Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

17. Sự thành lập công ty vô danh (1505-1574)

SỰ THÀNH LẬP CÔNG TY VÔ DANH

1505._ Theo điều 21 luật 1867, công ty vô danh từ nay về sau được tự do thành lập không cần phải có giấy phép của Chính phủ. Sở dĩ điều luật nói đến sự cho phép như vậy, là vì trước khi luật 1867 ban hành, muốn lập công ty vô danh phải xin phép và được chính phủ chấp thuận. Sự bãi bỏ việc xin phép và cho phép được coi như một thắng lợi mới cho quyền tự do lập ước, một thắng lợi mới cho chế độ tư bản tự do. Từ đó, công ty vô danh được tự do thành lập, không có thời kỳ nào hạn chế sự tự do này, kể cả trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ khủng hoảng kinh tế hay chính trị.
1506._Lập công ty vô danh là một công việc đòi hỏi nhiều công lao và thời gian. Trước hết, phải triệu tập được đủ một số người nhận mua (gọi là ứng nạp hay dự đính) các cổ phần do hội phát hành. Sau đó, phải thâu tiền của các người đã ký kết thuận mua cổ phần; những người này trả tiền tức là nhập hội, trở thành cổ đông viên. Rồi các cổ đông viên sẽ họp hội đồng để biểu quyết hội quy. Và sau khi được biểu quyết, hội quy sẽ phải được công bố. Trong chương này, trước hết, ta sẽ nói về sự sáng lập công ty, sau đó, sẽ đề cập lần lượt đến các vấn đề khác, duy việc biểu quyết tại đại hội đồng, ta sẽ dành lại để nghiên cứu trong một chương khác, cùng với những quyền lợi của các cổ đông viên.

I. CÔNG TÁC SÁNG LẬP CÔNG TY
1507._ Công tác sáng lập là một công tác phức tạp, gồm nhiều hành vi vật chất và hành vi pháp lý, được thực hiện liên tiếp trong thời gian, để tiến tới thành quản lập hội. Trong việc thành lập bất cứ khế ước nào, cũng có thể cần một thời gian điều đình sửa soạn, nhưng các công việc ấy không có giá trị riêng, không có ảnh hưởng đến giá trị hậu lai của khế ước, một khi khế ước đã thành tựu. Trái lại, trong việc thành lập công ty vô danh, sự sáng lập, không những có những công tác cần thiết một cách thực tế, mà còn có những thể lệ luật định phải được thực hiện: sự thiếu sót hay vi phạm các thể lệ này có thể làm cho hội vô hiệu. Như vậy, thời kỳ sáng lập là thời kỳ tiền khế ước biệt lập; những công tác sáng lập là những công tác ở ngoại vi khế ước, nhưng lại là những công tác tất yếu. Những nhận xét này cho ta thấy rõ thêm rằng việc lập hội không phải chỉ là một việc lập ước, và quan điểm cổ điển về khe ước lập hội không còn là một quan điểm xác thực. Các luật gia không đồng ý về bản chất pháp lý của sự sáng lập công ty. Người thì cho đây là một định chế đặc biệt, đặc biệt vì hội không được cấu tạo trực tiếp, phải qua những giai đoạn sửa soạn, sắp đặt, phải tuân theo những hình thức bắt buộc mới được hình thành (Luật gia Georges Ripert: 1880-1958); Người thì cho rằng, việc sáng lập là một kết ước cho tha nhân, một việc quản lý công việc của tha nhân (Thaller); tựu chung chẳng có lý thuyết nào thỏa đáng, có lẽ vì công tác sáng lập, trước hết là một vấn đề thực tế, hơn là một vấn đề lý thuyết, cho nên khó đem lồng được vào khuôn khổ một lý thuyết nào.
1508._Dù sao, ta hãy cứ chấp nhận rằng công tác sáng lập là công tác sửa soạn cho công ty được thành lập, cũng như chấp nhận những bộ phận cần thiết, rồi đem ghép lại cho công ty hình thành để có thể hoạt động được. Trong thời gian sửa soạn ấy, công ty tuy chưa thành lập, chưa ra đời, nhưng có thể nói rằng, pháp nhân công ty đang ở thời kỳ thai nghén, và, cũng như đứa trẻ được thụ thai, pháp nhân đã là một chủ thể, một cái trụ bám cho quyền lợi và nghĩa vụ; những quyền lợi và nghĩa vụ này sẽ nảy nở, thực hiện sau này, khi pháp nhân ra đời, nghĩa là nếu công tác sáng lập đạt được kết quả. Quan niệm chấp nhận một pháp nhân tiềm tàng minh xác được sự di chuyển những quyền lợi và nghĩa vụ do người sáng lập cấu tạo, từ người này sang công ty, một khi sự thành lập công ty được hoàn bị, làm xuất hiện pháp nhân của công ty trên sân khấu pháp lý. Phải có sự di chuyển ấy, vì khi người sáng lập thực hiện những tác vụ cần thiết cho sự thành lập công ty, không phải là thực hiện cho chính mình, mà thực hiện cho công ty sắp ra đời. Thí dụ, người sáng lập mua đồ đạc, dụng cụ cần thiết cho công ty hoạt động, tuy người ấy giao dịch với người bán và là đối ước của người bán, nhưng mọi quyền lợi, nghĩa vụ sẽ chuyển sang công ty sau khi công ty được thành lập. Người sáng lập chỉ phải chịu trách nhiệm cá nhân với người bán, nếu công tác sáng lập bất thành. (hay). Vậy ta cần biết tiêu chuẩn nhận định người sáng lập.
1509._ Người sáng lập: là người nào, có sáng kiến muốn lập công ty, đứng ra kết hợp hội viên, kêu gọi góp vốn, thu thập tiền vốn và làm những thể lệ cần thiết để cho công ty được thành lập. Sự định nghĩa này nêu rõ những tác vụ mà người sáng lập lãnh hành để tạo ra công ty. Đó cũng là quan điểm của án lệ khi muốn nhận định người hữu trách về những công tác sáng lập trên bình diện dân sự. Về hình sự, ở Pháp, án lệ áp dụng một tiêu chuẩn chặt chẽ hơn: được coi là sáng lập viên, người nào đệ trình, để ký thác tại phòng lục sự, bản hội quy do người ấy thị thực; tiêu chuẩn này không có tính cách tuyệt đối, có khi được áp dụng kết hợp với các tiêu chuẩn trên, thí dụ trong trường hợp sáng lập viên lánh mặt giao cho một người khác có thẩm quyền, thị thực và đệ trình hội quy thay mình. Tiêu chuẩn hình sự trên đây của án lệ Pháp căn cứ vào sắc luật ngày 31-8-1937, sửa đổi điều 1 luật 1867: Sắc luật 1937 đã minh thị dùng danh từ sáng lập viên để buộc người này đệ trình một bản hội quy do mình thị thực. Sắc luật 1937 không ban hành ở Việt Nam.
1510._ Thể thức bắt buộc về công tác sáng lập: Ở Việt Nam, khi khởi sự thành lập công ty vô danh, người sáng lập thường chỉ tiếp xúc với những người quen biết để mời những người này mua cổ phần, vào hội. Nhưng nếu là công ty lớn, phát hành hàng trăm ngàn cổ phần, thì dĩ nhiên, số người quen thuộc không thể đủ để thu hút được số cổ phần ấy. Khi đó, người sáng lập sẽ phải đề cung cổ phần cho công chúng, kêu gọi công chúng mua cổ phần. Sự kêu gọi này gọi là sự chiêu nạp công cộng. Như vậy, sự chiêu nạp công cộng là kêu gọi người ta hưởng ứng ý định của mình; sự kêu gọi có thể thực hiện bằng cách phát cáo bạch, dán cáo thị, và đăng quảng cáo trên báo chí. Riêng một việc gửi cáo bạch dán kín đến nhà tư nhân cũng đủ coi là một việc chiêu nạp công cộng. Ta cần nhận xét như vậy vì nếu là hội trách nhiệm hữu hạn, thì không được phép mở cuộc chiêu nạp công cộn, như ta đã biết (điều 4 luật 1925).
1511._ Một khi đã dùng đến phương cách chiêu nạp công cộng để gọi vấn, người sáng lập sẽ làm theo những thể thức sau đây, là những thể thức được ấn định do sắc lệnh ngày 20-3-1910 ban hành bởi nghị định ngày 12-5-1910:
a) Kêu gọi công chúng góp vốn, tất nhiên phải cho công chúng biết góp vốn vào việc gì. Người sáng lập sẽ làm một bản tiểu dẫn (notice) cho biết tên hội, mục tiêu của hội, trụ sở, và số vốn của hội, mệnh giá (còn gọi là đề giá) của mỗi cổ phần và thời gian của hội. Bản tiểu dẫn cần thiết vì theo luật, trước khi làm quảng cáo, bảng tiểu dẫn phải được đăng vào công báo hay tập san phụ bản của công báo (…)
b) Ngoài tờ chỉ dẫn, người sáng lập, nếu muốn, có thể in những yết thị để dán, cáo bạch, truyền thơ để phân phát cho công chúng; những giấy tớ quảng cáo này cũng phải in đầy đủ những chi tiết đã in trong tờ tiểu dẫn, và ghi rõ số công báo hay phụ bản đã công bố tờ tiểu dẫn. Nếu đăng quản cáo vào tờ Nhật báo, cũng phải ghi đủ các chi tiết như trên, hay ít ra, cũng phải trích đăng tóm lược các chi tiết ấy với sự ghi rõ là đã có tờ tiểu dẫn được làm, được công bố ở số công báo, hay phụ bản công báo nào (đoạn 5). Nếu là một thương hội ngoãi quốc phát hành cổ phần ở Việt Nam, hay đem trưng bày, bán hay đem nhập địa Việt Nam cổ phần, trái phần, thì ngoài các thể lệ trên, còn phải công bố toàn thể hội quy bằng tiếng Pháp (ngày nay phải đọc là bằng tiếng Việt Nam) vào công báo trước khi lưu hành những chứng khoán ấy. Mọi vi phạm các điều khoản trên sẽ do Sở Trước Bạ kiểm chứng và bị phạt từ 10.000 quan đến 20.000 quan (tức 400.000$ đến 800.000$, áp dụng dụ 19-4-1951 và sắc luật 1-6-1967).
c) Người sáng lập phải ký thác  tại phòng lục sự một bản dự thảo hội quy. Thể thức này được dự liêu tại điều 108 TMTP (và 239 LTM 1972). Ở Nam phần, luật 1967, không bó buộc người sáng lập phải ký thác hội quy; thể thức ký thác tuy có được dự liệu do sắc luật 1937 sửa đổi điều 1 luật 1867, nhưng sắc luật 1937 không ban hành ở Việt Nam.
d) Người sáng lập phải khai trình trước mặt chưởng khế rằng số vốn đã được ứng nạp đủ, nghĩa là số cổ phần đã có đủ người thuận mua, kèm theo danh sách những người ứng nạp và một bản kê khai các số tiền do những ứng nạp viên đã đóng (điều 108 TMTP; điều 1 luật 1867). Điều 241 LTM 1972 định thêm rằng, người sáng lập phải ký thác các số tiền đã thu được vào quỹ cung thác hoặc vào trương mục đặc biệt.
Qua sự trình bày trên đây, ta thấy rằng công tác sáng lập thành công hay thất bại là tùy ở kết quả sự kêu gọi các ứng nạp viên do người sáng lập. Ta có nhiều điều phải biết về sự ứng nạp cổ phần này.

II. SỰ ỨNG NẠP CỔ PHẦN 
1512._ Ứng nạp cổ phần là bằng lòng gia nhập một công ty cổ phần bằng cách mua một số cổ phần của công ty sẽ phát hành. Ứng nạp chỉ mới là phát biểu sự ưng thuận của mình, chứ chưa trả tiền. Thông thường, ít lâu sau, ứng nạp viên mới trả tiền, và, khi đó, được cấp cổ phần, tức là cái chứng khoán chứng tỏ quyền lợi của mình trong công ty.
1. Bản chất pháp lý của sự ứng nạp:
1513._ Theo án lệ, sự ứng nạp có tính cách một khế ước song vụ: về phía ứng nạp viên, người này cam kết nhập hội và góp phần hùn theo số cổ phần mình đã thuận mua; về phía sáng lập viên, người này xúc tiến việc lập hội, cam kết sẽ giao chứng khoán cổ phần cho ứng nạp viên. Trong tương quan giữa người ứng nạp và người sáng lập, nghĩa vụ của hai bên là như thế; nhưng nếu phân tích kỹ hơn, ta phải nhận xét rằng, người ứng nạp, tuy giao dịch với người sáng lập, nhưng, thực ra, là cam kết với công ty; mặt khác, về công tác sáng lập, người sáng lập không bị bó buộc do tờ phiếu ứng nạp, mà bị bó buộc từ trước, do sáng kiến của mình và những hành động của mình đã làm trong dự định lập hội. Do đó, nghĩa vụ của hai bên không phát sinh cùng ở một việc (sự ứng nạp), cho nên, nếu truy nguyên đến tận gốc, thì khế ước giữa người sáng lập và người ứng nạp không phải là một khế ước song vụ.
1514._ Sự ứng nạp chỉ là phát biểu ý kiến ưng thuận mua cổ phần nhập hội; ứng nạp viên không thể đặt ra điều kiện gì cho sự ứng nạp của mình; nếu phiếu ứng nạp có ghi thêm điều kiện, sự ứng nạp vẫn có giá trị, nhưng điều kiện đã ghi sẽ coi như không có. Dĩ nhiên là về phía người sáng lập, sự thành lập công ty và sinh hoạt của công ty sau khi thành lập phải có nhiều điều kiện, nhưng các điều kiện này là do hội quy định đoạt, chứ không phải được đặt ra nhân dịp sự ứng nạp.
1515._ Người ứng nạp có quyền nhập hội: Nếu người ứng nạp mệnh một, quyền này di truyền cho người thừa  kế, cùng với nghĩa vụ phải góp tiền số cổ phần đã mua. Người ứng nạp có thể di nhượng cho người khác cái quyền mình đã thủ đắc, nhưng sự di nhượng chỉ có hiệu lực giữa hai người; nếu người đắc nhượng không đóng tiền số cổ phần đã ứng nạp, thì người ứng nạp. mặc dù đã di nhượng, vẫn có nghĩa vụ phải đóng tiền, người sáng lập cứ việc đòi hỏi ở người ứng nạp, không cần biết đến người đắc nhượng.
2. Điều kiện về sự ứng nạp:
1516._ Nhân số: Trước hết, sự ứng nạp phải thu hút được ít ra là bảy người, vì theo điều 23 luật 1867, muốn lập một công tuy vô danh phải có ít nhất là 7 người. Điều 295 LTM 1972 cũng ấn định số hội viên tối thiểu là 7 người. Luật TMTP không bắt buộc công ty vô danh có số hội viên tối thiểu là bao nhiêu hội viên, nhưng theo điều 159 TMTP thì hội đồng quản trị phải có ba người là tít, do đó, ta có thể suy ra rằng, theo luật TMTP, nhân số tối thiểu cho công ty vô danh phải là 3 người.
1517._ Năng lực pháp lý của ứng nạp viên: Mua cổ phần, vào một công ty thương mại là làm một hành vi thương mại. Nhưng đó chỉ là hành vi lẻ loi, và ta biết rằng, người nào làm một hành vi thương mại lẻ loi thì không vì thế mà có tư cách thương gia. Đằng khác, những người có cổ phần trong một công ty vô danh, tuy cũng là hội viên, nhưng họ không cùng tình trạng pháp lý như hợi viên những công ty thương mại khác, họ không tham dư trực tiếp vào sự điều hành công ty, trừ cac nhân viên bản quản trị. Thực tế, nhiều khi họ cũng hông dự những đại hội đồng, dù chỉ tham dự lấy hình thức, vì thế, vị thành niên, người bị cấm quyền đều có thể ứng nạp cổ phần, gia nhập một công ty vô danh. Vả lại, người giám hộ được phép dùng tiền bạc của vị thành niên để sinh lời cho vị thành niên, bằng cách mua cổ phần, duy chỉ tuân thủ thể lệ luật định về quyền năng của người giám hộ, như xin phép hội đồng gia tộc, xin tòa phê chuẩn, nhưng đó là vấn đề khác. Vị thanh niên được thoát quyền cũng không cần phải có được phép làm thương mại mới được ứng nạp mua cổ phần của một công ty vô danh. Những trường hợp luật cấm làm thương mại cũ không áp dụng cho sự ứng nạp mua cổ phần của một công ty vô danh: thẩm phán, luật sư … đều có thể mua cổ phần cả, chỉ không được lam hội viên trong ban qua trị. Hai vợ chồng cũng có thể có cổ phần trong một công ty vô danh, với tính cách là của riêng: Trường hợp này không bị coi là lập hội giữa hai vợ chồng.
1518._Sự ưng thuận của ứng nạp viên: _ Trước hết, ta nhận xét rằng các sáng lập viên, theo điều 109 TMTP, bắt buộc phải ứng nạp một số cổ phần trị giá công chung bằng 1/5 số vốn. Theo điều 263 LTM 1972, số cổ phần bằng 1/8 số vốn của hội. Ngoài trường hợp ứng nạp bắt buộc này, sự ứng nạp có giá trị một sự cam kết, do đó, sự ưng thuận của ứng nạp viên phải tự do, sáng suốt, thì sự cam kết mới hữu hiệu. Khó có thể xảy ra trường hợp ứng nạp viên bị bạo hành hoặc lầm lẫn, nhưng rất có thể xảy ra trường hợp ứng nạp viên bị lừa lọc do những hành động bất lương của người sáng lập: ứng nạp viên có thể xin hủy bỏ sự ứng nạp của mình, nhưng sự hủy bỏ này sẽ không làm cho công ty vô hiệu, vì ứng nạp viên có thể thay thế bằng ứng nạp viên khác. Hơn nữa, theo án lệ, ứng nạp viên mà sự cam kết được hủy bỏ vì vô hiệu, vẫn phải chịu trách nhiệm đói với các chủ nợ của hội về số tiền ứng nạp, vì số tiền này coi như đã nhập vào vốn họi và thuộc quyền bảo đảm chung của các chủ nợ của hội. Dĩ nhiên, đối với hội ứng nạp viên sẽ đòi lại được số tiền đó.
3. Hình thức sự ứng nạp:
1519._ Luật Việt Nam không quy định về hình thức sự ứng nạp. Ở Pháp, hình thức này được quy định do sắc luật ngày 31-8-1937 sửa đổi lại điều 1 luật 1867 nhằm bảo vệ cho người ứng nạp khỏi bị lầm lẫn, khỏi bị đánh lừa. Những thể lệ dự liệu trong sắc luật 1937 đã được thực hành phần nào, áp dụng ở Việt Nam và được du nhập vào điều 240 LTM 1972. Theo điều 240, sự ứng nạp là một khế ước ký thuận mua cổ phần. Ta đã thấy rằng, quan niệm khế ước không đúng hẳn cho sự ứng nạp (1513); vẫn theo điều 240 LTM 1972, được mô phỏng theo sắc luật 1937, sự ứng nạp được chứng nhận bằng một ờ phiếu mang chữ  ký của ứng nạp viên hay của người thụ ủy. Phiếu được lập thành hai bản, một bản giao cho ứng nạp viên, trong bản còn lại, sẽ phải ghi chú là bản kia đã được giao cho ứng nạp viên rồi. Phiếu phải ghi tên hội, trụ sở hội, đối tượng của hội, số vốn gọi hùn, phần vốn được hùn bằng tiền mặt, những phần hùn bằng hiện vật, nơi ký thác các số tiền do các ứng nạp viên đã đóng; ngày tháng ký nạp hội quy cùng danh sách các hội viên sáng lập tại phòng lục sự.
1520._ Tuy rằng, thể lệ định rằng một phó bản phiếu ứng nạp phải giao cho người ứng nạp, nhưng tưởng nên nhận xét rằng, chính ra, sự ứng nạp chỉ được coi là nhất định khi nào ứng nạp viên giao bản chính cho người sáng lập. Người sáng lập có thể không chấp nhận sự ứng nạp nếu quá hạn, hoặc giảm bớt số cổ phần được ứng nạp nếu tổng số tất cả các cổ phần được ứng nạp vượt quá mức vốn gọi hùn. Ngoài các trường hợp ấy, người sáng lập không thể từ chối sự ứng nạp, chẳng hạn từ chối vì lý do cá nhân đối với người ứng nạp.
1520 bis. Theo văn tự điều 240 LTM 1972 thì tờ phiếu chỉ dùng làm bằng chứng, tức là sự ứng nạp có thể được chứng tỏ bằng cách khác. Nhưng với sắc luật 1937 của Pháp mà điều 240 phóng tác theo, ở Pháp, cũng có tác giả cho rằng sự ứng nạp nếu không có phiếu hợp lệ thì sẽ vô hiệu: đây là trường hợp sự vô hiệu được đặt ra để bảo vệ chính người làm hành vi vô hiệu, tức là người ứng nạp, vậy sự vô hiệu chỉ có tính cách tương đối, chỉ người ứng nạp có thể viện dẫn, và sự vô hiệu có thể được bao yểm, thí dụ nếu ứng nạp viên đã có tham dự đại hội đồng thì sẽ không còn viện dẫn sự vô hiệu được nữa.
4. Chu vi của sự ứng nạp:
1521._ Chỉ khi nào số vốn dự định cho hội trong dự thảo hội quy đã được ứng nạp đầy đủ, nói cách khác, chỉ khi nào tổng số các cổ phần dự định phát hành đều đã có người nhận mua, hội mới có thể thành lập được. Thí dụ còn dư một số cổ phần chưa có người mua, đại hội đồng cổ đông không thể quyết định rút bớt số vốn xuống cho bằng với số cổ phần được ứng nạp, để thành lập công ty với số vốn giảm thiểu ấy. Ngược lại, khi sự ứng nạp đã đầy đủ, tương đương với số vốn hội thì sự chiêu nạp phải đình chỉ. Vì sự kiểm soát các phiếu ứng nạp phải mất nhiều thời gian nên có khi, kiểm soát xong, các sáng lập viên mới nhận thấy rằng số cổ phần được ứng nạp nhiều hơn số cổ phần dự định phát hành: Trong trường hợp này, những phiếu nào ứng nạp nhiều cổ phần sẽ phải rút bớt đi bằng cách phân phối số cổ phần theo tủy lệ số ứng nạp. Để cho hội được thành lập, người sáng lập có khi dùng những phương thuật không chính đáng, thí dụ nhờ những người quen thuộc, bạn bè nhận mua cổ phần và cam kết riêng với những người này là chính mình sẽ đóng tiền; đó là sự ứng nạp giả tạo, và sự giả tạo, theo án lệ Pháp (…) sẽ làm cho công ty vô hiệu.
1522. _ Khai trình sự ứng nạp: Khi số cổ phần đã được ứng nạp trọn vẹn, và các cổ phần đã được đóng tiền (tới một mức tối thiểu do luật định, sau nay ta sẽ nói tới), người sáng lập phải làm tờ khai ký nạp tại phòng chưởng khế, kèm theo danh sách các ứng viên đã mua bao nhiêu cổ phần và đóng được bao nhiêu tiền, phải ghi rõ. Sáng lập viên khai gian về các sự kiện trên sẽ bị hình phạt dự liệu cho tội lường gạt (325 LTM 1972).(…)

III. SỰ THÀNH LẬP VỐN HỘI
1525._ Bản vốn của hội không bó buộc phải là bao nhiêu, nhiều hay ít là do người sáng lập định. Nhưng số vốn bắt buộc phải chia thành các cổ phần bằng nhau; tổng số cổ phần công lại sẽ thành số vốn (trang 899-907);

IV. ĐẠI HỘI ĐỒNG SÁNG LẬP
1534._ Nói một cách tổng quát, sự triệu tập đại hội đồng sáng lập có mục đích kiểm soát những thể lệ lập hội do sáng lập viên đã làm; nếu thể lệ đã được làm đầy đủ, đạihội đồng tuyên nhận hội đã thành lập, và đặt để những cơ quan điều khiển. Đại hội đồng do các sáng lập viên triệu tập: giấy mời phải được đăng báo. Sáng lập viên chỉ có thể đạt giấy mời sau khi các thể thức thành lập đã được làm đầy đủ theo luật: Vốn hội phải đã được ứng nạp (số 1521 và kế tiếp) trọn vẹn; các cổ phần phải đã được trả tiền đủ lệ (1528 và kế tiếp). Các việc này phải đã được sáng lập viên khai trình với chưởng khế (số 1522) những phần hùn bằng hiện vật phải đã được trị giá như vừa giải thích trên.
1. Những ai được dự đại hội đồng:
1535._ Tất cả các hội viên đều có quyền dự đại hội đồng sáng lập (Điều 27 luật 1867; 113 TMTP; 244 LTM 1972). Ta nhớ rằng nếu đại hội đồng biểu quyết về sự trị giá các phần hùn bằng hiện vật thì các hội viên góp những phần hùn này không có quyền biểu quyết (1531). Vậy mỗi cổ đông viên, không cứ là có nhiều hay ít cổ phần đều được dự đại hội đồng sáng lập. Những người góp phần bằng hiện vật, những người góp công cho hội đều có quyền dự đại hội như người mua cổ phần bằng tiền. Điểm này được nói rõ tại điều 113 TMTP. Tưởng nên nhắc lại rằng, trong công ty vô danh, hội viên không thể chí góp phần hùn bằng công lao; những người góp công nói trên là những người đã giúp dỡ hội trong công tác sáng lập và được cấp những phần sáng lập hay phần đặc lợi (1527).
2. Biểu quyết tại đại hội đồng:
1536._ Theo điều 113 TMTP, tất cả các cổ đông kể các các người góp phần bằng hiện vật, các người có công với hội mà đã được cấp phần sáng lập, đều có quyền dự đại hội đồng. Tuy nhiên, như đã nói, những người này không được biểu quyết về các vấn đề trị giá phần hùn bằng hiện vật và vấn đề cấp phát những phần sáng lập (điều 112), vì họ là đương sự, không thể lại được biểu quyết về quyền lợi của họ. Về hai vấn đề này, sự chấp thuận phải được toàn thể các hội viên khác đồng ý, nếu không, việc lập hội sẽ không thành (số 1531 bis). Về sự loại trừ các người được phần sáng lập, không cho họ biểu quyết, ta cần nhận xét thêm rằng, điều 112 loại trừ họ một cách gần như tuyệt đối, không đã động gì đến sự kiện họ là những cổ đông viên bắt buộc; thực vậy, theo điều 109, toàn thể các sáng lập viên cộng chung phải ứng nạp một số cổ phần ít ra tương đương với 1/5 bản vốn của hội. Với điều 112, dẫu rằng là cổ đông viên, họ cũng sẽ không tham dự biểu quyết về vấn đề cấp phát phần sáng lập (so sánh với số 1537 bis). Điều 263 LTM 1972 cũng bắt buộc các sáng lập viên phải mua số cổ phần tối thiểu bằng 1/8 số vốn của hội và điều 251 LTM 1972, như ta đã thấy cũng loại trừ họ, không cho họ biểu quyết.
1536 bis._ Trở lại luật TMTP, ngoài hai trường hợp trên – trị giá phần hùn bằng hiện vật và cấp phần sáng lập – tất cả các hội viên, không loại trừ người nào, sẽ thảo luận biểu quyết khi hội đồng xét định phúc trình của các sáng lập viên về sự ứng nạp cổ phần và việc trả tiền các cổ phần ấy. Mỗi cổ đông viên có bao nhiêu cổ phần là có bấy nhiêu lá thăm để biểu quyết, nhưng mỗi người không được sử dụng quá 10 thăm, dù có hơn 10 cổ phần cũng mặc. Hội đồng biểu quyết theo đa số tuyệt đối các thăm, chứ không phải đa số đầu người. Thí dụ hội đồng có 38 người, tổng số cổ phần là 200 thì mỗi vấn đề trên, nếu được 101 thăm thuận là được chấp thuận, dẫu rằng 101 thăm là chỉ do 12 người phát biểu. Như vậy, nếu những hội viên nắm đa số phiếu vắng mặt thì rất có thể hội không thành lập được, nhưng đó chỉ là giả thiết, vì những người đã mua nhiều cổ phần tất nhiên sẽ mẫn cán để cho hội được thành lập.
1537._ Theo luật 1967, những thể lệ trên đây của luật TMTP giản dị hơn những thể lệ quy định trong luật 1867, điều 30. Theo Điều 30 luật 1867, đại hội đồng sáng lập chỉ có thể quyết định hữu hiệu với sự có mặt của một số hội viên tiểu biểu ít ra một nửa bản vốn của hội. Đó là định túc số cần thiết cho sự nhóm họp của hội đồng. Cần nhận xét rằng khi hội đồng biểu quyết về vấn đề ước giá các phần hùn bằng hiện vật, định túc số chỉ tính trên số vốn bằng tiền mặt, nghĩa là không tính phần hùn bằng hiện vật (điều 30 đoạn 2). Nếu định túc số không đủ, hội đồng có thể quyết định tạm thời, để đại hội đồng sẽ phê chuẩn trong phiên nhóm triệu tập lần thứ hai.(…)
1537. Cách tính đa số: (…)
1538.(…)
3. Đại hội đồng biểu quyết về những vấn đề gì.
1539._ A) Trước hết, hội đồng phải xét xem việc lập hội có hợp lệ không (…)
1540._ B) Hội đồng phải trị giá các phần hùn bằng hiện vật (…)
1541._ Danh từ đặc lợi, trong ngôn ngữ thông thường, chỉ có nghĩa là một lợi lộc đặc biệt; nhưng trong điển chế thương hội, có một nghĩa riêng do án lệ ấnđịnh: Chỉ có quyền ưu tiên, dành cho một hội viên được lấy trước các hội viên khác phần tiền lãi của mình trong số lãi hội thực hiệnđược, hay trong tích sản của hội, là được án lệ coi như một đặc lợi phải đưa ra đại hội đồng biểu quyết. Như vậy, đặc lợi này khác với những phần sáng lập được cấp cho sáng lập viên nhằm đền bù công lao của người này trong việc lập hội; Khác với những điều khoản nhằm công nhận đồng đều cùng một quyền lợi cho tất cả các hội viên, không phân biệt; Khác với phân số tiền lãi cấp cho các quản trị viên do tư thế đặc biệt của họ trong hội.
1542._ Người được phần sa1gn lập được hưởng tiền lãi vì có công sáng lập nhưng không có quyền tham gia vào công việc quản trị; ta gọi là phần đặc lợi vì đáng lẽ ra người thụ hưởng không có danh nghĩa gì để được chia lãi. Họ không có tư cách là hội viên và số lãi họ được hưởng có thể là một os16 nhất định hay là một số tỷ lệ ( điều 1 luật ngày 23-1-1929). (…)
1543._C) Hội đồng sáng lập phải biểu quyết về hội quy: Hội quy, do sáng lập viên làm ra, phải trình hội đồng xét định. Điểm này chỉ được nói rõ trong điều 250 LTM 1972. Thông thường, hội đồng biểu quyết về toàn thể hội quy, chứ không biểu quyết riêng từng điều khoản. Vấn đề đặt ra là hội đồng có quyền sửa đổi dự thảo hội quy của sáng lập viên hay không, hay chỉ có thể lựa chọn một trong hai giải pháp, một là chấp thuận, hai là bác bỏ. Phần đông học lý cho rằng, hội đồng không có quyền sửa đổi, hoặc cùng lắm, chỉ có thể sửa đổi hình thức, lời văn, chứ không có quyền sửa đổi nội dung, vì khi các hội viên nhận mua cổ phần, gia nhập hội, họ đã suy xét, quyết định, căn cứ vào dự thảo do sáng lập viên đề ra.
1544. Hội quy của công ty có thể được coi như hến chương của một tổ chức, khác xa với khế ước. Một khi đã biểu quyết, hội quy có hiệu lực bó buộc cả những hội viên bất đồng ý kiến, và sau này, muốn sửa đổi hội quy, cũng chỉ cần đa số hội viên chấp thuận. Lý thuyết là như vậy, nhưng ta cũng cần phải nhận xét rằng trước khi nhận mua cổ phần, ứng nạp viên có chấp nhận nội dung hội quy thì mới ký giấy thuận mua. Như vậy, có thể nói rằng, hội quy phần nào đã được các cổ đông viên chấp nhận trước rồi.
(…1545-1550).

V. SỰ CHẾ TÀI NHỮNG THỂ LỆ THÀNH LẬP CÔNG TY VÔ DANH
1551_ Sự chế tài những thể lệ luật định cho việc thành lập công ty vô danh được luật pháp dự liệu theo hai phương thức. Chế tài trực tiếp, được áp dụng cho công ty, là sự vô hiệu. Chế tài gián tiếp, được áp dụng cho những người đã lập hội không theo đúng thể lệ, là trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự của những người này.
1. Sự vô hiệu: Công ty vô danh có thể bị tòa tuyên bố vô hiệu, nếu sự thành lập đã không theo đúng thể lệ luật định về nội dung hay về hình thức.
1552._ Những nguyên nhân vô hiệu: Nếu đối tượng hành động của công ty là bất hợp pháp, tất nhiên công ty vô hiệu. Nhưng đây là nguyên nhân vô hiệu thường luật: Mọi khế ước, mọi sự kết ước đều vô hiệu nếu mục đích là để làm một việc bất hợp pháp hay trái với thuần phong mỹ tục.
1552 bis. Riêng công ty vô danh, ở Nam phần, các nguyên nhân vô hiệu được dự liệu tại điều 41 gồm có những vi phạm các điều 22 đến 25, và vi phạm các điều 1 đến điều 4, được quy chiếu tại điều 24. Các nguyên nhân này là: 1) Không đủ nhân số hội viên bảy người; 2) bản vố dự định không được ứng nạp trọn vẹn; 3) Các cổ phần ứng nạp không được trả tiền đủ tỷ lệ tối thiểu luật định; 4) Đại hội đồng sáng lập họp không hợp lệ; 5) Đại hội đồng không biểu quyết hợp lệ về việc chấp thuận những đặc lợi và về việc trị giá những phần hùn bằng hiện vật. 6) Đại hội đồng không biểu quyết hợp lệ về việc chỉ định ban quản lý đầu tiên và các ủy viên kiểm toán; 7) Công ty không được công bố hợp lệ. Về điều 1 (ứng nạp trọn vẹn bản vốn dự định), nếu mệnh giá cổ phần được ấn định dưới mệnh giá tối thiểu (1525), hội cũng vô hiệu.
1552 ter. Ở Trung phần, bộ luật thương mại bắt đầu quy định công ty đối vốn từ điều 102. Đến điều 115, bộ luật nói rằng, những thể thức trên, nếu không tuân thủ sẽ làm cho công ty vô hiệu. Tuy luật dùng danh từ thể thức, nhưng, thực ra, trong các điều từ 102 đến 114, có cả những điều về nội dung, chứ không chỉ riêng về hình thức. Xét từ điều 102 đến 114, có những điều kiện sau đây: (…)
1253._ Tố quyền vô hiệu hóa: Với các nguyên nhân kể trên, tất cả các người quan thiết đều có thể khởi tố xin tòa tuyên bố công ty vô hiệu. Các người quan thiết ấy là các cổ đông viên, dẫu chính họ đã gây ra sự vô hiệu, thí dụ người góp phần hùn bằng hiện vật mà không trị giá phần hùn này hoặc không giao phần hùn cho hội. Các chủ nợ riêng của cổ đông viên và chủ nợ của hội cũng đều có thể hành xử tố quyền vô hiệu hóa. Ta nên nhớ rằng, theo điều 31 TMTP và điều 58 luật 1867, sự vô hiệu vì khiếm khuyêt thể thức công bố không đối kháng được với người đệ tam. Phần đông học lý cho rằng mọi sự vô hiệu đều không được viện dẫn do chính các hội viên để đối kháng với người đệ tam. Án lệ cũng đã có dịp xử theo chiều hướng ấy. Sự bất đối kháng này được TLM 1972 minh thị công nhận tại điều 255.
1254._ Sự điều chỉnh tình trạng bất hợp lệ: Một công ty thương mại bị tuyên bố vô hiệu có thể gây ra những hậu quả tai hại, cho nên luật pháp cho phép sửa sai để công ty trở thành hữu hiệu. Theo điều 115 TMTP, nếu cái nguyên nhân vô hiệu đã mất đi từ trước (có nghĩa là nếu đã có sự hợp thức hóa) hay nếu đại hội đồng đã được triệu tập hợp lệ để bổ túc sự khiếm khuyết (có nghĩa là sự hợp thức hóa đang được chuẩn bị) thì tố quyền vô hiệu hóa không được chấp nhận nữa. Điều 8 luật 1867 sửa đổi do sắc luật 30-10-1935 cũng quy định như trên, nhưng còn tiến xa thêm một bước nữa: Công ty có thể hợp thức hóa cho đến lúc tòa xử về nội dung ở cấp sơ thẩm; tòa lại cũng có thể, tư ý, ấn định cho công ty một thời gian để bao yểm sự vô hiệu bằng cách tự hợp thức hóa. Các giải pháp này đều được chấp nhận tại điều 157, 158 LTM 1972.
1555._ Hậu quả của sự vô hiệu: Nếu công ty bị tuyên bố vô hiệu, sự vô hiệu cũng không thể tràn nhập vào tất cả các hành vi do công ty đã làm từ trước. Nói cách khác, sự vô hiệu không có phản lực về quá khứ, chỉ có hiệu lực trong hiện tại và tương lai, chứ không ảnh hưởng đến sự việc đã rồi; các tác vụ do công ty đã làm rồi coi như đã kết thúc. Trong giới hạn ấy, giữa các hội viên, sự vô hiệu đặt họ vào tình trạng của hội viên một hội thực tế, nhưng hội quy sẽ áp dụng cho sự thanh toán. Đối với người đệ tam, vấn đề trở nên phức tạp hơn. Một đằng, họ có quyền cầu viện tất cả những hậu quả của sự vô hiệu, thí dụ, đòi tiêu hủy một khế ước đã ký kết với hội nhưng chưa được thi hành hay thi hành còn dở dang. Nhưng đằng khác, án lệ cũng chấp nhận cho họ được đòi hỏi tiếp tục những khế ước ấy, tức là coi như khế ước hữu hiệu, thí dụ khế ước để đương cho chủ nợ hội được bảo lưu mặc dù hội bị tuyên bố vô hiệu.
1556._ Một vấn đề đặc biệt được đặt ra do sự vô hiệu của công ty là va16nd 9e62 chuyển mại những cổ phần. trên nguyên tắc, một hội thực tế có thể là hội đối vốn, vậy công ty vô danh, sau khi bị tuyên bố vô hiệu và chỉ còn là một hội thực tế vẫn là một công ty cổ phần. Cổ phần tượng trưng cho quyền lợi của hội viên và có thể được chuyển mại; trong trường hợp công ty vô hiệu, người bán cổ phần có thể, theo thường luật, bị coi là có trách nhiệm do cái hà tỳ ẩn nặc đã làm cho hội vô hiệu. Nhưng thực tế khó tìm người bán là ai, còn người ứng nạp đầu tiên lại không có trách nhiệm gì đối với người cầm cổ phần khi hội bị tuyên bố vô hiệu.
1557._ Thời tiêu tố quyền: (…1558…)
2. Trách nhiệm về sự vô hiệu:
1559._ Sự vô hiệu do tòa tuyên phán chỉ làm tan rã một công ty, chỉ là một chế tài áp dụng cho một pháp nhân, chưa phải là một sự trừng phạt xứng đáng cho những người đã có lỗi lập ra một công ty vô hiệu. Những người này thường lại đã được hưởng nhiều lợi lộc do sự thành lập công ty và trong thời gian công ty đã hoạt động. Bởi thế luật pháp đã buộc trách nhiệm vào họ về hai phương diện, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự.
1560._ Trách nhiệm dân sự: Trước hết, những người có thể bị trách nhiệm vì đã lập một công ty bất hợp lệ là: a) Những người sáng lập; b) Những người góp phần hùn bằng hiện vật mà không trị giá những phần hùn ấy hoặc trị giá quá cao; những người hưởng những đặc lợi mà những đặc lợi này không được đại hội đồng sáng lập kiểm soát; c) Những nhân viên quản trị đang tại chức lúc xảy ra cái nguyên nhân làm cho hội vô hiệu (điều 42 luật 1967; 117 TMTP, 257 LTM 1972). Những người kể trên co thể trách nhiệm liên đới phải bồi thường cho các hội viên và cho các đệ tam nhân mọi sự thiệt hại do sự vô hiệu ấy gây ra. Nói như vậy có nghĩa là, họ chỉ phải bồi thường những sự thiệt hại nào xảy ra vì sự vô hiệu, chứ không phải chịu trách nhiệm về tất cả công nợ của hội. Ta biết rằng, về trách nhiệm bồi thường, Dân luật phân biệt thiệt hại trực tiếp với thiệt hại gián tiếp, đó là tiêu chuẩn để đo lường trách nhiệm của đương sự hữu trách. Riêng về phần các người góp phần hùn bằng hiện vật và các người được cấp phát những đặc lợi thì, theo tinh thần các điều luật trên, họ chỉ bị trách nhiệm nếu vì lỗi của họ mà phần hùn hay những đặc lợi của họ không được hội đồng sáng lập kiểm soát.
1561_ Trường hợp tố quyền bất đắc chấp thẩm: Trên kia, ta đã thấy rằng, sự vô hiệu có thể được sửa sai làm cho tố quyền vô hiệu hóa không hành xử được nữa (1554). Sự sửa sai cũng ảnh hưởng đến tố quyền quy trách. Theo điều 158 LTM 1972, tố quyền quy trách không còn được chấp thẩm nữa, nếu nguyên nhân vô hiệu không còn nữa, nghĩa là đã có sư hợp thức hóa, nhưng phải ba năm đã trôi qua rồi kể từ ngày xảy ra sự vô hiệu. Thâm ý của luật pháp là không để cho các người hữu trách lợi dụng sự khoan hồng của điều luật, cứ tiến hành lập hội một cách bất hợp lệ, để sẽ hợp thức hóa ngay, sau khi hội thành lập. Sự hợp thức hóa có thể được thực hiện trước khi có đơn khởi tố, hoặc trong thời gian thủ tục cho đến khi tòa sơ thẩm tuyên án về nội dung, hoặc trong thời gian do tòa ấn định cho sự hợp thức hóa. Luật TMTP không dự liệu sự bất đắc chấp thẩm cho tố quyền quy trách.
1562._ Tiêu diệt tố quyền:  Nếu sự vô hiệu không được điều chỉnh, tố quyền quy trách sẽ bị thời tiêu sau 5 năm, theo điều 8 luật 1867 dẫn trên và theo điều 258 LTM 1972 quy chiếu điều 215. Như vậy, tố quyền quy trách bị thời tiêu, trong mọi trường hợp, sau 5 năm từ ngày lập hội vì sau thời gian ấy, tố quyền vô hiệu hóa đã bị thời tiêu, hội đã vững chắc về pháp lý, không còn có vấn đề vô hiệu, và do đó, không còn vấn đề trách nhiệm có thể được đặt ra.
1563._ Ngoài các trường hợp trách nhiệm dự liệu do luật 1867, các người nào có lỗi trong việc lập hội còn có thể bị trách nhiệm theo thường pháp đối với đệ tam nhân, nếu sự lầm lỗi đã gây thiệt hại cho những người này, và tố quyền quy trách sẽ chỉ bị thời tiêu theo thường pháp. Dĩ nhiên, những lỗi lầm gây trách nhiệm này phải là những lỗi lầm ở ngoại vi luật 1867. Nếu cái lỗi gây thiệt hại là một tội tiểu hình, thời tiêu tố quyền quy trách là 3 năm, nếu là một tội đại hình, thời tiêu sẽ là 10 năm, cùng thời gian với thời tiêu công tố quyền (xem điều 7 và 8 bộ Hình sự tố tụng 1972).
1564._ Luật TMTP không ấn định thời tiêu riêng cho tố quyền quy trách nói trên. Theo thường pháp, ở Trung phần thời hạn giải thoát cho mọi nghĩa vụ là 10 năm (điều 935 DLT). Nếu hành động gây trách nhiệm không chỉ là một lỗi dân sự mà còn có tính cách một hình tội, thì thời tiêu tố quyền quy trách cùng là một với thời tiêu của công tố quyền: 10 năm cho tội tiểu hình, 15 hay 20 năm cho tội đại hình tùy theo can phạm là kẻ vô danh, hay có được biết la ai nhưng lẫn trốn không bắt được.
1565._ Trách nhiệm hình sự: Công ty vô danh được tự do thành lập không phải chịu sự kiểm soát của chính quyền. Nhưng việc lập hội lại thường là cơ hội cho kẻ bất lương lường gạt, lửa đảo những người dại dột. Bởi thế luật pháp phải đặt ra những hình tội riêng, vừa để phòng ngừa những hình tội bất hợp pháp, vừa để trừng trị kẻ thủ phạm nếu những hành động ấy xảy ra. Một số cac tội phạm này đã được ta nói rõ (1522, 1523). Các tội phạm khác, không quan trọng bằng, chỉ bị phạt bạc, và số tiền phạt ngày nay phải nhân với 40, theo dụ 19-4-1951; nhân nữa với 10 theo sắc luật 1-6-67, sau đó lại chi với 10 để tính ra tiền Viêt Nam. (…1566…).

VI. PHÁP NHÂN CỦA CÔNG TY VÔ DANH 
1567._ Tính cách độc lập: Công ty vô danh là một pháp nhân hoàn toàn độc lập, có nghĩa là pháp nhân ấy hoàn toàn biệt lập với các hội viên đã mua cổ phẩn làm cho hội được thành lập, cho pháp nhân được ra đời. Chỉ có pháp nhân mới xuất đầu lộ diện, chỉ có pháp nhân mới có tư cách thương gia và làm mọi việc thương mại (Ở Pháp, theo điều 4 luật ngày 4-3-1943, viên chủ tịch tổng giám đốc có tư cách là thương gia nhưng chỉ riêng trong phạm vi luật khánh tận. Điều 307 LTM 1972 cũng theo quan niệm này. Trong công ty cổ phần hợp tư (tuy vốn hội cũng chia thành cổ phần) và trong các công ty đối nhân, các hội viên đều có tư cách thương gia, và sự hoạt động của họ hòa lẫn với hoạt động của hội. Trong công ty vô danh không thế, cá nhân các cổ đông viên biêt lập hẳn với công ty. Dù họ có muốn cũng khó lòng có ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty vì họ quá nhiều và các cổ phần cũng rải rác ở nhiều nơi.
1568._ Tính cách thương mại: Công ty vô danh là công ty thương mại về hình thức. Bất cứ thương hội nào được thành lập dưới hình thức công ty vô danh đều là một công ty thương mại. Đặc điểm của công ty là số vốn được chia thành cổ phần; một thương hội nào đã chia vốn thành cổ phần và hạn định trách nhiệm của hội viên đến mức số cổ phần mà họ có, thì phải coi là một công ty thương mại, không thể là một công ty dân sự.
1569._ Danh hiệu: Công ty vô danh có một danh hiệu, mặc dầu được gọi là công ty vô danh. Danh hiệu được tự do lựa chọn tùy theo tính chất hoạt động của hội, hoặc địa điểm nơi công ty hoạt động, thí dụ Công Ty Hàng Hải Thương Thuyền; Công ty Đồng Nai; hoặc tùy theo ý thích của người sáng lập, thí dụ Công ty Đại Quang. Dù danh hiệu được lựa chọn thế nào, thì dưới danh hiệu cũng phải ghi rõ là công ty vô danh và ghi số vốn.
1570._ Trụ sở: Công ty có một trụ sở là nơi đặt bàn giấy làm việc, giao dịch với khách hàng. Trụ sở (còn gọi là hội quán) phải ấn định trong hội quy, vì thế muốn thay đổi trụ sở phải sửa hội quy. Tuy khó tìm được một tiêu chuẩn chắc chắn cho sự thay đổi trụ sở, nhưng có thể cho rằng việc dọn nhà từ nơi này đi nơi khác, cùng trong một tỉnh không phải là thay đổi trụ sở, vậy trong trường hợp này, không có vấn đề sửa đổi hội quy, không phải dùng đến thủ tục phức tạp về sự sửa đổi hội quy.
1571._ Quốc tịch: Cũng như mọi công ty khác, công ty vô danh có quốc tịch. Vấn đề này, ta đã có dịp đề cập đến (1204). Theo án lệ Pháp, một công ty, dù là công ty đối vốn hay đối nhân, nếu thành lập theo thể thức luật của Pháp và có trụ sở ở Pháp, là một công ty có quốc tịch Pháp. Nếu ta áp dụng án lệ này ở Việt Nam, thì công ty vô danh thành lập theo thể thức, luật lệ Việt Nam, có trụ sở ở Việt Nam, sẽ được coi là có quốc tịch Việt Nam. Với án lệ này, một công ty thành lập do người ngoại quốc, với vốn ngoại quốc, điều khiển do người ngoại quốc, nhờ có quốc tịch Việt Nam, thành ra sẽ được hưởng những quyền lợi chỉ dành cho người Việt Nam (thí dụ về thuế khóa, về đặc chế thuê nhà làm thương mại). Cho nên, tuy án lệ căn cứ nhiều nhất vào tiêu chuẩn trụ sở nói trên, nhưng cũng có khi áp dụng một tiêu chuẩn khác, thí dụ căn cứ vào quốc tịch của những người điều khiển, của hội viên, hay nếu tổng giám đốc là người ngoại quốc, thì công ty thường được coi là công ty ngoại tịch.
1572._ Bản vốn: Công ty vô danh có một bản vốn cũng như bất kỳ công ty nào khác. Bản vốn ấy là bảo đảm cho chủ nợ của công ty, dù còn là hiện kim hay đã được dùng vào việc mua sắm dụng cụ, xây cất bất động sản cho công ty. Bản vốn có tính cách bất dịch. Quy tắc bản vốn bất dịch không có nghĩa là vốn không thay đổi, tăng giảm được, chỉ có nghĩa là bản vốn không thể được rút ra để hoàn lại cho hội viên, bao giờ cũng phải được ghi nguyên số trong mục tiêu sản bảng tổng kê. Bản vốn của công ty có thể được tăng thêm hay giảm bớt, nhưng muốn vậy, phải sửa dổi hội quy; và sự tăng giảm phải được công bố.
1573._ Công ty hội viên: Một công ty có thể mua cổ phần của công ty khác, trở thành hội viên của công ty này; có khi hai công ty cùng có cổ phần, cùng là hội viên lẫn của nhau, người ta gọi là công ty tương liên (sociétés imbriquées: công ty lồng nhau), cái nọ móc vào cái kia. Sự trạng ấy gây ra rắc rối là, một phần vốn của công ty này cũng là một phần vốn của công ty kia, làm cho phần vốn ấy có tính cách giả định. Ở Việt Nam, tình trạng này đã bắt đầu xuất hiện, phần nhiều là do các ngân hàng mua cổ phần của những công ty mới thành lập. Tình trạng rất có thể gây ra những sự gian lận, nên ở Pháp, đã có một đạo luật được ban hành, không cho một công ty nào có hơn 10% bản vốn của một công ty khác.
1574._ Công ty tổng cục và công ty chi cục: Một công ty thương mại có thể lại lập một công ty thương mại khác. Công ty trước gọi là công ty tổng cục, và công ty mới tạo lập gọi là công ty chi cục. Về pháp lý, hai công ty biệt lập hẳn nhau, nhưng về thực tế, công ty tổng cục chi phối công ty kia bằng cách giữ đa số vốn, hoặc đưa người của mình vào ban quản trị. Các công ty vô danh lớn thường đặt ra nhiều công ty chi cục, nhiều khi quyền lợi của họ lại là những người khác nhau, làm cho quyền lợi của những người này thành khó ấn định và rất có thể bị gian lận. Công ty chi cục phải phân biệt với chi nhánh. Công ty chi cục phải phân biệt với chi nhánh. Công ty chi cục là một pháp nhân riêng biệt, về pháp lý, đối với công ty tổng cục. Còn chi nhánh chỉ là một cơ sở phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, do một công ty duy nhất đặt ra để mở rộng phạm vi hoạt động và tiện việc giao dịch với khách hàng. /.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar