Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

19. Nguyên nhân của khế ước

NGUYÊN NHÂN CỦA KHẾ ƯỚC 

Điều 660 DLVN định rằng khế ước phải có một nguyên nhân hợp pháp, và điều 683 DLVN lại nói rằng “Nghĩa vụ vô nguyên nhân hoặc có một nguyên nhân giả tạo hoặc bất hợp pháp sẽ không có hiệu lực gì cả”. Cần nhận định rằng, chữ “nguyên nhân giả tạo” dùng ở đây không được chính xác. Thực vậy, nguyên nhân giả tạo, theo đúng từ ngữ, là nguyên nhân biểu kiến, che giấu một nguyên nhân thực sự. Nhưng nguyên nhân giả tạo không khiến cho khế ước bị vô hiệu nếu nó không che giấu một nguyên nhân bất hợp pháp; nói khác đi, khế ước bị vô hiệu không phải vì nguyên nhân giả tạo mà vì nguyên nhân bất hợp pháp (điều 684 DLVN). Có lẽ nhà làm luật đã muốn nói tới danh từ “faussse cause” trong điều 1131 DLP (…). Nhưng chữ “faussse cause” ở đây không có nghĩa là nguyên nhân giả tạo mà là nguyên nhân sai lạc: Con nợ đã lầm tưởng vào sự hiện hữu của một nguyên nhân mà sự thực không có, do đó khế ước vô hiệu vì không có nguyên nhân. Khế ước phát sinh ra nghĩa vụ, nhưng khế ước chỉ có hiệu lực nếu nghĩa vụ có nguyên nhân hợp pháp. Nguyên nhân của nghĩa vụ chính là nguyên nhân của khế ước. Vậy nguyên nhân của nghĩa vụ là gì? Theo đa số các luật gia, nguyên nhân của nghĩa vụ không thể lầm lẫn với sự ưng thuận của các người kết ước và cũng không thể lầm lẫn với đối tượng của nghĩa vụ. Để phân biệt đối tượng và nguyên nhân của nghĩa vụ ta chỉ đặt ra hai câu hỏi sau: Người kết ước muốn gì? Và tại sao người kết ước lại muốn như vậy? Câu hỏi thứ nhất cho ta biết đối tượng của nghĩa vụ; câu hỏi thứ hai cho ta biết nguyên nhân của nghĩa vụ. Để phân biệt giữa nguyên nhân của nghĩa vụ và sự ưng thuận của người kết ước, ta cũng có thể đặt hai câu hỏi: Người lập ước có muốn không? và tại sao người lập ước đã muốn? Như vậy, câu hỏi thứ nhất cho ta biết người lập ước có ưng thuận không, và câu hỏi thứ hai sẽ trả lời cho ta nguyên nhân của nghĩa vụ. Nói cách khác, nguyên nhân của nghĩa vụ là một yếu tố biệt lập đồi với sự ưng thuận và đối tượng; nhờ yếu tố này mà người ta biết rõ, tại sao người kết ước đã cam kết thi hành nghĩa vụ.

I. LÝ THUYẾT NGUYÊN NHÂN
Người ta tìm thấy trong luật La Mã nhiều điều khoản nói về “causa”; nhưng danh từ “causa” trong luật La Mã không đồng nghĩa với danh từ “nguyên nhân” (la cause) được dùng trong bộ dân luât Việt Nam và bộ dân luật Pháp. Luật La Mã vốn là luật trọng thức, nên ý chí của các đương sự chỉ cần được biểu lộ một hình thức nhất định nào đó là nghĩa vụ đủ để hữu hiệu. Các luật gia La Mã gọi các hình thức phát biểu ý chí cam kết này là “cause”. Như vậy ‘causa’ là một loại vi bằng để chứng nhận sự cam kết. Với tính cách nệ thức như vậy, Luật La Mã không cần tìm biết nội dung ý chí của các người kết ước. Vì vậy, khi người trái hộ đã làm đầy đủ các hình thức trọng thể, y có nghĩa vụ phải thi hành điều đã cam kết, mặc dù không được đền đáp bởi một nghĩa vụ tương đương của người đối ước. Tuy nhiên, nhà làm luật La Mã đã cho phép con nợ bị mắc lừa được sử dụng loại tố quyền đặc biệt để thoát khỏi sự ràng buộc của nghĩa vụ đã cam kết. Loại tố quyền này được mệnh danh là “Condictiones sine causa” (Điều kiện không có nguyên nhân), nhưng chữ causa ở đây cũng không phải là nguyên nhân dùng trong dân luật Việt Nam và dân luật Pháp, vì ở đây người ta không phân tích ý chí của các đương sự mà chỉ lưu ý tới ý niệm công bằng hầu tránh không để các khế ước bất công có thể phát sinh hiệu lực. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, luật La Mã cũng đã tiêu hủy các khế ước để bảo vệ an ninh và trật tự công cộng. Nhưng xét cho kỹ thì trong luật La Mã chưa hề có ý niệm nguyên nhân như chúng ta hiểu ngày nay.
Lý thuyết nguyên nhân chỉ được thành hình tại Pháp Quốc khi giáo hội Pháp bác bỏ hình thức chủ nghĩa của Luật La Mã, để chấp nhận rằng sự thỏa hiệp của ý chí phát sinh ra nghĩa vụ và nghĩa vụ này là một bổn phận của lương tâm: Người con nợ sẽ phạm lỗi nếu không thi hành lời cam kết. Nhưng sự cam kết đó cần phải có căn bản vững chắc; do đó, để biết một sự cam kết có giá trị không, các giáo sĩ đã nghĩ tới biện pháp phân tích ý chí của các đương sự khi kết ước: Người ta xét xem các lý do khiến con nợ cam kết có đủ để người này có bổn phận tinh thần phải tôn trọng lời hứa không. Nếu các lý do này xâm phạm đến luân thường đạo lý thì các giáo sĩ sẽ tuyên bố sự cam kết vô hiệu vì không có nguyên nhân. Từ giai đoạn này, lý thuyết nguyên nhân bắt đầu được lần lần xây dựng.
Luật gia đầu tiên nghiên cứu cặn kẽ và hệ thống hóa lý thuyết nguyên nhân là Domat, một luật gia người Pháp, trong tác phẩm của ông nhan đề “Loix civiles”. Lý thuyết này gồm ba ý niệm chính:
1. Trong khế ước song vụ, nguyên nhân nghĩa vụ của một bên đương sự là lời cam kết của bên kia. Hai nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau và là nguyên nhân cho lẫn nhau. Ví dụ: Trong khế ước mua bán, người mua cam kết trả tiền cho người bán và người bán cam kết giao hàng cho người mua. Nghĩa vụ giao vật của người bán là nguyên nhân nghĩa vụ trả tiền của người mua và ngược lại.
2. Trong khế ước giao nạp, như sự vay mượn, trong đó chỉ có một nghĩa vu, nguyên nhân của nghĩa vụ đó là sự giao nạp tài vật của chủ nợ cho con nợ là nguyên nhân nghĩa vụ của người con nợ phải trả lại tài vật cho chủ nợ.
3. Trong khế ước vô thường, trong đó không có đối khoản tương ứng, thì nguyên nhân của nghĩa vụ chỉ có thể tìm thấy nơi ý muốn của người tặng dữ, tức là lý do trọng yếu đã thúc đẩy người chủ tặng cho của.
Điều đáng chú ý trong lý thuyết của Domat là ông ta đã gạt bỏ quan niệm chủ yếu của giáo hội Pháp. Thực vậy, giáo hội Pháp chủ trương tìm nguyên nhân của nghĩa vụ trong ý chí của các người kết ước; còn Domat chủ trương tìm nguyên nhân của nghãi vụ căn cứ vào những dữ kiện khách quan của khế ước. Lý thuyết nguyên nhân của Domat đã được các luật gia danh tiếng đương thời tán đồng. Pothier viết trong cuốn sách nhan đề: “Obligation” như sau: “Mọi điều cam kết đều phải có một nguyên nhân đích thực; nếu không có nguyên nhân, có nguyên nhân sai lạc hoặc vi phạm tới thuần phong mỹ tục, thì sự cam kết sẽ vô hiệu cũng như khế ước chứa đựng sự cam kết ấy“. Và khi soạn thảo bộ Dân luật Pháp, nhà làm luật đã công nhận lý thuyết nguyên nhân của Domat là hợp lý và hữu ích. Các điều 1131-1132-1133 DLP đã chép lại gần như nguyên văn những điều Pothier viết trong cuốn “Obligation“. Khi bàn về nguyên nhân nói trong bộ Dân luật Pháp, các tác giả cổ điển Pháp hồi thế kỷ 19 đã lập lại quan niệm của Domat: Trong khế ước song vụ, nguyên nhân nghĩa vụ của mỗi bên đương sự là nghĩa vụ của bên kia. Trong khế ước giao nạp, nguyên nhân của nghĩa vụ là sự giao nạp tài vật. Trong khế ước tặng dữ thì nguyên nhân là ý muốn cho của. Như thế nguyên nhân có tính cách hoàn toàn khách quan. Người ta chỉ có thể tìm nguyên nhân của nghĩa vụ nơi các yếu tố khách quan mà thôi. Tại sao người ta lại cam kết? Đó là tại vì bên kia cam kết một đối khoản. Nếu không có đối khoản thì nghĩa vụ sẽ không có nguyên nhân. Do đó người ta đi đến một ý niệm hết sức trừu tượng về nguyên nhân: Nguyên nhân là sự chú trọng đến đối khoản do khế ước mang lại. Các luật gia cổ điển chủ trương rằng không thể tìm nguyên nhân của nghĩa vụ bằng cách phân tích ý chí thực sự của người kết ước, vì người ta phải tôn trọng ý nghĩ thầm kín của tư nhân. Các tác giả này nhấn mạnh là cần phải phân biệt giữa nguyên nhân và lý do. Nguyên nhân bao giờ cũng giống nhau đối với một loại khế ước. Ví dụ: Trong khế ước mua bán, sở dĩ người ta giao hàng là vì người bán hứa trả tiền và ngược lại. Điều này là đúng với mọi khế ước mua bán. Trái lại lý do có tính cách hoàn toàn cá nhân, riêng biệt cho mỗi người kết ước. Ví dụ: Cùng mua một cái nhà nhưng có người mua để ở, có người mua để cho thuê, có người mau để phá đi. Sự phân biệt giữa nguyên nhân và lý do rất quan trọng, vì trong khi một khế ước không có nguyên nhân hoặc nguyên nhân sai lầm hay bất hợp pháp sẽ vô hiệu. Sự lầm lẫn về lý do không ảnh hưởng gì đến sự hữu hiệu của khế ước.
Lý thuyết cổ điển về nguyên nhân trên đây đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Luật gia Planiol cho rằng lý thuyết nguyên nhân vừa sai lầm, vừa vô ích:
– Theo Domat thì trong khế ước song vụ, nghĩa vụ một bên là nguyên nhân sự cam kết của bên kia. Planiol nói rằng trong khế ước song vụ, nghĩa vụ của hai bên phát sinh cùng một lúc, như thế người ta không thể quan niệm được rằng nghĩa vụ của một bên lại có thể là nguyên nhân nghĩa vụ của bên kia, vì hậu quả và nguyên nhân không thể phát sinh cùng một lúc được. Trong loại khế ước giao nạp, yếu tố mà Domat cho là nguyên nhân của nghĩa vụ, thì đó chính là hành vi cấu tạo ra khế ước. Nếu không có sự giao nạp tài vật thì cả khế ước ký thác hay vay mượn đều không thể có được vì thiếu đối tượng. Trong loại khế ước tặng dữ, ý muốn tặng dữ mà Domat coi là nguyên nhân của nghĩa vụ chỉ là một ý niệm trống rỗng, không có ý nghĩa.
– Trong mỗi trường hợp mà bộ dân luật dùng tới ý niệm nguyên nhân, người ta có thể đạt tới cùng một kết quả bằng cách áp dụng những ý niệm khác, nhất là ý niệm về đối tượng. Trong trường hợp cần phải tiêu hủy một nghĩa vụ vì thiếu nguyên nhân, như nghĩa vụ trả tiền cho người bán khi vật bán bị tiêu thất, một cách giản dị hơn, người ta có thể tiêu hủy nghĩa vụ này vì thiếu đối tượng. Trong các trường hợp nghĩa vụ vô hiệu vì có nguyên nhân bất hợp pháp, người ta có thể tiêu hủy nghĩa vụ này với lý do là các khế ước tạo lập ra các nghĩa vụ đó có đối tượng bất hợp pháp. Ví dụ: Tôi thuê một người chuyên chở cho tôi một số hàng quốc cấm; trong trường hợp này người ta có thể nghĩ rằng nghĩa vụ của nhà chuyên chở vô hiệu vì nguyên nhân bất hợp pháp, nhưng sự thực nghĩa vụ cũng như khế ước chuyên chở vô hiệu vì có đối tượng bất hợp pháp: chuyên chở hàng quốc cấm. Để kết luận, Planiol nói rằng có thể gạt bỏ hẳn ý niệm nguyên nhân trong luật nghĩa vụ mà không gây một hậu quả nào cả.
Giáo sư Vũ Văn Mẫu, trong một bài khảo luận đăng trong tạp chí luật học Kinh tế (1961 số 1 trang 3), đã chia sẻ quan điểm của Planiol và chủ trương rằng ý niệm nguyên nhân vừa lỗi thời, vừa sai lạc, vừa vô ích. Tác giả nói rằng sự giao nạp tài vật trong khế ước giao nạp hay sự tương thuộc giữa các nghĩa vụ trong khế ước song vụ thực ra là thành tố của mỗi loại khế ước ấy, thiếu thành tố này thì khế ước tất nhiên sẽ không được thành lập. Đối với các khế ước vô thường, nguyên nhân nghĩa vụ lại càng vô ích, vì ở đây người ta coi ý muốn tặng dữ như nguyên nhân của nghĩa vụ vô thường. Giải thích như thế không có ích lợi gì trên thực tế, vì khi một người đã làm một sự tặng dữ, trừ khi họ điên dại, còn bất luận trong trường hợp nào, họ cũng có ý muốn tặng dữ.
Ngoài lý thuyết nguyên nhân cổ điển và lý thuyết chống nguyên nhân trên đây, người ta còn phải kể tới lý thuyết của luật gia Henri Capitant -Tác giả này, sau khi xác nhận rằng lý thuyết nguyên nhân của Domat là cần thiết và hữu ích, chủ trương như sau:
– Nguyên nhân là mục đích mà các người kết ước theo đuổi, mục đích đó là sư thi hành nghĩa vụ do người đối ước đã cam kết. Tuy nhiên, dựa trên thực tế, Capitant nói rằng, cần phải để ý tới lý do, vì trên thực tế, chính lý do đã thúc đẩy người ta kết ước. Nhưng vẫn trung thành với quan niệm cổ điển phân biệt giữa nguyên nhân và lý do, Capitant đề nghị chỉ nên lưu tâm tới lý do quyết định và gọi lý do đó là nguyên nhân của nghĩa vụ. Ông ta nói: “các đương sự kết ước có thể đem vào vòng cam kết của họ một sự quan tâm nào đó để trở thành một yếu tố cấu tạo của khế ước, và khi ấy trong việc thẩm định khế ước, người ta để ý tới yêu tố này”. Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh rằng yếu tố ấy không phải là những lý do thường: “Lý do và mục đích theo đuổi khác nhau. Lý do vốn có trước khi có sự thỏa hiệp của ý chí và ở torng thâm tâm của người kết ước. Trái lại, mục đích theo đuổi thuộc về tương lai, và khế ước được thành lập là để tiến tới mục đích ấy”.
Sự phân biệt của Capitant giữa nguyên nhân và lý do xét ra không xác đáng. Mục đích theo đuổi nói cho cùng chỉ là một lý do, và lý do theo định nghĩa của nó bao giờ cũng có trước hành vi của ý chí. Luật gia G.Ripert cho rằng phân biệt như thế chỉ thêm rắc rối, thực ra nguyên nhân chỉ là lý do quyết định của nghĩa vụ. Nhưng lý do thường thay đổi, không giống nhau và không thể biết trước được. Vì vậy phải đi tìm nguyên nhân của nghĩa vụ trong các yếu tố vật chất của khế ước. Sự chú trọng vào lợi ích do khế ước mang lại tự nó có thể đủ để minh chứng cho sự tạo lập nghĩa vụ. Ví dụ: Trong khế ước đoạn mại, ý chí bán được minh chứng bởi số tiền thâu hoạch. Như vậy lý do không còn có tính cách cá biệt nữa mà chỉ còn là ý chí thụ hưởng đối khoản chiếu theo khế ước. Lý do đó là nguyên nhân của nghĩa vụ. Như vậy nguyên nhân bao giờ cũng giống nhau trong một loại khế ước, đó là lý do quyết định mà người ta gán cho ý chí sau khi phân tích các cung khoản trong khế ước. Tuy nhiên, người ta không thể bỏ qua ý chí thực sự, tức là lý do thầm kín của người kết ước, khi tạo lập khế ước chỉ là một phương cách để đạt tới mục đích bất hợp pháp. Chính vì chú trọng tới mục đích bất hợp pháp đó là lý do quyết định của ý chí, lý do chủ quan và cá biệt ấy sẽ được coi là nguyên nhân của nghĩa vụ, và nguyên nhân bất hợp pháp sẽ khiến cho khế ước bị vô hiệu. Mặc dù có sự tranh luận trong học lý, người thì cho rằng nguyên nhân là một ý niệm sai lạc và vô ích, người thì cho rằng nguyên nhân là một ý niệm căn bản và cần thiết của nghĩa vụ, nhưng có một điều chắc chắn là Bộ dân luật Pháp và bộ Dân luật Việt Nam đã chấp nhận ý niệm nguyên nhân và coi đó là một yếu tố cấu tạo khế ước.

II. SỰ ÁP DỤNG TRÊN THỰC TẾ Ý NIỆM NGUYÊN NHÂN. Theo điều 683 DLVN thì nghĩa vụ sẽ vô hiệu nếu không có nguyên nhân hoặc có nguyên nhân sai lầm hay bất hợp pháp.
1. Trường hợp nghĩa vụ thiếu nguyên nhân hoặc có nguyên nhân sai lầm: Mọi nghĩa vụ điều phải có nguyên nhân; nghĩa vụ không có nguyên nhân khi nào không có đối khoản. Sự khiếm khuyết nguyên nhân ở đây thực ra là một sự lầm lẫn về sự hiện hữu của đối khoản: Đương sự ký kết chú trọng đến một đối khoản hư vô. Sự tưởng lầm về sự hiện hữu của đối khoản đó chính là nguyên nhân sai lầm. Hai văn thức pháp lý khiếm khuyết nguyên nhân và nguyên nhân sai lầm chỉ chung một tình trạng, nhưng dưới hai khía cạnh khác nhau: Trên phương diện khách quan, khi không có đối khoản, người ta nói rằng ý chí không có nguyên nhân để cam kết, đó là khiếm khuyết nguyên nhân; nhưng nếu phân tích ý chí của đương sự thì người sẽ thấy rằng, đương sự đã tưởng lầm về sự hiện hữu của nguyên nhân, đó là nguyên nhân sai lầm. Trong các khế ước song vụ, nghĩa vụ sẽ không có nguyên nhân khi người kết ước không nhận được một đối khoản nào cả. Đối khoản có thể là một vật hay một dịch vụ, vật đó có thể đã bị tiêu hủy trước khi kết ước và dịch vụ đó có thể đã trở thành vô ích hoặc không thể thực hiện được. Ví dụ: Trong một khế ước đoạn mại bất động sản, nếu vật bán bị tiêu hủy vào lúc lập khế ước, người ta có thể suy luận rằng, khế ước đó vô hiệu vì hai lý do: Nghĩa vụ của người bán không có đối tượng vì vật bán bị tiêu hủy; Nghĩa vụ của người mua không có nguyên nhân vì không có đối khoản. Áp dụng rộng rãi sự suy luận này, án lệ tại Pháp đã tiêu hủy một khế ước mua bán bất động sản mà giá bán được trả bằng một niên kim, khi niên kim này kém số tiền lợi tức bất động sản (PA. Pháp 10-2-1935 DH 1935-137). Án lệ ấy cũng tiêu hủy khế ước mua bán nếu đối khoản có tính cách không tưởng, hoặc giá bán quá rẻ. Riêng đối với các khế ước may rủi, có thể nói rằng, các khế ước ấy khiếm khuyết nguyên nhân nếu sự may rủi không còn nữa. Ví dụ: Khế ước bảo hiểm sẽ vô hiệu nếu khi ký kết khế ước, vật bảo hiểm đã bị tiêu hủy hay không còn có thể bị rủi ro được nữa. (điều 97 sắc luật số 16/65 ngày 17/9/1965 về hội bảo hiểm). Đối với khế ước độc vụ, như khế ước giao nạp (khế ước cho vay, khế ước ký thác), án lệ tại Pháp cho rằng những khế ước ấy không được kết lập nếu như không có sự giao nạp đồ vật cho vay hay ký thác. Đối với khế ước tặng dữ, nếu người ta coi nguyên nhân của nghĩa vụ là ý muốn tặng dữ, thì người chủ tặng khó lòng mà chứng minh được sự khiếm khuyết nguyên nhân, vì chỉ có người điên mới cho người khác một tài sản mà không có ý muốn tặng dữ. Để tiêu hủy những sự tặng dữ trái luân thường đạo lý hay trật tự công cộng, án lệ coi nguyên nhân ở đây là lý do quyết định đương sự thực hiện sự tặng dữ. Muốn tiêu hủy một sự tặng dữ thiếu nguyên nhân, người chủ tặng phải chứng minh là đã lầm lẫn về lý do này.
2. Nguyên nhân bất hợp pháp hay bại luân: Nghĩa vụ có nguyên nhân bất hợp pháp hay bại luân khi nào sự tạo lập nghĩa vụ đó nhằm một mục đích bất hợp pháp hay bại luân. Khế ước thường bất hợp pháp do đối tượng của nó. Một khế ước chỉ có nguyên nhân bất hợp pháp khi nào các đương sự có ý muốn xâm phạm luật pháp. Đó là trường hợp của một vài khế ước được lập ra để phòng ngừa sự phá giá tiền tệ. Ví dụ: Trong khế ước quy định là món nợ sẽ được tính thành bạc Việt Nam chiếu theo hối suất của một ngoại tệ như đồng Mỹ kim. Chủ đích của khế ước này hợp pháp vì món nợ được thanh toán bằng tiền VN, nhưng nguyên nhân bất hợp pháp vì các người kết ước đã muốn xâm phạm tới trị giá pháp định của đồng bạc VN. Án lệ đã cấm đoán loại khế ước này. Trái lại, khế ước thường có tính cách bại luân vì nguyên nhân của nó. Án lệ tại Pháp đã tiêu hủy các hợp đồng có mục đích khuyến khích trai gái sống ngoại hôn với nhau; ngược lại các khế ước nhằm mục đích chấm dứt cuộc sống ngoại hôn đó lại được coi là hữu hiệu. Trong trường hợp thứ nhất, nguyên nhân có tính cách bại luân, trong trường hợp thứ hai, nguyên nhân được khuyến khích. Án lệ cũng đã căn cứ trên ý niệm nguyên nhân để tiêu hủy các khế ước được thành lập để khai thác nhà chứa gái mãi dâm hoặc để tán trợ cho một cuộc sống ngoại tình. Nghĩa vụ trong các khế ước này có thể có đối tượng hợp pháp, nhưng nguyên nhân của nó bất hợp pháp.
Khế ước thiếu nguyên nhân hay có nguyên nhân sai lầm, có nguyên nhân bất hợp pháp hay bại luân thì hậu quả sẽ ra sao? Nguyên nhân là một yếu tố cấu tạo nên khế ước cho nên nếu khế ước thiếu nguyên nhân hoặc nguyên nhân sai lầm sẽ bị coi là hư vô, tức là không có. Tuy nhiên, khế ước có thể chỉ khiếm khuyết một phần nguyên nhân mà thôi. Ví dụ: Trong khế ước đoạn mại, vật bán bị tiêu hủy một phần. Trong trường hơp này người mua có thể xin hủy bỏ khế ước hoặc vẫn mua phần còn lại, nhưng chỉ trả tiền theo tỉ lệ tương đương với phần còn lại mà thôi. (Điều 990 DLVN). Trong trường hợp nguyên nhân có tính cách bại luân hay bất hợp pháp thì khế ước sẽ bị vô hiệu tuyệt đối (điều 13 DLVN). Nếu một bên kết ước đã thi hành nghĩa vụ của mình, người ấy có quyền xin hoàn lại cung khoản. Nhưng nếu chính họ theo đuổi một mục đích bại luân thì sẽ không thể đòi hỏi như vậy, do sự áp dụng của tục dao: “Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” (Không ai có thể nại ra một lầm lỗi của chính mình).

III. VẤN ĐẾ DẪN CHỨNG NGUYÊN NHÂN
Theo nguyên tắc chung, người chủ nợ khi đòi hỏi sự thi hành một nghĩa vụ, phải dẫn chứng nguyên nhân của nghĩa vụ đó. Nhưng trên thực tế, vấn đề không giản dị như vậy. Đối với khế ước song vụ, bằng chứng về nguyên nhân không phải do chủ nợ đem lại, mà là do sự nghiên cứu các yếu tố khách quan của khế ước. Trái lại, đối với khế ước độc vụ, vấn đề dẫn chứng nguyên nhân rất quan trọng. Thường thì bao giờ người chủ nợ cũng có một văn tự ghi nhận sự hiện hữu của nghĩa vụ, nhưng văn tự đó, có thể có ghi hay không ghi nguyên nhân của của nghĩa vụ. Trong trường hợp văn tự có ghi nguyên nhân của nghĩa vụ thì khi xuất trình văn tự đó, chủ nợ đã mang lại hai bằng chứng: Một bằng chứng về nghĩa vụ và một bằng chứng về nguyên nhân. Dĩ nhiên con nợ có thể phủ nhận các điều ghi trong văn tự về sự hiện hữu của nguyên nhân, nhưng trong trường hợp này, con nợ phải mang lại phản chứng bằng giấy tờ. Ví dụ: Trong một khế ước vay tiền, con nợ có thể nại rằng, trái với điều khoản ghi trong văn tự, số bạc chưa được giao cho y. Trong trường hợp này, con nợ phải xuất trình giấy tờ để chứng minh cho lời nói của mình. Nhưng nhiều khi chủ nợ xuất trình một văn tự trong đó không có ghi nguyên nhân của nghĩa vụ. Ví dụ: Một giấy nhận nợ trong đó ghi rằng: “Tôi nhận có thiếu của ông X một số tiền là … “, hoặc “Tôi hứa sẽ trả cho ông X một số tiền là…”, mà không nói tại sao. Trường hợp này đã được dự liệu bởi điều 685 DLVN: “Ngoài ra, khế ước cũng không vô hiệu mặc dầu nguyên nhân không được nêu rõ“. Điều khoản này có nghĩa là một văn tự có thể là bằng chứng của nghĩa vụ mà không phải là bằng chứng của nguyên nhân. Như thế, phải chăng trong trường hợp này chủ nợ sẽ phải mang lại bằng chứng về nguyê nhân? Giải thích như vậy e rằng điều 685 DLVN trở thành vô ích, vì dù không ghi rõ nguyên nhân, văn tự cũng là một khởi điểm bút chứng và theo nguyên tắc chứng minh chung thì trong trường hợp này, chủ nợ có quyền xuất trình thêm bằng cớ. Mặt khác, giải thích như thế là trái với ý muốn của các người kết ước vì khi không ghi rõ nguyên nhân, các đương sự đã muốn tránh mọi sự tranh nại có thể xảy ra sau này liên quan đến nguyên nhân của nghĩa vụ.Chủ nợ chắc chắc không chịu đặt mình trong một thế bất lợi là phải dẫn chứng nguyên nhân sau này. Thực ra, điều 685 DLVN đã miễn cho chủ nợ khỏi phải dẫn chứng nguyên nhân của nghĩa vụ: Chủ nợ không phải mang lại bằng cớ về nguyên nhân, mặc dù các đương sự không nói rõ điều đó trong khế ước. Nhưng con nợ có thể dẫn chứng sự khiếm khuyêt nguyên nhân hoặc nguyên nhân bất hợp pháp. Án lệ tại Pháp đã chấp nhận sự giải thích này (PA Pháp 28-10-1885 D 1886-I-69). Sau hết, có những trường hợp khế ước có ghi rõ nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đó hoàn toàn biểu kiến và che giấu nguyên nhân thực sự. Ví dụ: Chủ nhân của hiệu buôn buộc một người thợ viết giấy nhận có vay một số tiền, trong khi đó số tiền này thực ra là đã bị người thợ này biển thủ. Sự che giấu nguyên nhân trong trường hợp này không làm cho khế ước vô hiệu: Nghĩa vụ không vô hiệu vì nguyên nhân bị che giấu. Do đó, chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa nguyên nhân che giấu (hay giả tạo) và nguyên nhân sai lầm. Nhưng nguyên nhân đích thực phải hợp pháp thì khế ước mới hữu hiệu được (điều 684 DLVN)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar