Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

17. Sự cam kết đơn phương

SỰ CAM KẾT ĐƠN PHƯƠNG

Tuy coi nguyên tắc tự do ý chí là căn bản, song DLP và Việt Nam, chỉ biết có một nguồn gốc của nghĩa vụ là khế ước. Nói khác đi, sự phát sinh ra nghĩa vụ đòi hỏi gặp gỡ giữa hai người phụ trái và trái chủ. Nếu chỉ có ý chí riêng của một người, dù người ấy là phụ trái, tự ý muốn thúc buộc mình bằng một nghĩa vụ thì nghĩa vụ này cũng không phát sinh ra được. Như vậy, trong hệ thống pháp luật cảu Việt Nam và của Pháp, nhà làm luật chưa dành hẳn cho nguyên tắc ý chí tự do một địa vị độc tôn. Năm 1874, luật gia Siegel của Đức đã chủ trương một lý thuyết khác hẳn: Người phụ trái có thể đơn phương thúc buộc mình. Lý thuyết cam kết đơn phương (théorie de l’engagement unilatéral) đã được nhiều bộ dân luật hiện đại như Dân luật Đức, Luật Nghĩa vụ của Ba Lan, thụy Sĩ và của Ý (1942) thừa nhận.
I. PHÂN TÍCH VÀ PHÊ BÌNH LÝ THUYẾT CAM KẾT ĐƠN PHƯƠNG
– Sự cam kết đơn phương là một hành vi pháp lý tạo lập ra một nghĩa vụ thúc buộc một người, do ý chí đơn phương của họ. Nhờ định nghĩa này, chúng ta có thể phân biệt rõ rệt sự cam kết đơn phương với các khế ước đơn phương. Hai loại chứng thư này đều mang lại hậu quả chỉ tạo lập ra nghĩa vụ đối với một người kết ước. Nhưng, khế ước đơn phương vốn là một khế ước nên cũng được đặt trên nền tảng sự thỏa thiệp của các người kết ước như khế ước cho vay, chỉ có người vay cam kết trả nợ. Trái lại, sự cam kết đơn phương là một sự xung đương đến cực điểm ý chí đơn phương của một cá nhân; vì vậy, sự cam kết đơn phương đứng ra ngoài khung cảnh của một sự thỏa thiệp và người cam kết đơn phương không có một người đối ước nào cả.
Về mặt kỹ thuật pháp lý, thuyết cam kết đơn phương có một nhược điểm rất lớn: vẫn biết rằng một cá nhân có thể tự ý thúc buộc mình, song một nghĩa vụ chỉ có nghĩa lý khi nào có một trái chủ. Nhưng chính nguyên tắc tự do ý chí, không cho phép ta bắt buộc một cá nhân khác phải tự nhận tư cách trái chủ trái với ý muốn của họ, hay trở nên một trái chủ mà họ không biết. Chính vì lẽ này, các luật gia thừa nhận sự cam kết đơn phương đã phải đặt thêm một điều kiện nữa: sự cam kết đơn phương chỉ có hiệu quả nếu người trái chủ ưng thuận. Song với điềi kiện này, sự gặp gỡ của hai ý chí vẫn cần thiết và thuyết cam kết đơn phương  không còn khác biệt nhiều đối với thuyết cổ điển về sự đề ước và sự ưng thuận. Torng thuyết cam kết đơn phương, cũng như thuyết đề ước, một khi có sự ưng thuận của trái chủ, thì người phụ trái không thể tự do bãi bỏ sự cam kết của mình được. Tuy nhiên, giữa hai lý thuyết còn một sự sai biệt nhỏ: Theo thuyết cam kết đơn phương, một khi đã có sự ưng thuận, sự cam kết này được coi như đã phát sinh ngay từ ngày người phụ trái tự ý thúc buộc mình; trái lại, với thuyết đề ước, khế ước chỉ được kết lập kể từ thời điểm người trái chủ ưng thuận. Một mặt khác, định nghĩa nói trên cũng hoạch định rõ rệt tiêu chuẩn của sự cam kết đơn phương nằm trong loại hành vi pháp lý đơn phương (acte juridique unilatéral). Không phải bất luận hành vi pháp lý đơn phương nào cũng có thể được coi là một sự cam kết đơn phương. Chỉ có hành vi pháp lý đơn phương nào tạo lập ra nghĩa vụ mới được xếp vào loại này mà thôi. Thí dụ: Chúc thư là một hành vi pháp lý đơn phương có mục đích để lại di sản cho người thừa kế, song chúc thư không phát sinh ra một nghĩa vụ nào đối với người lập di chúc. Sự cho thoát quyền cũng chỉ là một hành vi pháp lý đơn phương không tạo lập ra một nghĩa vụ nào cả. Sự xác nhận một chứng thư vô hiệu cũng cùng một tính chất. Sự xác nhận này có hậu quả làm cho chứng thư vô hiệu được hồi hiệu, nhưng không phát sinh ra một nghĩa vụ mới nào cả. Vì vậy, sự lập chúc thư, sự thoát quyền hay sự xác nhận chứng thư vô hiệu không phải là những sự cam kết đơn phương.
– Phê bình về thuyết cam kết đơn phương: Về phương diện lý thuyết thuần túy, lý thuyết cam kết đơn phương không phải là không phù hợp với nguyên tắc ý chí tự do. Nếu thừa nhận rằng mỗi cá nhân chỉ có thể do ý chí mình thúc buộc, tại sao lại không thể chủ trương được rằng người phụ trái có thể đơn phương tự coi mình như bị một nghĩa vụ ràng buộc? Hơn nữa, với thuyết cam kết đơn phương, có thể nói rằng, nguyên tắc tự do ý chí đã được mở rộng. Nhưng về phương diện thực tế, lý thuyết cam kết đơn phương không những không có ích lợi thực tế mà còn đem lại nhiều sự bất tiện. Trên nguyên tắc, sự cam kết đơn phương, khác hẳn các khế ước, chỉ lệ thuộc vào sự ưng thuận độc nhất của người phụ trái, không cần tới sự thỏa thuận giữa hai bên kết ước. Song nếu chấp nhận rằng một người phụ trái có thể đơn phương cam kết, nhiều khi vì thiếu vắng sự thương lượng với đối phương, người phụ trái sẽ tự thúc buộc mình một cách quá dễ dãi, có hại đến quyền lợi của họ. Mặt khác, ngay đối với các khế ước, cũng còn rất khó phân biệt giữa một dự án hợp ước (dự định thỏa thuận) và hợp ước ấy một khi đã được kết lập. Trong sự cam kết đơn phương, lại càng khó nhận xét hơn nữa lúc nào nghĩa vụ được kết lập. Vấn đề dẫn chứng rất khó khăn, vì người phụ trái nhiều khi không muốn lập chứng cứ về sự cám kết của mình. Sau hết, thuyết cam kết đơn phương mà nhiều luật gia coi như sự giải thích của nhiều chế độ luật pháp hiện tại, xét ra không có ích lợi thật sự. Trước khi thuyết của Siegel xuất hiện, trong dân luật của Pháp, tuy chỉ chấp nhận kỹ thuật kết ước, cũng đã có các lý thuyết về cấu ước cho tha nhân, về các phiếu khoán khả nhượng (titres négociables: chứng khoán có thể chuyển nhượng). Về các tặng lập, không cần phải giải thích các định chế nói trên bằng thuyết đơn phương cam kết.
II. LÝ THUYẾT CAM KẾT ĐƠN PHƯƠNG TRONG THỰC TẠI PHÁP
1.
Những luật gia muốn theo thuyết cam kết đơn phương của Siegel chủ trương rằng thuyết này sẽ giải thích được nhiều điểm pháp lý thắc mắc trong dân luật, liên quan đến sự bãi bỏ đề ước, sự hứa thưởng, sự cấu ước cho tha nhân, các phiếu khoán khả nhượng và các tặng lập. Nhưng sự thực, các giải pháp được chấp nhận trong thực tại pháp vẫn có thể giải thích theo lý thuyết cổ điển, căn cứ vào sự kết ước, không cần tới lý thuyết của Siegel. Về sự đề ước, chúng ta đã biết rằng chỉ khi nào người đối ước ưng thuận, thì người đề ước mới không thể bãi bỏ đề ước của mình. Trước khi có sự ưng thuận này, nếu người đề ước trở thành vô năng lực, đề ước sẽ thất hiệu. Hai điểm trên đây chứng tỏ rằng, lý thuyết cam kết đơn phương không được chấp nhận trong dân luật của Pháp cũng như dân luật Việt Nam. Sự thật, các quy tắc trong dân luật về sự thu hồi đề ước trước khi có sự ưng thuận của đối phương đã được các luật gia của cả hai phe viện dẫn ra để biện minh quan điểm của riêng mình. Các luật gia theo lý thuyết của Siegel, coi quy tắc này như một luận cứ biện minh cho lý thuyết cam kết đơn phương, vì ý chí đơn phương của một cá nhân có thể giải hiệu được sự cam kết căn cứ vào ý chí ấy. Trái lại, đối với các luật gia bênh vực thuyết khế ước, giải pháp trên đây chỉ là hệ luận tất yếu của quan niệm kết lập khế ước: trước khi khế ước do sự ưng thuận của các bên thành lập, người đề ước được tự do thu hồi đề ước của mình, không làm thiệt hại đến ai cả. Đối với các đề ước có thời hạn để ưng nhận, người đề ước không thể thu hồi đề nghị của mình trước khi mãn hạn. Án lệ còn chấp nhận rằng, đề ước nào cũng có một thời hạn ưng nhận thường tình hợp luân lý (un délai moral d’acceptation: một thời hạn thích hợp để chấp nhận), để cho phép người tiếp lãnh có đủ thời giờ ưng thuận. Giải pháp này được một số luật gia coi là phản chiếu đơn phương cam kết. Nhưng chúng ta đã rõ, giải pháp ấy cũng có thể giảng nghĩa bằng lý thuyết khế ước. Theo Charles Demolombe (1804-1887), một tiền khế ước (un avant-contrat: hợp đồng sơ bộ) đã được kết lập giữa người đề ước và người tiếp lãnh về thời hạnh ưng nhận. Chính vì có tiền khế ước này, mà người đề ước không thể thu hồi đề nghị trước khi mãn hạn. Vẫn biết rằng, trong thực tế, người tiếp lãnh chưa từng minh thị chấp nhận tiền khế ước ấy, song có thể nói rằng, sự ưng thuận ở đây có tính cách mặc nhiên và tất nhiên vì tiền khế ước liên quan đến thời hạn ưng nhận chỉ có thể có lợi cho người tiếp lãnh.
2. Về sự hứa thưởng, các giải pháp được chấp nhận trong án lệ cũng không cần phải giải thích bằng lý thuyết của Siegel. Theo án lệ của Pháp, phàm một khi đã hứa thưởng công việc gì, nếu đã có người bắt đầu theo đuổi công việc ấy thì người đứng hứa không thể thu hồi đề nghị của mình. Hơn nữa, mặc dù lời hứa được thu hồi trước khi người ngoài bắt tay vào việc, sự thu hồi này cũng phải công bố cho công chúng biết rõ. Giải pháp này rất dễ hiểu vì có thể coi rằng giữa người đứng hứa và người theo đuổi công cuộc được thưởng đã có một khế ước được kết lập. Sự bắt tay theo đuổi công việc được hứa thưởng là một sự ưng thuận mặc nhiên đã đem đến một sự kết ước. Điều kiện công bố sự thu hồi cũng có thể giải thích được bằng một tiền khế ước, vì người hứa thưởng đã mặc nhiên cam đoan tuân theo điều kiện công bố này khi nào muốn thu hồi để nghị của họ.
3. Về sự cấu ước cho tha nhân, chúng ta đã rõ là nghĩa vụ của người dự hứa đối với đệ tam thụ hưởng không phải do sự cam kết đơn phương của người dự hứa mà phát sinh ra. Nghĩa vụ ấy sở dĩ phát sinh được là vì có một khế ước được kết lập giữa người cấu ước và người dự hứa. Hơn nữa, theo quan niệm của dân luật Pháp và Việt Nam, sự cấu ước cho tha nhân được coi là một trừ lệ đối với nguyên tắc hiệu lực tương đối của khế ước hơn là một sự áp dụng đặc biệt của nguyên tắc tổng quát cam kết đơn phương.
4. Đối với các phiếu khoán khả nhượng (les titres negociables: chứng khoán có thể chuyển nhượng), cũng không cần tới lý thuyết cam kết đơn phương để giải thích định chế này. Các phiếu khoán khả nhượng có thể được chuyển dịch một cách tương đối dễ dàng: nếu là phiếu khoán hữu danh (titre nominal: danh hiệu danh nghĩa), chỉ cần chuyển hoán (transfert: chuyển khoản); nếu là lệnh phiếu (billet à ordre) chỉ cần bối thự (endossement: sự chứng thực); nếu là phiếu khoán chấp thủ hay vô danh (titre au porteur: danh hiệu người mang), chỉ cần trao tay hay giao nạp (tradition). Người phụ trái bao giờ cũng phải trả nợ cho người mang phiếu. Để giái thích đặc điểm này, người ta mượn thuyết Siegel và giải thích rằng sở dĩ có kết quả như vậy là vì người phụ trái đã đơn phương cam kết như vậy. Nhưng sự thật, cũng có thể nói rằng, người phụ trái đã đề ước sẽ trả nợ cho bất luận ai mang phiếu đến họ và sự đề ước ấy lần lượt đã được các người mang phiếu ưng thuận.
5. Sau hết là sự tặng lập: Trong luật của Đức là những khối tài sản biệt lập được sung dụng vào một công cuộc từ thện. Sự tặng lập này dựa vào sự cam kết đơn phương của người tặng lập, mặc dù công cuộc từ thiện không có tư cách pháp nhân. Quan niệm này không được án lệ của Pháp chấp nhận: Sự tặng lập chỉ được coi là hữu hiệu khi công cuộc được hưởng khối tài sản tặng lập đã có tư cách pháp nhân.
Kết luận:  Trong dân luật của Pháp, các giải pháp hiện nay được chấp nhận có thể giải thích theo lý thuyết cổ điển về khế ước, không cần tới lý thuyết của Siegel. Song nếu khách quan mà xét, lý thuyết cam kết đơn phương cũng không đi ngược lại nguyên tắc ý chí tự do. Hơn nữa, lý thuyết ấy cũng sẽ cho phép ta giải thích một số vấn đề pháp lý một cách dễ dàng hơn là phải viện dẫn lý thuyết cổ điển về khế ước một cách gò ép, và phải căn cứ vào các sự suy luận đặt trên các sự dự đoán, nhất là đối với trường hợp các tặng lập mà dân luật của Pháp đã phải gạt bỏ không công nhận. Nhưng dù sao, ta cũng nên nhớ rằng, ngay cả dân luật Đức, Thụy Sĩ, Ba Lan, nguyên tắc cam kết đơn phương chỉ chiếm một địa vị phụ bên cạnh khế ước. Điểm này cũng dễ hiểu vì trong thực tế, phần lớn các nghĩa vụ thường do khế ước hơn là sự đơn phương cam kết phát sinh ra./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar