Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

17. Năng lực và quyền kết ước

NĂNG LỰC VÀ QUYỀN KẾT ƯỚC
Ý chí phát sinh ra nghĩa vụ khi nào các người kết ước có đầy đủ năng lực cần thiết để tạo lập khế ước. Mặt khác, người ký kết một khế ước nhiều khi không cam kết cho chính mình mà chỉ là đại diện cho một người khác, chiếu theo một tờ giấy ủy quyền.

I. NĂNG LỰC KẾT ƯỚC. Người nào cũng có quyền kết ước, chỉ trừ những người bị pháp luật coi là vô năng cách (674 DLVN). Vậy nguyên tắc là mọi người đều có năng lực để kết ước, đó là tình trạng thông thường. Sự vô năng lực là một ngoại lệ. Có hai loại vô năng lực là vô năng lực hành xử và vô năng lực hưởng thụ:
a. Vô năng lực hành xử: Trong trường hợp vô năng lực hành xử, đương sự tuy là chủ thể của một quyền lợi nhưng không thể sử dụng được quyền lợi ấy. Sự vô năng lực này gồm có; Vô năng lực hành xử tự nhiên liên hệ đến các người điên hay thiếu nhi không có lý trí; và vô năng lực hành xử pháp định liên hệ đến các vị thành niên, các người bị cấm quyền (675 DLVN). Trong pháp chế cũ, tập Dân Luật Giản Yếu còn dự liệu sự vô năng lực của người kém trí khôn. Ngoài ra, trước năm 1959, người đàn bà Việt Nam có chồng bị coi là vô năng lực pháp lý. Bộ dân luật Pháp lại định rằng, người hoang phí cũng là vô năng lực.
b. Vô năng lực hưởng thụ: Trong trường hợp này, đương sự không những không có quyền hành xử mà còn không thể làm chủ thể của quyền lợi nữa. Các trường hợp vô năng lực này được dự liệu bởi điều 994 DLVN:
“1. Giám hộ không được mua tài sản của vị thành niên do mình quản trị;
2. Người thụ ủy không được mua tài sản của người chủ đã ủy thác cho mình đoạn mại;
3. Chức dịch, luật sư, công lại không được mua tài sản do những người ấy có phận sự đứng bán;
4. Công chức không được mua tài sản của làng, xã hay công sở do các người ấy quản lý;
5. Thẩm phán, lục sự, luật sư, công lại không được mua lại những quyền lợi đang tranh tụng trước tòa án nơi tại chức.
Những việc tạo mãi trái với điều luật này đều vô hiệu dù là tạo mãi dưới tên người khác”.
So sánh với pháp chế cũ, chúng ta thấy điều khoản trên đây chỉ lặp lại sự quy định của các điều 893 DLB, 1017, 1018 DLT, ngoại trừ sự vô năng lực hưởng thụ của luật sư mà các bộ luật cũ không nói tới… (bỏ một đoạn).
c. Hậu quả của vô năng lực: Sự vô năng lực hành xử khiến cho khế ước bị vô hiệu tương đối, bất luận là vô năng lực tự nhiên hay pháp định, vì sự vô hiệu ở đây có mục đích bảo vệ người vô năng lực và chỉ người này mới có quyền nại ra mà thôi. Còn trong trường hợp vô năng lực hưởng thụ, sự vô hiệu sẽ có tính cách tuyệt đối hay tương đối, tùy theo đặt trên nền tảng tư hay công. Về điểm này chúng ta cần lưu ý đến vô năng cách của vị thành niên và người bị cấm quyền như đươc quy định trong bộ dân luật Việt Nam. Bộ DLVN coi vị thành niên và người cấm quyền là người vô năng cách nên không thể kết ước được (674-675 DLVN). Do đó điều 879 DLVN định rằng trong khế ước, dù có tự nhận đầy đủ năng cách, vị thành niên và người bị cấm quyền vẫn được hưởng tố quyền bãi tiêu, trừ phi đã dùng những thủ đoạn gian dối làm cho người cộng ước lầm tưởng là mình có đủ năng cách. Nhưng thắc mắc có thể được nêu lên do sự quy định của 676 DLVN theo đó: “Vị thành niên và những người bị cấm quyền chỉ có thể xin tiêu hủy khế ước đã ký kết trong những trường hợp luật định”. Nếu giải thích chặt chẽ điều khoản này thì vị thành niên và người bị cấm quyền chỉ có thể xin bãi tiêu khế ước trong những trường hợp luật pháp minh thị cho phép. Ngoài những trường hợp này khế ước do họ ký kết vẫn hữu hiệu: Đối với vị thành niên điều 880 DLVN cho phép họ được bãi tiêu khế ước vì lý do thiệt thòi. Còn đối với những người bị cấm quyền thì không có điều khoản nào dành riêng cho họ quyền xin tiêu hủy khế ước ngoại trừ điều 879 DLVN nói trên. Nhưng giải thích như thế là trái với nguyên tắc của điều 675 DLVN. Vị thành niên và những người bị cấm quyền là những người vô năng cách nên các khế ước do họ ký kết không thể hữu hiệu được.
Sự thực điều 676 DLVN chỉ là kết quả vụng về của nhà làm luật. Lý do của sự vụng về đó có thể nhìn thấy trong hai phúc quyết của Tòa Thượng Thẩm Saigon trước khi bộ dân luật ra đời. Trong phúc quyết ngày 8-11-1962 (PL 1964-I-101), Tòa Thượng Thẩm Saigon thụ lý một vụ kiện trước đó năm 1959, một người đàn bà có chồng đã một mình ký kết một khế ước mà không được chồng cho phép. Trước ngày 2-1-1959, người đàn bà có chồng vô năng cách pháp lý, do đó trên nguyên tắc khế ước vô hiệu; tuy nhiên Tòa phán xử rằng nếu khế ước đã tận phát hiệu lực, người vợ đã thủ đắc mọi lợi ích của khế ước, thì khế ước ấy hữu hiệu, và người vợ không thể nêu sự vô hiệu để trốn tránh nghĩa vụ. Phúc quyết ngày 13-12-1962 (PL 1963 -IV-139), liên quan đến khế ước do vị thành niên ký kết, tòa xử rằng người vị thành niên nếu muốn viện dẫn sự vô năng cách để xin tiêu hủy một hành vi pháp lý thì phải chứng minh một thiệt hại.  Do đó, nếu khế ước mượng đồ để dùng, vì khế ước này không gây ra sự thiệt hại nào cho vị thành niên cả, nên trong mọi trường hợp này, mặc dù vô năng cách, vẫn phải hoàn trả đồ vật ấy, mà không thể nại ra sự vô hiệu để không thi hành nghĩa vụ. Nhà làm luật khi quy định điều 676 DLVN có lẽ đã muốn hạn chế quyền xin bãi tiêu khế ước của vị thành niên và người bị cấm quyền như đã thấy qua hai phúc quyết nêu trên. Nhưng không hiểu vì lý do gì sự hạn chế ấy lại không được ghi trong bộ dân luật, nên điều 676 trở thành vô nghĩa. Tóm lại, một cách tổng quá, vị thành niên và người bị cấm quyền được hưởng tố quyền xin tiêu hủy các khế ước do họ ký kết; điều kiện để hành xử tố quyền xin bãi tiêu ở đây cũng giống như đối với mọi tố quyền khác. Trong trường hợp khế ước bị tiêu hủy, vị thành niên chỉ phải hoàn lại tài sản lợi lộc gì còn giữ được (882 k2 DLVN). Điều 1312 DLP nới rộng sự quy định này đối với cả các người bị cấm quyền.

II. SỰ ĐẠI DIỆN. Các người kết ước có thể chính mình trực tiếp ký kết khế ước hoặc nhờ người đại diện hợp pháp. Trong trường hợp thứ hai thường có một sự ủy quyền do đó, một người, gọi là người chủ ủy, ban quyền cho một người khác, gọi là người thụ ủy, để nhân danh mình ký kết khế ước. Khế ước chỉ phát sinh hiệu lực giữa người đối ước và người chủ ủy, còn người thụ ủy chỉ chịu trách nhiệm đối với người chủ ủy trong việc thi hành khế ước ủy quyền.
1. Điều kiện của sự đại diện: Một sự đại diện chỉ hữu hiệu nếu người thụ úy có quyền đại diện và có ý chí đại diện.
a. Quyền đại diện: Quyền này có thể phát sinh do ý chí của người chủ ủy, đó là sự đại diện ước định, hoặc ngoài ý chí ấy, đó là sự đại diện cưỡng bách. Sự đại diện ước định thường do một khế ước ủy quyền mà có. Cũng như mọi khế ước khác, khế ước ủy quyền đòi hỏi một sự thỏa thiệp giữa ý chí của người chủ ủy và người thụ ùy, và sự ưng thuận của họ phải không bị hà tì (1239 DLVN). Khế ước ủy quyền có thể ban cấp cho người thụ ủy quyền hành để làm một số hành vi như các hành vi để quản trị một tài sản chẳng hạn; sự ủy quyền cũng có thể được giới hạn vào một hành vi nhất định như bán một bất động sản. Trường hợp thứ nhất là một sự ủy quyền tổng quát, trường hợp thứ hai là một sự ủy quyền đặc biệt. Sự đại diện cưỡng bách có thể là một sự đại diện luật định như người giám hộ đại diện cho bảo nhi, hoặc là sự đại diện tư pháp, như trường hợp một cung thác viên được tòa án chỉ định để trông coi các quyền lợi tương tranh trong khi chờ đợi được xét xử.
b. Ý muốn đại diện: Người thụ ủy phải có ý chí đại diện và phải phát biểu rõ ý chí ấy thì sự đại diện mới phát sinh hiệu lực đối với người chủ ủy. Thiếu điều kiện này, các sự cam kết sẽ chỉ có hiệu lực đối với người thụ ủy. Đây là một điều kiện căn bản của sự đại diện, nó ấn định chiều hướng hiệu lực của khế ước, vì người đối ước cần biết rõ ai là chủ nợ hoặc con nợ của họ.
2. Hiệu lực của sự đại diện: Sự đại diện có hiệu  lực phát sinh một liên hệ pháp lý trực tiếp giữa người kết ước, tức là người chủ ủy và người đối ước. Do đó, chỉ người chủ ủy là cần có năng lực kết ước, người thụ ủy có thể là người vô năng lực. Ví dụ: Ông A có thể nhân danh ông B để đứng ra mua một tài sản, trong khi chính ông A không thể đứng ra mua tài sản đó, vì một sự vô năng lực hưởng thụ mà chúng ta đã xét đến trên đây. Sau khi khế ước được ký kết, người thụ ủy đã làm xong nhiệm vụ và trên nguyên tắc không dính líu đến khế ước cả. Nhưng sự thực không giản dị như vậy; Muốn xét xem kết ước được ký kết có hữu hiệu hay không, người ta cần phải phân tích ý chí của người thụ ủy, vì nếu ý chí này bị hà tì thì khế ước do đó sẽ vô hiệu. Mặc khác, nếu người thụ ủy phạm lỗi trong khi kết ước, như đã dùng những thủ đoạn gian xảo, thì người chủ ủy sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar