VI PHẠM VÀ BÁN VI PHẠM
Nguồn gốc thứ nhì của nghĩa vụ là vi phạm và bán vi phạm hay nhưng hành vi phạm pháp (Nguồn gốc thứ nhất là khế ước). Các hành vi nầy đem lại trách nhiệm cho người chủ động đã gây thiệt hại cho kẻ khác.
A) Danh từ “trách nhiệm” mà các tòa án hiện nay thường dùng để chỉ nghĩa vụ phải bồi thường sự thiệt hại do mình gây ra cho người khác, vì lỗi của mình, hay vì lỗi của những người những vật, những con thú mà mình làm chủ hay có phận sự gìn giữ. Đã được mọi người chấp nhận. Có hai loại trách nhiệm:
1) Trách nhiệm khế ước (responsabilité contractuelle: trách nhiệm hợp đồng) là khi nào lỗi của mình đã căn cứ trên một trên một sự bất thi hành nghĩa vụ đã đảm nhận trong hợp đồng.
2) Trách nhiệm vi phạm (responsabilité délictuelle): Khi nào một thể nhân, một pháp nhân hay một cá nhân vì một lỗi mà gây thiệt hại cho người khác, chớ không phải vì bất thi hành một nghĩa vụ.
3) Gần đây với sự tiến triển về án lệ, người ta thừa nhận một loại trách nhiệm thứ ba: là trách nhiệm luật định (responsabilité légale) khi nào luật pháp bắt buộc mình phải bồi thường một sự thiệt hại, xảy ra không phải vì một lỗi lầm của mình. Thí dụ: Như trách nhiệm của một chủ nhân các xí nghiệp về những tai nạn lao động theo luật ngày 9-4-1898 của Pháp.
B) Nhưng dân luật Pháp áp dụng tại Nam phần dành cho trách nhiệm vỏn vẹn có 5 điều khoản: 1382, 1383, 1384, 1385, 1386, được lặp lại tại điều 712 đến 716 DLB và 761 tới 767 DLT. Bộ DLVN 1972 dành 11 điều từ điều 729 đến 739 cho loại trách nhiệm này. Các tòa án luôn có dịp áp dụng các điều khoản này mặc dù tình trạng kinh tế hiện thời khác hẳn với tình trạng kinh tế ở Pháp quốc lúc Bộ luật 1804 ra đời. Những điều khoản trên đây vẫn đủ để chi phối hầu hất những quan hệ giữa con người trong xã hộ hiện tại. Có những đạo luật về sau, nhứt là bộ luật lao động mang lại một nền tảng mới mẻ cho trách nhiệm, căn cứ trên một hiểm tai, trên sự rủi ro, và các tòa án cũng bạo dạn giải thích một cách rất rộng rãi năm điều khoản trên đây của DLP và cho những điều khoản nầy một phạm vi áp dụng rất rộng. Người ta chia năm điều khoản của Bộ dân luật Pháp làm hai loại:
1) Điều 1382, 1383 DLP tương đương với các điều 712, 713 DLB, điều 761, 762 DLT. 729, 730 DLVN 1972 nói về những vi phạm và bán vi phạm.
2) Các điều kế tiếp hiện nay là ba điều khoản quan trọng nhứt về trách nhiệm dân sự, nới rộng phạm vi trách nhiệm này bằng cách đặt để ra những sự ức đoán có lỗi. (Điều 1384, 1385, 1386 DLP). Ba điều nầy tương đương với các điều 735 đến 739 Bộ DLVN 1972. Các sự phỏng đoán trách nhiệm ghi nơi điều 1384 DLP đối với cha mẹ đừa trẻ, đối với người chủ nhà, người dạy nghề và đối với thầy giáo đã được bộ DLVN 1972 phân tích ra từng điều một từ điều 731 đến 735.
C) Bốn Bộ Dân luật nói đến vi phạm không định nghĩa thế nào là vi phạm và thế nào là bán vi phạm. Theo các tác giả, vi phạm (délit) là khi nào một cá nhân vì ác ý, vì lừa đảo mà gây thiệt hại cho một người khác. Bán vi phạm (quasi délit) là khi nào không có ác ý, chỉ có sự sơ suất, bất cẩn gây thiệt hại cho người ta mà thôi. Thành thử ra vi phạm và bán vi phạm đều căn cứ trên cái lỗi, hay “quá thất“. Thực ra giữa vi phạm và bán vi phạm chỉ có một điểm dị đồng về mặt tâm lý mà thôi. Bởi vậy cho nên điều 1383 DLP, nói rõ rằng mình phải chịu trách nhiệm về những sự thiệt hại do mình cố tính gây ra và do sự sơ suất bất cẩn của mình. Học lý và án lệ cũng đồng ý về những sự phân biệt vừa nói nhưng trên thực tế sự phân biệt không có ích lợi đáng kể, bởi vì dầu là lỗi quá thất cố tình hay vô tình thì người phạm pháp cũng vẫn phải bồi thường tất cả những hậu quả không hay do lỗi của y gây ra. Bởi vậy người ta có thể dùng danh từ vi phạm để chỉ hai trường hợp cố ý và vô ý gây thiệt hại cho người khác. Nhưng dù sao người ta cũng thấy có một sự khác biệt là chúng ta có thể bảo hiểm những lỗi vô tình chứ không thể bảo hiểm hậu quả của lỗi cố ý.
Phân biệt vi phạm dân sự và vi phạm hình sự:
D._ Người ta còn phân biệt vi phạm về hình sự và vi phạm về dân sự (về hộ):
– Vi phạm về hộ, có người gọi là “dân sự phạm” (délit civil) là tất cả những lỗi do người gây ra cho người khác.
– Còn về hình sự, vi phạm là một sự phạm pháp bị luật hình trừng trị.
Hai loại vi phạm về hình, về hộ có những điểm khác nhau sau đây:
1) Chế tài khác nhau. Luật hình có mục đích trừng trị phạm nhân, luật hộ chỉ nhằm mục đích đền bồi thiệt hại đã gây ra cho sản nghiệp một người khác, bằng tiền.
2) Có vi phạm hình sự khi nào có một điều khoản rõ rệt của Bộ Hình luật trù liệu và trừng trị theo tục giao “nulla poena sine lege: Không có hình phạt nào mà không có pháp luật“. Trái lại, bất cứ một hành vi nào mà gây thiêt hại cho người khác, dù là có được Hình luật trù liệu hay không, cũng là một dân sự phạm.
3) Những vi phạm về hình sự có khi không phải là một dân sự phạm. Có những hành vi bị luật Hình trừng trị nhưng không gây hại hco ai hết. Ví dụ như: Tội đi ăn mày – Tội vi cảnh _ Chạy xe bên tay trái _ Chạy quá tốc độ bắt buộc _ Những vi phạm về săn bắn, săn bắn ngoài mùa săn _ Hoặc giả tội toan ám sát nhưng chưa chế, v.v…. Vì quyền lợi công cộng, người ta phải trừng trị những hành vi đó, nhưng không có quyền lợi dân sự nào bị chạm đến hết.
Ảnh hưởng của vi phạm về hình đối với vi phạm về hộ: Tuy nhiên mặc dù có sự phân biệt rõ rệt giữa hai quan niệm, nhưng khi một dân sự phạm vừa là một vi phạm về hình sự, thì tố quyền đòi bồi thường chịu ảnh hưởng của những quy tắc về hình luật:
a) Theo điều 2262 DLP thì tố quyền đòi thiệt hại về dân sự bị tiêu diệt sau 30 năm; nếu dân sự phạm đồng thời là một vi phạm về hình sự thì tố quyền dân sự bị tiêu diệt cùng một thời gian với tố quyền công cộng, nghĩa là bị tiêu diệt sau 10 năm, nếu đó là một trọng tội (cướp, giết người, hiếp dâm…); 3 năm nếu đó là một khinh tội (trộm cắp, lừa đảo, bội tín …), và một năm nếu đó là một vi cảnh (contravention) (ví dụ chạy xe quá tốc độ). Sự thu ngắn thời hiệu tiêu diệt của tố quyền làm tổn hại đến quyền lợi của người bị thiệt. Nhưng sở dĩ như thế là vì có những lý do thuộc trật tự công cộng:
– Trước hết người ta khó nhận định rằng tòa án dân sự có thể tuyên bố một cá nhân phải chịu trách nhiệm thừa dịp một vi phạm mà hình luật không có quyền định sự trừng trị. Luật gia Muyard de Vouglans có nói rằng: “Không thể đòi một bị can bồi thường thiệt hại khi không thể rõ cho y biết y đã phạm tội gì“.
– Sau đó luật pháp muốn cho người bị thiệt hại phải phụ lực công tố viện bằng cách đi khởi kiện trước tòa, khi tố quyền công cộng chưa bị tiêu diệt. Nhưng về điểm này tòa phá án châm chước nguyên tắc bằng cách chỉ áp dụng nó trong trường hợp tố quyền dân sự chỉ trực tiếp do hành vi phi pháp mà phát sinh ra.
Điều 2262 (nghĩa là thời hạn tiêu diệt phổ thông là 30 năm) sẽ được áp dụng, khi nào tố quyền đòi thiệt hại căn cứ trên một khế ước kết lập trước khi vi phạm xảy ra, hoặc căn cứ trên một điều khoản khác của luật hộ, ví dụ: (…)
b) Có thể đầu đơn kiện trước tòa án dân sự hoặc tòa án hình sự để đòi bồi thường nếu hành vi gây thiệt hại là một hình tội. Nhưng nếu hành vi đó là một dân sự phạm thuần túy thì chỉ có thể khởi tố trước tòa án dân sự mà thôi. Ví dụ: Ông A đâm xe của ông Ba mà gây thương tích cho ông B, thì ông B muốn đi kiện thiệt hại về những thương tích đó phải đi kiện trước tòa hình sự. Bởi vì gây thương tích cho thân thể con người là một vi phạm về hình. Đây là thủ tục đi kiện nửa hình nửa hộ.
c) Nguyên tắc việc hình đình chỉ việc hộ (La criminel tient le civil en état), nghĩa là, nếu kiện thiệt hại trước tòa án dân sự torng lúc tòa án hình sự đang xét xử nội vụ do khởi tố trạng của Biện lý thì tòa dân sự phải tạm ngừng (chưa xét xử) để đợi sự giải quyết của Tòa án hình (điều 3 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp).
đ) Nếu số tiền thiệt hại căn cứ trên một vi phạm về hình thì người bị thiệt hại có thể xin tòa án câu thúc thân thể người gây thiệt hại để đòi số tiền đó hay nói một cách khác, có thể giam thâu mà đòi số tiền thiệt hại (điều 5 luật 22-7-1867 về câu thúc thân thể).
e) Sau cùng một bản án chung quyết của tòa hình có thể dùng để đối kháng lại với đơn nạp tại tòa dân sự để xin bồi thường thiệt hại do một vi phạm về hình vì thẩm phán tòa dân sự không thể xử nghịch với phán quyết của một tòa hình.
Tóm tắt trách nhiệm dân sự căn cứ trên một lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại phải chứng minh lỗi đó và sự thiệt hại do lỗi gây ra. Nhưng muốn cho sự bồi thường trở nên dễ dãi, pháp luật đặt ra những sự ức đoán về lỗi (Les présomptions des fautes: Giả định về lỗi), nghĩa là không bắt buộc người đi kiện dẫn chứng trực tiếp lỗi của người gây thiệt hại mà căn cứ trên những sự kiện mà ức đoán được rằng như vậy là có lỗi. Về phần người chủ động, muốn thoát khỏi đền bồi, y phải chứng minh rằng sự thiệt hại là do một duyên cớ bên ngoài, không liên can chi đến y.
Thiên thứ II này chi ra làm bốn chương:
Chương I: Lịch sử trách nhiệm dân sự
Chương II: Trách nhiệm vì một lỗi:
Chương III: Những sự ức đoán về lỗi.
Chương IV: Những quan hệ giữa trách nhiệm vi phạm và trách nhiệm khế ước./.
Bình luận