Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

17. Sự chấm dứt và thủ tiêu các khế ước

SỰ CHẤM DỨT VÀ THỦ TIÊU CÁC KHẾ ƯỚC 

Tiết 1: NHỮNG NGUYÊN DO CHẤM DỨT KHẾ ƯỚC

Điều 809 DLVN 1972 có dự liệu những nguyên do chấm dứt khế ước như sau: Sụ thi hành nghĩa vụ; sự thuận miễn nghĩa vụ; sự thế cải, sự khấu trừ, sự hỗn nhập, sự tiêu thất sở vật của nghĩa vụ, sự vô hiệu hay sự bãi tiêu, sự thời tiêu. Ta chỉ xét xác nguyên do chính sau đây:

Nguyên do 1_ Sự thi hành nghĩa vụ

Thường thường nghĩa vụ chấm dứt mỗi khi các đương sự thi hành xong nghĩa vụ của họ. Tất cả những nghĩa vụ đã phát sinh ra trong khế ước được thi hành hết thì mới chấm dứt nghĩa vụ được. Thí dụ khế ước mua bán: Sau khi người bán giao vật và người mua trả tiền, khế ước vẫn chưa chấm dứt. Người bán còn có nghĩa vụ (phụ thuộc) bảo đảm cho người mua về sự truy đoạt (d’éviction) trong vòng 30 năm và bảo đảm về ẩn tì (grantie des vices cachees) trong một thời gian ngắn hơn theo tục lệ chiếu theo điều 1648 DLP và điều 1021 DLVN 1972.

Nguyên do 2_ Sự đồng thuận của đương sự để bãi ước theo nguyên tắc (mutuus dissensus) của điều 1134 DLP, ĐIỀU 653 VÀ 654 DLVN 1972.

Điều 1134 có nói: Các hợp đồng có thể bãi bỏ do sự ưng thuận của đương sự. Đương sự sẽ trở lại tình trạng trước khi lập ước cũng như họ chưa hề ký khế ước với nhau (statu quo ante). Như chúng ta đã thấy rõ: đối với các khế ước đã thi hành trong một thời gian thì sự bãi bỏ không thể thực hiện được vì không thể nào xóa bỏ những việc đã xảy ra. Đương sự chỉ có thể chấm dứt khế ước trong tương lai mà thôi, nếu sự bthoa3 thuận chấm dứt khế ước xảy ra trước thời hạn định.
Thí dụ: Khế ước mướn nhà sáu năm, có thể thỏa thuận chấm dứt sau ba năm. Theo nguyên tắc, muốn chấm dứt khế ước phải có sự thỏa thuận mới cảu tất cả các đối ước, của tất cả đồi bên đương sự. Nhưng có những trường hợp đặt biệt sau:
Trường hợp 1: Khi một bên đương sự tự dành lấy quyền tự ý đơn phương bãi ước trong khế ước. Thí dụ: Một công ty bảo hiểm dành trong khế ước bảo hiểm quyền bãi ước khi nào sự rủi ro mà người ta bảo hiểm đã xảy ra như hỏa hoạn, tai nạn xe hơi … Quyền bãi ước này chỉ thực hiện trong tương lai, nghĩa là sau khi đã đền bồi xong.
Trường hợp 2: Trong những khế ước liên tục lập vô thời hạn, một bên đương sự có thể tự ý chấm dứt khế ước bất cứ lúc nào.
Nguyên do 3: Khi khế ước đáo hạn. Điều 1737 DLP có nói đến nguyên doa nầy về khế ước cho thuê mướn và điều 1865 DLP về các khế ước công ty vô hạn định. Nhưng những khế ước liên tiếp hữu hạn chấm dứt khi đã tới kỳ hạn.
Nguyên do 4: Khế ước cũng có thể chấm dứt vì ý muốn của một bên đương sự nếu là một khế ước vô thời hạn. Nguyên do nầy được nhắc trong điều: 1736 DLP về khế ước thuê vật. 1780 về khế ước cho thue6nha6n công và công thợ. 1869 về khế ước công ty.
Nguyên do 5: Sự mệnh một của một người cộng ước: Đây là trường hợp các khế ước mà trong đó tư cách cá nhân của người cộng ước được xem là quan trọng. Nguyên do nầy cũng được nói đến trong điều 1865 về khế ước công ty, điều 2003 về khế ước ủy quyền. Nhưng các khế ước nầy không bị chấm dứt nếu cá nhân không được người ta chú trọng đến trong khế ước, đã từ trần. Thí dụ: Khế ước lao động không chấm dứt khi chủ nhân chết mà chỉ chấm dứt khi người công nhân chết.

Tiết 2_ SỰ GIẢI TIÊU CÁC KHẾ ƯỚC SONG PHƯƠNG KHI MỘT BÊN ĐƯƠNG SỰ KHÔNG THI HÀNH NGHĨA VỤ

Vấn đề này đã được nhắc đến khi nói về duyên cớ các khế ước và trong bài nói về đặc điểm của khế ước song phương. Cũng cần phân biệt sự giải tiêu khế ước (la resolution) và sự chấm dứt khế ước (laresiliation). Sự chấm dứt bao giờ cũng ngụ ý còn để lại những gì đã làm từ trước, còn giải tiêu là bôi bỏ tất cả những gì đã làm. Do đó đối với khế ước thi hành liên tục không thể giải tiêu được.

I_ Nguồn gốc các quyền lựa chọn của đương sự khi đối ước không thi hành nghĩa vụ:

Trong một khế ước song phương, khi một bên đương sự không thi hành nghĩa vụ thì đối ước kia có thể ra trước Tòa án để đòi hỏi sự thi hành cưỡng bách hoặc giả xin tòa án giải tiêu khế ước và đòi tiền thiệt hại do sự bất thi hành đó gây ra. Quyền lựa chọn giữa hai giải pháp nầy của trái chủ đã được án lệ chấp nhận từ lâu (…).Theo điều 1184 DLP, 785 DLT, 743 DLB thì “điều kiện giải tiêu luôn luôn được xem như đã mặc nhiên ghi trong các song phương khế ước nếu như một bên đương sự không giữ lời cam kết của y”. Trong trường hợp này khế ước không bị xem như đương nhiên giải tiêu: chủ nợ có quyền hoặc bắt buộc đối ước phải thi hành hợp đồng nếu còn có thể thi hành được, hoặc xin thủ tiêu và đòi bồi thường. Phải đến Tòa án để xin thủ tiêu và Tòa án có quyền ban cho bị đơn một thời hạn nếu cần.
Căn bản của tố quyền xin giải tiêu: Quyền nầy căn cứ trên ý niệm duyên cớ (lacause) của song phương khế ước: Khi một bên không thi hành nghĩa vụ thì cần phải cho đối ước tự giải thoát nghĩa vụ của y nếu y muốn, vì lý do rằng: Sự thi hành cưỡng bách rất mất thời giờ và tốn kém, có khi lại không thể thi hành được và chủ nợ đành phải chịu nhận một số tiền bồi thường tương đương, trong khi chính y, y phải thi hành nghĩa vụ đó, và sự đền bồi thiệt hại này không phải là kết quả của y mong muốn. Quyền thủ tiêu khế ước là hậu quả của ý niệm rằng mình cam kết là để mong đối ước thi hành nghĩa vụ của y, mà nếu đối ước không thi hành, nghĩa vụ của mình thành ra vô duyên cớ (…). Nhưng không thể để cho chủ nợ được trọn quyền tự ý xin thủ tiêu khế ước vì y có thẩ lạm dụng quyền này mà xin thủ tiêu khế ước khi chỉ có một sự trễ nải mà thôi. Bởi vậy, nên y cần phải ra trước tòa, vị thẩm phán sẽ can thiệp để xem đơn xin thủ tiêu co căn cứ trên lý do chính đáng hay không.
Nguồn gốc của tố quyền xin giải tiêu: Về nguồn gốc cua quyền xin thủ tiêu nầy, ta không thấy nói trong luật La Mã đối với khế ước hiệp ý như sự mua bán. Trong luật La Mã, thường thường nếu người bán có cho người mua một thời gian để trả tiền và nếu tới kỳ mà người mua không chịu trả thì người bán không thể đòi lại vật y đã trao. Bởi vậy người La Mã thường ghi thêm trong khế ước mua bán của họ cái khoản giải trừ (lex commissoria), cho phép họ giải tiêu khế ước tới kỳ hạn mà người mua không chịu trả tiền. Nhưng khác với luật hiện hành là sự giải tiêu của Luật La Mã tự nhiên có, không cần phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án như điều 1184 DLP đã qui định, thành thử ta tìm nguồn gốc của sự giải tiêu các khế ước trong luật Thiên Chúa giáo chứ không phải ở trong luật La Mã. Chính những tác giả của đạo Thiên Chúa tìm ra được mối liên quan về duyên cớ giữa các nghĩa vụ trong song phương khế ước và chính họ đã tạo ra các quy tắc “frangenti fidem non est fides servanda” (không có niềm tin nào được giữ trong niềm tin tan vỡ), nghĩa là đương sự nào không giữ được lời hứa thì sẽ mất quyền đòi dối ước kia phải thi hành nghĩa vụ của y. Và cũng theo qui tắc nầy, những tác giả thiên chúa giáo đó kết luận rằng: Đương sự mà không đòi được đối ước phải thi hành, có quyền chẳng những là không thi hành nghĩa vụ của mình (exceptio non adimpleli contractus), mà còn có thể xin thủ tiêu khế ước nữa. Nhưng ở đây, đối với các tác giả đạo Thiên Chúa, thì cần phải xin tòa thủ tiêu án mới có quyền cho phép chủ nợ giải thoát nghĩa vụ của y. Toàm lại mặc dầu điều 1184 còn nói rằng, điều kiện xin giải tiêu luôn luôn được hiểu ngầm trong các song phương khế ước, nhưng quyền xin giải tiêu nầy được đặt trên căn bản duyên cớ của các nghĩa vụ song phương.

II. Điều kiện để xin giải tiêu khế ước. Có hai điều kiện cần yếu để xin giải tiêu:

Điều kiện 1: Đối ước không thi hành nghĩa vụ của y. Sự bất thi hành này có nghĩa rất rộng. Bất thi hành toàn thể nghĩa vụ, cũng có thể bất thi hành một phần nghĩa vụ. Th1i dụ: Người mua chỉ trả tiền có một phần và không trả số tiền còn thiếu lại, thì theo nguyên tắc, người bán có quyền thủ tiêu khế ước mua bán đó. Lẽ cố nhiên y phải hoàn lại số tiền đã nhân sau khi đã trừ các tiền thiệt hại. Nhưng trong thực tế, tòa án xem trong trường hợp bất thi hành một phần nghĩa vụ có quan trọng đến độ cần phải thủ tiêu cả khế ước hay không? Nếu phần nghĩa vụ đã thi hành rồi bao gồm gần hết sự cam kết của bị đơn, thì Tòa chỉ phạt y đền tiền thiệt hại mà thôi (…). Chỉ có đương sự đã thi hành nghĩa vụ của mình mới có quyền xin thủ tiêu khế ước; và nếu người đối ước kia chưa làm tròn nghĩa vụ của y thì y không có quyền nầy (…).
Trường hợp bất thi hành không phải do lỗi: Nhưng sự bất thi hành không phải do lỗi của con nợ thì phải quyết định cách nào? Như ta đã biết, dối ước khỏi phải thi hành nghĩa vụ của y. Nhưng ở đây y có cần phải ra trước Tòa để xin giải tiêu khế ước hay không? Điều 1184 (743 DLB, 795 DLT) chỉ nói đến trong trường hợp bất thi hành do lỗi của con nợ, và dù vậy tòa vẫn xử rằng phải ra trước tòa để xin thủ tiêu khế ước. Vậy trong trường hợp bất khả kháng mà con nợ không thể thi hành toàn thể hay một phần nghĩa vụ của y, có phải ra tòa hay không? Ta còn nhớ theo điều 1722 DLP, trong khế ước thuê mướn bất động sản, khi vật thuê không còn vì trường hợp bất khả kháng thì khế ước đương nhiên bị coi như giải tiêu không cần xin tòa. Đối với sự bất thi hành trong trường hợp bất khả kháng, án lệ buộc phải xin tòa dầu cho bất thi hành phân nửa hay toàn phần cũng vậy vì trường trường hợp bất khả kháng?

Điều kiện 2: Khế ước phải được tòa án tuyên bố (prononcer) thủ tiêu chứ không phải tư nhiên thủ tiêu. Điểm này đã được các bản án nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần (…). Đó là nguyên tắc nhưng cũng có sự dè dặt sau đây:
1) Đương sự có thể ghi trong khế ước của họ một khoản nó một cách rõ rệt rằng: khi một bên không thi hành nghĩa vụ thì tự nhiên khế ước đó bị tiêu diệt mà không cần phải ra trước tòa án. Sự tiêu diệt ở đây là hậu quả của sự bất thi hành của một bên và lẽ cố nhiên đương sự nào không làm tròn nghĩa vụ của y, không được hưởng ước khoản nầy. Vì Tòa không can thiệp trong trường hợp nầy nên không có vấn đề tòa án ban cho con nợ một thời hạn ân huệ để y thi hành nghĩa vụ của y.
2) Sự can thiệp của Tòa án chỉ cần thiết để thủ tiêu khế ước mà thôi. Như thế thì nếu một đương sự không thi hành thì đối ước kia có quyền từ chối không thi hành nghĩa vụ của y. Đó là một cách “kháng biện đồng bất thi hành“. Trong trường hợp nầy khế ước không bị giải tiêu tức là vẫn còn giá trị vì chưa bên nào thi hành hành cả. Nếu một ngày nào một bên đương sự đã thi hành, thì bên kia cũng phải thi hành.
3) Sự can thiệp của Tòa án không cần thiết để giải thoát một bên đương sự, nếu khế ước đã đáo hạn, hoặc nếu khế ước bị chấm dứt do lỗi của đối ước (…). Thí dụ: Một nhân công không chịu làm việc, thái độ này là một sự tự ý chấm dứt khế ước lao động, chủ nhân khỏi phải thi hành nghĩa vụ trả lương cảu y một cách đương nhiên (…).

Quyền của Thẩm phán: Về phần thẩm phán, thì khi thụ lý một lá đơn xin giải tiêu khế ước, thẩm phán có trọn quyền xét đoán. Nếu ta căn cứ điều 1184 đoạn 3, thì Tòa án chỉ có quyền đình chỉ sự giải tiêu và ban cho con nợ một thời hạn để thi hành, nhưng các điều 1636 và 1638 DLP nói về sự truy đoạt trong khế ước buôn bán, và điều 1729 DLP nói về khế ước cho mướn, những điều này nhìn nhận rằng thẩm phán có toàn quyền quyết định. Điều 1636 và 1638 chỉ nêu ra một tiêu chuẩn mà tòa phải nói theo đó để quyết định. Theo tiêu chuẩn nầy, tòa phải cho phép giải tiêu nếu sự bất thi hành có tính cách làm cho chủ nợ không bao giờ lập ước, nếu y đã biết trước như thế, bằng không thì tòa chỉ dạy bồi thường thiệt hại mà thôi. (…).
Tóm tắt: Tòa án có quyền lựa chọn giữa ba giải pháp:
Giải pháp 1: _ Hoặc bác đơn xin thủ tiêu khế ước và ban cho nguyên đơn một số tiền thiệt hại vì sự bất thi hành nghĩa vụ của đối ước;
Giải pháp 2: Hoặc ban cho bị đơn một thời hạn ân huệ để thi hành nếu thấy rằng ở trong tình cảnh đáng hưởng ân huệ đó.
Giải pháp 3: Hoặc tòa án có thể giải tiêu khế ước. Trong trường hợp này, ngoài sự giải tiêu tòa còn có thể buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại, căn cứ trên điều 1382 và kế tiếp và 1184 DLP về tố quyền xin giải tiêu. Ngoài ra còn vài vấn đề phụ thuộc cần phải chú ý.
Vấn đề phụ thuộc:
1) Trước khi vô đơn xin thủ tiêu, nguyên đơn có cần phải đốc thúc con nợ không? Án lệ nhật định rằng, một đơn khởi tố của nguyên đơn cũng đủ để chứng tỏ sự bất thi hành, không cần phải đốc thúc. (…).
2) Đương sự có thể nào từ khước trong khế ước quyền xin giải tiêu khế ước đó hay không? Đàng lẽ điều khoản khước từ này phải bị cấm vì sự giải tiêu rất cần, nếu không thì nghĩa vụ đối ước kia sẽ vô nguyên nhân. Tuy nhiên, Tòa án đã nhìn nhận cho đương sự quyền nầy vì các tòa án đã xẻm điều 1184 như là một điều kiện giải tiêu mặc nhiên của khế ước. Án lệ còn cho rằng: Một khi đã xin giải tiêu, chủ nợ không có quyền xin thi hành khế ước nữa (…). nhưng có một phán quyết ngược lại: (…). Dù sao bị đơn cũng có thể, trong khi tòa chưa tuyên án giải tiêu, hứa với nguyên đơn rằng y sẽ thi hành nghĩa vụ của y. (…)

III_ Hậu quả sự giải tiêu khế ước:
Chẳng những khế ước bị giải tiêu về tương lai mà còn cả trong dĩ vãng nữa (…). Nhưng nguyên tắc này đã được châm chước trong một số trường hợp:
Đối với tương lai có khi một vài khoản của khế ước được tồn tại thì dụ những khoản phạt con nợ khi y không thi hành, hoặc ước khoản cấm đoán nhân công không được đi làm cho xí nghiệp khác cạnh tranh với chủ nhân của y sau khi y thôi việc. (…)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar