hữu chủ thực sự. Về phần nghĩa vụ, DLT điều 65 qui định rằng, người doãn chấp tạm thời tài sản của người thất tung có bổn phận phải trang trải công nợ cho người thất tung. Nếu xét cần, phải xin Tòa án cho phép phát mại tài sản doãn chấp để trả nợ cho người thất tung.
2. Hiệu lực của sự tuyên cáo thất tung về phương diện giá thú.
221._ 227( …) 158-161.

MỤC II: CÁC QUYỀN LỢI PHỤ TÙY NHÂN CÁCH 

228. Đó là những đặc quyền của con người. Là người là phải có các đặc quyền này. Ở đây chúng ta đang đứng trên biên giới của công pháp và tư pháp. Thực vậy, nói đến quyền lợi phụ tùy nhân cách ta liên tưởng ngay đến các nhân quyền do bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 công nhận. Nhưng ta có thể xét một loại quyền lợi trên những bình diện khác nhau. Khi ta nói đến nhân quyền là ta đứng trên bình diện chính trị hay trên bình diện công pháp. Công nhận nhân quyền là thừa nhận rằng con người phải được hưởng những quyền lợi cốt yếu. Nhà lập pháp không thể phủ nhận hay truất phế các quyền lợi đó của con người. Công nhận nhân quyền và coi nhân quyền là những quyền lợi tự nhiên của con người, chính là chủ trương của các học thuyết về tự nhiên pháp. Theo học thuyết này, nhân định pháp sẽ đi ngược lại tự nhiên pháp nếu phủ định các nhân quyền.
Ta đã biết rằng, sự bảo vệ con người trước quyền hành lớn lao của nhà lập pháp là một việc rất khó khăn. Người ta khó có thể cấm đoán nhà cầm quyền vi phạm tự nhiên pháp. Không những nhà lập pháp mà cả quyền hành pháp, và các cơ quan hành chính cũng dễ xâm phạm đến nhân quyền của công dân. Trong công pháp, người ta thấy có những chương nói về các tự do công bảo như tự do cá nhân, tự do cư sở, tự do báo chí, tự do tôn giáo v.v… Hiến pháp của các nước dân chủ đều công nhận cho công dân các tự do này. Những thường Hiến pháp chỉ đặt nguyên tắc đại cương. Việc thực thi các tự do ấy lại được đặt trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Tuy nhiên khi những quyền tự do ấy được công nhận, thì những quyết định của cơ quan hành chánh (Thí dụ như một Nghị định của Bộ trưởng hay Đô trưởng) không thể trái với các tự do đã được công nhận. Vấn đề này hoàn toàn thuộc công pháp.
229._Các quyền lợi phụ tùy nhân cách mà ta xét trong khuôn khổ dân luật, thực ra cũng vẫn là những nhân quyền, nhưng đặt trên một bình diện khác, bình diện của tư pháp. Ở đây các quyền lợi của con người được bảo vệ chống lại sự xâm phạm của các tư nhân khác, chứ không phải chống lại chính quyền, hay cơ quan hành chánh. Thí dụ: Một nhân viên công quyền không được đột nhập vào nhà ở của một công dân một cách phi pháp ngoài những trường hợp luật định, vì cư sở tư nhân có tính cách bất khả xâm phạm. Đó là một tự do công bảo. Một tư nhân thường cũng không được đột nhập tư gia của người khác, ngoài sự ưng thuận của gia chủ. Sự bất khả xâm phạm của cư sở vừa là một tự do công bảo (vì nó được bảo vệ đối với hành động của chính quyền), vừa là một quyền lợi phụ tùy nhân cách (vì nó được bảo vệ đối với những hành vi của tư  nhân). Tuy nhiên, sự phân biệt giữa các quyền lợi này cũng không thực rõ rệt vì bộ Dân luật không đặt ra những qui tắc tổng quát để qui định. Học lý phân biệt ba quyền lợi phụ tùy nhân cách là: Những quyền nguyên thủy hay quyền tối trọng của con người; Các tự do dân sự; sự bình quyền dân sự.

ĐOẠN I._ Những quyền tối trọng của con người 

230._ Đó là những quyền lợi phụ tùy nhân cách hiểu theo nghĩa hẹp. Nhưng quyền tối trọng của con người tập trung trong sự bảo vệ yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần của nhân cách.

A._ Sự bảo vệ yếu tố vật chất của nhân cách 

231._ Yếu tố vật chất của nhân cách là thân thể con người. Muốn bảo vệ nhân cách phải bảo vệ thân thể. Trong tư pháp, thân thể người ta được bảo vệ về hai phương diện: một mặt chống lại những xúc phạm của các tư nhân khác, một mặt chống lại quyền sử dụng của chính cá nhân về thân thể mình.

1. _ Chống lại sự xúc phạm của tư nhân, thân thể của mọi người được coi là bất khả xâm phạm

232._Một nguyên tắc căn bản được công nhận là cấm xâm phạm cơ thể cảu một cá nhân dù là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của một cá nhân khác. Sở dĩ có nguyên tắc này là vì khi có sự tương tranh quyền lợi giữa hai tư nhân, không quyền bên nào được dân luật coi trọng hơn. Nguyên tắc này giải thích tại sao trong một vụ án dân sự, nếu bị đơn không muốn đích thân đến hầu tòa, Tòa án không thể truyền cho nhân viên công lực áp giải bị đơn đến pháp đình được. Trong một vụ kiện phụ hệ, Tòa án không thể cưỡng bách bị đơn để lấy huyết đem phân tích. Nếu bị dơn không thuận thì y chỉ có thể bị thua kiện là cùng. Thái độ của y có thể khiến cho Tòa nghĩ rằng y sợ bị bối rối trước một bằng chứng cụ thể nên không chịu để cho thi hành biện pháp do Tòa truyền. Trong phạm vi dân luật, chỉ có thể dùng áp lực tinh thần như thuyết phục bị đơn, nói cho đương sự hiểu rằng, nếu y không thuận thì điều đó chỉ bất lợi cho y. Một thí dụ nữa được thấy trong các vụ kiện đuổi nhà: Khi thi hành án văn trục xuất người thuê nhà, thừa phát lại chỉ có thể di dời đồ đạc của người thuê ra đường mà không được quyền động chạm đến thân thể người bị trục xuất.
Cũng vì có nguyên tắc cấm xúc phạm đến thân thể cá nhân, mà trong các cuộc giải phẫu y khoa, dân luật đòi hỏi bác sĩ phải được sự ưng thuận trước của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch không phát biểu được ý chí thì phải có sự ưng thuận của người đại diện (như cha mẹ, vợ chồng.). Thiếu sự ưng thuận này bác sĩ giải phẫu sẽ phải chịu trách nhiệm về măt dân sự (nghĩa là phải bồi thường) hoặc cả về mặt hình sự (nêu phạm lỗi bất cẩn hay sơ suất khi cuộc giải phẫu không đem lại kết quả tốt mà lại làm trầm trọng thêm cho bệnh nhân.
233._ Tuy nhiên, nguyên tắc cấm xâm phạm đến thân thể cá nhân ngay trên đại hạt dân luật, vẫn có một biệt lệ: Biệt lệ này là thủ tục câu thúc thân thể do các điều 221 và tiếp theo của bộ luật dân sự tố tụng áp dụng tại nam phần (Nghị định ngày 16-3-1910) qui định.  Nay đã bỏ…

2. Sự bảo vệ thân thể con người chống lại quyền sử dụng bản thân của cá nhân

236._ Thân thể người ta được đặt ra ngoài thương mại. Không ai được cầm bán thân thể mình. Tuy nhiên nguyên tắc này không có nghĩa là mọi hành vi pháp lý, mọi khế ước liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến thân thể, đều coi là trái với trật tự công cộng và trở nên vô hiệu. Vấn đề thực ra tế nhị hơn. Luật pháp thường xét vấn đề theo mục đích cảu các người lập ước. Nếu mục đích đó chính đáng thì hành vi pháp lý hữu hiệu. Ta cần phân biêt hai loại khế ước liên hệ đến thân thể cá nhân: Khe16u71o7c liên hệ đến chính thân thể và khế ước liên hệ đến việc bồi thường những sự xâm phạm cơ thể.
237._ Loại khế ước thứa nhất: Sự cầm hay bán hoàn toàn thân thể là một hành vi bất hợp pháp. Thí dụ như tự bán mình làm nô lệ. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta thấy nàng Kiều bán mình để lấy tiền chuộc tội cho cha. Sự bán mình như vậy không trái với phong tục cổ Trung Hoa và Việt Nam vì nó được xem như một hành vi báo hiếu. Đạo hiếu trong học thuyết Khổng Mạnh đã đưa con người đến những sự hy sinh quá đáng, mât cả nhân cách. Nó cũng đưa đến những sự lạm dụng, những tệ đoan, như sự bán co, bán vợ trong thời xưa. Quan niệm ngày nay trái ngược hẳn. Luật pháp hiện hành triệt để ngăn cấm sự mua bán người (dù là tự bán mình hay để cho người khác bán mình). Điều 344 Hình luật Canh cải minh thị rằng: “Sự cầm bán người bị cấm đoán và mọi vi phạm bị chế tài bằng hình phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu kẻ vi phạm là cha, mẹ, anh em chú bác nạn nhân thì hình phạt tù là 5 năm”.
Trong thế kỷ trước, khi chế độ nô lệ còn được dung túng tại một số quốc gia, nhất là ở Mỹ châu, người nô lệ da đen được đem bán ở ngoài chợ như một con trâu hay con ngựa. Đó là sự vi phạm trắng trợn nhân quyền. Một hạng người đã bị coi như không còn nhân cách. Ngày nay trạng huống này không còn nữa nhưng chưa phải là đã hết hẳn dưới mọi hình thức.
238._ Chỉ có sự bán mình làm nô lệ mới bị cấm đoán. Còn sự bán hay cho mướn sức lực của mình thì vẫn hợp pháp và không trái với sự bảo vệ yếu tố vật chất của nhân cách. Phần lớn đối tượng của khế ước lao động là cho mướn sức lực của con người. Đôi khi sự cho mướn này đòi hỏi cả sự biểu diễn những khéo léo hay tài năng của thân thể (như biểu diễn quyền thuật, võ thuật hay trò xiết). Các khế ước này đều có giá trị vì hợp pháp. Hơn thế nữa, những hành vi pháp lý như bán huyết của mình cho ngân hàng máu hay di nhượng con mắt cho người khác khi chết đi, đều là những hành vi hợp pháp. Ở nước nhà có đạo luật qui định việc cho phép các Bác sĩ lấy nhãn cầu mà người chết di tặng để dùng vào việc ghép giác mạc (greffe de la cornee).đó là đạo luật ngày 5-7-1957.
239._ Tuy nhiên cá nhân không thể nhờ cậy hay mướn người khác hủy hoại thân thể mình (dù rằng ai cũng có thể tự tử không cần đến người khác)> Kẻ gây thương tích cho người  khác, theo lời yêu cầu hay với thỏa thuận cảu chính nạn nhân vẫn bị tội.
240._ Loại khế ước thứ hai là khế ước liên hệ tới sự bồi thường những xâm phạm cơ thể con người thì Tòa án thường xét mục đích của những người lập ước. Tùy theo mục đích này chính đáng hay không, Tòa sẽ hữu hiệu hay tiêu hủy khế ước. Nếu khế ước có mục đích bảo vệ hay bảo đảm thân thể, thì chắc chắn là có giá trị. Thí dụ: Khế ước bảo hiểm (bảo kê) nhân mạng. Khế ước chuyên chở hành khách bằng đường hàng không hay đường thủy với nghĩa vụ của công ty chuyên chở phải đưa hành khách đi đến nơi về đến chốn, không bị thương tích hay thiệt mạng ở giữa đường. Ngược lại, nếu là những điều ước có tính cách hạn chế hay bãi bỏ nghĩa vụ bồi thường nạn nhân khi gặp tai nạn, thì án lệ và học lý tỏ ra dè dặt và ít khi công nhận giá trị của các điều ước đó.
đối với khế ước liên hệ đến việc dùng người khỏe mạnh để thí nghiệm về y học, án lệ tỏ ra nghi ngờ tính cách hữu ích của cuộc thí nghiệm nên loại khế ước này thường bị dị nghị. Có tác giả đã đ8ạt vấn đề như sau: Ta có nên coi tất cả những khế ước liên hệ đến thân thể người ta như một loại riêng, đặt dưới chế độ pháp lý tự trị, khác với chế độ luật phổ thông không? Nếu nên thì chế độ đặc biệt này sẽ có những qui lệ riêng, như đòi hỏi một sự ưng thuận của chính cá nhân đương sự, dù chưa trưởng thành, như chấp nhận cho đương sự được đơn phương tiêu hủy khế ước, khi khế ước chưa được thi hành hoặc bãi bỏ nghĩa vụ bảo đảm của người bán, một nghĩa vụ mà luật phổ thông dự liệu cho khế ước thường.

B. Sự bảo vệ yếu tố tinh thần của nhân cách
Trong những quyền lợi tinh thần phát sinh từ nhân cách, ta có thể kể quyền bảo vệ danh dự, quyền bảo vệ hình ảnh, và quyền bảo vệ tình cảm.

1. Quyền bảo vệ danh dự

241._Mọi người đều có quyền đòi hỏi người khác sự tôn trọng danh dự của mình. Những sự xúc phạm danh dự người khác được luật pháp gọi là phỉ báng hay mạ lỵ. Phỉ báng là nêu ra một sự kiện xấu xa rồi gán sự kiện đó cho người bị phỉ báng, dù sự kiện đó là thực hay là hư. Mạ lỵ là nói những lời khinh bỉ hay tục tiểu, nhưng không nêu ra sự kiện nào. Phỉ báng và mạ lỵ là hai tội phạm do hình luật qui định và trừng trị (Luật ngày 29-7-1881 về chế độ báo chí và Sắc luật ngày 20-2-1964 về tự do báo chí). Khi hành vi phỉ báng hay mạ lỵ thiếu yếu tố để thành một tội hình sự thì có thể được coi như một lỗi dân sự. Trên địa hạt dân luật, người bị phỉ báng hay mạ lỵ có thể kiện đòi bồi thường và xin tòa cho thi hành những biện pháp mục đích ngăn chặn sự trạng này khỏi tái diễn (như tiêu hủy bản văn chứ đựng lời phỉ báng hay mạ lỵ). Theo án lệ, sự xúc phạm danh dự phải có thành tố cốt yếu là ác ý của kẻ xúc phạm. Sự mạ lỵ hay phỉ báng được biểu lộ ở ác ý nhiều hơn ở lời lẽ hay cử chỉ.

2. Quyền bảo vệ hình ảnh 

242._ Quyền này do án lệ công nhận. Quyền bảo vệ hình ảnh là quyền của mọi người, được cấm đoán không cho kẻ khác phóng tạo hình ảnh của mình như chụp hình, rồi mang đăng tải trên báo chí hay phổ biến trong dân chúng. Kẻ chụp hay phổ biến hình ảnh người khác nhiều khi không có ác ý. ví dụ: Phóng viên báo chí muốn thông tin cho độc giả, hay nhà nghệ sĩ vì yêu chuộng nghệ thuật mà chụp hay họa những cảnh đẹp, người đẹp. Tuy nhiên, những lý do chính đáng đó cũng không xóa bỏ được quyền bảo vệ hình ảnh. Chủ thể quyền lợi này vẫn có thể kiện đòi bồi thường, nếu bị thiệt hại và nah16t là có thể xin Tòa truyền lệnh chấm dứt ngay sự phổ biến và tiêu hủy ngay những hình ảnh đã chụp hay họa. Quyền bảo vệ hình ảnh do cac luật gia Đức đề xướng lúc khởi đầu. bộ Dân luật Ý có hẳn một điều khoản (Điều 10) cấm đoán sự lạm dụng hình ảnh người khác bằng cách phơi bày cho công chúng xem, làm phương hại đến danh giá của người trong hình.
243._ Ngày nay bản chất của quyền bảo vệ hình ảnh vẫn chưa được hoàn toàn xác định. Có người cho rằng quyền cấm đoán kẻ khác sử dụng hình ảnh của mình là một quyền sở hữu. (Có lẽ người ta quan niệm rằng mọi người có quyền sở hữu về thân thể của mình, rồi từ quan niệm đó, đồng hóa hình ảnh với thân thể). Có người lại cho rằng quyền bảo vệ hình ảnh là một tác quyền. Đó là quan niệm của người Mỹ và người Anh. Theo qun niệm này mỗi cá nhân có một tác quyền (copyright) về net mặt, hình dáng của mình. Người khác không thể đem phổ biến hình ảnh đó, nếu không được tác giả ưng thuận, cũng như người ta không được tự tiện đem phổ biến một tác phẩm văn chương hay mỹ thuật, nếu chưa có phép của tác giả. Cũng có ngườ lại cho rằng quyền bảo vệ hình ảnh là một trạng thái của sự bảo vệ tự do cá nhân, nhất là tự do trong đời tư của mỗi người. Án lệ Pháp công nhận quyền của mỗi cá nhân được cấm kẻ khác phổ biến hình ảnh của mình.
244._ Tuy nhiê còn một điểm chưa rõ rệt là chụp hình một người nhưng không mang phổ biến có phải là một hành vi trái luật không? Vấn đề pháp lý này được đặt ra trong vụ án những nhiếp ảnh viên loại “photo stop” tại Pháp. Những nhiếp ảnh viên này tự tiện chụp hình các người đi đường với hy ov5ng có người sẽ đến mua các hình chụp. Người hành nghề nhiếp ảnh theo lối này phải xin phép Đô trường hay thị trưởng. Năm 1950, tại Pháp đã xảy ra vụ án trong đó có cơ quan hành chánh đã khước từ không cấp giấy phép hành nghề nhiếp ảnh theo lối “Photo Stop”, viện lẽ rằng nó xúc phạm đến tự do cá nhân của khách bộ hành. Tuy nhiên, khi nội vụ đưa lên xử lại tại Tham Chính viện thì Tòa này lại tỏ ra rộng rãi đối với các nhiếp ảnh viên “photo stop”.

3. Quyền bảo vệ tình cảm

245._Người ta ai cũng có tình cảm. Tình cảm đó nhiều hay ít, mạnh hay yếu, tùy theo liên lạc thân thích gần xa. Thí dụ; Tình vợ chồng, tình phụ tử hay mẫu tử, được coi là những tình cảm mạnh mẽ nhất và đáng trọng nhất. Trong một tai nạn xe đò, một hành khách bị tử nạn, vợ hay con nạn nhân có thể kiện đòi hãng xe phải bồi thường. Để chứng minh cho thiệt hại do cái chết của nạn nhân gây ra cho gia đình, nguyên đơn, một mặt sẽ viện dẫn các thiệt hại vật chấ như mất số lợi tức do người chồng hay cha miếm được lúc sinh thời, những tổn phí về ma chay v.v.. Một mặt khác và đây là điểm ta cần lưu ý, nguyên đơn lại có thể viện dẫn cả sự thiệt hại tinh thần là sự đau thương sầu thảm vì mất đi một người thân. Thực vậy trên địa hạt tình cảm, tai nạn xảy ra đã là một xúc phạm lớn lao đối với gia đình nạn nhân. Án lệ và học lý đều đồng ý là sự thiệt hại tinh thần này cần được bồi thường. Tiến bồi thường được gọi là “giá của sự đau thương” (prtium doloris). Ngoài ba quyền lợi trên đây, có tác giả lại kể thêm một quyền thứ tư trong các quyền lợi tinh thần phát sinh từ nhân cách, đó là quyền bảo vệ tính danh hay tên họ. Quyền này sẽ được xét tới ở chương sau khi học về tính danh.

C. Những đặc tính của các quyền tối trọng của con người 

246. – Trước hết tính cách tổng quát của quyền: Nó được nhìn nhận cho tất cả mọi người. Cứ là người thì có những quyền này. Loại quyền này lại giống nhau đối với tất cả mọi người.
– Thứ hai là tính cách tuyệt đối của quyền. Mọi người ai cũng phải tôn trọng; Về phương diện này các quyền tối trọng của con người giống các vật quyền vì có thể đem đối kháng với bất cứ ai. Cũng vì lẽ đó mà người ta thường coi các quyền tối trọng của con người như một loại quyền sở hữu (ta sẽ thấy rõ sự lẫn lộn này khi xét về quyền bảo vệ tính danh ở chương sau).
– Thứ ba là là tính cách ngoại sản nghiệp. Các quyền tối trọng này được coi là ở ngoài thương mại.
247._ tuy nhiên, ta cần phải hiểu rằng các quyền đó tuy được coi là ngoại sản nghiệp nhưng vẫn có thể có những hậu quả lý tài. Bình thường sự xâm phạm các quyền này được chế tài bằng trách nhiệm dân sự. Người có quyền lợi bị xâm phạm được hưởng một khoản bồi thường. Như vậy là các quyền lợi đó cũng phát sinh hậu quả lý tài. Ngoài ra, khế ước lập giữa tư nhân liên hệ đến sự chuyển nhượng một vài quyền lợi phụ tùy nhân cách, cũng được án lệ cho là có giá trị. Thí dụ quyền bảo vệ hình ảnh của mình là một quyền khả nhượng. Một cá nhân có thể bán quyền phổ biến h2inh ảnh mình cho một tư nhân khác như trường hợp các tài tử điện ảnh, và các thiếu nữ chụp hình để in trên các tạp chí, làm quảng cáo.

ĐOẠN II: Các tự do dân sự

248._Tự do là khả năng của con người được hành động theo ý mình. Tự do không có đối tượng rõ rệt để được coi như một quyền lợi. Như giáo sư Josserand đã nói, nó chỉ là một ảo quyền hay viễn quyền (virtualite de droit) chứ chưa phải là một thực quyền. Đối với mỗi cá nhân, biên giới của tự do là tự do của người khác. Tự do của cá nhân cần được xác nhận không những đối với Nhà nước, với chính quyền, mà cả trong những tương quan giữa tư nhân. Trạng thái thứ hai này chính là trạng thái dân sự của vấn đề tự do cá nhân. Tự do dân sự là các tự do được Dân luật bảo đảm cho mọi tư nhân chống lại sự xâm phạm của các tư nhân khác. Nó khác tự do công bảo. Tự do công bảo là những tự do của người công dân do công pháp bảo vệ, chống lại sự xâm phạm của nhà nước, của chính quyền. Các tự do công bảo thuộc về Luật Hiến pháp, luật Hành chính. Ở đây ta chỉ nghiên cứu tự do dân sự.
Ta cần quan niệm tự do là một thực thể, không phải là một tưởng tượng. Tự do thay đổi sắc thái tùy theo các hoạt động của con người. Vì vậy không phải chỉ có một tự do mà có nhiều tự do. Các tự do dân sự được xếp thành hai loại: Tự do vật chất và tự do tinh thần.  

A. Các tự do vật chất
Các tự do vật chất (còn được gọi là tự do cá nhân) gồm có tự do đi lại, tự do hoạt động và tự do trong cư sở.

1.Tự do đi lại

249._ Tự do đi lại là hình thức thứ nhât của tự do dân sự. Tự do đi lại của công dân đặt ra những vấn đề rất quan trọng trong công pháp (như vấn đề giam cứu cá nhâ). Trong lĩnh vực dân sự, tự do đi lại được thể hiện trong quyền thông hành địa dịch, nghĩa là quyền đi qua đất của người khác, khi ta ở trên một tắc địa, bị bao vây bốn mặt, không có lối thoát ra công lộ (Điều 682 Dân luật).
Vấn đề tự do đi lại , trên địa hạt dân luật, cũng được đặt ra trong những vụ án liên hệ đến giá trị chúc thư hoăc chứng thư tặng dữ (cho của). Trong những chúc thư hoặc chứng thư cho của, người quá cố đòi khi ấn định điều kiện là người thụ hưởng bị buo65cpha3i cư ngụ tại bất động sản được thừa hưởng, hoặc bắt buộc phải dơi đi nơi khác. Những điều khoản này có hiệu quả hạn chd61 quyền tự do đi lại, tự do cư ngụ của người thụ hưởng tài sản. Tuy vậy án lệ có xu hướng hữu hiện các điều khoản (…) hiệu lực của nó được giới hạn trong thời gian và khi sự hạn chế có một lý do chính đáng, như ngăn cấm sự bỏ phế một cư sở cảu gia đình, như tránh sự tiếp xúc giữa gia đình chính thức với một nhân tình cũ của người quá cố. Xet kỹ thì điều khoản bắt buộc phải cư ngụ hoặc ngăn cấm cư ngụ tại một nơi nào, không xâm phạm đên quyền tự do đi lại, vì đương sự vẫn có thể đi du lịch hoặc có những nơi trú sở phụ tại nơi khác. Thực ra điều khoản này chỉ phạm vào quyền tự do chọn lựa cư sở của cá nhân. Tuy vậy, những điều khoản này thường có những hậu quả nghiêm trọng như làm trở ngại sự hành nghề của đương sự, làm cho đương sự khó sinh sống. Tòa án thường lưu ý điểm này trước khi hữu hiệu điều ước.

2. Tự do hoạt động

250._Tự do vật chất thứ hai là tự do hoạt động. Đó là tự do làm hay không làm một công việc gì. Khế ước làm việc điển hình là khế ước lao động. Điều mà dân luật cấm đoán cốt là để bảo vệ tự do cá nhân, là không ai được kết ước làm công cho kẻ khác trọn đời mình (1780 DLP, 1219 DLT).. Công nhân chỉ có thể cho mướn công của mình trong một thời hạn nhất định hoặc để làm một công việc định rõ. Nếu khế ước lao động có tính cách vô thời hạn thì một bên lập ước được quyền đơn phương chấm dứt khế ước bất cứ lúc nào.
251._ Tự do hoạt động của cá nhân còn có một nguyên tắc quan trọng sau đây bảo vệ: Người có nghĩa vụ phải làm một công việc gì, không thể bị cưỡng bách bằng vũ lực để làm công việc đó; nếu đương sự không thuận thi hành nghĩa vụ do khế ước qui định thì y chỉ phải bồi thường bằng tiền bạc (điều 1142 DLP, 1228 DLT). Thí dụ một họa sĩ nhận vẽ bức chân dung cho khách hàng. Sau họa sĩ này đổi ý kiến không thuận vẽ nữa. Thân chủ của họa sĩ không thể dùng võ lực cưỡng bách đương sự phải họa, mà chỉ có thể vô đơn kiện đòi bồi thường. Nói tóm lại để bảo vệ tự do hoạt động của cá nhân, luật pháp chỉ cho phép cưỡng bách gián tiếp bằng áp lực lý tài (hăm dọa kiện đòi bồi thường). Ta thấy rõ tính cách bất khả xâm phạm thân thể con người.

3. Tự do trong cử sơ 

252._ Nhà ở là thành lũy của cá nhân. Sự bất khả xâm phạm của cư sở được công pháp bảo vệ chống lại những làm dụng của công quyền. Tự do trong cư sở cũng được dân luật bảo vệ để chống lại sự xâm phạm của cá tư nhân khác. Tự do trong cư sở vì vậy có hai bộ mặt. Một mặt nó là một tự do công bảo thuộc về sự bảo vệ của công pháp. Một mặt khác nó là một tự do dân sự thuộc sự che chở của dân luật. Dân luật qui định rõ thủ tục lập vi bằng kiểm chứng mà thừa phát lại có thể làm tại tư gia, trong các vụ phạm gian. Vi bằng này thường được dùng làm bằng chứng trong vác vụ án ly hôn. Theo án lệ Pháp thừa phát lại phải xin phép ông Chánh án trước. Sau khi có án lệnh của vị thẩm phán này mới được đột nhập tư gia để kiểm chứng sự phạm gian.
253._ Sự bất khả xâm phạm của cư sở hay là sự tự do trong cư sở còn được án lệ bảo vệ bằng cách công nhận cho mỗi cá nhân quyền tự do rào nhà của mình thoe ý muốn, để chống lại sự thâm nhập của các tư nhân khác. Quyền tự do rào nhà cho phép người cư ngụ, người mướn nhà hay sở hữu chủ được dùng bất cứ phương tiện nào (giây kẽm gai, giây điện, cạm bẫy hoặc nuôi chó dữ) để bảo vệ sự bất khả xâm phạm cư sở củ mình. Theo án lệ chủ nhà không có trách nhiệm khi một kẻ lạ mặt xâm nhập vào nhà không có lý do và bi chó cắn.
Nhiều bộ luật ngoại quốc còn công nhận cho chủ nhà (dù là người thuê nhà hay sở hữu chủ vũng vậy, được quyền trục xuất bằng võ lực kẻ xâm nhập nhà mình, nếu sau khi đươc chủ nhà yêu cầu y không chịu ra khỏi nhà. (Như dân luật Thụy sĩ điều 926 và Dân luật Đức điều 859). Dân luật Anh cũng chấp nhận giải pháp này nhưng nói rõ rằng chủ nhà chỉ được dùng võ lực khi kẻ xâm nhập chống cự lại. Dân luật Việt Nam không minh thị trường hợp này. Theo học lý thì một gi3i ph1p tương tự cần được ấp nân vì chủ nhà không tể làm ka1c được. Chả nhẽ mỗi khi có kẻ xâm nhập nhà ở lại phải vô đơn kiện và phải đợi có lệnh của Tòa án mới được trục xuất.?
Tư do trong cư sở không phải là đặc quyền của quyền tư hữu, vì người thuê nhà có thể đem đối kháng tự do này với chính sở hữu chủ ngôi nhà. Dĩ nhiên là sở hữu chủ có nhà cho mướn có thể thình thoảng thăm viếng bất độgn sản của mình để kiểm soát xem người thuê có thi hành đúng nghĩa vụ không? Có là hư hại nhà không? Có chịu sửa chữa lặt vặt không? Nhưng sở hữu chủ chỉ được thỉnh thoảng thăm viếng và sự thăm viếng phải có tính cách cần thiết. Nếu không người thuê có thể phản đối sở hữu chủ là xâm phạm vào tự do trong cư sở của mình. Sự kiện này chứng tỏ rằng đây là một quyền lợi liên hệt đến nhân cách cảu người cư ngụ, chứ không liên quan đến quyền sở hữu bât động sản.

B. Các tự do tinh thần

1. Tự do về nhân sinh quan

254._ Tự do tinh thần thứ nhất là tự do về nhân sinh quan: Mỗi cá nhân có quyền lựa chọn lối sống của mình theo sở thích, như sống một cuộc đời giản dị ít giao du, sống ẩn dật ở nơi thôn dã hay núi rừng hoặc sống một cuộc đời xa hoa đàng điếm ở nơi thành thị, sống độc thân hay lập gia đình. Đó là tùy sở thích, tùy khả năng của mỗi cá nhân. Trong lãnh vực này cá nhân được tự do sống theo lối sống mình ưa thích. Tuy nhiên, trong phạm vi dân luật, sự tự do này cũng có giới hạn. giới hạn này là quyền lợi chính đáng của những người ở chung quanh. Thí dụ: Người cư ngụ tại các cao ốc không được nuôi chó để khỏi làm phiền toái người kế cận. Điều này thường được ghi rõ rong hợp đồng thuê mướn căn phố lầu thuộc loại bin đinh. Tuy điều ước này hạn chế tự do của nười mướn nhưng án lệ thường công nhận vì nó có lý do chính đáng.
255._ Muốn lập gia đình hay không cũng là một tự do về nhân sinh quan. Trong các chúc thư hay chứng thư tặng dữ ta thường thấy có những điều ước hoặc cấm đoán việc hôn nhân của một cá nhân hoặc bó buộc một cá nhân phải lập giá thú với một cá nhân khác. đó là điều kiện thừa hưởng gia tài hoặc điều kiện hưởng thự một tài sản tặng dữ. Môt điều ước như vậy chắc chắn làm mất tự do về nhân sinh quan của người nhận lãnh tài sản. Nó có được án lệ công nhận hữu hiệu không?
theo nguyên t8a1c, án lệ chỉ coi là hữu hiệu những điều ước thuộc loại này khi điều kiện đặt ra có lý do chính đáng. Thí dụ như tuổi hay tình trạng sức khỏe của đương sự không cho phép lập giá thú. Trái lại, khi thiếu lý do chính đáng, như vì ghen tuông hay ích kỷ mà cấm đoán, thì án lệ coi các điều ước đó là vô hiệu.

2. Tư do trong phạm vi đời tư

256._ Tư do trong phạm vi đời tư la một tự do tinh thần thứ hai. Mỗi cá nhân đều có quyền bảo vệ sự bí mật đời mình và có quyền bắt kẻ khác không được nhòm ngó vào đời tư của mình. Sự tự do này được thể hiện trong quyền của cá nhân được cấm đoàn không để người khác lấy đời tư của mình làm đề tài cho một cuốn truyện, dù đã đặt cho nhân vật trong truyện một tên khác. Tuy nhiên ta cần lưu ý là ở đây có sự tương phản giữa tự do trong phạm vi đời tư của cá nhân và tự do diễn đạt cảu nhà văn. Các văn nhân hay thi sĩ có quyền tìm cảm hứng hay chọn đề tài trong đời sống linh động của xã hội. Họ có quyền thâu thập những dữ kiện gặt hái được trong sinh hoạt hằng ngày của cá nhân. Vì lẽ đó án lệ thường bảo vệ sự tự do diễn đạt cảu nah2 văn, khi các dữ kiện được trình bày torng chuyện chỉ liên hệ đến đời công chứ không thuộc về đời tư của cá nhân mà nhà văn mô tả.
Án lệ còn bao gồm cả torng phạm vi đời tư quyền giữ bí mật thư tín và bí mật các cuộc điện đàm. Tự do trong phạm vi đời tư còn bao hàm cả quyền được ngăn cấm một cuộc lạc quyền do bạn bè tổ chức với thiện ý giúp mình.

3. Tự do tín ngưỡng

257._ Tự do tín ngưỡng thực ra là một vấnđề thuộc về công pháp. Tuy nhiên nó cũng có hai bộ mặt: Tự do tín ngưỡng vừa là một tự do công bảo vừa là một tự do dân sự. Trong dân luật, vấn đề tự do tín ngưỡng thường được đặt ra như sau: Một người có của, trước khi chết, làm chúc thư để của cho một người khác. Chúc thư đặt điều kiện là người thừa hưởng phải đổi tôn giáo hoặc phải lấy một người thuộc một tôn giáo nào. Đặt điều kiện như vậy, người làm chúc thư rõ ràng xâm phạm tự do tín ngưỡng của người khác. Vậy điều kiện này có vô hiệu hay không? Án lệ coi là vô hiệu vì trái với tự do tín ngưỡng. Có lẽ trong các tự do thì tự do tín ngưỡng có tính cách tuyệt đối hơn cả.

C._ Các tự do nghề nghiệp

258._ đó là những tự do mà người ta chỉ hành xử trong phạm vi sinh hoạt nghề nghiệp, chứ không phải trong đời tư cá nhân. Ở đây ta chỉ cần ghi nhớ vì các tự do này thuộc về phạm vi các môn luật khác như luật la động, luật thương mại. Tự do nghề nghiệp đáng kể nhất là tự do thương mại, kỹ nghệ và tự do lao động. Hai loại tự do này thường bị hạn chế bởi điều ước cấm cạnh tranh trong khế ước lao động. Theo điều ước cấm cạnh tranh, chủ nhân đòi hỏi ở người công nhân một điều kiện là khi thôi việc không thể tự mình thiết lập một xí nghiệp hoặc làm cho một xí nghiệp cạnh tranh khác. Muốn bảo vệ quyền lợi của xí nghiệp mình, chủ nhân thường đ8ạt điều kiện như vậy, viện lẽ rằng, người công nhân thâu thái được nhiều bí quyết, nhiều thành thạo trong nghề, nếu sau này đem sử dụng lợi cho kẻ khác thì thiệt thòi cho chủ nhân. Lý lẽ này xet ra chính đáng, nên trên nguyên tắc án lệ thường hữu hiệu điều ước cấm cạnh tranh nếu sự cấm đáon này được giới hạn trong thời gian hoặc không gian, như torng một khu vựa được định rõ. Nếu điều ước c6a1m cạnh tranh làm cho sự kiếm việc làm và sinh sống của người công nhân quá khó khăn, thì sẽ bị coi là vô hiệu.

D. Bình quyền dân sự

259._ Tự do và bình quyền là hai ý niệm thường được gắn liền với nhau như hình với bóng. Nguyên tắc bình quyền được coi là một hệ luận của nguyên tắc tự do. Tại Pháp, trong lĩnh vực chính trị, sự bình quyền xuất hiện cùng với cuộc cách mạng năm 1789 và được ghi rõ trong bản tuyên ngôn nhân quyền cùng năm đó. Trong lĩnh vực dân sự, bình quyền là một trong những nguyên tắc dùng làm nền móng cho vei56c điển chế bộ Dân luật Pháp năm 1804. Có hai hạng bình quyền là bình quyền pháp lý và bình quyền thực tế.

a) Bình quyền pháp lý hay bình quyền trừu tượng

260._ Trong dân luật, bình quyền có nghĩa là mọi người được oi ngang nhau trước pháp luật. Nói cách khác, tât cả mọi người đều có năng quyền để thủ đ8ác các quyền lợi. thí dụ: Ai cũng có thể trở thành sở hữu chủ, nhưng cũng có người không bao giờ trờ thành sở hữu chủ. Bình quyền trước pháp luật không có nghĩa là bình quyền trong thực tế. Nguyên tắc bình quyền của mọi công dân được điều 6 Bộ dân luât Pháp và điều 8 Dân luật Giản yếu minh thị. Sự bình quyền là một nguyên tắc tương đối mới mẻ trong dân luật.
Thời xưa, ở nước ta dưới chế độ quân chủ chuyên chế, người dân đâu có được biết đến bình quyền. Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, các công dân thuộc vào nhiều thành phần, thuộc vào nhiều giới khác nhau; mỗi giới có những đặc quyền riêng. Vì vậy nên sự bất bình đẳng là nguyên tắc. Thí dụ trong cổ luật Việt Nam, các nô tỳ không được bình quyền với thường dân, các thường dân không được bình quyền với các quan chức. Trong thường dân lại có một hạng người bị bạc đãi hẳn là các kẻ làm nghề hát xướng (hát chèo hay làm phường tuồng). Bộ luật Triều Lê ngăn cấm các quan chức lấy kỹ nữ làm vợ. Nếu lấy giá thú sẽ bị tiêu hủy và cả hai người hôn phối sẽ bị phạt hình trượng. Ngoài ra người chồng còn bị giáng chức (điều 323). Nguyên tắc bất bình đẳng còn được thể hiện rõ ràng hơn ở điều 629 cũng của bộ luật đó. Điều luật này cấm chỉ con cháu các người làm nghề hát xướng không được dự các kỳ thi.
Trong dân luật Pháp, thời tiền cách mạng cũng có rất nhiều điều khoản bất bình đẳng. Thí dụ như các điều luật công nhận đặc quyền cho giới quý tộc. Các đặc quyền này bị bãi bỏ trong đêm lịch sử ngày 4-8-1789. Tuy vậy, nguyên tắc bất  bình đẳng vẫn còn để lại di tích trong một vài định chế của dân luật Pháp. Thí dụ như bất bình quyền giữa con chính thức với con ngoại hôn. Sự miệt thị những kẻ làm gia nhân cho người khác. Sự kiện này giải thích vì sao các gia nhân không có cư sở riêng mà phải lấy cư sở của chủ nhân.

b) Bình quyền thực tế hay quan niệm hiện đại về sự bình quyền

261._ ngày nay người ta thấy có một xu hướng chống lại nguyên tắc bình đẳng trong các pháp chế mới. Thoạt nghe ta tưởng như đó là một hiện tượng phản cách mạng, thiếu dân chủ. Nhưng thực ra thì không phải thế. Sở dĩ có phản ứng này là vì những qui tắc cũ của dân luật đã được tạo lập theo quan niệm cổ điển, lấy con người trừu tượng và bình đẳng làm điển hình. Kinh nghiệm cho ta thấy là quan niệm cổ điển đó quá xa thực tế.
Trong thực tại, ta chỉ thấy những con người cụ thể rất khác nhau tùy theo địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, và nghề nghiệp, hoặc sang hoặc hèn, hoặc giàu hoặc nghèo, nghĩa là thực sự không bình đẳng chút nào. Vì vậy, người ta ý thức rằng, muốn thực hiện sự bình đẳng thực sự, cần phải đối xử một cách bất bình đẳng với những sự vật đã sẵn thiếu bình đẳng. Đó là một sự thực đã được Aristote, một hiền triết hy lạp nêu rõ từ thời xưa.
Những bất bình đẳng do luật pháp đương thời lập ra có mục đích bảo vệ kẻ yếu chống lại kẻ mạnh về kinh tế, bênh vực người dân đen chống lại kẻ quyền thế. Thí dụ: Luật Lao động có những qui tắc hạn chế quyền của chủ nhân trong các khế ước lao động, mục đích để bảo vệ công nhân được coi như yếu thế hơn. Luật nhà phố đã công khai bênh vực giới mướn nhà phố coi như giới người yếu thế hơn đáng được bảo vệ, bằng cách hạn chế nhiều quyền của trạch chủ. Pháp chế điền địa đã triệt để bảo vệ tá điền, trong khế ước lĩnh canh chống lại quyền sở hữu của điền chủ. Tất cả những bất bình đẳng pháp lý này đều nhằm mục đích san bằng những bất bình đẳng thực tế về kinh tế. Như vậy các pháp chế đó thực ra đã tái lập sự bình đẳng thực sự, một bình đẳng cụ thể, để thay thế sự bình đẳng trừu tượng. Ngày nay người ta cố thực hiện sự bình đẳng thực tế trong những lĩnh vực mà xưa kia người ta chỉ đòi hỏi có một sự bình đẳng pháp lý. Muốn thực hiện sự bình đẳng thực tế này, nhiều khi người ta phải hạn chế tự do./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar