CHUẨN KHẾ ƯỚC
– Sau khi đã qui định về các khế và các nghĩa vụ do hợp ước phát sinh ra, bộ dân luật Pháp đã đề cập đến các sự cam kết đã được tạo lập mặc dù không có hợp ước nào được ký kết. Trong loại cam kết này, điều 1370 DLP đã liệt kê hai hạng:
1. Các nghĩa vụ do luật pháp phát sinh ra ngoài mọi ý chí của tư nhân, như các nghĩa vụ của các người sở hữu chủ lân bang, của các người giám hộ hay của các người quản lý khác không thể từ chối được chức vụ ấy;
2. Các nghĩa vụ được phát sinh ra do một tác động đơn phương của người phụ trái; các nghĩa vụ này gồm có các dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm và chuẩn khế ước.
– Chuẩn khế ước là một vấn đề rất phức tạp trng học lý. Mặc dù đã xuất hiện từ cổ luật La Mã, và ngày nay còn được dân luật Pháp chấp nhận, ý niệm chuẩn khế ước cũng bị nhiều luật gia chỉ trích và nhiều bộ dân luật hiện đại bác bỏ. Theo dân Luật Pháp, chuẩn khế ước là một hành vi hoàn toàn tự ý và tạo ra cho chính người làm hành vi ấy hoặc một nghĩa vụ đơn phương đồi với một đệ tam nhân, hoặc một nghĩa vụ hỗ tương cho cả hai bên (Điều 1371 DLP). Như vậy, chuẩn khế ước có hai đặc tính:
1. Chuẩn khế ước là một loại hành vi pháp lý đơn phương do một người tự ý làm, chứ không phải là một khế ước do hai hoặc nhiều người thỏa thuận với nhau mà tạo thành;
2. Chuẩn khế ước là hành vi hợp pháp: Nếu không có điều kiện này thì các dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm cũng có thể được coi là các chuẩn khế ước.
Trên thực tế có rất nhiều loại chuẩn khế ước. Thí dụ: Một cộng đồng sở hữu chủ, tuy không có lời thỉnh cầu của các cộng đồng sở hữu chủ khác, đã tự ý đứng ra quản trị cộng đồng tài sản. Người này đã tự ý tạo ra một chuẩn khế ước. Một người không có tư cách giám hộ theo quy định của luật pháp, đã tự ý nhận làm giám hộ cho một vị thành niên; người này cũng đã tự ý tạo ra một chuẩn khế ước. Mặc dù vậy, bộ dân luật Pháp chỉ quy định có hai loại chuẩn khế ước mà thôi: quản lý sự vụ (la gestion d’affaires: quản lý kinh doanh) và chi phó bất phụ trái (la paiement de l’indu: thanh toán quá hạn). Danh từ chuẩn khế ước không được dùng trong hai bộ DLB và DLT. Tuy nhiên, hai bộ dân luật Bắc và Trung cũng quy định hai trường hợp quản lý sự vụ và chi phó bất phụ trái nhưng dưới một mục đề khác: “Nói về nghĩa vụ do sự thu nhận của cải không phải của mình sinh ra” (Điều 702-711 DLB, 750-760 DLT). Mục đề trên đáng lẽ phải được dịch là: “Nói về nghĩa vụ do sự đắc lợi bất đáng sinh ra” mới đúng nghĩa Pháp văn.
Sự thật, ngay cả ở Pháp, danh từ chuẩn khế ước cũng đã làm đề tài cho nhiều cuộc tranh luận. Một số tác giả coi chuẩn khế ước như một ý niệm pháp lý khả dĩ có thể dùng để giải quyết nhiều vụ tranh tụng và giải thích nguyên nhân của một số nghãi vụ không do khế ước mà có; trái lại, một số luật gia khác cho rằng danh từ chuẩn khế ước hết sức mơ hồ. Dưới danh từ này, nhà làm luật ở Pháp đã góp nhặt một số trường hợp của cổ luật La Mã, không có một tiêu chuẩn chung nhất định. Trong nhiều bộ luật tân tiến, ý niệm chuẩn khế ước được thay thế bằng ý niệm đắc lợi vô nguyên nhân (enrichissement sans cause: làm giàu bất chính).
Bình luận